Wednesday, July 29, 2009

Ngẫm ở Multiply

…Hiểu chưa?

Thấy người ta làm được như thế…, như thế… mà mình không làm được thì cảm thấy xấu hổ, cảm thấy bị xúc phạm. Đó gọi là lòng tự trọng.
Thử hỏi bây giờ ở đời, mấy ai có được cái lòng tự trọng quí hoá ấy?
Huống chi một thời, phim ảnh Âu Mĩ, Hồng kông, Đài loan, Hàn quốc… tràn lan với đủ các màn đấm đá, cấu xé… kinh dị, với đủ các pha rên rỉ, mùi mẫn, hở hang… Những lúc ấy, người lớn không thèm ra ngoài đường, trẻ con hoa chân múa tay trên lớp học… Đủ biết tác dụng của cái nền “văn minh giả tưởng” kia lớn đến bực nào.
Thế mà cứ động chiếu phim mình, diễn kịch mình… thì chẳng ai bảo ai, tất cả các rạp hát, rạp chiếu bóng… cứ nhất tề… vắng như chùa bà Đanh.
Lại thử hỏi rằng những người có cái của “quí hoá” là lòng tự trọng kia làm sao mà ngồi yên cho được?
Không ngồi yên được dĩ nhiên họ phải “động đậy”. Mà đã “động đậy” thì phải cho ra trò. Kết quả vô số “tác phẩm” thi nhau ra đời. Chỉ cần nghe qua cái tên đã đủ mê ly, rùng rợn mà nhấp nhổm, mà liệu chuẩn bị cái hầu bao đặng đua cho kịp với thiên hạ một chỗ ngồi trong mấy cái… chùa bà Đanh thuở trước. Không tin cứ thử lướt qua một lượt quảng cáo mà xem thì biết.
Bây giờ thì khác trước rõ ràng rồi. Điện ảnh ta, sân khấu ta đã “lên hương”. Liệu hồn cái nền văn hoá ngoại quốc kia, mau mau mà rút ra kẻo có ngày sạt nghiệp.
Sau đây trích đoạn cuối cuộc phỏng vấn một người đại diện cho những người biết “tự trọng” ấy:
Hỏi: Xin cho biết bí quyết thành công của các bác trong việc cạnh tranh, đẩy lùi nọc độc văn hoá thông qua phim ảnh nước ngoài?
Câu trả lời làm tôi bất ngờ: “Đố ông biết?”
Rụt rè, tôi đoán: “phương pháp đơn giản nhất là… bắt chước, bởi “không phát minh những cái đã phát minh”. Đại khái họ làm thế nào thì ta làm y như thế…”
- Trả lời: Đó chỉ là một trong những bí quyết mà thôi. Thời buổi này, tội gì mà không bắt chước. Nào ta có kém gì họ. Này nhé ta máy móc có, dao súng có, phòng kín có, người đẹp có… Tóm lại đủ cả, chính họ cũng chỉ quanh quẩn mấy thứ đó mà thôi. Nhưng “bắt chước” không phải là bí quyết duy nhất.
- Thế thì ở những tên phim? – tôi lại đoán tiếp
- Trả lời: Đó cũng là một trong những bí quyết. Bất cần hay dở, miễn sao có được một cái tên thật giật gân. Ví dụ: “xác chết trên cao…”; “tình người kiếp… bò sát”; “gái động 1”; “gái động 2”, “công nghệ lăng nhăng”… Chúng tôi làm “nghệ thuật” bắt đầu từ việc “sáng tạo” ra cái tên trước, nội dung tính sau. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là bí quyết quan trọng nhất.
Tôi bắt đầu bí, song cũng cố thử đoán lần cuối cùng: “hay là cần phải có tiền?, càng nhiều tiền càng tốt?”
- Trả lời: Tất nhiên phải có tiền và tìm mọi cách hái ra tiền. Phải áp dụng phương pháp kinh doanh, kể cả phương pháp mà bọn con buôn vẫn sử dụng vào việc làm phim. Nghệ thuật ư? Không quan trọng. Điều đó dành cho các nhà vị nghệ thuật. Chúng tôi là những nhà “vị nhân sinh… sống”. Cứ có tiền, ai cũng có thể làm phim. Người người làm phim, nhà nhà làm phim, từ chủ nhà hàng, người mẫu, chủ tín dụng…. Như tôi đây này (vỗ ngực) – một đạo diễn trứ danh có chứng chỉ hẳn hoi, mà vẫn sẵn sàng xếp hàng dưới chân một người đẹp để đăng kí làm phim do nàng bỏ tiền ra. Đại khái cũng là xin việc mà thôi. Song tiền cũng chưa phải là bí quyết quan trọng nhất.
- Thế thì tôi xin chịu. Đề nghị bác “bật mí” – tôi chịu thua.
Anh kéo tôi lại gần, ghé tai nói thật nhỏ vừa đủ nghe: “bí quyết quan trọng nhất để cạnh tranh, để đẩy lùi những “nọc độc” văn hoá của nước ngoài là phải tìm cách làm ra “nọc độc” của chính mình. Hiểu chưa?”
1992-2004
PLV 

3 comments:

Hoa Xuan Vuong said...

hahaha, suýt bị té ghế!

giao gia said...

Hhehehehe nọc mình pải độc hơn ....

Hồng Đức said...

Tác giả PLV là tác giả mình yêu thích nhất. Tuy nhiên chẳng hiểu sao anh lại ngưng viết.