Friday, August 7, 2009

"Lò Vi Sóng"

"LÒ VI SÓNG"

Hồng Đức

Tiếng Việt tuyệt vời, dịch chan chát từng chữ “micro-wave oven” thành “lò vi sóng” thì không ai bảo là sai được. Vì “oven” là cái lò, “wave” là sóng, còn “micro” thì là nhỏ xíu, mà nhỏ xíu thì gọi là “vi” được chứ sao, như vi khuẩn là con gì nhỏ xíu mắt không thấy được. Vi vu là tiếng gió thổi vu vu nhỏ xíu!?, vi hành là hành động của nhà vua đi dưới dạng người tầm thường bé nhỏ để quan sát dân tình??!. Quả không sai tí nào!!?? Vi sóng. Nhưng sao nó kì kì thế nào ấy.

Có lẽ vì ngày trước cũng đã có người dịch “micro wave” là “vi ba” nghe quen tai rồi nên giờ gặp “vi sóng” bèn thấy kì chăng? Hình như không phải vậy. Vì rõ ràng người Việt ta quen ăn thịt chó chấm mắm tôm rồi mà đến khi vào quán, nhà quán đưa mắm thấm ra cho chấm thịt cầy ăn vẫn cứ thấy tuyệt vời đó sao. Uống đế Gò Đen quen rồi mà đến khi có ai cho chai Ông già chống gậy cũng có chê đâu. Ngắm vợ quen mắt rồi mà đến khi gặp người đàn bà khác cũng vẫn cứ thích như thường. Vậy mà sao nghe “vi ba” rồi, giờ nghe “vi sóng” thấy kì. Đây không phải là vấn đề thủ cựu hay cố chấp gì rồi. Chắc là chuyện khác.

Có lẽ khỏi phải bàn ai cũng biết “vi” và “ba” là từ Hán Việt. Và chắc cũng không ai khác định nghĩa từ Hán Việt theo kiểu một giáo viên nọ ở một ngôi trường cấp hai (trong buổi dạy mà tôi dự giờ) đã định nghĩa với học sinh lớp 7 rằng từ Hán Việt là một từ ghép bởi một từ Hán và một từ Việt với nhau. Cô còn đưa ra một ví dụ nghe rất điển hình như “diễn viên”, và giải thích “diễn” là từ Việt có nghĩa là diễn trò, còn “viên” là từ Hán có nghĩa là người, và vài ví dụ kinh dị khác, ai cũng đóan ra.

Và có lẽ cũng khỏi phải bàn ai cũng nhận đúng rằng trong một cụm từ ghép có nghĩa cố định, nếu một từ đã là Hán Việt thì các từ còn lại cũng là Hán Việt. Như “học sinh”, “nội trú”, “điện thoại”, “phi công”, “thị trường”, “hàn lâm viện”, “đại sứ quán” (“quán” ở đây không phải cái quán ăn và “đại” cũng chẳng phải là to). Cho nên khi nghe cụm từ “vi ba”, cả 2 từ đều là Hán Việt, ai cũng thấy thuận tai.

Còn một khi chọn sử dụng cụm từ “vi sóng”, ghép một Hán Việt một Việt thuần và phát ra rả trên truyền thanh và truyền hình cũng như đăng tải liên tục trên báo chí thì mai này người Việt chúng ta sẽ kế thừa cách ghép từ này và phát sinh ra – chứ không phải “phát đẻ” ra:

- trường “Học to Y thuốc”, trường “Học vừa Dạy Học” (sư phạm là dạy học?) và trường “Học nhỏ bán chung”,

- một con người “vĩ to”,

- Ông (hay Bà, Chú, Bác) gì gì đó là một “vĩ người”,

vân vân, độc giả (chứ không phải đọc giả) có thể tự tìm được hàng trăm ví dụ khôi hài (chứ không phải khôi cười) khác.

Nhưng coi chừng, nếu việc đọc và nghe nó đã thành thói quen thì những từ ghép “vô tội vạ” kia sẽ trở thành từ thuần Việt và mang được những ý nghĩa nhất định thì thật tủi hổ vong linh tiên tổ chúng ta đã dầy công gọt giũa tiếng Việt, những mong để lại cho con cháu một thứ ngôn ngữ đẹp đẽ và phong phú.

Nói đi thì phải nói lại, phong trào Việt hóa các từ Hán Việt của tiếng Việt đã bắt đầu từ lâu, và từ “vi sóng” mới xuất hiện cho ta biết rằng phong trào đó vẫn còn đang tiếp diễn. (mà có thực sự phải Việt hóa không?) Chính vì muốn Việt hóa mà người ta đã thay chữ “ba” thành “sóng”. Nhưng nếu đừng chấp nê rằng chữ “micro” phải có nghĩa là nhỏ xíu chứ không thể là ngắn, đừng nhất định không chịu hiểu micro wave có nghĩa thật là sóng cực ngắn để chịu dịch “lò vi ba” thành “lò sóng ngắn” thì đã được một từ tuy nghe mới mẻ lạ tai nhưng lại không dị tí nào.

Quả thực làm điều gì đến nơi đến chốn thì ít khi sai. Còn tốt hay không lại là chuyện khác. Tỉ như một kẻ gian ác, nếu nó là một gã cực gian ác, nó sẽ làm đến nơi đến chốn bất cứ điều gì nó muốn. Và cẩn thận, nó sẽ thành công đấy, kể cả việc quét sạch một nền văn minh. Chỉ trừ...

------------------------------------

PHIÊN ÂM MỘT HỆ THỐNG PHIÊN ÂM

Hệ thống sư phạm Việt Nam có những phương pháp giáo dục mang tính sáng tạo đến bất ngờ. Gọi là sáng tạo vì trước nó ở khắp nơi trên thế giới không ai nghĩ ra. Bất ngờ vì cho tới giờ này cũng vẫn chưa ai hiểu được người ta tạo ra phương pháp đó để làm gì, ngòai những người tạo ra và áp đặt nó..

Chuyện là trong phương pháp giảng dạy bộ môn kí xướng âm cho 2 cấp lớp 6 và 7 ở trường phổ thông có phương pháp “dấu tay”. Đây là một phương pháp bắt buộc các giáo viên nhạc phải biết và xử dụng thành thạo. Người ta cũng bắt buộc phải dùng phương pháp này khi dạy trên lớp trong giờ kí xướng âm.

Theo phương pháp này, mười ba vị thế của bàn tay phải (tay trái dành để chỉ chỏ gì đó) được qui định cho mười ba tên nốt nhạc từ nốt Sol2 đến nốt Mi4 (là các cao độ trong tầm cữ giọng của học sinh). Thí dụ bàn tay nắm lại khuỷu tay ngang là ĐỒ, ngón trỏ chĩa lên là nốt SI. Và học sinh sẽ xướng âm bài xướng âm viết đúng kí âm pháp trên bảng trong khi mắt lại phải nhìn vào các “dấu tay” của giáo viên.

Như ta đã biết, tên cao độ của âm thanh được qui định bởi vị trí của đầu nốt trên khuông nhạc có khóa. Cứ theo vị trí cao thấp của chúng mà tính. Lần ra từ từ thì dễ nhưng để nhớ và gọi tên chúng không theo thứ tự nào hết thì lại là vấn đề, phải thực hành nhiều.

Thấy được cái khó đó của học trò, người ta đã sáng tạo ra “dấu tay” để khi phải đọc tên một nốt nhạc nào đó học trò chỉ cần nhìn dấu tay của giáo viên là biết và đọc đúng tên nó. Nhưng người ta quên mất rằng thế thì học trò lại phải học thuộc thêm 13 điều mới nữa và không phải lúc nào cũng có một ông thầy đang ra “dấu tay”.

Để nhớ được tên của mười ba trái banh treo trên hàng rào theo vị trí cao thấp của chúng đã khó, nay lại phải nhớ thêm tên của mười ba thằng bé sẽ ra nhặt những trái banh đó thì quả không ai biết để làm gì. Khi được hỏi câu này, người ta đáp là để khi đứa bé nào nhặt banh thì lấy tên nó mà gọi cho banh???

Nói đi thì phải nói lại, thực ra phương pháp “dấu tay” rất có ích cho một người đứng tập hát cho tập thể mà không có bài nhạc kẻ sẵn, nghĩa là tập mù. Ai đã từng đứng tập hát cho tập thể đều biết rằng những động tác tay, chứ không phải vị thế của tay, hợp lý nào đó sẽ hướng dẫn người hát lên xuống giọng theo ý mình trong khi cảm giác âm nhạc có thể đang kéo giọng họ vào cao độ khác. Nhưng không một ca trưởng nào muốn rằng ca công sẽ hát vào một cao độ cố định nào đó theo mỗi vị thế của tay mình. Vậy ra đây chẳng phải là phương pháp “dấu tay” nào cả mà chỉ là sự cưỡng bức các thủ pháp trong điều khiển hợp xướng mà thôi.

Chẳng qua là có anh nhạc-sĩ-mù-nhạc (không biết ký âm pháp) nào đó đã “sáng kiến kinh nghiệm” ra phương pháp “dấu tay” này khi thực hành ca hát theo kiểu tập mù ở đâu đó, thấy hay hay, cho là đắc dụng trong việc học xướng âm bèn nhập khẩu vào trường sư phạm mà chẳng biết gì đến bản chất của bộ môn xướng âm hay điều khiển hợp xướng. Cái thú vị là các vị làm giáo dục cho những người chuẩn bị làm giáo dục lại thích thú với cái phương pháp giáo dục có vẻ có phương pháp này.

Thế nên khi học sư phạm nhạc, các giáo sinh mới bảo nhau rằng người ta mới nghĩ ra một hệ thống kí âm để kí âm các dấu kí âm trong bộ môn kí xướng âm âm nhạc mà không dùng tới kí âm pháp. Đố biết đó là cái gì?

Vấn đề không dừng lại ở đó. Nhìn thêm vào nhiều mặt khác nữa, ta sẽ thấy rõ ràng là ngày nay người ta hay đi tìm các hiện tượng để giải thích hoặc chứng minh các hiện tượng của các hiện tượng nào đó trong xã hội cũng như trong tự nhiên, mà bài này là một. Đố biết nhằm giải thích hiện tượng gì? Hì Hì

Hồng Đức

18 comments:

Khuyết Danh said...

Lần đầu tiên KD nghe từ "ổ cứng" trong máy.. cười muốn té ngữa vì anh bạn kia phát âm nghe như "ổ cức" ấy. Lạng quạng cái lò sóng ngắn của bác sẽ biến thành "lò súng ngắn" đấy.

Thì cho là "vi ba" đi bác HĐ, nghe hay hơn... Nhưng chữ "Lò" là "Việt" hay "Hán" vậy?

Chữ là người.. nhưng người phải thay đổi để thích ứng với thời gian... thế thì chữ phải thay theo đấy thôi.. tốt hay xấu thì chỉ bàn sau khi trà dư tửu hậu..

Thời buổi này, hiểu nhau được là vui rùi... Chẳng dám đòi hỏi thêm. Có 1 điều k bao giờ thay đổi.. đó là sự đổi thay.

Thỉnh thoảng KD vẫn thường gọi "hiệp chủng quốc" là "tạp chủng quốc"... có khác biệt gì k?

Hồng Đức said...

Chữ "lò" là từ thuần Việt, nhưng thuộc loại "loại từ" như "cái, thằng, máy..." độc lập khỏi cặp từ ghép.
Vả lại, vấn đề nằm ở đàng sau câu chuyện KD ạ. Người ta muốn thay đổi những điều không cần thay đổi để làm một chuyện khác. Chuyện phá hoại di sản của người trước, để tạo nên một loại di sản mới và tự hào vì cái mới nhưng dị hợm này.

Hồng Đức said...

trong comment của entry trước, mình nhắc lại lời của vị giáo sư khả kính Lê Ngọc Trụ: "Thói quen là chủ nhân ông của ngôn ngữ."
Và mình quote một câu chân lý "Và thói quen của loài chó là ỉa bậy" của Hồng Đức, chả phải giáo sư cũng chả phải học giả học thiệt chi cả.

Khuyết Danh said...

Đây là chuyện dài nghìn lẻ một đêm đó bác HĐ ạ. Chẳng có gì mới.. Nó bắt đầu từ khi Nhà hộ sinh biến thành "nhà đẻ", "trực thăng" biến thành "máy bay lên thẳng" đó bác ạ. Người ta tự hào đả phá cái gì củ và có ý tưởng muốn thoát Hán... giờ lại quay ngược 180 độ để được "Hán hóa", và mặt cũng vênh vênh lên đấy chứ. Chuyện cười xã hội văn hóa loài người. Tây cười Đông, giờ lại đi rước mấy cái Học viện Khổng Tử vào nhà mà hít hà khen thơm. CS cười tư bản, giờ lại bỏ cái chủ nghĩa "ở đời muôn sự của chung" mà bấu viếu, vơ vét của riêng.

Chữ nghĩa vô tội, cái tội là từ cái thói quen dị hợm của con người... Cho KD ké 1 câu nhé..."thói quen của con người là lệ thuộc quá nhiều vào hình thức mà bỏ quên ý thức."

giao gia said...

GG sợ chủ nghĩa cực đoan - dù là cực đoan chân lý - nên không dám bàn luận....
Bài của HD nêu rất nhiều kiến thức cơ bản ,GG rất thích đọc....

Hồng Đức said...

Vâng, KD ạ.
Cười tây để theo đông. Rồi lại cười Đông để theo Tây. Mà theo chỉ để mà theo chứ chẳng có kế hoạch gì. Rặt Một lũ chụp giựt.

Có điều mình "trông quả để biết cây".

Cái câu của thầy Trụ là chân lý đó, và câu đó không nói rằng điều đó thì tốt hay xấu.
Mình đã từng bị mê hoặc bởi cái "sự phát triển xã hội theo hình lò xo xoắn đi lên" của Marx. Và mình cũng vẫn tin rằng xã hội PHẢI phát triển theo hướng đó. Vì nếu không thì con người chẳng cần sống cho ra sống nữa, cứ dật dờ nay thế này mai thế khác, ai sao cũng được, ta sao cũng được.

Không nói ra thì có thể không ai biết. Mà nói ra thì cũng có thể đúng ngay điều ai cũng biết rồi. Mình chọn cái vế đầu.

Chuyện chữ nghĩa tưởng nhỏ nhưng không nhỏ đâu. Nếu không thì Tần Thủy Hoàng không đốt sách, thì thằng Tầu cũng không hủy hoại hết chữ nghĩa sách vở mình từ thời Hai Bà Trưng đến nay. Nếu không thì thằng CS cũng không đốt sách khi mới chiếm được Saigon, không tịch thu sách báo và cấm tác giả này nọ viết sách (Phạm Lưu Vũ bị đảng "rút phép thông công" rồi đó. Ông đáng trọng và đáng quí ở chỗ đã bẻ bút luôn, không như Nguyễn Ngọc Tư hay Võ Đắc Danh, mặc dù mình vẫn nể 2 người này.)

Người nghiên cứu về xã hội thì dùng các nguyên lý phát triển xã hội để đòi hỏi dân chủ.
Người làm văn nghệ thì dùng những kiến thức văn nghệ, liên hệ đến cuộc sống để chỉ ra cái thối, cái ác của tà quyền, đòi hỏi nó phải trả lại nhân quyền và dân quyền cho xã hội.

Hồng Đức said...

Bác Giáo Già bị tên nên sợ ná hè hè.
Cảm ơn thịnh tình của bác.

Khuyết Danh said...

Bác HĐ, KD thà làm kẻ dật dờ ngồi ngó kẻ chạy Đông chạy Tây.. hehehe

có lẽ bác sẽ thích quyển "Về Nguồn" của ông Đoàn Xuân!

Hồng Đức said...

he he. chỉ sợ dật dờ bị sóng cuốn theo.
Chưa đọc KD ơi.

Khuyết Danh said...

Điều đó chỉ có thời gian chứng minh thôi bác ạ...
Có sợ cũng bằng thừa... phải k nào?

"Về Nguồn" nói về sự cần thiết của dấu ngang nối trong chữ ghép mà người ta đã bỏ không dùng nữa. Dấu ngang nối giúp làm rõ xuất xứ và ý nghĩa của của từ ngữ. Và bảo đảm sẽ không có việc nữa nạc nữa mỡ như lò vi sóng... hì hì.

Hồng Đức said...

Ê. Thế thì cho mình link đi.

Khuyết Danh said...

Hì... không có bác ạ... quyển này tác giả gửi tặng KD.
có lẽ bác phải ghé tiệm sách đấy.

TÉ GIẾNG Ở YAHOO said...

Ái chà ngồi đọc mấy cái còm nhà bác mà muốn xĩu luôn á!

Tiem Tap Hoa said...

Đã Vi là hán mất rồi, tội gì không tiếp là Ba cho nó cùng tàu. Theo ngành vi ba tại VN hồi đó người ta kêu là điện cao tầng = cao tầng suất = bằng chu kỳ lướt nhanh lướt lẹ bên ngòai ( đừng lầm lộn với điện cao thế) do nó có đặc tính lướt ngòai chứ không xuyên thấu. Cũng nhờ đặc tính nầy nên thông tin bằng viba sẽ tiếp thu phát nhanh, rồi đặc tính vật lý của nó do lướt nhanh cũng có khả năng sinh nhiệt lẹ..chế ra cái lò vi..sóng. Tại mấy ông chữ nghĩa phía bắc hay thíx dùng nửa nạc nửa mỡ nên mới vi rồi sóng

Hồng Đức said...

Hình như mình cũng từng nghe đến từ "lò cao tần". Vẫn ổn hơn từ "vi sóng". Cảm ơn bác Tiệm.

Tiem Tap Hoa said...

Thưa bác cao tầng có gờ, là nhiều tầng xuất khi dòng điện nó lướt nhiều lần trong một chu kỳ lưu chuyển của một điện dẫn. Nhờ nó lướt nhiều lần nhanh, nên tạo ma xát vật lý sinh nhiệt đóa bác. Nguyên gốc chữ tầng nầy là chữ từng từng lớp lớp đóa bác.. Còn chữ tần theo bác là tần ninh cho nhừ cũng có ý nghĩa cái lò ninh cho mìm. Nhưng không đích danh vật lý của sự việc đóa bác. Nhờ em hồi đó ở gần nơi phát sóng Quán Tre Bàu Nai Hốc Gò với lại trạm phát sóng trên đường Lý Thường Kiệt sg. Đêm vắng nghe điện chạy kêu o o mới đi hỏi coi tại sao, mới biết nó là vậy đóa bác tề.

Hồng Đức said...

Cái vụ "tầng" và "tần" này mình phải coi kỹ lại mới được. Cảm ơn bác Tiệm ra cho mình quá nhiều đề tài nghiên cứu.

Tiem Tap Hoa said...

Tui giỡn với bác chút ngữ với nghĩa mà tiếng Vn có thể dùng. Tần của bác có nghĩa đa tần suất (còn tui nói tầng xuất= phát xuất ra nhiều từng, bố ai thấy được từng điện nầy chạy ra chồng lên từng kia đặng hâm cho nóng ?!) trong những đợt vi ba của đặc tính điện nhiều từng lướt nhanh và lập lại liên tiếp như những đợt sóng.Còn tôi dùng chữ tầng nầy chồng lên từng kia. Nên tui ngạo bác là tần nhiều quá tức nấu cho nhừ: giống như câu gà tần thuốc bắc đóa. Cũng là đặc tính tạo nhiệt của lò vi...sóng