Hồng Đức
Ngày đó, ngày tôi còn bé lắm, bố tôi, một sĩ quan cấp nhỏ nhưng vì chuyên môn thường hay phải xuất ngoại. Năm ấy bố tôi đi nước ngoài về, quà cho anh em chúng tôi là một cái xe ủi đất chạy pin nối với một cái hộp có 4 chiếc nút xinh xinh để điều khiển xe chạy tới, chạy lui, và rẽ phải, rẽ trái, thế thôi. Thế thôi nhưng nó là một món đồ chơi rất hiếm thời bấy giờ, đem đi chơi rồi bỏ quên đâu đó mất là mất một món tiền lớn. Quả vậy, chúng tôi đã phải nhịn không có quà, không có đồ chơi cả năm trời để bố tôi dư ra chút đỉnh mà mua món quà này. Biết vậy nên mẹ tôi chỉ cho phép anh em chúng tôi giữ nó trong nhà. Chúng tôi chạy loanh quanh theo nó trong phần nhà trước rộng mênh mông dùng làm chỗ để chiếc xe Toyota ọc ạch của cơ quan mà bố tôi được phép xử dụng để đi làm và đi công tác. Cái cửa nhà và cũng là cái cửa ga-ra này thường hay bị anh em chúng tôi bỏ quên không đóng. Vả, đóng cũng chẳng kín, vì dạo ấy, cái cửa 2 cánh to đùng làm bằng lưới kẽm, chỉ có cái khung ọp ẹp là bằng gỗ, có khóa thì cũng chẳng ăn nhằm gì vì khóa chỉ là một cái dây khóa vòng móc vào khoảng giữa của hai khung cửa, chúng tôi vẫn thường kéo rộng phần dưới để chui ra chui vào mỗi khi trốn mẹ đi chơi.
Món đồ chơi nào rồi cũng bị chán, bị bỏ quên. Cả tuần lễ chiếc xe ủi đất đó đã không được lấy ra chơi thì bỗng nhiên tôi thấy thằng bé hàng xóm đang chơi một chiếc xe ủi đất cũng màu cam cũng có hộp điều khiển giống như cái xe của anh em tôi. Dạo ấy tôi mới hơn chục tuổi đầu, và với cách giáo dục của bố mẹ tôi, tôi không hề nghĩ là nó đã lấy trộm của chúng tôi. Mà bố nó làm tới chức đại tá, mới xây lại cái nhà và mẹ nó còn có cả một chiếc Toyota màu trắng mới tinh. Nhà nó giàu thế thì lý nào lại đi ăn cắp của chúng tôi. Vả lại nó cũng chỉ mới có ba bốn tuổi, làm sao mà biết ăn cắp.
Nhưng động lòng nghĩ tới món đồ của mình, anh em chúng tôi lục tung nhà cửa lên để rồi chẳng thấy cái xe của mình đâu cả. Bán tin bán nghi và cũng không cho mẹ biết, chúng tôi thì thào bàn tán, cãi nhau, đứa thì bảo đúng nó ăn cắp của mình, đứa lại bảo chưa chắc vì bố nó có tiền, mua cho nó được chứ sao, ngoài tiệm thiếu khối gì đồ chơi, đâu chỉ có một mình mình có. Tôi và đứa em gái kế có vẻ đã nghi ngờ rằng mình bị ăn cắp nhưng không biết làm cách nào để đòi lại, vì biết chắc chắn có đòi nó cũng không trả. Cái thằng Hoàng đó tuy mới nứt mắt ra mà đã nổi tiếng cả xóm về tính bướng bỉnh và mất dạy của nó vì được nuông chiều quá đáng.
“Thằng Hoàng nó ăn cắp của em.” Thằng em nhỏ của tôi lúc ấy mới ba bốn tuổi gì đó la lên. Rồi nó vùng chạy ra, banh cái cửa, luồn ra ngoài, chạy bình bịch tới chỗ thằng nhỏ kia đang thích thú tập trung với cái máy, không biết đang bị tấn công. Chúng tôi loay hoay mở cái vòng khóa để ra ngoài chuẩn bị tiếp ứng, vừa mở xong cửa thì thằng em tôi đã lon ton chạy về, hí hửng đưa khoe cái chiến lợi phẩm vừa được thu hồi. Cánh cổng đóng lại lập tức, nhốt cái thằng nhóc đang ì ạch chạy đuổi theo kia ở bên ngoài.
Thằng kia khóc nhá. Nó vừa khóc vừa la, vừa chửi tục những tiếng mà tôi hiểu và cả những tiếng mà mãi đến giờ nhớ lại tôi cũng chẳng hiểu như “ăn min mày” hay gì gì đấy. Các chị nó (bằng tuổi tôi) và mẹ nó cũng chạy ra xem chuyện gì. Điều buồn cười là mẹ nó, lúc ấy cũng là một thiếu phụ xinh xắn gọn gàng trong bộ bà ba sát nách trắng tinh có những chiếc nút tết đỏ rực, vì bênh con mà thành mặt dầy, văng luôn ra là cái đồ chơi ấy là của “bố nó mới mua cho nó”, “Trả lại cho nó. Tụi bay có gì làm bằng chứng là nó lấy của tụi bay?” “Ai thấy, ai dám bảo con tao ăn cắp?” vân vân. Chúng tôi sợ xanh mặt. Nhưng thằng em tôi, cũng lại nó, mặc dù lúc ấy là đứa bé nhất nhà, không kể đứa đang nằm nôi, nó vừa chỉ vào chỗ đoạn dây điện bị nối vừa bảo, “Cái xe này của em đúng rồi. Chỗ này hôm nọ anh Thanh cắt ra sửa cho em nè.” (Anh cả tôi đi học nội trú, mấy tuần mới về nhà một lần.) Thế là mấy cái loa miệng chúng tôi có lý để mà cãi, lại còn cầm cả xe ra “đối chất”. Chả hiểu sao hồi đó tôi còn bé mà cũng đáo để, dám nói hỗn “bà có muốn tôi mách chồng bà không thì bảo.” Dĩ nhiên, thấy không bắt nạt được chúng tôi thì bà ấy cũng thôi. Chả hiểu lúc đó mẹ tôi ở đâu. Chỉ biết anh em chúng tôi rất vui vì lấy lại được cái mà bây giờ người ta gọi là “gỗ mục bà để trong rương, ai mà động đến ấy trầm hương của bà”. Sau đó anh em chúng tôi cũng chả thiết chơi với cái xe ấy nữa, có lẽ vì nó đã “qua tay kẻ khác” rồi chăng.
Mấy năm sau đó tôi vẫn không hiểu và không tài nào biết được lúc ấy mẹ tôi ở đâu, sao không ra bênh chúng tôi. Rồi tôi quên bẵng chuyện này đi. Bây giờ nhớ lại mới phục mẹ tôi. Nếu lúc ấy bà xuất hiện thì chắc là phải biếu không cái món đồ chơi đó cho mẹ con mấy đứa mất dạy đó rồi.
Mấy hôm nay, đọc trên Internet chuyện sinh viên học sinh đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa đã bị mất vào tay Trung Cộng, thì cái ký ức cách nay đã 40 năm lại hiện ra. Hình ảnh cái bà vợ trẻ đẹp của ông đại tá, mẹ của cái thằng bé đã biết ăn cắp khi mới nứt mắt đó, trở lại rõ mồn một, cứ loang loáng trước mắt tôi, cả cái tiếng la hét chửi rủa mà người ta quen gọi là “hàng tôm hàng cá” đó nữa, cứ chát chúa trong tai tôi. Và cái câu hỏi lúc đó mẹ tôi đang ở đâu lại nổi lên. Hay là mẹ tôi ở ngay cạnh chúng tôi, chỉ cách sau một bức tường và đang lắng nghe những đứa con lanh lợi của bà xử sự.
Và để quên cái chuyện con nít đó đi tôi nghĩ nên kể nó ra vậy.n
HỒNG ĐỨC
No comments:
Post a Comment