Cam tâm
Phạm Thị Hoài
Hai năm trước tôi nhìn ống gỗ quế chạm một đôi chim đậu trên cành hoa bé xíu kia mà tưởng đến cái ống hít của những thiếu nữ như Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng. Giấu trong tay áo, bên hồ sen vắng vẻ mới giở ra hít hững hờ, thoáng bóng người lại cất nhanh vào tay áo. Lời cô Cam dặn tôi chỉ nghe loáng thoáng: tăm mốc đựng vào ống này là bao nhiêu công lao vứt đi cả.
Nhưng câu chuyện cô kể thì tôi nhớ kỹ: ống tăm ấy chồng chưa cưới của cô, là cậu Luân, phải nhờ bạn làm quản giáo ở Thanh Hoá bảo tù thửa. Tù tìm được cây quế hoang hơn hai chục năm tuổi, bóc lấy phần thượng châu, đem về ngâm nước một ngày, ủ lá chuối bẩy ngày, dỡ ra lại ngâm, phơi mát, ép bằng ống nứa, hàng ngày lau chùi mặt trong cho bóng, cầu kỳ cả thảy gần hai tháng, chưa kể bao nhiêu thời gian cắt, gọt, dán bằng keo pha mật, và chạm trổ. Quế Quỳ ấy đắt giá nhất thế giới. Nếu làm bằng quế quan, quế đơn nhập lậu qua Trung Quốc, thứ quế bóc non, cây may ra được ba bốn năm, bóc xong chỉ phơi qua rồi đem bán cân cả lố, dùng ba tháng là hết thơm, thì cô Cam khỏi mất công dẫn tôi ra siêu thị Westside chọn loại tăm gỗ sấy đúng công nghệ, trắng muốt, tiện tròn cả hai đầu, trông như trâm cài tóc búp bê của cô Lâm Đại Ngọc. Cậu Luân bảo, sang nhất là dùng tăm đồi mồi, nhưng cũng phải nhờ người thửa tận nơi, cậu ngờ đồi mồi bán ở các tiệm mỹ nghệ là chất dẻo giả hiệu. Ở nhà tôi, ai xé đóm đựng trong cái ống bơ mà xỉa răng thì xé, nếu không thì ra bờ rào tuốt lá duối lấy gân. Nhựa duối chữa được chứng trướng bụng.
Tăm dự trữ, tôi đựng trong hộp kem dưỡng da sản xuất tại Mỹ có chất chiết xuất từ rau bà đẻ giúp cho làn da căng mọng và đàn hồi. Cô Cam dùng hết kem thì bảo: “Này Tâm, cho mày cái hộp đẹp nhé!”
Hai năm qua tôi thu thập những thứ đẹp nhé cô Cam bỏ đi như sau: lọ dầu gội giã biệt gầu; lọ dầu gội cho loại tóc cực kỳ mẫn cảm; lọ dầu xả táo tầu jujube để tóc không bị tổn thương khi chải và hết hẳn chẻ ngọn; lọ sữa tắm vòi hoa sen gật gù; lọ sữa tắm bồn bầu dục; lọ sữa rửa mặt; lọ sữa thoa mềm da toàn thân; vô số lọ nước hoa; hộp kem làm sạch mụn cám, mụn đầu đen, tẩy lớp sừng hoá dưới da, thông thoáng lỗ chân lông; hộp kem dưỡng da siêu hạng dùng cho loại da mỏng dễ dị ứng; hộp kem chống nắng, không trôi khi gặp nước; hộp kem một bước đột phá trong việc trị nám và tàn nhang; hộp kem bào chế từ thực vật của hãng mỹ phẩm Kanebo nổi tiếng nhất ở Nhật; hộp kem làm tan mỡ bụng, làm thon và săn chắc vùng đùi, trị các vết rạn nứt trên bụng; hộp kem làm mượt da vùng ngực, tẩy thâm đầu ngực và làm hồng nhũ hoa... Làm hồng nhũ hoa... Chúng đều bền và nắp đóng rất khít. Để đựng kim chỉ cúc áo linh tinh, hạt cườm, ghim băng, chun buộc tóc, khuyên tai, mì chính, cau khô, muối tinh, ớt bột... cho sạch. Tôi còn chưa kể vô vàn túi giấy bóng và hộp giấy cứng một mình cô Cam thải ra, đủ cho cả huyện Mường Lặt nhà tôi dùng mọt đời.
Những thứ sau đây cô Cam bỏ đi tôi không giữ: tuýp kem lột nhẹ da mặt; tuýp kem đắp mặt nạ thư giãn và sảng khoái; tuýp kem tẩy lông tay vĩnh viễn; tuýp kem nền; vô số ống mascara và ống son; lọ dung dịch dưỡng dài và dày lông mi lông mày, làm mắt long lanh; lọ nước hoa khô; lọ nước hoa xịt; lọ thuốc bôi móng tay; lọ dung dịch tẩy thuốc bôi móng tay; lọ keo tẩy da móng tay; lọ keo xịt tóc giữ nguyên hình dáng cả ngày; lọ nước xịt miệng thơm cả ngày; hộp kem đặc trị túi mỡ mắt, xoá nhăn mắt và quầng thâm dưới mắt; hộp phấn đánh quầng mắt mười hai mầu, hộp sáp giữ môi mềm ẩm... Cũng đẹp nhé mà vô dụng, trẻ con không thèm chơi, đồng nát không thèm nhặt. Ai cũng như cô Cam thì chết cả nút trong rác đẹp.
Ban đầu tôi hoảng, thấy mình đứng góc nào là hỏng góc ấy trong căn nhà bày biện như trong hoạ báo của cô cậu. Cách tôi ngồi chồm hổm cũng hỏng. Cách tôi há miệng xem vô tuyến. Cách tôi cầm đũa vung vít, như chọc vào mặt người ta. Cách tôi a lô liên hồi vào máy điện thoại. Tất cả đều hỏng. Không đẹp mắt. Sửa chỗ này thì chỗ chuế khác lòi ra. Cô cậu bảo tôi là một ca hoàn toàn đáng tuyệt vọng. Tôi sửng sốt, cả cô cả cậu mở miệng là nói cái này xấu, cái này đẹp. Suốt ngày chỉ quẩn quanh chuyện xấu đẹp. Suốt ngày chỉ dỏng tai nghe lời cái gương. Tôi chẳng gì cũng nguyên một con người, không nhiều thì ít chuyện ấp ủ, cô cậu đâu buồn biết, chỉ chăm chú vào những chi tiết bề ngoài. Bảo ngay là da con gái Mường sáng, dáng con gái Mường hay. Nhưng mặt con gái Mường đần. Tay con gái Mường thô. Mông con gái Mường hơi bự và ngực hơi nở, hơi kém nhã.
Tôi chỉ là con gái Mường một nửa. Mẹ tôi cùng lứa, cùng người Hà Đông như bà Lý, mẹ cô Cam. Hai nhà quan hệ với nhau kiểu gì mà đầu tiên cụ cô ấy gọi cụ bên tôi là thầy xưng con, sau bà tôi lại gọi bà cô ấy là bà xưng con, rồi mẹ tôi với bà Lý lại xưng chị em với nhau, bố tôi với bố cô ấy thì gọi nhau là đồng chí. Đến lượt tôi, hôm gửi tôi lên cho cô Cam, mẹ tôi dặn phải gọi cô, xưng thì tuỳ, em cũng được, cháu cũng được, con cũng được. Nhưng em thì hơi nhờn, con thì hơi nhún, vậy xưng cháu là tiện nhất. Tôi không hiểu. Cô ấy chỉ hơn tôi dăm ba tuổi. Mẹ tôi gắt: “Ngu lắm! Gọi thế cho người ta dễ đối xử! Chứ lại đòi công bằng hay sao!”
Sao lại không đòi công bằng? Đời tôi mặt đần, tay thô, mông bự, ngực nở kém nhã mặc tôi, không khiến cô cậu ấy chê bôi. Tôi cũng mặc đời cô cậu ấy ngắc ngoải trong những cái đẹp cái nhã không biết thế nào cho vừa của cô cậu. Chả bên nào phải cải tạo bên nào. Công bằng chỉ ít ỏi thế mà không đòi thì còn sỉ nhục gì?
Một lát sau mẹ vuốt tóc tôi, dỗ dành: “Ngày xưa nhà mình tiếng là chủ mà đãi đằng nhà ấy như trong gia đình. Lúc bị phát động, nhà ấy phải đứng ra tố điêu, không thế thì liên luỵ mà chết theo mất. Chuyện ở ta nó điên đảo thế con ạ, nghĩ làm gì cho quẫn trí. Bây giờ con đi ở cho họ, nếu họ tử tế thì sau này thời buổi có lật lại cũng chớ cam tâm làm người vô ơn.”
Mẹ tôi ở làng mãi không ai dám đánh tiếng, lên sông Bôi trồng chè, nói là để cải tạo bản chất chứ không nói là chống ế. Cải tạo tốt, lấy cha tôi là người Mường giác ngộ làm cán bộ nông trường. Cha tôi không đeo dao phát ngang hông mà thường đeo một cái túi dết, bên trong có cái đài nhỏ, đèn pin, sổ công tác, và một khẩu súng lục tước được của Pháp nhưng đã bắn hết đạn từ lâu. Xung quanh cũng chẳng có gì đáng bắn. Người thì mang ra họp là êm. Thú thì người đã chén sạch. Ông cũng không có trong người bốn mươi vía ở bên phải và năm mươi vía ở bên trái. Ai hỏi thì ông cười bảo: “Mình thông suốt lý luận rồi. Một vía đã là lạc hậu rơi rớt, chín mươi thì đại phản động à?” Tôi mang họ Đinh của cha, nghe cũng không khác họ người Việt. Hai năm trước cha tôi mất, họ hàng bên nội chạy được một ông thầy còn nhớ vài đoạn mo bằng tiếng Mường, chỗ nào quên lại xen vào tiếng Việt, nghe cũng na ná nhau. Mãi lúc ấy tôi mới biết, chuyện ngày xưa nhà mình không phải chỉ là chuyện của mẹ, những chuyện xưng hô, điên đảo, liên luỵ, ế ẩm, phụ bạc nào đó, chẳng ra một nghĩa lý gì. Chuyện ngày xưa nhà mình của cha khác lắm, tôi nghe mò mẫm trong lời mo ngâm nga lộn xộn Mường Việt, hình như là chuyện đi thăm dưới đất, đi kiện trên trời, chuyện một con thú to bằng quả núi, một người mẹ vú to bằng quả đồi... Chả trách ngực con gái Mường nở. Lại cả chuyện một vườn hoa ở núi Cối...
Vườn hoa núi Cối.
Làm hồng nhũ hoa.
Tôi chọn đúng năm mươi chiếc tăm trong hộp dự trữ, cũng Westside, trông cũng như mới. Cậu Luân ăn uống cảnh vẻ như cậu Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng, cầm cái tăm chỉ chọc hờ hững lấy lệ, như quên vừa dùng bữa, không xỉa kỹ rồi bẻ đôi như cô Cam. Tôi đem rửa, chuốt lại hai đầu một chút là lại tốt chán. Cậu Luân hay đãng trí. Những hôm ngủ lại, đêm dậy đi tiểu thế nào mà về nhầm giường. Từ hôm tôi cài then trong thì cậu quên mót tiểu.
Tôi mở nút lọ nước hoa Chanel số 19 đựng phoóc môn. Bà bán bánh phở ở chợ Âm Phủ nhận của tôi một hộp kem giải phóng các tế bào chết để đựng vôi ăn trầu, một lọ nước cọ gạch men để đựng dấm và một chai nước xịt gương để làm súng phun cho đứa cháu nội, rồi mới sẻ cho tôi được mấy muôi phoóc môn. Bà bảo phoóc môn nhà bà mua tận gốc trên biên giới Trung Quốc, không mua lại của nhà xác, cứ dùng vô tư. Tôi hoà một thìa ấy với một thìa nước máy, ngâm tăm. Nước máy sặc cờ lo thế này, có hoà thuốc sâu cũng bạt mùi.
Trong lúc đợi tăm ngấm, tôi soạn bữa sáng cho cô Cam. Ít lâu nay cô chê bánh mì với bơ, chuyển sang xà lách trái cây, gồm một nửa quả táo Đà Lạt để nguyên vỏ đỏ, đã rửa kỹ bằng nước La Vie, cô Cam không ăn táo Tầu phun thuốc hoá học; một quả chuối tây trắng nõn vừa chớm chín, cô Cam không ăn chuối tiêu quá nhiều hàm lượng đường; một quả hồng xiêm Xuân Đỉnh nâu hồng chín cây, tuyệt đối tránh loại ủ đất đèn; và một vạt xoài Mộc Châu vàng rực, cô Cam không ăn xoài miền Nam cũng quá nhiều hàm lượng đường. Tất cả thái nhỏ trộn đều, bên trên lại rắc nhân một quả hồ đào Lạng Sơn đập vụn. Thức uống gồm một cốc 200 ml sữa tươi Úc không béo tiệt trùng, một ly 150 ml trà nhúng Dilmah không đường, một ly 150 ml cam vắt Bố Hạ không đường. Tôi viết thư kể, bị mẹ mắng là điêu toa, trên đời làm gì có thứ cầu kỳ quá quắt như vậy. Tôi cũng đã tưởng khảnh như cô Lâm Đại Ngọc chỉ là trong truyện thời nào ở đâu. Để đọc cho quên ở ta thời này.
Hai năm qua tôi học phân biệt những thứ sau đây: nho chỉ chọn loại Mai Cô Hương mầu đen tía, dễ nhầm với loại Ong Chúa cũng đen tía nhưng vỏ chát; giá đỗ chọn loại gầy, dài không quá năm phân mầu vàng nhạt, tránh loại ủ bằng đạm hóa học phốp pháp trắng mọng; ba ba chọn con đực đuôi dài quá mai, mai phải mầu xanh; cua biển nếu thích ăn gạch lại phải chọn con cái; trứng chọn quả quay nhiều nhất là ba vòng; giò phải giã chày truyền thống; lợn bò thì miếng thăn ấm tay còn phải nhảy trên mặt thớt; gà vịt chỉ ăn hai mảnh ức lột da... Không thì bao nhiêu công lao đổ vào tấm thân đặc sắc của cô Cam vứt đi cả.
Cô Cam cao tới một mét bẩy, lưỡng quyền cao, mũi cao, cổ cao, mặt dài, lông mi dài, tóc dài, ngón tay dài, móng tay dài, chân dài. Những lúc uể oải yểu điệu cũng ra cây liễu. Còn bình thường như cây sào. Nhưng mắt tôi có tròng, tròng lại nằm trong ổ, ổ lại kẹp giữa hai mí, nhìn thế nào cũng không ra khỏi ba cái nấc ấy, biết phán thiên hạ đẹp xấu thế nào.
Những thứ sau đây tôi không phải học phân biệt, cô Cam dạy cho vài lần rồi nhớ: rau ở quầy rau sạch Thiên Đường Xanh; dầu vừng đúng chai lùn cổ thắt vàng óng của Hàn Quốc; đồ Tây lấy ở cửa sau khách sạn Sofitel; bánh ngọt ở L’Indochine; bánh bao hiệu Tâm Tâm, bánh mì ở Hilton cạnh Nhà hát lớn; đường, dấm, muối, xì dầu và gạo Thái Lan ở Westside, ốc lại lên tận Tây Hồ, còn đồ khô đến chợ Hàng Bè... Cứ y nguyên như vậy. Trệch đi một tí là cô cậu mất thăng bằng, mà cái thế giới của những đồ phế phẩm rẻ tiền thì giăng như lưới đất, trượt đà sa xuống chỉ còn chờ chết trong những chiếc quan tài loại III đóng bằng gỗ thùng, đầu đinh tua tủa. Hôm tôi mua kem Mỹ hai mươi đô la một ký như thường lệ, tráo vào cái hộp nhựa méo mó của Vinamilk, cô cậu không buồn nếm. Có nếm chắc cũng chê.
Tôi vớt tăm, lấy máy sấy tóc của cô Cam sấy thật đúng công nghệ, rồi cho vào ống quế Quỳ. Không mốc nhé. Chỗ phoóc môn còn lại quấy đều vào cốc sữa. Tiệt trùng nhé. Hôm nọ tôi xin được ít bả chuột, nghe nói hiệu nghiệm, chuột béo chỉ cần xơi nửa vốc, vậy tôi vẩy cho đám trứng giun tái mét còn sót trong mớ rau mua của quầy Thiên Đường Xanh một đầu đũa là vừa. Để giun sán khỏi lẫn vào, làm hỏng bố cục của những thỏi phân cầu kỳ mà cô Cam phải nhào nặn mãi mới thải ra trên nền men trắng óng của chiếc bồn vệ sinh American Standard hoàn mỹ theo tiêu chuẩn Mỹ.
Xong xuôi cả, chỉ còn việc cắm bó hoa cậu Luân cho người mang tới từ sáng sớm. Đêm qua cậu không ngủ lại, bảo là có việc, nhưng việc gì bằng việc cô Cam đánh rắm suốt đêm. Hôm đầu tiên như vậy, cách đây mấy tháng, cậu còn cố bịt mũi, cô còn rẩy nước hoa cho đỡ ngượng. Sau cứ dăm ba ngày lại thối um. Dăm ba ngày tôi sắc một lần nước lá thị đặc quánh, pha vào suất 200 ml nhân trần buổi tối của cô Cam. Tôi luôn để một quả thị đầu giường, lót trong lá thị. Hạt mít không nhạy bằng lá thị. Rắm đánh thưa, nhưng mùi lợm hơn. Những hôm cô Cam dùng 200 ml sữa đậu nành thay đổi với nhân trần thì tôi hoà hạt mít rang tán mịn, trữ sẵn trong hộp sáp khử mùi và làm trắng vùng nách, vùng bẹn. Cô cậu ngạc nhiên lắm, chọn thực phẩm tinh khiết thế mà xú khí vẫn phọt ra, như ở bọn hạ tiện chuyên rình mua hàng ôi chợ ế. Cô cậu lấy làm tởm. Cô cậu sai tôi đốt trầm và thắp hương. Chắc cũng không có ý chờ tôi nịnh là rắm thơm. Rắm ướp trầm hương trong nhà chạy máy điều hoà đóng kín thành mùi thế nào, tôi không kể, sợ mẹ mắng là tục.
Cậu Luân luôn chọn loại hồng Singapore ráo hoảnh, hương không một gợn nhưng sức khoẻ tràn trề. Lá, cọng, bông và gai trông như năng tập ở phòng thể dục thẩm mỹ Bạn Gái mà cô Cam thường tới vào chiều thứ ba và chiều thứ bảy, trong khi cậu Luân đi đánh ten nít ở câu lạc bộ New Asia. Cậu bảo, ten nít là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại sau phát minh chữ viết. Người Mường không có chữ. Tiếng nói có rồi cũng ra không. Giữ được tiếng nào là may tiếng ấy, bố mo hôm đó bảo thế. Đến ông là hết tiếng Mường. Cô cãi, cô cho aerobics cái vinh dự phát minh vĩ đại. Đến cãi nhau cũng cãi hờ như thế, chẳng trách cứ làm chồng chưa cưới, vợ chưa cưới mãi. Lại còn bảo, giá thú chỉ là chuyện hình thức. Tôi không hiểu. Cô cậu ấy sống cả về cái mẽ mà lại phản đối hình thức hay sao? Cậu Luân giảng giải tự do cá nhân, tự do luyến ái, tự do tình dục. Cô Cam cười cười, can: “Thôi, tha cho nó. Anh nói nữa là nó khóc đấy.”
“Phải dạy dần cho nó mở mang ra chứ. Con bé này có vẻ biết tiếp thu. Thỉnh thoảng thấy đọc tiểu thuyết Tầu cơ mà.”, cậu Luân đáp.
Một nghìn điều tôi tiếp thu hai năm qua, đem kể về nhà chỉ nghe mẹ mắng. Đầu óc nhồi đầy những chuyện như thế, sau này còn chỗ nào mà học khôn? Tết năm tới mẹ quyết xin tôi về. Con ơi, thế này là bà Lý làm phúc cho nhà mình, hay làm tội?
“Truyện Tầu cũng chả hơn gì phim Ấn Độ. Đằng thì chen vào hát. Đằng thì sấn vào triết lý. Chỉ cảm động hờ với thông thái suông là tài. Bây giờ phải đọc truyện Mỹ, xem phim Mỹ, cho thực tế, bạo dạn lên.”, cậu Luân khuyên.
“Anh chỉ tàn nhẫn!” Cô Cam trách.
“Giời ơi! Tiến bộ không tàn nhẫn thì nước mình tiến rồi!” cậu Luân than, nhưng than mà khoái ra mặt.
Tôi lom khom lau cái bàn trà bằng gỗ pơ mu thấp lè tè, nghe nói là kiểu Nhật. Cậu Luân phát tôi một cái vào mông, lắc đầu bảo: “Mông miếc thế này thì tiến thế nào!”.
Cậu lại giảng nữa, về chỉ số văn minh đo bằng ba số vòng ở người đàn bà. Ở tôi là một độ phình đầy tính bản năng và phản nhận thức, nghĩa là phản văn minh, cậu kết luận. Song còn hơn khối đứa khác, vòng trên và vòng dưới đều lép, vòng giữa lại lồi. Bọn thui chột ấy, cậu không tính. Gọi chúng là người làm gì cho chữ người mất giá. Vậy gọi là ngợm. Con Tâm nhớ nhé! Thành ngợm là cô cậu không dạy được đâu.
Cô Cam nghe lơ đãng. Những lúc như thế, may ra có lời tâu ngon ngọt của cái gương mới khiến cô choàng tỉnh. Mọi chuyện xảy ra ngoài tấm thân đạt chỉ số văn minh tuyệt đối của cô đều không xảy ra. Còn tôi, con gái Mường họ Đinh, họ vua mở đầu nước Đại Cồ Việt, ngu đần có giống có nòi cũng thừa hiểu, sao tay cậu phát hơi lâu mà không đau gì. Bao giờ miền núi tiến kịp miền xuôi thì Tâm ơi, đêm đừng cài then trong, rồi cũng được làm người mẫu như cô, cởi ra mặc vào những váy áo do cậu thiết kế. Cậu thèm những cái kém nhã, ừ thì thèm ăn dở, tôi thông cảm. Đừng chẳng nổi thì phận đứa ở như tôi, phục vụ được đến đâu cũng đành. Còn hơn để cậu đi tìm tự do ở những chỗ ăn bớt vào cái tư cách vợ chưa cưới của cô chủ. Mẹ ơi, thế là nhà mình trả ơn cho nhà bà Lý, hay trả vạ?
Nhưng thèm rỏ rãi mà còn sợ mang tiếng phản văn minh thì là cái thá đàn ông gì? Hừ, phản văn minh! Với tôi thì cô cậu vênh mặt lên đến đâu, tuỳ cái gân ở cổ cô cậu. Với ai khác lại gập cả xương gáy mà gằm mặt xuống thôi. Hôm nào nhỉ, cô cậu có khách. Khách với chủ nhà này giống nhau cả, tươi tốt, bóng lọng, như trong ca ta lô, chứ không héo hon bụi bặm như người ta ngoài đường. Từ đỉnh đầu đến gót chân toàn những thứ đích đáng. Thái độ thì nhất loạt thoải mái nhanh nhẹn. Giọng điệu sắc sảo bỡn cợt, tôi nghe hai năm không phân biệt nổi là thật hay đùa. Khách hôm ấy mới ở xa về, trông thì đầy đủ, phớt đời, như thể cứ vậy đến chết không phải lo sự gì thiếu thốn, nhưng lời lẽ sao mà chì chiết cay đắng. Cả buổi ngồi nói hết phần chủ. Tôi đứng trong bếp, chỉ nghe loáng thoáng khách dạy cô Cam rằng đẹp đẽ giữ gìn như cô trong cái xã hội dơ dáy này chỉ uổng, không chừng là rước hoạ vào thân cũng nên. Khí hậu thì muôn thuở khắc nghiệt. Hiện tại thì điện đóm tù mù, nước nôi tanh tưởi, đường xá rác rưởi, người ngợm ồn ào, chính quyền thối tha, dân trí bệ rạc. Còn dĩ vãng ư? Dĩ vãng tắt ngấm. Tương lai ư? Tương lai chôn từ mấy nghìn năm nay chưa cải mồ. Vậy bạn ơi, quan trọng gì vài ba cái cử chỉ văn minh tiểu tiết!
Tôi lò mò ra thay trà. Cậu Luân trầm ngâm phản đối: “Anh cầu toàn mà cực đoan qua ự! Mười mấy năm trước còn chẳng ai dám sang trọng. Bây giờ được cái quyền ấy, mình không tiên phong nắm lấy thì dân chúng biết đường nào mà dùng, lại ném đi à? Họ biết trông vào đâu mà khá lên được? Trông vào trí thức chắc? Bọn trí thức thích văn hoá đặc tuyển thì sống đời hạ lưu bần tiện. Bọn trưởng giả thích phong lưu thì ô trọc. Bọn cung đình thích quý tộc thì tỉnh lẻ ngơ ngáo. Bọn thanh niên thích tân tiến thì trốn ra nước ngoài. Không mình thì ai đứng ra mà xây dựng cái văn hoá thượng lưu chưa bao giờ có ở xứ này?” Cậu Luân nói chân thành, tha thiết, tôi chỉ hiểu lỗ mỗ cũng động lòng.
Khách cười lớn: “Cầm đèn chạy trước ô tô thì tiên phong hay là mù quáng? Dân thượng lưu nước mình đang cố mà trả giá cắt cổ cho bằng giới bình dân nước người cũng còn chưa xong. Chẳng trách bọn Tây ba lô đến đây cũng được hầu như ông bà. Bọn Việt kiều thì mua hàng hạ giá bên ấy bằng trợ cấp thất nghiệp, đem về bán lãi cho Intershop. Sang trọng của người ta, như riêng đồ trang trí trong cửa kính cái tiệm Hermès ở Paris hàng kỳ cũng trị giá bằng ngân sách văn hoá Việt Nam một năm. Mình sang trọng thì ghếch chân lên cho thằng bé đánh giầy bôi phẩm đen trộn với bột sắn. Văn học Việt Nam hiện đại tả nàng nào rực rỡ cũng cho mặc áo phông quần bò. Dân quê ra tỉnh, đi sắm áo phông quần bò trước khi vào thăm lăng Bác. Phái đoàn của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đi tham quan ba nước Tây Âu vừa rồi, diện đồng loạt áo phông quần bò. Tôi bảo thì thay ra, diện đồng loạt áo dài thêu sặc sỡ linh tinh, trông như đi hội hoá trang cả lũ.”
Cậu Luân nhăn nhó cười đồng tình. Cô Cam vội đem khoe tập ảnh chụp cô trong bộ mẫu thời trang, nói là cậu Luân vừa giật giải Fadin, sắp tới mang đi Manila trình diễn. Ông Pierre Cardin đem bộ Maxim’s de Paris sang đây ra mắt hồi tháng Mười cũng đánh giá cậu Luân là một tài năng độc đáo.
Khách thờ ơ liếc qua, nói: “Nghe Tây khen thì đổ thóc giống ra mà ăn. Chúng nó có thói lịch sự xoa đầu trẻ con. Cứ chịu khó theo chân chúng nó, nhưng đi sau ba bước, là được khen tuốt. Ba bước là vừa đủ. Bốn bước nó chẳng buồn ngoái cổ. Hai bước nó lại sợ mình lấn, quay ra chê ngay là mình học đòi. Còn độc đáo thật của mình, chúng nó hiểu thế quái nào được! Xúng xính thế này là hợp cho các mợ mặc đi siêu thị. Ở ta đi siêu thị diện ầm ĩ, quá bằng ở Tây đi opera. Đi nhà hát thì ở ta đánh bộ pích ních, đi pích ních thì đóng cà vạt, áo dài, cho thế mới là đúng điệu. Hay thử tạo mốt áo ngủ cho giới thượng lưu ta diện đi khiêu vũ? Mấy giọt văn minh hứng mót của người cũng làm ao nhà nổi sóng đấy, cố lên các bạn thân mến ạ! Tôi bây giờ chỉ muốn tìm lại những tinh tuý của dân tộc, không đâu có được. Xong thì lên ở với đồng bào Thượng. Làm cái nhà sàn, ăn thịt thú săn, ra suối bắt cá, hái măng rừng, lam cơm ống nứa, ôm lưng mấy em sơn cước.”
Tôi trẹo chân một cái, hất được già nửa bã trà vào cái cổ cồn trắng nuột của khách. Lên ở với đồng bào Thượng thì cần gì cổ cồn. Không phải tôi rỗi hơi mà đỡ cho cô cậu, chỉ làm thế để đừng tưởng tôi hèn hạ, bị cô cậu chê cười mãi, bây giờ thấy cô cậu bị người chê cười thì sướng hôi.
Cô Cam chồm lên tát tôi một cái. Chắc rát tay đẹp, nên chìa cho cậu Luân xoa. Khách trợn mắt nhìn tôi, ý hỏi ở đâu ra cái của này.
“Anh thích thì cầm về mà dùng!”, cậu Luân đắc thắng đáp. “Gái Mường chính gốc đấy, đảm bảo nói mười hiểu một, văn minh thế nào cũng không biến chất đâu.”
Cô Cam ứa nước mắt vì ngượng với khách, rên rỉ kể những tội vụng dại tầy trời của tôi, rồi chép miệng than: “Khốn nỗi nó lại ngoan ngoãn thật thà, đuổi đi thì mình mang tiếng nhẫn tâm hay sao?”
Tôi lủi thủi về buồng, tìm hộp tampons Phần Lan đựng quả phổn khô. Cái hộp giấy ấy hở nắp, phải quành dây chun mới kín, nhưng tôi giữ để chứng minh, nếu không mẹ lại bảo là chuyện bịa, rằng cô Cam đút những thỏi bông bé bằng đầu ngón tay út ấy vào cửa mình để hút kinh nguyệt. Ngày xưa các cụ dùng bông gòn quấn chỉ là nhất, tùng tiệm thì lá chuối khô hơ mềm. Bà dùng giấy bản. Mẹ dùng vải sô. Tôi dùng băng lót. Cô Cam đưa tôi thử tampon cho biết, nó mềm, nở, khô, thoáng, êm dịu và an toàn do sử dụng công nghệ lưới siêu thấm với kỹ thuật lụa hoá bề mặt và công nghệ ép chân không. Tôi không dám.
Cậu Luân bảo: “Ngu thế! Nước mình có khi chế được nút bom nguyên tử, nhưng cái nút phụ nữ này không làm nổi đâu.”
Tôi sợ cho vào, sau này lấy chồng, nhỡ chồng lại nghi là đã hư hỏng.
Tôi đập mấy chùm quả lấy hạt, giã nhỏ, ép mãi được bẩy, tám giọt dầu. Cha tôi vẫn bảo, nhà mình có cây phổn ở sân sau, khỏi rước thầy thuốc vào sân trước. Thuốc hay là thuốc độc. Miền xuôi gọi cây phổn là ba đậu, chữa không biết bao nhiêu chứng tích tụ, phong, thũng, trúng, ngất. Tôi rỏ cả bẩy, tám giọt ấy vào lọ dầu thư giãn da mặt ban đêm của cô Cam. Sáng hôm sau, cô Cam khỏi đánh phần hồng, mặt đã bừng bừng như lửa. Đến trưa thì phồng rộp. Đến tối mọng nước. Đến đêm mưng mủ. Hai tuần sau đóng vẩy thâm sì. Cậu Luân không ngồi bên cạnh nhặt vẩy nhọt bong ra mà ăn, cho có vị ốc bể, như người nào sành ăn của quý trong truyện gì của Tầu. Cậu chỉ gửi hoa hồng Singapore hàng ngày. Cô Cam không hỏi tôi, Tâm ơi Tâm, mày dầm sương dãi nắng, sao da mày trắng? Để tôi bảo, muốn trắng thì đào hố, bỏ cái mặt mụn vào đấy, rồi giội nước sôi, như trong truyện gì của ta. Truyện của người Việt miền xuôi. Người Mường không kể những chuyện như thế.
Khách không cầm tôi về dùng, nhưng dặn lại rằng đừng phạt nó, phải tội. Nó không nghe ai xui dại, vùng lên làm cách mạng, thế là còn may. Tháng ấy tôi bị trừ sạch tiền công. Cô Cam bảo để nhớ, chứ cả năm công xá của mày chưa tậu được một cái vạt áo sơ mi ấy đâu. Tiền tăm tôi bớt được cho cô mỗi tháng cũng bằng tiền con ở, nhưng không phải để đập vào chỗ tôi bị khấu. Làm thế chỉ vì thấy phí phạm thì phải có trách nhiệm ngăn ngừa. Cô Cam hậm hực mãi, không biết vì áy náy với khách, hay vì muốn trừ cả tiền công hai năm của tôi cho đủ hai vạt, nhưng lại sợ mang tiếng nhẫn tâm. Từ đó tôi cho đánh rắm để xả bớt hậm hực.
Bây giờ chỉ còn việc đi chợ. Ít lâu nay cô cậu nhất định chỉ dùng cơm quê thanh bạch, dọn bằng bát sành chiết yêu trên mâm gỗ mộc, ngồi chõng tre mà ăn. Vừa ăn vừa nghe một bà già nhà quê hát xẩm trong băng và ngắm những cái giỏ cua, nơm cá, gầu sòng... bày biện thật là khe khắt. Cái gùi mầu khói hun nâu sẫm ở tận Sa Pa đem về treo ở góc phòng khách, bên trong chỉ đựng nửa dải thắt lưng lụa hoa hiên, nửa kia buông lơi bên ngoài hờ hững. Chiếc quạt mo che ngang miệng một cái vại da lươn cực lớn, bảo là vại đời vua gì gì. Bên cạnh lố nhố chĩnh, cóng, chum, khạp, ấm, nậm, áng, âu. Những thứ người ta dẹp gọn vào gầm giường, góc bếp, gốc chuối, thì cô cậu giăng ra, rồi phàn nàn là thiếu không gian. Gối thổ cẩm để rải rác, trên bậc cầu thang cũng lù lù vài chiếc. Tôi dại dột đi nhặt, xếp ngay ngắn lên giường, bị mắng một trận. Cô cậu lại đem gối ra cầu thang đặt. Gật gù khen đẹp. Suốt ngày chỉ quẩn quanh chuyện xấu đẹp. Đầu óc không còn biết nghĩa lý gì. Hỏi tôi, tôi thưa, như cái nồi đất đặt nghiêng cạnh con gì bằng đồng đen kia, ở nhà cháu để một loạt sau chuồng gà, đựng nước tiểu tưới rau tự túc. Cô Cam nhăn mặt. Cậu Luân than rằng dân mình sao mà khó hiểu, cái vò đẹp như thế thì chôn xuống đất cất mắm, mảnh ván quan tài kinh hồn như thế thì khui lên đóng giường nằm. Cứ có cái gì hay mắt thì giấu biệt đi, rồi ngang nhiên sống với những thứ xấu xí bẩn thỉu. Cậu nói cũng phải. Mẹ tôi, con gái ông đồ vùng lụa, mấy năm dành dụm may được một cái áo mới, đem mặc bên trong, cũ đi một chút mới diện ra ngoài, sợ đẹp quá thì ngượng.
Bộ mẫu thời trang lần này, cậu Luân bảo là cách điệu từ thẩm mĩ dân dã. Không hiểu sao lại gọi tôi, hỏi ý kiến, nói đùa là hỏi chuyên gia. Hỏi mà tôi thưa lại mắng.
Áo xống cô Cam thỉnh thoảng thải ra, bảo này Tâm, còn mới lắm, cho mày mang về quê diện, tôi không biết diện vào chỗ nào trong người thì đúng. Cái có hai tay, bên trên lại luồn chun như cạp quần. Cái có hai ống, lưng chừng lại thủng ra hai lỗ như để xỏ nách. Cái ngắn cũn, tưởng là quần lót, hoá ra không đáy. Cái loè xoè tưởng váy bỗng chiết eo vào giữa mông. Có cả một cái trông như chiếc đèn lồng, cô Cam giảng là áo ngủ. Tôi không dám. Thế ra mình là ngọn bấc cháy ở trong ấy à?
Tôi chỉ biết gộp những thứ cô Cam mặc trên người thành bốn loại, một là giặt máy bằng nước lạnh, hai là giặt máy bằng nước ấm, ba là giặt tay, bốn là giặt khô ở tiệm. Cô chia sẵn, bảo việc này không giao cho mày được. Ủi cũng giao cho tiệm, sau khi tôi làm cháy một chiếc tất siêu sợi và chăm chỉ là phẳng những nếp gấp li ti của một chiếc khăn lụa nhăn. Tôi tưởng cô Cam sợ nhăn. Cậu an ủi cô, may mà nó chưa cắt hết mấu của cái áo khoác bằng vải lanh sùi. Tôi nghe tên vải mà hoảng hốt. Vải bông, cô cậu gọi là cốt tông, nghe mấy chục lần còn nhớ. Như siu, soa, sẹc, ka tê, lai cờ rơ, tuýt xi, giơ xi, mút xơ lin, cát xơ mia, la tếch, cờ rếp, vít cớt, với thun bò, thun gân, thun lưới, thun nhún, nhung chìm, nhung sổ, nhung sẹo, len dê, len cừu, len cào, len tuyết... thì chịu, mỗi loại một chế độ chăm sóc, một kiểu thưởng thức, một cách sáng tạo, một chức năng thẩm mỹ, một đời sống, một linh hồn, như cô cậu tuyên bố. Hàng trăm linh hồn khoác ngoài da như thế là văn minh. Chín mươi vía người Mường giấu bên trong thì đại phản động.
Những thứ cậu gọi là Việt phục, tôi nghĩ chả người Việt nào điên mà mặc như thế. Áo dài thân trước ngắn hơn thân sau mấy tấc, cậu Luân còn ngắm, cho rằng phải bảo thợ sửa, vén thân trước thêm hai phân. Bộ bà ba bằng vải láng, từ trên xuống dưới đen kịt, chỗ hai tay chắp lại may vải thô trắng, đề mỗi bên một vế câu đối gì bằng mực Tầu. Quần xéo bằng vải bố, mầu nước dưa nhờ nhợ, may lửng, để thò ra hai ống chân quấn xà cạp lụa mầu nõn chuối, bên dưới đi đôi guốc mộc quai da mềm. Cậu giảng là như vậy cái mịn màng của xà cạp và cái thanh tú của chiếc quai da mới gây xúc động. Cái đẹp vô cảm là cái đẹp hời hợt dễ chán. Bây giờ cậu mới thấy mình đủ chín, đủ sâu lắng để nhìn ra những vẻ đẹp mỏng manh mà khiến người ta thót tim. Quai có nên mảnh hơn không? Cậu tự hỏi. Tự gật. Cậu quyết định xén bớt năm ly. Tim tôi cũng thót vì buồn cười mà phải nhịn. Cô cậu thường chê cách tôi bưng miệng cười là chuế.
Rồi đến trang phục của các dân tộc thiểu số, chắc phải gọi là Thượng phục. Tôi nhìn lấy lệ những khăn piêu, xà rông, áo chẽn, váy xoè..., chả biết nêu ý kiến gì, xem mãi chỉ đâm nhàm. Người ta có ba bộ thay đổi thì quý cả ba bộ. Có ba chục bộ, quý được một. Có ba trăm, chán cả ba trăm. Người có ba nghìn bộ ắt không còn muốn mặc gì nữa.
Cậu Luân kéo tôi về với bộ váy áo cô Cam đang thử, bảo là nữ phục Mường. Cô cũng đi chéo chân thành một vệt những hình chữ ích xì, lúc mau, lúc chậm, lúc đứng sững bất động. Kiểu đi đứng ấy cô phải theo thầy học hết bẩy tháng liên tục, trả biết bao nhiêu tiền. Tự dưng bây giờ cậu Luân bảo không hợp. Nghĩ thế nào, bắt cô thay ra, sai tôi mặc vào. Cháu chả dám, tôi chối, tôi bỏ chạy, không được. Cậu tự tay mặc vào. Một cái khăn chít đầu bằng lụa ngà thêu những bông hoa sim tim tím. Một cái yếm cũng mầu ngà bằng vải gì mỏng tang. Một cái áo cánh bằng vải lanh gai mầu tím thẫm khoác hờ. Một cái váy ống cũng mầu tím thẫm, lại bằng vải gì mỏng tang. Một cái tênh, cũng bằng lụa ngà thêu hoa sim tím. Tôi nơi lỏng. Cậu bắt thắt thật sít, cho nổi mông. Cuối cùng đến cái cạp váy, mầu rừng rực, chen chúc hỗn loạn, không ra hoa văn gì. Tôi kéo lên. Cậu bắt hạ xuống. Cậu chỉnh cho cạp váy vừa đủ chờm lên yếm, khiến ngực tôi ùn lên, ào qua lần vải nõn thành hai đống thỗn thện. Tôi che. Cậu đỡ. Tôi sởn gai ốc, người như phát cuồng. Cậu hài lòng, bảo rõ ràng là gái Mường. Nhưng gái Mường của nghệ thuật hiện đại.
Cậu bắt tôi nhìn vào gương.
Cái gương bảo rằng, trông tôi nhố nhăng, tồng ngồng, kém nhã vô cùng. Đùi thì như cây cột. Đầu vú nào có hồng.
Đàn bà Mường chỉ mặc hai mầu đen trắng. Trang trí dè sẻn. Duy có cái cạp váy là để che ngực cho thêm kín đáo và điểm một chút hoa văn. Nhưng mầu pha thế nào cũng phải trầm, có cung bậc, có hoạ tiết. Không trơ, không tươi hơn hớn và lung tung bèng thế này. Người Mường không dùng mầu tím. Mà sim nở đầy rừng thì thêu hoa sim làm gì.
Tôi ngập ngừng thưa rằng, đẹp lắm ạ, nhưng nhỡ có người Mường nào lẩm cẩm, chưa tiến bộ, xuống đây đòi danh dự cho phụ nữ của họ thì nguy.
Cậu Luân cười sằng sặc. Cô Cam mắng té tát con này hỗn nhỉ, con này giỏi nhỉ.
Cậu Luân soi mói tác phẩm của cậu trên người tôi thêm một lát, thấy chỗ nào có vấn đề là sục tay vào sửa. Lúc mặt tôi trong gương đỏ tiá, còn mặt cô Cam tái sậm, cậu tự dưng đổi ý, bảo thời trang tất nhiên phải khiêu khích, nhưng mày mặc trông khiêu khích rẻ tiền. Nghiêm mặt, quát tôi cởi.
Quát mắng thì tôi im. Họ hết khôn, dồn ra dại đến thế, có sống ở đời cũng không bằng cha tôi ở trên trời. Cô Cam mặc cái áo tứ thân may bằng vải sô sổ gấu, mỗi vạt một mầu, bên trên đánh cái nón mê tả tơi nhuộm đỏ, dưới đi đôi dép rơm. Như hề đi đưa tang mình. Thế là khiêu khích thần chết hay sao?
Thích thế thì tôi cho thế. Đúng lời mẹ dặn nhé, có thế nào cũng không cam tâm làm người vô ơn.
Chiều nay tôi kho cá bống. Bống bống bang bang ơi, cô Cam xơi bống với cơm vàng cơm bạc nhà cô nhé. Cô thì canh rau ngót cho mát cho lành cái bụng trướng. Cậu thì riêu cua cho mầu mỡ nghệ thuật. Những món này cô cậu khen tôi nấu thạo.
Tôi hái hết chỗ lá lơ thơ của cây lá ngón trồng trong cái bát nhỏ để ở bậu cửa sổ. Lần đi du lịch Mường Lặt tìm cảm hứng sáng tác, cô cậu thấy cái cây hoang, hoa vàng xinh xinh, đòi đem về trồng làm cảnh. Tôi bảo thứ này khó trồng trong nhà. Quả nhiên nó còi cọc, chăm bón mãi mới lên dăm bẩy cái lá khổ sở. Bây giờ giải phóng cho nó, được ở chung một lát với rác đẹp trong chiếc thùng rác bằng inốc mua ở tận Băng Cốc. Mươi phút nữa là xe rác đến đánh kẻng.
Tôi thái cả nắm lá vào với rau ngót. Cô bát ấy. Cậu bát khác. Như thế là để cậu có dịp tự do thể hiện cái tình gắn bó. Chưa cưới, nhưng ngửi rắm nhau là ra vợ chồng. Trong Vườn hoa núi Cối toàn các chàng tự ý đi theo các nàng về bên kia cả.
Còn ngày ấy nhà bà Lý không chết theo nhà tôi thì bây giờ nhà tôi không chết theo nhà bà Lý. Công bằng chỉ có như vậy, không đòi thì còn sỉ nhục gì?·
Phạm Thị Hoài
1 comment:
"Còn ngày ấy nhà bà Lý không chết theo nhà tôi thì bây giờ nhà tôi không chết theo nhà bà Lý. Công bằng chỉ có như vậy, không đòi thì còn sỉ nhục gì?"
Ân óan phân minh. Dân đen chỉ đơn giản thế thôi. Liệu mà xử với họ.
Post a Comment