Monday, April 30, 2012

Lạ? Không Lạ?




Chân tướng tân thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Văn Công

Phú Hạo Hiên (Danlambao)- Ngày 26/4, Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng VN đã ký Quyết định số 499/QĐ-Ttg bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT làm Thứ trưởng Bộ GTVT. Mặc dù theo Nghị định 36/2012/NĐ-CP (*) vừa được chính Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 4 người. Tuy nhiên, Nguyễn Tấn Dũng tự cho mình quyền được “phá rào” bằng quy định bổ sung là Thủ tướng có quyền bổ nhiệm thêm thứ trưởng cho các bộ nếu thấy cần thiết. Chính do quy định này mà nhiều quan tham ở trung ương và địa phương đang chạy đua với nhau mua ghế thứ trưởng ở các bộ và các bộ hiện đang chạy đua để “xin” và “đẻ” thêm suất thứ trưởng.


Bộ Công an có lúc có 11 thứ trưởng, Bộ Công thương 9 thứ trưởng. Bộ Giao thông vận tải hiện giờ có 7 thứ trưởng. Bộ con con như Bộ Tư pháp có 6 thứ trưởng. Sắp tới sẽ xuất hiện thêm nhiều bộ với nhiều thứ trưởng đến nỗi có thứ trưởng chỉ phụ trách cơ sở vật chất của cơ quan (anh em gọi đùa là phụ trách xí đái) - thường do một phó văn phòng bộ trông coi. 

Để từ chân thứ trưởng các bộ này, kẻ thì về làm bí thư tỉnh ủy, kẻ được đưa đi làm chủ tịch các tỉnh/thành những mong “bật lại” trung ương với ghế cao hơn, sau khi đã vơ vét đầy túi tham tại các địa phương. 

Nguyễn Thiện Nhân từng đấu tranh điều kiện nhận chức Bộ trưởng giáo dục đào tạo là được tự chọn thứ trưởng giúp việc cho mình, cuối cùng ông Nhân thất bại vì bổ nhiệm thứ trưởng là mảnh đất cực màu mỡ, thủ tướng không đời nào nhường lại miếng ăn này cho ai khác. Thủ đoạn mới của Dũng thủ tướng là chỉ bổ nhiệm có thời hạn, cho nên anh được bổ nhiệm rồi vẫn phải ra sức cống nạp nếu không sẽ không bổ nhiệm tiếp, anh chưa được bổ nhiệm thì ra sức chạy để mong được thế chân kẻ đương chức trong kỳ xem xét bổ nhiệm lại. Mỗi suất như vậy không có tiền chục triệu thì đừng nói chuyện (chục triệu đô la Mỹ). Võ bẩn này được các cơ quan, địa phương khác áp dụng với dị bản là “luân chuyển cán bộ”. Chính vì mảnh đất “bổ nhiệm” màu mỡ như vậy nên kỳ đại hội Đảng vừa qua Dũng thủ tướng đã “chọc tiết” Hồ Đức Việt trưởng ban Tổ chức trung ương để giành quyền uy trong công tác tổ chức cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ chính trị và Ban bí thư quản lý.

Học rởm và buôn xi líp phụ nữ

Nguyễn Văn Công (ảnh trái) trước đây chẳng học hành gì, một thời xuất khẩu lao động sang Liên Xô làm tại một xưởng đóng tàu ở Odessa. Sau Công chuyên đánh hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ về bán lại cho các “soái” trên Mát (Moskva). Công có tiền bắt đầu từ dạo trúng mánh buôn xi líp và băng vệ sinh phụ nữ. Phần lớn xi líp và đồ dùng vệ sinh chị em tiêu thụ tại Mát là do Công đánh về. Lúc đó có người ví, nếu vì lý do gì đó mà Công cho ngừng đường dây này lại thì có lẽ phân nửa chị em phụ nữ Liên Xô thiếu xi líp, đồ dùng vệ sinh và chắc chắn nguy cơ mắc bệnh phụ khoa diện rộng trên toàn Liên bang Xô Viết là rất cao. 

Nhờ dính dáng tới một chút kỹ thuật tàu thủy, về nước lúc nào Công cũng rêu rao là đi học chế tàu thủy ở Liên Xô. Gặp lúc ở Bộ toàn kẻ không biết chữ nên chúng nể Công lắm. Thời Bùi Danh Lưu sắp thôi bộ trưởng, có lần Công dùng tiền gồng gánh thế nào được tháp tùng Bộ trưởng đi tham quan mấy cơ sở có chuyên gia Liên Xô, xì xồ được mấy câu khiến Công lọt vào mắt xanh của Bộ trưởng. Sau, Công cũng “chạy” được bằng tại chức kinh tế. Để giấu cái đuôi học rởm chế tàu thủy, Công chỉ cho in trên danh thiếp là kỹ sư kinh tế. Năm 1992, Công góp phần vào lobby Bộ GTVT thành lập công ty buôn người LOD (tên mỹ miều là Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực). Công về đây làm Phó tổng, nhường ghế Tổng cho Đoàn Xuân Viên, sau làm Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế Bộ GTVT (mặc dù chẳng biết ngoại ngữ nào). Ngay sau đó, thời Lê Ngọc Hoàn bộ trưởng, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, Việt Nam có thể giao thương bên ngoài. Máu nhạy bén kinh doanh của Công được phát huy. Có điều mặt hàng bây giờ không còn là băng vệ sinh và xi líp phụ nữ nữa. Công nhắm tới một mặt hàng không cần vốn mà được lời vô cùng đó là NGƯỜI. Đưa người Việt Nam bán ra nước ngoài. Từ đây con đường buôn người bắt đầu dưới cái tên hợp tác lao động.

Trùm buôn người

Thời Lê Ngọc Hoàn bộ trưởng, vốn vay ODA rót vào như nước nên cả Bộ GTVT chỉ mê mẩn vào các gói thầu, các PMU, các thương vụ chia chác hợp đồng xây lắp đường sá nên không quan chức nào quan tâm đến mấy cái vụ buôn người kia, thả cho Công mặc sức hoành hành. Cùng lắm, lúc nào có đợt đưa nhân công đi thì Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng xuống làm cái lễ ra quân thật rầm rộ, hô hào thật hoành tráng, cầm phong bì bồi dưỡng rồi biến. Đào Đình Bình lúc bấy giờ mới lóp ngóp từ đường sắt lên làm thứ trưởng phụ trách mảng hợp tác lao động, chẳng biết mô tê chi sất, lại mắc tật mê gái nên thỉnh thoảng Công bố trí cho chuyến “công tác” sang Nhật với Hàn, đưa đi mấy tiệm mát-xa nuy với các em Nhật, Hàn nõn nà phục vụ. Lúc về thế nào cũng có quà là mấy chục nghìn (USD) đút túi. Bình mê li, về nước lúc nào cũng nức nở khen Công là thức thời, nhạy bén, là hạt giống lãnh đạo, là cứu tinh của đất nước chứ chẳng xôi thịt như lũ lợn ở các PMU lúc nào cũng vục mặt vào ăn với đớp như lợn. Tuy nhiên, thế của Công lúc bấy không thể đọ được với lũ Việt Tiến, Dũng “tổng” PMU 18. Công biết vậy nên nằm im chờ thời. Lúc trà dư, tửu hậu, Công vẫn tự ví mình như Gia Cát nằm ở Ngọa Long Sơn, sẽ có ngày vươn ra đoạt thiên hạ.

Buôn thuyền viên, tu nghiệp sinh


Công chạy được giấy phép đặc biệt của Bộ Lao động cho phép Tổng công ty LOD (Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực) là doanh nghiệp duy nhất được xuất khẩu thuyền viên cho các ông chủ thuyền đánh cá Đài Loan, Hàn Quốc. Nghe rối rắm nhưng đơn giản là chỉ Công mới được đưa người đi làm trên các tàu đánh cá nước ngoài. Nắm được phép này trong tay, chỉ trong 5 năm (từ 1994-1999), Công đưa không dưới 20.000 thuyền viên ra nước ngoài. Mọi thuyền viên đều phải bỏ tiền túi ra chi phí đào tạo, phí tuyển dụng, vé máy bay, tiền đặt cọc là 1000 USD/người (khoản này thường không lấy lại được do LOD chiếm đoạt). Công cùng với các địa phương quảng cáo lừa người lao động là ra nước ngoài sướng lắm, chủ nuôi ăn, cung cấp nhà ở, công việc nhàn nhã với mức lương 2000 USD/tháng. Hầu hết các lao động vay lãi ngân hàng ở nhà, thế chấp nhà cửa để lo đủ khoản chi vào khoảng 5000 USD/người nhằm có được công việc theo bọn Công quảng cáo là 2000 USD/tháng. Người nào còn bán tín bán nghi thì cuối cùng sẽ tin tưởng bởi các buổi họp, ra quân đều do Bộ trưởng, Thứ trưởng chủ trì, chắc không thể có chuyện lừa đảo ở đây. 

Nguyễn Văn Công - tân thứ trưởng, cựu trùm buôn người

Toàn bộ số lao động này đều vỡ mộng. Sau khi cầm chắc số tiền của người lao động, LOD mà Công đứng đầu bỏ mặc cho chủ nước ngoài làm gì thì làm. Hầu hết lao động Việt Nam đều bị đánh đập, cưỡng bức lao động nặng nhọc. Nhiều người bị mất mạng trên biển. Theo thống kê, khoảng gần 100 thanh niên đã mất mạng khi lao động nặng nhọc trên các tàu đánh cá Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện, có khoảng 30 người vẫn chưa đưa xác về Việt Nam do LOD ăn chặn cả tiền bồi thường lẫn phí vận chuyển xác của người đã chết. Hàng chục nghìn người mất nhà cửa, nợ nần. Nền báo chí cách mạng với hơn 700 báo đài vẫn hàng ngày “thổi” mô hình của Công là điển hình thành công về “xóa đói, giảm nghèo” qua xuất khẩu lao động.

Với số tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Công ty LOD của Công đứng đầu giành được quyền làm trung gian trả lương cho người lao động. Tức là các ông chủ Nhật Bản phải trả lương cho số tu nghiệp sinh qua LOD, sau đó công ty LOD “phân phối lại” cho tu nghiệp sinh. Trong số hàng 10.000 tu nghiệp sinh đưa sang Nhật Bản, họ chỉ nhận được phí học việc và vài tháng mới trả 1 lần. Ai đó thắc mắc thì Công và LOD “xửng cồ” quy cho là vi phạm kỷ luật và doạ trục xuất về Việt Nam. Sợ bị mất khoản tiền cọc ở nhà, nên ai cũng ngậm bồ hòn làm ngọt. Điều này lý giải một phần tại sao tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài rất cao. 

Vụ động trời tại Kuwait

Năm 1998, Tổng công ty buôn người LOD của Công ký một hợp đồng cung ứng 5000 nhân công xây gần 1000 ngôi nhà tại Jaber Al Ali Area thuộc Kuwait City. Hợp đồng này có sự môi giới của đại sứ quán Việt Nam tại Cairo, Ai Cập cùng đại diện Thương Vụ Việt Nam ở Kuwait (tham tán Nguyễn Công Hiến sau làm Vụ phó Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công thương). Ngoài ra, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó cũng “ăn” vào cái vụ này vì con nuôi của Phiêu là Vũ Công Bình (ảnh trái) lúc đó làm phó tổng của LOD đứng ra chuyên lo các vụ bảo kê chính trị. Như đã nói ở trên, sau khi có hợp đồng, chạy được giấy phép của Bộ Lao động, Công cùng hệ thống buôn người bắt đầu công việc táng tận lương tâm là lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ dưới cái mác “xuất khẩu lao động”. Thứ trưởng Đào Đình Bình hàng ngày lên ti-vi quảng cáo cho hợp đồng táo bạo và khổng lồ này. Bình còn huênh hoang rằng đã đến lúc Việt Nam quét sạch các quốc gia khác khỏi Trung Đông để giành quyền cung ứng lao động tại đây cho cả các ngành nghề khác, nhưng bắt đầu từ thị trường xây cất mà Công khởi xướng.

Công rất khôn ngoan, y về các địa phương xa Hà Nội để tuyển người, có thế người ta mới tin. Hầu hết mọi người đều phấn khích lên khi thấy quảng cáo ra nước ngoài làm nhàn nhã, lương cao 2000 USD/tháng với tổng chi phí do người lao động tự bỏ ra là 5000 USD. Lại là doanh nghiệp nhà nước, do thứ trưởng bảo lãnh thì tin quá đi chứ. 

Thế là thôn trên, ngõ dưới ùn ùn kéo nhau đi vay ngân hàng, thế chấp nhà cửa. Nhiều người phải mượn nhiều sổ đỏ nhà đất của cô dì chú bác gộp lại mới đủ giá trị bảo lãnh để ngân hàng cho vay. Sau khi cầm được khoản 5000 USD/người của hơn 5000 lao động. Bình, Công, LOD ra tận sân bay hô hào cho khí thế. Vietnam Airlines ùn ùn nối chuyến chở 5000 lao động sang Trung Đông (hãng này cũng ăn ở khoản bán vé cao hơn quy định). 

Xuống sân bay, Thương vụ Việt Nam thuê sẵn các xe bịt kín có công ty an ninh tư nhân đi kèm, chở thẳng về các lán trại nằm sâu trong sa mạc. Không điện. Không nước. Công nhân ta được tha hồ hưởng cái nóng sa mạc lên đến trên 55 độ C mà chẳng thấy nhà cửa hay 2000 USD/tháng đâu. Cộng với việc hàng ngày bị đám ma cô người Ai Cập (do sứ quán và Thương vụ thuê cho LOD) đánh đập, kìm hãm, bắt ép lao động khổ sai nên biển người 5000 lao động chẳng mấy chốc sôi sục như thùng thuốc súng.

Đầu tiên, anh em đồng loạt cáo ốm, không đi làm. Nguyễn Văn Công bay từ Việt Nam sang, tung tiền thuê thêm đầu gấu người Ai Cập đánh đập anh em công nhân dã man. Anh em công nhân vùng lên bắt giữ luôn Công, trói gô lại cùng đám lưu manh Ai Cập nhốt vào nhà kho. Lúc đó là trưa ngày 6/10/1998. Nguyễn Công Hiến, tham tán, đại diện thương mại Việt Nam tại Kuwait chạy thoát, cầu cứu cảnh sát và đại sứ Nguyễn Lê Bách. Viên đại sứ này ngay lập tức đã đánh công hàm hỏa tốc yêu cầu cảnh sát Kuwait dùng vũ trang can thiệp. Ngay buổi tối hôm đó, Bách bay luôn từ Cairo sang Kuwait nhằm chi viện. Chiều 6/10, 30 xe cảnh sát chống bạo động chở hơn 300 cảnh sát Kuwait có vũ trang tận chân răng đến đàn áp lao động Việt Nam. Trước thái độ đúng mực, khôn ngoan của anh em công nhân, cảnh sát đã phải lui bước, tuy vậy Nguyễn Văn Công đã được thả ra. 

Nguyễn Công Hiến- Phó Vụ trưởng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á (2009)

Ngay trong đêm, gần 1000 công nhân đã tự bỏ tiền ra thuê 30 xe buýt loại lớn đổ quân lên thương vụ Việt Nam ở Salwa để gặp tham tán Nguyễn Công Hiến hỏi cho ra nhẽ. Biết rằng bây giờ có gọi, cảnh sát cũng chẳng thèm đến và hoảng sợ truớc sức mạnh của quần chúng Hiến đá ngay quả bóng sang chân đại sứ Bách và Công, lúc đó đang hội ý với nhau tại khách sạn 5 sao sao Marriott Hotel gần khu trung tâm mua sắm xa xỉ Salhia để quý bà đại sứ tiện mua sắm. Anh em cúp điện thoại của Nguyễn Công Hiến và bắt Hiến phải đi cùng xe tiếp tục đổ bộ vào khách sạn 5 sao nơi các quan chức đang bàn kế đối phó anh em công nhân. Các anh Đán, Đệ, Khau rất sõi tiếng Ả-rập đã không mấy khó khăn tố cáo quan chức Việt Nam với nhân viên khách sạn và ngỏ ý chỉ xin được gặp ngài đại sứ Nguyễn Lê Bách đang náu kín bên trong. Khi anh em đang ở sảnh trước thì Bách đã nhanh chân tụt máng nước chuồn ra sân sau, thuê taxi chạy trốn. Thật nhục nhã cho ngài đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Đông. 

Chạy chức, chạy quyền, tiếp tục ăn bẩn

Về nước, nhân vụ này, Vũ Công Bình, con nuôi Lê Khả Phiêu, đã lợi dụng soán ngôi của Đoàn Xuân Viên để làm Tổng Giám đốc LOD. Không chịu được ách cai trị của Bình, Công đành thúc thủ. Đúng lúc đó, Đào Đình Bình được lên Bộ trưởng. Như kẻ chết đuối gặp được phao cứu sinh. Vốn liếng tích cóp được bao nhiêu trước nay, Công lễ hết cho Bình và được Bình cất lên Chánh văn phòng Bộ GTVT năm 2004. Mấy năm Công chấp nhận làm cái bóng trong bộ GTVT bởi quyền uy đều tập trung hết vào tay Nguyễn Việt Tiến, Dũng tổng. 

Vận may lại mỉm cười với Công. Đầu năm 2006, lần lượt Dũng tổng, Nguyễn Việt Tiến và các tay chân bị bắt. Hồ Nghĩa Dũng chân ướt chân ráo lên, lạ lẫm mọi bề. Mấy thứ trưởng còn lại run như cầy sấy vì đều dính phốt. Hồng Trường, thứ trưởng mới ra cũng dốt nát như ai. 

Ngày 26/9/2007 cầu Cần Thơ lại sập, Công được đặc trách làm người phát ngôn của Bộ trưởng, đại diện cho Bộ vào xử lý vụ sập cầu làm hơn 50 người chết. Bộ trưởng sợ mất mật không dám thò mặt ra. Ai cũng nghĩ Hồ Nghĩa Dũng thế nào cũng “sập” theo. Vào đến Cần Thơ, Công dọa các nhà thầu đến chung chi. Công dùng tiền này (lên đến hơn 100 tỉ) chi cho Ban Tuyên giáo trung ương để chỉ đạo chận họng các báo. Công gọi ngay cho Triều “bạc” tức Nguyễn Hải Triều, Hoàng Kông Tư bên Tổng cục an ninh (mối quan hệ cũ của Công lúc Công chi tiền cho an ninh dẹp nạn công nhân lao động về nước đòi tiền LOD). Liên quân Giao thông, Tuyên giáo, An ninh do Công đạo diễn chính cuối cùng đã “thu xếp” xong vụ sập cầu này. Hơn 50 mạng bị quên lãng. Hồ bộ trưởng thở hắt ra, cho Công mặc sức hoành hành. Để tưởng thưởng, Hồ bộ trưởng không quên hứa sẽ đề xuất lên Thủ tướng để Công làm thứ trưởng. Nhật Bản cũng nhẹ nhõm theo vì dẹp được một vụ tai tiếng tầm cỡ thế kỷ. Các nhà thầu bị trấn hàng trăm tỉ cũng thấy “ngọt” vì không ai bị bắt giam hay tù đày. Báo đài, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Đảng, thay vì đi vào tìm kiếm nguyên nhân lại ra sức ca ngợi ODA Nhật Bản, ra sức ca ngợi quan hệ song phương. Đặc biệt màn VTV1 đưa cảnh tay tổng giám đốc Nhật Bản rỏ nước mắt khiến đa số người xem có cảm giác những người chết dưới mồ kia mới có là người lỗi... 

Cứ thế, càng ngày, Công càng thành vĩ nhân, hạt giống lãnh đạo trong ngành giao thông vận tải … Công rất hăng hái trong các đợt học tập trau dồi đạo đức. Công là điển hình là gương mẫu về đạo đức, về tư tưởng, về lối sống, về lập trường v.v… Công là hiện thân của đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh trong Bộ GTVT…

Ôi! Thủ tướng. Bộ trưởng. Thứ trưởng. Chính trị cộng sản Việt Nam!


danlambaovn.blogspot.com
________________________________

Chú thích:

(*) http://www.vietnamplus.vn/Home/So-luong-thu-truong-o-moi-Bo-khong-qua-4-nguoi/20124/136742.vnplus

Viết tiếp bài “Tân thứ trưởng Bộ GTVT và võ ăn bẩn của thủ tướng”

Đồng Xuân Trường (Bạn đọc Danlambao) - Tác giả Phú Hạo Hiên biết khá tường tận về nhân vật Công Công này. Nhưng tôi cần bổ sung thêm hai thông tin: 1. Ông Vũ Công Bình không phải là con nuôi của Lê Khả Phiêu. Ở ngoài đời, người ta hay gọi ông là con nuôi, ông Bình cũng tự nhận như vậy, để lấp liếm đi nỗi nhục dâng vợ cho người khác hưởng.

Tổng Phiêu và Vũ Công Bình

Vợ Vũ Công Bình vốn tên là Hà, một phụ nữ khá đẹp, trắng trẻo, phốp pháp và nhanh nhẹn. Tổng Phiêu lại thích những phụ nữ dạng như vậy. thông qua Đào Đình Bình, lúc đó mới lên Thứ trưởng Bộ GTVT, Vũ Công Bình dâng vợ mình cho Tổng Phiêu, chỉ hơn một tháng, sau khi vợ lên giường với Tổng Phiêu, Công Bình được đẩy lên TGĐ LOD ngay, (nhiệm kỳ 2000-2005) trước khi tổng Phiêu rời ghế tổng bí năm 2001.

"Công công" Nguyễn Văn Công thấy mình không thể địch nổi với tên Bình này (cũng có thể do Văn Công không có vợ đẹp như Công Bình), nên Công đành cuốn gói theo sư phụ là Đào Đình Bình. Nên nhớ rằng, dạo đó, Vũ Công Bình còn được vợ thổi tin rằng, Bình sẽ lên Thứ trưởng, sau đó là Bộ trưởng Bộ GTVT. Tại thời điểm đó, Bình cũng đã được cân nhắc, đưa vào qui trình để đôn lên Thứ trưởng. Nhưng không may cho Bình, Phiêu giữa đương đứt gánh, nên mộng làm thứ trưởng không thành. Vợ thì vẫn đều đặn lên giường với Tổng Phiêu. 

"Công công" Nguyễn Văn Công

2. Việc Công Công lên Thứ trưởng không phải do Thủ tướng quyết định ngay được. Cũng không hẳn do Hồ Nghĩa Dũng quyết định. Đúng như bài báo viết, Công Công đã được đưa vào qui trình từ hồi Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Mà BT Dũng thì cứ nhiều đô la là được đưa vào sất. Vấn đề là BT Nghĩa Dũng đã về hưu, nên bây giờ quyết định là do BT La Thăng. Trong hàng ngũ Thứ trưởng hiện tại, TT Ngô Thịnh Đức và Trương Tấn Viên thì dính phốt vụ PMU18, nên không làm ăn gì được, cứ gọi là có cái chức TT, rồi về hưu, kiếm được đồng nào hay đồng đó. TT Lê Mạnh Hùng thì vốn là dân chợ búa, nói tục còn hơn cả mấy thằng ngoài chợ trời, lại sắp nghỉ hưu, nên không được BT Thăng tin dùng. Còn TT Nguyễn Hồng Trường là dân Nghệ An ra, vốn ngu dốt và nhờ phe Hồ Đức Việt đưa lên, mà dân Nghệ An thì cũng không ăn nhập gì với BT Thăng được. TT Nguyễn Hồng Trường thì ngoài ngu dốt ra lại hay sợ, nên không hợp với BT Thăng. Vậy thì, BT Thăng phải kiếm TT mới, hợp cạ với mình hơn, từ đó, nhân vật Công Công này được để ý một lần nữa, tất nhiên, Công Công vốn là tay nằm chờ thời, cơ hội đến tay, không dại gì mà không dốc hết vốn liếng ra mà chơi quả này. Đúng như tính toán, cuối cùng Công Công đã lên được TT. Lạy trời, đất nước này sụp đến nơi rồi, vì một tay như Công Công, không học hành gì, mà được BT Thăng tin dùng, thì chẳng mấy chốc Bộ GTVT này rã đám, nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền sẽ rộ lên mà xem. 

Xin thưa mấy ý bổ sung bài của tác giả Phú Hạo Hiên, để bà con thưởng lãm, nhân ngày lễ 1/5 (ai không có tiền đi nghỉ mát, thì ở nhà vào Dân Làm Báo đọc tin chơi vậy). 

Tổng công ty XDCT Giao thông 1- Bộ GTVT

Sunday, April 29, 2012

những cột xi măng cốt tre

1975-1976: Họ đã làm mất lòng dân mà họ không cần biết — Sau một năm "giải phóng", tất cả mọi người từ già tới trẻ, từ đủ mọi thành phần xã hội đều mất tin tưởng và thấy rằng đất nước này không khá được nếu còn đảng CS. Xu hướng này đến nay càng rõ nét. Phải thay đổi, phải dẹp bỏ đảng CS nếu muốn đất nước đi lên. Cho đến nay, những gì họ tuyên truyền để phá hủy, trù dập, phỉ báng, bôi nhọ, kết án, v.v… thì sau thời kỳ đổi mới kể từ 1986... Họ làm cuộc cách mạng trở về với cái cũ, cái mà họ từng phỉ nhổ, lăng nhục. Và một biểu tượng hết ý hết lời về đất nước mình, ấy là hình ảnh những cột xi măng thay vì phải là cột xi măng cốt sắt, nó lại là những cột xi măng cốt tre. -- Đất nước này chỉ toàn là những cột xi măng đúc bằng cốt tre thay vì cốt sắt. Chúng ta hãy tự chọn cho mình một thái độ thích hợp.

(NVL)

sau 20 năm Miền Nam tuổi trẻ

Bài học lớn nhất mà tôi học được sau 20 năm Miền Nam tuổi trẻ là: dần dần, tôi nhận thức được những giá trị đủ loại như ý thức dân chủ, ý thức tự do và nhân bản trong giáo dục, trong sáng tác văn học, trong phạm vi tôn giáo… khi so sánh với miền Bắc. Cảm thức được điều đó, tôi cảm thấy hãnh diện mình là người Quốc Gia Miền Nam… Chúng tôi thua cuộc chiến này. Nhưng chúng tôi vẫn còn những điều để hãnh diện. Điều mà sau gần 40 năm, chính quyền CS chưa bao giờ có cơ hội làm được như thế.

(NVL)

Nguyễn Văn Lục

Bộ mặt thứ ba của Sài Gòn sau "Giải Phóng": bộ mặt của kẻ chiến thắng? Có cuộc diễn binh ăn mừng chiến thắng. Chiến thắng gì, ai chiến thắng ai? Đã nói rằng cuộc chiến này không có người thắng, kẻ thua. Vậy ăn mừng chiến thắng là bỉ mặt đối với người Sài Gòn. Người Sài Gòn muốn quên, còn họ muốn nhớ. Họ muốn phô trương sức mạnh, họ muốn người Sài Gòn nhìn nhận thua cuộc. Họ muốn xác nhận một điều không cần xác nhận nữa. Và mỗi năm, họ tái diễn lại cảnh này.

NVL

Song Chi

Đoạn văn hay:

"Và tôi tin rằng nếu một ngày nào đó chế độ này sụp đổ, và một chế độ tự do dân chủ được thiết lập trên quê hương VN, sẽ không bao giờ có hiện tượng hàng loạt tướng lĩnh cao cấp trong quân đội cộng sản sẽ tự sát cùng với chế độ như đã từng xảy ra với miền Nam Cộng Hòa, mặc dù chế độ đó vẫn có những ông tướng, tá hèn nhát bỏ lính chạy trước để bảo vệ mạng sống của mình. Sẽ không có hiện tượng hàng triệu con người sau khi đã phải rời bỏ đất nước và đã có một cuộc sống bình yên, thậm chí sung túc, đã là công dân của nước khác, nhưng vẫn mang theo lá cờ của cái chế độ đã bị bức tử đó suốt bên mình bao nhiêu năm. Sẽ không có những bài viết, những nỗi đau, tiếc cho sự sụp đổ của chế độ này như đã từng có đối với ngày 30 tháng Tư năm 1975."

(Song Chi: http://nguoithathoc1959.multiply.com/journal/item/51064/51064)

Thương tiếc một ân nhân của người Việt tị nạn ở Ðan Mạch

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=148004&zoneid=1

Thương tiếc một ân nhân của người Việt tị nạn ở Ðan Mạch
Saturday, April 28, 2012 1:56:02 PM
Bookmark and Share


Hà Giang/Người Việt



Không gian tại trụ sở chính của A.P. Møller-Mærsk, tại Copenhagen, Ðan Mạch, hôm Thứ Sáu 20 Tháng Tư như ngừng đọng, nhân viên của hãng đi lại với khuôn mặt khép kín, những lá cờ thường ngày phất phới bay cao được hạ xuống nửa chừng. Chủ hãng và vị lãnh đạo tài ba đáng kính của hãng, ông Maersk Mc-Kinney Moeller, vừa qua đời mấy hôm, hưởng thọ 98 tuổi.



Vô cùng thương tiếc



Trong gian phòng kín hoa tang, một nhóm người Việt cư ngụ tại Arhus theo chân dòng người đến phúng điếu, trịnh trọng khiêng vào một vòng hoa nữa, trên sợi miếng vải tím lớn là hai hàng chữ “Thuyền nhân Việt Nam xin tri ân” và “Vô cùng thương tiếc.”

Ông Maersk Mc-Kinney Moeller, chủ hãng và lãnh đạo tài ba đáng kính của A.P. Møller-Mærsk Moeller, ân nhân của nhiều người tị nạn Việt Nam, vừa qua đời, hưởng thọ 98 tuổi. (Hình: AP)

Ðón tiếp họ, người nhân viên tiếp tân có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng cảm động. Hoa của nhóm thuyền nhân Việt Nam không lộng lẫy và lớn so với vòng hoa của những nhân vật và cơ sở quan trọng, nhưng vẻ mặt chân thành và nặng trĩu xúc cảm của họ thì khó ai bì.

Họ là những người đại diện tất cả thuyền nhân Việt Nam và gia đình tại Arhus và khắp Ðan Mạch, đại diện thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy, thuyền trưởng con tàu Trường Xuân, và gần 4,000 thuyền nhân được tàu Clara Maersk cứu vớt năm 1975 trong những giờ phút nguy kịch nhất trên đường vượt biển tìm tự do.

Họ là những người trước kia cùng chịu ơn cứu tử của ông Maersk Mc-Kinney Moeller, và giờ đây chia sẻ một nỗi tiếc thương chung.

Nhìn họ lặng lẽ đến ghi lời phúng điếu vào một cuốn sổ lưu niệm, người nhân viên hãng Maersk chợt nhớ đến tinh thần biết ơn của người Việt Nam, đã từng được ông Thorkild Simonsen, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Ðan Mạch ca ngợi, khi ông nói “đất nước Ðan Mạch cứu giúp nhiều giống dân, nhưng chưa ai nói được lời cám ơn như người Việt Nam.”



Nhưng ai có thể quên được ơn cứu tử?



Tiếp xúc với phóng viên người Việt qua điện thoại, bà Mỹ Linh Nguyễn, thuyền nhân trên con tầu Trường Xuân được cứu vớt cách đây 37 năm, và giờ là một nhân viên của hãng A.P. Møller-Mærsk, cho biết “hôm đó nếu không có tàu Clara Maersk đến cứu thì chúng tôi chết hết cả rồi.”

Không chỉ tàu Trường Xuân, mà phần lớn những thuyền nhân Việt Nam đến tị nạn ở Ðan Mạch từng được các tàu chở hàng của công ty hàng hải lớn bậc nhất thế giới này cứu vớt.

Thế nên, tin ông Maersk Mc-Kinney Moeller qua đời được người Việt tị nạn ở khắp Ðan Mạch truyền nhau với nỗi ngậm ngùi, và người ta được ôn lại những hình ảnh khốn cùng và giây phút thoát hiểm xẩy ra cách đây gần bốn thập niên.



Ôn chuyện cũ, người tị nạn nhớ ơn xưa



Trong một buổi họp bạn tại Odense, cách Copenhagen khoảng 150 cây số, chị Minh Thu Nguyễn, 49 tuổi, vượt biên năm 1979, kể lại cảnh được tầu của hãng Maersk vớt, và nhấn mạnh là nếu không may mắn gặp được tàu, có lẽ chị đã vùi thân xuống biển.

Cùng 74 người khác, chị Minh Thu rời bến từ Cam Ranh, trên hai con tầu khác nhau, một chở nước và thức ăn, một chở người. Chưa ra đến cửa biển, tàu chở lương thực bị bắt lại, tàu chở người tiếp tục đi.

Vòng hoa phúng điếu ông Maersk Mc-Kinney Moeller, của người Việt tị nạn tại Ðan Mạch. (Hình: Mỹ Linh Nguyễn cung cấp)

Sau 14 ngày lênh đênh trên biển, hết thức ăn, hết nước, mọi người trên tầu gần như chết lả. Ðang lúc tuyệt vọng, một máy bay trực thăng bay vòng vòng trên không quăng xuống một cái chai. Chị Minh Thu nói còn nhớ rõ người trên tầu lúc đó nhôn nhao tìm cách vớt chai, mở ra thì trong có miếng giấy viết hỏi tàu đang đi về hướng nào, có phải là thuyền nhân không, và nếu cần cấp cứu thì đốt khói.

Trong giây phút cực kỳ tuyệt vọng, cái chai, miếng giấy, và chiếc trực thăng không biết của nước nào, là biểu hiện cho nguồn hy vọng duy nhất, hay đúng hơn, một phép lạ.

Một người biết tiếng Anh trên tàu nhanh chóng viết lại một tờ giấy khác bỏ vào lọ, cho biết mọi người sắp lả vì đói khát. Trong khi đó, thuyền trưởng của con tàu tị nạn dùng bánh xe và quần áo đốt lên thành chữ “SOS.”

Sau những vòng khói um tùm, và vài cái chai được vớt lên thả xuống, và không đầy 2 tiếng đồng hồ sau, chiếc tầu của Maersk xuất hiện, đến gần.

Thủy thủ đoàn trên tàu Maersk thả thang dây xuống, nhưng mọi người yếu lả không ai lên nổi, thế là họ lại leo xuống đỡ từng người lên. Vớt xong người cuối cùng, thủy thủ đoàn Maersk đập vỡ thuyền cho chìm xuống biển.

“Chỉ trễ một ngày nữa là chết hết!” Chị Minh Thu nói.

Ông Hà Văn Thành, một dân cư khác của Odense, cho biết ông vượt biên năm 1981, vài ngày sau Tết, chen chúc cùng 87 người khác trên chiếc thuyền dài 11 thước.

Lênh đênh 6 ngày, thuyền ông Thành ra đến hải phận quốc tế thì khoang chứa nước bị nước mặn ngấm vào. Nguy kịch, thuyền trưởng liên tục gửi tín hiệu xin cấp cứu, gặp hơn 20 tầu, nhưng không tàu nào chịu vớt.

Ông Thành kể rằng sáng hôm đó hết sạch không còn một giọt nước, những người yếu sức lờ đờ nửa mê nửa tỉnh. Riêng ông, và có lúc chợt thấy một chiếc tàu to, rồi lại không thấy, nên tưởng mình bị choáng váng. Một lúc sau định thần, mới thấy là thuyền đang bị sóng nhồi, và lúc sóng đưa thuyền lên cao thì thấy tầu lớn, lúc xuống thấp lại không thấy nữa.

Tàu đến gần hơn, chữ “Maersk” cũng hiện rõ dần. Thuyền trưởng và một số thanh niên tìm được ở đâu ra miếng vải lớn, viết chữ “Water” rồi căng lên. Sau này nói chuyện mới biết tàu mang tên Maersk thấy thuyền tị nạn, nhưng vẫn ở xa theo dõi từ 8 giờ sáng. Mười hai giờ trưa, tầu đến gần hơn, thả ống nước xuống, mọi người lấy nước từ ống đổ vào đầy các sô. Thuyền trưởng tầu Maersk giới thiệu họ là tầu Ðan Mạch bảo rằng sắp có bão rất lớn, thuyền nhỏ không thể sống sót, nên bắt đầu xúc tiến việc vớt hết người tị nạn lên tầu.

“Vớt hết người xong họ chia đàn ông và đàn bà ra hai phòng riêng, cho tắm rửa rồi cho ăn liền.” Ông Thành kể, rồi cười: “Lúc đó tôi tự hỏi không biết sao tầu họ có nhiều buồng tắm thế!”

Gần 4,000 người tị nạn Việt Nam của tầu Trường Xuân được vớt lên tầu của hãng Maersk vào Tháng Năm, 1975. (Hình: Mỹ Linh Nguyễn cung cấp)

Ðược tàu của hãng Maersk cứu sống còn có ông Nguyễn Kim Hải, cũng vượt biên với khoảng 80 người khác trên một con thuyền mong manh, được tị nạn ở Ðan Mạch lúc mới 29 tuổi, sau này làm kiến trúc sư hàng hải và làm việc thiết kế cho hãng A.P. Mợller-Mỉrsk suốt 5 năm trời.

Qua điện thoại, ông Hải cho biết lý do theo ngành này, và làm cho hãng, là để trả ơn.

“Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Lúc xưa vượt biên tôi tưởng chết rồi, nhưng nhờ lòng tốt của ông Maersk Mc-Kinney Moeller mà được sống, nên tôi muốn hiến mình cho ngành hàng hải, biết đâu sau này mình cứu được người khác,” ông Hải chia sẻ.

Ông Maersk Mc-Kinney Moeller qua đời để lại biết bao nhiêu tiếc thương. Ðám tang ông có cả gia đình của hoàng gia Ðan Mạch đến dự.

Ở nước ngoài, ông là người đầu tiên không phải người Mỹ được vào Hội Ðồng Quản Trị của công ty IBM, vị trí ông giữ vững trong vòng 14 năm. Ở trong nước, ông được trao danh tước “Danish Order of the Elephant,” một tước vị mà chỉ một vài người Ðan Mạch không thuộc hoàng gia, hay không phải là quốc trưởng, được có vinh hạnh khoác lấy.

Dưới sự lãnh đạo của ông, từ một vị trí khiêm nhường, AP Moller-Maersk Group trở thành công ty có gần 117,000 nhân viên, làm việc ở hơn 130 quốc gia.

Nhưng thật ra, dù ông chỉ là một người bình thường, ơn cứu mạng của ông vẫn được người Việt tị nạn tại Ðan Mạch mãi mãi khắc ghi.



––

Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com

Saturday, April 28, 2012

GM Phao-lô Lê Đắc Trọng

13. Phải chăng đó là trong chủ nghĩa duy vật?


§ +GM Phaolô Lê Đắc Trọng

Theo chủ nghĩa duy vật, đem giải thích theo lịch sử quan thì xã hội loài người theo cơ cấu hạ tầng cơ sở và thượng tầng cơ sở (super-structure). Hạ tầng cơ sở là vật chất thì bất biến. Thượng tầng cơ sở là trí tuệ, là kiến thức, là luân lý, là tôn giáo, là quyền bính thì thay đổi. Chính kinh tế làm thay đổi, biến thể. Thượng tầng cơ cở là nền tảng của chủ nghĩa duy tâm, mà kinh tế làm thay đổi. Lịch sử thế giới, theo họ, biến đổi, tiến bộ, không do trí tuệ, do chiến tranh, do tôn giáo, do tiến bộ khoa học. Nhưng là do kinh tế chi phối và họ đưa ra lịch sử quan để giải thích những giai đoạn loài người đang trải qua. Từ lúc kinh tế còn thô sơ cho tới nền kinh tế phức tạp ngày nay. Chính là kinh tế làm thay đổi mọi sự.

Theo chủ nghĩa Mác-Ănghen: Lịch sử thế giới diễn biến theo nhịp kinh tế, từ đời sống hang hầm, đá đẽo, cho tới thời đại điện tử. Kinh tế chi phối tất cả, nó làm thay đổi cái thượng tầng cơ cấu. Do đó, cải cách ruộng đất cũng trong đường lối diễn biến đó. Nó làm thay đổi bộ mặt xã hội, mà nền tảng là duy vật. Nó là duy vật nên không chấp nhận cái gì là thiêng liêng. Làm gì có Chúa, có thánh thần, có cái gì là linh thiêng cao cả, có cái gì là ở trên, có cái gì là cái đáng kính, đáng trọng, có cái gì cần nể nang, cần phải bảo tồn? Chủ nghĩa duy vật mù quáng, chôn vùi mọi thứ xuống đất, không chút thương tiếc.

Vì thế cải cách ruộng đất dựa vào chủ nghĩa duy vật, có thể đập phá lung tung, không phải kiêng nể bất cứ cái gì, phong trào được phát động đến mức con cái có thể đào mả bố, đấu tố sỉ nhục cha mẹ. San bằng tất cả những cái mà các chế độ, các thời đại trước đã tạo nên, để xây dựng một thượng tầng cơ sở mới, không biết nó sẽ là cái gì, vì vật chất thì mù quáng làm gì có cái kim chỉ nam. Sống suy nghĩ theo Mác-Ănghen thì nó miên man và ảo tưởng đến thế!

Nông dân vô sản làm gì mà biết suy luận như thế? Người ta bảo đánh thì đánh, đập phá thì đập phá. Rồi họ mãn nguyện với mảnh bằng, chứng thực. Họ được làm chủ mấy sào ruộng, để rồi ít lâu nữa sẽ rời những cái ghế chủ nhân. Bây giờ họ chưa biết thế đâu!

Tấm bằng được trình bầy một cách rất lộng lẫy khổ 60 x 40 có ghi những chữ lớn với nét đỏ thắm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất.

Sau đó là kê khai những thửa ruộng được làm chủ. Cuối cùng lại hiện ra những dòng chữ viết khá lớn, để cho thấy nội dung cũng quan trọng. Đó toàn là những khẩu hiệu đã được ghi đó đây, được để ở cửa miệng để hô to. Ghi ở đây, chúng lại có ý nghĩa đặc biệt. Câu đầu là: “Tăng cường đoàn kết”.

Đoàn kết ở đây, trong lúc này nó có ý nghĩa đặc biệt. Nói theo chủ thuyết Hegel, một trong những chủ thuyết của chủ nghĩa Mácxít-Hegel chủ chương thuyết Tan Hợp, Hợp Tan Antithèse và Synthèse. XÃ hội chứa đầy những mâu thuẫn (Antithèse). XÃ hội luôn có những mâu thuẫn (Antithèse) và do cuộc đấu tranh giữa những cái mâu thuẫn, đi tới tổng hợp (Synthèse). Tổng hợp đây không có nghĩa là hợp những cái mâu thuẫn lại, nhưng là các mâu thuẫn loại bỏ nhau, thành một cái mặt bằng (Synthèse). Đó chính là điều mà bản Tuyên Ngôn của Mác mới đầu: “Hỡi các bạn vô sản trên thế giới, hãy đoàn kết lại”.

Trong cải cách ruộng đất: giới vô sản, tức bần cố nông đứng sau Đảng, lật đổ không những giới chủ ruộng, mà còn cả những mâu thuẫn đối nghịch khác, để làm nên một mặt bằng gồm những người khố rách như nhau, để rồi trên đó sẽ có những người có cái khố lành hơn, cái áo sặc sỡ hơn, làm nẩy nở những mâu thuẫn khác (Antithèse). Đó chỉ là những cái mà giới chóp bu đưa vào để tìm nguồn động lực cho hoạt động của mình; còn dân chúng thì chỉ bị lái, mà nổi lên một cách vô ý thức.

Sau cuộc đấu tranh mệt mỏi, được thưởng bằng một tờ giấy có ghi: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” là hể hả. Nhưng còn phải giữ cái thành quả đó bằng “tăng cường đoàn kết”, rồi “nâng cao cảnh giác”. Nâng cao cho đến lúc ruộng đất được đem đi dâng, còn lại mảnh bằng, có cất kỹ thì may ra lâu mới không mục vì nó bằng giấy. Nhưng cái gì con người tạo nên, nó cũng sẽ mau biến đi như thân phận con người.

Cải cách ruộng đất chỉ là một công cụ mà Đảng Cộng Sản nước nào cũng dùng để xây dựng và củng cố quyền bính. Nó là công cụ, nên chỉ là giai đoạn, vì chỉ được dùng vào một thời nào đó. Những cảnh rùng rợn nó gây nên, chẳng bao lâu người ta cũng nguôi đi, hoặc bị làm cho quên lãng.

Khoảng tháng 10 năm 1956, người ta mời tôi đi họp. Sao người ta lại mời tôi, họp về việc gì tôi cũng không nhớ! Kỳ cục thay, địa điểm họp chính lại là ở trường đào tạo cán bộ cải cách ruộng đất ở thị xã Phủ Lý. Một khu rộng rãi, gần nhà thờ, có mấy chục ngôi nhà lợp lá. Thị xã Phủ Lý lúc này do tiêu thổ kháng chiến đã bị hoang tàn, dân cư thưa thớt, nhà cửa lụp xụp. Có độ vài trăm người họp. Có điều khác thường, chắc trước đây không có. Đó là một ngôi nhà nguyện, trong đó sáng tối có tiếng đọc kinh râm ran. Người họp có đủ hạng, thành thị, nông thôn, đàn bà, đàn ông, người già, người trẻ… các bà đọc kinh cầu nguyện tối sáng, có lẽ là các bà Bùi Chu. Cũng có mấy linh mục khác. Chúng tôi không gặp nhau, vì không muốn lợi dụng đi họp để gặp nhau. Chúng tôi không làm lễ dù người ta mời. Cũng không đến cái nhà gọi là nhà nguyện bao giờ. Đi họp là đi họp, không làm lễ, và chúng tôi không mang áo dài thâm, để lấy cớ không có áo dài thâm thì không làm lễ. Họp ba ngày, ăn ngủ ở đó, phân chia từng tổ. Tổ bao gồm những người thuộc tỉnh mình, địa phương mình. Tổ của tôi gồm các nhân sĩ, bác sĩ, giáo sư, nghĩa là thành phần “thượng lưu”.

Không biết có nhiều phiên họp chung không, và họp về các đề tài gì? Chỉ biết chúng tôi ngồi với nhau tán chuyện suốt ngày. Rồi bữa ăn, bữa quà. Tối đến đi xem diễn kịch, hoặc Xinêma. Những giải trí đó tôi không đi bao giờ.

Họp sau khi cải cách, giữa trường đã đào tạo đội cải cách, mà không nói gì tới cải cách. Không khen, không chê, không rút kinh nghiệm. ở dưới mái nhà đã che nắng mưa cho những người được huấn luyện để đi gây rùng rợn, sợ hãi cho kẻ khác. Nằm trên những chiếc giường mà hôm nào đó, những người cán bộ cải cách ruộng đất đã có những đêm ngủ ngon, để rồi đi gieo đau thương vào tâm hồn và thể xác của hàng triệu dân lành.

ấy thế mà không ai nói đến chuyện cải cách, những lúc ngồi tán chuyện với nhau, thường người đời chỉ lấy chuyện “bù khú” làm đầu. Nhưng họ chợt thấy tôi ở gần, họ liếc mắt nhau, rồi lảng sang chuyện khác, y như nói với nhau: “Ông cố đạo đấy, đừng làm rát tai ông ta, ông ta cười cho”. Có lần họ dở chuyện đạo với nhau, và tôi nghe được.

Chuyện ở miền Nam. Họ được thông tin đâu đó nói rằng: Toà Thánh đặt Đức Cha Hiền ở Sài Gòn, còn Đức Cha Ngô Đình Thục, anh ông Diệm thì đưa về Huế, và họ khen Toà Thánh công bằng! Có ý muốn nói: Ông Thục là anh em với ông Diệm, lẽ thường ông Diệm muốn đặt người anh của mình ở thủ đô Sài Gòn, thế mà Toà Thánh lại không nghe, lại đặt ở Huế, không quan trọng bằng “thủ đô Sài Gòn”. Nghe biết vậy, thực ra lúc này Hà Nội làm gì có những thông tin như thế, và tôi cũng không tham gia vào câu chuyện.

Họp sau ngày cải cách, họp trong trường đào tạo cán bộ cải cách, mà không nói gì đến cải cách, lại chỉ nói đến chuyện ở đâu. Y như người ta muốn quên đi những chuyện về cải cách. Quên thật, những ngày họp ở đây toàn là những ngày “chiêu đãi” để lấp liếm mọi chuyện. Được đi họp những buổi như thế này là vinh dự lắm, phải ở cấp nào, công tác làm sao mới được vinh dự đó. Không hiểu sao, tôi lại được cái vinh dự đó!

Đầu năm 1957, tôi thấy trong mình hơi yếu, lợi dụng sau cải cách, mọi cái dễ dàng, tôi xin lên Hà Nội một tháng để chữa bệnh. Chữa bệnh thì ít, nhưng tôi có một ý định khác. Lúc này nhà nước cho ra cái phong trào: “Người Công giáo yêu nước” dưới danh hiệu “Hội liên lạc những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hoà bình”. ở các nước Cộng sản khác, họ trắng trợn đưa cái thứ Hội yêu nước như thế để tách khỏi Vatican. ở Việt nam, miền Bắc còn phải chiếu cố miền Nam, nên không dám cho mình tự trị, nhưng cũng tìm cách đứng ngoài ảnh hưởng của Vatican.

Về phía Giáo quyền đã có những tuyên bố, chỉ thị, biện pháp, chống lại trào lưu này. Ngoài thông cáo thời danh của cha chính Antôn Đinh Lưu Nhân, Nam Định, về hội Liên lạc Công giáo đó. Tôi cũng muốn đóng góp một phần nhỏ tích cực hơn. Tôi thu thập những bài nói về Hội Thánh, soạn thành một cuốn sách nhỏ, chỉ nói về cái này là vẻ đẹp của Hội Thánh, để cho thấy tách biệt khỏi Hội Thánh là tách biệt khỏi Chúa Kitô, tách biệt khỏi Chúa Kitô là tách biệt khỏi Thiên Chúa. Tôi đã soạn xong nhân dịp đi an dưỡng. Nhờ ông Tiệp lúc này chưa là ông Cố, mà chỉ là người thư ký làm việc ở hiệu sách Thánh Maria. Dĩ nhiên là ông đánh máy, trình bầy đẹp hơn tôi. Tôi đã hoàn thành, và định nhờ máy ronêô của Nhà Chung. Máy này bỏ lâu không dùng được. Tôi xin một ít giấy của Nhà Chung đưa về Nam Định quay lấy. Tôi đưa về Nam Định quay máy ronêô với một đứa cháu của tôi, để công việc kín đáo hơn.

Nhắc lại chuyện đó cho thấy sau cải cách, vào thời kỳ sửa sai, việc đi lại dễ dàng. Việc xuất bản khó khăn, nhưng việc in ấn còn có thể kín đáo tiến hành. Nhưng nhất là cho thấy Giáo Hội Việt Nam còn phải đối phó gay go với một phong trào khác: “Hội Liên Lạc”, gay go, phức tạp, dai dẳng hơn là đối với cải cách ruộng đất.

Ví dụ: Do tình thế đi lại dễ dàng của thời kỳ sửa sai, Đức Giám Mục địa phận, Đức Cha Trịnh Như Khuê, đi đến cả những xứ thật xa, ở tỉnh Nam Định. Nơi đây, cha xứ là cha Vũ Xuân Kỷ, Chủ tịch Hội Liên Lạc Công Giáo, hình như đi công tác, không có mặt ở xứ. Trong lúc Đức Cha tiếp giáo dân đứng chật trong nhà, ngoài hiên, ngoài sân. Mấy tên Công giáo tiến bộ, đứng đầu là tên Đượm, tên Đọc… mấy tên đó cứ đẩy đám đông, để xông vào ý kiến với Đức Cha, xô đẩy Đức Cha đến chân tường, rồi ra hiên đằng sau, đến chân cầu thang. May nhờ cầu thang này mà Đức Cha lên gác “thoát nạn”.

Khi mọi người trở lại bình tĩnh, Đức Cha tuyên bố bãi Xứ An Lộc, và chuyển sang họ Vạn Điểm. Từ nay họ Vạn Điểm trong lịch Công giáo được in là Xứ Vạn Điểm. Quyết định có vẻ vội vàng một chút. Song thấy cha xứ đứng đầu phong trào chống Giáo Hội, giáo dân không biết có bao nhiêu người, có những cử chỉ quá khích, thì làm sao tránh khỏi kết luận. Xứ này không còn trung thành với Giáo Hội, và nên bãi đi.

Kết luận khác không thể sai: Những cử chỉ quá khích của một số giáo dân An Lộc hôm đó, đã được ăn tự từ cách lộng hành, tàn bạo của cải cách ruộng đất.

Lời cuối (?) của cụ Tô Hải

Cụ Tô viết:

"1. Rũ bỏ tất cả mọi quan niệm mà lâu nay người ta đánh lận bằng cách gọi chúng ta là lực lượng thù địch! Hãy treo cái biển này vào ngực những kẻ đã dàn quân cướp đất của dân.

2. Loại trừ hoàn toàn mấy chữ cộng sản chủ nghĩa ra khỏi khái niệm và hành động đấu tranh vì cái chủ nghĩa ma quái này hiện nay không có thật. người ta rêu rao chính là để chúng ta đánh nhau với một bóng ma mất thì giờ tốn sức, phân tán tư tưởng trước mọi hiện tượng cần phải chĩa mũi dùi vào."

http://nam64.multiply.com/journal/item/4918/4918

Tức là:

HÃY GỌI CHÍNH QUYỀN CHXHCNVN LÀ KẺ THÙ! KHÔNG NGHIÊN CỨU SAI LẦM CỦA CHỦ NGHĨA CS NỮA MÀ HÃY TẤN CÔNG TRỰC TIẾP VÀO NHỮNG ĐẢNG VIÊN VÀ NHỮNG KẺ ĐI THEO HỌ. 

Friday, April 27, 2012

Nguyễn Văn Lục

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: Để giúp Việt Nam quá đói nghèo bệnh tật, Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đã gửi bằng đường biển đến VN thuốc men, dụng cụ y khoa. Điều đặc biệt là Hội Hồng Thập tự đã nhận được một giấy đòi thuế cho những món quà tặng đó. Số tiền là 36 vạn đô la mà Hội HTT phải trả. Hai bên đã thương lượng rất nhiều lần mới đi đến được thỏa thuận. Quà đã tới, đã trao làm sao thu hồi lại được. Vấn đề là làm sao trả bớt thuế. Cho quà mà còn phải đóng thuế, họa chăng chỉ có người VN.

Rút kinh nghiệm quà phải đóng thuế, cho phải trả tiền, một chuyến tầu khác của Hội Hồng Thập Tự đang trên đường đến VN đã được lệnh đổi hướng đến một nước khác biết điều hơn.

(NVL)

Cảm ơn "bé Vy"

Cuối cùng thì mình cũng tìm được người hiểu rằng trong ngày giỗ thì nên nói gì, làm gì. Mà hóa ra là một cô bé. Cảm ơn "bé Vy" thật nhiều với lòng ngưỡng mộ.

Có điều thế này, không phải vì người dân "nghe nói" CS tàn ác "rút móng tay móng chân" đâu. Người dân quá sợ VC vì họ chứng kiến tận mắt, nghe chuyện thật từ người thân của họ về những khủng bố đẫm máu do VC. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hòa hợp dân tộc, cùng một lòng một dạ tìm cách chống lại bạo quyền. Hãy cầu nguyện cho một nền công lý mới được thiết lập. Không phải là công lý chung chung, dân chủ chung chung để cuối cùng vẫn là làm mồi cho tập đoàn lãnh đạo hiện nay.

Tháng Tang của Dân Việt, điều cần chia sẻ:

Cả một thế hệ người đã bị lừa gạt vì không nhận chân được bản chất của chế độ, của cái chủ thuyết mà nó rêu rao.

Viết cho Tháng Tư


Huỳnh Thục Vy -
          

Tôi sinh trưởng sau năm 1975 và gia đình tôi không có liên quan gì nhiều đến cả hai phía trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì thế mối tương quan tình cảm của tôi với những sự kiện lịch sử và hoàn cảnh chính trị xã hội trong cuộc chiến hầu như rất ít nếu không muốn nói là không có. Những gì ít ỏi mà tôi được hiểu biết về nó chỉ đơn thuần là kiến thức.
            Đứng trong vị thế đó, tôi tạm thời có thể yên tâm rằng lập trường của tôi, và những gì tôi nói ra sau đây sẽ được hiểu một cách thiện chí và không bị gán ghép hay chụp mũ. Tôi không sợ bị chụp mũ, nhưng thiết nghĩ điều đó cùng với những nguỵ biện không có lợi cho sự tiến bộ.

          Gần đây, tôi tình cờ đọc được một nhận xét của tướng William Childs Westmoreland- Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam- về tướng Võ Nguyên Giáp của quân đội Bắc Việt như sau: "Of course, he was a formidable adversary.... By his own admission, by early 1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported this. Now such a disregard for human life may make a formidable adversary, but it does not make a military genius...".
      Xin được tạm dịch là: "Dĩ nhiên, ông ta là một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm....Với sự thừa nhận của chính ông ta, đến đầu năm 1969, tôi nghĩ, ông ta đã mất nửa triệu lính?
    Ông ta đã báo cáo điều này. Hiện tại, một sự coi thường mạng người như thế có lẽ sẽ tạo nên một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm, nhưng nó không tạo nên một thiên tài quân sự...
."

          Dù chúng ta là ai, đứng bên nào của cuộc chiến, chúng ta cũng phải đồng ý với Westmoreland rằng, một chiến thắng quân sự dựa trên chiến thuật đẫm máu, coi thường sinh mạng binh sĩ chỉ có thể tạo nên một kẻ thù nguy hiểm chứ không tạo nên một thiên tài quân sự như nhiều người vẫn rêu rao.
       
          Câu nói này của viên tướng Hoa Kỳ làm tôi suy nghĩ rất nhiều về sự "nguy hiểm" của những người Cộng sản Việt Nam. Họ nguy hiểm bởi họ là những người luôn hành động theo phương châm "mục đích biện minh cho phương tiện", nghĩa là bất chấp mọi thứ, miễn đạt được mục đích.

           Đối với tôi, nó không chỉ là lời nhận xét về tướng Giáp mà là một câu nói nêu bật lên bản chất của những người Cộng sản Bắc Việt, và cả chế độ mà họ dựng nên.

           Và những việc họ đã làm suốt từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam đến nay,  từ việc "trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ"  đến  gần đây nhất là vụ cướp đất của nông dân đã chứng minh tất cả. 

           Một kẻ đối địch ghê gớm có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất, đó là một kẻ thù đáng gờm, là đối thủ khó đánh bại vì có mãnh lực vũ trang, có chiến lược, chiến thuật hành động khôn ngoan... Nhưng khi nhìn xoáy vào chữ "formidable" mà Westmoreland đã dùng, tôi chú ý nhiều đến nghĩa "arousing fear"(gợi nên sự sợ hãi) .

          Với nghĩa này, nó gần giống với "terrorise" (làm cho sợ hãi). Mà làm cho người khác sợ hãi có nghĩa là "khủng bố". Chúng ta có thể hiểu theo hai cách về một "đối thủ ghê gớm" như tôi đã tạm phân tích ở trên. Nhưng biết đâu, cách hiểu thứ hai mới là điều mà ông tướng Mỹ kia ngụ ý? Xin hãy cho tôi tiếp tục trình bày mà tạm quên đi những mối thành kiến nào đó có thể đang dâng lên trong lòng quý vị.

           Khi căn cứ vào những dữ kiện lịch sử- những điều không thể chối bỏ, những điều đã được trải nghiệm bằng chính xương máu của những người đã kinh qua cuộc chiến ấy- chúng ta sẽ có cái nhìn tường minh hơn. Riêng phần mình, với kiến thức ít ỏi về chiến tranh Việt Nam, tôi đã có thể tìm thấy những hình ảnh có khả năng "làm cho sợ hãi" của quân đội Bắc Việt qua nhiều biến cố như Tết Mậu Thân, và các "trận đánh" của đội Biệt động Sài Gòn như: "trận đánh" tàu nhà hàng Mỹ Cảnh, "trận đánh" cư xá Brinks...; và chưa kể đến những câu chuyện ghê gớm mà tôi từng được nghe những người già kể lại về vô số những "trận đánh" như thế vào trường học, khu dân cư, cầu cống....

          Đến nỗi, khi nghe nói quân đội Cộng sản Bắc Việt sắp vào đến ngã ba Cai Lang, thành phố Đà Nẵng, những người dân sống ở Đà Nẵng khi đó đã run cầm cập vì nghe tin đồn rằng người Cộng sản mà vào họ sẽ rút hết móng tay móng chân người dân. Đó có thể là điều sợ hãi thái quá, nhưng nó cho chúng ta thấy khả năng gieo rắc sợ hãi đến trình độ đỉnh cao của những người tự xưng là "quân giải phóng". 

         Những ai đọc lịch sử, những ai có đủ lương tâm và tầm tri thức trung bình, đều thấy rằng, những cái mà quân đội Bắc Việt và những người "nằm vùng" gọi là "trận đánh" gây nhiều tiếng vang đều không nhằm vào những mục tiêu trên tiền tuyến, để giành chiến thắng quân sự trực tiếp mà đánh vào những nơi ăn chốn ở cốt để gây sợ hãi.
   
         Gây sợ hãi cho người dân nhằm làm xáo trộn xã hội, gây sợ hãi đánh vào tâm lý Quốc hội và dư luận Mỹ....

        Ngày nay, ai đi qua đường Hai Bà Trưng, đều nhìn thấy "Bia chiến công trận đánh cư xá Brinks". Cái mà người ta gọi là trận đánh thực ra là một cuộc đánh bom một nơi ở của cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam do hai thành viên Biệt Động Sài Gòn thực hiện.

          Điều mà họ gọi là "trận đánh" sao tôi thấy nó hao hao giống cách làm của những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, chỉ khác một chỗ là họ không tự sát. Đối với thế giới ngày nay, những kẻ đánh bom như thế thật sự là những kẻ "nguy hiểm", "ghê gớm".

          Ngoài cái cách thể hiện "formidable" như trên, quân đội Bắc Việt còn khiến người ta sợ hãi hơn gấp bội vì sự coi thường tính mạng binh sĩ của họ. Thông thường, con người sợ hãi những kẻ thù tấn công mình một cách tàn ác, nhưng người ta sẽ kinh hoàng đến rợn người khi biết về những hành động coi tính mạng của người phe mình như cỏ rác, cốt chỉ nhằm đạt được mục đích của kẻ chỉ huy.

            Người Cộng sản đã lấy chính nghĩa chống giặc ngoại xâm để lừa dối, tuyên truyền, kích động hàng triệu Thanh niên miền Bắc lao vào cuộc chiến như con thiêu thân.

          Chúng ta được nghe nói rất nhiều về những tấm gương đầy nhiệt huyết và sự hy sinh anh dũng của những người trẻ tuổi mới chập chững vào đời. Đối với những cái chết đó, tôi không có bất cứ tình cảm tích cực nào ngoài sự thương tiếc.

     Cả một thế hệ người đã bị lừa gạt vì không nhận chân được bản chất của chế độ, của cái chủ thuyết mà nó rêu rao.

      Âu tất cả cũng chỉ là những sản phẩm lịch sử của một thời đại!

       Để rồi sau cái ngày "thống nhất" ấy là những chuyến vượt biên vượt biển của hàng trăm ngàn người, và đã có cả hàng ngàn người phải bỏ xác ngoài biển khơi; là những năm tháng bao cấp, đói khổ đến cùng cực; đến nay đỡ đói khổ một chút, nhưng dân Việt ta vẫn chưa thoát khỏi thân phận làm thuê, ở đợ cho thiên hạ; đặc biệt vẫn còn cam chịu làm thần dân phục tùng các ông vua Cộng sản.

        Thế nhưng bất chấp cái thực tế đau buồn ấy, nhiều ngụy biện về thống nhất, về "công lao chống Mỹ cứu nước của Đảng" vẫn tồn tại ngay cả trong lớp người "có học" ở Việt Nam. 

       Thiết nghĩ một sự hy sinh chỉ nên có và đáng được ngợi ca khi đánh đổi với nó là một giá trị to lớn hơn. Bằng lập trường đề cao cá nhân, tôi cho rằng, mọi ý niệm: thống nhất, giải phóng dân tộc, kẻ thù...phải được đặt trong mối tương quan của chúng với những giá trị an sinh hạnh phúc thực sự của người dân.
       
        Suy cho cùng, mọi thứ bao gồm: thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chính trị...chỉ là những phương tiện để đạt đến những giá trị nhân bản, để bảo vệ và phục vụ con người. Mọi định chế, mọi nỗ lực chính trị và xã hội đều nhằm vào cái đích đến quan trọng nhất của nó là CON NGƯỜI. Nếu mục đích cuối cùng ấy không đạt được thì mọi phương tiện kia chỉ là mưu đồ của kẻ lãnh đạo.

       Thật điên rồ thay cho những kẻ luôn hô hào "mục đích biện minh cho phương tiện". Chúng ta biết rằng, việc đánh giá tính chính đáng của phương tiện tuỳ thuộc vào mối tương quan về bản chất của nó đối với mục tiêu. Nói rõ hơn, chúng ta không thể dùng một phương tiện phi nhân để giành lấy một mục tiêu nhân bản. 

         Kết quả là, "sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước" đã không khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh hơn; mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước "giải phóng" hơn hẳn Hàn Quốcsau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy theo sau cả Thái Lan.

         Nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc gia, là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?

         Đó là khi vấn đề được đặt dưới lăng kính lý luận. Còn thực tế thì mọi sự đã quá rõ ràng. Cái mà người ta gọi là "kháng chiến chống Mỹ cứu nước" ấy thực chất chỉ là để giúp Trung Quốc "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng".
        
     Hay như Lê Duẩn từng nói : "ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước XHCN, cho cả nhân loại".

        Nói cho rõ ra, đó là cuộc chiến giúp cho chủ nghĩa Cộng sản bành trướng xuống Đông Nam Á theo tinh thần Quốc tế Cộng sản bất chấp tinh thần dân tộc, là giúp cho Trung Cộng dễ dàng Hán hoá một Việt Nam suy yếu sau cuộc chiến tương tàn khốc liệt.

        Đã ba mươi bảy năm trôi qua kể từ ngày "giải phóng", giải phóng miền Nam khỏi mối quan hệ đồng minh với Mỹ để trở thành chư hầu hèn mọn của Trung Cộng. Sự thống nhất, sự giải phóng đó mới đau đớn làm sao!

           Gần bốn thập niên đã qua đi, dấu vết chiến tranh trên mảnh đất quê hương Việt Nam đã dần phai nhạt, nhưng những tổn thương của lòng người vẫn còn hằn sâu, thậm chí ngày càng sâu hơn.
    
           Thống nhất hai vùng địa lý nhưng vẫn vắng bóng một sự Hoà hợp trong tình tự dân tộc. Vết thương cũ do cuộc tiến chiếm miền Nam chưa kịp lành thì chúng ta lại có thêm những chia cắt mới : chia cắt giữa một bên là một nhóm người cam phận làm tay sai cho ngoại bang, với một bên là những con người yêu nước không khoan nhượng; chia cắt giữa một phía là nhóm người lãnh đạo Quốc gia cùng những kẻ ăn theo cố gắng bám giữ ngôi vị độc tài để tiếp tục nô lệ hoá người dân, với một phía là những người đấu tranh và chấp nhận hy sinh cho tự do và phẩm giá con người.

          Tôi vẫn nghĩ rằng, một con người trở nên dũng mãnh nhờ có ý chí. Một dân tộc trở nên hùng mạnh, cũng như vậy, phần nhiều dựa vào tinh thần và khí chất. Nhưng tinh thần và khí chất ấy chẳng thể có được nếu dân tộc ấy chia rẽ.

         Chính sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự Hoà hợp dân tộc có thể góp phần giúp chúng ta tạo lập một mãnh lực mới cho dân tộc.

         Chỉ e Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bỏ lỡ những chuyến tàu thời đại nếu trong lòng dân tộc còn có những chia cắt chí mạng như thế. Nhưng thiết tưởng, sự Hoà hợp có khả năng xoá bỏ mọi ngăn cách, hàn gắn mọi vết thương, mang mọi người Việt về trong cùng một chí nguyện chỉ có thể đạt được trên tinh thần Hoà giải thiện chí, trên quyền lợi dân tộc và trên những nguyên tắc hướng thiện chứ không phải là sự thoả hiệp với cái xấu ác. Chỉ e những người Cộng sản Việt Nam quá u mê và tham lam để khởi động một chương trình Hoà hợp, Hoà giải và thay đổi chính trị đầy tham vọng như thế. Chỉ e những người Cộng sản chẳng thể làm nổi những gì mà nhà cầm quyền độc tài Miến Điện đã làm.

          Chỉ e.... Bởi đến hôm nay, họ vẫn một lòng một dạ coi mối quan hệ với Trung cộng là "chủ trương nhất quán", là "ưu tiên hàng đầu" như lời Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã tuyên bố mới đây tại Bắc Kinh.

          Mỗi năm tháng Tư về, bao nhiêu lễ lạc, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối hoài niệm về quá khứ vẫn nặng trĩu trong lòng nhiều người Việt, bất chấp mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người có tâm huyết với đất nước. Những con người có lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc.

        Thử hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao?

        Ba mươi tháng Tư ---- xin cầu nguyện cho tự do và nhân phẩm, cho sự Hoà hợp dân tộc và nền công lý.

Sài Gòn, ngày 20 tháng 4 năm 2012


Vấn đề cầy xới toàn bộ Tây Nguyên (tựa của HĐ)


Nếu chúng ta không lên tiếng, thế giới có thể nghĩ rằng chỉ cần Bắc Kinh gật đầu cho Hà Nội chắp tay là mọi việc đều xong. Họ mà nghĩ lầm như vậy thì Việt nam (VN) trở thành phiên thuộc của Trung Quốc (TQ) và đất nước ta sẽ mất chủ quyền.
BAUXITE LÀ "SẢN NHẬP"
Khi Tấn Dũng cho khai thác bô xít, cái mất lại cao hơn cái được (nói về khía cạnh của cả VN), ta có hiện tượng "sản nhập", không phải sản xuất, và là một hiện tượng sản nhập tai hại.
Cái mất là đất đai canh tác các loại cây kỹ nghệ có giá trị kinh tế cao hơn, điều ấy ai cũng có thể thấy khi nhớ đến trà và cà phê của cao nguyên.
Cái mất còn là nguồn nước tiêu tưới và nuôi sống người dân ở tại chỗ và dưới hạ nguồn, từ sông Srépok tới sông Đồng Nai, nghĩa là cả Sàigon và các tỉnh miền Đông Nam Việt.
Chỉ vì kế hoạch cần nước để rửa quặng và rửa xong thì có bùn đỏ đầy độc chất sẽ hủy diệt thổ nhưỡng, hoa màu và các nguồn nước chảy ra sông dưới hạ nguồn, nơi sinh sống của ba chục triệu dân.
Cái mất sâu xa và lâu dài là cả một khu vực bát ngát ít ra là 5.000 cây số vuông của hai tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng coi như bị ô nhiễm, môi sinh bị hủy diệt vì bụi đỏ ở trên và nước độc ở dưới.
Nạn ô nhiễm ấy không chấm dứt trong vài năm mà sẽ biến vùng đất ấy thành nơi không thể có sinh hoạt kinh tế bình thường.
Cái mất nữa là VN vẫn còn thiếu điện, nhất là ở Cao nguyên Trung phần, chưa biết bao giờ mới có khả năng sản xuất hơn công xuất toàn quốc hiện nay là gần 60 tỷ Kw/giờ.
Vậy mà phải tìm ra 18 tỷ Kw/giờ thực hiện ước mơ tinh chế ra một tỷ 200 triệu tấn nhôm, trị giá ngày nay chỉ còn cỡ 2.100 đô la một tấn.
Nếu chỉ tính riêng giá điện thì tổng số điện tiêu thụ vẫn còn đắt hơn tiền thu nhờ bán nhôm, nếu như có ngày VN biến chế được ôxít nhôm ra nhôm ròng đem bán!
Không kỹ sư nào có bộ óc bình thường lại có thể đồng ý với chuyện sản nhập ấy của nguyễn tấn dũng.
Bây giờ, nói đến cái mất khó thấy.
Trước hết là chuyện hủy diệt trật tự môi sinh đã gặp ở nhiều xứ khác - thí dụ như Ấn Độ - và chắc chắn sẽ thấy tại Việt Nam.
Thứ hai là dủy diệt toàn bộ nền văn hoá bản địa, là nơi cư ngụ của nhiều sắc tộc đồng bào thiểu số. Họ sẽ đi đâu và làm gì để sống khi bị đánh bật rễ ra khỏi nơi ngụ cư và nếu ở lại, họ sẽ sống trong một vùng ô nhiễm chết người?
Thứ ba, xin hiểu "hiểm họa Trọng Thủy" theo cả nghĩa đen. Đó là trào lưu lấy vợ nước Nam. Nhân viên quân sự và dân sự TQ đang túa vào buôn làng và mua chuộc hoặc cưỡng bách phụ nữ để sẽ sinh con đẻ cái nơi ấy, với hộ tịch của họ.
Họ sẽ khuynh đảo hệ thống hành chánh và chính trị địa phương để sẽ có ngày ta nghe nói tới phong trào thiểu số đòi tự trị.
Từ các tỉnh biên giới Hoa-Việt tới các tỉnh Cao nguyên, nếu sau này các đại biểu của người thiểu số ấy muốn ly khai, hay đòi được quy chế tự trị dưới sự lãnh đạo của TQ , chúng ta nghĩ sao?
Cái mất vô hình thứ tư mà nghiêm trọng nhất, là xâm phạm vào an ninh của VN. Chạy dài từ cao nguyên Bolovens bên Lào xuống các cao nguyên Kontum, Kon Plông, Kon Hà Nừng, Pleiku, M'Drăk, cao nguyên Lâm viên nơi có thị xã Đà Lạt và cao nguyên Di Linh.
Dù không là một nhà quân sự, ta cũng có thể mường tượng được mối nguy khi vùng cao nguyên chiến lược ấy, với cao độ từ 400 đến 1.500 thước lại bị xâm phạm, như cột xương sống của quốc gia bị ai đó điểm huyệt.
(Mà sự khống chế đã bắt đầu), khi TQ đưa người vào làm việc khỏi cần chiếu khán, người Việt không được ra vào, và sẽ còn đưa quân đội vào bảo vệ khu vực này.
Nhân đây, cũng cần thấy một chuyện nguy ngập hơn mà các chuyên gia địa chất có thể tìm hiểu thêm để vạch mặt những kẻ bán Tổ quốc trục lợi.
Vì sao Việt Nam Cộng Hoà lập Nguyên tử lực cuộc tại Đà Lạt?
Trong vùng đất đang thành cấm địa của TQ , liệu người ta có khai thác quặng mỏ Uranium và Plutonium cho mục tiêu gì khác chăng?
Quặng Uranium và Plutonium đã được quân đội Việt Nam Cộng Hòa phát hiện từ trước năm 1974 tại cao nguyên Trung phần.
Ai biết được những kẻ đã có chủ trương bán Uranium cho TQ thu được bao nhiêu ngàn tỷ đô la khi Hà Nội giấu kín mọi chuyện?
Tất cả những nguy cơ mất mát vô cùng to lớn ấy được che đậy bằng "chủ trương lớn của đảng" có phải là để gạn bốn tấn quặng ra hai tấn oxid nhôm và thải ra ngoài bốn tấn bùn đỏ và nước độc hay để biện minh cho những hành đông bán Tổ quốc và bán thứ nguyên liệu giết người hàng loạt với giá rất đắt kia ?
Giá của Uranium trên thế giới của năm 2006 - 2007 đã là 130 USD/pound (1pound = 453.59273 grams, khoảng 4 lạng rưỡi) hiện hay còn leo lên cao nữa.
TQ sẽ lại hào phóng viện trợ cho Hà Nội một đường khác để chở bauxite và ... ra biển? Và nhân đó bảo vệ an ninh cho VN ở những vùng yết hầu của tổ quốc ???
Đó mới là mục tiêu, chủ trương lớn của kế hoạch bauxite của đảng cs VN nhưng đây là mục tiêu của TQ!
Sau khi đã mua chuộc được Cam Bốt, TQ  đang khống chế nước Lào, một xứ phiên trấn của Hà Nội và nay TQ  đang cắt ngang xương sống của VN.
Việt Nam đang bị trôi vào trật tự Trung Quốc, trở thành phiên trấn và vùng trái độn cho xứ này và sẽ có tương lai của một bãi rác công nghiệp với một dân tộc mất chủ quyền.
Sau đó là khai thác Bauxite và Uranium miễn phí.
***
Tổng kết lại, chúng ta nên thấy rằng TQ không mạnh và hoàn toàn không phải muốn làm gì là làm.
Ruột gan họ có nhiều mối lo sinh tử nhưng TQ có cái thế mạnh chỉ vì những tên bán Nước cầm quyền hèn và tham.
Không hoang tưởng như các hoàng đế thời xưa, họ rất biết mềm nắn rắn buông.
Tức là chỉ lấy những gì lấy được, chứ cũng biết cười cười rút tay về khi bị vụt.
Họ đã nắn và Hà Nội đã buông nên họ nắm cả, nhưng không phải là xứ nào cũng nhu nhược như vậy.
Xin đơn cử một thí dụ:
Để thôn tính được Đài Loan họ đã mất rất nhiều chục năm mà thực tế hiện nay vẫn chưa hề làm chủ được Đài Loan.
Lý do chính yếu là dân Đài Loan không sợ và lãnh đạo Đài Loan có khả năng.
TQ  mạnh chỉ vì Hà Nội sợ hãi và vì dân khí của ta bị suy nhược.
Lý do thứ hai, vấn đề Đài Loan không chỉ là một thách đố cho hơn hai chục triệu dân trên đảo quốc nhỏ bé này mà còn là vấn đề của các lân bang, và của thế giới.
Trước tiên là của Nhật Bản và Đại Hàn, kế đó là Hoa Kỳ. Vì an ninh của họ, các quốc gia ấy có khả năng gián chỉ, can gián và ngăn ngừa.
Nhưng, trước tiên Đài Loan phải có quyết tâm đã.
Vấn đề của chúng ta cũng thế.
TQ  là mối nguy cho VN nhưng cũng là một đe dọa cho các xứ khác.
Người VN phải giải quyết vấn đề TQ của VN, tức là trước tiên giải quyết chế độ hiện hành tại Hà Nội.
Phải giải quyết bằng nỗ lực của sự đoàn kết của người dân chứ không phải riêng một ai,  kể cả Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới sẽ giúp ta làm chuyện đó vì họ sẽ phải bảo vệ quyền lợi của họ tại VN.
Mà làm sao có quyền lợi tương đồng khi các nước Đông Á đầu tư hay viện trợ cho VN lại bị đảng viên cán bộ móc túi?
Làm sao họ tin tưởng vào ý chí độc lập của VN khi trên các diễn đàn quốc tế Hà Nội luôn luôn ngả theo chủ trương của Bắc Kinh?
Như vậy, người Việt phải gióng lên một tiếng chuông khác để cho thế giới biết "lòng dân không là ý đảng".
Ở bất kỳ cương vị nào, ta cũng có thể kêu gọi sự hưởng ứng của người khác, thành một phong trào rộng lớn từ trong nước ra tới bên ngoài VN đã.
Sau đó, hãy cùng nghĩ đến vấn đề TQ của thế giới.
Không ai thương xót người Việt khi Cao nguyên Trung phần bị lạm thác và an ninh xứ sở bị đe dọa. Nhưng họ sẽ quan tâm nhiều hơn nếu thấy rằng đó cũng sẽ là vấn đề của họ.
Làm sao trình bày, giải thích và vận động một chuỗi tương quan nhân quả này là một tiến trình công phu vì đòi hỏi nhiều nỗ lực đa diện. Trước hết, đòi hỏi sự quan tâm, tìm hiểu.
Những người Việt ta ở hải ngoại có đông và giới trẻ thành tài đã có đủ kiến thức lẫn sự quen biết để tìm hiểu, nhưng phải có sự liên kết và đoàn kết của nhân dân quốc nội và phải để tâm tới vấn đề.
Từ đó, có thể khai triển thành từng việc thiết thực hầu thuyết phục từng thành phần liên hệ trên thế giới, từ các định chế quốc tế đến hiệp hội phi chính phủ hay các chính quyền địa phương và cả các doanh nghiệp ngoại quốc nữa.
Khi thấy hoàn cảnh bi đát của đất nước, cái "dũng cảm" có thể kích thích trí tuệ chúng ta tìm ra nhiều giải pháp biến hoá tinh vi hơn.
"Miễn là chúng ta có ý chí".
Trích (Bài tham luận đọc trong cuộc Hội thảo ngày Chủ Nhật 3/5 tại Houston về việc Hưởng ứng lời kêu gọi của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ).

Hịch của Tuổi Trẻ Việt Nam

Thursday, April 26, 2012

Xin mọi người cầu nguyện, ai giúp được gì xin giúp gấp.

 ---- Với sự vô năng của BBC và các hãng thông tấn ngoài cũng như trong nước, ta thấy rõ nhà nước đã chuẩn bị quá kỹ lưỡng trong vụ này. Họ đã lên kế hoạch cản trở phóng viên đến tuyệt đối. Tin tức và hình ảnh đàn áp, khủng bố dân bằng gậy và thuốc nổ phải tuyệt đối bí mật.Nhưng họ để lọt hệ thống phóng viên tự phát. Và trái với ý nhà cầm quyền, cả thế giới đã nhìn thấy bộ mặt linh cẩu của tập đoàn lãnh đạo VN. Và bây giờ, họ tìm người đưa tin để trừng phạt, khủng bố. Có thể vì ý muốn khủng bố cho blogger sợ mà nhà cầm quyền sẽ rất mạnh tay, có thể gây chết người. Xin mọi người cầu nguyện. Ai làm được gì xin hãy làm gấp.

BBC vô năng???

Qua vụ Văn Giang, thấy rõ một điều: BBC vô năng.

--- loan tin quá trễ (sau 1 ngày, lẽ ra là phải có breaking news), phải đi mượn video clips từ Youtube.

Mà tin nóng thì blogger loan ngay lập tức, trực tiếp truyền chữ, clip thì bloggers đưa lên chỉ một giờ đồng hồ sau sự kiện. BBC bị bóp cổ?

Cưỡng chế quyền làm người ở đất Sản

Apr 26, '12 10:52 AM
for everyone
Dạo này hai bố con ở nhà tối toàn nghe bài Bắc Đẩu của Trần Thiên Thanh do Nguyễn Hồng Nhung và Lâm Nhật Tiến hát.
Tí Hớn nói
- Bài này chắc của Trần Thiện Thanh.
Hỏi sao con biết, Tí Hớn bảo con nghe kiểu nhạc con đoán thế.
Hôm qua vợ mình bỗng hỏi
- Có sợ nó bắt không ?
Mình trả lời.
- Mình phải làm trọn lương tâm mình, để sau không phải day dứt.
Vợ mình gật đầu cười.
Hôm nay mình nhận giấy triệu tập, mình biết là sẽ có từ hai hôm nay. Điều đó không có gì bất ngờ cả.
Ngày mai mình đi lên đó,có thể  lâu lắm mới về. Ai mà biết được số phận con người dưới triều nhà Sản
Mình chỉ nhờ những ai yêu quý mình một điều, đó là đón Tí Hớn vào các buổi chiều nó đi học, và chơi với nó sáng thứ bảy. Và những ngày hè nó nghỉ học.
Những bạn nào không có điều kiện giúp, xin hãy cùng bố con mình nghe bài Bắc Đẩu để chia sẻ với mình và Tí Hớn nhé.
Không bao giờ mình làm gì để những người yêu quý mình phải xấu hổ, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa.
Mình đi đến đâu cũng không thấy đó là buồn, là đau đớn cả. Mình cũng không bao giờ để cho những đứa nào hả hê khi thấy mình bị sao. Đây chỉ là chia sẻ cho lỡ có gì các bạn mình khỏi bất ngờ thôi, không phải là lời than thở nào hết.
Nếu đã than thì đừng có làm rồi.
Mình chỉ đi để lấy tư liệu cho cuốn tiểu thuyết sau này thôi. Mọi người hãy nghĩ thế nhé.
Ông nội mình ở Hưng Yên, lên Hà Nội tử nhỏ. Lấy bà nội và sinh bố mình ở Hà Nội. Mình và cả Tí Hớn nữa đều khai nguyên quán Hưng Yên. Không như nhiều người khác khai là Hà Nội. Mình cám ơn anh Đỗ Trung Quân với câu Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người. Chắc cụ, ông, và bố mình đang nằm trong lòng đất Hưng Yên dù có buồn, nhưng không bao giờ trách việc mình đã làm...vì quê hương.
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=CPn6AMNnfI
Người bỗng trở thành vì sao bắc đẩu, lẻ loi tinh cầu đêm đen không dấu.
Một tối chớm hẹn, đạn pháo chuyến mưa, cây cầu ga nhỏ, anh qua anh qua.
Vì sao bắc đẩu trôi dạt đêm mưa.
Người xa cách người nước mắt tiễn đưa
.Đã thấy xót xa một lần anh đi, đã thấy xót xa từ ngày hôm qua
Đây thinh không thiên thần lên tiếng hát, chiêu hồn người từ hỏa ngục dương thế.Kia vòng trời ngọc bích đã thênh thang, ôi lời mời gọi anh bước chân sang.
Xin muôn năm như vì sao sáng đó, hỡi người đệnh mệnh là vì sao lẻ, dậy đi bắc, dậy đi bắc đẩu, bừng mắt dậy soi sáng thiên thu.Người tên bắc đẩu, chết trận hôm nao, một áo quan đóng vội, một chuyến cuối phiêu du.Có thấy dấu chiến xa, của người của hôm qua,có thấy chiếc mũ đen của người lạc trong đêm.Vì sao bắc đẩu trôi dạt đêm mưa.Người xa cách người nước mắt tiễn đưa.Đã thấy xót xa một lần anh đi, đã thấy xót xa từ ngày hôm qua
Đây thinh không thiên thần lên tiếng hát, chiêu hồn người từ hỏa ngục dương thế.Kia vòng trời ngọc bích đã thinh thang, ôi lời mời gọi anh bước chân sang.Xin muôn năm như vì sao sáng đó, hỡi người đệnh mệnh là vì sao lẻ,
 Dậy đi bắc, dậy đi bắc đẩu, bừng mắt dậy soi sáng thiên thu.Người tên bắc đẩu,chết trận La Vang, liệm xác 3 lần, ngọc bích cũng tan, chỉ còn vì sao thôi, chỉ còn vì sao thôi, cuộc đời vài mươi  năm, người vội về xa xăm.    

http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/554/554

Wednesday, April 25, 2012

Rồi, Té Giếng Ở Yahoo biến mất khỏi inbox.

Pháo hoa sớm mừng Thống Nhất Đất Nước. Pháo này mết đin Trai Na.

Lại cờ "mừng" 30/4

Ông Dân Choa (chả biết có dính dáng gì với Quê Choa của ông Lập) vừa viết một bài mới, cám cảnh Văn Giang để nói về "lá cờ tổ quốc" mà ông nghĩ là của ông và của toàn dân Việt.

Nếu đây đúng là cái ông tự xưng là "Bọ" ở blog Quê Choa thì có một điều lạ là không thấy nói tục như thơ gia Đỗ Trung Quân đã bảo. Vậy chắc là không phải ông Nguyễn Quang Lập nhà mình. (Tự dưng lôi ông Lập vào, thật là tầm bậy.)

Tuy nhiên, mới đọc được vài đoạn thì ta thấy có một câu rất "tục" đối với một số người, theo cái nghĩa "tục" là những từ "nhạy cảm", những từ "kiêng kị" (taboo). Ông Dân Choa viết thế này mới chết những nhà lý thuyết Mác Lê chứ:


"Vậy là không phải ai mang cờ Tổ quốc cũng đều cùng ý chí." Cờ là để chỉ cái tâm điểm tụ tập, chỉ cái cùng đích của những người cùng một ý chí. Ở đây, họ đứng dưới cờ của ai đó nhưng không cùng ý chí với ai đó, thì có phải họ có riêng lá cờ của họ nhưng chưa trưng ra hay sao.

Nhưng mà ai đọc một cách bình dân thì cũng thấy ổng nói đúng và chẳng đụng chạm gì đấy chứ nhỉ, nhất là khi nghĩ về những người mang danh chính quyền, họ không bao giờ cùng ý chí với dân nghèo.

Vấn đề đó thì đến đó là đủ, Điều lấn cấn cần bàn nó ở chỗ khác, (chả biết của ổng hay của tôi) cũng liên quan đến cờ. Đó là:


Chưa chắc cái tấm vải màu đỏ đó, có hình ngôi sao ở giữa đó, đã là cờ Tổ Quốc đối với toàn bộ dân Việt.
Nhưng chắc chắn rằng cái tấm vải đó và cái ngôi sao đó thì cùng màu và cùng kiểu với cờ T Quốc (là Trung Quốc chứ hổng phải Tổ Quốc đâu nha).

Lại nữa, thế này: Nếu bảo rằng "Không thể cãi rằng có một "bộ phận" dân Việt không "tin" rằng cái tấm vải đỏ có ngôi sao vàng chóe ở giữa là cờ nước của họ." thì:


Nó nhục cho "mình" lắm, khi mà người ta đã biết nó không phải là cờ tổ quốc của người ta mà người ta lại cứ trương lên, giương lên như một thứ vũ khí để tự vệ. Giống như cái kiểu có đứa muốn trét cứt vào mặt người ta, để nó khỏi làm vậy người ta lấy hình bố của nó người ta che lên mặt. Ha. Ấy thế mà cái đứa đó nó cứ trét. Thế mới biết nó chẳng coi bố nó ra gì.

Thế mới biết kể cả cái đứa vẫn xoen xoét bảo rằng cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc của nó nó cũng chẳng coi cái cờ ấy hơn một vuông vải đã thấm máu dơ.

Nộ Sĩ.
-------
bài của ông Dân Choa đây:
Tôi đã từng cười, cười rất vui khi nhìn thấy những lá cờ đỏ sao vàng tung bay rợp phố phường trong những ngày hội thể thao quốc tế, trong những trận bóng đá khu vực Đông Nam Á. Tôi cũng nhoẻn cười thân thiện khi gặp khách du lịch quốc tế trên phố phường Hà Nội mặc chiếc áo phông có in cờ đỏ sao vàng và dòng chữ “I love Vietnam”. Tôi cũng từng bật cười khi nhìn thấy cảnh đám đông hỗn loạn, quấn quýt cờ sao, băng rôn ào ạt như cơn gió mạnh vòng quanh hồ Hoàn Kiếm lúc đội tuyển của Việt Namvào tranh giải nhất nhì khu vực.
Tôi mỉm cười khi đến những hải cảng xa xôi của nước ngoài bất chợt nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió xứ người.
Những lúc đó miệng tôi cười, nhưng bỗng dưng con mắt của tôi nhập nhòa ướt mi. Trái tim của tôi tràn ngập niềm vui. Niềm vui thương cảm, niềm vui tự hào khi nhìn thấy lá cờ.
Ấy thế rồi tôi cũng phải đối diện với sự thật khi nhìn thấy lá cờ mà không vui chút nào cả. Đó là những lần nhìn thấy cảnh người nông dân ở các tỉnh xa kéo về Hà Nội đi khiếu kiện. Nhìn những người dân nhếch nhác, không nơi nương tựa, tìm cách để đối thoại với chính quyền Trung ương kêu oan. Họ mang theo biểu ngữ, họ mang theo lá cờ Tổ quốc, mặc những chiếc áo có in hình cờ Tổ quốc. Nhìn những hình ảnh lá cờ nhỏ nhoi, nhếch nhác, nhàu nát tôi không vui. Những lá cờ này làm tôi hoang mang.
Rồi một ngày vào thành phố Hồ Chí Minh. Dạo chơi trung tâm Sài Gòn và bất chợt nhìn thấy tòa nhà có quán cà phê Givral nổi tiếng phủ đầy cờ đỏ sao vàng từ trên xuống dưới. Nhìn tòa nhà có vẻ khác thường tôi hỏi chuyện người dân dạo chơi ở vườn hoa. Người ta cho biết là những người dân ở tòa nhà này đang phản kháng lại quyết định của chính quyền thành phố. Treo cờ để tự vệ, treo cờ để phản kháng lại lệnh cưỡng chế của chính quyền di dời dân đi nơi khác để trao miếng đất này cho một doanh nghiệp hùng mạnh. Nhìn những là cờ rải thành thảm trên ban công mà tôi thoáng buồn.
Giữa mùa hè nóng bỏng của năm ngoái (2011) tôi lại thấy những đoàn người mang nhiều lá cờ Tổ quốc diễu hành ở Bờ Hồ. Họ đi thành hàng lối dương đầy biểu ngữ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Cờ Tổ quốc được căng lên. Cờ to, cờ nhỏ, mũ mang cờ rồi áo cũng mang cờ. Thế nhưng những lá cờ nhỏ bé này không áp đảo được lá cờ ngạo nghễ ở tòa nhà hành chính của thành phố. Đám đông bị cưỡng chế và tan dần. Người vô tình mang cờ hay mặc áo có cờ ra dạo chơi bên hồ Hoàn Kiếm dễ bị nhận được những cái nhìn xoi mói, dị nghị.
Vậy là không phải ai mang cờ Tổ quốc cũng đều cùng ý chí.
Mấy tháng trước tôi nhìn thấy quang cảnh nhà ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng sau đợt cưỡng chế của chính quyền. Một tấm ảnh mà làm tôi buồn mãi. Ấy là lá cờ Tổ quốc cắm vội, bay phất phơ trên túp lều dựng tạm. Tôi cũng tự hỏi, gia đình ông Vươn cắm cờ Tổ quốc để làm gì trong cái cảnh nước sôi lửa bỏng như thế. Nhà ông Vươn, khu đầm ông Vươn không phải là con thuyền hay con tàu trên biển cả để khẳng định nguồn gốc xuất xứ. Treo lá cờ cũng không phải dịp lễ tết hay kỷ niệm một sự kiện hào hùng nào đó. Hay là gia đình ông Vươn treo lá cờ để gây chú ý cho người qua lại? Không gia đình ông Vươn không treo cờ vì những lý do như thế!
Đơn giản là gia đình ông Vươn mất sạch, mất hết. Bản thân ông Vươn đang ngồi trong nhà tù, còn sự nghiệp mà ông cùng gia đình bao năm nhọc nhằn gây dựng thì tan hoang sau đợt cưỡng chế sai luật của chính quyền Tiên Lãng. Muốn sống, muốn đứng đậy thì phải có một niềm tin. Tin vào gì bây giờ? Tin vào lời hứa của hội đoàn hay chính quyền ư? Hội đoàn hay chính quyền thì đã từng cùng một ý chí chính trị, mà kết quả mang lại chỉ là mảnh đất tan hoang với khu đầm trơ trọi. Tin vào công lý ư? Công lý thì luôn thuộc về kẻ mạnh, mà gia đình ông Vươn thì thuộc tầng lớp yếu, bây giờ thì quá yếu vì đối kháng với chính quyền.
Ấy nhưng gia đình ông Vươn vẫn treo lá cờ Tổ quốc. Gia đình ông tin vào sự đồng cảm của nhân dân cả nước. Lá cờ đỏ sao vàng kia đâu phải của Hải Phòng hay Tiên Lãng. Lá cờ kia là sự đùm bọc bảo vệ của đồng bào cả nước đối với gia đình ông Vươn. Lá cờ tự vệ cuối cùng, sự níu kéo hy vọng cuối cùng của những người như ông Vươn.
Rồi hôm qua tôi lại thấy lá cờ Tổ quốc như thế xuất hiện. Chẳng phải nơi phố phường đèn hoa hay ngạo nghễ trên các tòa nhà uy nghiêm. Lá cờ xuất hiện trên lán tạm giữa cánh đồng ngổn ngang bề bộn của huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Nơi đây hàng ngàn người nông dân đang lo toan cho số phận của mình, lo toan cho tương lai con em của họ. Họ, những người nông dân hiền lành chăm chỉ, một nắng hai sương làm ra hạt thóc, hạt gạo cho mình cho đất nước, đảm bảo an ninh lương thực, hơn nữa họ đang góp phần vào xuất khẩu lương thực mang lại cái danh hiệu “nhất, nhì thế giới”. Họ chỉ muốn mưa hòa gió thuận, họ chỉ muốn bình yên để canh tác và sinh sống trên mảnh đất mà cha ông để lại. Thế nhưng việc không như thế. Chính quyền quyết tâm chuyển giao những mảnh đất này cho một doanh nghiệp kinh tế.
Liệu hiệu quả chuyển giao kinh tế đó có mang lại lợi ích trực tiếp cho hàng ngàn người dân địa phương hay không? Hay chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người nào đó? Người nông dân họ chỉ biết một nghề duy nhất đấy là làm nông nghiệp. Nếu người nông dân không còn đất đai để canh tác hay sinh sống thì họ làm gì? Số phận hàng ngàn người dân sẽ trôi dạt về đâu?
Chính quyền sao không cố gắng đối thoại với dân, để tìm giải pháp hợp với nguyện vọng của người dân. Một khi người dân chưa đồng thuận thì sao chính quyền lại vội vã huy động một lực lượng cưỡng chế khổng lồ đến thế để trấn áp người dân? Một chính quyền do dân và vì dân chẳng lẽ có cách ứng xử bạo cường thế ư?
Nhìn lá cờ Tổ quốc cô đơn trên cái lán của người nông dân huyện Văn Giang mà
Bỗng dưng tôi muốn khóc.
D.C.