Saturday, July 4, 2009

Xin thầy cho em được yêu nước và xin thầy cho em biết tổ quốc là gì.

Hồng Đức

Nhân đọc thầy giáo Nguyễn Thượng Long với bài “Xin thầy cho em được yêu nước”.

Nguyễn Thượng Long, cái tên nghe quen quen, hóa ra là một người nổi tiếng, hóa ra mình đã nghe đến tính danh này trước năm 2005. Đọc thư thấy cũng thinh thích, cũng vui vui, bèn giới thiệu đến các bạn yêu quí của mình. Nếu ai thích Thư Viện Việt Nam Online thì vào đây. http://tvvn.org/tvvn/index.php?categoryid=66&p2000_articleid=31

Còn nếu ai thích đọc từ trang gốc của bài thì vào đây, mạng Ý Kiến

Bài viết, bắt đầu là một lá thư gửi cho 2 người học trò của minh, và sau khi đặt vấn đề xong thì trở thành một bài báo rồi lại có những lúc giống như một tâm thư và cuối cùng sau khi tác giả trút xong hết những bức xúc bèn ký tên và gửi cho... nhà cầm quyền.

Nguyễn Thượng Long là một, theo tôi đoán không lầm, nhà giáo già, đã về hưu. Ông không ký tên là một nhà giáo về hưu, kẻo nhà cầm quyền coi thường chăng, mà đã chọn cách xưng danh là “Người Đương Thời Năm 2006”. Mở ngoặc: Cái chữ “đương thời” đã có cao nhân chỉ ra rằng nó sai khi dùng với nghĩa người đang sống vào thời này. Quả vậy, nếu muốn dùng thì phải nói là “người đang thời” theo kiểu thuần Việt còn nói kiểu Hán Việt thì người “hiện thời”, “hiện đại”...; “đương thời” là từ Hán Việt, có nghĩa “vào lúc đó”. Nói thêm: đừng ai dùng chữ lịch sử “đương đại” để chỉ lịch sử “cận đại” hoặc “hiện đại” nữa. Nó quái! Mà làm gì có sử hiện đại nhỉ. Chỉ có thời sự hoặc thông tin thôi chứ. Chức danh “người đương thời” là một chức danh do xã hội phong tặng (ở Việt Nam thì các hoạt động xã hội cũng được chỉ huy) và chương trình truyền hình “Người Đương Thời” cũng đã có kể từ năm 2000 thì phải. Đóng ngoặc.

Nguyễn Thượng Long, theo tôi nghĩ, ắt hẳn là đã từng rất có uy tín hoặc ít nhất cũng nổi tiếng nên  đã được đề cử làm ứng cử viên Đại Biểu Quốc Hội khóa 12 nhưng ông không hề biết rằng người ta chỉ dùng ông làm cái bung xung thôi và đương nhiên là phải... rớt. Vì đọc bài của ông thì biết ngay lập trường của ông, mà bảo đảm cái lập trường này phải có từ xưa, từ hồi còn làm việc, có điều hồi ấy ông không công khai tuyên bố như bây giờ. Tuy nhiên người ta cũng có mắt chứ. Nhưng ông thì vẫn hãnh diện vì thấy mình có uy tín trong xã hội đến mức “được” làm ứng cử viên. Thế là ông lại xưng danh bằng cái chức này. Tếu! Thiệt là một ông cụ! Mà cũng tội ông cụ: lập trường của ông là “vì đàn em thân yêu” chứ có phải là dân chủ hay tự do gì đâu cho cam.

Thôi, bỏ qua mấy cái chi tiết tiếu lâm đó. Không cười nữa.

Và nghiêm chỉnh, với tâm tình thông cảm, đọc thư Nguyễn Thượng Long, tôi xúc động. Tôi cảm thấy quí ông già. Ông sống mộc mạc chân tình, ông yêu học trò ông. Nhưng bản lĩnh ông chỉ đến thế. Ông vẫn hằng tin những điều mà ngày nay tôi và bạn đang cố chỉ cho thanh thiếu niên rằng nó sai, rằng nó dối trá. Và tôi buồn đến điên lên được. Những người đầy thiện chí như vậy, nhiệt thành như vậy, khả năng giảng dạy cao như vậy đang ra sức hết lòng truyền bá những xảo trá về chính trị, những triết lý bệnh hoạn về xã hội nhân sinh, và kinh khủng nhất là họ đang cặm cụi chép thành Việt Sử và chân thành giảng dạy bộ sử này, một bộ sử đầy rẫy dối trá nó sẽ làm cho dân Việt trở nên chia rẽ đến muôn đời. Chia rẽ vì những người khám phá ra nó dối trá sẽ phản ứng còn những người tin vào nó thì sẽ bảo vệ nó.

Nguyễn Thượng Long là một giáo viên địa lý. Những cái sai của địa lý luôn luôn có thể được chỉnh lại vì vật chất thì còn đó, lúc nào chẳng đo đạc và đong đếm lại được, thậm chí vẫn có thể đem xe tăng tàu chiến giành lại được. Nhưng Lịch Sử, một khi một thế hệ đã thấm nhuần các bài học bài giảng về lịch sử thì Đức Tin hình thành và trở nên bất biến cho đến cuối đời người. Chỉ những thanh niên bản lĩnh lắm, độc đáo lắm mới dám và mới đủ khả năng nhìn lại lịch sử mình đã học. Chính Nguyễn Thượng Long cũng biết: ông nhắc đến câu ngạn ngữ nào đó, “Kiến thức mà thanh thiếu niên tiếp thu là những hàng chữ được khắc lên đá...” Tôi cũng biết điều này mặc dù tôi không biết câu ngạn ngữ đó. Và tôi ước chi những người như ông biết thêm một điều, một điều mà phải đợi tới năm tôi 40 tuổi, một người bạn buôn bán người Hàn dạy cho tôi trong một buối tối tâm tình bên những vại bia: “Lịch sử được viết bởi kẻ chiến thắng.” Phải đợi đến năm tôi 40 tuổi vì tôi cũng chỉ như ông, sống trong cái môi trường khốn nạn đó. Nhưng tôi may mắn hơn ông, tôi biết tiếng Anh và tôi chịu làm thư ký để có dịp ngồi chơi với đối tác nước ngoài của chủ mình. Hiểu rồi tin câu nói của người bạn Hàn đó, tôi xét lại lịch sử nước nhà bằng chính quan điểm của Nguyễn Gia Kiểng và tư liệu do Minh Võ sưu tầm. Ôi, giá mà Nguyễn Thượng Long được đọc Minh Võ thì có lẽ giờ này ông đã không mất công ngồi nói chuyện với đầu gối: gửi thư cho nhà cầm quyền, mà sẽ dành thì giờ để viết lại lịch sử cho đàn em mà ông xiết bao yêu thương.

Tôi may mắn hơn ông nhiều thưa ông Long. Nguyễn Gia Kiểng mà có dịp ông được đọc, ông lại nhìn vào những nghĩa đen của những dòng chữ “ý tại ngôn ngoại” đó. Nguyễn Gia Kiểng viết:

“Tổ quốc chỉ là sóng gió, hải tặc, là cái chết trong bụng cá, may mắn hơn là những ngày ê chề trong những trại tập trung trước khi tìm được một quê hương mới. Tổ quốc là một dĩ vãng cần phải quên đi”.

Mặc dù lòng thông cảm của ông Nguyễn Thiện Long cũng làm tôi xúc động. Nhưng Nguyễn Gia Kiểng cũng không còn con nít để mà khóc hờn. Nguyễn Gia Kiểng nói thật và tôi cũng sẽ phát biểu sau đây cái chân lý mà những người tin vào đảng cộng sản và những người chưa từng sống dưới ách cộng sản không bao giờ đủ sức hiểu đúng ý nghĩa của nó:

“Quê hương là mảnh đất che chở bảo bọc và nuôi dưỡng ta.”

Nó gọn lắm, dễ nhớ lắm và nó được chứng minh bằng việc tất cả những thanh niên trí thức Việt Nam hiện đang thành đạt hơn cả người Mỹ ở đất Mỹ này đã “xin nhận nơi này làm quê hương”. Nhìn lại quá khứ mà xem, những thanh niên này cùng với gia đình họ, ngày còn sống ở Việt Nam đã sống thế nào nếu không phải là sống cuộc sống của những “người khách lạ trên quê hương mình”. Họ có được đón tiếp săn sóc như ngày nay người ta săn sóc ngoại kiều đến du lịch và làm ăn không. Nay họ sống an bình hạnh phúc trên cái mảnh đất mới đã dang tay chào đón rồi cho họ học tập và công ăn việc làm. Và họ sẽ không bao giờ khóc hờn gì với cái tổ quốc kia, nó đâu phải là tổ quốc của họ nữa mà họ nghĩ tới. Cuộc đời rất sòng phẳng, nhân nào quả nấy phải không ạ.

Nói thế không phải là nghi ngờ tấm lòng của những người còn hướng tới quê hương Việt Nam của họ. Một nỗi nhớ hương vị của món ăn mẹ họ đã từng nấu cho ăn, một nỗi nhớ nhung cái khung cảnh trong đó cha họ đã từng cùng họ chơi bóng, chơi diều, một hoài niệm nào đó của tuổi thơ nhưng trên hết là một tấm lòng biết ơn hàng xóm láng giềng, họ hàng thân thuộc hay bạn bè, tấm lòng yêu con người của những người biết yêu, dù cùng hay khác màu da, những cái một ngày xưa đó sẽ thúc đẩy những con người này làm một cái gì đó cho những người mà họ yêu quí và đồng cảm. Lợi dụng tình yêu con người này, nhà nước của ông Long gọi họ là “Việt kiều yêu nước” nếu hoạt động của họ có lợi cho nhà cầm quyền; còn nếu có hại cho quyền lợi của đảng của họ thì họ gọi là Việt gian, là phá hoại, phản động... Nhà cầm quyền không bao giờ hiểu rằng nếu nhân dân Việt Nam được thực sự ấm no hạnh phúc thì những người “Việt gian”, “phản động” này cũng sẽ rất hạnh phúc an nhàn mà đi du lịch VN, thăm thú bạn bè thân thuộc chứ không còn phải nát tim nát óc tìm cách giúp nhân dân thoát ách độc tài như bây giờ.

Cái chữ tổ quốc mà ông Long giảng dạy hàng ngày cho học trò mình thực ra chỉ là một chữ “tổ quốc” đã bị hiếp dâm bởi những người tạo nên và điều hành cái đảng độc tài hiện nay. Họ cũng bày đặt bắt chước người Mỹ -- những người Mỹ có một lịch sử tuyệt vời sau cuộc nội chiến Nam-Bắc của họ bằng những chính sách ưu tiên một cho cựu chiến binh miền Nam -- nói câu “đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc.” Người ta giữ được chữ “tổ quốc” của người ta trinh nguyên vẹn toàn nên người ta rất hãnh diện được ấp ủ nó, được nhắc đến nó trong những dịp trọng đại. Còn người Việt ta, mỗi lần nhắc đến chữ “tổ quốc” là mỗi lần cái hình ảnh lõa lồ của nó đang quằn quại dưới thân hình nặng nề gớm ghiếc của lũ quỉ lại xuất hiện đè nặng tâm hồn ta, bóp nát trái tim ta thì làm sao ta dám nhắc đến nó nữa. Nguyễn Gia Kiểng muốn quên cái chữ đó đi là vì vậy.

Suy tư vụn vặt bên lề vậy thôi. Thực tình, như đầu bài đã nói, bài viết của người giáo viên già khả ái (tôi nói khả ái) này đã làm tôi ước ao giá mà mình lại được trở lại bục giảng trước những cặp mắt trong veo đầy tin tưởng ngày xưa. Nhưng bài học đầu tiên tôi dạy các em sẽ phải là “tổ quốc là một lịch sử trung thực.”

HỒNG ĐỨC

ngày đầu tháng hai năm 2008

Xin các thầy cho em được yêu nước !

Bởi Nguyễn Thượng Long

 

Hà Tây ngày 20 tháng 01 năm 2008

NN Và NP rất thân mến!

Thư Hà Tây trước tôi đã gửi tới hai em tất cả những gì đã đến với tôi qua hai đợt biểu tình quan trọng nhất, thành công nhất của sinh viên và học sinh chúng ta chống lại âm mưu thôn tính các hải đảo ngoài khơi xa của chúng ta của nhà cầm quyền Trung Quốc. Những ai có cái nhìn công bằng, bình tĩnh và toàn diện đều đánh giá rất cao về ý nghĩa và kết quả của 2 đợt biểu tình này (09/12 và 16/12/2007). Chắc chắn nếu không có cuộc tự phát xuống đường bày tỏ một cách rất ôn hoà trước cửa Đại Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Toà lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn, phía Trung Quốc sẽ không dễ gì mà tạm lùi kế hoạch Tam sa. Như thế sinh viên và học sinh chúng ta là có công hay là có tội? Câu trả lời thật quá rõ ràng.

NN Và NP rất thân mến!

Những gì tiếp tục diễn ra sau ngày 16/12 ở trong nước lại hoàn toàn khác. Cuộc biểu tình lần thứ ba dự tính được tổ chức vào ngày 09/01/2008 ngày kỷ niệm thanh niên, học sinh, sinh viên toàn quốc đã không thể thành công như đã dự định. Vì sao việc phát huy ý thức tự tôn dân tộc lại không thể thành tựu! Những gì đã diễn ra trong nội bộ của ngành GDĐT ! Những gì đã diễn ra trong tâm thức mọi người! Câu trả lời nằm trong những trang viết hôm nay tôi cùng trao đổi với các em. (NTL)”.

***

Cuộc biểu tình chống tham vọng bá quyền của Trung Quốc vào buổi sáng 09/01/2008, ngày sinh viên và học sinh toàn quốc dự định sẽ được tổ chức trước cửa Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh Sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn đã không thể thành công. Nguyên nhân của thất bại này là có nhiều song có thể kể ra đây 3 nguyên nhân chính:

Một là: Việc giáo viên dám bãi giảng và sinh viên học sinh dám bãi học vào một ngày giữa tuần là hoàn toàn không khả thi vào thời điểm này.

Hai là: Mặc dù NĐ31CP, Nghị định cho phép cầm chân quản chế tại gia những người bất đồng chính kiến đã bị bãi bỏ từ lâu vậy mà ở nhiều nơi, chính quyền vẫn công khai lập ra những trạm gác trước cửa nhà những người dân chủ để cô lập họ khỏi các sinh hoạt chính trị này. Việc làm này là vi hiến rất thô bạo, là không thể chấp nhận được.

Ba là: Theo tôi đây mới là nguyên nhân tệ hại nhất đáng trách nhất, đó là những nguyên nhân thuộc nội tại ngành Giáo Dục Đào Tạo (GDĐT). Trung tuần tháng 12 và hạ tuần tháng 12 hai ông Hà Quang Thuỵ phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ và ông Phạm Vũ Luận thứ trưởng Bộ GDĐT không rõ vâng lệnh ai mà cho ra những công văn khẩn gửi tới toàn ngành GDĐT thông điệp ngăn cấm và đe doạ tất cả mọi người. Những công văn này đã cố tình bác bỏ điều 69 Hiến pháp CHXHCNVN, phủ nhận tuyệt đối các quyền cơ bản của con người mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với Quốc tế. Công văn này đã tạo điều kiện cho không ít các sếp giáo dục tự do lập biên bản những giáo viên, học sinh, sinh viên nào dám làm theo Hiến pháp.

Tất cả những nhà giáo còn lương tri đều thấy bứt rứt không thể ngồi yên được trước những gì là phi lý, là phản cảm và chưa có tiền lệ. Những người đã hạ bút ký những công văn này họ nghĩ gì khi con em của chúng ta đã ngoảnh mặt đi trước những cám dỗ, những vui vẻ tầm phào đang tràn ngập trên các phương tiện thông tin giải trí để hẹn nhau đến trước cửa Đại Sứ quán Trung Quốc, lãnh Sứ quán Trung Quốc để ôn hoà mà nhắc nhở người hàng xóm những bài học trong quá khứ. Con cháu chúng ta sẽ bị bất ngờ, sẽ có những hụt hẫng và khó có thể hiểu nổi hai ngài Hà Quang Thuỵ và Phạm Vũ Luận đã nghĩ gì khi đặt bút ký các lệnh khẩn cấp quái gở này.

Hãy trở lại một số vấn đề thuần GDĐT: Những ai lo lắng và quan tâm tới GDĐT chưa một ai dám nói họ hài lòng về cuộc vận động 2 không mà năm nay là 2 không với 4 nội dung, một khi những “Khối u ung thư” đang di căn khắp cơ thể từ GDPT đến GDĐT chuyên nghiệp từ GDĐT mầm non đến GDĐT tiểu học, từ những “Khuôn vàng” đang đứng trên bục giảng đến những “Thước ngọc” của giới quản lý lãnh đạo, từ GDĐT tầm vĩ mô đến GDĐT tầm vi mô, từ chiến lược GDĐT đến sách lược GDĐT… Thôi thì sự băng hoại, sự tiêu cực, sự xuống cấp, sự nhúng chàm là đủ kiểu, đủ dạng thức. Gần đây làn sóng bạo hành tràn lan trong ngành GDĐT làm mọi người vô cùng ngao ngán. Nào là thầy bạo hành với thầy, thầy quấy rối học trò, nào là đổi tình lấy điểm, đổi tiền lấy điểm, nào là cô bắt trò tát trò đến mức phải nhập viện, cô bắt trò liếm ghế, cô dán băng keo mồm trò đến chết, trò đánh gục thầy giữa bục giảng, cô bảo mẫu tra tấn học trò mẫu giáo như đánh đòn thù… Lương tháng giáo viên chưa thấy tăng thì vừa qua vật giá đã tăng đến chóng mặt, học phí doạ sẽ tăng gấp nhiều lần, nghe đâu người ta còn định ghi nợ của sinh viên vay tiền ăn học vào bằng tốt nghiệp của họ…, đúng là cách hành xử của dân kẻ chợ! Bức tranh GDĐT quả là ảm đạm. Có lẽ trong thẳm sâu mỗi một con người Việt Nam chỉ còn lại một góc nhỏ huy hoàng nhất thiêng liêng nhất giành cho tình yêu với đất nước là còn giữ được cái trong trẻo không dễ mà bị nhúng chàm. Hỡi ôi tình cảm cao đẹp đó cũng bị công văn của lãnh đạo ngành bắt buộc phải “Đóng băng - Đóng gói” lại không một lời giải thích, không một lời cắt nghĩa. Tôi không hiểu người cho ra những công văn đó đã dựa vào những giáo học pháp nào? phương pháp tư tưởng nào để đối xử với những người sẽ làm chủ xã hội trong tương lai theo cách thức trại lính như thế.

Xin các nhà lãnh đạo lưu ý, tổng quân số GDĐT kể cả học trò các cấp là đông hơn cả tổng quân số Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Một công văn, một đường lối, một chỉ thị tốt hay chưa tốt sẽ có những tác động cực kỳ mạnh mẽ tới số đông này, sẽ gây rúng động cả một bộ phận dân chúng và nhanh chóng xuất hiện những hội chứng mang tính xã hội. Điều này không hề mang tính suy diễn. Ông Thuỵ và ông Luận có thể đặt quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam của Bộ GDĐT lên trên tất cả thì đó là việc làm cá nhân của các ông. Khi “Chiếu chỉ” của các ông gây tác động phản cảm tới người khác, xin các ông cẩn trọng hơn trước khi đặt bút.

Những gì đã xảy ra trong quá khứ giữa các triều đại Trung Quốc và Việt Nam đến tham vọng Tam sa của người Trung Quốc hôm nay đã đặt mọi con dân đất Việt ai cũng phải đối diện trước sự xác quyết phân miêng[1]: Tôi là người dân đang bị nguy cơ mất nước hay tôi là kẻ im lặng để dung túng tiếp tay cho kẻ bán nước, kẻ cướp nước!? Tôi đang sống với ý thức tự tôn dân tộc[2] hay tôi đang sống trong cái thân xác của những Lê Chiêu Thống, những Trần Ích Tắc! Cuộc đối diện này dứt khoát chỉ có 2 loại người, không có loại người thứ ba. Là những nhà quản lý GDĐT ở cấp cao lẽ nào các quý vị không hiểu nổi tình yêu, lòng trắc ẩn giữa con người với con người, giữa con người với đất nước là dạng tình cảm đặc biệt.

Tình cảm rất người này chỉ bùng cháy theo mệnh lệnh của trái tim. Những tình cảm thiêng liêng và cao thượng này không thể kiểm soát được bằng những công văn, bằng những chỉ thị theo kiểu:

“Mang bục Công an đặt giữa trái tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường Nhà nước”.

(Lê Đạt)

Tôi rất đồng ý với quan điểm của toà soạn tờ Tổ Quốc số 32: “Không một chính quyền nào muốn mất đất và biển cho nước ngoài. Nói rằng Đảng CSVN dâng đất và biển cho Trung quốc là quá đáng. Tuy vậy Đảng CSVN vẫn có trách nhiệm lớn, rất lớn”. Giờ đây làm theo công văn khẩn của ông Thuỵ, ông Luận thì hàng chục triệu thành viên của ngành GDĐT chỉ còn là một thứ bầy đàn ngày ngày ngoan ngoãn gặm cỏ nhưng phải ngay hàng thẳng lối. Thứ hỏi một trại lính, một cuộc sống bầy đàn như thế thì lấy đâu ra mà nói dân chủ tập trung của chúng ta là ngàn lần hơn dân chủ tư sản!

Theo tôi các ông có toàn quyền, thực ra còn là trách nhiệm phải cho ra những công văn hướng dẫn sinh viên học sinh nên bày tỏ lòng yêu nước của mình một cách có bài bản, có văn hoá trước thái độ trịch thượng của nước người. Ví dụ ngành GTĐT phải ra tuyên bố về tình hình xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc, lấy chữ ký của anh em giáo viên sinh viên học sinh thay cho hành động tự phát biểu tình. Than ôi! Các ông không làm nổi việc đó. Tâm hồn trong trẻo của sinh viên học sinh lúc này tránh sao cho khỏi những tổn thương khi họ chứng kiến việc làm không tới của những người thầy, những lãnh đạo cao cấp của họ.

Thử hỏi: Trong một bối cảnh ngược đời như thế người Trung Quốc sẽ nghĩ gì về Đảng cộng sản Việt Nam, nghĩ gì về nền GDĐT, nghĩ gì về những trí thức, những sĩ phu Việt Nam?

Thử hỏi: Người Trung Quốc có cần phải hạ mình xin được đàm phán xin được thương lượng khi những người Việt Nam đang bị cấm yêu nước nữa hay không?

Thử hỏi: Người Trung Quốc sợ gì mà không triển khai cả một lữ đoàn tinh nhuệ với 7 nghìn lính trên những hải đảo mà họ cưỡng chiếm được ở Trường sa?

Thử hỏi: Họ sợ gì mà không phát hành đồng tiền Tam sa với chiêu thức là miễn thuế cho những ai sử dụng đồng tiền này !

Thử hỏi: Họ cần gì phải nể người Việt Nam nữa khi đuốc thiêng OLEMPIC[3] 2008 sẽ dừng chân ở Hoàng sa mảnh đất mà họ đã cướp được của Việt Nam từ 19/01/1974.

Thử hỏi người Trung Quốc còn phải nể nang gì ai mà không trương ra khẩu hiệu: Một giọt dầu của Trung Quốc ngày mai là một giọt máu Trung Quốc ở Trường sa hôm nay !

Thế là rõ Tam sa tuy chưa chính thức ra đời thì đã sặc mùi dầu lửa. Những trò diễu võ dương oai, những chiêu võ mồm võ miệng này đã làm ù tai, làm hoa mắt, làm tái mặt những ai! câu trả lời đã có trong lòng tất cả mọi người.

Tôi trộm nghĩ chúng ta nên học tập người Nhật. Sau chiến tranh, dù cho người Mỹ hậu thuẫn, o bế người Nhật hết mức để Nhật Bản nhanh chóng trở thành một siêu cường thứ hai đủ sức thay Mỹ đẩy lùi làn sóng Cộng sản ở Châu Á thì mỗi năm cứ đến ngày hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hirôxima và Nagazaki, đúng giờ bom nổ là hàng triệu người Nhật xuống đường để cùng nhau nhắc nhở nỗi đau giống nòi trên tinh thần việc gì đi việc đó. Người Nhật luôn luôn muốn nói với người Mỹ rằng: Chúng tao là những Japanese boy chứ chúng tao không bao giờ là những American boy như chúng mày muốn. Xin Đảng CSVN cũng có được cách ứng xử ngạo ngễ như thế, sòng phẳng như thế với tất cả những ân nhân của Đảng để dân Việt chúng tôi không bao giờ phải mang tiếng là bọn rợ Giao Chỉ như tổ tiên của họ đã từng gọi tổ tiên chúng ta suốt cả một nghìn năm Bắc thuộc.

Tôi nghĩ rằng, người Việt Nam dù ở trong nước, dù lưu lạc đâu đó trên thế giới này, dù họ ở những chính kiến nào, phe phái nào… họ có quyền không yêu người này, không phải nhớ ơn, không phải kính trọng người nọ. Song không một ai có thể nói tôi không yêu đất nước tôi, tôi không yêu tổ quốc tôi, tôi căm thù tổ quốc tôi. Trong tác phẩm “Tổ quốc ăn năn” ở bên trời Âu Nguyễn Gia Kiểng viết về Tổ quốc của mình:

“Tổ quốc chỉ là sóng gió, hải tặc, là cái chết trong bụng cá, may mắn hơn là những ngày ê chề trong những trại tập trung trước khi tìm được một quê hương mới. Tổ quốc là một dĩ vãng cần phải quên đi”. Tôi biết, trong khi ông Kiểng viết những dòng này mắt ông nhoà lệ. Ai ai cũng hiểu đó là những giọt lệ hờn giận của người con xa xứ mỗi khi chạnh lòng nhớ về cố quốc. Càng cố để quên đi thì càng không thể nào mà quên được. Trạng thái tình cảm này chính là nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng, vì sao mà bà con Việt Kiều dù cầm cờ đỏ, dù cầm cờ vàng ở khắp nơi trên thế giới vẫn rầm rập xuống đường biểu tình yểm trợ cho sinh viên học sinh trong nước.

Hôm nay đứng trước nguy cơ mất nước đã hiển hiện nơi cuối trời, tôi khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sớm thành lập một tiểu ban đặc biệt quy tụ những chuyên gia GDĐT hàng đầu thuộc bốn bộ môn: Văn - Sử - Địa - GDCD những bộ môn trực tiếp liên quan đến những vấn đề hết sức nhạy cảm: đó là giáo dục lòng yêu nước. Đề nghị rà soát lại toàn bộ chương trình, sách giáo khoa của các bộ môn này.

Không bao giờ được phép sau 12 năm học mà học sinh chúng ta hiểu sử ta không bằng hiểu sử Tàu vì phim ảnh Tàu, sách chuyện Tàu, văn hoá Tàu, hàng hoá Tàu tràn ngập cuộc sống chúng ta, không thể chấp nhận được tú tài ta trả lời các câu hỏi:

- Càn Long là ai?

- Càn Long là Hoàng Đế cuối cùng của triều Nguyễn!

Không thể nào chấp nhận được học Địa lý suốt 12 năm trời mà học sinh không rành Hoàng sa, Trường sa ở đâu? Không thể để tồn tại mãi số liệu diện tích cả phần đất liền và diện tích các đảo quần đảo của chúng ta chỉ có 329297km2 (sách giáo khoa thí điểm cho lớp 12 ban KHXH & NV năm học 2007 - 2008). Trong khi đó toàn bộ sách giáo khoa 12, sách tham khảo cho bộ môn địa lý từ những năm 2006 - 2007 về trước đều rành rành ghi rõ riêng phần đất liền chúng ta đã là 330991km2 vậy 1694km2 đất đai ông cha đã bị hao mòn vì đâu? Chưa một lời giải đáp.

Tôi đề nghị ngành GDĐT không một mảy may sao nhãng việc giáo dục học sinh qua những bài văn học sử cực kỳ quan trọng ảnh hưởng sâu sắc tới nhân cách, tới quá trình hình thành lòng yêu nước cho học sinh từ tuổi tiểu học có thể phải sớm hơn nữa. Đó là những tác phẩm như Sự tích bánh chưng bánh giầy, Truyền thuyết Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, Câu chuyện tình bi thảm và là bài học cảnh giác nhớ đời Mỵ Châu Trọng Thuỷ, chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, những huyền tích như cột đồng Mã Viện liên quan tới lời nguyền “Đồng trụ chiết - Giao chỉ diệt” đầy độc ác và ma mị. Giáo dục để con cháu chúng ta đừng coi thường hành tung mờ ám của những Cao Biền ngày xưa và cả ngày nay, những kẻ có những ngón nghề bí truyền liên quan đến những ma thuật, bùa chú, trấn yểm mà chính chúng đã đang và sẽ còn cài cắm trên các quốc mạch đất đai của chúng ta những mong muốn làm nứt vỡ, làm ô uế, làm bại hoại những hàng rào tâm linh che chắn bảo vệ bờ cõi mà tổ tiên chúng ta cũng đã dày công triển khai suốt chiều dài lịch sử để chống lại tham vọng thôn tính của họ.

Tôi đề nghị ngành VHTT giảm bớt dung lượng truyền bá phim ảnh Tàu, văn hoá Tàu vào Việt Nam nhất là những bộ phim nhạy cảm ảnh hưởng xấu tới thái độ tự tôn và khuyÕn khÝch hiện tượng tự ti của dân tộc.

Tôi kêu gọi các đồng nghiệp dạy bộ môn Địa lý hãy cẩn trọng hơn, có trách nhiệm hơn khi dạy những bài, những chương liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải, vùng đảo, lịch sử kiến tạo, cơ sở tài nguyên đánh giá nội lực… Tránh cho học sinh những ngộ nhận, những ảo tưởng về rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, mưa thuận, gió hoà, ảo tưởng về một vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa một Asean đầy hấp dẫn. Học sinh phải hiểu rõ cái bất hạnh của thế Địa lý chính trị chúng ta là đã nằm kề bên một Đại Trung Hoa siêu cường số 1 của thế giới ngày mai một Trung Hoa mà theo Trì Hạo Điền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó CT UBND TW Trung Quốc đã nói: Để đạt được mục đích bá chủ 80% số người Trung Quốc được hỏi đều trả lời sẵn sàng nổ súng vào phụ nữ, trẻ em và tù binh. Những con người đó sẽ sẵn sàng tiến hành cuộc chiến tranh nguyên tử và sinh hoá học để huỷ diệt dân Hoa Kỳ giành lấy địa vị thống trị thế giới (chiến tranh không xa chúng ta là bà Mụ của Thế kỷ người Tàu 15/02/2005 http://www.Peaceall.com)

Tôi đề nghị bộ GDĐT xem xét lại công văn khẩn của 2 ông Hoàng Quang Thuỵ và Phạm Vũ Luận, những người quá vội vàng đặt bút ký công văn ngăn cấm và đe doạ sinh viên học sinh chúng ta.

***

Tôi viết những dòng chữ này trong những cảm xúc thật khó tả sau khi được nghe trọn vẹn cuộc đối thoại thẳng thắn giữa Mr. Sĩ Hoàng và ông Phạm Thế Duyệt[4] cựu uỷ viên BCT, cựu chủ tịch MTTQVN mới hồi hưu. Cuộc trò chuyện của 2 con dân đất Việt đều ở ngưỡng xưa nay hiếm và họ đang đứng mỗi người ở một bờ của cả một đại dương cách biệt về ý thức hệ. Song, trong lúc Mr. Sĩ Hoàng mở lòng ra mà đối thoại thì ngài Phạm Thế Duyệt làm tôi rất ngạc nhiên. Ông lúng túng chống chế, lúng túng bộc lộ mình chỉ đơn giản là một quan chức mẫn cán với chế độ. Sự gắng sức, tâm lý căng thẳng ở thế bị động làm ông như hụt hơi rồi bất ngờ bỏ cuộc giữa chừng. Việc ông Duyệt bỏ dở cuộc đối thoại làm tôi sực nhớ câu ngạn ngữ Nga rất nổi tiếng mà hơn 40 năm trước sư phụ của tôi đã dạy:

“Kiến thức mà thanh thiếu niên tiếp thu là những hàng chữ được khắc lên đá, còn kiến thức được các ông già nhắc lại chỉ là những hàng chữ nguệch ngoạc viết trên những lớp tro tàn”

***

… Tôi tin tưởng lòng yêu nước cũng có quy luật như quy luật của các dòng chảy trong Địa lý học hiện đại. Quy luật đó là: Mọi con sông trên trái đất này đều có hướng tìm về với biển cả. Kể cả những dòng sông nhỏ bé, người ta đã nhầm tưởng nó đứng ngoài quy luật này, tưởng rằng nó đã chết khô giữa sa mạc nóng bỏng, nó không đủ sức để vươn tới các đại dương. Thực tế không phải như vậy, nó đã âm thầm tan hoà trong lớp lớp mạch ngầm. Nó đã lặng lẽ hoá thân trong các vòng tuần hoàn lớn nhỏ trên khắp mặt hành tinh này. Cuối cùng nó cũng tìm về được với Đại dương bao la sau biết bao cuộc hoá thân xót xa đầy cao thượng. Lòng yêu đất nước cũng như vậy, thế nào cuối cùng Chính cũng sẽ thắng Tà, Thiện cũng sẽ thắng Ác. Tổ quốc và dân tộc là cả một Đại dương của độ lượng, bao dung và trường tồn. Những Lê Chiêu Thống, những Trần Ích Tắc và mọi biến tướng của họ cũng vẫn tìm được những vuông đất trong sự ơ hờ của người đời. Tổ quốc là của chung. Mẹ Tổ quốc luôn dang tay ôm vào lòng mẹ cả những đứa con lạc loài. Dù cho con của mẹ đã từng bỏ mẹ bán mẹ lấy những dòng chữ vàng mỹ ký, lấy những cuộc truy hoan là number one của nhau?. Mọi chân giá trị không sớm thì muộn sẽ trở về với những gía trị vốn có của nó.

Về đề tài này những ai sống ở Hà Nội, đặc biệt sống ở gần Hồ Tây một điểm quan trọng trong cả một hàng rào tâm linh chạy suốt từ Yên Tử qua Kiếp Bạc qua Chùa Hương, Chùa Một Cột, Hồ Gươm, Hồ Tây, Tam Đảo, Ba Vì… hẳn chưa thể quên được sự kiện vào một ngày đầu năm 1955 giữa lúc mặt Hồ Tây phẳng lặng, không một làn gió nhẹ, bỗng mây ngũ sắc từ đỉnh Tản Viên ùn ùn kéo về làm rực sáng mặt hồ. Thinh không bỗng chốc rền vang tiếng thiên binh thiên tướng, tiếng voi gầm ngựa hí. Mặt hồ đang phẳng lặng bỗng sục sôi tiếng quân reo. Chiếc du thuyền chở một đoàn phù thuỷ Tàu đi do thám và trấn yểm các long mạch của chúng ta lại trá hình trong vai một đoàn xiếc, đoàn Sơn Đông mãi võ. Du thuyền gian trá này nhanh chóng bị nhấn chìm. Toàn bộ các hậu duệ của Cao Biền chết sạch không thoát một đứa. Tuổi ấu thơ của tôi in đậm sự cố như một huyền thoại mà hoàn toàn có thật này.

Nhiều năm sau tôi đem chuyện cũ ra hỏi sư phụ của tôi, sư phụ tôi giảng giải: Đó là đòn trừng phạt của “Các cụ” chúng ta đấy. Các cụ của chúng ta từ ngàn xưa chưa bao giờ rời mắt khỏi bọn này. Chính vì vậy đồng trụ đã trôi dạt nơi nào thì Giao Chỉ chúng ta đâu có bị tuyệt diệt. Hôm nay hơn 50 năm sau sự kiện cuộc chiến tâm linh ở Hồ Tây, sau thất bại của cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 3 tôi thật sự bị chìm vào trạng thái mộng du. Trong trạng thái chênh vênh giữa 2 bờ hư thực tôi như chợt thấy từ bên kia thế giới, các đấng Minh Vương, các bậc Tiên Đế cùng với triệu triệu con dân đất Việt, những người đã ngã xuống trong suốt chiều dài lịch sử để mảnh đất này trường tồn. Tôi thấy những người lính của Hai Bà Trưng, lính của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, lính của Quang Trung Nguyễn Huệ, cả những người lính vệ quốc đoàn với ngôi sao vuông truyền thống, lính giải phóng với mũ tai bèo cả những người lính quốc gia tất cả cùng đang ngồi dưới những bóng cờ Đại Việt cổ với những gương mặt đầy lo lắng và đang trừng mắt nhìn tôi. Tôi thoáng rùng mình như thấy thoảng trong gió tiếng sư phụ tôi buồn bã vọng về : “Con ơi! Các cụ rồi cũng phải bỏ các người mà đi như những dòng sông nhỏ! Bởi vì lời hẹn ước của các người xét cho cùng chỉ là những cơn mưa”!

Trong trạng thái bị ám thị đến tuyệt đối tôi lắp bắp: Thưa thầy! Không hoàn toàn như vậy! chúng con không hư hỏng tất cả như vậy… Những “Hãy cảnh giác với Bắc Triều”, những bài viết của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tiến sĩ Hà Sĩ Phu, học giả Trương Nhân Tuấn, nhà văn Nguyễn Khắc Phục nhà thơ Bùi Minh Quốc nhà báo Nguyễn Vũ Bình, bác sĩ Phạm Hồng Sơn nhà bất đồng chính kiến Lê Chí Quang, kỹ sư Nguyễn Phương Anh và rất đông những nhà dân chủ khác… thì sao ạ? Tôi thấy sư phụ của tôi lưỡng lự dừng lại rồi người vẫn giận dữ phẩy áo bước đi không một lần ngoái lại.

***

Nhiều ngày sau cơn mộng du dữ dội đó tôi mới lấy lại được thăng bằng. Vào thư viện Hà Đông, lật giở kiệt tác của Bảng Nhãn Lê Quý Đôn, tôi giật mình thấy ứng nghiệm. Cụ Bảng Nhãn hơn 200 năm trước đã căn dặn :

“Có năm nguy cơ sẽ bị mất nước:

- Một là: Trẻ con không còn kính trọng người già

- Hai là: Học trò không còn kính trọng thầy giáo nữa

- Ba là: Binh kiêu ngạo, tướng thoái hoá

- Bốn là: Xã tắc tham nhũng tràn lan

- Năm là: Sĩ phu thức giả ngoảnh mặt”

NN & NP rất thân mến!

Theo hai bạn năm nguy cơ này chúng ta đã hội đủ mấy rồi? Câu trả lời xin giành cho tất cả.

Từ cuộc biểu tình trước cửa Sứ quán Trung Quốc 09/12/2007 đến những ngày đầu xuân Mậu Tý 2008

NGUYỄN THƯỢNG LONG

- Nguyên giáo viên Địa lý thuộc tỉnh Hoà Bình, Hà Tây

- Nguyên thanh tra giáo dục kiêm nhiệm

- Người đương thời GDĐT 2006

- Ứng cử ĐBQH 12

- Địa chỉ: Thôn Văn La - xã Văn Khê - TP Hà Đông - Hà Tây

- Điện thoại NR: 034.3521066 - DĐ: 0953298198

Nơi gửi:

- Bộ trưởng - Bộ GDĐT

- Thanh tra Bộ GDĐT

- Tổng cục an ninh

- Giám đốc sở Công an Hà Tây

- Phòng PA 38 Sở Công an Hà Tây

- Một số cơ quan thông tấn trong nước

- Cùng các bạn bè

 

 

Hồng Đức chú thích

[1] phân minh

[2] thượng tôn dân tộc

[3] Olympic

[4] Có thể nghe audio này trên Internet

2 comments:

song thu said...

..." Và họ sẽ không bao giờ khóc hờn gì với cái tổ quốc kia, nó đâu phải là tổ quốc của họ nữa mà họ nghĩ tới."....

Buồn quá !

Hồng Đức said...

@Song Thu:
Buồn thật chứ. Quy luật tự nhiên mà. Và chỉ có Tình Yêu mới giúp người ta vượt thắng được cái quy luật khắc nghiệt của Tự Nhiên đó.
Đọc entry đăng lại từ 360 nhé, để thêm một chút suy tư và làm thăng hoa mối tình của mình với dân tộc.