Saturday, August 1, 2009

Internet và trí thức trẻ ngày nay

Hồng Đức

Internet, tại một cuộc tranh luận bàn tròn -- có rượu -- của vài người trẻ tuổi “khát khao chân lý” ở Saigon cách nay khá lâu, đã bị gọi là một bãi rác mênh mông đầy dẫy các thông tin bịa đặt. Cũng chỉ vì có người đã đưa tin giựt gân “tín hữu Tin Lành bị công an thuê du đãng đánh đập, nhà thờ đang xây bị giật sập ở Quận Hai Saigon...” và có người hỏi lại tin ấy lấy từ đâu ra, khi biết được cái nguồn internet của bản tin thì một người có ít nhiều cảm tình với chính quyền đã đi đến kết luận trên, ngụ ý tin tức tiếng Việt trên internet chỉ toàn nhằm nói xấu chế độ. Những người còn lại trong bàn thì chỉ biết bán tín bán nghi, vì làm sao dám lang thang vào những trang “nhạy cảm với chế độ” mà kiểm chứng cơ chứ. Nhỡ... Chuyện xảy ra ở quận Hai không xa nhưng cũng chả dám lởn vởn đi xem kẻo... lại nhỡ... Cả cái người đưa cái tin giựt gân trên cũng chỉ cười, bảo rằng “thì có người đọc trên mạng rồi nói với tôi...” chứ chẳng dám thú thật là mình đã tình cờ lúc 3 giờ sáng lang thang vào được các trang web của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Đây chỉ là một nhóm thanh niên tạm gọi là trí thức – vì tất cả đều là giáo viên trung học hoặc giảng viên đại học – nhưng có lẽ có thể lấy làm đại diện cho đa số “trí thức” trong nước bây giờ. Và cũng có thể nói cái nhóm này là một nhóm tiến bộ vì khi nhậu nhẹt cuối tuần họ thường nói những chuyện cao siêu từ văn hóa, xã hội, âm nhạc đến cả tâm linh, tôn giáo..., mà ai nói cũng phải “có sách, có chứng” đàng hoàng. Chứ họ không đùa cợt chớt nhả, hỏi nhau xem đi chơi chỗ nào cho đã, cho “bo” (tip) phải bao nhiêu mới đủ... Thế nhưng họ đã từ chối một nguồn thông tin nhanh, rẻ và phong phú vô cùng là internet. Họ sẽ phải đọc báo “cọp” ở quán cà phê khi chờ giờ lên lớp, phải về nhà nghe tin tức từ các đài độc quyền của nhà nước và học hỏi để rèn luyện lập trường của mình qua các buổi học tập chính trị mỗi năm buộc phải tham dự một lần trong vài tuần lễ hè. Đấy là cái học của người trong nước. Có thể có một số ít người giống cái người đưa tin giựt gân kia, nhưng chả ai dám “tự thú” là mình đã làm gì, nói chi tới việc cổ động cho các trang web thông tin “phi nhà nước” kia. Thế thì trí thức trong nước sẽ từ chỗ thiếu thông tin, đi dần đến kém tri thức và trở thành nô lệ văn hóa cho nhà nước. Đầu năm ngoái một Việt kiều cựu giáo viên về thăm bệnh bố vợ đã gặp gỡ các đồng nghiệp cũ và hỏi thăm thì chẳng ai biết 8406 là cái gì, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn là ai, dân oan khiếu tố chuyện gì ở đâu... Không đáng tiếc lắm ru? Hay chúng ta sẽ vỗ tay mừng chính sách ngu dân đang được thực hiện thành công, đại thành công?!

Internet, như thấy trong các ý kiến tại các diễn đàn mở của các trang web tiếng Việt, đã được tôn thờ và được xem là nguồn của mọi tri thức nhân loại, bất kể trang nào và do ai chủ trương. Điều này làm người viết nhớ đến một câu cảnh giác trong một cuốn sách dành cho sinh viên tin học năm thứ nhất của một tác giả Hoa Kỳ, đại ý cần tuyệt đối tránh lối nghĩ máy điện toán là một công cụ toàn năng, cái gì cũng làm được. Với internet, vấn đề cũng tương tự mà thôi.

Người ta tha hồ lục tìm các thông tin trên internet một cách nhanh chóng chỉ bằng cách gõ vài từ liên quan vào ô “search” của Google  hay Yahoo hay gì gì đó và “click”, trong nháy mắt hàng tỉ tỉ đường dẫn liên kết vào các trang web liên quan đã hiện ra. Tha hồ đọc và nạp vào “bộ nhớ” của mình, có thể là trích vào bài viết, lưu lại trong ổ đĩa cứng (hard drive) hay chỉ nhớ trong đầu để rồi hình thành ý niệm, hình thành cảm tình rồi hình thành hệ tư tưởng của riêng mình. Cái khó cho người duyệt web nói chung là có quá nhiều liên kết, làm sao biết chọn cái nào để đọc, cái nào là tin tức lá cải, cái nào cung cấp thông tin trung thực và cách viết có quan điểm công bình đối với các vấn đề. Thường thì người đọc sẽ chọn ngẫu nhiên, sau đó nếu đọc thấy không thích thì chọn liên kết khác, rồi liên kết khác, khác nữa... Hóa ra tuy là trong chớp mắt mà cuối cùng đường tìm đến tri thức lại vẫn cứ tận chân mây. Đọc chán thì ngưng ngang. Nhưng quá trình hình thành tư tưởng đã hoàn tất, thế là định kiến, thành kiến xuất hiện. Đây là cái bẫy chuyên để rập các trí thức Việt kiều, ai kém bản lĩnh thì sẽ hụt sâu trong cái hố định kiến do mình vô ý tạo nên.

Nhìn vào các “ý kiến bạn đọc”, bỏ qua những kiểu viết khiêu khích gây chia rẽ tôn giáo của những kẻ không có cuộc sống tâm linh, những ngôn từ hạ đẳng của những kẻ được giáo dục theo cách vô giáo dục, đa số các diễn đàn viên đều thể hiện được khả năng dùng chữ Việt chứng tỏ đã đọc nhiều, rất nhiều. Họ đều có một điểm chung là có thể trưng ra được một lô một lốc các liên kết đến các trang chủ nào đó nhằm chứng minh cho điều họ đang viết. Phải phục đến sát đất sức đọc của họ. Những tác phẩm mà một diễn đàn viên (chỉ một người thôi) nào đó chỉ ra có thể người viết bài này phải mất nhiều năm mới đọc xong. Phải phục đến sát đất khả năng tìm tòi của họ. Nếu không có chỉ dẫn của họ thì có thể người viết bài này chẳng biết sẽ phải làm gì để tìm ra những trang web đó.

Nghĩ lại có lẽ cũng vì bản thân mình quá chậm lụt nên đọc không được nhiều chăng, hay lý do mình khác với người ta là bởi mình thì đọc kỹ từng câu từng chữ còn người ta thì chỉ đọc lướt, thậm chí người ta chỉ tìm đọc những câu người khác trích và giới thiệu cho họ. Nếu quả vậy thì chẳng hiểu những người đó hiểu về sách như thế nào. Chuyện trích triếc này cũng y hệt như chuyện vài người bạn của tôi đem tiếng đàn ghi-ta cổ điển đi hù dọa các bạn cùng trường hồi đi học cao đẳng. Họ trở nên nổi đến mức ai cũng biết, chỉ có mình tôi vì vào học trễ nên không biết. Đến khi nghe đồn đãi, tôi cũng trở nên ái mộ và tìm họ để được nghe thì ôi thôi, mỗi bản nhạc cổ điển của Bach, của Brahms, của Albeniz... họ chỉ chơi cho tôi nghe có vài ô nhịp đầu tiên, không được đủ một câu nhạc. Tôi bảo họ tôi chỉ chơi được một hai bài rồi bắt đầu đàn từ đầu đến cuối một bản nhạc họ vừa chơi. Thế là tôi bị họ oán. Chả hiểu tại sao họ lại oán tôi. Chỉ biết rằng trên đời có rất nhiều người thích khoe cái kiến thức của mình mà không biết rằng có kiến thức mà không biến nó thành tri thức thì cũng chỉ bằng một kẻ vô học mà thôi. (“Vô học” ở đây là từ Hán Việt, không hề mang ý nghĩa là không đi học, mà nhấn mạnh vào việc không biết áp dụng cái đã biết vào chính mình, “học” có nghĩa là bắt chước.)

Một nhận xét khác nữa là có một số người có cái quan điểm mà tôi đã từng phải răn sửa thằng con tôi hồi nó đang học cấp hai (middle school). Nó cho rằng bất cứ cái gì tạo nên bởi một người nổi tiếng thì đều tốt và đúng đắn. Ở cái tuổi dậy thì, đứa trẻ nào cũng kiếm cho mình một thần tượng và thần tượng của chúng luôn luôn là một người (hay một nhóm người) nổi tiếng. Tôi đã phải hỏi nó nhiều câu hỏi rất vớ vẩn đối với một người trưởng thành như: thế nào là nổi tiếng, tại sao lại nổi tiếng, và xin lỗi, phân của... (thần tượng của nó) có thơm không... Đương nhiên, bây giờ nó đã lớn và tôi không phải lo lắng về chuyện thần tượng hay thành kiến của nó nữa, nhưng khi đọc một số ý kiến trên các diễn đàn thì tôi lại nghĩ tới những câu hỏi ngày xưa tôi hỏi thằng con tôi. Không phải vì các ý kiến đó lộ ra thần tượng của người nêu ý kiến, mà vì cái liên kết (tức là đoạn chữ sẽ dẫn người đọc đến một trang web khác). Cái địa chỉ mà liên kết dẫn tới lộ ra cái óc thần thánh hóa cá nhân của người viết: dứt khoát nó phải là một trang web nổi tiếng hay một cuốn sách viết bởi một tác giả nổi tiếng, bất chấp đang có một số thông tin chứng minh tác giả đó sai hay trang web đó được viết bởi nhóm người quá khích, thiên lệch. Để tránh mang tiếng lăng mạ nói xấu tôi xin miễn nêu tên các tác giả hay trang web này.

Lại nữa, qua cách trình bày quan điểm, một số diễn đàn viên lại thể hiện một quái đản khác nữa là chỉ biết nhắm mắt tin vào sách vở, quên hẳn những lời dạy bảo của tổ tiên qua ca dao tục ngữ, chẳng hạn họ quên câu “trông mặt mà bắt hình dong...” khi họ mơ về một Việt Nam “tươi sáng dưới cờ sao rực rỡ”. Và quái đản hơn nữa là họ tin vào huyền thoại. Mà để cảnh tỉnh kiểu cuồng tín vào huyền thoại này – dù huyền thoại đó lỡ mà có thật đi chăng nữa –,  một vị lão thành đã phải viết một cuốn sách có nhan đề giựt gân là “Tổ Quốc Ăn Năn”. Thực vậy, nếu thanh niên ta vẫn cứ đắm đuối trong cách nghĩ và cách sống hiện nay thì đúng là có ngày tổ quốc ta (tức là toàn dân ta) sẽ phải ăn năn.

Một đàng, ở trong nước thì sợ, không dám tìm hiểu và thường khi phải bịt mắt bưng tai, chấp nhận mang tiếng thiếu hiểu biết. Đàng khác, nếu có gan một mình ở trong nước lén lút tìm hiểu thông tin hoặc đường hoàng tự do ở hải ngoại tìm hiểu rồi trình bày ý kiến quan điểm của mình thì lại bị vướng vào một cái mạng nhện dầy đặc tự mình tạo ra do vơ vét quá nhiều. Đằng nào thì thanh niên ta cũng đang đi trong một mê lộ mà lại không có trong tay cái la bàn nào cả.n

HỒNG ĐỨC

(tháng 01 ngày 03 năm 2008)

No comments: