Phải cho các cháu biết rằng sự xâm lăng của những người anh em từ miền Bắc đã làm miền Nam suy yếu để đến nỗi thất trận nhục nhã không bảo vệ được bờ cõi cha ông xây dựng. Chính vì sự chia rẽ với anh em ruột để đồng thuận với láng giềng của người anh em miền Bắc mà người ta mới dám ngang nhiên xâm chiếm gia tài cha ông ta.
Phải cho các cháu biết rằng những ngày đáng tự hào từ trước đến nay đều là láo toét lừa bịp cả. Thực ra chỉ là những ngày đau thương mất mát. Chính cha ông chúng đã tự mãn tự thị và tự hủy khi còn tin vào những điều cộng sản nói.
HỒNG ĐỨC
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
GIÂY PHÚT BỒI HỒI
SONG CHI
"Chúng ta có ngày Quốc Khánh 2/9/1945, ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Ngày Chiến thắng Điện Biên 7/5/1954. Nhưng chúng ta cũng có ngày 19/1/1974 nữa, vì đó là ngày mất Hoàng Sa. Phải cho các cháu nhớ cả những ngày đáng tự hào cả những ngày đau thương mất mát, đừng để cho chúng nhớ một chiều sau này chúng dễ mắc bệnh chủ quan." Nhà văn Nguyễn Quang Lập
37 năm trước, vào ngày 19.1.1974, trận chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng hòa và hải quân Trung Quốc kết thúc, quần đảo Hoàng Sa đã bị mất vào tay Trung Quốc từ đó đến nay.
Tài liệu trên Wikipedia viết:
“Theo một bài “Không thể chấp nhận được!” của Bùi Thanh đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày Thứ Năm, 06/12/2007, 08:14 (GMT+7} ”Trong trận hải chiến lịch sử và không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống nhưng không giữ được mảnh đất thiêng liêng của ông cha.”
Theo tài liệu của Trung Quốc thì 274, 271, 389, 391 đều trúng đạn, 281, 282 và 402, 407 bị hư hại trung bình, HQ-10 bị chìm tại trận. Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ. Trung Quốc có trao trả tù binh sau đó tại hồng Kông qua Hội Chữ thập đỏ.
Trung Quốc chiếm đóng toàn phần quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm này. Sau trận chiến, Việt Nam Cộng hòa đã ra nhiều tuyên bố cũng như trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của mình và đã được Chính phủ Pháp ủng hộ vì trước đây theo hòa ước Pháp Thanh thì người Pháp đã thực hiện chủ quyền ở quần đảo này.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt…”
Ngoài ra còn có rất nhiều bài viết, những lời kể lại của chính những người trong cuộc, trong đó có Cựu Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải, người trực tiếp ra lệnh khai hỏa, tấn công Tàu chiến Hải Quân Trung Cộng ở quần đảo Hoàng Sa, và nhiều người khác.
Là một người sinh sau đẻ muộn, tôi chỉ biết đến trận hải chiến này qua những tư liệu và những bài viết như vậy. Nhưng dù chỉ đọc qua tư liệu, tôi cũng cảm nhận được một phần nào nỗi đau đớn, cay đắng của những người trong cuộc khi đã làm hết sức mà không giữ được mảnh đất của tổ tiên để lại, khi phải chứng kiến cái chết của đồng đội, sự phản bội của đồng minh-nước Mỹ.(ai cũng biết, lúc đó Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng Mỹ từ chối) và thậm chí, khi những người lính VNCH bị thương trôi trên biển, thì cũng không có chiến hạm nào của Mỹ đến cứu vớt mà là “Hai ngày sau trận hải chiến, ngày 20 tháng 1, tàu chở dầu Hòa Lan “Kopionella” vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Đến mười ngày sau, ngày 29 tháng 1, ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng hòa gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến” (theo Wikipedia).
Rõ ràng đảng cộng sản Trung Quốc đã rất biết chọn thời điểm để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Khi đó cuộc chiến tranh gần kết thúc, quân đội Sài Gòn không còn được đồng minh viện trợ như trước, phải căng mình ra mà chiến đấu với miền Bắc vẫn còn đầy đủ sự viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc và phe XHCN nên dù có muốn giữ Hoàng Sa cũng không đủ sức; Mỹ thì đã rút khỏi VN sau Hiệp định Paris, đã bắt tay với Trung Quốc nên không muốn can thiệp; còn phía Việt Nam dân chủ cộng hòa tức Bắc Việt lúc bấy giờ thì lại đang cần đến viện trợ quân sự và kinh tế của Trung Quốc nên cũng không phản ứng gì!
Thế là Hoàng Sa mất, và thực tế bây giờ càng cho thấy, chuyện đòi lại Hoàng Sa từ tay Trung Quốc còn khó hơn cả chuyện hái sao trên trời!
Nhiều năm sau ngày mất Hoàng Sa, nếu tôi nhớ không lầm thì Tuổi Trẻ chính là tờ báo đầu tiên ở trong nước nhắc đến trận hải chiến này với chi tiết 58 binh sĩ của quân đội Sài Gòn đã ngã xuống qua bài viết “Không thể chấp nhận được” của nhà báo Bùi Thanh đã kể trên, sau đó vào tháng 9.2009 , báo Tuổi Trẻ còn định làm một loạt bài phóng sự “Hoàng Sa-tường trình 35 năm sau” nhưng mới chỉ đi được hai kỳ thì đột ngột dừng lại, không nói thì ai cũng hiểu vì sao! Rồi lần lượt một số người, trong đó có cả Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trong bài phỏng vấn đăng trên báo Người Việt “Mỹ phải làm mạnh hơn nữa” (ngày 30.8.2010) cũng nhắc đến việc phải ghi nhớ và vinh danh những người lính đã chết trong trận Hoàng Sa: “Máu của những chiến sĩ này [Việt Nam Cộng Hòa, trận Hoàng Sa 1974 - NV] đổ ra là đổ cho tổ quốc, phải tuyên dương, phải xem họ ngang với tất cả liệt sĩ của Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam chứ chưa nói tới việc dùng cái chết của họ để chứng minh chủ quyền của Việt Nam” . Hay Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ vào tháng 3.2010 đã gửi kiến nghị đến nhà nước Việt Nam về việc xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhấn mạnh việc“64 công dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam công nhận Liệt sĩ, được truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.Do vậy, “58 công dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa phải được Nhà nước Việt Nam công nhận Liệt sĩ, truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” theo quy định “Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật” của Hiến pháp Việt Nam.”
Thế nhưng nhà nước Việt Nam đã hoàn toàn im lặng.
Một chuyện nhỏ và chính đáng như vậy họ còn không làm được nói gì đến bao nhiêu chuyện khác, nói gì đến hòa giải hòa hợp dân tộc, chẳng trách bao nhiêu năm sau ngày đất nước thống nhất, lòng người Việt vẫn ly tán!
19.1.2008, để tưởng niệm 34 năm ngày mất Hoàng Sa đồng thời lên tiếng phản đối việc Quốc vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam) trực tiếp quản lý ba quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2008, nhóm bloggers của CLB Nhà báo tự do và một số văn nghệ sĩ đã tổ chức biểu tình ngay trước cửa Nhà hát Thành phố HCM. Cuộc biểu tình diễn ra khoảng 30 phút thì công an ập tới và tất cả bị bắt đưa về đồn và bị giữ lại làm việc suốt cho đến tối, riêng một vài người như anh Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, trưởng nhóm CLBNBTD, còn bị giữ lại đến trưa ngày hôm sau, sau đó còn phải tiếp tục lên làm việc thêm.
Kể từ sau đó, tất cả những con người đã có mặt hoặc có liên quan trong cuộc biểu tình đều “được” cho vào tầm ngắm của công an, cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Đến tháng 4.2008, công an đã bắt giữ blogger Điếu Cày vì sợ anh cùng bạn bè lại tổ chức một cuộc biểu tình khác nhân dịp đoàn rước đuốc Olympic Bắc kinh đi ngang qua Sài Gòn. Tòa án đã chụp cho anh cái bản án ngụy tạo là tội “trốn thuế”, và xử anh 30 tháng tù giam, bồi hoàn 1 tỷ đồng. Trong thời gian blogger Điếu Cày vào nhà tù nhỏ gỡ lịch, nhiều người bạn của anh, người vợ cũ và hai đứa con bị công an thường xuyên xách nhiễu, khó dễ đủ mọi cách, mục đích chỉ để hành hạ về mặt tinh thần, để họ mệt mỏi, sợ hãi và trở nên “ngoan ngoãn”! Bản thân Điếu Cày ở trong tù thì bị hành hạ kiểu khác, khi thì không cho thăm nuôi, khi thì biệt giam, không loại trừ cả hành hạ về thể xác, nhưng những điều đó chẳng ăn thua gì đối với người từng là cựu binh của chính chế độ này.
30 tháng sau, mãn hạn tù, bạn bè người thân tưởng đâu sẽ được đón Điếu Cày trở về, nhưng không, anh lại bị tù tiếp, lần này vì chính cái tội “tuyên truyền chống phá chế độ” mà lẽ ra công an và tòa án phải buộc vào cổ anh trước kia, chứ không phải đợi đến bây giờ.
Và một người khác trong nhóm CLBNBTD cũng bị bắt, blogger Anh Ba Sài Gòn. Cũng để điều tra về cái tội tuyền truyền chống phá chế độ, về hoạt động của nhóm CLBNBTD mà thực chất từ mấy năm nay, khi Điếu Cày vào tù thì chẳng có cái hoạt động gì nữa. Thật là bi hài cho chế độ này, chỉ có một nhóm bloggers tự động kết bạn với nhau, cùng nhau viết blog về những điều mắt thấy tai nghe trước hiện tình xã hội, chả có cơ sở, phương tiện, tổ chức hay hoạt động gì khác mà mấy năm qua rồi nhà nước này vẫn theo hạch hỏi, hành tội, đủ biết họ sợ hãi nhân dân đến mức nào, nhìn ai cũng nghĩ là kẻ thủ, là lực lượng thù địch đang đánh phá!
Một người khác, là một người bạn với nhóm CLBNBTD, nay cũng đã ngồi tù với bản án 7 năm, là thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung trong vụ án cùng với luật sư Lê Công Định.
Và người viết bài này, cũng là một người bạn, thì đã buộc phải rời khỏi đất nước.
37 năm trước, khi quần đảo Hoàng Sa mất vào tay Trung Cộng, Hà Nội đã không hề có một phản ứng gì trước sự kêu gọi cùng lên tiếng của chế độ Sài Gòn. Một phần, Hà Nội lúc ấy đang ở vào thế mang ơn há miệng mắc quai với Trung Quốc, nhưng bên cạnh đó, còn do cái suy nghĩ nông cạn, tầm nhìn hẹp hòi của những người lãnh đạo Đảng cộng sản VN lúc bấy giờ khi tin vào tình đồng chí giữa Việt cộng và Trung cộng, thậm chí có người còn nghĩ rằng “Quần đảo Hoàng Sa thà để cho nước Trung Quốc đồng chí anh em của ta giữ giùm còn hơn nằm trong tay bọn “ngụy quân ngụy quyền”!
Cái thời ấy những người lãnh đạo đảng cộng sản VN nếu có mê muội cũng còn có thể hiểu được, nhưng nhiều năm sau nữa, họ vẫn tiếp tục u mê, bị mắc lỡm, bị chơi xấu bởi những người anh em láng giềng “16 chữ vàng” của họ, thậm chí bị “dạy cho một bài học” bằng trận chiến đổ máu nát xương năm 1979 và mấy năm sau đó-1984; bị mất thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa, bị xử ép mất đất, mất biển qua các Hiệp ước biên giới trên đất liền1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ VN-TQ 2000…Và cho đến tận bây giờ thì họ đã mắc vào rọ của Trung Quốc quá sâu rồi khi từ trên rừng, ngoài biển, bên hông là các nước Lào, Campuchia cho đến ngay trên mái nhà Tây Nguyên, Trung Quốc đều đã tính toán đâu vào đó, đã có mặt khắp nơi, đồng thời đã vây bủa khắp mọi đường, từ kinh tế cho đến chính trị, ngoại giao…Nguy cơ lệ thuộc lẫn mất nước đã sờ sờ trước mắt!
Ấy vậy mà khi những người dân lên tiếng tố cáo bọn bành trướng Bắc Kinh thì họ lại không cho phép.
37 năm trước, năm 1974, vì lợi riêng, vì tầm nhìn ngắn, Hà Nội đã không lên tiếng trước vụ mất Hoàng Sa.
34 năm sau, năm 2008, cũng vì lợi riêng, và vì sự hèn nhát, Hà Nội đã dập tắt tiếng nói của những người dân đơn độc cất lên nhằm tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa.
Trong não trạng của những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN chưa bao giờ và sẽ không bao giờ biết đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên quyền lợi của đảng, và nếu điểm tựa lớn nhất của bất cứ chế độ nào là nhân dân thì họ lại quay qua sợ hãi, nghi kỵ, đàn áp nhân dân trong lúc hèn hạ khiếp nhược trước kẻ thù truyền kiếp.
Nếu một ngày nào đó vận rủi mà mất nước, liệu họ có bao giờ ăn ngon ngủ yên khi nghĩ đến câu “Giá như vào thời điểm đó năm đó, vào thời điểm kia năm kìa, chúng ta biết nghĩ đến quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên hết, biết dựa vào dân, biết thay đổi để mà cứu nước, cứu cả bản thân, thì…”. Liệu có bao giờ như thế? Như tất cả những kẻ cầm đầu những thể chế độc tài bị sụp đổ mà mới đây nhất, là tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia, hẳn đều ước ao, giá mà…thì đã muộn!
SONG CHI
Theo RFA blog
—
19 tháng 1 là ngày gì?
Nguyễn Quang Lập
Báo chí bây giờ ít có tờ nào có mục ” Ngày này năm xưa”. Tui nhớ cách đây chục năm có đến gần chục tờ có mục ni. Tui tra google thì thấy có hai ngày quan trọng, liên quan đến Việt Nam. Thứ nhất là ngày 19/1/1997, Hoàng Thị Minh Hồng – Phóng viên của báo Đầu tư và ngân hàng cùng 35 thanh niên của 25 nước trên thế giới tiến hành cuộc thám hiểm Nam Cực do UNESCO tổ chức. Tại Nam Cực, Minh Hồng đã cắm được lá cờ đỏ sao vàng, quốc kì Việt Nam lên xứ sở đầy tuyết phủ này. Thứ hai là ngày 19/1/ 1974, ngày mất Hoàng Sa, ngày ông hàng xóm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ” Sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi, hải quân Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa, khi ấy do Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố chủ quyền.” Một ngày vui sướng tự hào vì lá cờ Việt Nam được cắm ở cực Nam của Thế giới. Một ngày buồn đau đắng cay vì ta mất Hoàng Sa, chưa biết khi nào đòi lại được.
Tui nghĩ ngày ni nên đem vào SGK cho con nít học. Chúng ta có ngày Quốc Khánh 2/9/1945, ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Ngày Chiến thắng Điện Biên 7/5/1954. Nhưng chúng ta cũng có ngày 19/1/1974 nữa, vì đó là ngày mất Hoàng Sa. Phải cho các cháu nhớ cả những ngày đáng tự hào cả những ngày đau thương mất mát, đừng để cho chúng nhớ một chiều sau này chúng dễ mắc bệnh chủ quan.
Tui vừa đọc một bài rất hay của Quỳnh Chi nói về dân trí dân khí nhân tài, trong đó có nhắc tới ông Phúc Trạch Dụ Cát tức Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là nhà cải cách chính trị, xã hội và giáo dục tiên phong từ cuối thời Edo và đầu thời Minh Trị của Nhật Bản.”Những tư tưởng của ông đã tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới”. Ông Phúc Trạch Dụ Cát đã từng nói:“Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm”.
Phải quá! Chúng ta nên nghe lời ông Phúc Trạch Dụ Cát. Nói phải củ cải cũng nghe, huống hồ chúng ta không phải là củ cải, chúng ta đều có trí và đều là dân yêu nước.
Theo Quê Choa blog
3 comments:
"Tại Nam Cực, Minh Hồng đã cắm được lá cờ đỏ sao vàng, quốc kì Việt Nam lên xứ sở đầy tuyết phủ này."
A! Thế là tìm được chỗ để mai kia dân ta còn có thể tái lập nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chắc cũng lạnh cỡ Canada là cùng.
Câu nói rất hay.
Vung tay đốt nhà táng chẳng qua cũng chỉ vì những động cơ đê hèn nhưng che đậy quá khéo ...
Post a Comment