Monday, March 8, 2010

Phiên âm hay không phiên âm?

Đoạn sau đây trích từ một cuốn sách mình đang say sưa đọc. Một cuốn sách thực hay và thích hợp trong dịp 40 ngày quan trọng hàng năm. Nhưng giá mà, vâng, mình sẽ thích hơn nếu như hình thức của cuốn sách thống nhất hơn. Mình không nói về trình bày, mình nói về cách dùng chữ, mà không phải cách dùng chữ của tác giả cuốn sách, nó chính là những tiêu chuẩn mới được đặt ra gần đây về việc "sửa danh từ riêng nước ngòai theo cách người Việt đọc được".
Trước giờ mình vẫn không thấy được cái vấn nạn sắp trình bày dưới đây, mà mình chỉ lờ mờ phản kháng lại cái tiêu chuẩn đó của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh tại Sài Gòn. Mình phản kháng một cách lờ mờ trong tâm thức, phản kháng một cách lúng túng mỗi khi nói chuyện với bạn bè về vấn đề này dù thực ra mình cũng có hậu thuẫn là một chuyên gia về chính tả và ngữ âm ở Sài Gòn.
Cái điều mình lờ mờ đó thực ra rất rõ ràng rằng "Đừng khinh người Việt và chữ Việt quá đáng đến mức cho rằng người Việt không thể phát âm được những tên riêng nước ngòai cùng hệ La-tinh, đến mức cho rằng chữ Việt phải là chữ có dấu và không có phụ âm "lạ". Vả lại, khi đọc mà không phát âm được thì người Việt ta vẫn cứ hiểu và vẫn cứ nhớ kia mà, tội vạ gì phải phiên âm để gây ngộ nhận và khó truy lục tham khảo."
Nhưng đoạn trích sau đây lại làm mình rõ hơn cái lý do của việc phản kháng lại chuyện phiên âm:

"Nếu gặp được Chúa, tôi sẽ là một môn đệ chân thành.
Phi-líp đã thực hiện Lời Chúa dạy:
"Kẻ tin vào Thầy thì sẽ làm được những việc Thầy làm" ( Ga 14, 12 )
Mà Chúa Sống như ánh sáng giữa thế gian, thì Thánh Polycarpe, Giám Mục Ê-phê-xô cũng viết về Phi-líp trong thế kỷ thứ 2 như sau: "Ông là một trong 12 Tông Đồ đã sống như ánh sáng chói lòa nhất ở Á Châu (Tiểu Á ) và được chôn cất ở Hierapolis".
..." (trích từ "13 người thay đổi thế giới" do giáo sư Trần Duy Nhiên phóng tác)

Những danh từ riêng nước ngoài viết bằng chữ La-tinh trên lại thể hiện bằng 2 cách khác nhau trong cùng một cuốn sách, cùng một đoạn văn. Cái khó chịu khi tính thống nhất bị hy sinh là cái làm mình phải hí hoáy viết những dòng chữ này.
Khó khăn của tác giả là ở chỗ những chữ tương tự chữ xanh thì đã có phiên âm "mẫu" trong cuốn Kinh Thánh theo bản dịch của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, còn những chữ đỏ thì chưa, nếu tác giả tự tiện phiên âm thì lỡ nó không đúng, lại bị bảo rằng dốt. Mà nếu không đưa những chữ đỏ đó vào thì phải bỏ hẳn cả đoạn mang chữ đó, thế thì viết gì nữa.
Và các bạn mình, các bạn nghĩ gì và đề nghị gì? Riêng mình, sự không nhất thống là một sự quái gở mình không chấp nhận trong các tác phẩm. Những suy tư, những tám chuyện thì có thể không thống nhất, nhưng thống nhất là một đặc tính thiết yếu của những gì là kinh điển, là tiêu chuẩn, là định hướng, là có ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều thời đại.