Thursday, April 28, 2011

Thiên Sầu mất tích?

Start:     Apr 28, '11
End:     Dec 28, '11
danlambao - Theo một số thân hữu thông báo, sáng ngày 25/04/2011, Blogger Thiên Sầu (tên thật là Ngô Thanh Tú) có nhờ một người bạn chở ra phi trường Tân Sơn Nhất để làm thủ tục xuất cảnh đi Thái Lan. Đưa Ngô Thanh Tú đến sân bay, người bạn quay xe trở về nhà. Sau đó, lúc khoảng 8 giờ hơn, người bạn này được Thanh Tú gọi điện thoại báo cho biết anh bị hải quan sân bay giữ lại, không cho xuất cảnh.

Một lúc sau, chờ mãi không thấy Thanh Tú báo tin gì thêm, người bạn đã liên tục gọi điện thoại đến, chuông điện thoại có reo nhưng không ai bắt máy.

Hôm nay, 27/04/2011 sau hai ngày vẫn không có tin tức gì về Ngô Thanh Tú, nhiều người đã tiếp tục thử gọi đến số điện thoại, đôi khi có người bắt máy nhưng không trả lời và cúp máy.


Blogger Thiên Sầu - Tên thật là Ngô Thanh Tú

Lúc 23 giờ tối ngày 27/04, bạn bè của Blogger Ngô Thanh Tú cho biết, cả gia đình anh cũng không hay biết hiện anh đang bị giam giữ ở đâu.

Theo bạn bè suy đoán, có lẽ Blogger Thiên Sâu - Ngô Thanh Tú đã bị cấm xuất cảnh, tịch thu passport và tạm giữ.

Được biết Blogger Thiên Sầu vốn là thành viên Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do. Cách đây gần 1 năm, ngày 01/5/2010 một thành viên khác cũng của CLBNBTD là Blogger Uyên Vũ và vợ là blogger Trăng Đêm đi Thái Lan hưởng tuần trăng mật cũng bị cấm xuất cảnh, tịch thu passport, tịch thu điện thoại di động, bị đưa về đồn công an thẩm vấn.

Hiện nay, hai thành viên khác của CLBNBTD là Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải và Blogger Anhbasg - Phan Thanh Hải hiện đang bị giam và kết tội theo điều 88 bộ Luật Hình sự là " Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

DanLamBao sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin về Blogger Thiên Sầu - Ngô Thanh Tú. Chúng ta không thể để chính quyền công an trị muốn bắt bớ, giam giữ ai tùy thích như vậy.

danlambao

http://danlambaovn.blogspot.com/

Friday, April 22, 2011

Trịnh Hội phát âm

Người MC thứ ba, Trịnh Hội,  nói năng trôi chẩy thế nhưng phát âm không chính xác. Tôi không biết anh ta người miền gì nhưng giọng nói không đặc thù người miền Nam và có pha lẫn một tí tiếng Trung hay Quảng Nam (tôi không biết rõ). Tôi hoàn toàn đồng ý chúng ta nói năng khác nhau vì cha sinh mẹ đẻ, thế nhưng khi một người bước vào lãnh vực thông tin phát thanh hay phát hình, không cần biết người xứ nào, phải phát âm đúng ngôn ngữ tiếng của họ. Tiếng Việt cũng thế. Ngày xưa vào những năm đầu Trung học, Thầy dậy Việt Văn của tôi là người Nam. Tuy nhiên Thầy ấy sửa giọng nguyên thủy của Thầy để phát âm chữ chính xác, hỏi ngã, có “g” hay không “g” đâu vào đấy. Vì như thế đối với học trò, Thầy rất có uy tín là người dậy Việt Văn. Đằng này, Trịnh Hội “chín mươi chín” đọc ra “chính mươi chính”, “xin” đọc là “xinh”, âm “ngã” đọc thành âm “hỏi” thì không thể nào đóng vai trò xướng ngôn viên được. Nên nói thêm ở đây không phải tôi là người Bắc nên phê bình giọng nói người Nam: mỗi lần về Sài Gòn bật TV lên là hầu như tôi tắt ngay vì giọng người Bắc làm xướng ngôn viên tôi nghe  không chịu được. Họ phát âm những chữ có dấu sắc như là dấu hỏi : “Anh đi đâu thể?”  thay vì “Anh đi đâu thế?”, nghe chói tai như vừa mới bị cô Lan trong chuyện tình Lan và Điệp gióng tiếng chuông chùa ngang tai. (trích "Xem Paris by Night Tôi Là Người Việt Nam" của Nguyễn Tài Ngọc, http://www.saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc/vanNTN.htm )

Wednesday, April 13, 2011

NGHĨ VỀ MỘT DANH XƯNG (Mẹ Nấm)

Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Nonfiction
Author:Mẹ Nấm
NGHĨ VỀ MỘT DANH XƯNG. Apr 12, '11 11:38 PM


Lâu nay, nhiều người, nhiều tổ chức hay nói đến cụm từ “nhà dân chủ”. Tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể và góc đứng của người (hay tổ chức) sử dụng danh xưng ấy mà ta biết đến “nhà dân chủ” được nói đến là ai, hoặc bao gồm những ai.

Trước hết, phải khẳng định rằng. Một xã hội dân chủ thực sự, không thể tồn tại cụm từ đó. Không cần phải giải thích. Vậy, danh xưng “nhà dân chủ” xuất hiện khi nào, ở đâu và để làm gì? Khái niệm cần được làm rõ bắt đầu từ định nghĩa sau:

“Bản chất của Nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa là "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", đáp ứng những yêu cầu sau:

1) Nhà nước do nhân dân lập ra thông qua cơ chế phổ thông đầu phiếu và kín.

2) Mọi cơ quan quyền lực Nhà nước đều do nhân dân ủy quyền.

3) Mọi hoạt động của Nhà nước vì lợi ích của nhân dân.

4) Mọi hoạt động của Nhà nước phải được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

5) Nhân dân có quyền bày tỏ sự tín nhiệm với các cơ quan Nhà nước. (1)”

Sau khi đọc những dòng trên, tôi nghĩ, người ta sẽ nhận ra rằng: Một thể chế không đáp ứng được những điều nói trên hoặc vì yếu kém (thực thi dân chủ nửa vời) hoặc vì lợi ích căn bản của thể chế mà nói dối. Xã hội không được đáp ứng nhu cầu bởi tiêu chí nêu trên là xã hội không dân chủ.

Ở Việt Nam, những người muốn “học đòi” dân chủ thực sự sẽ trở thành những người phản kháng nhà cầm quyền bất đắc dĩ. Và những người phản kháng bất đắc dĩ ấy sẽ “được” cho là đang “hoạt động dân chủ” hay ác hơn là “nhà dân chủ” khi mà những hành động của họ được xem là bình thường ở những xã hội có dân chủ. Có thể người nào đó, hoặc một nhóm người tổ chức nào đó nhận ra những “nhu cầu xã hội” không được đáp ứng, họ thấy chữ dân chủ bị lạm dụng để lòe hoặc che đậy một điều khác “dân chủ” nên họ sẵn sàng đương đầu. Chứ chưa chắc (dám) họ đã nhận mình (hoặc tổ chức) là “nhà dân chủ”. Nhưng danh xưng này lại được nhà cầm quyền buộc cơ quan phát ngôn hoặc các công cụ khác áp đặt rất thô thiển cho người hoặc tổ chức như đã nói trên. Chưa hết, ngoài nhà cầm quyền áp đặt, những tổ chức không chính danh khác cũng muốn “gán” thuộc tính này để gọi nhằm mục đích “loại bỏ” lẫn nhau…

Cần phải xác định rõ ràng rằng, “dân chủ hành vi” và “dân chủ tư duy” trước khi gán danh xưng đó cho ai, hoặc tổ chức nào.

Nên phân biệt rõ ràng như thế để thấy tập hợp những người không thích tung hô một chiều theo ý nhà cầm quyền rất đa dạng. Từ chị công nhân bị quỵt tiền lương nhưng lại không được liên đoàn lao động bảo vệ, cho đến một anh phóng viên không muốn bẻ cong ngòi bút theo chỉ đạo ở trên, đến cả một anh giáo sư, bác sỹ trong phòng nghiên cứu...Sự thật là ở một đất nước bị cai trị bởi một nhà cầm quyền độc tài ắt phải có sự phản kháng của rất nhiều con người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ đó hiển nhiên là trình độ văn hoá và nhận thức xã hội của họ cũng khác nhau dẫn đến tiếng nói và cách nói của họ cũng rất đa dạng.

Chỉ là một danh xưng, nhưng hình như ở nước ngoài không có khái niệm “nhà dân chủ”. Bất cứ ai có những hoạt động dấn thân vì xã hội đều được gọi là “activist” hay “combatant” (hiểu theo nghĩa hoa mỹ).

Vì vậy, nên chăng chúng ta hãy nhìn nhận lại danh xưng trên một cách đúng nghĩa?

Sử dụng danh xưng “nhà dân chủ” cho những người đang nỗ lực thay đổi xã hội tốt hơn, dù với mục đích nào, trước hết, cũng là không tốt cho các cá nhân ấy. Họ sẽ bị đẩy vào thế “đối đầu” bất đắc dĩ.

Cố tình sử dụng danh xưng “nhà dân chủ” để gán ghép cho những người có hành động, phát ngôn, quan điểm.. phản kháng lại chế độ cai trị là một sự đánh tráo khái niệm có chủ ý nhằm gộp chung tất cả lại với nhau để dễ bề kết luận: “Đấy, các nhà dân chủ là như thế, đừng mơ gì đến dân chủ tại nước Việt”. Tôi cho rằng, đây là một hành động “vơ đũa cả nắm” đáng bị lên án.

Chỉ có ở đất nước phi dân chủ, hoặc dân chủ nửa vời mới có khái niệm “nhà dân chủ” được sử dụng, hoặc để vẽ lên ước mơ dân chủ qua những con người dám phản kháng, hoặc để gộp chung tất cả sự phản kháng ấy lại nhằm triệt tiêu tính dân chủ dù chỉ trong ước mơ.

Chúng ta không tán thành kiểu “dân chủ cực đoan” nhưng nhìn dân chủ theo kiểu “đa đoan” thì sẽ không bao giờ có được xã hội dân chủ.

Hãy cứ yêu chuộng dân chủ, và cùng nhau nỗ lực vì một nền dân chủ thực sự . Hãy đóng góp, bổ sung cho nhau để hoàn thiện tính dân chủ. Đừng tôn xưng hoặc gán ghép nhau, đừng tạo cơ hội cho những kẻ “cơ hội “ hoặc dân chủ nửa mùa lợi dụng mà triệt tiêu dân trí, cắt đứt gốc rễ dân chủ. Ít nhất những kẻ đó sẽ thừa cơ hội mà ném đá vào những người yêu dân chủ tại Việt nam.

Tôi nghĩ thế!

P/S: Với những điều tôi suy nghĩ như trên hy vọng rằng nhà cầm quyền "nghĩ lại" danh xưng thực của mình. Khi đang tồn tại danh xưng "nhà dân chủ" thì thể chế hiện hành chỉ là một "toàn ánh" của xã hội cũ mà thôi. Hơn chăng ở chỗ đang có và sử dụng các phương tiện văn minh nhân loại hiện đại.

Tuesday, April 12, 2011

Tự Thiêu

Y. gửi cái này cho HĐ:

Tự Thiêu http://vcgd18.blogspot.com/2011/01/trang-10.html  

và HĐ đã trả lời:

Y thân mến,

Dùng cách nhìn của Tình Yêu thì sẽ thấy toàn bộ biến cố 1963 (và trước đó, những chống đối lại TT Ngô Đình Diệm) là Tội Ác. Nó phá hoại dân tộc. Và theo luật Nhân Quả: vì dân ta đã để cho những việc đó xảy ra thì ngày nay dân ta phải gánh chịu bất công, thối nát, lạc hậu và tha hóa về nhân cách.

Chuyện Thích Trí Quang bày mưu và đám sư sãi giả hình đó thực hiện tội xách động quần chúng không lớn bằng chuyện đám tướng lãnh (xuất thân từ "lính Tây") làm đảo chánh và giết chết anh em tổng thống Diệm. Và tội của đám tướng lãnh đó cũng không lớn bằng tội của đám văn nghệ sĩ tuyên truyền chống chiến tranh (phản chiến) và tung hô Hồ Chí Minh, để đến nỗi ngày nay thanh niên VN coi HCM là thần tượng.

Muốn giải trừ hết hậu quả của tội lỗi, việc đầu tiên là đập bỏ con bò vàng HCM và dựng nên hòm bia Mười Điều Răn, tức là thiết lập nền Công Lý mới. (Đọc Cựu Ước và so sánh.) Rồi lại phải trải qua thời gian Vượt Qua đầy máu và nước mắt. Kể cả 1 thế hệ lưu đầy.

Nhiều người vẫn xem nhẹ con bò vàng HCM, vẫn thoải mái cười khi nghe người thân mình hãnh diện nói hai chữ "bác Hồ". Thế thì xét thấy còn lâu lắm mới có cơ khôi phục tự do dân chủ cho đất nước. Nếu đảng CSVN có thay đổi gì đi nữa mà dân ta còn tôn sùng HCM thì dân chủ mới cũng chỉ là giả dối.

Hôm trước mình phản ứng dữ dội khi nghe đến tên Trịnh Công Sơn là vì thế.

Nghe và hát nhạc tình của tác giả nào cũng tốt đối với mình, vì ngoài mình ra, với ai khác thì nhạc chưa chắc đã là người. Nhưng đi tìm đời tư của họ để mà tôn sùng cuộc đời họ là một hành động mình kinh tởm. Nói thực, mình cũng chưa từng để ý đến đời tư của những Tiến Dũng, Kim Long, Vinh Hạnh... là những nhạc sư có những bài hát mình yêu. (Để làm gì nhỉ.)

Nhân tiện thư này của Y., mình chia sẻ chút đỉnh về chính kiến và lập trường sống vậy nhé. Mong không làm Y. shock.

Thân mến


Chuyển "con" thành "Bác" rồi sang "Cụ"

Xưa nay đời vẫn gọi là "con"

Khen ai khéo vẽ cách cúi lòn

Chuyển "con" thành "Bác" rồi sang "Cụ"

Tôn kính phong "Thần" với nước non.

(trích thơ Huyetlanhphong)

Saturday, April 9, 2011

Chín sai lầm trong văn hóa đọc của người Việt

Rating:★★★★
Category:Books
Genre: Nonfiction
Author:theo VietMBA
Dưới đây là chín sai lầm trong văn hóa đọc của người Việt.

1) Chúng ta tích lũy tri thức qua việc đọc báo thay vì đọc sách

Và kết quả là tri thức của chúng ta bao gồm những thứ được nhắc đến trong chuyên mục phóng sự xã hội, quốc tế hay tâm lý của báo chí.

2) Chúng ta đọc sách theo kiểu đọc báo

Và chúng ta chỉ mang máng nhớ là trong Chiến tranh và hòa bình có một anh chàng tên là Andre đi đánh giặc, trong Hamlet có một câu “Tồn tại hay không tồn tại”, trong Trăm năm cô đơn hình như có một đuôi lợn.

3) Chúng ta rất lười ghi chép

Và nếu có ghi chép thì chúng ta cũng luời cả việc đọc lại nó.

4) Chúng ta đọc theo phong trào

Cứ sau mỗi mùa trao giải hoặc mỗi scandal nào đó, là một cuốn sách được nhắc đến lại bán chạy như tôm tươi, dù trước đó cả tháng trời chịu phận “cá thối”. Đơn giản rất ít người trong số chúng ta có được định hướng đọc và kế hoạch đọc cho mình.

5) Chúng ta giả vờ đọc

Nghĩa là chúng ta chỉ mua sách, gáy càng đẹp, bìa càng cứng càng tốt, để bày cho sang phòng chứ ít khi giở ra. Nếu có giở thì cũng là để khoe chữ ký của nhà văn nổi tiếng để tặng chủ nhân trong đó. Ngày xưa Nguyễn Tuân từng sốt sắng tả cái cảm giác mua sách về rồi nắn nót cầu kỳ đọc từng trang, sờ cái lề giấy… Bây giờ, điều đó là xa xỉ khi vô số cuốn sách xén lỗi chẳng bao giờ bị lo phát hiện vì nhiều người đâu có giở chúng ra lần nào.

6) Nếu đọc, chúng ta sẽ đạo

Rất nhiều khi chúng ta đương nhiên coi những gì chúng ta đọc được là của mình. Và chúng ta nhại lại như thế chúng ta viết ra nó.

7) Chúng ta thiếu sự hoài nghi

Thường thì sách báo nói thế nào, chúng ta tin như vậy. Rất ít khi chúng ta thử dừng lại, nhìn lại vấn đề theo quan điểm riêng. Trong khi nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng sách.

8) Chúng ta dễ dãi với những sai sót

Ngày trước, kèm theo mỗi cuốn sách xuất bản thường có một tờ đính chính. Nhưng đính chính đó đôi khi chỉ là lỗi chính tả tên riêng… Mẩu giấy nhỏ nhưng hàm chứa một ý thức lớn của người làm sách. Bây giờ, công nghệ hiện đại hơn, in ấn rẻ hơn, nhưng những mẩu giấy đính chính lại gần như thất truyền mặc dù lỗi in rõ ràng là nhiều hơn. Cả ý thức của người làm sách lẫn người đọc sách đều kém hơn trước.

9) Chúng ta chỉ đọc những gì mình thích

Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần. Bởi đọc không chỉ là để giải trí. Đọc cần phải có mục đích, và rất nhiều sự kiên nhẫn.

Nguồn: VietMBA
http://danluan.org/node/8156