Wednesday, October 26, 2016

Tiềm năng và niềm hy vọng của giới thanh niên trẻ thời Đệ Nhất Cộng Hòa



Tiềm năng và niềm hy vọng của giới thanh niên trẻ
thời Đệ Nhất Cộng Hòa

 Nguyễn Văn Lục


T
UỔI trẻ Miền Nam với những con người trẻ, trai có, gái có, với nếp sống, nếp nghĩ, phản ứng vui buồn, ứng xử trước thời cuộc, trước cuộc đời mà trong đó tôi là thành phần. Viết lại cho mình, cho bạn bè mà cho các thế hệ sắp tới nhìn lại cha anh mình. 

Miền Nam vào thủa ấy có khoảng ngót nghét 11 triệu dân sống rải rác từ Cà Mâu đến Bến Hải. Các cậu thanh niên có cái mốt ăn mặc rất là lạ: Họ mặc quần tây mà áo bỏ ngoài quần. Cậu nào cũng vậy. Còn các cô thì đi guốc mộc to bản như guốc Nhật, nổi bật bàn chân nhỏ bé, được kỳ cọ trắng phau. Xinh quá. Hai ống quần rộng đến chui vào được. Kỳ quá. Chiếc áo Bà ba rộng thùng thình, có hai túi. Hình như sự ăn mặc ấy hoang phí quá, không ăn khớp với thân hình. Bao nhiêu đường cong, đường eo, vùng đồi ngực nở ùn lên, vùng thung lũng hoa vàng bị khỏa lấp và san bằng hết. 

Trong khi đó, gái Bắc thì gọn gàng trong chiếc áo cánh vải phin nõn khít khao hằn lên tuổi con gái bên trong cái yếm. Sức sống vươn lên, lồ lộ hẳn ra. 

Hai tuổi trẻ, hai cách biểu hiện, hai vẻ đẹp. Hai miền hồi những năm 1955. Họ gặp nhau như một định mệnh lịch sử vào cái ngày đất nước bị cắt làm đôi. 

Hiệp định Genève vào ngày 21/7/1954 đã đưa họ lại gần nhau với những cú sốc văn hóa để rồi tìm ra những hòa giải và đồng thuận. 

Dân số Miền Nam vọt lên thêm một triệu người. Tức là tăng dân số Miền Nam lên 8%. Con số 8% quả là không nhỏ. Phải lo chỗ ăn, chỗ ở, chỗ học, chỗ làm ăn sinh sống, chỗ an cư lập nghiệp. Cứ tưởng tượng, mỗi ngày có vài ngàn người đến trong suốt mấy tháng trời. Công việc không hẳn là dễ. Nhưng rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy. 

Và chỉ trong một thời gian rất ngắn, những người trẻ chân ướt chân ráo ấy làm nên nhiều chuyện, nhiều kỳ tích trổi bật trong chính trị, xã hội, nhất là trong lãnh vực văn hóa, nghệ thuật. 

Số phận của họ nay là số phận của toàn dân Miền Nam, chia xẻ những vinh quang cũng như những mất mát, thua thiệt. 

Ở Sài Gòn, ngay khi hiệp định Genève vừa được ký kết, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rũ. Để tang cuộc chia đôi đất nước.[1] Ông Diệm đã ra tuyên cáo cực lực chống đối việc chia đôi Việt Nam. Chỉ sau một ngày, có nghĩa là vào ngày thứ năm 22/7/1954:

Toàn Miền Nam treo cờ rũ. Không chấp nhận cuộc chia đôi đất nước. 

Cả một cuộc đổi đời cho người từ hai phía. Cách biệt và chia lìa. Phía bên kia, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Về ngoại giao, ta đã thắng lợi to: chính phủ Pháp đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta.”[2]

Phía Nam vĩ tuyến 17. Lúng túng. Trước đó, ngày 16/6/1954. Tại Cannes Bảo Đại chính thức cử ông Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng toàn quyền để đối phó với tình hình chính trị nguy ngập. Khi làm thủ tướng, ông Diệm muốn đưa số người di cư lên tổng số 2 triệu người, trong khi đó tướng Ély ước đoán chỉ vào khoảng 200.000 người là cùng. Ông Diệm hẳn là có lý nếu quân đội Pháp tích cực hơn trong việc cứu vớt người tỵ nạn. 

Dù sao, con số gần một triệu người di cư vào Miền Nam, tiềm năng và hứa hẹn của đám mgười trẻ từ 45 tuổi trở xuống thật không nhỏ. 

Ông Diệm có cái lý để kỳ vọng như vậy. 

Và người di cư đã không quên cái ơn ấy. Và đó phải được coi là chuyện bình thường như trăm chuyện bình thường khác. 

Trong khi đó, số người xin di cư hay hồi cư từ Nam ra Bắc chỉ có 4.358 người. Ở đây không kể khoảng 60.000 cán bộ Việt Minh ở lại Miền Nam, rút vào bí mật.[3]

Nay ai đó có về quê thăm, ghé dùm xem Cái Sắn, Hố Nai, Bảo Lộc, vùng ven Bà Rịa để thấy cuộc sống người dân ở đó như thế nào?

Cuộc di cư ấy mở ra cái dấu mốc lịch sử đánh dấu phân chia lằn ranh Quốc–Cộng. Bên này là Quốc Gia, bên kia là Cộng Sản; Tự Do và Độc Tài. Cho nên, khi bước lên tàu há mồm, người di cư nhận được một message rất rõ ràng: Passage to Freedom.
 

Chính vì hai chữ đó mà bỏ quê hương Miền Bắc ra đi. Chết sống ra đi. Liều thân mà đi không cần biết tương lai sẽ ra sao?

Ý nghĩa đó cần được ghi khắc cho thế hệ mai sau để sau này không cho phép bất cứ ai xuyên tạc, phỉ báng cuộc di cư đó. H. Amouroux trong số báo Aurore, ra ngày 4/4/1955 diễn tả đúng cái tinh thần ấy: 

Trong suốt cuộc chiến vừa qua, chúng ta đã nói rằng, mình bảo vệ sự tự do và một số giá trị tinh thần… thì hôm nay, họ cho biết rằng, họ hiểu được thế nào là tự do, dân chủ. Chúng ta, thế giới tự do và không chỉ có nước Pháp, chúng ta có thể nào bỏ rơi những con người đó mặc cho sự trả thù, đem quẳng họ lại vào bàn tay Cộng Sản và làm cho cuộc bỏ trốn kỳ diệu của họ năm 1954 hóa ra vô ích sao?[4]


Đó là cuộc đi tìm Tự Do đến Miền Nam như miền đất hứa mà nhà văn Sơn Nam gọi là miền đất Lạc Thổ. Phải gọi là đất lành hay đất hứa mới thật là đúng. 

Đó là cuộc Nam tiến vì lý do chính trị lớn nhất trong lịch sử người Việt, dân Việt. Đó cũng là bằng chứng không chối cãi được cuộc bỏ phiếu chống lại Cộng Sản bằng đôi chân của 865.000 người di cư từ Bắc vào Nam và chấm dứt vào ngày 12/10/1954 ở Hà Nội. 


Và trong số gần triệu người di cư đó, theo ông Từ Uyên,[5] Bộ Tư Lệnh Pháp đã dành 12 chuyến bay DC4 vào các ngày 12 và 13/8/1954 để chuyên chở giới sinh viên vào Sài Gòn. Cũng theo ông Từ Uyên, ông Ngô Đình Diệm đã từ trong Nam ra Hà Nội để tiếp xúc với giới sinh viên Hà Nội cho việc tổ chức cuộc di cư này qua trung gian của bác sĩ Phạm Hữu Chương. Một cuộc họp ở một biệt thự tại phố Hàm Long gồm có bác sĩ Phạm Hữu Chương, các sinh viên Lương Trọng Cửu, Tôn Thất Cần và Từ Uyên. 

Chính từ buổi họp này đã đưa đến quyết định đưa khoảng 1.200 sinh viên từ Bắc vào Sài Gòn. 

Trong số những thanh niên, thiếu nữ từ Miền Bắc di cư vào, họ là ai? 

Họ là những thanh niên thuộc giới trí thức trẻ như Vũ Khắc Khoan, Trần Thanh Hiệp, Vương Văn Bắc, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Quách Đàm, Hoàng Cơ Long, Tạ Tỵ, Lưu Trung Khảo, Lý Quốc Sỉnh, Nguyễn Khắc Ngữ, Lữ Hồ, Họa sĩ Ngy Cao Uyên, Bùi Đình Nam, Tô Đồng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Trần Kim Tuyến, Phạm Việt Tuyền, Nhật Tiến, Mặc Đỗ, Hiếu Chân, Như Phong và những người trẻ còn ngồi ghế trung học như Đỗ Quý Toàn, Lê Đình Điểu, Duyên Anh. Và hàng vạn thanh niên thiếu nữ khác nữa…

Phía quân đội có các sĩ quan trẻ, cấp úy như Lê Nguyên Khang, Nguyễn Cao Kỳ, Phó Quốc Trụ, Phạm Văn Phú, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Bảo Trị, Hoàng Cơ Minh. 

Phần đông bọn họ, không ai quá 30 tuổi. Họa hoằn trong số ấy như Vũ Hoàng Chương lúc ấy 38 tuổi. Họ đều thành danh, có tên có tuổi ở Sài Gòn sau này. Hầu hết bọn họ trở thành nhà văn, nhà báo, giáo sư đại học, đại sứ, nhà tư bản v.v… Và nếu là sĩ quan thì đều làm đến tướng cả, trừ có Phó Quốc Trụ.
Có nghĩa là cuộc đời họ, sau đó đã nên ông nên bà. 

Tất cả giới trẻ đó sau này phần đông trở thành những tài năng, những tên tuổi trên chính trường Miền Nam Việt Nam. 

Đó là vẻ đẹp, là niềm hãnh diện chung của mọi người. 

Tâm trạng lúc bấy giờ ở Hà Nội là đi hay ở. Ai đi, ai ở? Người ta gặp nhau là để bàn chuyện đi hay ở. Và cũng từ đó bày ra cảnh chợ trời bán buôn giữa kẻ đi, người ở. 

Nói cho đúng ra, Thủ Tướng Diệm ra Hà Nội ngày 30/6/1954 là để quan sát tình hình và để xem xét tổng quát kế hoạch rút quân đội Quốc Gia ra khỏi Bắc Việt đồng thời giải quyết vấn đề người di cư. Người Pháp thì đã có chương trình triệt thoái binh lính Pháp ngay từ đầu tháng 6 rồi. Vì thế, lần lượt quân đội Quốc Gia được rút khỏi Phát Diệm, Bùi Chu, Ninh Bình, Thái Bình vào đầu tháng bảy, sau đó rút khỏi Nam Định rồi Phủ Lý.[6]

Trong công cuộc di cư này, ông Diệm đã phản đối quân đội Pháp đã bỏ bom giết chết hàng ngàn người ở Bùi Chu và rằng đôi khi người di cư phải trả giá 100 đồng cho mỗi người được chở đi. Sách Thập giá và lưỡi gươm, không phải, phải nói là cuốn Dieu et César chỉ viết theo lời thuật lại của dân chúng đã thổi phồng số tiền lên đến 5.000 quan Pháp cho một chỗ trên thuyền bè? Người dân quê lấy đâu ra tiền cho một chồ ngồi trên thuyền như vậy?

Kể từ ngày này, Miền Nam tuổi trẻ thêm đa dạng, chẳng những thêm chất xám từ Bắc vô Nam. Chẳng những có cuộc di cư người mà còn có cuộc di cư chữ nghĩa. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lếch thếch đi theo người di cư xuống tầu há mồm vào Miền Nam mà nay có thể có chữ còn chữ mất. 

Vào đến Miền Nam, Mai Thảo viết Đêm giã từ Hà Nội. Để nhớ hay để quên? Và dưới mắt nhìn của Trần Văn Nam thì Đêm giã từ Hà Nội là tiêu biểu cho văn nghệ thời kỳ này, vì nó manh nha một lối hành văn mới, một nghệ thuật mới. 

Trần Mộng Tú sau này xót xa Hà Nội:
Lâu lắm em mới về Hà Nội
Đi trên viên gạch tuổi thơ ngây
Gió mùa đông bắc làm em khóc
Hà Nội, anh ơi phố rất gầy.[7]
Và ta hãy làm thinh lắng nghe:
Tôi xa Hà Nội năm lên 16 khi vừa biết yêu...
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu sắc vui, nhưng riêng một người...
Hà Nội ơi...
Và mỗi một người trẻ rời Hà Nội đều mang theo một mảnh Hà Nội qua hội họa, thi ca, tiểu thuyết hay âm nhạc. 

Thêm vào đó, còn có một số không nhỏ giới thanh niên trẻ đã học thành tài tại các nước Tây phương trở về với chính phủ Miền Nam. Đây đã hẳn không phải một cuộc di cư mà là một sự chọn lựa chính trị, chọn lựa giữa Cộng Sản và Quốc Gia. Chọn lựa đứng về phía độc tài này hay phía tự do. Theo Nguyên Sa Trần Bích Lan kể lại chỉ có một nữ sinh viên dược tên Thẩm Hoàng Thư trong số các bạn bè của ông chọn về Hà Nội. Mà lý do chọn lựa hiểu được, vì bố mẹ cô ở lại Hà Nội. Đó là gia đình ông Thẩm Hoàng Tín, gia đình khá nổi tiếng mà đã có một thời ông Thẩm Hoàng Tín làm thị trưởng Hà Nội. 

Trong hồi ký của Võ Long Triều cũng có nhắc lại giai đoạn ấy, nhiều giới trẻ do dự trong quyết định giữa ở lại Pháp hay về Miền Nam. Phần những người trẻ đã chọn Miền Nam, kẻ trước người sau lần lượt rủ nhau về. Tên đứng hàng đầu của họ là Nguyên Sa Trần Bích Lan, Cung Trầm Tưởng, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Khắc Dương (em của Nguyễn Khắc Viện), Lê Thành Trị, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, Đỗ Long Vân, Nguyễn Khắc Hoạch hay Trần Hồng Châu, Nguyễn Bình An, Nguyễn Huy Lịch, Hải Linh, Ngô Duy Linh, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Quang Lãm, Nguyễn Đình Đầu, Trần Thái Đỉnh, Trương Bá Cần, Bùi Xuân Bào, Võ Long Triều, Huỳnh Văn Lang (Ở Mỹ về do lời kêu gọi của ông Diệm), Nguyễn Văn Trường, Trương Công Cừu, Nguyễn Văn Hanh v.v... Kể sao cho vừa.
Cuộc di cư ngót một triệu người đó với giới trẻ miền Bắc cộng với các giới trẻ sẵn có ở Miền Nam và các giới trẻ thanh niên về từ Âu Châu đã thay đổi phần lớn bộ mặt Miền Nam về xã hội, nếp sống, sinh hoạt kinh tế và nhất là văn học nghệ thuật.

Về nếp sinh hoạt

Bộ mặt Sài Gòn, lúc 1955, người ta còn thấy những thầy cảnh sát được gọi là mã tà, đứng huýt còi ở các ngã tư đường. Vậy mà chẳng bao lâu chữ gọi mã tà đó đã biến mất. 

Và sau này, sẽ còn nhiều cái biến mất như thế. 

Người ta vẫn còn thấy những xe thổ mộ đủng đỉnh, kêu lóc tóc vui tai với các lục lạc của xe ngựa kéo trên các con đường từ chợ Bến Thành xuống tận Ngã Tư Bảy Hiền, hay từ Bến Thành đi chợ Bà Chiểu. Nó vẫn như ngang nhiên thách đố với các tuyến đường xe buýt nay đã chật ních người. Nó vẫn có những khách hàng quen thuộc là những người thuộc giới bình dân, giới buôn thúng bán mẹt. 

Nó chỉ dần dần biến mất lúc nào không ai hay khi mà những chiếc xe Lambretta ba bánh nhập cảng từ Ý đã được chế biến lại cùng chạy trên những tuyến đường đó. Xe lam nhanh hơn, chở tới 12 người, 10 người ngồi ở đằng sau, khi cần, có thể ghé thêm hai người ngồi bên cạnh tài xế. Vậy tất cả là 13 người chứ không 12. Xe lại có nhiều chuyến hơn, cứ đầy là chạy và ngồi thoải mái hơn. 

Đặc biệt bên hai thành xe có ghi hai câu: “Hữu sản hóa, đợt tự chủ”. Nếu tôi nhớ không lầm chính sách hữu sản hóa này là ở dưới thời ông Kỳ làm thủ tướng. Nhưng xe xích lô ba bánh, xích lô đạp, đặc sản Miền Nam vẫn tồn tại trong suốt 20 năm Miền Nam còn lại. 

Người trung thành nhất với xích lô đạp, phải chăng là thi sĩ Vũ Hoàng Chương? Có thể ông nghèo vì hút thuốc phiện, nhưng mỗi lần đi dạy ở trường Chu Văn An ông luôn luôn đến trường bằng xe xích lô đạp. Quần áo luôn luôn là ủi thẳng nếp, thắt cravate, tay áo manchette bằng vàng, đầu chải bóng.
Người chạy xích lô đạp thường tranh nhau mời ông không phải vì ông là thi sĩ, mà vì người ông nhẹ như bấc. Không chắc ông có cân nặng bằng nửa số ký của người khác không? 

Tác giả Lửa Từ Bi hồi 75 đã đi tù Cộng Sản. 

Ông nhẹ như bấc, không biết người cộng sản sợ ông nỗi gì, sợ một người nhẹ như bấc mà đầy đọa ông trong tù. Hỡi những kẻ ngồi lom khom viết bài bênh “cụ Hồ” nghĩ gì về việc đầy đọa trong tù một thi sĩ trói gà không chặt? Lúc họ thả thì vài ngày sau, ông giã từ cõi thế. Chắc ông cũng chả muốn sống làm gì?

Và có ai ngờ rằng, xích lô đạp vẫn có chỗ của nó sau hơn nửa thế kỷ sinh tồn. 

Sau ‘giải phóng’, rất nhiều nhà văn, nhà báo, chuyên viên, giáo sư đổi ra đạp xích lô. 

Đó cũng là một góc cạnh về thế hệ thanh niên Miền Nam đọa đầy dưới gót của đôi dép râu?

Và tự nhiên nay nó trở thành biểu tượng nếp sống văn hóa của một thời. Hà Nội nay nhan nhản xích lô đạp dành cho khách du lịch chạy vòng vòng quanh khu phố cổ Hà Nội. 

Người ngoại quốc danh tiếng nào đến Việt Nam thì cũng có dịp ngồi trên đó cả. Mới đây vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie cũng có dịp ngồi xe xích lô cho biết mùi vị Việt Nam. 

Nhưng cái đổi thay rõ nét nhất là cái áo dài con gái thay thế cho chiếc áo bà ba, chiếc quần hai ống rộng. Chẳng bao lâu sau, chẳng biết từ lúc nào toàn Miền Nam mà đặc biệt các nữ sinh trung học, từ Sài Gòn ra Trung, từ Sài Gòn xuống Lục Tỉnh. Chỉ áo dài là áo dài. Áo dài Trưng Vương, áo dài Gia Long, áo dài Nguyễn Bá Tòng, áo dài Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt, áo dài Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, áo dài Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, áo dài Nữ Trung Học Nha Trang và nhất là áo dài Đồng Khánh Huế.
Và nó cũng mở đầu cho thiên tình khúc tuyệt vời Ngày xưa... Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư:
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ..
Anh đi theo hoài
Gót giày thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Bước em thênh thang
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mây mầu
Chân tìm theo nhau
Còn là vang vọng…

Nó biểu tượng cho cái gì tinh khiết, trinh nữ, tinh tuyền và mời gọi. Nó che giấu bằng hai vạt áo dài mà như thể mở, biện chứng kín mà hở. Nó mời mọc mà kín đáo chối từ, nó bày tỏ phái tính, sexy đến ứ cổ họng với nét nổi lên của chiếc quần lót hằn lên tuổi dậy thì. Không có y phục phụ nữ nào trên thế giới lại sexy đến như thế. Ngay cả sau này với mini-jupe cũng không sánh bì. 

Nó không cần đến những Cardin, Courrèges, St. Laurent, Paco Robanne. Cùng lắm, nó chỉ thua Le Panty, Monokini, quần lót Le Petit Bâteau của thập niên 1970 Nhưng những thứ này phải “ăn gian” từng centimét mới có được như thế. 

Áo dài không ăn gian. Cạnh đó là hàng nút bấm mong manh như lối ngõ vào bên trong nằm hở ra cạnh sườn. Nó không những chỉ là một nét đẹp con gái mà nó trở thành biểu tượng cho một nếp sống văn hóa Việt Nam. 

Sau này, không biết bao nhiêu những tranh ảnh, bìa báo xuân, báo tết chụp hình các thiếu nữ trẻ Miền Nam trong chiếc áo dài truyền thống đó. 

Và người ta có thể hãnh diện về điều này mà không có gì phải hổ thẹn khi nói đến. 

Tuổi thanh xuân thiếu nữ đi liền với nét đẹp con gái ấy. Nó phản ánh thế hệ thanh thiếu nữ thời ấy mà hễ bất cứ ai không còn là con gái, xồ xề một chút, vùng đùi, vùng mông nở nang một chút là mặc áo dài thường khó coi. 

Sự đòi hỏi của tôi có khắt khe quá chăng? Nhưng chính sự đòi hỏi khắc nghiệt ấy làm tăng giá trị chiếc áo dài Miền Nam tuổi trẻ. Nhiều phụ nữ các bà mặc trong các dịp lễ hội. Thấy làm sao. 

Rất tiếc sau 75, ra ngoài đường, Sài Gòn vắng bóng chiếc áo dài. Cũng là vắng bóng tuổi trẻ Miền Nam? Hay tuổi trẻ Miền Nam không còn nữa? Người ta không còn phân biệt ai là con gái, ai là đàn bà được nữa đến như thể ai cũng là đàn bà, đến như thể ai cũng mất cả rồi. 

Khi không còn những áo dài đó, Sài Gòn buồn thiu. Như cây rừng không còn lá. 

Tuổi trẻ Miền Nam thời ấy biểu tượng vẫn là hình ảnh cô thiếu nữ mặc áo dài trắng quần trắng. Đừng thứ mầu khác, đừng xanh đỏ lòe loẹt. Vén tà áo dài sang bên, hở một bên, kín một bên, cho thấy đùi trinh nữ, cho thấy tuổi dậy thì, hai đùi nhẹ khép lại khi bước đi hay khi ngồi trên chiếc xe vê-lô xô-lếch thời thượng.
Bây giờ, tôi không thấy những bước đi kiêu sa thiếu nữ như thế nữa. Đó là hình ảnh cô gái, mình ong thon thon ngồi trên chiếc xe Solex trông giống như một con bọ ngựa biết bay. Phất phới, tung gió, nhẹ lướt, mái tóc hất lại đằng sau, đầu buộc bím mầu xanh tím, để lại đằng sau những cái nhìn dõi xuôi bắt không kịp. Và những đôi mắt thèm thuồng. 

Luce Irigaray gọi đó là một chuỗi diễn hành phái tính (Mascarade de la féminité).
Xin mượn lời thơ của Nguyên Sa:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
Em cười tà áo bay trên
Đám mây ở dưới nỗi phiền muộn xa
Anh ngồi chỗ hẹn hôm qua
Đám mây ngồi cạnh bài thơ nhẹ nhàng,
Giấc mơ mặc áo lụa vàng
Nơi anh nằm ngủ có hàng thùy dương
(Nhẹ nhàng)[8]
Trong khi đó thì những cậu con trai cỡi xe Vespa, đời ED, đôi kính mầu đen, chiếc áo Montagu, mầu xanh đậm rồ ga hay lượn uốn éo. Nếu Solex là con gái, thì Vespa là con trai. Nếu Solex là con bọ ngựa thì Vespa là con bọ hung. Solex là nữ tính, Vespa là nam tính.[9]

Nếu con gái ăn quà thì con trai bát phố. Bát phố phải chăng là nói nhại từ tiếng Pháp “battre le pavé”? Thôi thì là gì cũng được. Và xin mượn lại chữ nghĩa của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng:
... Từ xa phố chợ đến giờ
Chân thôi bỏ lệ gõ bờ lộ quen[10]

Bát phố là một thứ giải trí chiều thứ bảy của con trai Sài Gòn. Mà điều căn bản là có mặt. Làm gì, bận bịu gì cũng bỏ, đi Bonard bát phố. Sinh viên, học sinh các lớp tú tài, lính tráng đi hành quân ở xa về, công chức các bộ, các nha đều đi dạo phố, ngắm người hay “rửa mắt”. Mà phần lớn bọn họ là độc thân, chưa có vợ con. Nếu sang một tí thì vào Givral ngồi, tàm tạm thì một ly nước mía Viễn Đông cũng xong. 

Đi dạo phố trở thành một thói quen, một nếp sống của con trai Sài Gòn. Ngoài Sài Gòn, tôi chỉ thấy ở Huế có sinh hoạt bát phố tương tự. Nhưng ở Huế, số con gái đi dạo phố kể là đông và đi từng nhóm hai ba cô. Họ sợ bị bắt nạt chăng? Cô nào cũng có chiếc nón không phải để che nắng, che mưa mà để che cái nhìn trộm của con trai. Gái Huế đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo mới thật là một diễn hành phái tính. 10 lần ra Huế thì y như rằng ra đi là để lại một cái gì?

Con gái biểu tượng nhất, cái “look” theo nghĩa bây giờ là hình ảnh cái thân hình dong dỏng, lưng thẳng, găng tay trắng, cặp kính mầu, áo dài trắng, phải áo dài trắng mới được, mới con gái, mới trinh nữ, mới thanh khiết. Vạt áo dài phía sau vắt ngang sang bên kia để hở một bên phần đùi trông cộn hẳn lên trên chiếc VéloSoleX mầu đen. Đi xe vê-lô xô-lếch chứng tỏ con nhà khá một tí, sang trọng và đài các. Cái dáng ngồi solex trông rất con gái, rất phái tính. 

Người phụ nữ sinh ra là để như vậy. Les femmes seraient faites ainsi. 

Quyến rũ bằng chính thân xác mình. 

Nhờ áo dài đó mà phụ nữ, cô nữ sinh trở thành phụ nữ hơn. La robe lui permettait de devenir plus féminine. Phải nói là thời thượng và ấn tượng lắm. Cộng thêm cái thói ăn quà vặt. Ăn quà vặt là rất con gái, rất trẻ, rất bắt mắt. Khi cô nữ sinh ăn quà thì tưởng là ăn quà thật. Nhưng đôi khi cũng chỉ là cái cớ sự cho sự trình diễn, sự được nhìn. Nó như chờ đợi một điều gì đó. Điều mà Thị Nở đã chờ đợi từ tuổi 15, 16 thời con gái, nay đà 30 và bao nhiêu thế hệ con gái cũng đã chờ đợi như thế. Như cơn mưa mùa hạ. Như chồi non hé nụ. Như em chờ anh lúc này. Chí Phèo chỉ đến hoàn tất công việc chờ đợi ấy. 

Cuộc đời đôi khi đơn giản là như thế. 

Ngoài hai thứ đó ra, con gái cũng đi dạo phố. Con trai đi dạo phố là để ngắm. Con gái đi dạo phố xuất hiện như một trình diễn, ăn diện, mốt, kiểu để được nhìn, để được thừa nhận, để nhận phần lớn là những lời tán tỉnh, khen tặng. 

Đó là cả một cái guồng máy của sự xuất hiện. “l’engrenage du paraitre”.
Và cuối cùng, thú vui giải trí chung cho cả con trai lẫn con gái vẫn là ciné và tiệm sách. Ciné là nơi hẹn hò để trai gái gặp nhau cuối tuần để trò chuyện, để tỏ tình, để lén lút hôn nhau. Những nụ hôn mật ngọt ấy. Quên sao được. Những mối tình của giới trẻ thời đó đến đó và dừng lại ở đó. Sau đó để lại một chút gì. Để kỷ niệm, để nhớ, để mãi mãi là như thế. 

Nay gặp nhau cuối đời, lòng như chợt tỉnh, như trấu ủ bếp lửa bừng lên từ đám tro tàn. Gặp nhau muộn phiền, thương hoài ngàn năm. 

Viết đến đây lại chợt nghĩ đến Nguyên Sa. Ông đã nói hộ cho tuổi trẻ Sài Gòn:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng
Tuổi trẻ Miền Nam là như thế. Lành mạnh mà không thiếu lãng mạn, tình tứ. Dắt tay nhau mà đi. Làm thơ tình. Gởi gắm nhắn nhe.
Chân díu bước mà mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám quay đi
Cả những giờ bên lớp học trường thi
Tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc
(Tuổi mười ba)
Nhưng may thay, mọi người Việt Nam, nhất là thanh niên, giới trẻ, lúc bấy giờ đều có một giấc mơ là làm thế nào để có một Miền Nam phát triển và phú cường để đối địch với Miền Bắc. 

Và mặc dầu còn có những bất cập đủ thứ, tôi vẫn phải nhìn nhận rằng, những năm tháng còn lại, kể từ ngày ấy, mỗi giây phút năm tháng sống, học hành, lớn lên thành người thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam vẫn là những năm tháng ân sủng cho tuổi trẻ của tôi và những bạn bè cùng trang lứa. 

Chúng tôi đã lớn lên từ đó, trở thành người hữu dụng cũng từ đó. 

Như lời Phạm Duy tỏ bày

Dưới thời Cộng Hòa thứ nhất, từ khi chế độ nhà Ngô thành lập và tiến dần tới thời thịnh trị rồi mạt vận, Miền Nam, nếu chưa được là thiên đường của đông đảo văn nghệ sĩ đi tìm tự do thì cũng là nơi đất lành chim đậu. Một thế hệ văn nghệ sĩ mới đã thành hình và hoạt động dữ dội bên những vị đàn anh di cư từ miền ngoài. Phòng trà, tiệm bánh, quán nước như Kim Sơn, Mai Hương, La pagode, Givral, Brodard … là nơi không hẹn mà văn nghệ sĩ tới gặp nhau hằng ngày.[11]

Trong 9 năm Tổng Thống Ngô Đình Diệm cầm quyền, chỉ có 3 lần có những biến động chính trị. Nhưng chỉ riêng năm 1964, có 13 lần Miền Nam rơi vào những biến động có thể làm lung lay nền Cộng Hòa. Nói như thế để thấy rằng sự ổn định chính trị nằm ở thời điểm nào. 

Người nào không nhìn nhận những điều ấy thì chỉ thiệt thòi cho chính họ thôi, bởi vì họ tự mình bôi xóa tuổi trẻ của chính họ. Nhiều người đã bôi xóa như thế để chạy theo vài ảo tưởng chính trị, hoặc nếu ở ngoại quốc thì chạy theo những xu hướng thiên tả vốn chẳng dính dáng gì đến thực tế chiến tranh Việt Nam. 

Phần tôi nghĩ rằng, chúng tôi không bước đi những bước đi đơn độc. 

Chúng tôi có bạn đồng hành, đồng trang lứa, có những người lính, người sĩ quan VNCH cùng lớn lên ở đấy, đang xả thân thay cho chúng tôi. Và cho dù cuối cùng để mất Miền Nam thì những giá trị tinh thần ấy vẫn còn đó. 

Một người bạn của tôi, anh LTL, từ miền Bắc di cư sang đây thường nói: “Các anh ngốc lắm, các anh thua Cộng sản là phải. Các anh sướng mà không biết. Ngoài Bắc chúng tôi đói khổ, rồi nạn đấu tố trong cải cách ruộng đất những năm 1955-1956. Gia đình chúng tôi tan nát.” Và anh khóc. Cứ nói đến đó là anh khóc. Phải sống với Cộng Sản mới biết. Tôi vẫn nghĩ rằng những anh em bên Đông Âu, họ hiểu thâm sâu thế nào là người Cộng Sản hơn bất cứ ai khác.

Điều nên lưu ý là tòa đại sứ Hoa Kỳ đã được lệnh hủy công điện đánh đi vào ngày 27/4/1955 với nội dung “thay thế Diệm”. Vì thế ngày 1/5 khi Collins lên đường qua Việt Nam thì ngoại trưởng Dulles đã chỉ thị phải ủng hộ ông Diệm vô điều kiện. 

Ngày 5/6, quân đội Quốc Gia tấn công Hòa Hảo. 13 ngày sau, tướng Nguyễn Giác Ngộ và 5 tiểu đoàn Hòa Hảo ra đầu hàng. 

Ngày 13/7/1956, Ba Cụt bị bắt ở Chắc Cà Đao và bị kết án tử hình. Chính phủ VNCH dẹp yên được giáo phái chống đối chính quyền trong suốt hai năm. 

Ngày 26/10 được chọn là ngày Quốc Khánh của Việt Nam Cộng Hòa.[12]

Cho đến giờ này, vẫn còn những nghi vấn về cái chết của tướng Trình Minh Thế và kẻ gây ra những nghi vấn ấy không ai khác hơn là cán bộ Cộng Sản Lê Trọng Văn.

Cuộc biểu tình chống hiệp thương và chống phái đoàn quân sự Bắc Việt tại khách sạn Majestic

Nay ít người còn nhớ đến chuyện này. Xin nhắc lại để thế hệ mai sau hiểu rõ hơn công việc tranh đấu của giới trẻ thời đó. Đã nhiều lần Hà Nội đề cập đến vấn đề tổng tuyển cử nhưng chính phủ ông Diệm không ký hiệp định Genève nên không nhất thiết phải thi hành. Ngày 16/7/1955, ông Diệm tuyên bố trên đài phát thanh là không chấp nhận tổng tuyển cử. 

Nhưng Phạm Văn Đồng đã gửi thư cho ông Diệm yêu cầu mở hội nghị hiệp thương từ ngày 20/7/1955 như đã quy định trong Hiệp định Genève.[13] Vì thế, ngày 20/7/1955, chính quyền có tổ chức một cuộc biểu tình do sinh viên học sinh tham dự nhằm chống lại phái đoàn quân sự do Văn Tiến Dũng cầm đầu. Chúng tôi còn nhớ rằng cuộc biểu tình đó phần lớn là do giới sinh viên tại Học Xá Minh Mạng và học sinh Phú Thọ Lều tham dự. Nó không phải một cuộc biểu tình tuần hành bình thường bất bạo động. Trái lại, nó có tính cách bạo động với gậy gộc, đốt phá, những nệm giường được quẳng xuống từ trên lầu khách sạn Majestic và khách sạn Galliéni. Đoàn biểu tình do sinh viên phát động đã đập phá đến tan hoang khách sạn Majestic và khách sạn Gallieni đường Trần Hưng Đạo. Phần Văn Tiến Dũng sợ hãi đã bỏ trốn về Gia Định và sau đó được người Pháp giúp đỡ để ra trở lại miền Bắc. 

Việc biểu tình đốt phá này dù sao cũng chứng tỏ cho thấy giới sinh viên, học sinh đã tích cực tham gia vào các sinh hoạt chính trị trong nước, đồng thời chấm dứt mọi mưu toan về phía Bắc Việt muốn tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào năm 1956 sắp tới đây. Như lời ông Từ Uyên viết như sau: 

Khi trở lại Sài Gòn, tôi thấy sinh viên không thể ngồi yên chỉ lo việc học hành hay quẩn quanh trong vài công tác xã hội, hay vài hoạt động thể thao, mà phải nhập cuộc tham gia việc bảo vệ Miền Nam tích cực hơn.[14]
Trong khi đập phá như thế thì một phụ tá của Văn Tiến Dũng đã bị thương. Hồ Văn Anh, tức Hoàng Anh Tuấn là người đã bị thương đến chột một mắt. 

Sau này, đại tá Hoàng Thụy Năm, đại diện VNCH bên cạnh ủy hội Quốc Tế Đình Chiến ở Việt Nam đã bị Việt Cộng ám sát. Chẳng hiểu việc ám sát này nhằm mục đích gì? 

Thật ra, đây chỉ là một hình thức cảnh cáo và dằn mặt bọn Cộng Sản và chấm dứt mọi liên lạc về vấn đề hiệp thương. 

Ông Lâm Lễ Trinh viết trong bài “Ký ức 50 năm sau” như sau: 

... Ngày 20/7/1955, chính phủ Diệm tuyên bố không chấp nhận chuẩn bị tổng tuyển cử qui định bởi hiệp ước Genève. Với sự cộng tác của Bộ Nội Vụ do người viết phụ trách, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại để đuổi về Bắc phái đoàn Văn Tiến Dũng trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (gồm có Ba Lan và Ấn Độ). Văn phòng đại diện CS đặt tại khách sạn Majestic, Bến Bạch Đằng. Majestic bị phóng hoả, gây thiệt hại trên 5 triệu bạc, cũng như một khách sạn khác mang tên Galliéni ở đường Trần Hưng Đạo. Văn Tiến Dũng và các đồng chí thoát thân về trại của chúng ở Gia Định, bên cạnh nhà thương Nguyễn Văn Học. Nhiều ngày liên tiếp, đồng bào di cư, sinh viên, học sinh... cô lập họ bằng những lời chửi rủa thậm tệ. Điện, nước, lương thực bị cúp hoàn toàn. Cuối cùng Ủy Hội liên lạc với chính phủ xin bảo đảm cho phái đoàn Bắc Việt rời Sài Gòn. Tổng Nha Cảnh sát / Công An cho những chiếc xe nhà binh bít bùng chở chúng lúc trời hừng sáng đến Tân Sơn Nhứt dưới sự đả đảo vang dậy của quần chúng. Tác giả bài này đích thân đến phi trường kiểm soát mọi thủ tục. Vào lúc máy bay Ủy Hội sắp cất cánh, một sĩ quan CS hốc hác, đầu đội nón cối, không mang phù hiệu, bước đến chào người viết theo lối nhà binh, tự xưng là thiếu tá Văn Tiến Dũng. Y tỏ lời cám ơn giúp phái đoàn ra đi trong trật tự.

Sinh hoạt văn học, nghệ thuật Miền Nam thập niên 50 đến năm 1963 của giới trẻ

Cuộc di cư ấy chẳng những đem sức người vào mà còn đem theo cả một “thủ đô văn hóa “ theo nó nữa. Những người có sẵn tiếng tăm như các thi sĩ Vũ Hoàng Chương với hành lý đem theo là Thơ Say:
Em ơi, lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai. 

Và không thể không nhắc tới Đinh Hùng với Tự tình dưới hoa... Thêm vào đó là những tiềm năng không thể chối cãi được: Mai Thảo và những tên tuổi nối tiếp như Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu, Quách Thoại, Nguyễn Bắc Sơn và cứ thế, cứ thế tiếp nối Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, Du Tử Lê, Trần Lê Nguyễn, Sao Trên Rừng cũng là Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Mạnh Côn, Thạch Chương, Nguyễn Nghiệp Nhượng và nhừng nhà văn như Thế Uyên, Duyên Anh, Nhật Tiến. Những nhà văn trên đã cùng với các nhà văn Miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Sơn Nam, Quách Tấn, Nguyễn Văn Sâm, Lê Ngọc Trụ tạo thành Văn Học Miền Nam. 

Đã một thời. Đã một tên tuổi. Đã một gia tài văn học. 

Chẳng lạ gì Mai Thảo trong số Sáng Tạo số 1, tháng 10/1956 đã mở đầu bằng lời tuyên bố: “Sáng Tạo thay thế cho Hà nội, từ một đô thị Miền Nam trở thành thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước. Sài Gòn sáng tạo và suy tưởng.” Tiếp theo là những Văn Hóa Ngày Nay. Bách Khoa, Hiện Đại, Nhân Loại, Văn Học.
Mai Thảo với Sáng Tạo lúc bấy giờ muốn làm mới văn học, chủ trương “một nghệ thuật hôm nay”. Nghệ thuật hôm nay thế nào thì chưa biết, chỉ biết rằng nó mở đường cho Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Nghệ Thuật ra đời. Và như trong một cuộc phỏng vấn sau này, 1971, Mai Thảo đã nhìn nhận Tờ Sáng Tạo là của những thí nghiệm và những mở đường.[15]
 
Nhưng sự có mặt của Sáng Tạo và những nhà văn trẻ vô tình đã đẩy lui một số khuôn mặt quen thuộc những nhà văn, nhà thơ cũ vào im lặng. Họ là những Đông Hồ, Vũ Bằng, Quách Tấn, Thiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Tam Lang, Vi Huyền Đắc, Hô Hữu Tường và đặc biệt ngay cả Nhất Linh với tờ Văn Hóa Ngày Nay.
Khi số báo đầu tiên của Văn Hóa Ngày Nay ra ngày 27/6/1958, đã bán được 10.000 số. Sự tò mò háo hức tìm lại Tự Lực Văn Đàn nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng: Vẫn thế. Vẫn như thời 40-55. Không ai ngờ, sau đó, độc giả bỏ rơi Nhất Linh. 

Chưa có thời kỳ nào mà văn nghệ Miền Nam nở rộ như thế.

Về báo chí:

Có tờ Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận với nhiều cây viết bình luận có tài như Hiếu Chân, Hà Thượng Nhân. Sau này có Ao Thả Vịt, báo Sống của Chu Tử, Thương Sinh, tức Duyên Anh của tờ Xây Dựng. Các báo trên nhấn mạnh vào phạm vi chính trị, về tin tức thời sự thế giới. Các báo của người Miền Nam thường chú trọng câu độc giả ở những truyện tiểu thuyết tình cảm xã hội hay tiểu thuyết chưởng Kim Dung, kiếm hiệp như tờ Sài Gòn Mới của bà Bút Trà.

Về nhạc

Có Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Thẩm Oánh, Phạm Đình Chương với ban hợp ca Thăng Long Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng với bản nhạc Được mùa.. 

Quả thực, đó là giai đoạn văn học được mùa của Miền Nam Việt Nam. 

Các ca sĩ dạo ấy, ngoài ban hợp ca Thăng Long, có Thu Hương, Lệ Thanh, Thanh Thúy hát cho phòng trà Đức Quỳnh ở đường Cao Thắng. Tiếng hát Anh Ngọc gần như mỗi ngày trên đài phát thanh Sài Gòn. Tiếng hát Thanh Thúy được coi là giọng ca ma quái nhất. Thanh Thúy nổi tiếng một thời với bản Phố buồn của Phạm Duy. Hoàng Thái Linh, tức Nguyễn Văn Trung đã dành hẳn một bài trong cuốn Nhận Định 1 và trong tạp chí Hành Trình số 1, 1964 với bài viết “Ảo ảnh Thanh Thúy”. Bài viết như một tố cáo xã hội phòng trà:
Thanh Thúy đã chỉ được tiếng, được thích như một người đàn bà biết gợi những nỗi buồn giả tạo của một xã hội giả tạo, một xã hội giả vờ quên thực tế, quên sự nghèo khổ bất công ở ngay bên lề đường, cạnh cửa ra vào phòng trà, tiệm nhảy, quên tiếng súng bom đạn bắn giết đằng xa, ngoài kia và coi sự giả vờ đó là thật.[16]
“Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em.
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên.
Qua mấy gian không đèn.
Những mái tranh im lìm,
Đường về nhà em tối đen.”

Ca nhạc Miền Nam phát triển theo nhịp sống của đài phát thanh và nhất là các phòng trà. Ở mỗi phòng trà quy tụ một số ca sĩ. Và nhiều người trong đám họ danh tiếng nổi lên từ các phòng trà đó. Và cũng nhiều bài hát được phổ biến qua các phòng trà. 

Phạm Duy là người thông thạo lãnh vực này hơn ai hết. Theo ông, có nhà hàng Văn Cảnh xuất hiện một số ca sĩ như Minh Trang, Thái Thanh, Anh Ngọc, Mộc Lan, Tâm Vấn, cặp Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm. Rồi những tên phòng trà như Đức Quỳnh, Trúc Lâm, Tabarin, Bacara, Tự Do, quán Anh Vũ góp mặt.
Những ca khúc được ưa chuộng cũng từ các phòng trà này mà ra như Tiếng sáo thiên thai, Phố buồn, Mùa thu Paris.
 
Những nữ ca sĩ nổi tiếng cũng từ đây mà ra như Lệ Thanh, Kim Chi, Thu Hương, Thanh Thúy, Kim Vui, Thanh Lan, Lệ Thu nổi tiếng qua bài Ngậm ngùi. 

Một thế hệ ca sĩ trẻ nữa tiếp nối ra đời sau thời ông Diệm và nhất là khi người Mỹ có mặt đông đảo ở Việt Nam. Với Jo Marcel, Julie Quang, Ngọc Chánh, Thanh Lan…

Trong đó có hai phòng trà nổi tiếng nhất là phòng trà Khánh Ly, “nữ hoàng chân đất” với các tình khúc Trịnh Công Sơn. 

Phòng trà Đêm Mầu Hồng với ban hợp ca Thăng Long, với tiếng hát Thái Thanh.[17]

Nhìn để thấy ra rằng sinh hoạt phòng trà chỉ là cái sân sau, hay mặt trái của chiến tranh Miền Nam. Đó là nơi chốn phù du mà người ta đến đó để quên phiền, trút bỏ lo âu, đế để quên tiếng bom đạn, quên những cái chết ngoài mặt trận. Đó là một hình thức phản chiến bằng tình cảm, bằng ru ngủ. 

Và cũng không phải tất cả giới thanh niên trí thức thành thị đều phải có mặt ở đó. 

Không, ngàn lần không. Một thiểu số rất nhỏ những kẻ có tiền, đêm đêm tìm quên lãng trong thuốc lá, cà phê, trong ánh đèn mầu ma lực, trong tiếng hát rên siết, hay thì thầm của Thái Thanh hay Khánh Ly. 

Tiếng hát ấy thì chiến tranh ấy. Một thứ chiến tranh ác liệt và một thứ ru ngủ êm dịu. Hai thứ đó cần đến nhau trong cuộc chiến này. 

Phạm Duy nhận xét cũng không sai. Đó là nhạc ma túy, nhạc thở dài. 

Bên cạnh không khí phòng trà, có những điều vui vẻ, có những dấu hiệu đáng mừng, tươi mát. Đó là ban Việt Nhi do nhạc sĩ Nguyễn Đức thành lập của đài phát thanh Sài Gòn. 

Đó là các nữ ca sĩ mầm non, tuổi học trò, ngây thơ và trong sáng, tươi vui và lành mạnh. Xuất phát từ ban Việt Nhi sau này có rất nhiều tên tuổi đều bắt đầu bằng chữ PHƯƠNG như Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm. Ngay cả Thanh Lan, hồi còn trẻ cũng hát cho Ban Việt Nhi. 

Đây là điểm son của Đài Phát Thanh Sài Gòn và một sự trân trọng đối với nhạc sĩ Nguyễn Đức. 

Sau khi ông Diệm bị sát hại, Miền Nam rơi vào tình trạng xáo trộn về mọi mặt. Giới trẻ mất niềm tin và trở thành những thành phần trí thức thiên tả. 

Cái chết của ông Diệm là một khúc quanh lịch sử mà trước đó là cái chết bằng thuốc độc của nhà văn Nhất Linh.


[1] Trích Le Dragon d’Annam của vua Bảo Đại, trang 333.
[2] Trích trong “Nhìn lại 60 năm tranh đấu cho Việt Nam”, Hồ Sơ Đệ Tứ, tập 3, trang 318, Nhóm Đệ Tứ VN tại Pháp.
[3] Đọc thêm 1945/1995, Lê Xuân Khoa, trang 266-276.
[4] Trích lại trong Thập giá và lưỡi gươm, Trần Tam Tỉnh, trang 111. Linh mục Trần Tam Tỉnh là giáo sư đại học Laval, tỉnh Québec. Cuốn sách vừa kể trên thật ra chỉ là cuốn sách dịch từ cuốn Dieu et César, Paris, thánng 10/1978. Và bằng một cách không lương thiện, Vương Đình Bích, một linh mục quốc doanh dịch trẹo ra Thập giá và lưỡi gươm. Đổi nhan đề như thế với đầy ác ý. Tôi đã có 4, 5 lần có dịp găp linh mục Trần Tam Tỉnh từ chiều đến đêm, chỉ có hai người. Linh mục đã không bao giờ nhắc đến bản dịch này. Phần tôi cũng không tiện hỏi. Cuốn sách do sự chỉ đạo biên tập của Trương Văn Khuê. Thêm mối nghi ngờ cắt xén, thêm bớt, ngụy tạo. Đã hẳn cần dè dặt lắm đối với bản dịch này. Cả một cuốn sách như thế, nhưng tôi không hề thấy một tham khảo, trích dẫn tài liệu từ bất cứ sách vở nào, trừ sự trích dẫn từ mấy tờ báo.
[5] Trong cuốn Những gì còn nhớ do tập san Y Sĩ phát hành, 2001.
[6] Xem Việt Nam niên biểu 1939-1975, Chính Đạo, trang 401.
[7] Trích Trần Mộng Tú “Hà Nội Gió”, hopluu.net/phutrangdacbiet/ Ky-HanoiGio-tmt.htm.
[8] Trích lại trong Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam của Trần Văn Nam, trang 411-412.
[9] Dĩ nhiên, sau VeloSolex thì cũng có một số xe hiệu khác như xe gắn máy hiệu Goebel, Sachs của Đức. Có thể nó hữu dụng, nhưng trông bề ngoài khó coi, dị tướng. Rồi cái PC nhỏ nhắn, xinh xắn, xe đạp Mini cũng một thời cho đến lúc xuất hiện xe Honda 67. Chiếc xe Honda đến thay đổi hẳn diện mạo xe gắn máy ở Sài Gòn. Hữu dụng, mát mắt, vụt phóng, không cần phải đạp ì à ì ạch.
[10] Trích Bùi Bảo Trúc trong bài Chữ nghĩa chúng ta.
[11] Trích Phạm Duy, Hồi ký Thời phân chia Quốc Cộng, trang 146-147.
[12] Tóm lược theo Những biến cố lớn trong 30 năm chiến tranh Việt Nam, Nguyễn Đình Tuyến, trang 47.
[13] Trích Việt Nam niên biểu, Chính Đạo, trang 73.
[14] Trích Những gì còn nhớ, Từ Uyên, trang 181.
[15] Xem Văn Học VN thế kỷ 20, Nguyễn Vy Khanh, trang 52.
[16] Trích “Ảo ảnh Thanh Thúy”, Hoàng Thái Linh trong Hành Trình, số 1, 1964.
[17] Trích Hồi ký Phạm Duy, trang 249-251.

Sunday, September 25, 2016

Wednesday, September 14, 2016

Mẹ Sầu Bi (LM Tiến Dũng)

Mẹ Sầu Bi (LM Tiến Dũng)

Mẹ Sầu Bi (LM Tiến Dũng)

Mẹ Sầu Bi (LM Tiến Dũng)