Chương 23
Hoàng Ngọc Thành: Dù có lỗi lầm gì đi nữa, Ngô Đình Diệm là người thực sự có thái độ quyết liệt trong việc bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Ông Hoàng Ngọc Thành sinh năm 1926, cựu học sinh trường Quốc Học Huế, tham gia kháng chiến chống Pháp từ 1948 đến 1954. Trước khi du học Mỹ quốc để lấy bằng tiến sĩ sử học vào năm 1968, ông đã từng là giáo sư của nhiều trường trung và đại học Việt Nam kể cả trường Bồ Đề, đại học Vạn Hạnh, đại học Hòa Hảo, đại học Cao Đài… và cao đẳng Quốc phòng. Ông bắt đầu tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về cuộc đời ông Ngô Đình Diệm, nhất là về nguyên nhân sự sụp đổ của chế độ đệ nhất Cộng hòa và cái chết của hai ông Diệm, Nhu ngay từ ngày mồng 2 tháng 11 năm 1963. Nghĩa là liền ngay khi được tin hai ông bị sát hại. Ông đã cho độc giả biết điều đó ngay ở đầu cuốn “Những ngày cuối cùng của tổng thống Ngô Đình Diệm” mà ông viết chung với bà vợ là Thân Thị Nhân Đức. Xuất bản tại San Jose, California năm 1994. Giáo sư Tôn Thất Thiện gần đây đã trịnh trọng giới thiệu tác phẩm của hai nhà sử học này trên một bài báo ở Canada (hồi tháng 10, 1997) rồi kết luận rằng:
“Quyển “Những ngày cuối cùng của tổng thống Ngô Đình Diệm” là một quyển sách mà mỗi người Việt Nam đều phải có trong thư viện tư của mình, nếu họ ưu tư về xứ sở, và thành tâm muốn tìm hiểu một cách khách quan, tường tận, chính xác và công bình những gì đã thực sự xảy ra và các nhân vật đã được nhắc đến trong giai đoạn 1945 - 1975 thực sự là người thế nào.”
Trong tác phẩm dầy trên 600 trang này 2 tác giả nói đến cả những cái hay và cái dở, những công lao và lỗi lầm của tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Về mặt tiêu cực ông bà Thành viết:
“Làm thủ tướng rồi tổng thống, ông Ngô Đình Diệm lòng đầy nhiệt huyết phục vụ quyền lợi của dân tộc. Ông làm việc suốt ngày và 7 ngày một tuần, cả năm hầu như không nghỉ. Ông muốn làm tất cả mọi việc chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao v.v… từ việc lớn đến việc nhỏ. Kết quả là ông ôm đồm quá nhiều, lo đến những việc mà nên để cấp dứơi phụ trách, thay vì nguyên thủ một nước phải chú trọng. Như thế có sự ứ đọng trong bộ máy chính quyền vì không được giải quyết kịp thời.”[1]
Và đây, một nhược điểm khác của ông Diệm được phân tích một cách tế nhị:
“Ông Diệm quên mất “phép nước không kể tình thân” và quá nể nang anh em. Ông đã để người anh là tổng giám mục Thục và người em là cố vấn Nhu ảnh hưởng, hay có thể nói, chi phối ông trong vấn đề Phật Giáo. Tùy viên Đỗ Thọ đã trách cứ Tổng giám mục Thục về sự sụp đổ của chế độ và cái chết của tổng thống Diệm trong “ Nhật Ký Đỗ Thọ”.[2]
Về ông Nhu, tác giả chê: quá tự kiêu và sống trong ảo tưởng.
Ông Thành cũng chê ông Diệm về cách dùng người trong gần ba trang sách, phân tích khá tỷ mỷ. Sau đây là một đoạn vắn:
“Ông đã từ quan chống Pháp, nhưng lại đã sử dụng lâu dài những kẻ đã phục vụ đắc lực cho thực dân Pháp từ Nguyễn Ngọc Thơ, trong chức vụ phó tổng thống cho đến các tướng lãnh nào là Đôn, Kim, Minh, Khiêm, Khánh, Lễ, Oai v.v…. đều là những người đi lính cho Pháp thực dân chống dân tộc Việt Nam. Hầu hết những người này đều là cơ hội hay xu thời, hoặc động cơ quyền lợi hay tham vọng cá nhân thúc đẩy họ.”[3]
Ông Thành đã so sánh một cách hết sức tế nhị và kín đáo người yêu nước Ngô Đình Diệm với những người lãnh đạo quốc gia sau ông như sau:
“Lằn ranh giới giữa ngưới yêu nước thực sự và tên tay sai là người yêu nước tìm đủ mọi cách để bảo vệ chủ quyền của xứ sở, đến tận cùng, dù phải hy sinh tính mạng, phú quý của cá nhân và dòng họ, còn tên tay sai dù có phản đối nhưng rút cục cũng buông xuôi theo thực dân để khỏi tổn thương đến tính mạng, phú quý của cá nhân và gia đình.
“Dù lỗi lầm gì đi nữa, người yêu nước thực sự NGÔ ĐÌNH DIỆM CÓ THÁI ĐỘ QUYẾT LIỆT TRONG SỰ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM. Thái độ này làm chính quyền Mỹ John F. Kennedy mưu đồ đảo chính và sát hại ông. Và biến miền Nam thành một “xứ bảo hộ” của Hoa Kỳ.”[4]
Mục tiêu chính của tác phẩm là chứng minh bằng những tài liệu chính xác, trong số đó có những tài liệu mới được giải mật gần đây nhất, rằng tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị chính quyền Kennedy dùng một số tướng tá tay sai để lật đổ. Lý do là vì người Mỹ muốn biến miền Nam Việt Nam thành một xứ đô hộ của Mỹ, mà ông Diệm nhất định không chịu, cố gắng giữ chủ quyền của Việt Nam. Như vậy cái chết của ông Diệm mang một ý nghĩa trọng đại vì ông chết cho đại nghĩa.
Chính vì vậy tác giả đã ca ngợi ông Diệm bằng những lời thật cảm động ở cuối sách như sau:
“Trước cảnh tượng các tướng cầm quyền chỉ làm tay sai cho ngoại bang, hết Pháp rồi đến Mỹ, với mặt trái của cộng sản Hà-nội và con người cá nhân ông Hồ Chí Minh được phơi bày, hình ảnh tổng thống Diệm là con người yêu nước, chống cả cộng sản và thực dân, dù Pháp hay Hoa Kỳ, hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền, với nếp sống đạo đức cá nhân, đã trở nên đáng kính hơn bất cứ nhân vật hiện đại nào từ 1945 đến nay….
“Đời sống của tổng thống Ngô Đình Diện không được dài lâu và ông không được hưởng lạc thú trên đời. Nhưng dân tộc Việt Nam sẽ nhớ lâu dài đến người yêu nước Ngô Đình Diệm. Tài liệu này có lẽ là kỳ đài lịch sử đầu tiên cho tổng thống Ngô Đình Diệm. Rồi đây khi đất nước Việt Nam thanh bình và vắng bóng quân thù, sẽ có những kỳ đài khác, những trường học và đại lộ mang tên ông. Vĩnh biệt tổng thống Ngô Đình Diệm.” (Hết).[5]
No comments:
Post a Comment