Sunday, July 2, 2023

Bù trừ cho độ căng của dây đàn guitar. – Tension Compensation

Với cùng một độ căng, tần số dao động tỷ lệ nghịch với chiều dài dây. Tần số gấp đôi khi đoạn dây còn một nửa.

Trên cùng một đoạn dây đồng chất, tần số tỷ lệ thuận với độ căng dây. Dây càng căng thì tần số càng cao.

 Các phím đàn được sắp xếp dựa vào công thức tính tần số các nốt của thang âm điều hòa 12 nốt. Theo đó phím 12 nằm tại trung điểm của dây buông, và cho âm cao hơn 1 bát độ so với dây buông.

 

Âm bồi (họa âm) – harmonic sounds

 Khi bắt buộc dây rung thành 2 múi (bằng cách tạo một nút chấn động tại trung điểm của đoạn dây) thì mỗi múi nhỏ này có tần số gấp đôi tần số của cả đoạn dây lúc chưa chia. Vì dây không thể rung thành một múi nên tần số cơ bản của dây biến mất. Hiệu quả âm thanh này gọi là âm bồi hay họa âm. Tạo nút chấn động bằng cách khẩy dây trong khi dùng vật chạm nhẹ không cho dây rung ở điểm giữa của nó. Ở đây ta chỉ xét âm bồi thứ nhất, tức là âm bồi do dây rung thành 2 múi.[1]

 Trên đàn guitar, bấm tại phím 12 (là phím chính giữa sợi dây), nốt nhạc có được cao hơn một quãng tám so với nốt của dây đó không bấm. Tức là âm thanh đó có tần số gấp đôi của dây buông.

 Vậy, về lý thuyết, trên cùng dây, bấm tại phím 12 cho ra âm thanh có cùng tần số với âm bồi của dây buông.

 Tuy nhiên, khi bấm ở phím 12, điểm giữa của dây bị dời đi một khoảng bằng khoảng tĩnh không. Tức là chiều dài dây thay đổi, dài hơn. Thay đổi chiều dài mà khối lượng dây không đổi nên độ căng của dây tăng thêm. Vậy khi bấm, đoạn dây rung sẽ dài hơn và độ căng tăng thêm. Vì độ căng của dây thay đổi nhiều trong khi độ dài thay đổi không đáng kể nên kết quả là tần số tăng thêm. Âm thanh khi bấm cao hơn âm thanh của âm bồi. Tức là khi bấm ở phím 12, ta có âm thanh lạc giọng (off tune). Tĩnh không càng cao thì lạc giọng càng nhiều. Dây càng cứng khỏe thì lạc giọng càng nhiều.

 Dây bị kéo căng khi bấm

Để bù lại sự gia tăng tần số này, khoảng cách từ chỗ bấm đến thanh tựa dây ở ngựa được tăng thêm, bằng cách dời ngựa đàn về phía đuôi đàn (khoảng 2 mm ~ 2.5 mm). Khi này, đoạn dây bấm sẽ dài thêm và tần số giảm đi. Khoảng cách từ phím 12 đến thanh tựa dây sẽ lớn hơn khoảng từ phím zero đến phím 12. Và trung điểm của dây cũng cách vị trí cũ (khoảng 1mm).

 Hệ quả là nốt bấm ở ngăn 12 có cao độ bằng hoặc gần bằng âm bồi tức là có tần số sát với 2 lần tần số của  dây buông, quãng 8 có được không còn lạc giọng nhiều. 

 Ngựa đàn dời về phía đuôi đàn

 Các phím khác, khi bấm cũng tăng thêm độ căng dây. Phím càng xa đầu đàn thì độ căng tăng thêm càng nhiều. Để giải quyết, tất cả các phím, trừ phím zero, được dời về phía đầu đàn để tăng độ dài đoạn dây bấm. Tuy nhiên người ta không dời tất cả các phím mà dời chỉ một phím zero về phía ngựa, làm dây ngắn lại. Lúc này vị trí các phím bị lệch về phía đầu đàn, làm đoạn dây bấm dài thêm, cho ra tần số thấp hơn bù lại với độ căng của lực bấm, sẽ cho âm thanh có tần số sát với lý thuyết.

 Gối dây dời về phía thùng đàn.

 Tuy dây đàn được thêm vài milimettre, người ta vẫn tính chiều dài dây theo kích thước chưa bù. Trong thực tế, cây đàn gọi là có chiều dài dây là 650mm sẽ có khoảng cách từ gối đàn đến thanh tựa dây là 651.5mm hay 652mm.

 Vì có nhiều loại dây cứng mềm khác nhau, và ngay như cùng một loại dây thì trong một bộ, độ cứng của từng dây cũng khác nhau, nên người ta không thể có một công thức toán học để tính toán khoảng bù độ căng dây. Thêm nữa, tĩnh không ưa thích của từng người chơi đàn cũng khác nhau. Nếu khoảng tĩnh không nhỏ, không cần bù nhiều như ở đàn có tĩnh không lớn. Người có ngón tay dài và khỏe thường sẽ thích tĩnh không lớn vì tiếng đàn trong hơn và có thể chơi mạnh hơn. Người mới tập đàn hay ngón tay ngắn thì chỉ phù hợp với đàn có tĩnh không nhỏ.

 Và vấn đề bù độ căng dây này vẫn là nghệ thuật của nhà làm đàn. Nó làm tiếng đàn hay dở khác nhau.

 Cũng vì độ căng dây tăng lên khi bấm, mà sự bù trừ thì không thể tuyệt đối chính xác, nên tiếng đàn guitar có rất nhiều màu sắc (do sai lệch tần số vài cents ở các nốt bấm và cùng một nốt nhưng trên các dây khác nhau), khác hẳn các nhạc cụ khác. Cũng vì điều này mà có nhiều cách so dây đàn khác nhau để chơi thật hay mỗi bài nhạc khác nhau (so với máy, so dây bằng âm bồi, so dây buông với dây bấm ở phím 5, so quãng 8…)

 July 1st 2023

 Vũ Hồng Phúc



[1] Các âm bồi thứ nhì, thứ ba, tư… v.v… có được khi dây rung thành 3, 4, 5 múi do tạo nút tại điểm chia dây thành 3, chia 4, 5 phần bằng nhau.

Friday, June 30, 2023

Tiếng rè của dây đàn guitar

Rè có thể do nhiều nguyên nhân. Bất cứ một chi tiết nào của cây đàn không chặt đều có thể gây rè tiếng. Có khi do lỏng vít vặn khóa hay các mối keo dán ở các chi tiết của cây đàn, có khi do gỗ nứt ở đâu đó, có khi do có vật đè nhẹ trên mặt rung –như đoạn dây đàn thừa ở con ngựa, cũng có khi do đoạn thừa ở trục vặn dây; sử dụng dây cũ bị tróc cũng rè. Ở đây chỉ xét việc rè do dây đàn chạm phím khi rung.

Cần đàn (neck), Mặt phím (fret board), Ngựa đàn (bridge), Thanh tựa chống dây ở ngựa (saddle), Thanh gối chia dây ở đầu (nut), Phím (fret), Khoảng Tĩnh không (action).

Dây rung thành hình múi, chỗ dây văng xa nhất là ở giữa đoạn dây. Hai đầu dây tựa vào phím và thanh tựa chống dây thì cố định, khoảng văng là zero.

 

Dây số 6 (sợi trên cùng) đang rung


Dây rung trong mặt phẳng qua 2 đầu dây và vị trí rời dây của vật khẩy.

Nếu dùng móng tay hay miếng khẩy ép dây xuống, vuông góc với mặt đàn, thì khi bật, dây sẽ rung theo hướng lên xuống vuông góc với mặt đàn. Móc dây lên rồi buông cũng thế. Khẩy cách vuông góc này thì khả năng dây chạm phím rất cao. Nếu kéo dây ngang để khẩy, song song với mặt đàn, thì dây rung ngang. Khẩy kiểu này thì dây không chạm phím. Tuy nhiên trong thực tế không thể khẩy ngang song song với mặt đàn vì móng tay hay miếng khẩy lúc rời dây đều ở vị trí thấp hơn (khi ép) hay cao hơn (khi móc) so với độ cao của dây trên mặt đàn. Khi rung, dây văng xa nhất ở điểm giữa, nơi này là bụng của dao động. Nên cần có khoảng tĩnh không (action, tức khoảng trống để dây rung –là khoảng cách từ đỉnh các phím đàn đến mặt dưới của dây đàn) đáng kể giữa dây và phím đàn để tránh chạm phím và rè. Tĩnh không ở giữa dây buông (ở phím thứ 12) được dùng để xét tiêu chuẩn.

Vì dây trầm rung văng xa hơn dây bổng nên tĩnh không của dây số 6 phải lớn hơn của dây số 1. Tĩnh không càng nhỏ thì càng không thể khẩy mạnh: cường độ càng cao thì biên độ càng lớn. Do vậy, thanh tựa chống dây ở ngựa và gối đàn ở đầu có độ cao ở phía dây trầm lớn hơn phía dây bổng. Nó dốc xuống phía dây bổng. Có người giải quyết việc này bằng cách bào mặt phím thấp đi ở phía dây trầm và không cần làm dốc thanh tựa và gối dây. Nhưng làm như vậy, cần đàn có độ cứng không đều, dễ bị cong vênh qua thời gian. Và nhất là nó vô ích vì đàng nào thì người chơi đàn cũng phải mài lại để tinh chỉnh độ cao của 2 vật chống dây đó.

Các phím thì nằm trong khoảng rung của dây, nên để tránh cho dây khỏi chạm phím, phải nâng cao thanh tựa chống dây. Càng cao càng tránh được rè. 

 Thanh tựa càng cao càng khó bị rè

 

Tuy nhiên, tĩnh không càng lớn, tức là dây càng cách xa mặt phím, thì càng khó bấm, khó luyến láy. Tĩnh không lớn nhất cho dây trầm không nên quá 4mm, cho dây bổng không nên quá 3mm. Ngón tay càng ngắn thì tĩnh không nên càng nhỏ.

Tất cả các đỉnh phím thì nằm trên một đường thẳng (vì phím thì dài, nên có thể bảo rằng tất cả đỉnh phím phải nằm trên một mặt phẳng). Phím nào cao hơn mặt phẳng đó thì sẽ bị chạm dây khi bấm ngăn đàn trước nó. Phím nào thấp hơn, thì bấm phím đó sẽ rè do dây chạm phím kế nó.

Nếu mặt phím vồng lên (cong lồi) thì dây sẽ chạm (rè) khi bấm các phím phía đầu đàn. Nếu mặt phím hũm xuống (cong lõm), sẽ chạm các phím khi bấm phím phía miệng đàn.

 Mặt phím cong lồi

 Mặt phím cong lõm

 

Cả hai trường hợp mặt phím lồi hay lõm đều gây rè và phải nâng cao tĩnh không bằng cách nâng cao thanh tựa chống dây. Và như vậy tĩnh không sẽ lớn, gây khó bấm.

 

Vấn đề chạm phím của phần dây thụ động, không bị khẩy.

Phần dây này là phần bên kia của đoạn dây rung khi bị bấm vào phím nào đó. Khi đoạn dây này gây rè vì chạm phím, thì tiếng rè đó được gọi là tiếng rè ngược (back buzz).

Khi được bấm, đoạn dây bị chia làm 2 phần, phần được gẩy tiếp xúc với hộp đàn qua ngựa đàn là phần rung chính, phát ra âm thanh chính của nốt nhạc. Phần dây còn lại ở bên kia vị trí bấm, vì cùng là một thể với phần chính, nó cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự rung của phần chính, và nếu không bị cản trở nó sẽ rung theo với cường độ rất nhỏ. Ngay cả khi dây không bị khẩy, nó vẫn có thể cộng hưởng với sự rung của dây khác nếu phù hợp tần số. Đây là phần thụ động của dây khi bị bấm (in-active) nhưng có đóng góp vào phẩm chất của âm thanh. Khi đoạn này dài, tức dây bấm từ ngăn thứ 5 trở lên, thì độ ma sát không đủ để giữ cho nó khỏi rung. Nó sẽ chạm vào các phím và gây rè. Đây là một lý do cho việc nâng cao phím zero, vừa để tránh rè vừa để có thêm âm sắc. Và phải nâng đến một độ cao tối thiểu nào đó thì mới có thể tránh rè khi bấm các phím xa, vì khi này bụng chấn động có biên độ lớn. 

 Gối dây cao ngang đỉnh phím phẳng: đoạn thụ động có thể gây rè

Thanh gối chia dây ở đầu đàn (nut) chính là phím số không (fret zero). Để cố định vị trí dây, nó được xẻ rãnh. Các rãnh này có đáy không được thấp hơn mặt phẳng của đỉnh các phím nói ở trên. Và để giải phóng ma sát cho phần dây thụ động khi bấm, phím zero được thiết kế cao hơn mặt phẳng đỉnh phím.

 Gối dây được nâng cao để tránh rè ngược.

Nâng cao phím zero tức là tĩnh không ở phím 12 lớn thêm. Để trả tĩnh không lại độ lớn ban đầu, phải hạ thấp thanh tựa chống dây ở ngựa. Việc này làm giảm tĩnh không tại phím kế với phím bị bấm, và có nguy cơ bị rè.

Khi nâng cao phím zero thì độ cứng của dây ở đầu mút của nó làm cho việc bấm ở ngăn thứ nhất (và thứ hai) rất khó khăn. Đặc biệt là gần như không thể chặn nhiều dây ở ngăn thứ nhất. Vì khoảng cách từ dây đến phím quá xa, phải bấm rất mạnh thì dây mới ăn phím mà tạo nốt. Để giải quyết, các phím đầu được nâng lên sao cho các đỉnh phím nằm trên một đường cong lõm.

Các phím đầu được nâng cao

 Và như vậy, mặt phím có dạng cong lõm, nhưng đường cong này có tiếp tuyến tại phím cuối cùng là đường thẳng của mặt phẳng mặt đàn. Không như trường hợp mặt phím lõm xét ở các đoạn trước. Việc này để bảo đảm tĩnh không tại tất cả các phím mà vẫn giữ được độ cao nhất định của thanh chống dây ở ngựa đàn.

Trong thực tế, khi cần đàn và mặt phím được làm bằng gỗ đủ mềm, thì chỉ cần làm mặt phím phẳng tuyệt đối, khi căng dây, sức kéo của dây sẽ làm cần đàn cong một độ vừa phải để tạo độ lõm cần thiết. Nếu cần đàn làm bằng gỗ có độ cứng quá cao, khó bị cong, thì mặt phím sẽ được bào mỏng bớt về phía miệng đàn. Và việc này không dễ làm.

Một số hãng làm đàn gắn bên trong cần đàn một thiết bị bằng thép để điều chỉnh độ cong của cần (gọi là truss rod). Khi này, cấu trúc và vật liệu của cần đàn bị thay đổi. Nhiều nghệ sĩ không chấp nhận nhạc cụ như vậy. Dù chưa ai chứng minh được rằng nó làm tiếng đàn xấu đi. Tuy nhiên, vì thiết bị này làm cong toàn bộ mặt phím nên khi chỉnh nó thì cũng phải chỉnh lại độ cao của thanh tựa dây để giữ tĩnh không.

Khi mặt phím cong lõm, ta bảo rằng cần đàn có “neck relief” (làm dịu, giảm căng, với ý làm giảm tĩnh không cho dễ bấm).

Với 2 dây trầm số 6 và số 5, việc rè ngược rất dễ xảy ra ở các phím từ phím thứ 7 trở lên vì đoạn thụ động đủ dài (bụng dao động lớn) và có tần số gần với các nốt nhạc đang chơi (bị kích cộng hưởng).

Có thể kiểm tra việc rè của dây số 6 bằng cách chơi các nốt tại các ngăn VII, VIII, IX, X cùng lúc với các nốt nhất định nào đó trên dây khác.

- Ngăn VII (nốt B) chơi cùng nốt E trên dây 3 (ngăn IX) hay trên dây 4 (ngăn II)

- Ngăn VIII (nốt C) chơi cùng nốt B trên dây 4 (ngăn IX)

- Ngăn IX (nốt C#) chơi cùng nốt A trên dây 4 (ngăn VII)

- Ngăn X (nốt D) chơi cùng nốt G# trên dây 4 (ngăn VI) hay trên dây 5 (ngăn XI)

Tương tự, dây số 5 cũng có những vị trí bấm dễ bị rè ngược như dây số 6.

Từ dây số 4 trở lên dây số 1, chúng khó bị rè ngược vì biên độ rung của phần dây thụ động rất nhỏ. Một khi không rè ngược với dây số 6 thì không bao giờ bị rè ngược với những dây cao này.

Có thể kiểm tra độ cong của cần đàn bằng cách cho dây số 6 ăn phím (bấm hay dùng capo để kẹp) tại phím 1 và một phím phía cuối (phím 12 đến 19), khẩy nhẹ theo chiều ngang vào dây ở khoảng giữa của 2 vị trí cố định đó. Nếu mặt phím phẳng hoặc cong lồi thì toàn bộ đoạn dây đó chạm vào các phím và khi gẩy chỉ có tiếng rè, hoặc dây không rung do ma sát cao. Nếu có nhạc âm, là mặt phím có độ cong lõm. Càng lõm nhiều thì càng có thể gẩy mạnh mà không rè. Lõm nhiều quá thì dễ bị rè phím khi chơi bình thường (rè xuôi). Để hết rè xuôi, phải nâng cao tĩnh không, điều này gây khó bấm ở những phím phía cuối. Trong thực tế, độ lõm lý tưởng ở khoảng giữa của 2 chỗ cố định nói trên, tức là khoảng cách giữa đỉnh phím và đáy dây, là từ 0.2 đến 0.3 mm (bằng bề dầy của giấy in danh thiếp thông dụng).  

Kiểm tra độ lõm của mặt phím

 June 30th, 2023

Vũ Hồng Phúc

 

Saturday, April 1, 2023


Ave Maria by Pietro Antonio Stefano Mascagni


Monday, August 2, 2021

 

Friday, April 23, 2021

Về Thanh Nhạc

Về Thanh Nhạc (unfinished)

Muốn học hát thì phải luyện phát âm. Thông thường khi nói người ta không để ý tới cách phát âm của mình, muốn nói to thì vận hơi mà hét hay gằn giọng, đè cổ để âm có vẻ khàn đục nặng nề đe dọa, hay ré lên the thé chói tai khủng bố người nghe... Các ca sĩ giỏi đôi khi cũng áp dụng những thủ pháp ngoại môn này, còn các ca sĩ giả thì tận dụng chúng, phát sinh ra quái tượng Thanh Lam, Siu Black ở VN.

Nhưng môn Thanh Nhạc chú ý đến việc làm sao cho âm thanh kêu to và ngân vang mà không lạm dụng công cụ phát âm (thanh quản, thanh đới, cơ ngực, cơ hoành, cơ bụng, cơ vai, cơ cổ, phổi...) bằng cách tận dụng cộng hưởng của các bề mặt và hộp cộng hưởng của cơ thể (xương mặt, xương sọ, xoang mặt, khoang miệng, lồng ngực...). VÀ ĐIỀU KHIỂN LÀN HƠI (mạnh nhẹ, liền lạc...)

Và điều quan trọng nhất: NGÔN NGỮ. Vì hát là sử dụng ngôn ngữ trong giai điệu. Tức là phát âm TIẾNG NÓI.

Muốn phát âm đúng thì phải biết sơ lược bản chất của hệ thống tiếng nói của ngôn ngữ. Phải có chút khái niệm về ngữ âm (nguyên âm, phụ âm, nhị trùng âm, tam trùng âm, bán nguyên âm, bán phụ âm, âm gắt, âm vang, vần đóng, vần mở...), phải hiểu thứ tiếng mình dùng là đa âm tiết hay đơn âm tiết, phải biết cơ cấu phát âm của từng âm của thứ tiếng mình nói (dùng răng môi lưỡi thế nào, hàm mở, môi khép thế nào). Tất cả chỉ để giúp vào việc phát ra thứ tiếng nói mà người nghe không thể lẫn lộn.

Không có những kiến thức trên, người ta phải học theo một ông thầy biết cách làm mẫu, tức là học theo kiểu bắt chước, chứ không phải học theo kiểu nghiên cứu - thực hành - chỉnh sửa. Các LÒ đào tạo ca sĩ ở Sài Gòn xưa đều áp dụng phương pháp bắt chước này. Nhưng vì thầy quá giỏi (nhạc sĩ Nguyễn Đức chẳng hạn) nên ca sĩ họ đào tạo ra là gần như KHÔNG THỂ BÀN CÃI về phát âm tiếng Việt. (Có vài người thời đó cũng được gọi là ca sĩ nhưng cái vần IM của họ luôn luôn biến thành vần IÊM thì ngoại lệ, đáng trách.) Chỉ có điều không hiểu tại sao, họ lại lấy cách phát âm Hà Nội Cũ làm chuẩn mực, mặc dù rõ ràng là giọng Hà Nội có SAI ( S/X, Ch/Tr chẳng hạn, là những âm mà giọng Sài Gòn phân biệt rõ ràng). Hay là vì nếu lấy giọng Sài Gòn làm tiêu chuẩn thì sai nhiều hơn (ở những vần cuối, ở dấu giọng). Nhưng lấy giọng Hà Nội Cũ hóa ra lại hay. Nhớ là vì học theo cách BẮT CHƯỚC nên luôn luôn rập khuôn, và vì vậy, gọi là LÒ chứ không phải TRƯỜNG.

Điều quan trọng là các LÒ CA SĨ ở miền Nam xưa đã đào tạo ra các ca sĩ biết điều khiển hơi, biết sử dụng khoảng vang trong ngôn ngữ Việt. Và tên tuổi các ca sĩ đó vẫn đọng lại trong lòng dân Việt sau cả nửa thế kỷ là vì thế.



Thursday, March 18, 2021

Thế nào là yêu nước (thư gửi học trò cũ) Hoang_Thanh
Thu, 31 Jan 2008 20:16:43 -05:00
- -<![CDATA[

 

Cali, ngày 14 tháng 01 năm 2008

H thân mến,

Cái thư cuối cùng của em cách nay đã 2 năm mà giờ tôi mới trả lời. Tôi xin lỗi vì có thể đã làm em hiểu lầm về tình cảm của tôi đối với em. Mong gia đình em vẫn an vui mạnh khỏe.

Không hiểu tại sao hôm ấy tôi lại suồng sã đặt câu hỏi như thế về thần tượng của em và những người cùng trang lứa với em. Nhưng em không chấp nê mà đã tin cậy và trình bày quan điểm của mình và các bạn với tôi là một người mà em bảo là không cùng quan điểm. (Thực ra em dùng chữ "quan điểm" không đúng chỗ: tôi và các em cùng đứng trên quan điểm làm lợi cho dân cho nước, và có khác nhau chăng thì chỉ là khác ở kết quả nhận định.) Điều này chứng tỏ em đã không coi tôi là một kẻ đi tuyên truyền nói xấu cái xã hội mà em và các bạn em (trong đó cũng đã có tôi) đang xây dựng. Tôi cảm ơn em về điều này và cả về những tình cảm mà em dành cho tôi.

Ngay sau khi đọc thư em tôi đã nghĩ rằng không nên và không thể thay đổi cái góc nhìn của các em vì ở cái góc nhìn ấy các em đã xây dựng nên niềm tin yêu vào quê hương dân tộc. Mà không ai dám bảo rằng tin yêu vào quê hương và dân tộc là một điều sai trái. Mặt khác tôi lại nghĩ rằng thanh niên ngày nay nghĩ và sống như thế thì họ xứng đáng với cái xã hội mà họ đang sống trong đó, mình đã phủi áo đi rồi thì còn dính dáng gì mà bàn nữa cho nhọc công.

Nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Đọc đi đọc lại thư em tôi càng thấy là mình không nên có thái độ bàng quan với các em. Mặc dù đã ngoài ba mươi nhưng em, qua ngôn từ trong thư, cũng vẫn đang trên đường tìm kiếm chân lý và cũng đã thấy được cái la bàn cho cuộc hành trình dài này: đó là em biết lắng nghe. Còn tôi thì không nhẫn tâm nhìn em và những người quen mình cứ mãi bị hai miếng da che hai bên mắt nên đã muốn viết cho em rất nhiều, nhưng cứ mãi chần chừ.

Và tôi đợi cho đến hôm nay mới viết thư này. Tôi đã có ý đợi vài năm cho em thêm già giặn để thấy được cách tiếp cận chân lý. Có phải giờ thì em cũng nhận ra rằng với cùng một nguồn dữ liệu người ta có thể dùng cách này để chứng minh một điều nào đó là đúng và có thể dùng cách khác để chứng minh ngược lại. Vậy chân lý là vô định? Không đâu, chỉ vì chính cái ưu điểm biết lắng nghe đó của em đã hại em: ai nói với em nhiều nhất thì em tin người đó. Vấn đề là phải xác lập cho mình được một hệ thống định đề. Nó là cơ sở để hình thành cảm tình, nó còn quan trọng hơn và căn bản hơn góc nhìn mà em gọi là "quan điểm". Những người cùng quan điểm vẫn phản đối lẫn nhau nhưng những người có chung một "hệ thống định đề" thì dù cho có đứng trên các quan điểm đối nghịch nhau vẫn có thể cùng kết luận như nhau về cùng một vấn đề. Thế nên trong xã hội mới có cách nói "dù cho đứng trên quan điểm nào đi nữa thì cái vấn đề này... vân vân."

Tôi nghĩ vì chúng ta cùng chung một ngôn ngữ, chung một lịch sử dân tộc, chung các điều kiện địa lý và xã hội nên hệ thống định đề của chúng ta là giống nhau. Thế nên tôi xin đi vào vấn đề ở đây:

Tôi sẽ không dẫn em vào các tác phẩm này nọ viết về nhân vật Hồ Chí Minh, mà tôi chỉ dựa trên những điều hiển nhiên ngày nay ai cũng biết, chúng ta dựa vào đó mà suy luận để đánh giá lại nhân vật này. Một khi đánh giá đúng về lãnh tụ của cả một đảng, chúng ta sẽ thấy con đường đảng đó đi, phải không? Và ngược lại, nhìn con đường đảng đi ta cũng đoán đúng được tính cách của lãnh tụ của nó. Đừng nói tình cảnh đất nước ngày nay không dính dáng gì tới ông Hồ Chí Minh. Địa vị độc tôn của đảng là cùng đích của ông ta, em biết rồi mà. Và ngày nay người ta luôn luôn đưa tên Hồ Chí Minh ra đế biện bạch đủ thứ, em cũng đang thấy đó. Thế nên việc đầu tiên là thanh niên phải thấy đúng con người của Hồ Chí Minh, không thể để lại xảy ra những chuyện na ná như chuyện sau đây đã xảy ra trong khu phố tôi ở cách nay 17, 18 năm gì đó.

Số là có một chàng nọ đến lập một cái am, bảo là để thờ Phật, ở ngay đầu hẻm nhà tôi. Thiện nam tín nữ tiện có nơi thờ tự nên vào ra tấp nập. Thế rồi đùng một hôm chàng này bị bắt đưa ra phường vì tội đồi trụy. Trong buổi họp liên tổ dân phố để “đấu tố” chàng, người ta biết được rằng chàng đã dụ dỗ quí bà quí cô thoát y để chàng chụp hình. Chàng thành khẩn tự thú rằng chàng đã bảo các bà các cô ấy là Phật Tổ muốn tín hữu phải thoát tục khi khấn vái, mà thoát tục là thoát y. Vì muốn làm đúng ý Phật nên vài nữ thí chủ nhẹ dạ đã khỏa thân mà hành lễ. Nhìn tận mắt sờ tận tay chưa đã, chàng còn  chụp ảnh (của họ và của chính chàng cũng đang làm mẫu lõa thể cầu nguyện) để giữ làm kỷ niệm. Thế nên công an mới có vật chứng mà bắt chàng.

Rồi mai kia, người ta chẳng cần mượn ý Phật Tổ nữa mà chỉ cần nói, “Bác muốn thế,” là đủ cho ai cũng phải làm theo ý họ. Tôi phải đẩy vấn đề tới hết giới hạn của nó để em hiểu chứ không có ý cường điệu ở đây. Thấy đúng con người Hồ Chí Minh thì em và bạn bè sẽ thấy đúng lịch sử, thấy đúng cái nguyên nhân bất hạnh của nhân dân ta gần một thế kỷ qua. Và rồi thấy đúng con đường mà các em sẽ chọn để xây dựng quê hương hợp với tình yêu và niềm tin của các em. (Còn việc định nghĩa “dân chủ” hay “pháp trị” hay “nhân quyền” vân vân là việc dễ, các em tự làm được.)

Em viết rằng Hồ Chí Minh là người yêu nước. Trước hết, tôi chắc chỉ có những người bình dân mới đáng với mấy chữ “thương dân yêu nước” vì họ chưa làm một điều gì tổn hại tới quê hương dân tộc, và nhất là vì họ chưa từng phô trương rằng họ yêu nước mà trong suốt mấy ngàn năm nay chỉ có họ mới thực sự chết cho dân cho nước. Còn đối với những người đã có tên trong lịch sử, chúng ta phải cẩn thận khi nghe tuyên xưng từ chính cửa miệng của họ, hay của người “đồng chí” nào đó của họ, rằng chính họ là người yêu nước thương dân. Ông bà mình vẫn dạy “thùng rỗng kêu to” mà.

Ai cũng biết tình yêu thể hiện dễ nhất là với người thân thuộc. Nhìn một người, nếu anh ta không biết yêu vợ con mình thì đừng nghĩ tới chuyện anh ta yêu bạn bè, yêu hàng xóm, yêu đồng bào. Nếu anh ta không yêu được người đang cùng chí hướng với mình thì đừng nói tới chuyện anh ta yêu quê hương, yêu dân tộc của anh ta. Nếu mai kia tôi có ruồng rẫy vợ con tôi, hoặc bỏ mặc cho đàn em tôi hành hạ và giết chết họ thì em cứ xem tôi là một thằng nói dối không hơn không kém.

Lại nữa, có một điều tệ hại là chúng ta quen dùng những chữ như “yêu bản thân” hoặc “tự ái”. Không, những cách dùng chữ đó là sai, là hiếp dâm chữ “yêu”, không được phép dùng từ “yêu” để nói về một thứ ích kỷ, một thứ sùng bái bản thân nào hết. Và một kẻ đã sùng bái bản thân thì đừng ai mơ mộng rằng hắn có được một tí tình yêu nào. Nói thêm vậy để nhỡ mai kia tôi có lấy một cái tên giả mà làm một trang blog nói tốt cho bản thân tôi thì em cứ gọi điện đến chửi thẳng vào mặt tôi là kẻ vô lại.

Em cho là ông Hồ Chí Minh là người tài giỏi. Ai cũng biết người tài giỏi là người thấy xa trông rộng. Một người chỉ thấy có mỗi một con đường dành độc lập bằng bạo lực hẳn là một người không tài giỏi. Bằng ngược lại, y tài giỏi thực và đang muốn một điều gì khác qua cách áp dụng bạo lực đó. Tôi cũng thiên về ý sau này vì không phải lúc đó ông Hồ Chí Minh không biết đến các con đường khác: em hẳn biết về cụ Phan Bội Châu hay Thánh Gandhi. Vậy cái điều ông Hồ Chí Minh muốn hoặc bị bắt buộc phải làm là gì? Có cái thế lực nào đó đang bắt ép ông phải chọn con đường hy sinh xương máu của đồng bào không? Em có bao giờ thắc mắc đến điều này chứ? Và tôi không nghĩ khác em về việc ông Hồ là người tài giỏi. Nhưng tôi nghĩ xa hơn một chút. Trong trí tôi đang nghĩ đến những khoa học gia tài giỏi đi phục vụ cho những ông trùm tội ác hoặc những ông trùm tội ác đang tìm cách thống trị thế giới tức là đang phục vụ cho quỷ vương. Giờ thì chắc em hiểu ý tôi rồi: Không ai gọi việc đem thân mình phục vụ cho bất kỳ một thế lực đen tối nào là việc làm khôn ngoan. Ông bà ta lại có những chữ như “gian nhưng không ngoan” hoặc “thấy một mà không thấy hai” trong trường hợp này. Còn nếu ông Hồ không thấy đó là thế lực đen tối tức là ông ấy không thấy xa trông rộng gì cả.

Hơn nữa, tôi, hoặc chính em cũng vậy, sẽ không ngu tới mức đi “thả mồi bắt bóng” mà lại cho là mình đang “thả con săn sắt bắt con cá rô” hay nói theo kiểu Trà Vinh của em là “thả con tép bắt con tôm”. Chúng ta sẽ không ngu tới mức đã nhìn thấy rõ là phải hy sinh vài thế hệ mà vẫn cứ làm để được thế hệ thứ ba thứ tư gì đó ấm no hạnh phúc. Tôi dùng chữ “hy sinh” theo nghĩa đen bây giờ, và dùng theo văn hóa xã hội chủ nghĩa mà tôi và em cùng lớn lên trong đó: cho chết hết. Thực ra chỉ có tự làm mình chết hay bị thương thì mới gọi là “hy sinh” được. Những câu như “Đại tướng gì gì đã phải hy sinh 3 sư đoàn để chiến thắng trận gì gì đó” chỉ là sự hiếp dâm chữ “hy sinh” mà thôi. Trở lại, không thể có chuyện thí đi một thế hệ để có thế hệ kế tiếp hạnh phúc. Nói nôm na: cha mẹ chết thì con thơ chỉ có chết theo chứ làm gì có cái ăn mà tồn tại để hạnh phúc. Những người chủ trương “hy sinh” vài thế hệ thì một là những kẻ đại gian đại ác, hai là những kẻ “khùng bẩm sinh”. Em chọn cái nào? Người khùng đâu có làm lãnh tụ, nhỉ.

Hai thế hệ ở miền Bắc đã bị bắt “hy sinh” để được “mùa xuân đại thắng”. May quá, họ giải phóng được miền Nam và giải phóng luôn của cải của miền Nam về cứu đói cho Hà Nội. Chỉ Hà Nội thôi, em biết sự nghèo khổ của toàn miền Bắc sau năm 75 nó đến cỡ nào mà. Tôi thì không bao giờ đồng ý với sự hy sinh bắt buộc nào cả. Tôi không tin là dân Bắc thực sự muốn “giải phóng” miền Nam. Cứ lấy bản thân suy ra thôi, không cần sử liệu hay tài liệu nào đâu: biết rằng con mình sẽ không được gần mình, không có sữa mẹ, không có tương lai, thì đâu có bậc cha mẹ nào sẵn sàng bỏ nhà cầm súng vào hy sinh giải phóng cho con người khác (dù cho có đồng bào đồng gì đi nữa) để nó (không phải con mình) được ấm no hạnh phúc (còn mấy đứa con ruột mình thì chắc đã chết rồi). Bản thân em ngày nay có sẵn sàng hy sinh đi bộ ra miền Bắc để đưa cho một người quen cũ đang sắp chết đói một ít gạo tiền gì đó không? Qua đây em thấy cái áp lực của độc tài nó như thế nào rồi đấy. Những quân tướng “giải phóng” một là bị ép, hai là có cái ý muốn vào trong Nam để ăn cướp (một cách nói nặng lời thôi; thực ra họ tính rằng không có lúa gạo miền Nam thì miền Bắc sẽ không tồn tại qua được một thế kỷ, nên chính sách là phải kết hợp Nam Bắc một nhà, họ cũng thấy xa trông rộng đấy chứ nhỉ!!) Có lẽ em sẽ bảo tôi cường điệu nữa, quả vậy tôi không muốn bắt em phải tìm hiểu nguyên nhân thực sự của “công cuộc giải phóng” này.

Và chướng hơn nữa là anh bộ đội nào vào cái ngày toàn thắng cũng đều chửi thề, rằng “Tưởng mình giải phóng nó hóa ra nó giàu quá giải phóng được đời mình.” Giờ này, chắc em thấy câu đó quen rồi nhỉ. Vậy ý đồ của họ là gì em cũng đã thấy. Chỉ để thống trị, một tập đoàn phát xít thống trị dân ta theo kiểu ma-fia. Chính ông Hồ đã tạo ra cái tiền đề cho sự việc độc tài này, em biết cụm từ “chuyên chính” mà, nhưng chắc không ai giải thích kĩ cho em: "chuyên chính" nghĩa đen là “một thể chế chính trị chuyên quyết, chuyên quyền” mà tây phương dịch là "dictatorship" tức là "độc tài", người ta chơi chữ đó, dùng "độc tài" thì dân sẽ né tránh, không ưa, sẽ chống lại (để rồi bị thủ tiêu hay ám hại như những nhà ái quốc thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng hay như chính cụ Phan Bội Châu). À, khi tôi viết ông Hồ thì em phải hiểu là ông ta và cái tập đoàn của ông ta chứ một mình ông thì không làm nổi đâu.

Người ta hay dụ con nít kiểu “nó có lỗi với mày nhưng đừng chấp, nó thương mày lắm đấy.” Vâng, khi thằng anh có lỗi với thằng em, điều này đúng. Khi một người bạn thân có lỗi với mình, cũng có thể đúng. Ngoài ra, mọi lời xin lỗi đều phải được xét kĩ trước khi chấp nhận. Đó là thái độ của chúng ta, của những người được giáo dục trong công bình và khôn ngoan. Lại nữa, khi một người không tự mình hy sinh mà bắt người khác phải hy sinh, dù hy sinh cho ai đi nữa, thì nhân cách người đó phải xét lại. Ông bà mình có kiểu nói “của người phúc ta” để áp dụng vào việc này.

Em đã nghe nhiều tới chiến dịch “cải cách ruộng đất” với vài trăm ngàn người chết, vừa là bị giết trực tiếp trong đấu tố, vừa là bị giết gián tiếp vì mất người đang nuôi mình. Em cũng biết mục đích của đấu tố là thanh toán thủ tiêu thành phần chống đối mà, chứ nếu chỉ muốn chia lại ruộng đất thì đâu có cần giết ai. Vậy, hãy cứ cho là tất cả những người bị giết là thuộc thành phần chống đối đi để mà hợp lý hóa hành động giết người này. Nhưng em có đặt câu hỏi tại sao hàng chục hàng trăm ngàn người lại đi chống đối cái chính phủ “của dân do dân và vì dân” ấy để rồi bị giết không? Cái chính phủ ấy phải có vấn đề, và vấn đề của nó có phải đang bị phanh phui, nên mới phải giết và giết gấp như vậy. Chuyện “cải cách” này, chúng ta phải nghĩ tới, còn nếu ai bịt mắt bưng tai thì đừng bảo mình biết yêu. Và vì chúng ta còn sống, hãy luôn cầu nguyện cho các oan hồn ngày ấy được siêu thoát.

Biện hộ rằng chính sách ấy sai ư? Hãy đọc lại câu trên “Nó có lỗi nhưng đừng chấp...” Mình đâu phải con nít để mà chơi cái trò đập người ta đau điếng rồi cười khì nói xin lỗi. Mà rồi chuyện “cải cách” này đã được xin lỗi thật. Tôi thấy nhục vì giới trí thức mình con nít đến mức tin vào lời xin lỗi đó từ bấy đến giờ. Mà xin lỗi ai? Hãy dựng mấy người đã chết đó dậy mà xin lỗi họ. Em hay tôi hay bất kỳ ai còn sống lấy tư cách gì để nhận lời xin lỗi đó và đủ thầm quyền tha thứ, dù cho đó là lời tạ lỗi chân thành đi nữa? Tội giết người hàng loạt (mass killing) có bao giờ được giảm khinh không? Đó là nói về tòa án xã hội, còn tòa án lương tri của em sẽ xử thế nào? Tôi thì cho là hành động của những tên đánh bom tự sát còn nhẹ tội hơn, dù nó có ôm bom nguyên tử và nổ chết cả gia đình tôi đi nữa. Xin em biết thêm rằng họ hàng tôi nội ngoại không có ai bị đấu tố chết cả. Chính ông nội tôi đã được một cán bộ của chính phủ (CS) giúp tránh được. Chúng tôi nợ ơn của chính phủ chăng? Không đâu, chính phủ chém hụt ông tôi đó thôi. Em và các bạn cũng vậy, các em không sinh ra vào thời kỳ đó để mà bị chém. Nhưng không phải hễ người ta không chém mình thì mình bảo người ta tốt.

Còn biện hộ rằng chính sách “cải cách ruộng đất” là đúng nhưng thực hiện sai ư? Vậy là lãnh đạo tồi, có đâu mà gọi là người tài giỏi.

Trong những trường hợp sai trái nghiêm trọng, dù người đứng đầu không đứng ra nhận tội và từ chức thì người dân cũng vẫn kết án kẻ đứng đầu ấy là có tội. Có thể thời gian em đang lớn lên không có ai dám trung thực nói lên suy nghĩ của họ nên em nghĩ khác thôi. Trông quả biết cây, em thấy trình độ tuyên truyền bịa đặt, bưng bít thông tin và biện pháp khủng bố dân của người ta đến đâu rồi đấy.

Để kết thúc chia sẻ với em về cách nhìn một nhân vật lịch sử mà em và các bạn cho rằng ông ta yêu nước và tài giỏi, tôi xin được nói thẳng rằng ông ta không hề yêu nước và cũng chẳng tài giỏi. Và công bằng hơn mà nói, ông ta chỉ là một người thành công nhất trong số những kẻ hoạt đầu chính trị trên toàn thế giới và lịch sử nhân loại. Trong đạo đức làm người, để bảo đảm sự ổn định phát triển của xã hội, những hành động ăn cắp, lươn lẹo, nói dối, bạo hành không bao giờ được chấp nhận dù cho những hành động đó có đem lại hạnh phúc cho bất kỳ ai đi nữa. (Mà hỏi thực em, dân ta có hạnh phúc chưa?) Người yêu nước phải là người đem lại ấm no hạnh phúc cho dân. Người tài giỏi phải đồng thời là người đạo đức, thiếu đạo đức thì mọi sự thành công đều được ông bà mình định nghĩa là “xảo quyệt”, “trí trá”, “mưu mô” hay đỡ nhất là “gian hùng”... rặt những cụm từ xấu mà thôi.

Mong rằng với những suy nghĩ quê mùa của tôi, em và các bạn em sẽ có được chút gợi ý để hướng sang một góc nhìn mới về lịch sử nước nhà. Nhìn được xa, trông được rộng hơn hầu tránh phải hy sinh tiếp vài thế hệ nữa. Có thể các em còn muốn hy sinh nhưng các con cháu của các em đương nhiên là không muốn đâu. Chúng sẽ trách các em đấy.

Để trả nợ cho 2 năm bặt thư, thư này tôi viết bù nên hơi dài. Thân ái chúc em và các bạn em luôn khỏe mạnh cả thể chất lẫn lý trí, sống tích cực và có được niềm hạnh phúc nhìn thấy đồng bào mình hạnh phúc.

Nhớ em và mọi người.

Thầy P (mà cũng luôn là bạn em)

(Ký tên)

(Sau khi đọc “Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp” của Minh Võ)

 

]]>
2008-01-15 02:02:14 2008-01-15 07:02:14 open Publish post 637588897

Lý luận đơn giản, thực tế, dễ thuyết phục!

]]>
1 2008-07-11 23:42:00 2008-07-12 03:42:00 Savier84 bounce@xanga.com http://savier84.xanga.com/ 0 34852134 0 1439357851

 

Vietcatholic News Jan 29 08 Hoang_Thanh Tue, 29 Jan 2008 17:11:40 -05:00 - -<![CDATA[

BÁO ĐỘNG KHẨN CẤP: biện  pháp mạnh có thể xẩy ra ở Tòa Khâm Sứ chiều nay...!

VietCatholic News (Thứ Ba 29/01/2008 01:45)

TIN KHẨN CẤP QUAN TRỌNG TẠI TOÀ KHÂM SỨ...

mayquayfilm

Máy quay phim trên cửa sổ Tòa Khâm sứ

HÀ NỘI -- Thông tín viên của chúng tôi ở Hà nội vừa gọi thông báo cho chúng tôi biết tin khẩn cấp sau đây: Hiện đang có mặt ở trong khu vực Toà Khâm sứ Hà Nội. Bây giờ là 13giờ30 ngày 29/01 (giờ Hà Nội) và là 10:30 tối ngày 28/01 (giờ Los Angeles).

Mời xem video: Tòa Khâm Sứ “Đây Bài Ca Ngàn Trùng...”

Bắt đầu từ 12 giờ trưa nay, tình hình nóng lên với sự xuất hiện của Đài truyền hình Hà Nội và rất đông cán bộ công an. Sau khi quay phim, chụp ảnh, họ đặt máy quay ở rất nhiều góc cạnh... Có thể đang sửa soạn cho một cuộc "làm sạch" tại khu Tòa Khâm Sứ vào chiều hôm nay?

Hiện thời, tại hiện trường chỉ có khoảng 100 giáo dân và một số tu sĩ đang đọc kinh cầu nguyện.

Số lượng cán bộ công an, an ninh rất đông. Họ giải người ở khắp nơi.

Theo nhận định của thông tín viên của chúng tôi lượng định tình thế thì: Có thể, trong chiều nay, chính quyền họ sẽ dùng biện pháp mạnh để trấn áp số giáo dân ít ỏi này.

Theo sự hiểu biềt và kinh nghiệm về bối cảnh như vậy thì rất có thể chính quyền họ sẽ tạo cớ để gây rối trật tự khiến một số giáo dân có phản ứng mạnh để có thể khép họ vào tội gây rối hầu lấy cớ giải tán đám đông. Đây sẽ là cách họ lấy bằng chứng, như họ nói trong số báo mới đây, để khởi tố vụ án hình sự về “việc phá hoại tài sản nhà nước.”

Vì thế, lúc này rất cần sự hỗ trợ của cộng đoàn dân Chúa khắp nơi. Một số giáo dân ở đây nhắn với chúng tôi rằng họ mong ước đưa lời nhắn gửi sau đây: "Xin các giáo dân Hà nội, mọi người hãy đến thật đông để vạch mặt những việc làm mờ ám, dã tâm của Nhà nước Việt Nam".

Chúng tôi cũng mong tất cả mọi người thiện chí khắp thế giới, hãy cùng canh thức cầu nguyện với chúng tôi - những giáo dân Hà Nội đang bị bách hại.

Thông báo từ hiện trường, Tòa Khâm Sứ lúc 13giờ 30 trưa, ngày 29/01 (ngày giờ Hà Nội)

PV VietCatholic

 

]]>
2008-01-29 14:40:55 2008-01-29 19:40:55 open Publish post 639986862 DCCT DòngChúaCứuThế HàNội TòaKhâmSứ - - -<![CDATA[

Con muon nhan ban tin dien tu cua Vietcatholic qua email thi con phai lam sao. Email cua con la Paulusdinhtiendung@hotmail.com

]]>
1 2008-12-19 09:02:00 2008-12-19 14:02:00 Paulusdinhtiendung bounce@xanga.com http://paulusdinhtiendung.xanga.com/ 0 35607622 0 1466844341