Wednesday, April 13, 2011

NGHĨ VỀ MỘT DANH XƯNG (Mẹ Nấm)

Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Nonfiction
Author:Mẹ Nấm
NGHĨ VỀ MỘT DANH XƯNG. Apr 12, '11 11:38 PM


Lâu nay, nhiều người, nhiều tổ chức hay nói đến cụm từ “nhà dân chủ”. Tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể và góc đứng của người (hay tổ chức) sử dụng danh xưng ấy mà ta biết đến “nhà dân chủ” được nói đến là ai, hoặc bao gồm những ai.

Trước hết, phải khẳng định rằng. Một xã hội dân chủ thực sự, không thể tồn tại cụm từ đó. Không cần phải giải thích. Vậy, danh xưng “nhà dân chủ” xuất hiện khi nào, ở đâu và để làm gì? Khái niệm cần được làm rõ bắt đầu từ định nghĩa sau:

“Bản chất của Nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa là "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", đáp ứng những yêu cầu sau:

1) Nhà nước do nhân dân lập ra thông qua cơ chế phổ thông đầu phiếu và kín.

2) Mọi cơ quan quyền lực Nhà nước đều do nhân dân ủy quyền.

3) Mọi hoạt động của Nhà nước vì lợi ích của nhân dân.

4) Mọi hoạt động của Nhà nước phải được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

5) Nhân dân có quyền bày tỏ sự tín nhiệm với các cơ quan Nhà nước. (1)”

Sau khi đọc những dòng trên, tôi nghĩ, người ta sẽ nhận ra rằng: Một thể chế không đáp ứng được những điều nói trên hoặc vì yếu kém (thực thi dân chủ nửa vời) hoặc vì lợi ích căn bản của thể chế mà nói dối. Xã hội không được đáp ứng nhu cầu bởi tiêu chí nêu trên là xã hội không dân chủ.

Ở Việt Nam, những người muốn “học đòi” dân chủ thực sự sẽ trở thành những người phản kháng nhà cầm quyền bất đắc dĩ. Và những người phản kháng bất đắc dĩ ấy sẽ “được” cho là đang “hoạt động dân chủ” hay ác hơn là “nhà dân chủ” khi mà những hành động của họ được xem là bình thường ở những xã hội có dân chủ. Có thể người nào đó, hoặc một nhóm người tổ chức nào đó nhận ra những “nhu cầu xã hội” không được đáp ứng, họ thấy chữ dân chủ bị lạm dụng để lòe hoặc che đậy một điều khác “dân chủ” nên họ sẵn sàng đương đầu. Chứ chưa chắc (dám) họ đã nhận mình (hoặc tổ chức) là “nhà dân chủ”. Nhưng danh xưng này lại được nhà cầm quyền buộc cơ quan phát ngôn hoặc các công cụ khác áp đặt rất thô thiển cho người hoặc tổ chức như đã nói trên. Chưa hết, ngoài nhà cầm quyền áp đặt, những tổ chức không chính danh khác cũng muốn “gán” thuộc tính này để gọi nhằm mục đích “loại bỏ” lẫn nhau…

Cần phải xác định rõ ràng rằng, “dân chủ hành vi” và “dân chủ tư duy” trước khi gán danh xưng đó cho ai, hoặc tổ chức nào.

Nên phân biệt rõ ràng như thế để thấy tập hợp những người không thích tung hô một chiều theo ý nhà cầm quyền rất đa dạng. Từ chị công nhân bị quỵt tiền lương nhưng lại không được liên đoàn lao động bảo vệ, cho đến một anh phóng viên không muốn bẻ cong ngòi bút theo chỉ đạo ở trên, đến cả một anh giáo sư, bác sỹ trong phòng nghiên cứu...Sự thật là ở một đất nước bị cai trị bởi một nhà cầm quyền độc tài ắt phải có sự phản kháng của rất nhiều con người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ đó hiển nhiên là trình độ văn hoá và nhận thức xã hội của họ cũng khác nhau dẫn đến tiếng nói và cách nói của họ cũng rất đa dạng.

Chỉ là một danh xưng, nhưng hình như ở nước ngoài không có khái niệm “nhà dân chủ”. Bất cứ ai có những hoạt động dấn thân vì xã hội đều được gọi là “activist” hay “combatant” (hiểu theo nghĩa hoa mỹ).

Vì vậy, nên chăng chúng ta hãy nhìn nhận lại danh xưng trên một cách đúng nghĩa?

Sử dụng danh xưng “nhà dân chủ” cho những người đang nỗ lực thay đổi xã hội tốt hơn, dù với mục đích nào, trước hết, cũng là không tốt cho các cá nhân ấy. Họ sẽ bị đẩy vào thế “đối đầu” bất đắc dĩ.

Cố tình sử dụng danh xưng “nhà dân chủ” để gán ghép cho những người có hành động, phát ngôn, quan điểm.. phản kháng lại chế độ cai trị là một sự đánh tráo khái niệm có chủ ý nhằm gộp chung tất cả lại với nhau để dễ bề kết luận: “Đấy, các nhà dân chủ là như thế, đừng mơ gì đến dân chủ tại nước Việt”. Tôi cho rằng, đây là một hành động “vơ đũa cả nắm” đáng bị lên án.

Chỉ có ở đất nước phi dân chủ, hoặc dân chủ nửa vời mới có khái niệm “nhà dân chủ” được sử dụng, hoặc để vẽ lên ước mơ dân chủ qua những con người dám phản kháng, hoặc để gộp chung tất cả sự phản kháng ấy lại nhằm triệt tiêu tính dân chủ dù chỉ trong ước mơ.

Chúng ta không tán thành kiểu “dân chủ cực đoan” nhưng nhìn dân chủ theo kiểu “đa đoan” thì sẽ không bao giờ có được xã hội dân chủ.

Hãy cứ yêu chuộng dân chủ, và cùng nhau nỗ lực vì một nền dân chủ thực sự . Hãy đóng góp, bổ sung cho nhau để hoàn thiện tính dân chủ. Đừng tôn xưng hoặc gán ghép nhau, đừng tạo cơ hội cho những kẻ “cơ hội “ hoặc dân chủ nửa mùa lợi dụng mà triệt tiêu dân trí, cắt đứt gốc rễ dân chủ. Ít nhất những kẻ đó sẽ thừa cơ hội mà ném đá vào những người yêu dân chủ tại Việt nam.

Tôi nghĩ thế!

P/S: Với những điều tôi suy nghĩ như trên hy vọng rằng nhà cầm quyền "nghĩ lại" danh xưng thực của mình. Khi đang tồn tại danh xưng "nhà dân chủ" thì thể chế hiện hành chỉ là một "toàn ánh" của xã hội cũ mà thôi. Hơn chăng ở chỗ đang có và sử dụng các phương tiện văn minh nhân loại hiện đại.

1 comment:

Khuyết Danh said...

Đồng ý với quan điểm của MeNam.

Nặng óc mãi cũng không thấy có từ nào tương xứng với "Nhà Dân Chủ" hơn "Nhà Tranh Đấu vì Dân Chủ" hay "Nhà Hoạt Động Dân Chủ" (cho VN chẳng hạn). Có nhiều lý do tại sao người ta lại nói gọn lại một cách lười biếng và không rõ ràng như thế:

1) Được sử dụng bởi những kẻ bố láo, thành phần cực đoan muốn vỗ ngực xưng danh, tụng nhau nhưng chẳng làm được gì có thể gọi là Tranh Đấu, chẳng qua là chửi bới cho đã nư.
2) Được sử dụng bởi những phần tử ủng hộ XHCN khi đề cập đến nhóm 1 ở trên nhưng không dám nói đến những người chính thức Tranh Đấu quang minh chính đại hòng để bôi nhọ phong trào tranh đấu vì Dân Chủ cho VN.
3) Được sử dụng bởi những người không rành chữ nghĩa cho lắm, nhà Dân Chủ là cái chi chi.... một người có thái độ Dân Chủ? một người theo đảng Dân Chủ? một công nhân của một xã hội Dân Chủ? một nhà đấu tranh cho Dân Chủ? một người có thái độ và cách cư xử rất Dân Chủ?
4) Được sử dụng bởi những thành phần muốn chụp mũ người khác nhưng không dám nhìn nhận đất nước không có Dân Chủ đến nỗi có người phải hoạt động đấu tranh đòi hỏi nó.

Xem ra chúng ta nên tránh sử dụng ba chữ "Nhà Dân Chủ" để khỏi bị gọi là "đồ ngu".