Friday, August 14, 2009

Chính đề VN (Phần dẫn nhập)

Một cuốn sách của một người đang bắt đầu được xem là vĩ nhân vì những tiên kiến và những hy sinh to lớn để đóng góp vào sự an bình thịnh vượng của dân Việt, nhưng vận nước đã khiến tất cả những gì ông làm đã trở nên công dã tràng se cát. Nhưng may mắn thay, một vài di sản của ông đã đủ để chứng minh cho những gì ông đã nghĩ và đã làm. Chính một ít di sản này rồi cũng sẽ giúp chúng ta thấy rõ bổn phận và hướng đi của mỗi người con dân Việt ngày nay.

(Sách xưa, được viết bằng Pháp ngữ, được dịch lại theo văn phong hiện đại nên nhiều chỗ bất cập.)


Chính Đề Việt Nam

BỐI CẢNH CỦA VẤN ĐỀ

(bỏ phần Lời Trần Tình và Lời Nhà Xuất Bản)

Nước Việt Nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém phát triển, và nhỏ về sự góp phần của chúng ta vào văn minh nhân loại.
Trong suốt phần lịch sử nhân loại mà chúng ta được biết tới ngày nay, số phận của các quốc gia nhỏ, từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm.

Từ ngày lập quốc, hơn một ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam chúng ta không thoát ra ngòai vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe dọa dân tộc Việt Nam.

Để duy trì ách thống trị của mình, các cường quốc xâm lăng thường áp dụng, đối với các dân tộc bị trị, nhiều biện pháp, tuy có khác nhau về hình thức, nhưng chung qui vẫn thuộc hai loại chính:

* Ngăn ngừa không để cho các quyền lợi kinh tế thuộc vào tay người bản xứ.

* Kiềm hãm không để cho dân trí phát triển.

Các loại biện pháp thứ nhứt nhằm mục đích tiêu diệt tất cả các phương tiện vật chất của người bị trị.

Các loại biện pháp thứ hai nhằm mục đích tiêu diệt những người có khả năng xử dụng các phương tiện vật chất trên, nghĩa là các nhà lãnh đạo xứng danh.

Đối với các dân tộc bị trị hai loại biện pháp trên đều có những hậu quả vô cùng thảm khốc. Tuy nhiên, nếu không có phương tiện của mình thì còn có thể tìm phương tiện khác, chó nếu không có người lãnh đạo, thì dù có phương tiện cũng không xử dụng được.

Vì vậy cho nên, đối với một quốc gia mà nền độc lập bị đe dọa hay đã mất, thì phương pháp hữu hiệu nhứt và điều kiện thiết yếu nhứt để chống lại ngoại xâm là nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo.

Trong thực tế, nuôi dưỡn và phát triển sự lãnh đạo có nghĩa là tạo hoàn cảnh thuận lợi để cho cái tinh túy của tập thể hun đúc nên thiểu số lãnh đạo xứng danh.

Như thế nào là lãnh đạo xứng danh?

Thiểu số lãnh đạo và sự thấu triệt vấn đề của cộng đồng

Trong toàn bộ của cộng đồng, gồm có thiểu số lãnh đạo cộng đồng và đại đa số chịu sự lãnh đạo. Cộng đồng lành mạnh khi nào giữa thiểu số lãnh đạo và đa số chịu sự lãnh đạo, sự thông cảm chạy đều, dẫn dắt đến một sự phối hợp hữu hiệu trong mọi công cuộc của cộng đồng.

- Thiểu số lãnh đạo xứng danh phải bao gồm những người có đạo đức. Nghĩa là có “Nhân” theo cổ nhân.

- Thiểu số lãnh đạo xứng danh phải gồm những người có đủ khả năng vật chất, lý trí và tinh thần để ứng phó với các tình thế. Nghĩa là có “Dũng” và có “Lược” theo cổ nhân.

- Thiểu số lãnh đạo xứng danh phải gồm những người thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của tập thể. Nghĩa là có “Trí” theo cổ nhân. Đời sống của một cộng đồng cũng như đời sống của một cá nhân, có thể chia thành từng thời kỳ. Trong đời sống của một cá nhân, một thời kỳ trung bình mười năm. Đối với một cộng đồng, mỗi thời kỳ cố nhiên phải tương xứng với đời sống cộng đồng và có thể là một vài thế kỷ. Trong mỗi thời kỳ của đời sống, mỗi cá nhân phải đương đầu với một ít vấn đề chánh và đặc biệt của thời kỳ đó. Và mỗi cộng đồng cũng phải giải quyết một số vấn đề chánh, thiết yếu cho cộng đồng, trong mỗi thời kỳ.

- Thiểu số lãnh đạo xứng danh phải thấu triệt vấn đề đó để hướng dẫn cộng đồng trên đường tiến hóa, thích nghi chẳng những với khung cảnh của thế hệ hiện tại, mà lại còn với đời sống vĩnh cửu của cộng đồng.

Các đức tính “Nhân” “Dũng” “Lược” phát sinh từ một căn bản thiên phú, nếu được hoàn cảnh bên ngòai xã hội và cố gắng bên trong cá nhân nuôi dưỡng và rèn luyện, sẽ phát triển đến đúng mức. Nhưng nếu không gặp được cơ hội rèn luyện và phát triển, các đức tính trên, vì là thiên phú, vẫn tồn tại trong bản chất. Do đó, các đức tính “Nhân” “Dũng” “Lược” là những điều kiện chủ quan. “Trí” nghĩa là thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng, là một điều kiện khách quan. Bởi vì sự thấu triệt vấn đề chỉ có thể được thực hiện bằng cách sưu tầm, khảo cứu, phân tích, lĩnh hội, quan sát và tổng kết những tài liệu bên ngoài liên quan đến vấn đề. Không có tài liệu bên ngoài thì một bộ óc dù thông minh xuất chúng, cũng không làm sao hiểu được vấn đề.

Các đức tính trên đều cần thiết cho một sự lãnh đạo xứng danh. Tuy nhiên, trong thực tế, sự khiếm khuyết một trong các đức tính, không mang đến những hậu quả như nhau.

Một sự lãnh đạo có đủ “Nhân” “Dũng” “Lược” nhưng không thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng không thể đưa con thuyền cộng đồng đến chiến thắng.

Một sự lãnh đạo, dù thiếu “Nhân” “Dũng” “Lược”, nhưng lại thấu triệt vấn đề của cộng đồng, vẫn có hy vọng mang thắng lợi về cho cộng đồng, dù rằng thắng lợi đó phải trả bằng những gian lao và tang tóc.

Chúng ta có thể ví trường hợp thứ nhất với trường hợp của một người có xe và đánh xe rất tài, phát tốc độ, kềm cương ngựa tới, kéo ngựa lui, quanh phải, quanh trái vừa mau lẹ, vừa khoan thai không ai bì kiẹp. Nhưng lộ trình lại không biết. Như thế, dù xe có phóng nước lớn và vượt nghìn dặm cũng không đưa được khách đến nơi cần phải đến, vì chính người đánh xe cũng không biết đó là nơi nào. Trường hợp thứ hai là trường hợp của một người không xe và cũng không biết đánh xe, nhưng lại thấu triệt lộ trình. Như vậy những người đồng hành với người này, có ngày sẽ đến nơi phải đến, tuy biết rằng cuộc hành trình sẽ đầy gian lao và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn.

Suy luận như trên đây không có nghĩa là muốn chứng minh rằng “Nhân” “Dũng” “Lược” không thiết yếu cho sự lãnh đạo. Nhưng để chỉ rõ rằng  mặc dù các đức tính “Nhân” “Dũng” “Lược” “Trí” đều cần thiết, tuy nhiên sự thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng là quan trọng hơn cả.

Như thế thì, tới đây, chúng ta đã làm sáng tỏ được ba điểm:

1.    Việt Nam của chúng ta là một nước nhỏ và yếu lúc nào cũng bị nạn ngoại xâm đe dọa.

2.    Trong công cuộc chống ngoại xâm, một khí giới hữu hiệu nhứt là phát triển lãnh đạo.

3.    Trong công cuộc phát triển lãnh đạo, điều kiện thiết yếu cần được thỏa mãn là: Thiểu số lãnh đạo phải thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng.

Đa số chịu lãnh đạo và vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng.

Sự thấu triệt vấn đề của cộng đồng quan hệ như thế nào đối với thiểu số lãnh đạo, trên đây chúng ta đã thấy.

Một cộng đồng trong toàn bộ gồm nhiều phần tử cá nhân hợp thành, chia làm hai khối, thiểu số lãnh đạo và đa số chịu sự lãnh đạo. Thiểu số lãnh đạo có trách nhiệm với vận mạng của cộng đồng.

Cộng đồng có tồn tại mới bảo đảm được phát triển của cá nhân. Cộng đồng tồn tại nhờ cố gắng và hy sinh của cá nhân, tình nguyện hay cưỡng bách, đóng góp. Nhưng lý do của cuộc sống là sự thỏa mãn ước vọng chánh đáng của cá nhân.

Nói một cách khác, lý do của cuộc sống là lý do cá nhân. Mà điều kiện của cuộc sống là điều kiện cộng đồng. Vì thế cho nên, ngay trong bản chất đã có sự mâu thuẫn giữa quyền lợi của cộng đồng và quyền lợi của cá nhân trong cộng đồng. Một mâu thuẫn như thế thuộc vào loại mâu thuẫn lúc nào cũng có ở trong nội tâm(1) của mọi cuộc phối hợp sáng tạo giữa hai lực lượng tương phản.
     ______________
     (1) Mâu thuẫn lúc nào cũng có ở trong nội tâm = Mâu thuẫn nội tại


Cứu cánh của sự lãnh đạo là thực hiện một trạng thái điều hòa tuyệt đối giữa hai quyền lợi mâu thuẫn, cá nhân và cộng đồng. Nếu sự điều hòa được thực hiện dưới hình thức một sự thăng bằng động tiến, nghĩa là hai lực lượng tương phản sẽ dựa nhau và kích thích nhau để tiến, thì toàn thể cộng đồng sẽ tiến triển. Nếu sự điều hòa được thực hiện dưới hình thức một sự thăng bằng tĩnh chỉ, nghĩa là hai lực lượng tương phản sẽ đóng khung và kềm giữ nhau, toàn thể cộng đồng sẽ mất đà tiến và trở thành trụ đóng. Nếu sự điều hòa không được thực hiện, cộng đồng sẽ tan vỡ.

Nhưng sự mâu thuẫn giữa hai quyền lợi cá nhân và cộng đồng không phải lúc nào cũng quyết liệt. Trong những thời kỳ bình thường của cộng đồng, cộng đồng không đứng trước một thử thách khó khăn, và không đòi hỏi nhiều sự đóng góp của cá nhân. Trong những thời kỳ đó, sự mâu thuẫn dịu đi – và công cuộc lãnh đạo chú trọng đến việc giữ cho trật tự xã hội được mọi người tôn trọng, và đời sống của mỗi cá nhân được phát triển.

Nhưng ở vào những thời kỳ mà cộng đồng phải đương đầu với một cuộc thử thách nghiêm trọng, và vì sự sống còn của cộng đồng, đòi hỏi những đóng góp to tát của cá nhân, sự mâu thuẫn trên lên đến cực độ. Sự lãnh đạo ngoài sự bảo vệ trật tự xã hội còn phải qui tụ những phưong tiện vật chất và nhân sự vượt quá mức thông thường để đưa cộng đồng lướt qua các trở lực.

Sự mâu thuẫn trở thnàh cực kỳ trầm trọng. Trạng thái điều hòa rất khó thực hiện và sự tan vỡ của cộng đồng có thể đến bất cứ lúc nào.

Như thế, sự mâu thuẫn, khi nhẹ khi nặng, lúc nào cũng có. Trong thực tế, sự mâu thuẫn giữa hai quyền lợi, cộng đồng và cá nhân, sẽ biến hình thành sự mâu thuẫn giữa thiểu số lãnh đạo và đa số chịu sự lãnh đạo, vì thiểu số lãnh đạo nhân danh cộng đồng đòi hỏi sự đóng góp của đa số chịu sự lãnh đạo. Sự mâu thuẫn càng ác liệt, nếu đại đa số không ý thức cộng đồng và không hiểu biết vấn đề cần giải quyết của cộng đồng. Trường hợp này càng dễ xảy ra trong các cộng đồng nghèo nàn về vật chất và ấu trĩ trong tổ chức. Đa số chịu lãnh đạo không được cộng đồng bảo đảm cho những cần thiết tối thiểu và sơ đẳng nên không có lý do tâm lý để biết đến cộng đồng, và, mải bận tâm giải quyết các vấn đề của đời sống hằng ngày, không có thời giờ mà hiểu biết vấn đề của cộng đồng.

Trong những thời kỳ bình thường, có thể miễn cưỡng thay thế sự tự ý tham gia của đa số chịu sự lãnh đạo vào đời sống của cộng đồng bằng sự cưỡng bách tôn trọng luật lệ của cộng đồng. Nhưng trong những thời kỳ thử thách thì uy tín vững chắc của một lãnh tụ, hay sự cưỡng bách bằng võ lực cũng không thay thế được sự đóng góp có ý thức vào nhu cầu của cộng đồng.

Và điều kiện thiết yếu để thực hiện sjư tự giác đóng góp như vậy là đa số chịu sự lãnh đạo phải ý thức cộng đồng và hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng. Có như vậy thiểu số lãnh đạo và đa số chịu sự lãnh đạo mới phối hợp điều hòa và tạo cho cộng đồng sinh lực cần thiết để vượt qua các thử thách quyết liệt đang đợi chờ.


Nhiều hậu quả trực tiếp

Sự liên hệ đương nhiên giữa thiểu số lãnh đạo và đa số chịu sự lãnh đạo trong một cộng đồng cũng đã đặt cho đa số chịu lãnh đạo sự cần thiết phải hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng.

Hơn nữa, trong thực tế, nếu đa số chịu lãnh đạo ý thức vấn đề của cộng đồng, thì cộng đồng còn có thể tránh được nhiều bước lỡ lầm mà hậu quả sẽ rất tai hại cho các công cuộc chung.

Đa số chịu lãnh đạo càng ý thức được vấn đề chung, thì đường đất xoay trở càng rộng cho chiến thuật hành đồng của thiểu số lãnh đạo. Cuộc tranh đấu càng gay go, chiến thuật càng trở nên khuất khúc và bất ngờ. Và như vậy sự phối hợp giữa thiểu số lãnh đạo và đa số chịu lãnh đạo sẽ không sứt mẻ và cái sắc bén của chiến thuật không bị sờn. Kẻ địch không lợi dụng được hoàn cảnh nghiêm khắc do cuộc thử thách tạo ra để ly gián giữa thiểu số và đa số của cộng đồng.

Mọi sự lãnh đạo đều phải chịu sự phê bình. Có phê bình xây dựng và có phê bình đả phá. Ngay trong lúc bình thường, đa số chịu lãnh đạo cũng không dễ dàng phân biệt được sự phê bình xây dựng với sự phê bình đả phá. Trong những lúc nhiệt độ không khí tranh đấu lên cao và bao trùm mọi việc thì sự nhận định càng dễ bị đánh lạc hướng và thiện chí càng dễ bị lợi dụng bởi những chủ trương phá hoại. Tuy nhiên, nếu đa số chịu lãnh đạo ý thức vấn đề của cộng đồng, thì ít nhiều cũng sẽ có một tiêu chuẩn để nhận xét tính chất của sự phê bình và không bị những chủ trương phá hoại lừa gạt. Ví như hành khách, có thể không thấu lộ trình như người lái xe, nhưng nếu nhiều hành khách có ý thức về lộ trình thì người lái xe khó mà mang một lộ trình lạ vào thay thế cho lộ trình mà nhiều người biết qua.

Một sự lãnh đạo chân thành vì quyền lợi của cộng đồng cũng có lúc phạm vào những lỗi lầm mà hậu quả sẽ có hại cho cộng đồng. Nhiều cuộc đầu cơ khéo ngụy trang có thể lừa gạt đa số chịu lãnh đạo của cộng đồng. Trong hai trường hợp trên đa số có thể bị lôi cuốn vào những công việc tai hại. Và do đó có thể dẫn dắt cộng đồng đến chỗ sụp đổ.

Đa số chịu lãnh đạo dù không thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng, nhưng nếu đã có ý thức, cũng có thể kịp thời nghe theo những lời cảnh tỉnh xây dựng và từ chối không dự vào những công cuộc đưa cộng đồng vào vòng tiêu diệt.

Càng phân tích các trường hợp như trên, chúng ta càng nhận thấy tính cách thiết yếu của sự hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng đối với  đa số chịu lãnh đạo.


Nhiều hậu quả gián tiếp

Đối với một cộng đồng quốc gia nhỏ và yếu như quốc gia của chúng ta, lúc nào cũng bị nạn ngoại xâm đe dọa, sự ý thức vấn đề của cộng đồng đối với đa số chịu lãnh đạo còn hàm nhiều hậu quả tuy gián tiếp nhưng rất là quan trọng.

Trong những thời kỳ phải đương đầu với nhiều thử thách quyết liệt, vận mạng của cộng đồng bị đe dọa, thiểu số lãnh đạo bắt buộc phải đòi hỏi ở đa số chịu lãnh đạo nhiều cố gắng phi thường, nhiều hy sinh nặng nề và nhiều đóng góp to tát. Nhưng nếu trong hòan cảnh đó, đa số chịu lãnh đạo lại không ý thức đúng mức vấn đề của cộng đồng, thì chẳng những sự góp phần của họ sẽ miễn cưỡng và không xứng đáng, mà lại còn sẽ phát sinh một hiện tượng tâm lý rất nguy hiểm cho cộng đồng. Vì tin rằng bị cưỡng bách đóng góp một cách quá đáng vào một công cuộc mà họ không hiểu, đa số chịu lãnh đạo càng ngày càng bất mãn đối với thiểu số lãnh đạo. Và lần lần sự bất mãn biến thành căm thù và cuối cùng vùng lên thành phẫn nộ. Đến cực độ này, đa số chịu lãnh đạo sẽ trở thành một công cụ sắc bén cho bất cứ một kẻ ngoại xâm nào biết thừa cơ hội đứng lên khoácc áo nghĩa hiệp giải phóng cho đa số tự cho là bị thiểu số lãnh đạo bóc lột.

Trong lịch sử của chúng ta, sự thất bại của nhà Hồ và cuộc xâm lăng nước ta của quân Minh tiếp theo đó, là một sự kiện lịch sử điển hình cho trường hợp vừa phân tích trên đây. Hồ Quí Ly quyết định thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện cho dân tộc Việt Nam. Xét lại sử liệu, cuộc cách mạng theo nhà Hồ quan niệm, nếu thành công đã thay đổi hẳn cuộc tiến hóa của dân tộc. Nghĩa là con đường nhà Hồ đã vạch ra là con đường vô cùng lợi ích cho cộng đồng.

Nhưng Hồ Quí Ly, để thực hiện chương trình, đã cưỡng bách đa số chịu lãnh đạo đóng góp nặng nề, trong khi đa số không ý thức được vấn đề của cộng đồng. Và những biến cố đã xảy ra như ta đã biết: Quân Minh đã lấy danh nghĩa giải thoát dân tộc Việt Nam khỏi tay một tên soán ngôi, để cướp cả nước của chúng ta.

Trong ví dụ lịch sử trên đây, nếu đa số chịu lãnh đạo hiểu biết được ít nhiều vấn đề, đã tránh cho chúng ta một trong bảy cuộc xâm lăng mà nước Tầu đã dành cho chúng ta trong một ngàn năm lịch sử.

Nhưng sự hiểu biết vấn đề của cộng đồng đối với đa số chịu lãnh đạo không những có một hiệu quả tiêu cực đối với nạn ngoại xâm, như chúng ta vừa thấy trên đây, mà lại còn có một hiệu quả tích cực trong công cuộc chống lại nạn ngoại xâm lúc nào cũng đa dọa chúng ta. Những lý lẽ để chứng minh sự kiện này lại nằm trong một ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt chống lại Trung Hoa.
Kinh nghiệm lịch sử của chúng ta chứng tỏ rằng, rốt cuộc lại, không phải ngoại giao, cũng không phải quân lực đã giúp cho chúng ta mấy lần đánh bại các cuộc xâm lăng của Trung Hoa và mấy lần quật khởi sự thống trị ác nghiệt của họ. Bởi vì, ngoại giao chỉ mạnh khi nào có quân lực mạnh làm hậu thuẫn. Và bởi vì, dù dũng lược có thừa, nhưng tài nguyên vật chất và nhân lực của chúng ta giới hạn thì quân lực của chúng ta cũng giới hạn.

Chúng ta đã đánh bại quân xâm lăng và quật đổ ách thống trị vì chúng ta có người lãnh đạo và ý thức quốc gia được hun đúc và nuôi dưỡng cũng như vấn đề của quốc gia được giải thích sâu rộng trong đa số chịu lãnh đạo. Như vậy thì sự đa số chịu lãnh đạo ý thức cộng đồng quốc gia và hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng là lợi khí sắc bén nhứt để cho một quốc gia nhỏ và yếu như chúng ta chống lại nạn ngoại xâm.

Các trường hợp đã phân tích trên đây chứng minh rằng sự đa số chịu lãnh đạo hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng hàm chứa nhiều hậu quả ích lợi thiết yếu cho cộng đồng.

Nếu chúng ta nhìn nhận rằng, sự đa số chịu lãnh đạo hiểu biết vấn đề mặc nhiên sẽ đưa đến sự đa số chịu lãnh đạo tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào chính sự của cộng đồng.

Và nếu chúng ta lại nhìn nhận rằng, sự đa số chịu lãnh đạo tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào chính sự của cộng đồng là bản chất của tinh thần dân chủ, thì các điểm sau đay lại được sáng tỏ:

1.- Chỉ có sự tôn trọng tinh thần dân chủ mới là một lợi khí sắc bén nhứt để cho một nước nhỏ và yếu như nước chúng ta chống lại ngoại xâm.

2.- Phát huy sự hiểu biết của đa số chịu lãnh đạo đối với vấn đề cần phải giải quyết của quốc gia là góp phần tích cực nhất vào công cuộc xây dựng và củng cố tinh thần dân tộc.


Một ví dụ cụ thể và khắc tín

Trên đây chúng ta đã dẫn chứng để quả quyết hai điều.

* Thiểu số lãnh đạo thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng là một điều thiết yếu cho cộng đồng.

* Đa số chịu lãnh đạo hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng là một điều thiết yếu cho cộng đồng.

Các biến cố dồn dập xảy ra trong lịch sử Việt Nạm từ hai mươi năm nay mà mọi người đều còn ghi nhớ có thể lấy làm một ví dụ cụ thể và minh xác để chú giải hai điều trên đây.

Thiểu số lãnh đạo và vấn đề

Từ hai mươi năm nay và còn trong nhiều năm nữa, các biến cố chính trị ở Việt Nam đều phát sinh từ sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai chủ trương Quốc Gia và Cộng Sản. Mặc dù toàn bộ Việt Nam đều bị sự chi phối nặng nề của hai thế giới Tự Do và Cộng Sản, sự hơn kém giữa hai chủ trương vẫn tùy thuộc ở một số yếu tố nội bộ quyết định, trong số đó sự lãnh đạo chiếm một vai trò quan trọng.

Sau này trong phần chính của quyển sách, chúng ta sẽ phân tích với nhiều chi tiết những lý do vì sao chủ trương Cộng Sản chẳng những sẽ không giải quyết được vấn đề của quốc gia Việt Nam trong thời kỳ nầy của cộng đồng mà lại còn sẽ đưa dân tộc vào một con đường đen tối cho nhiều thế hệ trong tương lai.

Mặc dù lý trí của phần đông chưa quan niệm được một cách rõ rệt hiểm họa trên, nhưng số người trong mọi tầng lớp ngày càng chống lại chủ trương Cộng Sản càng tăng, vì ghê sợ phương pháp cai trị tàn bạo của họ và ý thức ít nhiều về sự họ từ chối không nhìn nhận lý do cá nhân của cuộc sống.

Đã thế một sự kiện không khỏi làm cho chúng ta suy nghĩ. Vì sao, trong hoàn cảnh đó, chủ trương Cộng Sản lại càng ngày càng lấn áp chủ trương Quốc Gia?...

Các lãnh tụ quốc gia, lo cho vận mạng của nước nhà, đã để nhiều tâm trí tìm câu trả lời.

 

Lý thuyết tranh đấu

Nhiều người tin rằng, sở dĩ chủ trương Cộng Sản thắng thế là vì nhờ có một lý thuyết tranh đấu. Để đối Phó với chủ trương Cộng Sản thì ngược lại chủ trương Quốc Gia không  có một lý thuyết tranh đấu. Do đó từ hai mươi năm nay, nhiều lý thuyết đã được tạo ra. Nhiều lý thuyết lấy một học thuyết triết học hay tôn giáo làm căn bản. Một số khác mượn nền tảng của một chủ nghĩa tranh đấu chính trị đã, trong một lúc nào đó và tại một nơi nào đó trên thế giới, chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Đối với một vài lý thuyết, tư tưởng hoàn toàn đóng khung trong giới hạn dân tộc. Một vài lý thuyết khác khoáng đạt hơn dựa trên một hệ thống tư tưởng của các triết học danh gia thế giới. .

Có nhiều xu hướng lại mang lập trường Quốc Gia để chọi lại lập trường Quốc tế, xem như là lập trường của Cộng Sản. Và quên đi rằng đối với một quốc gia, ngay cả các quốc gia Cộng Sản, mọi chủ trương đều được nghiên cứu vừa trên lập trường Quốc Gia vừa trên lập trường Quốc tế.

Các lý thuyết đưa ra làm lý thuyết tranh đấu để chống lại chủ nghĩa Cộng Sản đã có nhiều. Và hiện nay vẫn còn có người đang đi tìm một lý thuyết khác nữa với tác dụng trên.

Giá trị tư tưởng các lý thuyết rất khác nhau nhưng tất cả đều bất lực trong vai trò mong mỏi: Giúp cho chủ trương Quốc gia chiến thắng chủ trương Cộng Sản. Chẳng những thế tất cả các lý thuyết đều mang đến một kết quả bất ngờ và trái ngược: Mỗi lý thuyết có một số người tin tưởng, nhứt quyết trung thành với lý thuyết của nhóm mình và thành thật hay miễn cưỡng bảo vệ lý thuyết đó. Thành ra khối người theo chủ trương Quốc Gia chia năm xẻ bảy làm cho sinh lực chống lại kẻ địch còn yếu hơn là lúc không có lý thuyết.

Thật là không có gì làm cho người Cộng Sản vui sướng bằng tình trạng đó. Và họ chỉ ước mong khối quốc gia tạo ra thêm nhiều lý thuyết tương tự.

Một quan niệm cần chỉnh đốn.

Nguyên do của một tình trạng như vậy rất dễ hiểu. Đã là một lý thuyết thì không phải là thực tế. Nếu lý thuyết lại lấy một thuyết học triết lý làm căn bản thì lại càng không thực tế nữa. Như chúng ta đều biết: Hai người chủ trương hai học thuyết triết học khác nhau có thể cãi vã nhau đến tận thế mà không bao giờ đi đến một sự thỏa thuận.

Vì thiếu căn bản thiết thực đó cho nên các lý thuyết đưa ra dù có một giá trị tư tưởng khá cao đi nữa, cũng không có năng lực phát quang để thuyết phục ai cả.

Tự đặt cho mình một lý thuyết thiếu căn bản thực tế lại còn mang đến một hậu quả tai hại khác. Những người tin tưởng vào lý thuyết đó tự bắt buộc phải tôn trọng những nguyên tắc thiếu thực tế mà lý thuyết đề ra.

Đến khi hành động và đụng chạm với thực trạng của vấn đề thì phải lâm vào một tình thế không lối thoát. Bởi vì thực trạng của vấn đề đâu có chiều ý của tác giả lý thuyết mà uốn nắn mình vào khuôn khổ các nguyên tắc đã đề ra. Trong trường hợp đó thì, hoặc phản bội lý thuyết mà theo thực tể, hoặc tôn trọng lý thuyết mà phủ nhận thực tế. Trong trường hợp thứ nhứt thiểu số lãnh đạo sẽ mất uy tín, dần dần mất tin tưởng của đa số và sẽ đi đến thất bại. Trong trường hợp thứ hai thất bại sẽ đến ngay. Vì thực tế không thể phủ nhận được.

Sức mạnh của sóng và gió

Khi nhìn thấy mãnh lực qui tụ của lý thuyết tranh đấu Cộng Sản và bị mãnh lực đó ám ảnh, các nhà lãnh đạo của khối Quốc Gia mới suy thấu có một nửa đường. Họ chưa nhìn thấy rằng lý thuyết Cộng Sản chỉ là một phương tiện tranh đấu và sở dĩ phương tiện tranh đấu đó có một mãnh lực như chúng ta đều biết, là nhờ có hậu thuẫn của một công trình nghiên cứu sự kiện thực tế lịch sử của nhiều thế hệ tư tưởng gia. Trong trường hợp nào khối Cộng Sản đã lấy lý thuyết đó làm một phương tiện tranh đấu, chúng ta sẽ thấy sau này trong phần chính của quyển sách.

Lý luận trên đây giúp cho chúng ta thấy ngay vì sao một lý thuyết tranh đấu do một nhóm người ngồi lại nạo óc ra  viết không thể phù hợp với thực tế được. Đã không phù hợp với thực tế thì làm sao mang đến những kết quả mong mỏi được và sớm muộn gì cũng bị đào thải. . .

Người ta nhìn thấy mãnh lực của lý thuyết tranh đấu, nhưng không nhìn thấy công trình nghiên cứu thực tế lịch sử làm hậu thuẫn cho mãnh lực đó, cũng như nhìn thấy mãnh lực của lượn sóng mà không nhìn thấy sức mạnh của gió tạo ra lượn sóng.

Cộng Sản và Tây phương

Nếu có thể tạo được một lý thuyết để chống lý thuyết tranh đấu Cộng Sản thì đã lâu rồi, trong cuộc chiến đấu ác liệt giữa xã hội Tây phương và Cộng Sản, Tây phương đã tạo ra thứ khí giới sắc bén đó. Nhưng, biết rằng lý thuyết Cộng sản là một phương tiện tranh đấu chỉ tìm được mãnh lực của nó trong sự nghiên cứu thực trạng xã hội, nên Tây phương nhứt là nhữg dân tộc có óc thực tế như Anh, Mỹ đã tìm giải quyết các vấn đề do thực trạng xã hội tạo ra để thắng chủ nghĩa Cộng Sản. Họ đã thành công.

Ngày nay, ở Âu Mỹ, sở dĩ chù nghĩa Cộng Sản xuống trào, không phải vì giá trị tư tưởng tuyệt đối đã kém. Nhưng vì thực trạng xã hội ở Âu Mỹ hiện nay đã thay đổi khác xưa nhiều và cái lý thuyết mà Cộng Sản dùng làm phương tiện tranh đấu không còn phù hợp với thực trạng hiện nay của xã hội Âu Mỹ nữa. Đây là nguyên nhân chánh của sự tu chỉnh lý thuyết Các-mác Lê-nin mà nhiều lãnh tụ Cộng Sản đang chủ trương. Sự kiện trên lại chứng minh rằng sức mạnh của một lý thuyết tranh đấu không phải ở giá trị tư tưởng của lý thuyết mà ở sự thấu triệt thực trạng của đối tượng.

Như thế thì, khi tạo ra những lý thuyết để chống lại Cộng sản mà không tìm hiểu thực trạng của vấn đề, các nhà lãnh đạo của khối Quốc Gia đã làm một việc của những người lãnh đạo không thấu triệt vấn đề. Và lý thuyết tranh đấu, mặc dù là một khía cạnh đáng để ý của vấn đề, tuyệt nhiên chưa phải là vấn đề.

Vấn đề xã hội Tây phương đã thắng chủ nghĩa Cộng Sản trong nội bộ xã hội của họ, bằng cách giải quyết các vấn đề xã hội cho lớp người sút kém về kinh tế. Nhân cái gương đó, nhiều lãnh tụ Quốc Gia cũng cho rằng nếu giải quyết các vấn đề xã hội trong nội bộ của chúng ta thì chúng ta sẽ thắng Cộng Sản.

Nhận xét trên đúng mà không đúng. Đúng vì vấn đề xã hội cũng chiếm một phần quan trọng trong vấn đề của chúng ta, nhưng tuyệt nhiên chưa phải là vấn đề. Một mặt khác thực trạng của xã hội Tây phương lúc chủ nghĩa Cộng Sản hoành hành không phải là thực trạng của xã hội của chúng ta ngày nay.

Tín ngưỡng

Lại có nhiều chủ trương lấy tín ngưỡng mà chống lại Cộng Sản. Tín ngưỡng là một nhu cầu thiêng liêng của tất cả mọi người. Vì thế khả năng qui tụ của một tôn giáo đối với các tín đồ là một điều kiện không thể phủ nhận được. Tín ngưỡng là một tín hiệu tập hợp hữu hiệu. Các chế độ Cộng Sản đàn áp tôn giáo chính vì khả năng qui tụ nói trên, lúc nào cũng đe dọa sự độc quyền lãnh đạo cộng đồng mà theo họ nhứt thiết phải dành cho đảng Cộng Sản.

Nhưng tác dụng thật sự và đương nhiên của sự qui tụ của tín ngưỡng là một tác dụng tôn giáo nghĩa là chú trọng về phần linh hồn, về phần sau của cuộc đời hiện tại. Và nếu không có Cộng Sản thì sụ qui tụ đó cũng vẫn có. Nói một cách khác sự qui tụ đó tự nó không có mục đích chống lại chủ trương Cộng Sản. Chỉ khi nào, ví dụ trong một chế độ Cộng Sản, có sự đàn áp tôn giáo, bởi vì chế độ Cộng Sản không thể dung dưỡng một sự qui tụ nào khác hơn sự qui tụ là đảng Cộng Sản, thì sự qui tụ tôn giáo mới trở thành một hành động chống Cộng Sản. Nhưng sự chống lại vẫn là một hành động tiêu cực, nghĩa là sự chống lại có mục đích tự bảo vệ và nếu đàn áp chấm dứt thì sự chống lại cũng chấm dứt.

Sự qui tụ tôn giáo chỉ có hiệu lực chính trị khi nào cộng đồng tôn giáo đứng vào thế đối lập và tiêu cực chống lại một chủ trương.

Ở trong một trường hợp mà sự kiện Cộng Sản đàn áp tôn giáo vẫn còn là một viễn ảnh chưa thành hình thì sự qui tụ tôn giáo tự nó chưa có điều kiện để chống Cộng Sản. Nếu mà các tín đồ có nhìn được xa và nhứt quyết không muốn sống cảnh đàn áp tôn giáo của Cộng Sản, và do đó nhứt quyết chống lại Cộng Sản, thì hành động đó cũng vẫn còn là một hành động tiêu cực chưa có thể mang lại thắng lợi.

Muốn cho khả năng qui tụ tôn giáo trở thành một lợi khí chống Cộng Sản thì phải mang cái khả năng qui tụ đó mà dùng vào một công cuộc có mục đích giải quyết vấn đề thiết thực của cộng đồng. Nghĩa là các nhà lãnh đạo chủ trương lấy tín ngưỡng mà chống lại Cộng Sản, phải thấu triệt vấn đề cân phải giải quyết của cộng đồng và xử dụng khả năng qui tụ của tín ngưỡng để giải quyết vấn đề đó.

Nói tóm lại, tín ngưỡng tự nó không phải là một lợi khí chống lại chủ trương Cộng Sản. Tín ngưỡng sẽ trở thành lợi khí chống lại Cộng Sản trong hai trường hợp:

1. -Khi bị Cộng Sản đàn áp.

2. -Khi khả năng qui tụ của tín ngưỡng được xử dụng trong công cuộc giải quyết các vấn đề do thực trạng xã hội tạo ra.

Lý thuyết Cộng Sản mạnh nhờ có một hậu thuẫn phong phú: Sự nghiên cứu các sự kiện thiết thực lịch sử. Tín ngưỡng sẽ là một lợi khí mạnh chống lại chủ trương Cộng Sản khi cũng có một hậu thuẫn nghiên cứu sự kiện thiết thực lịch sử.

(đến trang 23)

8 comments:

Hồng Đức said...

Và đây là vấn đề thời sự:
"tín ngưỡng tự nó không phải là một lợi khí chống lại chủ trương Cộng Sản. Tín ngưỡng sẽ trở thành lợi khí chống lại Cộng Sản trong hai trường hợp:
1. -Khi bị Cộng Sản đàn áp.
2. -Khi khả năng qui tụ của tín ngưỡng được xử dụng trong công cuộc giải quyết các vấn đề do thực trạng xã hội tạo ra."

Ruồi Việt said...

Bác ơi cho hỏi, cái bản dịch này là của ông Tùng Phong hay là của người khác vậy bác?

Hồng Đức said...

Vậy là bạn Ruồi Việt đã biết rồi. Chính là bản có ghi "Tùng Phong" ở vị trí tên tác giả. Tuy nhiên ông Lê Văn Đồng lúc còn sinh thời nhận là bản dịch của mình. Sách in lần thứ nhất năm 1964 tại Saigon, vì sợ chính quyền của những người làm phản nên không ghi tác giả là Ô. Ngô Đình Nhu. Ở hải ngoại, đây là lần in lại thứ 2. Trình bày rất sơ sài. Vẫn không ghi tác giả bản tiếng Pháp là Ngô Đình Nhu, lại có lẽ vì sợ những người quá khích thuộc đảng Đại Việt và đảng Việt Nam Quốc Dân chăng.

THUAN ANH said...

tại sao sợ vậy bác,người ta đã là gnười thiên cổ rồi,với ;lại sách hay thì phải cho họ biết người nào viết chứ.

Ruồi Việt said...

@hongdwc: Theo mình, đây là 1 trong những cuốn sách đáng để đọc... Những bản in của cuốn này e rằng bây giờ không còn nhiều. Cảm ơn bác nhiều :)

Hồng Đức said...

Chính vì thế mình mới cặm cụi đăng nó ở đây. Mong cho mọi người dân Việt đều được đọc. Ai có phương tiện thì xin phổ biến giúp.

TrongAnh Ha said...

Đa Tạ anh Hồng Đức, tôi xin được phép chuyển đến mói người quen trong Blog Friends list của tôi và tất cả các bạn hữu xa gần . Rất thán phục lòng của anh đối với tương lai Dân Tộc.

    Trang General   said...

Cảm ơn bạn Hồng Đức đã post lên blog và chia sẻ với cộng đồng tài liệu quý giá này. Tôi đã chăm chú đọc hơn một giờ và cảm thấy Chính đề Việt Nam rất sâu sắc. Hưởng ứng việc bảo tồn di sản của tiền nhân, tôi đã copy lại trên blog của tôi toàn văn tài liệu này (kể cả lời Trần Tình và Lời Nhà Xuất bản).
Một lần nữa tôi cảm ơn bạn Hồng Đức và rất trân trọng tấm lòng ưu tư của bạn đối tương lai của dân tộc Việt chúng ta.
Tài liệu đã được sao chép tại các trang: 3627-3628-3629-3630-3631- và 3632:
http://yeuhanoi.multiply.com/journal/item/3627
YHN.