Thursday, December 18, 2008

Chính Nghĩa Dân Tộc

Cái chết của
Tổng Thống Ngô Đình Diệm
và vấn đề chính nghĩa dân tộc

(HĐ xin mạn phép tác giả để gửi đến các bạn mình chương sách sau đây.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm bằng Google. Tuy nhiên, sẽ có nhiều bạn không thể theo link của Google vì phải vào các trang bị tường lửa của VN. Đành chịu vậy và hãy tự đặt những câu hỏi sau đây:
1) Tại sao?
2) Nếu sợ tôi và nhân dân bị kẻ thù mê hoặc thì cái chính quyền CS này coi nhân dân là cái gì?
Thân ái. Và hy vọng các bạn có được chút tình cảm tích cực cũng như thêm một ít tích cực vào suy nghĩ của mình.)


Ít ai để ý rằng có hai sự việc quan trọng chứng tỏ Tổng Thống Diệm coi chính nghĩa quốc gia, chính nghĩa dân tộc là điều kiện tiên quyết để chiến thắng.
Thứ nhất, ông đã nhiều lần liên tiếp từ khước lời mời ra chấp chánh của cựu hoàng Bảo Đại vì thấy thực dân Pháp chưa thực tâm trao trả hoàn toàn độc lập cho VN. Và ông đã nhận ra chấp chánh khi người Pháp đã trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam bằng hiệp ước ký kết với Thủ Tướng Bửu Lộc ngày 4-6-1954. Rồi từ khi chấp chánh (song thất 7-7-54) cho đến khi được bầu làm tổng thống đầu tiên của Việt Nam, ông đã kiên trì tranh đấu qua bao nhiêu gian khổ trước âm mưu đen tối của thực dân muốn duy trì một chế độ thối nát ở miền Nam hòng tiếp tục ở lại phần đất béo bở này, bất chấp hiệp ước 4-6, cũng như hiệp định Genève 20-7-54. Và kết quả cụ thể là lá cờ Pháp gần một thế kỷ tung bay trước dinh Norodom được hạ xuống để lá quốc kỳ Việt Nam (cờ vàng ba sọc đỏ) được long trọng kéo lên trước sư hiện diện của Tổng Thống Diệm chứng kiến sự thành công, và trước mặt tướng Paul Ely đại diện Pháp quốc chứng kiến sự thất bại. Và cũng từ đó dinh Norodom ấy đã được mệnh danh là dinh Độc Lập để đánh dấu ngày mà nhân dân VN dưới quyền lãnh đạo của tổng thống Ngô Đình Diệm đã dành được Độc Lập hoàn toàn trên thực tế, chứ không phải chỉ trên giấy tờ theo như những hiệp ước trước. Sau đó là cuộc rút toàn bộ quân Pháp hãy còn lưu lại Việt Nam sau hiệp định Genève.
Mưu toan của người Pháp dùng các tướng Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Vỹ để duy trì sự cai trị của Quốc Trưởng Bảo Đại như một bù nhìn của Pháp, hòng đưa đến sự trở lại khó tránh của chính quyền thực dân đã bị Tổng Thống Diệm đập tan nhờ sự cương quyết dũng cảm của ông và nhờ sự nhận thức khôn ngoan của các đoàn thể tổ chức, đảng phái lúc ấy tự động đứng đàng sau ông.
Tranh đấu thực sự để dành độc lập, ngăn chặn âm mưu trở lại của thực dân lúc ấy là chính nghĩa sáng ngời. Nên ông đã thành công. Thực dân Pháp lúc ấy vô cùng căm ghét ông, nhưng không làm sao triệt hạ được ông, vì ông được nhân dân ủng hộ. Sau sự thành công đó ông đã được toàn dân bầu lên làm tổng thống đầu tiên của một nước Việt Nam mới với quốc hiệu Cộng Hòa Việt Nam được trên 80 quốc gia công nhận.
Thứ hai, sự thành công của ông cũng làm cho một số người Việt Nam nhỏ nhen đố kỵ ghen ghét và chính quyền Mỹ thấy ông trở thành nguy hiểm đối vói đường lối chính sách đương thời. Đặc biệt là đối với một vài nhân vật trong bộ ngoại giao Mỹ. Vì vậy, vào những năm cuối cùng của đệ nhất cộng hòa, ông đã gặp nhiều khó khăn rắc rối với ngay chính quyền Mỹ.
Vào thời chính quyền Kennedy một số người Mỹ đã muốn tốc chiến tốc thắng Việt Cộng. Họ muốn đưa quân tác chiến vào Việt Nam và bị Tổng Thống Diệm cương quyết bác bỏ. Không phải ông không biết nước nhà còn yếu cần sự viện trợ dồi dào của Hoa Kỳ cả về mặt quân sự. Nhưng ông thấy lúc ấy miền Nam VN chưa cần tới quân viện ồ ạt của Hoa Kỳ, mà chỉ cần một số cố vấn và huấn luyện viên, và vào hai năm cuối, cần sự yểm trợ của một số trực thăng. Còn việc chấp nhận cho quân tác chiến của Mỹ tham gia các trận đánh, thì ông đã nói với những đại diện của Hoa Kỳ như đại sứ Nolting và tướng Taylor, nếu đến một lúc nào đó, chiến trận gay go, cần tới quân tác chiến của Hoa Kỳ, thì ông sẽ sẵn sàng ký một hiệp ước song phương, cho cuộc viện trợ này có danh chính ngôn thuận để ông có thể trả lời với quốc dân VN. Và hiệp ước đó cũng sẽ chỉ cho quân Mỹ đóng ở dọc biên giới (vĩ tuyến 17) mà thôi. Đại sứ Frederick Nolting, người đã thương lượng với Tổng Thống về việc đem quân tác chiến vào để đẩy mạnh cuộc chiến sớm thành công đã phải công nhận lập trường của Tổng Thống Diệm là hữu lý, mặc dù ông cũng than phiền là ông Diệm là người rất khó thương thuyết (về vấn đề này).
Sở dĩ Tổng Thống Diệm quyết liệt như thế vì chủ quyền quốc gia là một vấn đề nguyên tắc bất di bất dịch. Ngoài ra còn về mặt chiến lược nữa. Ông biết rõ lúc ấy Hồ Chí Minh là người vô cùng xảo quyệt đang được dư luận thế giới và số đông trí thức trong nước cũng như nhân dân ủng hộ. Vì họ được CS thế giới tuyên truyền rằng ông Hồ mới thực sự là người yêu nước, còn ông Diệm chỉ là tay sai hay bù nhìn của Mỹ. Nếu để cho dân chúng và thế giới thấy quân đội Hoa Kỳ chủ động trong cuộc chiến, thì quân đội VNCH dưới quyền lãnh đạo của tổng thống là tổng tư lệnh theo hiến Pháp sẽ trở thành lính đánh thuê. Nghĩa là mất hẳn chính nghĩa dân tộc.
Chính sự quyết tâm không nhượng bộ trong những vấn đề nguyên tắc và chiến lược đó, đã làm phật ý một số nhà lãnh đạo Mỹ, khiến họ tìm mọi cách, dàn dựng nên hay phóng đại những lỗi lầm của ông hầu lấy cớ triệt hạ ông.
Trước hết, như chính Roger Hilsman, phụ tá ngoại trưởng Mỹ lúc ấy đã viết, và sau này nhiều sử gia Mỹ, trong số đó có hai nữ sử gia là Marilyn B. Young và Ellen Hammer đã nhắc lại để dẫn chứng, ông Ngô Đình Nhu lúc ấy là cố vấn chính trị phủ Tổng Thống chủ trương “nếu ít thì cũng phải rút một số cố vấn Mỹ về nước, còn nếu nhiều thì yêu cầu Mỹ rút hết cố vấn”. Nói chi đến việc đem thêm quân Mỹ vào VN? Vì thế những nhà ngoại giao Mỹ lúc ấy như thứ trưởng ngoại giao Averel Harriman, phụ tá ngoại trưởng Roger Hilsman... đề nghị với cấp trên đòi Tổng Thống Diệm phải đưa ông Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc. Sự việc vừa nêu cho thấy họ sợ rằng với ông Nhu bên cạnh, Tổng Thống sẽ không bao giờ cho Mỹ đổ quân tác chiến vào. Họ không biết rằng đối với một nhà lãnh đạo có bản lãnh và lập trường kiên định như Tổng Thống Diệm, ông Nhu hay ai khác ở bên cạnh cũng chỉ là để thực hiện những sáng kiến chiến lược của ông mà thôi. Và đời nào ông chịu áp lực của ngoại bang mà loại bỏ người em trung thành và hiểu rõ đường lối chính sách của ông hơn ai hết.
Khi mà trong chiến lược toàn cầu, Mỹ thấy cần đem quân tác chiến vào, lại bị một nước nhỏ bé đang cần viện trợ của Mỹ dám bác bỏ và chống đối, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Người ta dễ tiên liệu được. Vì vậy mà cho đến nay, một số người vốn ca tụng Tổng Thống Diệm, và nghĩ ông thực sự là nhà ái quốc cũng phê bình ông thiếu khôn ngoan, khi không đồng ý để Mỹ đem quân vào “giúp”.
Nhưng đối với Tổng Thống Diệm hai vấn đề nguyên tắc và chiến lược tối cao là quan trọng hơn cả. Thà phải hy sinh tính mệnh, chứ không thể vì sự sống của mình mà hy sinh chủ quyền quốc gia. Còn chết là chuyện ai cũng phải có lúc chết. Anh hùng có ai sợ chết?
Thực tế lịch sử những năm sau đó đã chứng minh, dù Mỹ đem đại quân vào, và dùng đủ mọi thứ vũ khí tối tân vẫn không thắng được VC. Nguyên nhân chính mà ngày nay ai hiểu về chính trị và nhất là về hình thức chiến tranh ý thức hệ của CS đều phải công nhận. Đó là, sở dĩ Mỹ thua và phải rút quân, để cho miền Nam rơi vào tay CS, để rồi bị nhiều người dân miền Nam oán trách cho đến bây giờ, chính vì họ đã tự ý đem quân tác chiến vào, Mỹ hóa cuộc chiến, khiến cuộc chiến chống cộng (có chính nghĩa) trở thành cuộc chiến chống Việt Nam (phi nghĩa), chẳng khác gì chiến tranh xâm lược như VC thường rêu rao.
Thật đáng tiếc và hết sức buồn, phải nhắc lại rằng, ngoài những kẻ chủ mưu và tham gia đảo chính, những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc để Mỹ tự do đem quân vào mà không có một hiệp ước song phương quy định những chi tiết thực hiện lúc ấy chính là thủ tướng bác sĩ Phan Huy Quát và bộ tham mưu của ông. Trong cuốn hồi ký In The Jaws of history[1] cựu đại sứ Bùi Diễm đã xác nhận sự kiện trên. Nhưng ông tự biện minh là “người Mỹ đã không hỏi ý” các ông trước.[2]
Tất cả những gì xảy ra sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ rồi bị giết một cách man rợ, hèn nhát đã cho thấy những người chống đối ông, đòi ông chia xẻ quyền hành một cách quá đáng đều đã có cơ hội thử thời vận, nhưng tất cả đều thất bại. Ngay chính phủ họ Phan cũng chỉ tồn tại được hơn ba tháng. Điều này đã làm cớ cho người ta suy luận rằng, người Mỹ chỉ cố đem được con bài của mình lên để thực hiện ý định đổ quân tác chiến ồ ạt vào VN. Sau khi đã làm xong bổn phận của mình, chính phủ đó liền bị thay thế.
Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau này, được sự tham gia của nhiều trí thức thuộc các đảng từng chống Tổng Thống Diệm đã mặc nhiên trở thành một thứ tay sai của Mỹ. Chính vì có sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ nắm trọn quyền điều khiển chiến tranh. Trong tình trạng ấy, người dân khó có thể không nghĩ mọi việc tổng thống làm đều do Mỹ bảo phải làm. Kể cả việc triệt thoái quân khỏi vùng II chiến thuật vào những tháng cuối, và việc trao quyền lại cho một thầy giáo cô đơn về chính trị, cô đơn đến nỗi một mình “xách giỏ đi chợ chiều, tôm cá tươi đã hết đành phải hót mấy con cá ươn về làm cỗ”, để rồi “thầy giáo cô đơn” phải trao quyền lại cho ông hàng tướng có em VC gộc, để rồi tướng này trao trọn miền Nam cho VC.
Với hàng chục vạn quân Mỹ tự tung tự tác, chủ động mọi kế hoạch tác chiến trên tổ quốc VN lúc ấy, trước mắt các quan sát viên quốc tế, tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng chẳng qua cũng chỉ là tay sai đắc lực hay bất đắc dĩ của ngoại bang. Và trong chính thể đó, những vị trí thức, những nghị sĩ tên tuổi, những vị tổng bộ trưởng, đại sứ, tướng lãnh VN không hề biết rằng mình đã trở thành một thứ lính đánh thuê cho một ngoại bang, nếu họ không chứng minh được với thế giới và dư luận trong nước (bên kia bờ Bến Hải) rằng họ đang cùng Hoa Kỳ chống Hồ Chí Minh và đồng bọn tay sai của Quốc Tế III, tức Quốc Tế Cộng Sản. Tiếc rằng từ khi ông Diệm bị giết, những nỗ lực về mặt này chẳng còn có gì đáng kể. Vì thế mà với trên nửa triệu lính Mỹ thường trực tại VN với vũ khí tối tân đủ loại, miền Nam đã mất vào tay CS!
Dù chính quyền Ngô Đình Diệm có lỗi lầm gì đi chăng nữa (mà chính quyền nào lại không có lỗi lầm? Hãy nghe hai phe đối đầu trong các cuộc tranh cử tại Mỹ là một nước dân chủ hàng đầu trên thế giới chỉ trích lẫn nhau thì thấy rõ điều đó), thì chúng ta cũng phải công nhận rằng chính quyền đó đã tìm mọi cách để nêu cao chính nghĩa dân tộc chống cộng sản. Hầu hết thảy các chuyên viên chống cộng trên thế giới đều được Đệ Nhất Cộng Hòa tiếp xúc và/hoặc mời tới Sài Gòn để tham khảo, thuyết trình, giới thiệu các phương cách chống cộng hữu hiệu nhất của họ. Nào phái đoàn NTS của tổ chức chống cộng Nga, phái đoàn Vương Thăng của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, phái đoàn Sir Thompson của Anh, phái đoàn của nữ sĩ Suzane Labin, tướng Vanuxem... của Pháp và hàng tá chuyên viên chống cộng sản Huc của Phi. Lúc ấy những lãnh tụ chống cộng hàng đầu trên thế giới như Raymon Magsaysay của Phi, Lý Thừa Vãn của Đại Hàn, Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc đều trở thành bạn thân và chí hữu của Tổng Thống Diệm...
Xin đừng bảo sau này anh em ông Diệm đã bắt tay với VC, nên đã bị trừng trị vì tội phản bội. Bởi vì bàn chuyện hiệp thương, tạm ngưng xung đột trong một cuộc chiến lâu dài là một kế sách mà các chiến tướng từ cổ chí kim đã từng làm. Việc đó không tất nhiên là chuyện phản bội. Nếu bảo thương lượng với người cùng một tổ quốc, dù có là kẻ thù, để làm giảm áp lực của ngoại bang muốn xâm phạm chủ quyền tối thượng của quốc gia là trọng tội, thì sau này chính quyền Nguyễn Văn Thiệu muốn ngồi ngang hàng với Hà Nội để bàn chuyện ngưng chiến mà không được thì sao? Khi tính chuyện hiệp thương ông Diệm đã phân biệt con người Việt Nam trong đám lãnh đạo miền Bắc với con người CS, và tạm thời đặt những tranh chấp về ý thức hệ vào một tương lai. Chứ ai cũng biết bản chất của ông không phải là người chấp nhận chủ nghĩa cộng sản vô thần. Hơn nữa lúc ấy nếu ông có nói chuyện với Hồ Chí Minh là nói trong một tư thế vượt trội không như chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau này, và thậm chí ngay cả Mỹ. Vì lúc ấy Mỹ đã bị dư luận toàn quốc và thế giới, kể cả Vatican làm áp lực không thương thuyết không được.
Những nhà chính trị có liêm sỉ không thể không sám hối về những sai lầm nghiêm trọng của mình, nếu còn muốn chường mặt ra với công luận. Đáng buồn là những cuốn sách viết bằng ngoại ngữ của những người có trách nhiệm trong việc làm mất chính nghĩa đấu tranh chống cộng lại chỉ nhằm mục đích tự biện minh cho việc làm sai trái của mình.
Đến nay lịch sử đã cho thấy rõ những người cầm đầu và tham gia hai cuộc đảo chính 1960 và 1963 đều làm theo lệnh ngoại bang. Họ dại dột không biết rằng lật một chính quyền đã được toàn dân bầu lên, ủng hộ và với hiến pháp được toàn dân bỏ phiếu tán thành, được trên 80 nước trên thế giới công nhận, để gây ra một lỗ trống chính trị nghiêm trọng trong lúc cuộc chiến chống cộng đang tiếp diễn một cách gay go là vô cùng nguy hiểm cho đất nước. Đến khi sự việc xảy ra họ vẫn không nhìn thẳng vào thực tế lịch sử để rút kinh nghiệm và sám hối.
Đáng lý ra thay vì ngoan cố chỉ trích lên án nhà ái quốc Ngô Đình Diệm, họ biết hối lỗi bằng cách tố cáo Hồ Chí Minh, vạch cho dư luận ngoại quốc biết rõ huyền thoại về “người yêu nước Hồ Chí Minh”, về “cha già dân tộc Hồ Chí Minh”, để biến cái gọi là chính nghĩa của CS trở thành phi nghĩa, thì họ đã đái tội lập công. Nhưng họ lại chỉ biết vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ, không ngừng xuyên tạc, bịa đặt để xỉ vả nhà ái quốc đã thà chết để giữ chủ quyền quốc gia hơn là sống để phải khuất phục ngoại bang. Họ có biết chăng, làm như vậy chỉ khiến cho những kẻ chiến đấu vì ảo tưởng xã hội chủ nghĩa, vì quyền lợi của Quốc Tế CS, đứng đầu là Liên Xô và Trung Cộng trở nên những nhà ái quốc, vì dám chống lại siêu cường Mỹ xâm lăng. Họ biết rằng họ phải làm hết cách đổ lỗi, chạy tội, để nhân dân, lịch sử không lên án, oán ghét họ, vì đã gây nên tội ác tầy trời, làm mất chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống CS.
Để kết thúc, chúng tôi mong rằng, chẳng cứ những nhân vật vừa kể, mà tất cả chúng ta, những người còn muốn cho con cháu mình về sau không lên án cha anh chúng là tay sai của Mỹ, bán nước cầu vinh, hãy làm hết cách để nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống cộng. Và điều trước tiên là hãy tháo gỡ những huyền thoại bao quanh nhân vật Hồ Chí Minh để con cháu chúng ta thấy rõ chân tướng của ông ta và của cái đảng mà ông ta sáng lập theo chỉ thị của quốc tế CS. Đó là cái khó của chúng ta. Nhưng muốn cho cuộc đấu tranh của chúng ta có chính nghĩa dân tộc, thì phải làm bằng mọi cách. Và khi đã hạ được thần tượng HCM rồi thì mới mong các hình thức đấu tranh khác đạt được kết quả mong muốn.
Đó là vấn đề chính nghĩa cần lấy lại, vì khi vị tổng thống hợp hiến hợp pháp đầu tiên đã bị lật và bị giết để cho quân tác chiến Mỹ ồ ạt đổ vào, mà không do một lời yêu cầu chính thức hay một hiệp ước song phương, thì đảng CS Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã được nhân dân trong nước và thế giới cho là có chính nghĩa dân tộc, khi họ hô hào nhân dân “chống Mỹ cứu nước”.




[1] Mà chúng tôi dịch là “Trong nanh vuốt lịch sử” và sau này tác giả dịch là “Gọng Kìm Lịch Sử”.
[2] Sách đã dẫn trang 338.

Friday, December 12, 2008

Tin thế này sao chỉ gửi qua message?

Tin khẩn: VN sắp mất thêm Bãi Tục Lãm, Quảng Ninh

(Một Friend vừa gửi cho HĐ message như sau:)
Theo nguồn tin từ giới quân sự cao cấp Việt Nam và được kiểm chứng qua một số thành viên ngoại giao đoàn tại Hà Nội thì Bắc Kinh đang đòi buộc Việt Nam phải nhượng thêm Bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh cho họ trước khi dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước. Trung Quốc đòi các lãnh tụ CSVN phải trả lời dứt khoát tại cuộc họp giữa đôi bên ngày 12/12/2008 tại vùng Hữu Nghị - Lạng Sơn.

Tục Lãm là một trong 3 điểm nóng nhất còn bàn cãi giữa đôi bên. Hai vùng còn lại là khu Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Phía Trung Quốc đòi Việt Nam phải nhượng hẳn Tục Lãm và nhượng thêm đất 2 vùng kia.

Cũng theo nguồn tin trên, các thành viên Bộ Chính Trị đảng CSVN đã nghiêng về giải pháp giao nhượng Bãi Tục Lãm bất kể sự phản đối từ phía quân đội.

Radio CTM tường trình từ Hà Nội


http://radiochantroimoi.wordpress.com:80/
Tưởng rằng mất "thêm" hòn nào thuộc Hoàng Sa Trường Sa thì chả thèm quan tâm vì đã mất rồi. Giống như con gái mình bị hiếp rồi, giờ thằng kia có bảo cưới hay không cưới thì cũng thế. Vườn nhà mình đã mất rồi, giờ thằng cướp có làm sổ đỏ sổ hồng hay không gì thì cũng vậy.
Nhưng mà đây là đất liền và quân Tầu chưa đặt chân đến, sao lại phải dâng hiến hiến dâng hiến thân thất tiết thế này. Mà nói thật chẳng cần thằng Tầu nó đặt quan cắm mốc ở đó, chỉ nghe cái chuyện nó đòi thôi là đã có cảm giác giống như một đứa con khám phá ra mẹ nó bấy lâu nay làm đĩ vì mê dâm.
Cái sự bán đất bán đảo của tụi này y hệt một đứa vừa dâm vừa tham vừa lười nhưng láu cá. Loạn!
Tin trên chỉ làm tăng thêm sự khinh bỉ của người dân, dù tin đúng hay tin sai thì dân ta cũng khinh chúng lắm rồi. Nhỉ.
Đây là dịp duy nhất để chứng minh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có phải là quân đội của nhân dân Việt Nam hay không.
Nộ Sĩ
Các bạn trẻ lưu ý:
"dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước": cái kế hoạch này đã thực hiện từ hồi nào mà nay dứt điểm, cái kế hoạch này (đúng ra phải gọi là "tiến trình" hay "công việc") thực hiện ra sao, họa đồ ranh giới thế nào (VN có mất tí đất nào cho TQ không) MÀ SAO NHÂN DÂN KHÔNG BIẾT?!!!

Thursday, December 4, 2008

SÁCH "QUÍ"!

Thưa, đó là cuốn "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" của Việt kiều cựu thiếu tướng quân lực Việt Nam Cộng Hòa hiệu Hoành Linh, tên Đỗ Mậu. Đó là một cuốn sách tiếng Việt nổi tiếng toàn thế giới từ hải ngoại tới quốc nội những năm trước và sau 1990, được nhiều, rất nhiều người "yêu sử" tìm đọc và tự giáo dục kiến thức Việt Sử của mình bằng chỉ một cuốn sách đó.
Có thể nói đây là một quà tặng tuyệt vời của trời đất, của số mệnh hay đúng hơn là của cái sự tất yếu trong quy luật tội ác và trừng phạt [1] đã tặng cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, tặng cho những kẻ lười biếng thích học sử thông qua tiểu thuyết dã sử, và tặng luôn cho tiền đồ dân Việt một đống bầy hầy dơ dáy không bao giờ rửa được.
Toàn dân ta đã được học tập và tin thật như một bà ngoại tin chắc đứa cháu ngoại phải là cháu ruột của mình, rằng ông Ngô Đình Diệm là một nhà độc tài do tư bản đế quốc Mỹ dựng lên để làm tổng thống cho miền Nam Việt Nam, rằng ông Ngô Đình Diệm là một người độc ác, ngu muội và chủ trương gia đình trị để thống trị dân Việt muôn đời (nếu ông ấy muốn gia đình trị sao không chịu đổi họ các em đi, người thành họ Lê, người thành họ Mai gì đó như 3 anh em Lê Đức Thọ [2], nếu làm vậy chắc ông Diệm sẽ tồn tại ít ra là 50 năm nay), rằng ông Ngô Đình Diệm là người kỳ thị tôn giáo đã đàn áp Phật Giáo để đưa Công Giáo là đạo mà ông theo làm quốc giáo (chả hiểu người Việt mình đã có ý muốn lập quốc giáo từ hồi nào và do ai, chỉ biết rõ ràng rằng ông Hồ Chí Minh là người đã đem đạo Cộng Sản vào VN và giờ này nó đã trở nên quốc giáo với rất nhiều thanh thiếu niên cuồng tín, hơn cả cái xã thuyết Quốc Xã của Hitler dạo nào). Toàn dân ta đã được học tập và đã tin chắc như thế, nên khi ông Đỗ Mậu, một người tai to mặt lớn quyền cao chức trọng trong chế độ Miền Nam, viết "sách lịch sử" bôi nhọ cái chính quyền đã trọng dụng ông, bôi nhọ danh dự của toàn thể đồng bào Miền Nam với những lãnh tụ khả kính của họ thì nhà cầm quyền Cộng Sản mừng rỡ hơn bắt được vàng, đã dùng cuốn sách đó để minh chứng cho những điều giả dối họ đã dựng nên.
Đương nhiên và rất lố bịch, họ đã cho in và xuất bản cái cuốn sách đó ở trong nước [3], nơi mà chỉ có tác giả đảng viên mới được viết và in sách chính trị, họ biết trước rằng "nhân dân" của họ sẽ rất nóng lòng muốn biết vị "tướng lãnh cộng hòa" đó đã viết gì về cái "hậu trường vua chúa" đó. Họ cũng biết trước rằng sẽ không ai đủ khôn ngoan để thấy ngay cái nghịch lý trong việc họ xuất bản sách của kẻ thù. Thực ra thì với một tí trí khôn của con nít cộng với chút cảnh giác là có thể biết ngay cái "giá trị sử học" của một "cuốn sách do kẻ thù viết mà ta in lại" này ở cái chế độ mà văn hóa cũng bị lãnh đạo như ở Việt Nam. Thế mà, như đã nói từ đầu bài, rất, rất nhiều người Việt trong nước đã đọc và học Sử Miền Nam chỉ từ cuốn sách đó. Đau lòng!
Và tệ hại hơn nữa là Việt Kiều, những người được tiếng là yêu chuộng tự do và có được sự giáo dục Âu Mỹ đầy tinh thần phản biện, lại cũng say mê mua đọc và cũng học Việt Sử từ chỉ một cuốn sách này. Điều này không làm tôi đau lòng, nhưng nó làm tôi tởm!
Theo tôi hiểu, lẽ ra tác giả Minh Võ, một người quen sống và suy nghĩ viết lách với những cứ liệu trung thực, sẽ không phải động não động bút về cái cuốn sách "lẽ ra không đáng đọc" ấy. Nhưng gặp thời thế thế thời phải thế, dân ta thế, thì phải có người báo động. Và ông đã phải nhắc đến cuốn sách này của Đỗ Mậu cách nay 10 năm. Thế nhưng cho đến năm 2005, trước khi rời VN thì tôi vẫn thấy trong tủ sách của một số gia đình, người ta trưng cuốn sách đó trang trọng như một vật biểu thị tri thức, biểu thị trí thức, biểu thị lòng yêu nước và yêu sử của gia đình họ. Họ không hề biết rằng nó chỉ biểu thị một điều giống như khi ta trưng cuốn "Cô Giáo Thảo" trong tủ sách nhà ta.
Xin phép tác giả Minh Võ được trích chương sách viết về cái tác giả Đỗ Mậu này trong tác phẩm "Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê" của ông để các bạn của Hồng Đức hiểu tại sao HĐ lại phẫn nộ như thế khi viết lời thiệu này. (Mặc dù trong tác phẩm này, Minh Võ chỉ bàn về những điều ông Đỗ Mậu nói về Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà thôi, nhưng thế cũng đủ để ta thấy cái tư cách của cái con người có cái tên hiệu lạ lùng: Hoành Linh.)
HỒNG ĐỨC
Ghi chú:
[1] Luật tự nhiên: Bất kỳ kẻ phản bội nào cũng sẽ luôn tìm cách biện bạch cho sự phản nghịch vô ân của họ, viết hồi ký là điều dễ làm nhất, hãy xem Nguyễn Cao Kỳ...
[2] Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện và Mai Chí Thọ là 3 anh em ruột, cả 3 đều đã lên đến tột đỉnh quyền lực thống trị dân Việt. Hãy đọc lý lịch trích ngang của Đinh Đức Thiện: "tên thật là Phan Đình Dinh, quê xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, sinh trưởng trong gia đình nhà nho nghèo, cha mất sớm, mẹ ông đã tần tảo nuôi 8 người con (trong đó có Lê Đức Thọ là anh và Mai Chí Thọ là em." (Đinh Đức Thiện năm 1980 làm bộ trưởng bộ Giao thông vận tải nhưng sau đó chết vì súng bị cướp cò khi đang đi săn nhưng cũng có tin là bị con trai bắn chết --người con trai này hồi nhỏ bị ông ta đánh đập tàn nhẫn nên bị hư mắt và tâm thần. Tin chính thức thì nói bộ trưởng giao thông này chết vì tai nạn “giao thông”.)
Con nhà họ Phan Đình đấy, giờ này thì họ Phan Đình tuyệt tự. Nhắc chuyện này mới nhớ ra là họ nhà Nguyễn Tất (hay Nguyễn Sinh gì đó) cũng tuyệt tự, mà không tuyệt tự thì trong giòng tộc cũng có đứa chối ông chối cha, từ bỏ tông tộc nhà mình. Khốn nạn thay cho mấy cái giòng họ đó! Nghĩ cũng lạ, hễ kẻ nào chối bỏ giòng tộc thì lên đến tột đỉnh quyền lực ở VN, sao dân mình nó mạt vậy!
[3] Khi phát hành tại quốc nội, dĩ nhiên nhà cầm quyền đã không thể để nguyên cái tựa "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" nghe có vẻ nguyền rủa, họ đã sửa thành "Hồi Ký Đỗ Mậu" ở lần in thứ nhất và rồi "Hồi Ký Hoành Linh Đỗ Mậu" ở những lần in sau.
====================
Đỗ Mậu:
(Đối với Đỗ Mậu ngàn trang sách của ông phải là ngàn lời nguyền rủa ông Diệm. Lỗi ông Diệm, theo ông Đỗ Mậu, tre toàn tỉnh Quảng Bình không ghi hết. Tội của ông Diệm, ông Đỗ Mậu cho rằng, nước sông Hương rửa không sạch…)

Thiếu tướng Hoành Linh Đỗ Mậu là người có số “Sinh vi quân, tử vi thần,” như chính ông, với tư cách một người ham mộ và nghiên cứu tử vi, đã bấm độn cho mình. Ông cũng tự cho mình là người đã cộng tác với Việt Minh rồi lại chống Việt Minh, đã là đội khố xanh của Pháp rồi quay lại chống Pháp, đã từng tôn Ngô Đình Diệm như lãnh tụ rồi hăng say lật ông Diệm và cho đến nay vẫn không ngớt thóa mạ ông Diệm hơn bất cứ ai khác..
Có thể thêm là ông cũng đã là ủy viên chính trị của “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng” do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch, rồi quay ra chỉ trích hội đồng này. Và khi tướng Nguyễn Khánh làm “chỉnh lý”, lên làm thủ tướng, ông lại giữ chức phó thủ tướng đặc trách văn hóa xã hội, để rồi sau đó cũng chỉ trích nặng nề chính phủ Nguyễn Khánh. Ông đã kết giao với tướng Kỳ trong cuộc đảo chính lật ông Diệm, nhưng rồi sau đó, ông lại chửi bới ông Kỳ không tiếc lời.
Từ ngày sang Mỹ ông không ngớt đả kích Cần Lao. Thì ra chính ông lại là Cần Lao gộc hạng nhất. Ông viết rằng chính ông Nhu đã muốn ông đứng đầu “quân ủy” Cần Lao[1] mà ông không nhận, chỉ nhận chức ủy viên trung ương “quân ủy.” Hình như thiếu tướng Đỗ Mậu bị ám ảnh bởi cái gốc Cần Lao của mình, cũng gần giống như Hitler ngày xưa bị ám ảnh bởi nguồn gốc Do Thái của ông ta. Do đó giống như Hitler nhìn đâu cũng thấy Do Thái và tìm diệt cho bằng được, ông Đỗ Mậu nhìn đâu cũng thấy Cần Lao. Cứ hễ ai lên tiếng bênh vực hay khen ông Diệm là bị ông Đỗ Mậu chụp cho mũ “Cần Lao” to tướng. Đôi chỗ ông thêm Cần Lao Công Giáo, có lẽ để được tự tách mình ra xa một chút chăng.
Không rõ hai nữ văn sĩ và ký giả Ellen Hammer Marguerite Higgins có được ông liệt vào đảng Cần Lao không mà cũng bị ông bêu riếu đến buồn cười. Hay vì ông đại tá giám đốc an ninh quân đội hồi nào thường được tổng thống Ngô Đình Diệm gọi vào dinh-- không phải vì công vụ mà để tâm sự, lúc đêm đã về khuya, như chính ông khoe-- ghen với hai người đàn bà ngoại quốc rất kính trọng và chắc chắn cũng mến yêu vị tổng thống độc thân? Nếu chuyện này đến tai nhà văn Mỹ Gay Talese có thể tướng Đỗ Mậu sẽ được đem ra so sánh với Rudolf Hess của Hitler.
Cuốn hồi ký của ông, không biết có phải do chính ông viết không, mang tựa đề rất kêu “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”, xuất bản năm 1986, tái bản năm 1987 và tái bản lần nữa vào năm 1993, nhưng đã được in đi in lại tới chín, mười lần, theo nhà xuất bản Văn Nghệ cho biết.[2] Cuốn sách dầy trên ngàn trang này chứa đựng nhiều sử liệu quan trọng và được trình bày một cách chi tiết với sự việc cụ thể hấp dẫn, khiến độc giả, nếu đọc nhanh như đọc tiểu thuyết thì thấy rất hay. Nhưng nếu đọc kỹ từng trang, đối chiếu đoạn trên với đọan dưới và kiểm chứng lại với các tài liệu khác thì thấy nó chứa đầy dẫy những sai lầm, mâu thuẫn. Vì cuốn sách ngàn trang là ngàn lời nguyền rủa. Những sai lầm, mâu thuẫn lại quá nhiều, nếu trưng dẫn một cách tóm lược ra đây thì cũng phải cần đến hàng trăm trang. Vì vậy tôi chỉ xin nói tóm tắt rằng đối với ông Đỗ Mậu thì cả nhà ông Diệm đều đắc tội với dân với nước. Chính ông Diệm cũng là con người xấu xa, từ cái tướng đi, cặp mắt nhìn cho đến tính gian dâm lén lút, có con riêng, đến sự vô ơn bội nghĩa với những đồng chí cũ của mình, có lẽ cả với ông Đỗ Mậu nữa, cho đến hành động thân Pháp, thân Nhựt, làm tay sai cho Mỹ, phản bội quyền lợi dân tộc, và sau cùng rắp tâm bán đứng miền Nam cho cộng sản. Cái tội nặng nhất của ông Diệm, đối với ông Đỗ Mậu là tội kỳ thị, đàn áp và bách hại Phật Giáo. Chính cha ông Diệm là Ngô Đình Khả, mà ông Đỗ Mậu đã thường cùng với ông Ngô Đình Cẩn, đến viếng mộ vào những ngày tết trước khi ông Diệm cầm quyền, (“trong khi ông Diệm, ông Nhu ở Saigon không thèm về giỗ bố” như ông viết), cũng bị ông Đỗ Mậu gọi là tay sai cao cấp của thực dân Pháp…[3] Chưa kể đến những tội của các anh em ông Diệm còn nặng hơn nữa. Đúng là không bút nào tả xiết, “không nước sông nào rửa sạch.” Vì vậy xin bạn đọc tự tìm đọc thẳng cuốn sách ngàn trang này để tiện bề xét đoán trực tiếp. Nhưng đối với bạn trẻ, tôi đề nghị là hãy đọc chầm chậm với suy nghĩ cẩn trọng, đừng để bị lời văn lôi kéo.
Tôi cũng không có ý góp lời bàn ở đây vì cũng đã có nhiều sách phê bình tác phẩm này rồi. Một vài trang ở đây không nói được hết ý. Nếu tò mò muốn biết bạn đọc có thể tìm đọc cuốn “Việt Nam chính sử” của ông Nguyễn Văn Chức để so sánh đối chiếu với những gì ông Đỗ Mậu viết trong hồi ký ngàn trang của ông. Và cũng đừng quên ông Nguyễn Văn Chức chỉ chú trọng đến một số điểm quan trọng đối với ông ấy thôi.
Ngoài việc kể tội gia đình họ Ngô và chỉ trích những người mà ông gán cho cái tội Cần Lao, ông Đỗ Mậu đã nói về thành tích và công trạng cũng như tài cán của mình hơi nhiều. Ông lại chê tất cả những người lãnh đạo Việt Nam từ 1945 cho đến 1975, từ Hồ Chí Minh, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu.
Điều đó khiến người đọc phải nghĩ chỉ có ông Đỗ Mậu đáng làm Vua (sinh vi Quân), hay tổng thống, hay quốc trưởng, hay chủ tịch, hay tổng bí thư, như các ông Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, hay ít nhất cũng thủ tướng như Phan Văn Khải mới xứng đáng và chỉ có thế mới làm cho nước giầu dân mạnh được.
Nhưng ông cũng đã chẳng từng làm phó thủ tướng và ủy viên chính trị trong hội đồng quân nhân cách mạng, cũng có ảnh hưởng lớn nhất trong hội đồng vì nắm toàn bộ các vấn đề chính trị đó hay sao? Người đọc tự hỏi: Với “tài trí” của ông và “hậu thuẫn” của cả khối Phật Giáo chiếm tới 80% dân số Việt Nam, như phe ông thường nói (chưa kể ông Hilsman ở bộ Ngoại Giao Mỹ thời ấy, chắc cũng cùng phe với ông, còn nói trên 90%), đứng sau lưng anh hùng Thượng Tọa Thích Trí Quang, tại sao ông không cùng với vị thượng tọa đầy quyền uy và thế lực đó lợi dụng tình hình sau đảo chính nắm luôn chính quyền, làm quốc trưởng, chủ tịch luôn? Cái số đã là “sinh vi quân” cơ mà?
Khi viết hồi ký ông Đỗ Mậu đã lôi đúng 100 người, trong số đó cũng có những người có tên tuổi, từ các ông Võ Văn Ái, Tăng Xuân An (vần A) đến các ông Vân Xưa, Phan Xứng, Huỳnh Minh Ý (vần Y) ra làm chứng cho những điều ông nói xấu về ông Diệm. Ông trích cả thư riêng của một số vị như các ông Lê Tá, Lê Văn Thái (tức Thái trắng), Hoàng Đồng Tiếu, Tôn Thất Tuế, Võ Như Nguyện, Huỳnh Minh Ý gửi cho ông hay bạn ông. Dường như ông chẳng những muốn chứng minh rằng hàng trăm người cũng đồng ý với ông, mà còn muốn lôi những vị này đứng hẳn vào phe ông, dứt khoát phải ủng hộ ông, dù có nhiều vị trong số đó chắc chắn là không muốn, nhưng “miệng đã mắc quai.” Những ai không dám lên tiếng phản đối hay cải chính, hoặc đã chết không còn cơ hội cải chính nữa, thì được ông coi là đồng minh rồi. Và ông còn có thể dựa vào con số đông đó để lôi kéo thêm nhiều người khác. Đây là một tiểu xảo chính trị, không lấy gì làm tốt đẹp.
Nếu bạn đọc có cơ hội thử hỏi riêng một vài vị trong số đó như ông Lê Văn Thái ở San Diego hay ông Võ Như Nguyện ở Pau (Pháp) chẳng hạn xem các ông ấy có lấy làm hân hạnh khi thấy thư riêng của mình được ông Đỗ Mậu lợi dụng vào việc gây uy tín riêng cho ông ta không. Trừ phi các ông ấy muốn có một chức tổng bộ trưởng hay tổng giám đốc trong cái chính phủ tương lai nào đó của ông Đỗ Mậu, thiết tưởng chẳng ai thích thư riêng của mình được đăng lên sách báo. Dầu sao nếu có dịp bạn đọc thử đọc hết các bức thư hay tài liệu của một trăm vị đó xem họ viết gì, và những lời thư hay tài liệu đó chứng minh cho lập luận của ông Đỗ Mậu đến mức độ nào.
Để kết thúc chương này chúng tôi cảm thấy bất đắc dĩ phải đặt câu hỏi về tính liêm sỉ, không phải đối với thiếu tướng Đỗ Mậu, mà đối với một nhà tiểu trí thức, một nhà văn là ông Đoàn Thêm. Ông này được ông Đỗ Mậu nhắc đến và trưng dẫn trong hồi ký của ông đến 15 lần, có lẽ chỉ thua Karnow, Sheehan và Halberstam là những tác giả thiên cộng hay thiên tả coi toàn bộ phe quốc gia chẳng ra gì so với phe cộng sản, là những tác giả được trưng dẫn nhiều nhất trong “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”.
Đã làm đến chức phó đổng lý văn phòng của ông Diệm, ông Đoàn Thêm được coi như người trong bộ tham mưu cao cấp nhất của ông Diệm. (Về mặt hành chánh, những người giữ các chức đổng lý văn phòng, chánh văn Phòng, như ông Võ Văn Hải, hay chức bí thư, công cán ủy viên thường là những người thuộc ê-kíp của người đứng đầu cơ quan như bộ, phủ và khi người đứng đầu rời nhiệm sở thì đương nhiên đoàn tùy tùng này cũng ra đi, trừ phi người kế vị muốn giữ lại với sự đồng ý của đương sự.) Nếu thấy ông Diệm làm sai sao ông Đoàn Thêm không can ngăn. Nếu thấy ông Diệm cố chấp không can ngăn được và còn xấu xa, như ông viết, thì tại sao ông không từ chức trước, hay ít nhất cũng từ chức vào lúc nguy kịch cuối cùng của ông Diệm, giống như ông Vũ Văn Mẫu chẳng hạn, để vớt vát chút danh dự, mà lại cứ ngồi lỳ ở đó hưởng bổng lộc. Rồi sau khi ông Diệm chết mới lên tiếng chê bai và lên án ông Diệm?
==========
[1] TừQuân ủy” mà ông Đỗ Mậu dùng đây, theo chỗ soạn giả được biết qua những người thân cận với trung tá Nguyễn Văn Châu, là do ông Đỗ Mậu nói theo từ của cộng sản. Chứ đảng Cần Lao Nhân vị của ông Nhu không có từ đó. Ông Châu có một thời giữ vai trò “Trưởng ban V (năm)”, mà ông Đỗ Mậu nói là “Chủ tịch Quân Ủy” ngụ ý là đảng Cần Lao cũng giống như đảng cộng sản. Thực tế hoàn toàn khác. Đảng cộng sản, với danh xưng “Đảng Lao Động” miền Bắc lúc ấy, là đảng lãnh đạo. Lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo nhân dân. Thành viên chính phủ là đảng viên. Dân biểu quốc hội là đảng viên. Chủ tịch quân ủy trung ương là ủy viên bộ chính trị của đảng. Quân ủy trung ương là một bộ phận chính thức đầu não của quân đội, mà chủ tịch có lúc là tổng tư lệnh quân đội.
Trái lại đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu không hề có một địa vị và tầm quan trọng như thế trong chính phủ của tổng thống Ngô Đình Diệm. Bằng chứng là hầu hết bộ trưởng không phải đảng viên Cần Lao. Chính ông Ngô đình Nhu là tổng bí thư cũng không giữ chức vụ gì chính thức trong chính phủ, trừ trường hợp sau này với sự ra đời của quốc sách Ấp Chiến Lược, ông được cử giữ chức vụ phối hợp các bộ, một thứ chủ tịch ủy ban liên bộ về quốc sách Ấp Chiến Lược…
Về phía quân đội trung tá Châu chỉ là giám đốc một nha trong số nhiều nha và trên nha còn có các tổng nha thuộc bộ Quốc Phòng. Việc ông Nhu, với tư cách lãnh đạo đảng, chọn, hay tổ chức bầu (?) ông Châu, hay ông Đỗ Mậu, như chính ông này viết trong hồi ký của ông, không phải để lãnh đạo quân đội như Võ nguyên Giáp của đảng cộng sản. Ông Châu thực ra, ngoài chức vụ chính thức là giám đốc một nha dưới quyền bộ trưởng quốc phòng, chỉ có một nhiệm vụ rất khiêm tốn và hạn chế đối với riêng ông Nhu mà thôi. Với chức trưởng ban V, ông Châu không có chút quyền hành gì với các cấp chỉ huy trong quân đội, ngoài một số sĩ quan trực tiếp dưới quyền ông thuộc nha Chiến Tranh Tâm Lý.
Như vậy dùng từ “quân ủy” để gọi thay cho danh xưng chính thức của nó là hoàn toàn sai, khiến gây ngộ nhận vô cùng tai hại. Nếu thời đó có một vài ông tướng, tá nể sợ ông Châu hay bợ đỡ ông ta, là vì họ hy vọng được ông này báo cáo tốt với ông Nhu hay ông Diệm. Chứ về mặt pháp lý và tổ chức họ không có bất cứ lý do gì phải khúm núm, sợ sệt trước ông Châu, cũng như sau này người kế vị ông ta, khi ông ta đã bị hạ tầng công tác, vì tổng thống Diệm hay biết được là có những vị tướng bợ đỡ ông ta, làm hại uy danh quân đội.
[2] Một nhà thơ sang Mỹ định cư năm 1997, ông Thái Thủy, cho biết ở Saigon ông đã được đọc tác phẩm này do nhà xuất bản Công An Nhân Dân phát hành với một số thay đổi nhỏ cho hợp với luận điệu của đảng hơn.
[3] Người dân Huế ít có ai lại không biết câu phong dao “Đầy vua không Khả, Đào mả không Bài” được truyền tụng vào tiền bán thế kỷ 20 nói về sự can đảm của hai vị đại thần của Nhà Nguyễn, Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài, đã dám chống lại quyết định của thực dân Pháp đầy vua Thành Thái và đào lăng vua Tự Đức để lấy châu báu. Nhà văn cộng sản Vũ Thư Hiên trong “hồi ký chính trị của một người không làm chính trị” nhan đề Đêm Giữa Ban Ngày có thuật lại việc ông Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu phong dao nói trên như là cái cớ để hạ lệnh phóng thích ông Ngô Đình Diệm. Vì theo ông Hồ người dân Huế có lòng kính trọng cha ông Diệm đến thế thì cũng nên vì người cha mà thả người con. Xin xem sách đã dẫn (nhà xuất bản Paris, 1988) trang 226-227, có trích đăng trong phần phụ lục soạn phẩm này.
[4] Việt Nam Chính Sử không tìm thấy trên Internet. Xin liếc qua vài đoạn trích ở đây.

Wednesday, January 2, 2008

Cơm trắng (PLV)

Bạn thân mến, Nếu “Kiếp Hài Nhi” chỉ là những lời chửi mắng một xã hội đầy những kẻ vô tâm không bằng một con chó khi vẽ nên cảnh chú chó đuổi theo chiếc xe gắn máy để cố giành lại đứa hài nhi tội nghiệp bị bỏ mặc mà vì lòng trắc ẩn nó đã cho bú mớm, thì “Cơm Trắng” là một tiếng kêu phẫn uất, một tiếng thét vang đến tận trời, tiếng thét của một người mẹ khi phải tận mắt nhìn con mình đang bị người ta tùng xẻo, cắt từng miếng thịt. Có một cái gì đó kinh khủng, kinh khủng lắm, khi nhắm mắt lại và mở lòng ra sau khi đọc xong truyện ngắn này. Sau khi đọc, bởi vì đang khi đọc thì cái văn tài của tác giả đã cuốn hút người đọc đến độ không kịp dừng lại mà suy nghĩ. Sự kiện tiếp nối sự kiện làm ta cứ phải dõi theo, dõi theo mãi cho đến lúc cuối thì đùng một cái, trái tim ta như bị ai bóp nghiến lại. Chỉ còn một cảm giác uất nghẹn vì bất lực. Nước mắt đã từng rơi trên những trang giấy của “Nhà Mẹ Lê” của Thạch Lam vì những nỗi thê lương, nỗi khổ của người dân chất phác hiền lành trong cái thời mà ngoại bang đang thống trị, nhưng nước mắt sẽ không kịp rơi khi đọc “Cơm Trắng”; vì những khốn khổ thời Pháp thuộc đó có đáng kể gì nếu đem so với những kinh khủng xảy ra trong “Cơm Trắng” của thời chúng ta, thời buổi độc lập tự chủ, không còn bóng dáng một tên giặc ngoại xâm nào. Những kinh khủng ấy xảy ra cho dân đen và ta nghe rõ mồn một tiếng thét của PLV: “Ai! Ai cho phép các người!” Ông không thét để hỏi, vì ông đã chỉ ra cái thế lực đang bảo vệ sự ác một cách rất rõ ràng rồi. Bạn hãy đọc và hãy để lòng mình nghẹn ngào. Thân ái, Hồng Đức
  Cơm trắng
 Vào thành phố làm thuê đã gần chục năm nay, Tết này anh ở lại ăn Tết với vợ chồng tôi. Sáng ba mươi làm cỗ cúng ông bà ông vải, nhìn vợ tôi xới ra mấy lưng cơm trắng đặt lên mâm, anh bảo: “Ông có tin là tới khi lấy vợ, tôi mới biết thế nào là cơm trắng không?” Rồi không đợi tôi trả lời, anh nói tiếp, giọng bùi ngùi: “Giờ nói ra chắc chẳng ai tin. Nhưng có một thời những người nông dân quê tôi không biết thế nào là cơm trắng. Thế mà mấy ông mấy bà nhà văn cứ viết thế này thế nọ. Tài thật!...” Rồi anh kể cho chúng tôi nghe một chuyện ở làng anh. Tôi nghe xong định bụng sẽ có sao chép vậy. Cầu mong những vong hồn ở quê anh có khôn thiêng chứng giám. Mâm cơm này xin được cúng cả cho những oan hồn ngày ấy. Còn sau đây là câu chuyện của anh: Năm đó chị Thắm về thăm làng đúng vào dịp giỗ bà nội của chị là bà Gái. Đã mấy chục năm trôi qua. Cái chết của bà nội lúc nào cũng ám ảnh chị. Bà chết vì lên cơn dại sau mấy ngày bị chó cắn. Lúc đó chị mới lên chín tuổi. Ôi! Bà chết mới thương tâm, kinh sợ làm sao. Bắt đầu là những triệu chứng sợ gió, sợ nước, những trận run không hãm lại được. Rồi bà lên cơn, miệng sùi bọt mép, tấm thân già nua co giật dữ dội, bố mẹ chị phải cố hết sức mới giữ cho bà khỏi lăn xuống nền nhà. Bố mẹ chị khóc không thành tiếng. Cái Thắm bấy giờ sợ quá đứng ôm nép một bên cột nước mắt ràn rụa. Nó gào khóc ầm ĩ. “Ối bà ơi... bà làm sao thế bà ơi...” Hàng xóm láng giềng đổ đến. Mấy ông già cao tuổi nhìn cảnh ấy lắc đầu. Rồi có những lúc cơn dại tạm lui, bà mềm nhũn như một cọng bún, người đẫm mồ hôi, dúm dó. Mặt bà tái dại đi. Song bà vẫn tỉnh táo. Bà biết bà sắp chết. Bố mẹ cũng biết bà sắp chết mà không làm sao được. Tất cả chỉ còn biết nhìn nhau thê thảm. Đôi mắt đã thất thần của bà vẫn như muốn dõi tìm cái Thắm. Bà giơ hai tay lên, muốn kéo nó lại gần. Bà phều phào lẩy bẩy mấy lời trăn trối: “Con... ơ... ơi... Cháu... ơ... ơi... Đừng bao giờ mơ cơm trắng nữa... ng... nghe... chư...chưa...” Chỉ được có thế, rồi một cơn dại khác lại ập đến... Chị Thắm xin phép bố mẹ để chị đi chợ mua đồ về làm lưng cơm cúng bà. Đặt đĩa xôi, con gà lên bàn thờ, chị xới ra lưng bát cơm trắng để lên trước bát nhang rồi thắp hương, cúi đầu lầm rầm khấn vái. Khấn xong, chị chắp tay ngẩng nhìn tấm di ảnh nhăn nheo của bà nội trên bàn thờ. Khói hương như những con giun ngoằn ngoèo cuộn lên rồi tỏa ra xung quanh thành những vòng tròn nằm ngang. Qua làn khói, chị cảm thấy đôi mắt của bà lung linh như vừa chớp một cái, lúc nhìn chị, lúc lại nhìn xuống bát cơm trắng đặt trước mặt. Cặp môi răn reo của bà hình như vừa mấp máy điều gì. Bất giác, chị cảm thấy một luồng hơi lạnh chạy giần giật dọc sống lưng, toàn thân chị sởn hết gai ốc, chị muốn quị xuống. Chị sực tỉnh khi bố chị nhắc chị đứng ra ngoài để ông vào cúng. Giọng cúng của ông đều đều, ấm áp như một bài tụng kinh siêu thoát làm tâm thần vừa nặng trĩu của chị vơi đi được phần nào. “Nam mô A di đà Phật, tái thế tế thứ... Thượng hạ Đông Tây Nam Bắc... Thượng hạ mồ ma đống cao...” Cứ sau mỗi đoạn của bài cúng, ông lại lấy hơi bằng cách “suýt” nhẹ một tiếng rõ dài. Chị đứng nghe mà không cầm nổi nước mắt. Cúng xong, ông đưa hai tay lên bàn thờ sửa lại mấy nén hương. Bỗng ông hoảng hốt kêu thét lên: “Ối giời đất ôi! Cái gì thế này?...” Chị giật mình thấy ông bố mặt tái mét đang trỏ tay vào bát cơm trên bàn thờ, miệng ú ớ nói không nghe ra tiếng nào nữa. Chị vội lao tới, nhìn theo hướng ngón tay trỏ của ông. Ngay lập tức, đến lượt chị cũng rụng rời hồn xiêu phách tán. Bát cơm trắng muốt chị vừa xới ra, giờ đỏ lòm như một bát máu. Kí ức của cái Thắm bé bỏng ngày xưa tưởng đã quên đi, giờ lại đột ngột dội về... Cuối làng có một túp nhà tranh, tường đắp đất như cái lô cốt. Đó là nhà Rốp Đực. Rốp Đực mới gần ba mươi, học mất sáu năm trường làng lên tới lớp ba rồi nghỉ luôn. Bố mẹ lấy vợ cho gã rồi cho gã ở riêng. Cái đĩ Nhài con nhà Phẹt quắt queo, thò lò mũi thế mà về làm vợ gã độ nửa năm bỗng trổ mã phổng phao câu, má đỏ hây, ngực căng muốn nứt áo, nom ngon như một con bò cái tơ. Vợ chồng lực điền son rỗi thành ra cũng không đến nỗi, đủ ngày hai bữa cơm độn, không phải ăn cháo rau như khối nhà khác trong làng. Từ khi trổ mã, cái Nhài được đích thân thằng Tấn, bí thư Đoàn tuyên truyền giác ngộ rồi kết nạp vào Đoàn... Riêng gã vẫn thành phần thanh niên chậm tiến. Thằng Tấn con Bí thư Nục quyền sinh quyền sát trong làng. Nó cũng chỉ học đến lớp bảy rồi phá ngang, suốt ngày lêu lổng, tụ tập mấy đứa ranh con đi ăn cắp trứng gà hoặc rình đàn bà con gái tắm. Từ ngày ông Nục đưa nó lên chức bí thư Đoàn, lúc nào nó cũng cố tỏ ra chững chạc ta đây cán bộ cán bèo, song vẻ lưu manh thì không giấu đi đâu được. Cái Nhài sinh hoạt Đoàn được mấy tháng thì thằng Tấn tỉ tê hứa sẽ bồi dưỡng để nó được đứng trong hàng ngũ của Đảng quang vinh. Thế thì có mà đổi đời. Rốp Đực chả tin điều đó. Song con vợ cứ hí hửng thì thầm vào tai gã: “Bố nó là Bí thư, nó muốn làm gì chả được...” Gã gắt lên với vợ: “Dưng mà tao đếch thích cái thằng ấy, cả bố con nhà nó...” Rồi một buổi tối, sau khi sinh hoạt Đoàn xong, thằng Tấn dẫn cái Nhài ra phía cánh đồng, vừa đi vừa khoát chân khoát tay “bồi dưỡng” lý tưởng... cho nó. Tới tít cánh Rộc cùng, giọng “bồi dưỡng” của thằng Tấn chợt run lên lào phào, trộn lẫn những hơi thở gấp. Cả người nó bỗng ngùn ngụt như muốn bốc cháy. Nó kéo cái Nhài ngồi thụp xuống bờ ruộng. Cái Nhài chợt tỉnh ra, sợ quá la lên: “Tôi là gái có chồng...”. Thằng Tấn vội vàng dùng tay bóp chặt mồm nó lại không cho kêu rồi đè ngửa ra, rứt vội một nắm cỏ nhét đầy vào mồm nó. Cái Nhài ú ớ giẫy giụa. Không ăn thua gì. Thằng con trai kia vẫn một tay ghì chặt ngang cổ nó, một tay giật phựt phựt những nút áo. Đoạn rồi gã nhổm đít, co một chân lên, móc ngón cái vào cạp quần ngay dưới rốn cái Nhài, đạp mạnh xuống... Suốt mấy ngày đêm, cả nhà Rốp Đực lẫn nhà Phẹt đổ đi tìm con Nhài. Không thấy tăm tích nó đâu. Cả đời nó đi xa nhất chỉ sang đến chợ Đò. Vậy mà mấy đứa trong ban chấp hành Đoàn cả quyết rằng tối ấy sinh hoạt xong sớm, chúng nó thấy cái Nhài rủ đi xem phim tận bên Gia Trung... Ba ngày sau, xác cái Nhài nổi lên ở cuối đoạn sông gần cánh đồng Rộc cùng, người nó mắc vào một chân cột vó bè, mồm ngậm đầy những cỏ, hai mắt nó trợn ngược, trắng dã, quần áo rách te tua phơi cái bụng trương sình, trắng như lợn cạo. Lão Phẹt nghe tin sét đánh vội vã lao tới. “Ối con ơi!...” Vừa lúc ấy từ miệng cái Nhài, nắm cỏ ộc ra ngoài kèm theo một ngụm máu lẫn nước dãi, nom nhờ nhờ như máu cá. Bí thư Nục vội vàng triệu tập họp những cán bộ chủ chốt để phổ biến tình hình trật tự an ninh trong khu vực. Ông ta thông báo rằng gần đây có một nhóm cướp mới tụ tập, chuyên lảng vảng làng này, làng nọ. Công an đang tổ chức truy bắt. Trường hợp của đồng chí Nhài chắc chắn do nhóm cướp đó gây ra... Tiếc quá, bên Đoàn đã giới thiệu đồng chí nữ đoàn viên tích cực ấy vào diện cảm tình, đối tượng... Rốp Đực phát điên từ ngày đó. Một hôm gã vác con dao bầu đến nhà ông Nục đòi gặp thằng bí thư Đoàn. Gã cho rằng chính vì chuyện sinh hoạt Đoàn điếc cái con mẹ nhà chúng nó ấy đã khiến vợ gã chết oan. “Ối Nhài ơi... em cứ ở nhà với anh thì đâu ra nông nỗi... Đoàn điếc gì để người ta hiếp chết em ơi...” Lúc ấy, thằng Tấn cùng mấy đứa trong ban chấp hành Đoàn đang tụ họp đánh chén trong nhà hoảng hốt chui hết vào buồng, đóng chặt cửa lại. Mãi sau, một thằng được phân công lẻn cửa sau đi báo công an. Lập tức công an có mặt. Giải thích, thuyết phục thế nào gã cũng không nghe, lại còn chửi vung xích chó. Một anh công an xông vào, gã múa tít con dao bầu, xuýt xảy ra án mạng. Một anh khác thấy thế chĩa súng lên trời bắn một phát chỉ thiên. Cả làng giật mình sợ chết khiếp. Rốp Đực cũng giật nảy mình, ngơ ngác. Nhân lúc đó, một anh công an vòng phía sau lao vào ôm chặt lấy gã. Rồi mấy anh kia xông tới cướp lấy con dao, đè nghiến gã xuống, trói gô lại như một con chó, giải về trụ sở. Rốp Đực biến một lèo sáu tháng, lên huyện, rồi lên tỉnh... Dân làng đồn gã bị khép tội phản động. Bỗng một hôm người ta chở gã về, người như cái xác ve, rũ rượi. Từ đó gã càng điên loạn hơn trước, song những cơ bắp lực điền ngày xưa biến đâu hết cả, sức vóc hầu như chẳng còn gì đáng kể. Cũng may, gã tuy điên nhưng lành như cục đất, chẳng dọa nạt con nít bao giờ. Hôm ấy, Rốp Đực xúc đầy một rá gạo, đem ra nhúng cả vào vại nước, vừa vo vừa ngửa cổ lên trời ca một câu rất dở hơi:“Hơ hơ!, đĩ vợ ta ơi... về ăn cơm trắng rồi chơi... Bố mày!... Hơ hơ!...” Hai tiếng “Bố mày” gã quát lên thành tiếng chửi, không biết chửi ai? Vo gạo xong, gã trút hết vào cái xoong nhôm nhăn nheo, đổ đầy nước rồi đem vào đặt lên bếp, nhóm lửa. Có tiếng gà lúc cúc đi ngang qua sân. Gã vọt ra. Không kịp rồi. Con gà mái đã lao thẳng vào vườn chuối, vừa chạy vừa quác lên mấy tiếng như muốn chửi vào mặt gã: “Mả cha mày, định giết bà hử...” Gã ngây người tiếc rẻ, lững thững quay vào bếp. Gã nhìn ngọn lửa đang liếm láp cái đít xoong, thở dài. Cái đít xoong đen óng ả như mái đầu của đĩ Nhài dạo nào. Gã bỗng tưởng tượng vợ gã đang ngồi đấy như mọi lần, một tay cầm que cời, một tay đưa lên vấn lại mái tóc, da thịt Nhài tròn căng trong lớp vải pô pơ lin mỏng tang, thơm lịm... Gã đưa hai bàn tay lên bưng lấy mặt, rồi lại mở ra, rồi lại bưng lấy như trẻ con chơi trò trốn tìm... mắt gã hau háu nhìn vào cái chỗ trống trơn ấy. Bỗng gã cúi xuống, luống cuống tụt quần ra, rồi hai tay ôm cứng lấy bộ hạ, gã bước lò dò tới đứng trước cái bếp lửa. Ngửa mặt lên nóc bếp, gã tru lên mấy tiếng như một con chó đực, bọt mép trào ra hai khóe môi. Cứ thế, những thớ thịt nhão nhoét hai bên đùi gã giật lên những cơn nhè nhẹ trước chậm sau nhanh dần, nhanh dần. Hai bàn tay gã cũng hối hả giật ra giật vào dưới hạ bộ. Mồ hôi gã túa ra, chảy nhễ nhại trên khuôn mặt. Gã giật mình cảm giác như có mùi hương bồ kết, mùi da thịt ngầy ngậy quen thuộc của vợ gã lẩn quất đâu đây. Rồi theo một thứ phản xạ nào đó của giống đực, gã kiễng hai chân, rướn người lên... Vừa lúc ấy, có tiếng “xèo!...” một cái, búng nước nhờn từ chỗ hạ bộ gã vừa vọt ra theo hình vòng cung, bắn thẳng vào giữa ngọn lửa. Xoong cơm trên bếp chợt bục lên một tiếng, phì hơi ra ngoài, cái nắp vung mấp máy. Cơm sôi. Bất giác, thân hình Rốp Đực cũng giật nhẹ một cái. Gã hơi cong người há hốc mồm nhìn cái vung xoong đang sùi bọt, hấp háy. Từ một lỗ châm kim đâu đó, một tia hơi nước mảnh như que tăm phun mạnh lên, phát ra tiếng kêu ri rỉ như tiếng khóc của một oan hồn. Gã lạnh toát người, mắt hoa lên, nảy đom đóm, miệng thở phì phò như kéo bễ. Lùi lại một bước, gã nhắm mắt lại rồi thả phịch người xuống thùng trấu, nằm lăn ra thở dốc. Gã thức dậy lúc trời đã xế chiều. Xung quanh vắng lặng. Tiếng khóc ri rỉ ban nãy đã nín bặt. Dường như oan hồn đã bỏ gã mà đi. Xoong cơm trở lại im lìm trên bếp, ngọn lửa đã tàn từ lúc nào. Bê xoong cơm ra giữa sân, gã kéo lê cả cái rổ bát lỏng chỏng đặt bên cạnh. Rồi gã lấy bát, xới cơm ra. Xoong cơm trắng muốt bốc hơi thơm lựng, ngào ngạt điếc mũi. Mấy con chim sẻ đang bay trên trời bị cái mùi thơm ấy quyến rũ vội sà xuống, nhảy nhót loạn xạ xung quanh song không dám đến gần. Cái mùi ấy bay lên trời, tỏa đi khắp nơi, ra tới tận đầu làng. Bất giác dân làng ai cũng ứa nước miếng. Trẻ con ngơ ngác, tuôn dãi ra rề rề. Đám thanh niên hỏi nhau: “Mùi gì mà lạ thế, chửa được ngửi bao giờ?” Các cụ già lẩm bẩm: “Mùi cơm gạo mới ngày mùa đây mà. Đã hàng chục năm giời nay mới lại ngửi thấy. Nhưng ở đâu ra thế nhỉ...” Rốp Đực bưng bát cơm lên, lùa một miếng vào miệng. Bỗng gã trợn mắt dừng lại, cơn điên lại bùng phát. Gã phun miếng cơm trong miệng ra, rồi nâng bát cơm lên khỏi đầu, quật mạnh xuống nền gạch. Choác! Cái bát sứ vỡ tan, cơm trắng văng ra tứ phía. Lũ chim sẻ đang nhảy nhót xung quanh hoảng sợ bay vọt lên. Lập tức, mấy con chó đói đang nấp trong vườn chuối phía tây lao tới, thì ra chúng rình từ nãy. Những con chó vừa gầm gừ, vừa vùng vằng ăng ẳng tranh nhau liếm vội những hạt cơm. Nhìn khung cảnh náo nhiệt của bầy chó, gã thấy mình dường như đỡ cô đơn. Gã lại xới một bát nữa, lại... choác! Bầy chó hơi giật mình, khựng lại một giây rồi chợt hiểu. Nhờ có cái tiếng “choác” đó chúng mới có cơm mà liếm. Chúng chẳng sợ, chẳng cần để ý đến gã nữa. Bà Gái nuốt vội miếng nước bọt. Cái gì mà bên nhà Rốp Đực cứ bốp bốp, chát chát như đập bát đập đĩa thế nhỉ? Lại còn tiếng chó ăng ẳng, hình như chúng đang tranh ăn. Đích thị là tranh ăn. Người tranh ăn có khi còn kín tiếng chứ chó tranh ăn thì không giấu tiếng vào đâu được. Lại còn cái mùi thơm lựng giời? Ở đó chứ còn ở đâu ra nữa. Mấy hôm trước sang xin lửa, bà ngó cót nhà nó dễ còn mấy yến thóc, mình nó ăn đâu đã hết. Chỉ có điên như nó mới dám thổi cơm trắng. Từ khi có hợp tác xã, cả làng trừ những nhà Bí thư, Chủ nhiệm... còn lại nhà nào khá lắm cũng chỉ dám thổi cơm khoai, cơm sắn, còn đâu toàn cháo loãng, kể cả trong những ngày mùa, lúa gặt về chất đầy sân kho mà đâu có được chia ngay. Còn phải đợi cán bộ “cân đối”, “lên phương án”.... Nước bọt lại ứa ra, bà Gái nhìn cái Thắm đen đúa như củ súng đang ngồi rũ một xó. Đôi mắt nó sáng quắc, cái cổ thụt vào giữa hai bờ vai gầy nom như một con cóc. Tội nghiệp nó, đang tuổi ăn tuổi lớn. Già ngót tám mươi tuổi, sắp xuống lỗ như bà còn đói không chịu nổi nữa là nó. Húp một bát cháo độn xu hào loãng từ trưa tới giờ, bụng cả hai bà cháu đã quắt lại như dán chặt quanh xương sống. Nó cũng đang thèm cái mùi thơm như bà. “Đi! đứng lên đi” bà ra lệnh rồi quả quyết đứng dậy, lôi đứa trẻ theo. Hai bà cháu từ ngoài cổng nhà Rốp Đực ngó vào. Ối giời ôi! Nó đang đập những bát cơm trắng xuống sân kìa. Phí của thế hả giời? Lũ chó kia sẽ ăn hết mất thôi. Cơm trắng quá, trắng đến lóa mắt. Lâu lắm rồi bà không còn được nhìn thấy những hạt cơm như thế nữa. Phải cứu lấy cơm trắng. Bà nghĩ bụng rồi dắt theo cái Thắm, xăm xăm đi vào. Tới sân, bà chợt sững người, xấu hổ đỏ bừng mặt. Cái thằng Rốp Đực nó cởi truồng nồng nỗng, ngồi trật ra cả một đống hạ bộ đen sì. Cái Thắm nép sau lưng bà tỏ vẻ sợ hãi, vậy mà đôi mắt vẫn hau háu nhìn cái xoong cơm. Bà muốn quay ra. Nhưng còn cơm trắng? Nhìn vẻ man dại của Rốp Đực, nhất là cái đùm đen sì hôi hám của gã đang tô hô thế kia, bà bỏ ý định sấn tới cạnh gã, giằng lấy cái xoong cơm. Thôi thì vớt vát được chừng nào hay chừng nấy. Sự xấu hổ nhất thời đã không thắng được bản năng tiếc của. Hai bà cháu cố tránh nhìn gã, cứ thế len lén đi vào. Rồi bà ngồi thụp xuống, đứa cháu như con cóc cũng ngồi bệt xuống theo. Bà cháu bắt đầu hối hả đưa cả hai tay ra vét lấy những hạt cơm trắng đang vãi tung tóe. Phía đối diện, bầy chó dường như cảm thấy có thêm đối thủ, chúng gừ lên mấy tiếng như để thị uy rồi sấn xổ lao vào giữa đống cơm trắng vương vãi lẫn những mảnh bát vỡ. Rốp Đực nhìn cái cảnh bên chó bên người ấy lại càng thấy ngồ ngộ. Đúng là cái thằng điên. Hai bàn tay gã vừa nâng một bát cơm lên qua đầu chợt ngừng lại. Gã nghĩ sao lại hạ bát cơm xuống, nhoai người đặt ra xa trước mặt, cố ý để nó lệch về phía hai bà cháu. Bà Gái chợt ngừng nhai miếng cơm lẫn cát đang lạo xạo trong miệng. Bà nhìn bát cơm trắng, rồi nhìn gã, nghi ngờ. Nó cho mình bát cơm? Không nhẽ nó tử tế đến thế. Dễ đến chục năm nay, bà không hề được bưng trên tay một bát cơm trắng tinh như thế. Đứa cháu kia thì phải nói là từ lúc đẻ ra đến giờ. Có thật nó cho mình không? Ôi bát cơm quý hóa, bụng bà réo sôi ùng ục, bà run bắn người lên, vừa nghi ngờ, vừa lo sợ mấy con chó sẽ nhanh hơn bà. Bà nhìn gã, nhìn lũ chó như canh chừng rồi nhích dần, nhích dần. Bà đã tới rất gần, rất gần cái bát cơm quý hiếm có một không hai ấy. Cái Thắm ngồi phía sau cũng đang nín thở mong bà. Đợi đấy! Rồi bà cháu ta chia nhau bát cơm này nhá. Lũ chó không hiểu sao cũng chợt yên lặng. Hình như chúng chưa kịp hiểu điều gì đang diễn ra. Chó mà, chúng đâu có thông minh được như người. Hay chúng muốn nhường nhịn? Bà đã tới gần lắm rồi, chỉ cần đưa tay ra chộp xuống là được, bà hồi hộp nghĩ, mắt vẫn không rời gương mặt man dại của gã. Bỗng bà cúi nhanh xuống, nhìn thẳng vào bát cơm, đoạn chụp cả hai tay ôm gọn lấy nó. Ngay lúc ấy, lũ chó dường như cũng chợt tỉnh. Chúng sủa rộ lên, rồi một con lao tới. Nó há cái mõm đầy răng nham nhở của nó đớp mạnh vào tay bà. Á! một tiếng thét đau đớn bật ra. Song bà quyết không rụt tay lại, bà vẫn ôm chặt cái bát cơm, cố giằng nó vào lòng mình. Máu từ tay bà trào ra. Giây lát, màu trắng của cơm chuyển hẳn sang màu đỏ. Bát cơm vừa nãy giờ đã nhuộm đầy máu tươi... Tết Đinh Hợi (2007)