Saturday, August 1, 2009

Chiếc quần mẹ may

Hồng Đức 

            Ngày tôi còn bé, mặc dù cha tôi cũng có chút địa vị trong xã hội mà cảnh nhà vẫn thiếu trước hụt sau. Có lẽ ông không chịu kiếm chác nên đành chịu để vợ con phải nín nhịn nhiều thứ. Mà mẹ tôi nào có than vãn gì. Bà chắt chiu từng đồng trong số lương ba cọc ba đồng của một sỹ quan cấp nhỏ để lo cho lúc đó là năm đứa anh em chúng tôi. Bà nhịn quần áo son phấn, nhịn xe pháo rong chơi, nhịn cả các món ăn tinh thần như phim ảnh sách báo. Và mẹ tôi chỉ còn có một nguồn vui là chăm sóc con cái. Mẹ tôi tiết kiệm cả tiền mua sắm quần áo cho con cái, tập thêm việc cắt may và lấy anh em chúng tôi ra làm người mẫu. Dần dần mẹ tôi cũng biết may quần áo cho chúng tôi mặc ở nhà, rồi áo sơ mi cho chúng tôi đi học, cả váy đồng phục cho hai đứa em gái của tôi nữa. Chỉ có cái khoản quần tây là mẹ tôi phải bấm bụng chịu chi cho mấy sạp bán quần áo may sẵn ở chợ. Mà mẹ tôi cứ bảo quần áo may sẵn không đẹp, lại may bằng hàng rẻ tiền nên đứt chỉ, sờn vải nhanh lắm, mặc mau cũ mau xấu. Với lại chúng tôi vẫn chưa có quần tây đẹp để mặc đi lễ đi lạy. Cứ phải mặc quần soọc vì mẹ tôi mới chỉ biết may quần soọc. Vả lại con nít mặc quần soọc trông tươi tắn hồn nhiên hơn.

Năm đó anh cả tôi vào trung học đệ nhị cấp[1], còn tôi thì năm cuối đệ nhất cấp. Một hôm mẹ tôi gọi 3 anh em trai chúng tôi vào thử quần bảo là để mặc đi lễ. Chúng tôi biết mẹ đã mua 3 xấp hàng để may quần tây “vía” cho chúng tôi vì dạo ấy mẹ tôi cũng đã tập tành được chút đỉnh và đã có thành quả là mấy cái quần đồng phục của tôi đã là do mẹ tôi may, không còn phải mua ở chợ nữa rồi. Ba anh em chúng tôi, mỗi đứa được mẹ phát cho một cái quần tây bằng một loại vải dầy dặn, mỗi đứa một màu. Tôi và thằng em kế thì chưa biết để ý gì đến quần là áo lượt, trước giờ cứ có sao mặc vậy quen rồi nên hồn nhiên đi tới đi lui cho mẹ xem. Nhưng anh cả tôi, bị sống trong môi trường nội trú chung với những đứa không ra gì hay xoi mói vào quần áo đồ dùng của người khác, chúng làm anh tôi sợ không dám có cái gì khác chúng, anh không hồn nhiên như chúng tôi mà không bằng lòng ra mặt, bảo sao cái gấu quần kì quá, bên thì thẳng còn bên kia thì cứ quặt vào bên trong. Cả cái cửa quần, khi ngồi xuống nó cứ nhất định phải phồng lên và hở cả phẹc-mơ-tuya ra. Anh nhất định không chịu mặc và đòi phải đi chợ mua quần khác hay phải tháo ra may lại. Mẹ tôi bảo đẹp rồi, cứ mặc mà đi học và đi lễ. Vì, sau này tôi mới hiểu, lúc đó khả năng của mẹ tôi chỉ đến thế. Mẹ tôi không tài nào hiểu được tại sao nó lại ra như thế thì làm sao mà sửa lại. Vả, tiền thì đã mua vải hết rồi, lấy đâu ra mà mua quần khác. Mẹ tôi năn nỉ anh cả tôi để anh ấy chịu mặc. Nhưng anh cả tôi đã cởi phắt cái quần ấy ra, quẳng lên trên bàn máy may và vùng vằng bước ra cửa. Mẹ tôi khóc. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi khóc vì con cái. Hôm ấy là lần đầu tiên.

Rồi sau này khi chúng tôi lớn lên, tôi thấy mẹ tôi cũng hay khóc, nhưng là khóc thương con khổ sở, hay khóc vì lo cho con không có tương lai. Nhưng cái lần ấy, không biết thằng em tôi nó có để ý không, những giọt nước mắt đó của mẹ tôi vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ, khi mà mẹ tôi không còn nữa. Và anh cả tôi cũng được mẹ tôi khóc thương khi anh ấy ra đi trước mẹ tôi được đúng một năm. Cho tới ngày mẹ tôi mất, tôi vẫn nhủ lòng không được làm cho mẹ buồn vì từ chối một món đồ ăn hay bất cứ cái gì mẹ cho. Nhưng thú thật, tôi chưa thấy cái gì mẹ tôi cho lại không ngon, không đẹp.

Rồi sau này, khi lớn lên, mỗi dịp giỗ mẹ tôi lại nhớ và rồi chợt hiểu được câu nói của thầy giám thị trường tôi năm tôi học đệ thất. Học sinh chúng tôi phải mặc đồng phục và phải nhét vạt áo vào trong quần tây. Cái áo tôi mặc là cái áo cũ của cha tôi được mẹ tôi cắt ra may lại, nó hơi rộng nên dù bỏ vào trong quần nó vẫn lùng phùng che mất cái cạp của cái quần cũng là may từ cái quần cũ của cha tôi. Lúc đó mẹ tôi chưa biết may cửa quần, lại cũng không biết làm cạp nên cái quần của tôi là một cái quần vải quần tây nhưng lại có thun ở cạp và có hai cái túi đắp hai bên hông. Thầy giám thị kiểm tra lũ con trai hễ cứ sểnh ra là bỏ áo ra ngoài quần cho thoải mái, rồi khi gặp thầy cô giáo thì cuốn  vạt áo vào trong làm ra vẻ đã bỏ vào trong quần vậy. Thầy lấy cây roi mây vén chỗ áo lùng thùng của tôi lên, hỏi “Cái quần này... ở đâu ra?” Tôi vốn đã sợ từ trước vì nó màu đen, không đúng với nội quy đồng phục. Run run tôi trả lời: “Thưa thầy, mẹ con may...” Thầy giám thị rút cây roi mây về, chăm chú nhìn cái quần của tôi một lúc rồi bảo: “Mày hạnh phúc lắm đấy, con ạ.”

Hồi ấy, tôi hoàn toàn không hiểu sao thầy lại bảo mình hạnh phúc và vẫn thắc mắc sao thầy không đánh đòn, vì tôi ăn mặc hoàn toàn không đúng đồng phục nhà trường, những đứa khác bị ba roi quắn đít kèm với lời dặn không được mặc quần đen, quần xanh lá cây... Không những cái quần của tôi màu đen mà cái áo của tôi cũng không phải màu trắng, nó màu ngà, một màu áo thời trang của công chức thời đó. Nhưng nghe giọng thầy giám thị lúc đó thì tôi biết chắc rằng tôi sẽ không ăn đòn vì thầy chỉ dùng cái giọng đó và gọi “mày” với những đứa mà thầy thương.

Rồi lớn lên tôi hiểu ra rằng hồi đó chúng tôi đã rất hạnh phúc vì chúng tôi đã có một người mẹ luôn luôn muốn tự tay nấu miếng ăn, tự tay may cái áo cho con cái của mình.

Và tôi thầm trách anh cả của tôi sao hồi đó không biết mắng vào mặt những đứa dám chê cái quần anh mặc. “Phải, cái quần của tao không giống ai, nhưng nó quí hơn của tụi bay vì tụi bay đâu có được mẹ may quần cho.”

Nhưng hồi đó anh tôi cũng chỉ là một đứa trẻ.n

Vista, ngày 09 tháng 12 năm 2007

Hồng Đức


[1] Hồi đó bậc trung học chia làm 2 cấp: đệ nhất cấp từ lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) đến hết đệ tứ (lớp 9); đệ nhị cấp từ lớp đệ tam (lớp 10) đến hết đệ nhất (lớp 12). Xong lớp đệ nhị thì thi Tú Tài I, và hết lớp đệ nhất thì thi Tú Tài II (còn gọi là Tú Tài Toàn Phần).

2 comments:

THUAN ANH said...

bài này rất hay và cảm động đó bac.

Hồng Đức said...

Cảm ơn Hue.
Tri âm cũng chỉ mấy người thôi.