Hồng Đức
Nhắc đến Huế Mậu Thân, nếu chỉ nhắc đến với một tấm lòng khiêm tốn nhận lỗi và chân thành kính nhớ những oan hồn ngày Tết Dân Tộc năm 1968 thì chắc đã không gây bi phẫn cho những ai có tâm hồn nhạy cảm. Nhưng cái sự kiện “ăn mừng” kỷ niệm chiến thắng, mà cái chiến thắng đó chỉ kéo dài được có một tháng, của một số người đã đi ngược lại truyền thống của người Việt, và đã làm cho nhiều người, kể cả những người rất trẻ khi sinh ra đã không biết đến cái năm Mậu Thân đó, phải lên tiếng.
Đã hàng ngàn năm nay, khi trong nội tộc người Việt xảy ra một chuyện buồn nào đó như có người qua đời, cha mẹ bị bệnh nặng phải liệt giường liệt chiếu thì tất cả các cuộc vui đều bị hoãn lại hoặc gác hẳn. Dân tộc Việt đã sống trong nền nếp và tập tục đẹp đẽ đó để luôn bày tỏ được lòng yêu thương, biết ơn đến những người trong gia tộc mình, và bảo ban nhau “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Thực vậy, còn gì buồn cho bằng một người phải nằm bệnh và không tham gia tổ chức, giúp đỡ gì được cho một người thân, cho đứa con mình chẳng hạn, trong dịp nó mừng thi đỗ, hay mừng sinh nhật của nó, và đặc biệt sẽ rất đau lòng vì mình phải liệt giường trong ngày nó thành gia thất, sự kiện quan trọng của đời nó, và cũng của đời mình, sự kiện chứng tỏ mình đã nuôi con được khôn lớn. Hiểu được nỗi buồn khổ đó của người thân, không một ai muốn tổ chức những cuộc vui khi trong nhà có người ốm.
Việc cư tang, để tang của người Việt lại còn quan trọng hơn thế, với đúng tâm tình và cách nghĩ như trên, nó không phải là một hình thức, nó chứng tỏ tấm lòng của người sống đối với một con người tuy đã chết nhưng những công ơn của người đó đối với người sống không bao giờ bị quên lãng. Chính những cách biểu hiện lòng biết ơn này đã hình thành văn hóa Việt, đã tạo thành con người Việt Nam với tất cả những tốt đẹp của nó. Có những gia đình cư tang cha mẹ vợ chồng anh chị em mình hằng ba năm trời, và thực tế đã có những người Việt cư tang người phối ngẫu của mình suốt cả đời mình. Hẵng đừng bàn chuyện cư tang đó có lợi hay có hại cho cuộc sống vật chất của người sống, mà hãy cứ nhìn vào sự kiện truyền thống này đã tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam bất kể tôn giáo nào, từ Phật Giáo đến Đạo Thờ Cúng Ông Bà, và kể cả Công Giáo, ai ai cũng đặt nặng vấn đề tang chế và cầu nguyện cho người chết. Nếu truyền thống này có hại hoặc không tốt đẹp gì thì nó đã không trở thành truyền thống và không thể tồn tại suốt nhiều ngàn năm như thế. Có thể câu hỏi sau đây hơi khiên cưỡng một chút nhưng thử hỏi có ai muốn phế bỏ việc tang chế và nếu muốn thì có dám không?
Thế nhưng những người tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại TP. HCM với chủ đề là cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đã có vẻ coi thường truyền thống văn hóa này. Hay là những người tổ chức và tham gia này thực sự coi tất cả những người (rất nhiều người) đã cùng lúc phải chết tức tưởi vào mấy ngày xuân đó là những người rất đáng chết, phải chết, là những kẻ không đáng được ai cư tang, để tang cho. Họ cho là không ai được phép đau buồn vì sự ra đi vĩnh viễn không lý do của họ. Họ cho là cái chết của hàng ngàn người Việt Nam đó và nỗi đau buồn của hàng chục ngàn thân nhân đó xứng đáng bị mỉa mai bằng mấy dòng “thơ xung kích” này: Xuân này khác hẳn mấy Xuân qua, Chiến thắng tin vui khắp nước nhà. Cương quyết đánh tan xâm lược Mỹ, Tiến lên, toàn thắng ắt về ta. Và cũng vì những câu thơ này, nhiều, rất nhiều thanh thiếu niên hiện nay khi liên hệ các sự kiện lịch sử đã có một cái nhãn quan duy vật lịch sử đến mức thú vật: phải tàn sát để giải phóng chính người bị tàn sát.
Vâng, rất nhiều thanh thiếu niên ngày nay đã có một nhãn quan duy vật thú vật (tức là một kiểu tư duy duy vật ở đỉnh cao nhất của nó, không còn chữ “nhân” trong các lập luận nữa.) nhưng cũng không ít những người trẻ khác, được giáo dục trong những gia đình rất Việt, giữ được cách nghĩ và cách sống rất người, đã động lòng trắc ẩn, vì tình người mà phải mở miệng, dù biết rằng có thể nguy hiểm cho tương lai mình nhưng vẫn cứ can đảm lên tiếng. Một cô gái trẻ nhưng đã rất thành công trong công việc chuyên môn mình đã viết:
“Ừ thôi thì cứ cho là ở nước ta cái gì mà chẳng dính đến chính trị, nên một ngày hội thi ca có đưa một chủ đề như vậy vào cũng là "chuyện thường ngày", chỉ nghĩ: nếu đã kỷ niệm “Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968” thì sẽ kỷ niệm theo hướng nào? Vẫn chỉ là ngợi ca “những chiến thắng” như từ trước đến nay hay liệu có cho phép được nhắc đến cái khía cạnh bi thảm của sự kiện này, đó là hàng ngàn người -- không chỉ là những người lính của cả hai phe mà điều đáng nói là bao nhiêu người dân vô tội đã chết oan trong những ngày mùa xuân năm ấy. Bao nhiêu là máu đã đổ, bao nhiêu là xác người… 40 năm đã trôi qua, vậy mà cái khía cạnh bi thảm và kể cả những sai lầm nữa vẫn không được phép nói đến, vậy thì những nhà thơ, những nghệ sĩ sẽ trình diễn thơ trong ngày hội trình diễn thơ đầu tiên này sẽ vẫn tiếp tục hát ca khúc khải hoàn ư?”
Rất nhẹ nhàng thôi, không đả phá gì ai, mà cô chỉ muốn nhắc nhở mọi người rằng đó là ngày giỗ và nên thắp nhang trước khi làm bất cứ điều gì vào ngày ấy. Cuối bài viết ngắn đó, cô ghi vỏn vẹn:
“Gió không thổi mà sao lạnh cả người!”
Câu kết đó chính là cảm giác thực của hầu hết mọi người dân Việt khi biết có cái ngày hội thơ văn với cái chủ đề đó. Và người ta, những người bị cô “dạy” cho một bài học đạo đức, cũng đã rất nhạy cảm -- không nhạy cảm trước nỗi đau đồng loại mà chỉ nhạy cảm trước an nguy của bản thân và tập đoàn thôi, dùng chữ nhạy cảm thì không đúng, phải sửa thành bản năng mới đúng -- khi ghi tên cô vào sổ bìa đen và bắt đầu khủng bố tinh thần cô.
Trở lại với cái nhãn quan duy vật thú vật, có sai không khi phải gọi như vậy. Những điều được ghi chép trong cuốn giáo khoa sử cộng với những bài thơ văn xu nịnh kiểu “Thương cha thương một thương ông thương mười” trong sách giáo khoa Việt văn và những câu chữ đầy sắt máu dạng “tiến lên toàn thắng ắt về ta” của những người lãnh đạo văn hóa của dân tộc đã hình thành cách nghĩ điển hình của số đông mà đại diện cho số đông này, một thanh niên đã viết khi bình luận về đoạn văn trên:
“Cái giá của chiến tranh... Không ai trách ai được! Cái giá của độc lập & tự do & ta nên tôn trọng điều đó. Nhắc nhở mình không được phép tái lặp điều đó trong tương lai!!!”
Người viết câu trên ắt hẳn còn nhỏ, nhưng cũng không phải là chưa lớn khi biết dùng những từ như “cái giá phải trả”, người này cũng không nhỏ khi biết giết người là tội ác qua những chữ “không được phép”. Nhưng em đã được giáo dục để thành con người loại gì khi em đã biết cái giá là vài ngàn sinh mạng để đổi lấy một cuộc “độc lập” của Huế trong vài chục ngày mà em vẫn khuyến khích phải trả. Em đã không biết rằng mạng người là đáng quí trọng nhất trên đời. Em đã không được dạy cho cách đặt mình vào địa vị người khác. Ắt hẳn em sẽ phát biểu rất khác nếu như em biết tưởng tượng để tưởng tượng được cái cảm giác khi chính mình là cái người bị em ra giá đó, hoặc dễ hơn, tưởng tượng mình là thân nhân của những “cái giá” của em.
Rồi mai kia không xa, sinh mạng người trẻ viết những giòng chữ đó sẽ bị người ta lợi dụng để biến thành một đồng xu trong cái đống tiền người ta sẽ dùng để mua một cái gì đó cho chính cậu ta. Mong là lúc đó dưới suối vàng hay trên thiên đường, cậu ta được hưởng cái người ta mua cho cậu bằng sinh mạng cậu đó. Đến lúc đó, con cái của cậu ta, cũng được giáo dục để nghĩ theo cái cách mà cậu ta cho là đúng đó, sẽ bảo sinh mạng cha chú của chúng cũng chỉ là cái giá trả cho ấm no hạnh phúc gì đó chẳng hạn. Và chúng cũng sẽ bảo đừng bao giờ lặp lại điều đó trong tương lai một cách sáo rỗng y như cậu ta nói bây giờ.
Vừa rồi là kết cục của một nền giáo dục đưa con người vào mê muội, không biết tới những biện pháp đạo đức tối thiểu là tự đặt mình vào địa vị người khác để phân biệt thiện ác. Nó là bề nổi của tảng băng sơn suy đồi đạo đức. Còn với cậu bé viết những giòng chữ sau ta lại có một tâm trạng bi quan kiểu khác:
“tớ không tin có vụ thảm sát mậu thân, vì sử liệu toàn do các bác VNCh đưa ra. chỉ những người muốn xoá sạch Chế độ cs mới gào lên là cs thảm sát mậu thân.”
Cách từ chối chân lý và cách nghĩ phản kháng này rất phổ thông trong giới trẻ, thậm chí một số người được gọi là trí thức hiện nay, kể cả ở hải ngoại, cũng có những phản ứng trí tuệ kiểu này mỗi khi thấy ai đó nói không vừa ý mình. Nếu như bảo ngu là không chịu mở mắt ra mà nhìn, và ngu là chỉ biết dựng nên một đối cực thì quả là chính sách ngu dân đã thành công từ quốc nội ra đến hải ngoại. Cái lập luận “tất cả những cái xấu mà người khác nói về mình đều là do tuyên truyền của kẻ địch” đã thấm nhuần trong tinh thần gia đình những người cộng sản, trong cửa miệng các giáo viên đảng viên, và nhan nhản trong báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, thậm chí luôn luôn chờ phun ra từ lỗ mồm của các lãnh tụ cộng sản, thế thì hỏi sao thanh niên không nghĩ theo cùng một kiểu.
Thế thì, để thanh niên Việt dần bớt đi những mê muội và xóa đi những thiện cảm với bạo lực, những mạng người chết oan ở Huế năm Mậu Thân, chết vì Cải Cách Ruộng Đất khắp miền Bắc, vì bom mìn và hỏa tiễn khủng bố khắp miền Nam, và cả vì bom B52, những mạng người đó phải có được những ngày giỗ trọng thể và những bài điếu văn được đọc đi đọc lại. Nhờ đó lịch sử Việt và lịch sử nhân loại sẽ khắc sâu những tội ác của con người đối với con người, nhờ đó con người ngày càng biết tôn trọng sinh mạng của nhau và những tội ác đầy thú tính sẽ không bao giờ có thể lặp lại được nữa. Những vết khắc hình đầu lâu mang màu máu khô trong cuốn Việt Sử sẽ là những bài giảng chân thành về tình người chứ không sáo rỗng như cái câu cậu bé bên trên nói: “Nhắc nhở mình không được phép tái lặp điều đó trong tương lai!” Còn không thì cái cảm giác “gió không thổi mà sao lạnh cả người” đó sẽ đeo đẳng dân Việt cho đến muôn đời.
HỒNG ĐỨC
Tháng 2 ngày 26 năm 2008
Ghi chú: Những câu trích trong bài được góp nhặt tình cờ từ các blog của thanh niên VN và không có phép của tác giả. – Thực ra là từ bài viết và comments trong blog Song Chi (ghi chú năm 2010).
1 comment:
kể từ khi con biết đến internet,và biết dc năm 1968 ko phải là năm để mọi người ăn mừng mà phải nói là ngày quốc tang của dân tộc.thích nhất 1 câu trong entry này của bac "Vừa rồi là kết cục của một nền giáo dục đưa con người vào mê muội, không biết tới những biện pháp đạo đức tối thiểu là tự đặt mình vào địa vị người khác để phân biệt thiện ác. Nó là bề nổi của tảng băng sơn suy đồi đạo đức"rất hay,cám ơn bác
Post a Comment