Các cháu thân mến,
Hôm trước ta đã nói chuyện với các cháu về cái tên của nơi sinh nơi ở của các cháu và ta rất vui thấy các cháu sinh trưởng ở Sài Gòn đã dùng đúng cái tên này để điền vào blog của các cháu.(*) Điều này chứng tỏ các cháu mến yêu nơi chôn nhau cắt rún của các cháu thật lòng. Các cháu luôn muốn cho nó được đẹp mãi trong tâm tưởng của các cháu.
Việc giữ cho đẹp các hình ảnh của quê hương mình là một phần của tình người. Người ta ai cũng muốn mọi thứ của mình đều phải đẹp bằng cách giữ gìn nó và tu sửa cho nó ngày càng đẹp hơn.
Tuy nhiên có một số người, cả người lớn nữa cơ, mắc vào một cái tật là nghĩ ngược lại, họ luôn cho rằng bất cứ cái gì họ có cũng đều là đúng rồi, là đẹp rồi và không bao giờ chịu sửa chữa những gì họ có.
Ta nói chẳng hạn đã có hồi các cháu mặc quần xệ đũng, hở cả quần lót ra, và khi cha mẹ anh chị không bằng lòng như thế, họ khuyên các cháu thay quần khác thì các cháu phản ứng, bảo rằng đó là quyền tự do ăn mặc của các cháu. Đúng là các cháu có quyền tự do ăn mặc, nhưng sự phản ứng của các cháu chẳng qua là do các cháu nghĩ rằng đây là cách ăn mặc của con, con có cách ăn mặc như vậy. Có phải vậy là các cháu đang cho rằng cái cách ăn mặc của mình là hay, là đẹp nhất rồi, không cần cải sửa gì nữa không? Nhưng nếu các cháu nhớ lại bài học hôm trước (về cái tên Sài Gòn) thì có lẽ các cháu sẽ hiểu rằng phải sửa cách ăn mặc của mình lại, để mình có cách ăn mặc đẹp hơn, bằng cách nghe lời cha mẹ mình. Luôn phải nhớ rằng cần sửa cho những gì mình có càng ngày càng đẹp hơn chứ đừng bao giờ nghĩ rằng những cái mình có đã là đẹp rồi, không cần sửa nữa.
Và bây giờ ta nói tới một điều mà có lẽ các cháu thấy còn khủng khiếp hơn cái chuyện quần đũng xệ ở trên nữa.
Là người, ai cũng thuộc về một dòng tộc nào đó. Các cháu thuộc về dòng dõi của cha mẹ mình, của ông bà mình, của dòng họ mình. Và nói xa hơn một tí, các cháu thuộc về đại gia đình Việt Nam, gọi là dân tộc Việt Nam. Mỗi người đều có những bổn phận đối với dòng tộc của mình, đối với dân tộc mình mà bổn phận này thể hiện bằng tình yêu quê hương, yêu dân tộc của mình. Thực ra đây cũng chỉ là một tình cảm bình thường, nó chính là cách thể hiện lòng biết ơn. Ai giúp ta, cho ta một cái gì đó thì ta biết ơn người đó. Nhờ lòng biết ơn mà loài người giúp đỡ qua lại lẫn nhau, xã hội loài người mới tồn tại được. Có nhiều loài vật cũng biết ơn (loài chó chẳng hạn), nếu không biết ơn thì thực thua kém loài chó. Tóm lại, yêu dân tộc mình là thể hiện lòng biết ơn, biết ơn những người dân chung quanh đã giúp đỡ cha mẹ mình để nuôi nấng mình nên người, biết ơn những người dân đã làm ra của cải để cha mẹ mình có thể mua sắm mà nuôi mình, biết ơn dân tộc mình.
Vậy tình yêu nước yêu quê hương chẳng qua chỉ là tình yêu dân tộc mà thôi. Tình yêu nước không phải là yêu cái mảnh đất cụ thể, không phải là yêu cái con sông trái núi nào cụ thể mà chỉ là tình yêu người mà thôi. Và các cháu có bổn phận phải tìm biết ai là người đã làm lợi cho dân tộc mình để có thể tỏ lòng biết ơn họ, tìm hiểu xem ai là người đã làm hại dân tộc mình để có thái độ thích đáng đối với họ. Ta không kêu gọi trả thù như trong truyện kiếm hiệp vì “oan oan tương báo”, trả thù chỉ đưa đến việc người ta trả thù lại mình, mà hại được người khác thì mình cũng chả được lợi lộc gì. Thái độ thích đáng có thể là tha thứ cho người đã làm hại ta và khôn ngoan không để người đó làm hại mình nữa. Thái độ thích đáng cũng có thể là những gì khác mà các cháu nghĩ ra một khi các cháu khôn lớn biết rõ phải quấy.
Và dân tộc thì không thuộc về bất cứ một chính quyền nào. Chính quyền chẳng qua chỉ là một nhóm người nắm quyền cai trị dân tộc. Khi cái chính quyền đó tốt thì người dân được ấm no, được học hành đầy đủ, được tự do làm việc này việc nọ không ai ngăn cấm và được an cư lạc nghiệp hạnh phúc trên quê hương của họ, đúng với câu “đất lành chim đậu”. Nhưng khi cái chính quyền đó xấu, thì họ thu góp của cải cho riêng họ, họ để mặc dân đói rét, thất học, ngu dốt, dân phải làm thuê làm mướn cho người nước ngoài hay phải bỏ xứ mà đi lập nghiệp ở nước khác, phải đi “tha phương cầu thực”.
Đôi khi, một dân tộc không thể tự chọn chính quyền cho mình. Đành phải chấp nhận hên xui, hên thì gặp chính quyền tốt còn xui khi bị chính quyền xấu nhẩy lên cai trị. Và hên xui may rủi đã là tình trạng dân tộc Việt Nam. Dân Việt hên khi có Quang Trung đuổi giặc Thanh, xui khi Tự Đức Thiệu Trị từ chối học tập văn minh tây phương, vân vân, hết hên lại xui. Trong bộ môn lịch sử mà các cháu học ở trường thì dân Việt chưa hề tạo dựng được một chính quyền cho mình vì chưa bao giờ có bầu cử đúng nghĩa. Xét hên xui thì cứ lấy tình cảnh dân chúng sinh sống mà xét, không nên nghe người ta quảng cáo. (Thư trước ta cũng có nói về việc có nhiều người lớn luôn lợi dụng thanh thiếu niên, chắc các cháu còn nhớ.)
Nói dân tộc thì không thuộc về chính quyền có nghĩa là đôi khi có một nhóm người dùng sự khôn ngoan ma mãnh của họ để cướp lấy quyền cai trị dân. Họ tạo dựng quân đội, công an, và nhiều cơ quan để theo dõi đàn áp dân, không cho dân được có ý kiến gì cả mà dân muốn chống lại họ cũng không được vì dân không có vũ khí và bị cấm không tổ chức đoàn kết nhau được. Chính quyền xấu đó đâu có phải của dân. Mà thực ra họ chỉ giống như một nhóm người nước ngoài đã xâm phạm vào lãnh thổ để bắt dân làm tôi mọi cho họ mà thôi.
Khi đã vững vàng cai trị rồi, cái chính quyền xấu đó thường tìm cách lợi dụng thanh thiếu niên bằng cách bắt buộc các cháu tham gia vào những đoàn thể thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên gì đó của họ. Rồi họ tuyên truyền rao giảng rằng các cháu phải yêu thương tổ quốc mà họ là đại diện. Họ tô vẽ nên những nhân vật lịch sử giả tạo và bắt các cháu tung hô, hát lời yêu thương những nhân vật đó. Họ bảo thanh niên phải có lý tưởng mà lý tưởng đúng nhất là hy sinh cho màu cờ sắc áo quốc gia mà họ là đại diện. Các cháu còn bé, đơn sơ như tờ giấy trắng, thầy cô dạy sao thì nghe vậy, các cháu đâu có thể ngờ rằng vì miếng cơm manh áo, vì sợ tù tội mà thầy cô các cháu phải dạy cho các cháu những điều sai trái về tổ quốc, về lịch sử như thế. Thế rồi tin tưởng vào thầy cô mình, các cháu đã yêu cái chính quyền xấu đó, và cứ tưởng là vì cha mẹ mình không may nên gia đình mới đói nghèo. Không phải đâu, cái chính quyền xấu đó làm cho cha mẹ các cháu nghèo, và rất nhiều người nữa cũng nghèo mà còn nghèo hơn cha mẹ các cháu nữa.
Rồi các cháu lớn lên, tin nghe lời thầy cô mình mà tôn sùng và yêu thương cái lá cờ các cháu tưởng là biểu tượng cho tổ quốc mình. Các cháu của ta! Tổ quốc không là gì cả nếu không có dân tộc. Thế nên tình yêu dân tộc của các cháu phải được đặt bên trên lá cờ. Hơn nữa, trên đời vẫn có những lá cờ chỉ đại diện cho cái chính quyền đang cai trị dân thôi chứ không hề đại diện cho dân tộc. Nếu lá cờ đó đại diện cho những người lãnh đạo xấu thì phải biết ghét cái lá cờ đó cũng như ghét những người đã làm cho dân tộc các cháu đói nghèo lạc hậu. Ghét nó nhưng ngay bây giờ các cháu chưa làm gì được nó, thì các cháu chỉ còn có một thái độ thích đáng là không bao giờ nhìn ngắm nó nữa và không để nó dính vào bất kỳ cái gì của các cháu nữa. Vì nó sẽ làm cho những cái các cháu có trở nên xấu đi, người khác sẽ vì thấy nó mà coi thường các cháu.
May một điều là tuy thầy cô các cháu buộc phải dạy dỗ những điều sai trái về lịch sử về tổ quốc nhưng họ vẫn truyền cho các cháu được ý thức về cái thiện cái ác, vẫn dạy cho các cháu cách phân biệt đúng sai, và thầy cô vẫn cấy vào trong lòng các cháu được một niềm tin là lẽ phải sẽ chiến thắng sự dối trá. Tiêm vào lòng các cháu được lòng yêu thương con người.
Tin vào bản tính tốt lành của các cháu ta mới viết thư này để thêm vài lời khuyên bảo mà không một thầy cô nào của các cháu dám nói mặc dù họ rất muốn nói. Mong rằng các cháu hiểu lòng ta luôn mong mỏi thấy đàn em của mình được sống trong sự khôn ngoan của tình yêu chân chính.
Thương các cháu,
Tiền bối của các cháu.
HỒNG ĐỨC
Tái bút:
Ta đã từng nói với một vài cháu rằng trong một xã hội dù có chính quyền xấu đến đâu đi nữa thì vẫn có những người thầy xứng đáng làm thầy, có những nhà văn xứng đáng là nhà văn, và ta đã khuyên các cháu đó phải học hành thật chăm chỉ và đọc sách thật nhiều. Nhắc lại điều này để khẳng định rằng ta và cha mẹ các cháu vẫn luôn biết ơn những người thầy cô giáo của các cháu. Những món quà ngày 20 tháng 11 mỗi năm ta và cha mẹ các cháu gửi cho thầy cô giáo của các cháu là những món quà tỏ lòng biết ơn và quí mến đích thực.
1 comment:
Hì, con qua tuổi teen lâu rồi, nhưng đọc lá thư này vẫn thấy lời bác HĐ gửi gắm trong đó.
Post a Comment