Monday, August 24, 2009

Thư gửi con cháu của nhạc sĩ Lê Dinh (Lê Minh Bằng)

Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Parenting & Families
Author:Lê Dinh
Nói với các con
Lê Dinh

Tôi muốn viết những giòng này để giải thích cho con cháu, không biết ông bà cha mẹ mình thuở xưa, tại sao lại đắt díu nhau qua đây, nơi cái xứ lạnh này để sinh sống? Các con, các cháu cũng đâu có biết rằng, trước đây, ba cũng không biết xứ Canada ra sao, chỉ học được qua bài dạy của ông Phạm văn Lược, giáo sư môn sử địa Trung học Le Myre de Vilers (Mỹ Tho) rằng xứ Canada thuộc châu Mỹ, ở tận miền Bắc Mỹ, về phía Nam giáp ranh với Hoa Kỳ, có 5 cái hồ lớn gọi là Ngũ Hồ, đó là hồ Superior, Michigan, Huron, Erie và Ontario. 5 cái hồ này mượn giòng sông có tên là Saint-Laurent để đổ ra biển Đại Tây Dương ở phía Đông. Ba chỉ biết có vậy thôi.

Theo kinh nghiệm trong cuộc sống, chuyện gì mà lúc trước ta không biết, chúng ta sẽ có dịp được biết và biết một cách tường tận. Cũng như trường hợp khi còn trẻ, tình cờ gặp một thiếu nữ đẹp thoáng qua trên đường, ta nhủ thầm, người đâu mà quá đẹp vậy, ước gì mình quen được với cô ta và làm cách nào để làm quen, nhưng rồi mình sẽ có dịp được quen với cô gái đó và có khi trở thành người thân nữa là đằng khác.

Nhắc lại buổi xế chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi nằm vắt vẻo trên chiếc võng được mắc qua hai cây cột trong nhà xe để đọc ngấu nghiến tập sách "Huyền Bí", chiếc radio để cạnh bên mình vang lên những câu đầu của bài hát "Nối vòng tay lớn": "Từ Bắc vô Nam nối liền cánh tay..." Tác giả Trịnh Công Sơn, mặc dù không có đàn phụ họa, vẫn gửi được đến thính giả miền Nam và cả miền Bắc tất cả tấm lòng và tâm hồn của ông ta để hân hoan đón mừng giây phút đầu tiên cuộc chiến thắng mong đợi của người Cộng sản.

Tôi nghĩ, thôi rồi, đã không còn gì nữa rồi. Mất nước là mất tất cả. Nhưng, trước cảnh thiên hạ ùn ùn rời khỏi thành phố - đúng là "chạy như chạy giặc", nhưng oái oăm thay, giặc đây cũng là người VN - tôi vẫn thụ động, nằm im đọc báo. Tại sao ta lại phải chạy trốn? Rồi tôi lại nghĩ thêm. Nếu họ vô thì họ cũng là người VN, trong khi mình chỉ là một công chức quèn, thì có gì đâu mà phải sợ. Rồi họ cũng phải cho guồng máy chính phủ hoạt động trở lại, ai ở đâu làm việc ở đó... cho đến ngày nào mà họ thấy đã đến lúc phải rà soát lại bộ máy chính quyền cũ thì họ bắt từ người cao cấp nhất còn lại cho đến những ai có "nợ máu với nhân dân" (theo tiếng của họ) đem ra tòa án xử tội. Hà cớ gì phải chạy trốn, mà chạy đi đâu, không quen lớn với ai, không có phương tiện, làm sao đây? Thôi đành ở lại xem sao, dù sao họ cũng là máu đỏ da vàng như mình.

Vài hôm sau, tôi đang nằm đọc "Huyền Bí" thì có một em nhỏ ở xóm phía sau nhà tôi (ở đường Ngô Tùng Châu, Gia Định), cầm cuốn vở học trò và cây viết chì đến ghi số gà tôi nuôi để lấy trứng, coi còn được bao nhiêu con. Rồi vài ngày sau nữa, em này trở lại, lui cui đếm gà và hỏi tôi tại sao thiếu mất một con gà mái. Tôi bảo nó đã chết toi rồi. Em nhỏ nói nó chết đâu đưa cho coi. Tôi trả lời rằng đã bỏ vào bao nhựa quăng vào xe rác rồi. Sự việc này làm tôi liên tưởng đến những lời đồn đãi rằng, sống dưới chế độ CS, không dám ăn thịt một con gà của mình nuôi, muốn ăn thịt gà, phải phi tang tất cả lông và xương gà, vì vậy ăn thịt gà cũng phải ăn lén lút ban hôm ban đêm, kẻo hàng xóm biết được mình ăn thịt gà, họ đi tố cáo với phường khóm thì rắc rối. Những lời đồn đãi này cho đến hôm nay tôi mới biết không phải là lời đồn nữa mà là sự thật. Trước đây, vì là người Nam, tôi cứ tưởng đó là những lời tuyên truyền để tố Cộng vậy thôi, chứ đâu đến đổi như vậy.

Một tuần sau ngày gọi là "giải phóng" này, tôi ra bến xe đò để về Gò Công thăm ba má và các em tôi, nhưng trước khi đi, tôi không quên đến phường xin một tờ giấy phép di chuyển. Khi tôi đến bến xe ở Chợ lớn lúc 3 giờ rưỡi chiều thì chỉ còn chuyến xe cuối. Khi xe chạy đến Bắc Mỹ Lợi, hành khách xuống xe, lên phà qua phía bên kia sông là Cầu Nổi, thuộc địa phận Gò Công. Hành khách lần lượt trở lên xe ngồi vào vị trí của mình. Vừa khi xe sắp sửa tiếp tục chạy về Gò Công thì có một chú nhỏ, vai mang súng dài, dài bằng cả chiều cao thân hình của chú, bảo tôi xuống xe vào trụ sở gần đó để nói chuyện. Theo chú nhỏ vào trụ sở, tôi được mời ngồi đối diện với chú trên một chiếc ghế.

- Chú có biết chú được mời vào đây về tội gì không?

- Dạ thưa (tôi ú ớ, không biết gọi cậu ta bằng gì, vì cậu ta có lẻ còn nhỏ hơn tuổi con trai của tôi) dạ thưa... không biết.

- Cách mạng đã thành công rồi mà sao chú còn... kém văn hóa quá.

- Dạ thưa sao ạ?

- Chú có biết rằng cách mạng không bao giờ chấp nhận để tóc dài như chú không, đó là tàn dư của Mỹ Ngụy.

Đưa tay lên sờ phía sau ót của tôi, trời ơi, tôi có để tóc dài đâu, có du thủ, du thực gì đâu, chẳng qua là vì những biến cố lớn lao xảy đến dồn dập cả tháng nay, tôi không chú ý gì đến việc cắt tóc cho nên tóc tôi có hơi dài phía sau ót. Biết nếu có giải thích cho chú nhỏ này hiểu, cũng vậy thôi, tôi đành im.

- Chú ra kia hớt tóc rồi mới được đi.

- Dạ thưa, ra đâu ạ?

Chú nhỏ hất đầu, làm một cử chỉ hướng về phía trước trụ sở, bên lề đường, bảo tôi ra đó đứng chờ. Vài phút sau, có một ông thợ hớt tóc mang một hộp đồ nghề và một chiếc ghế đẩu, đến hớt tóc tôi cao lên cho hợp với "nếp sống văn hóa mới". Ác nỗi, khi móc túi trả tiền xong, nhìn lại thấy con đường vắng hoe. Vì chuyến xe tôi đi là chuyến chót, xe này đã chạy về Gò Công rồi, không lẻ cả bao nhiêu người ngồi trong xe, ở đó đợi tôi sao? Tôi đành phải đi bộ vào xóm trong, thuê bao một chiếc xe lam để đưa tôi về thành phố Gò Công, báo hại cả nhà tôi hôm ấy, không hiểu sao tôi về quá trễ, lo lắng chắc có chuyện không may gì xảy đến cho tôi.

Tôi cố gắng hòa mình chung sống với những con người mới trong xóm, trong tổ, trong khóm, trong phường, từ việc mỗi tuần đi họp hai lần, ngồi bẹp xuống sàn đình để nghe chú Tư hốt rác và chị Năm bán cá ở trong xóm phía sau cư xá Thanh Bình giải thích về đường lối của cách mạng, để nghe những bài dạy đời về cách xử thế của người dân dưới chế độ mới đến việc thi thoảng hân hạnh được nghe các cán bộ cao cấp xuống nói về tình hình chính trị quốc tế như nước "Một Răng" và nước "Một Rắc" (Chữ Iran và chữ Irak mà họ đọc là Một Răng và Một Rắc - vì họ lầm lẫn giữa chữ "I" viết hoa và số Một La Mã) là nước anh em bầu bạn của chúng ta v.v... Rồi còn suốt ngày phải nghe nheo nhéo bên tai, qua chiếc loa được giăng trên cột đèn trước nhà, giọng nói khó chịu của cô xướng ngôn người miền Bắc, nghe những bản nhạc "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng", "Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng"... ra rả suốt ngày, từ sáng sớm đến giữa đêm khuya. Rồi những vụ đổi tiền - thực ra chỉ là những vụ ăn cướp trắng trợn của nhà nước - gọi là đổi nhưng họ chỉ đưa cho mình một phần nhỏ, còn phần lớn họ giữ lại. Khi nào có việc cần thiết, như ma chay, cưới hỏi, phải làm đơn có lý do chính đáng mới được nhận lại một số ít tiền của chính mình, tùy theo nhu cầu. Rồi nào là vụ tịch thu và có thể bị đi tù những ai còn giữ những sách báo, băng nhạc, tập nhạc mà họ gọi là văn hóa đồi trụy, báo hại chúng tôi phải thức suốt đêm để đốt hết biết bao là sách vở, bản nhạc in thành tập, được tưng tiu gìn giữ từ hơn 20 năm qua. Rồi lại nạn đổi tiền thêm lần nữa, đi làm thủy lợi, nghĩa vụ quân sự... Con trai tôi, mới 16 tuổi, cũng hân hạnh được giấy gọi đi làm nghĩa vụ quân sự, mặc dù thông cáo nói 18 tuổi trở lên mới bị kêu đi lính. Báo hại thằng nhỏ phải trốn trong hồ nước cạn trên nóc nhà tắm mỗi khi phường khóm đến khám xét nhà để tìm nó, và tôi phải nói dối rằng nó về quê thăm bà nội đau nặng. Và sau đó tôi giải quyết một lần cho dứt khoát, bằng cách lo lót chính quyền mới ở Gò Công đổi tên và bớt tuổi trong khai sinh nó, cho không còn dính dáng gì tới tên cũ nữa. Ai có hỏi, vợ chồng tôi nói rằng thằng con trai về quê ở với ông bà nội luôn.

Tính ra, chúng tôi đã sống cho qua ngày tháng với CS được 3 năm. Tôi đã xin từ chức, thôi làm việc ở đài phát thanh từ ngày 1-01-1975, nghĩa là đúng 4 tháng trước khi CS vô, cho nên trong lý lịch, câu hỏi: Nghề gì, tôi khai là buôn bán. Buôn bán gì: Buôn bán thuốc tây. Mà đó là sự thật, từ ngày thôi việc ở đài Phát thanh, tôi về Gò Công, nhờ một dược sĩ bạn đứng tên để mở một nhà thuốc tây, nhưng chỉ hoạt động được có 4 tháng là phải giao lại cho chính quyền y tế sở tại toàn bộ thuốc men. Trong 3 năm đó, gia đình tôi làm gì để sinh sống? Tôi và đứa con gái đầu lòng đi dạy, kèm trẻ tư gia, con ông cháu cha, con cái của cán bộ cao cấp, cha kèm Pháp văn, con dạy dương cầm, vợ thì làm "hãng kỹ nghệ" sản xuất bịch ni lông nước ngọt đông lạnh, mỗi ngày sản xuất... vài chục bịch, để bán cho mấy đứa con nít trong xóm.

Ba năm trôi qua. Một dịp may đưa đến, có một bà bạn cho biết bà có quen với một ông nọ, nguyên là hiệu trưởng một trường Trung học tư thục ở miền Tây, chán ghét chệ độ mới, tự ông đóng tàu để vượt biên. Còn thiếu chút đỉnh, ông muốn có người quen, chỗ đáng tin cậy hùn vốn để hoàn tất chiếc tàu. Quá đổi vui mừng, chúng tôi bán đổ bán tháo tất cả những gì còn lại trong nhà, bao nhiêu tư trang của bà xả cũng đem bán hết để có đủ 15 cây vàng nạp cho ông chủ tàu. Nào ngờ đây là một vố lường gạt của CS. Chúng nó đưa ra một tên cao ráo, đẹp trai, không có dáng dấp của bọn dép râu rừng rú, mạo nhận là hiệu trưởng để dễ lường gạt những người mù mờ, khờ khạo như vợ chồng chúng tôi. Khi vào nhà tù Phan Đăng Lưu, hỏi ra mới biết có nhiều người, phần đông là người Việt gốc Hoa, cũng bị lừa để lấy vàng như trường hợp gia đình tôi. Tả hình dáng ông "hiệu trưởng miền Tây" này thì đúng như boong. Thật ra người đó là tên Ba Sơn, cán bộ của sở Công an thành phố, mà những người vượt biên bị bắt, ai ai cũng biết. Ở tù 4 tháng ra, chúng tôi mặc dù không còn một xu dính túi, cũng tìm cách vượt biên nữa, vì không có cách nào sống chung với CS được. Giờ đây, khi ngồi viết lại những giòng tâm sự này, tôi nghĩ, thà không may chết hết cả gia đình ở dưới lòng biển thì thôi, chứ nếu mà còn ở với CS thì chắc giờ này, mồ mả hai vợ chồng tôi đã phủ rêu xanh,thằng con trai bây giờ chắc xác của nó được vùi lấp đâu đó ở bên Campuchia, còn 2 đứa con gái thì một đứa bán ở chợ trời, đứa nhỏ có lẽ cũng lưu lạc đâu đó bên Đài Loan hay Đại Hàn.

Nhưng trời còn thương gia đình chúng tôi. Sau nhiều ngày tháng đạp xe ra công viên Con Rùa ở đường Duy Tân để thu lượm tin tức cùng với nhiều anh em khác, tôi may mắn được tháp tùng một chiếc ghe đánh cá của một ông chủ ghe có tấm lòng nhân đạo bao la, cùng với tất cả gia đình gồm 5 người, vượt biên mà không tốn tiền. Tôi nghĩ, thôi bây giờ phó thác tính mệnh của 5 người cho trời đất. Chết thì chết một lượt còn nếu sống thì với 10 cánh tay của 5 người, không thể nào chết đói được trong một xứ sở tự do nào đó mà chúng tôi chưa biết. Rồi tôi lại nghĩ, trời đất mênh mông, thế giới bao la, qua đó - một nơi xa xôi nào đó mà mình không biết - chắc gia đình mình sống một mình thôi, không có ai là người Việt như mình, không có đồng bào đồng hương của mình mà chỉ có người bản xứ. Như vậy, tuy buồn thì buồn thật nhưng không rắc rối, yên ổn và an tâm hơn. Nhưng nào ngờ, sau 29 năm lấy nơi này làm chỗ dung thân, cũng chẳng được yên thân, nếu mình có một tâm hồn, một tấm lòng của một con người biết suy nghĩ, biết phân giải điều hay, điều quấy. Vì sao mình liều chết để đi tị nạn, liều chết để đến đây? Có phải vì bọn CS không? Thế mà chúng cũng không để cho mình yên. Nhắc lại thời 1954-1975 cũng vậy. Đã phân chia ra 2 miền Nam Bắc, anh là CS, anh có phần đất miền Bắc của anh, anh lo chăm sóc dân anh, làm cho nước Xã hội chủ nghĩa phía Bắc của anh hùng cường lên, giàu mạnh lên, còn phần đất miền Nam của chúng tôi, để chúng tôi lo. Nhưng rồi miền Nam nào có được yên đâu? Chúng gian manh, dùng sức mạnh chiếm đoạt luôn miền Nam mầu mỡ để rồi cho đến ngày nay đưa cả nước xuống hố thẳm của sự nghèo đói, trai đem thân đi làm thuê làm mướn xứ người, gái đi làm dâu thiên hạ ở các xứ lân bang, còn riêng đảng cầm quyền thì tha hồ cướp của dân lành để làm của riêng, đè đầu người dân thấp cổ bé miệng xuống tận cùng của chín tầng địa ngục. Nhưng rồi cũng chẳng yên nữa. Chúng còn đưa cánh tay dài lông lá của chúng vươn ra khắp các nước có người tị nạn để tóm thâu thêm tiền bạc. Mình chạy, chúng rượt theo, mình chạy nữa, chúng rượt theo nữa. Ba nghĩ nay mai đây, khi ba mẹ nhắm mắt và xuống âm phủ, cũng vẫn còn phải chạy trốn CS nữa.

Như ba đã tâm sự ở trên, ba tưởng đâu rằng đến một xứ sở xa xôi như Canada này, gia đình mình chỉ sống có một mình ở một thị trấn hẻo lánh nào đó. Ngày ngày, ba mẹ ra đồng cuốc đất trồng rau, trồng cây ăn trái, trồng nho trồng bắp, sống yên ổn, bình dị cho hết kiếp người tị nạn. Có làm thì có ăn. Còn các con, các cháu thì lớn lên có công ăn việc làm xứng đáng, hít thở không khí tự do, tương lai tươi sáng trước mặt. Nhưng cuộc đời không đơn giản như mình nghĩ. Tuy rằng chúng ta có đầy đủ các thứ vật chất linh tinh, nhà xe mọi thứ, cơm nước, bánh mì, bơ sữa dư thừa, nhưng về phía trong tận cùng tâm hồn, các người lớn tuổi như ba mẹ, luôn luôn khắc khoải. Nhìn xem, đồng bào mình, trong đó có thân nhân của gia đình mình, các chú các cô bên nội. các dì các dượng bên ngoại, cùng với con cái, anh chị em chú bác, cô cậu của các con, còn phải sống cuộc đời điêu đứng, bị đè nén, áp bức dưới chế độ dã man của bạo quyền CS.

Một hôm, tình cờ ba hỏi Đan Thi (bé gái, cháu ngoại 11 tuổi của chúng tôi) rằng ở trong lớp học có ai nói gì về nước Việt Nam không? Ba rất đổi ngạc nhiên và thật vui mừng khi nghe Đan Thi trả lời rằng:

- Có, con có biết về nước Việt Nam. Phải Hồ Chí Minh không ông ngoại? Il est méchant".

- Ai nói với con như vậy?

- Cô con nói.

Đứa con nít 11 tuổi mà nó còn biết nói "Hồ Chí Minh, il est méchant" mà tại sao người lớn - mà là người tị nạn CS nữa - lại đi ca tụng Hồ Chí Minh, vinh danh họ Hồ là thánh nhân, là vua Nghiêu vua Thuấn. Hỏi những kẻ này không bằng đứa con nít sao? Những người tị nạn mà chạy theo bám đít CS, hỏi họ không có trái tim sao? Đồng bào mình sống lao đao kiếp người như kiếp cầm thú ở bên nhà, trong khi nhà cầm quyền thì ăn trên ngồi trước, thua cá độ cả triệu dollars, tham nhũng cả bạc tỉ dollars, họ không nhìn thấy sao? Còn đời sống của họ, của gia đình họ ở đây, bộ thiếu thốn lắm sao, mà họ còn phải bợ đít giặc thù để kiếm thêm chút đỉnh nữa. Thật tình ba không hiểu nỗi?

Chuyện của ba bây giờ không phải là chuyện nhà chuyện cửa, chuyện công ăn việc làm nữa bởi vì ba mẹ đã hưu trí rồi, còn các con đã khôn lớn hết rồi, có công ăn việc làm đầy đủ, các cháu đã vào trường, tương lai sáng lạn trước mắt. Nỗi khắc khoải ưu tư của ba là chuyện bất công ở trong nước, chuyện chính quyền đàn áp người dân ở trong nước. Còn ở ngoài nước, ngay tại chính nơi đây, ở đất tị nạn này, là chuyện một số người vô tâm, ích kỷ, không có trái tim, làm ngơ trước sự khổ đau của dân mình, bán rẻ lương tâm để chạy theo giặc thù - những kẻ mà họ đã trốn chạy ngày xưa - hầu kiếm danh vọng hay tiền bạc gì đó mà chúng ta không thể hiểu. May ra, các con, các cháu sẽ hiểu điều này khi ba mẹ đã nhắm mắt. Họ gom góp tiền bạc ở ngoại quốc, đưa về Việt Nam, nói là để giúp đỡ những người khổ đau, bệnh tật, nhưng họ đâu có biết - hay họ biết mà vẫn làm vì đó là chủ trương và mục đích của họ - rằng làm như vậy là củng cố thêm sức mạnh của bạo quyền để tiếp tục đè đầu đè cổ dân mình lâu dài hơn nữa. Và họ cứ tiếp tục làm như vậy, tiếp tục quyên tiền ở hải ngoại đem về nói là giúp đỡ người khốn khó ở trong nước, nhưng cho đến bao giờ? Cả 50 năm nữa hay cả 100 năm nữa, cũng vẫn còn chuyện này nếu vẫn còn bè lũ rừng rú Bắc phương ngồi mãi trên đầu trên cổ người dân. Thấy tội ác mà không tố cáo là đồng lõa với tội ác; biết tội ác mà không chống đối, lại còn yểm trợ, thì không là đồng lõa nữa, mà là... đồng chí của những người gây ra tội ác. Họ có biết sự nghèo khổ, đói kém của dân mình từ đâu mà ra không? Nếu là người tị nạn chân chính, họ phải yểm trợ tiền bạc cho những người dám anh dũng đứng lên đòi hỏi nhân quyền, tranh đấu cho tự do ở trong nước, tiêu diệt cái gốc gây nên sự đau khổ triền miên của dân tộc. Trái lại, họ còn cộng tác với quân phá hại đất nước bằng cách tiếp tay với bạo quyền CS, người thì cộng tác hát hoặc làm MC, kẻ thì bán vé hát cho những buổi đại nhạc hội do văn công CS ra nước ngoài trình diễn. Có những hội đoàn tị nạn còn tuyên bố rằng họ không làm chính trị để đứng bên lề, làm ngơ trước sự đau khổ của dân mình. Vậy sự có mặt của họ trên đất tị nạn này do từ nguyên nhân nào mà ra vậy? Họ có phải là người tị nạn thật sự không? Việc đòi hỏi cơm áo, tự do cho người dân không phải là làm chính trị, nhưng là người, ai cũng có lương tri, có trái tim, biết điều hay lẻ phải, chuyện tốt, chuyện xấu, để tranh đấu cho sự công bằng, không còn mầm mống bất công ở trong nước.

Ngày các con ra đi, đứa lớn nhất được 20 tuổi và đứa nhỏ nhất chỉ mới 13, các con chưa có sự hiểu biết nhiều về Cộng sản và chính ba đây, ngày vượt biên, dù đã 44 tuổi đời, ba cũng chưa thấu hiểu mấy về Cộng sản. Bây giờ, nếu ai hỏi ba Cộng sản là gì, ba trả lời rằng Cộng sản là đem tất cả những sự gian dối, gian manh, lừa đảo, tàn ác... trên trái đất này cộng lại, đó là Cộng sản. Không phải ba nói để mà nói, nhưng đó là sự thật. Trong phạm vi bài viết ngắn này ba không thể giải thích hết về bài toán cộng ở trên (Gian dối + gian manh + lừa đảo + tàn ác = Cộng sản) để các con hiểu, nhưng từ từ, sống trên mảnh đất tự do này, các con sẽ hiểu thế nào là Cộng sản. Một trong những ca khúc của ba mới viết sau này, bài "Đừng bỏ quên tôi", trong đó có câu: "Hỏi ai, tôi hỏi ai, tại sao tôi ở đây, tại sao tôi bị giam mãi trong 4 bức tường này? Gia đình tôi đâu, con cháu tôi đâu, nhà cửa tôi đâu, muốn hỏi ai, xin trả lời giùm tôi một câu". Vậy, các con có biết tại sao gia đình mình phải trôi giạt từ phía bên kia địa cầu đến tận phía bên này địa cầu, bỏ làng mạc, quê hương, bỏ quê cha đất tổ, mồ mả ông bà, bỏ thân nhân ruột thịt để sống trên vùng đất xa lạ này không? Bởi ai vậy? Tại ai vậy? Nếu có câu trả lời rồi thì ba mong các con đừng bao giờ quên lý do tại sao chúng ta ở đây, và nuôi mãi trong lòng ý chí sắt đá của một người tị nạn chân chính, dù các con sống trên sự giàu sang phú quí sau này. Một lời khuyên ba gửi đến các con là các con đừng bao giờ quên mình là người tị nạn Cộng sản.

Các con yêu mến,

Ngày hôm nay 8 tháng 9, ngày sinh nhật của ba. 73 tuổi đời, theo ba cũng là đã "thọ" lắm rồi.

Một phần đời trước đây của ba - kéo dài 20 năm - ba đã sống trong một chế độ biết tôn trọng nhân vị, coi hai chữ "tự do" là quý giá, có phép làng luật nước, có an ninh luật pháp, tuy rằng "nhân vô thập toàn" làm sao tránh khỏi những trường hợp cá biệt của một số người trong chính quyền làm buồn lòng dân. Nhưng nếu đem so sánh với chế độ hiện tại ở trong nước, một chế độ mà gia đình mình đã may mắn thoát khỏi, thì là một trời một vực. Chế độ cai trị ngày nay là một tập đoàn, không phải là những người cùng chung một giòng máu Việt của mình, họ chiến đấu để xua đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, nhưng họ hại dân còn hơn thực dân, họ hô hào "không gì quý hơn độc lập tự do", nhưng ai nói đến hai chữ "tự do" là vào tù. Có ai đời nào mà bè lũ cầm quyền lại đi chiếm đất của dân để làm của riêng, từ trên xuống dưới, lớn tham nhũng theo lớn, nhỏ tham nhũng theo nhỏ. Có chính quyền nào lại đưa đàn ông ra nước ngoài để làm lao công, làm thuê, làm mướn; có chính quyền nào bán phụ nữ ra nưóc ngoài để làm nô tỳ, làm đỉ điếm chưa? Có chính quyền nào lại cắt đất cắt biển dâng cho nước láng giềng để nước này bảo vệ cho họ được tồn tại, được mãi mãi cai trị và tiếp tục tham nhũng? Vì vậy, gần 30 năm sống ở xứ tự do mà ba cũng không thấy vui. Chỉ vui được một phần khi nhìn thấy các con các cháu có tương lai sáng sủa, sống ra kiếp sống của con người, có tự do, nhân quyền, có luật pháp bảo vệ. Điều không vui của ba là dù sống trong sự no cơm ấm áo, nhà cửa yên vui, ba vẫn nhớ đến một quê nhà khốn khó, đói nghèo vì một đảng cầm quyền vô lương, một lũ "buôn dân bán nước" như người ta nói.

Dù cho ba có nhắm mắt bây giờ, ba cũng không ân hận gì cả, ba chỉ buồn là không được nhìn thấy một nước Việt Nam tự do, phú cường như các lân bang, một nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền, có tự do thật sự như các nước tiên tiến. Nhưng nếu mà ba có chết trong khi Cộng sản vẫn còn chễm chệ trên ngôi báu của họ, bằng linh hồn, ba sẽ về VN - vì như các con biết, từ 29 năm qua, ba chưa hề nghĩ đến việc đi VN - bằng linh hồn, ba về để viếng thăm mồ mả ông bà nội, ông bà ngoại, thăm lại nơi chôn nhau cắt rún của ba là làng Vĩnh Hựu êm đềm khi chưa có bóng CS, thăm những người thân thuộc, bà con hàng xóm láng giềng ngày xưa... Sống triền miên trong sự khắc khoải, thà chết cho được yên thân, vì hỏi ai không có một lần chết, đó là điều ba mong ước.

Ba các con.

Ngày sinh nhật 73 tuổi

tháng 8 ngày 09 năm 2007

Lê Dinh

14 comments:

Eternity Wish said...

5 stars :)
Collect ve blog "nhung bai viet hay" :)

Hoài An Phạm said...

Great .. 1 câu chuyện đầy cảm động ..giống như dì An ...lúc ép An đi vượt biên .. bà nói rằng ..đi cũng chết ..mà ở với cs cũng chết ..khg có tương lai đâu con .. thế là đi ..1 chuyến đi hãi hùng ....sợ lắm ông ạ ...An khg dám nhớ :( .

TÉ GIẾNG Ở YAHOO said...


He he, bác Lê Dinh nhớ dai wá he?

Hoài An Phạm said...

À quên ..An có yêu cầu ..lần sau post gì nhiều và dài ...ông vui lòng cho font chữ lớn tí được khg ạ ? ..Mắt An kém lắm .

Đen Thui . said...

Một bài viết nhiều cảm xúc.

Hồng Đức said...

Cô An mắt kém ơi.
Thì zoom nó lên. Cái này ở trong "review", mình không biết cách chọn size và font chữ.
Rất ân hận.

song thu said...

thư cảm động nhỉ ?

Hoài An Phạm said...

Trời ơi là trời ...cái gì cũng khg biết ...muốn An hông ?

Hồng Đức said...

Già rồi nó thế. Đại xá, đại xá.

Hoài An Phạm said...

Mốc xì ..còn qủy quái quá chừng mừ cứ nói là già

Nguyễn Phan said...

Cám ơn nhạc sĩ Lê Dinh đã cho lời giải thích hợp tình, hợp lý này.
Cám ơn chủ nhà cho đọc những lời tâm sự chân tình của một nhạc sĩ "nhạc sến".

Nguyễn Phan said...

Phải chi nhiều người Việt Nam trước năm 1975 định nghĩa được như bác Lê Dinh, bây giờ Việt Nam mình nào có thua kém Hàn Quốc bao nhiêu. Cũng chế được tivi, điện thoại di động hiện đại, xe hơi; cũng có nhiều trường đại học danh tiếng trong vùng.... Mơ!

song thu said...

hờ hờ ...không bao giờ là trễ cả, nếu như có sự bắt đầu ...

Nguyễn Phan said...

Vâng, bạn Songthu nói đúng. Nhiều người đã bắt đầu. Bắt đầu bằng việc tìm các phổ biến thông tin trung thực một cách rộng rãi hầu xuyên thủng sự bưng bít thông tin của ĐCSVN.