Thursday, December 18, 2008

Chính Nghĩa Dân Tộc

Cái chết của
Tổng Thống Ngô Đình Diệm
và vấn đề chính nghĩa dân tộc

(HĐ xin mạn phép tác giả để gửi đến các bạn mình chương sách sau đây.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm bằng Google. Tuy nhiên, sẽ có nhiều bạn không thể theo link của Google vì phải vào các trang bị tường lửa của VN. Đành chịu vậy và hãy tự đặt những câu hỏi sau đây:
1) Tại sao?
2) Nếu sợ tôi và nhân dân bị kẻ thù mê hoặc thì cái chính quyền CS này coi nhân dân là cái gì?
Thân ái. Và hy vọng các bạn có được chút tình cảm tích cực cũng như thêm một ít tích cực vào suy nghĩ của mình.)


Ít ai để ý rằng có hai sự việc quan trọng chứng tỏ Tổng Thống Diệm coi chính nghĩa quốc gia, chính nghĩa dân tộc là điều kiện tiên quyết để chiến thắng.
Thứ nhất, ông đã nhiều lần liên tiếp từ khước lời mời ra chấp chánh của cựu hoàng Bảo Đại vì thấy thực dân Pháp chưa thực tâm trao trả hoàn toàn độc lập cho VN. Và ông đã nhận ra chấp chánh khi người Pháp đã trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam bằng hiệp ước ký kết với Thủ Tướng Bửu Lộc ngày 4-6-1954. Rồi từ khi chấp chánh (song thất 7-7-54) cho đến khi được bầu làm tổng thống đầu tiên của Việt Nam, ông đã kiên trì tranh đấu qua bao nhiêu gian khổ trước âm mưu đen tối của thực dân muốn duy trì một chế độ thối nát ở miền Nam hòng tiếp tục ở lại phần đất béo bở này, bất chấp hiệp ước 4-6, cũng như hiệp định Genève 20-7-54. Và kết quả cụ thể là lá cờ Pháp gần một thế kỷ tung bay trước dinh Norodom được hạ xuống để lá quốc kỳ Việt Nam (cờ vàng ba sọc đỏ) được long trọng kéo lên trước sư hiện diện của Tổng Thống Diệm chứng kiến sự thành công, và trước mặt tướng Paul Ely đại diện Pháp quốc chứng kiến sự thất bại. Và cũng từ đó dinh Norodom ấy đã được mệnh danh là dinh Độc Lập để đánh dấu ngày mà nhân dân VN dưới quyền lãnh đạo của tổng thống Ngô Đình Diệm đã dành được Độc Lập hoàn toàn trên thực tế, chứ không phải chỉ trên giấy tờ theo như những hiệp ước trước. Sau đó là cuộc rút toàn bộ quân Pháp hãy còn lưu lại Việt Nam sau hiệp định Genève.
Mưu toan của người Pháp dùng các tướng Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Vỹ để duy trì sự cai trị của Quốc Trưởng Bảo Đại như một bù nhìn của Pháp, hòng đưa đến sự trở lại khó tránh của chính quyền thực dân đã bị Tổng Thống Diệm đập tan nhờ sự cương quyết dũng cảm của ông và nhờ sự nhận thức khôn ngoan của các đoàn thể tổ chức, đảng phái lúc ấy tự động đứng đàng sau ông.
Tranh đấu thực sự để dành độc lập, ngăn chặn âm mưu trở lại của thực dân lúc ấy là chính nghĩa sáng ngời. Nên ông đã thành công. Thực dân Pháp lúc ấy vô cùng căm ghét ông, nhưng không làm sao triệt hạ được ông, vì ông được nhân dân ủng hộ. Sau sự thành công đó ông đã được toàn dân bầu lên làm tổng thống đầu tiên của một nước Việt Nam mới với quốc hiệu Cộng Hòa Việt Nam được trên 80 quốc gia công nhận.
Thứ hai, sự thành công của ông cũng làm cho một số người Việt Nam nhỏ nhen đố kỵ ghen ghét và chính quyền Mỹ thấy ông trở thành nguy hiểm đối vói đường lối chính sách đương thời. Đặc biệt là đối với một vài nhân vật trong bộ ngoại giao Mỹ. Vì vậy, vào những năm cuối cùng của đệ nhất cộng hòa, ông đã gặp nhiều khó khăn rắc rối với ngay chính quyền Mỹ.
Vào thời chính quyền Kennedy một số người Mỹ đã muốn tốc chiến tốc thắng Việt Cộng. Họ muốn đưa quân tác chiến vào Việt Nam và bị Tổng Thống Diệm cương quyết bác bỏ. Không phải ông không biết nước nhà còn yếu cần sự viện trợ dồi dào của Hoa Kỳ cả về mặt quân sự. Nhưng ông thấy lúc ấy miền Nam VN chưa cần tới quân viện ồ ạt của Hoa Kỳ, mà chỉ cần một số cố vấn và huấn luyện viên, và vào hai năm cuối, cần sự yểm trợ của một số trực thăng. Còn việc chấp nhận cho quân tác chiến của Mỹ tham gia các trận đánh, thì ông đã nói với những đại diện của Hoa Kỳ như đại sứ Nolting và tướng Taylor, nếu đến một lúc nào đó, chiến trận gay go, cần tới quân tác chiến của Hoa Kỳ, thì ông sẽ sẵn sàng ký một hiệp ước song phương, cho cuộc viện trợ này có danh chính ngôn thuận để ông có thể trả lời với quốc dân VN. Và hiệp ước đó cũng sẽ chỉ cho quân Mỹ đóng ở dọc biên giới (vĩ tuyến 17) mà thôi. Đại sứ Frederick Nolting, người đã thương lượng với Tổng Thống về việc đem quân tác chiến vào để đẩy mạnh cuộc chiến sớm thành công đã phải công nhận lập trường của Tổng Thống Diệm là hữu lý, mặc dù ông cũng than phiền là ông Diệm là người rất khó thương thuyết (về vấn đề này).
Sở dĩ Tổng Thống Diệm quyết liệt như thế vì chủ quyền quốc gia là một vấn đề nguyên tắc bất di bất dịch. Ngoài ra còn về mặt chiến lược nữa. Ông biết rõ lúc ấy Hồ Chí Minh là người vô cùng xảo quyệt đang được dư luận thế giới và số đông trí thức trong nước cũng như nhân dân ủng hộ. Vì họ được CS thế giới tuyên truyền rằng ông Hồ mới thực sự là người yêu nước, còn ông Diệm chỉ là tay sai hay bù nhìn của Mỹ. Nếu để cho dân chúng và thế giới thấy quân đội Hoa Kỳ chủ động trong cuộc chiến, thì quân đội VNCH dưới quyền lãnh đạo của tổng thống là tổng tư lệnh theo hiến Pháp sẽ trở thành lính đánh thuê. Nghĩa là mất hẳn chính nghĩa dân tộc.
Chính sự quyết tâm không nhượng bộ trong những vấn đề nguyên tắc và chiến lược đó, đã làm phật ý một số nhà lãnh đạo Mỹ, khiến họ tìm mọi cách, dàn dựng nên hay phóng đại những lỗi lầm của ông hầu lấy cớ triệt hạ ông.
Trước hết, như chính Roger Hilsman, phụ tá ngoại trưởng Mỹ lúc ấy đã viết, và sau này nhiều sử gia Mỹ, trong số đó có hai nữ sử gia là Marilyn B. Young và Ellen Hammer đã nhắc lại để dẫn chứng, ông Ngô Đình Nhu lúc ấy là cố vấn chính trị phủ Tổng Thống chủ trương “nếu ít thì cũng phải rút một số cố vấn Mỹ về nước, còn nếu nhiều thì yêu cầu Mỹ rút hết cố vấn”. Nói chi đến việc đem thêm quân Mỹ vào VN? Vì thế những nhà ngoại giao Mỹ lúc ấy như thứ trưởng ngoại giao Averel Harriman, phụ tá ngoại trưởng Roger Hilsman... đề nghị với cấp trên đòi Tổng Thống Diệm phải đưa ông Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc. Sự việc vừa nêu cho thấy họ sợ rằng với ông Nhu bên cạnh, Tổng Thống sẽ không bao giờ cho Mỹ đổ quân tác chiến vào. Họ không biết rằng đối với một nhà lãnh đạo có bản lãnh và lập trường kiên định như Tổng Thống Diệm, ông Nhu hay ai khác ở bên cạnh cũng chỉ là để thực hiện những sáng kiến chiến lược của ông mà thôi. Và đời nào ông chịu áp lực của ngoại bang mà loại bỏ người em trung thành và hiểu rõ đường lối chính sách của ông hơn ai hết.
Khi mà trong chiến lược toàn cầu, Mỹ thấy cần đem quân tác chiến vào, lại bị một nước nhỏ bé đang cần viện trợ của Mỹ dám bác bỏ và chống đối, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Người ta dễ tiên liệu được. Vì vậy mà cho đến nay, một số người vốn ca tụng Tổng Thống Diệm, và nghĩ ông thực sự là nhà ái quốc cũng phê bình ông thiếu khôn ngoan, khi không đồng ý để Mỹ đem quân vào “giúp”.
Nhưng đối với Tổng Thống Diệm hai vấn đề nguyên tắc và chiến lược tối cao là quan trọng hơn cả. Thà phải hy sinh tính mệnh, chứ không thể vì sự sống của mình mà hy sinh chủ quyền quốc gia. Còn chết là chuyện ai cũng phải có lúc chết. Anh hùng có ai sợ chết?
Thực tế lịch sử những năm sau đó đã chứng minh, dù Mỹ đem đại quân vào, và dùng đủ mọi thứ vũ khí tối tân vẫn không thắng được VC. Nguyên nhân chính mà ngày nay ai hiểu về chính trị và nhất là về hình thức chiến tranh ý thức hệ của CS đều phải công nhận. Đó là, sở dĩ Mỹ thua và phải rút quân, để cho miền Nam rơi vào tay CS, để rồi bị nhiều người dân miền Nam oán trách cho đến bây giờ, chính vì họ đã tự ý đem quân tác chiến vào, Mỹ hóa cuộc chiến, khiến cuộc chiến chống cộng (có chính nghĩa) trở thành cuộc chiến chống Việt Nam (phi nghĩa), chẳng khác gì chiến tranh xâm lược như VC thường rêu rao.
Thật đáng tiếc và hết sức buồn, phải nhắc lại rằng, ngoài những kẻ chủ mưu và tham gia đảo chính, những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc để Mỹ tự do đem quân vào mà không có một hiệp ước song phương quy định những chi tiết thực hiện lúc ấy chính là thủ tướng bác sĩ Phan Huy Quát và bộ tham mưu của ông. Trong cuốn hồi ký In The Jaws of history[1] cựu đại sứ Bùi Diễm đã xác nhận sự kiện trên. Nhưng ông tự biện minh là “người Mỹ đã không hỏi ý” các ông trước.[2]
Tất cả những gì xảy ra sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ rồi bị giết một cách man rợ, hèn nhát đã cho thấy những người chống đối ông, đòi ông chia xẻ quyền hành một cách quá đáng đều đã có cơ hội thử thời vận, nhưng tất cả đều thất bại. Ngay chính phủ họ Phan cũng chỉ tồn tại được hơn ba tháng. Điều này đã làm cớ cho người ta suy luận rằng, người Mỹ chỉ cố đem được con bài của mình lên để thực hiện ý định đổ quân tác chiến ồ ạt vào VN. Sau khi đã làm xong bổn phận của mình, chính phủ đó liền bị thay thế.
Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau này, được sự tham gia của nhiều trí thức thuộc các đảng từng chống Tổng Thống Diệm đã mặc nhiên trở thành một thứ tay sai của Mỹ. Chính vì có sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ nắm trọn quyền điều khiển chiến tranh. Trong tình trạng ấy, người dân khó có thể không nghĩ mọi việc tổng thống làm đều do Mỹ bảo phải làm. Kể cả việc triệt thoái quân khỏi vùng II chiến thuật vào những tháng cuối, và việc trao quyền lại cho một thầy giáo cô đơn về chính trị, cô đơn đến nỗi một mình “xách giỏ đi chợ chiều, tôm cá tươi đã hết đành phải hót mấy con cá ươn về làm cỗ”, để rồi “thầy giáo cô đơn” phải trao quyền lại cho ông hàng tướng có em VC gộc, để rồi tướng này trao trọn miền Nam cho VC.
Với hàng chục vạn quân Mỹ tự tung tự tác, chủ động mọi kế hoạch tác chiến trên tổ quốc VN lúc ấy, trước mắt các quan sát viên quốc tế, tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng chẳng qua cũng chỉ là tay sai đắc lực hay bất đắc dĩ của ngoại bang. Và trong chính thể đó, những vị trí thức, những nghị sĩ tên tuổi, những vị tổng bộ trưởng, đại sứ, tướng lãnh VN không hề biết rằng mình đã trở thành một thứ lính đánh thuê cho một ngoại bang, nếu họ không chứng minh được với thế giới và dư luận trong nước (bên kia bờ Bến Hải) rằng họ đang cùng Hoa Kỳ chống Hồ Chí Minh và đồng bọn tay sai của Quốc Tế III, tức Quốc Tế Cộng Sản. Tiếc rằng từ khi ông Diệm bị giết, những nỗ lực về mặt này chẳng còn có gì đáng kể. Vì thế mà với trên nửa triệu lính Mỹ thường trực tại VN với vũ khí tối tân đủ loại, miền Nam đã mất vào tay CS!
Dù chính quyền Ngô Đình Diệm có lỗi lầm gì đi chăng nữa (mà chính quyền nào lại không có lỗi lầm? Hãy nghe hai phe đối đầu trong các cuộc tranh cử tại Mỹ là một nước dân chủ hàng đầu trên thế giới chỉ trích lẫn nhau thì thấy rõ điều đó), thì chúng ta cũng phải công nhận rằng chính quyền đó đã tìm mọi cách để nêu cao chính nghĩa dân tộc chống cộng sản. Hầu hết thảy các chuyên viên chống cộng trên thế giới đều được Đệ Nhất Cộng Hòa tiếp xúc và/hoặc mời tới Sài Gòn để tham khảo, thuyết trình, giới thiệu các phương cách chống cộng hữu hiệu nhất của họ. Nào phái đoàn NTS của tổ chức chống cộng Nga, phái đoàn Vương Thăng của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, phái đoàn Sir Thompson của Anh, phái đoàn của nữ sĩ Suzane Labin, tướng Vanuxem... của Pháp và hàng tá chuyên viên chống cộng sản Huc của Phi. Lúc ấy những lãnh tụ chống cộng hàng đầu trên thế giới như Raymon Magsaysay của Phi, Lý Thừa Vãn của Đại Hàn, Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc đều trở thành bạn thân và chí hữu của Tổng Thống Diệm...
Xin đừng bảo sau này anh em ông Diệm đã bắt tay với VC, nên đã bị trừng trị vì tội phản bội. Bởi vì bàn chuyện hiệp thương, tạm ngưng xung đột trong một cuộc chiến lâu dài là một kế sách mà các chiến tướng từ cổ chí kim đã từng làm. Việc đó không tất nhiên là chuyện phản bội. Nếu bảo thương lượng với người cùng một tổ quốc, dù có là kẻ thù, để làm giảm áp lực của ngoại bang muốn xâm phạm chủ quyền tối thượng của quốc gia là trọng tội, thì sau này chính quyền Nguyễn Văn Thiệu muốn ngồi ngang hàng với Hà Nội để bàn chuyện ngưng chiến mà không được thì sao? Khi tính chuyện hiệp thương ông Diệm đã phân biệt con người Việt Nam trong đám lãnh đạo miền Bắc với con người CS, và tạm thời đặt những tranh chấp về ý thức hệ vào một tương lai. Chứ ai cũng biết bản chất của ông không phải là người chấp nhận chủ nghĩa cộng sản vô thần. Hơn nữa lúc ấy nếu ông có nói chuyện với Hồ Chí Minh là nói trong một tư thế vượt trội không như chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau này, và thậm chí ngay cả Mỹ. Vì lúc ấy Mỹ đã bị dư luận toàn quốc và thế giới, kể cả Vatican làm áp lực không thương thuyết không được.
Những nhà chính trị có liêm sỉ không thể không sám hối về những sai lầm nghiêm trọng của mình, nếu còn muốn chường mặt ra với công luận. Đáng buồn là những cuốn sách viết bằng ngoại ngữ của những người có trách nhiệm trong việc làm mất chính nghĩa đấu tranh chống cộng lại chỉ nhằm mục đích tự biện minh cho việc làm sai trái của mình.
Đến nay lịch sử đã cho thấy rõ những người cầm đầu và tham gia hai cuộc đảo chính 1960 và 1963 đều làm theo lệnh ngoại bang. Họ dại dột không biết rằng lật một chính quyền đã được toàn dân bầu lên, ủng hộ và với hiến pháp được toàn dân bỏ phiếu tán thành, được trên 80 nước trên thế giới công nhận, để gây ra một lỗ trống chính trị nghiêm trọng trong lúc cuộc chiến chống cộng đang tiếp diễn một cách gay go là vô cùng nguy hiểm cho đất nước. Đến khi sự việc xảy ra họ vẫn không nhìn thẳng vào thực tế lịch sử để rút kinh nghiệm và sám hối.
Đáng lý ra thay vì ngoan cố chỉ trích lên án nhà ái quốc Ngô Đình Diệm, họ biết hối lỗi bằng cách tố cáo Hồ Chí Minh, vạch cho dư luận ngoại quốc biết rõ huyền thoại về “người yêu nước Hồ Chí Minh”, về “cha già dân tộc Hồ Chí Minh”, để biến cái gọi là chính nghĩa của CS trở thành phi nghĩa, thì họ đã đái tội lập công. Nhưng họ lại chỉ biết vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ, không ngừng xuyên tạc, bịa đặt để xỉ vả nhà ái quốc đã thà chết để giữ chủ quyền quốc gia hơn là sống để phải khuất phục ngoại bang. Họ có biết chăng, làm như vậy chỉ khiến cho những kẻ chiến đấu vì ảo tưởng xã hội chủ nghĩa, vì quyền lợi của Quốc Tế CS, đứng đầu là Liên Xô và Trung Cộng trở nên những nhà ái quốc, vì dám chống lại siêu cường Mỹ xâm lăng. Họ biết rằng họ phải làm hết cách đổ lỗi, chạy tội, để nhân dân, lịch sử không lên án, oán ghét họ, vì đã gây nên tội ác tầy trời, làm mất chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống CS.
Để kết thúc, chúng tôi mong rằng, chẳng cứ những nhân vật vừa kể, mà tất cả chúng ta, những người còn muốn cho con cháu mình về sau không lên án cha anh chúng là tay sai của Mỹ, bán nước cầu vinh, hãy làm hết cách để nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống cộng. Và điều trước tiên là hãy tháo gỡ những huyền thoại bao quanh nhân vật Hồ Chí Minh để con cháu chúng ta thấy rõ chân tướng của ông ta và của cái đảng mà ông ta sáng lập theo chỉ thị của quốc tế CS. Đó là cái khó của chúng ta. Nhưng muốn cho cuộc đấu tranh của chúng ta có chính nghĩa dân tộc, thì phải làm bằng mọi cách. Và khi đã hạ được thần tượng HCM rồi thì mới mong các hình thức đấu tranh khác đạt được kết quả mong muốn.
Đó là vấn đề chính nghĩa cần lấy lại, vì khi vị tổng thống hợp hiến hợp pháp đầu tiên đã bị lật và bị giết để cho quân tác chiến Mỹ ồ ạt đổ vào, mà không do một lời yêu cầu chính thức hay một hiệp ước song phương, thì đảng CS Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã được nhân dân trong nước và thế giới cho là có chính nghĩa dân tộc, khi họ hô hào nhân dân “chống Mỹ cứu nước”.




[1] Mà chúng tôi dịch là “Trong nanh vuốt lịch sử” và sau này tác giả dịch là “Gọng Kìm Lịch Sử”.
[2] Sách đã dẫn trang 338.

Friday, December 12, 2008

Tin thế này sao chỉ gửi qua message?

Tin khẩn: VN sắp mất thêm Bãi Tục Lãm, Quảng Ninh

(Một Friend vừa gửi cho HĐ message như sau:)
Theo nguồn tin từ giới quân sự cao cấp Việt Nam và được kiểm chứng qua một số thành viên ngoại giao đoàn tại Hà Nội thì Bắc Kinh đang đòi buộc Việt Nam phải nhượng thêm Bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh cho họ trước khi dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước. Trung Quốc đòi các lãnh tụ CSVN phải trả lời dứt khoát tại cuộc họp giữa đôi bên ngày 12/12/2008 tại vùng Hữu Nghị - Lạng Sơn.

Tục Lãm là một trong 3 điểm nóng nhất còn bàn cãi giữa đôi bên. Hai vùng còn lại là khu Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Phía Trung Quốc đòi Việt Nam phải nhượng hẳn Tục Lãm và nhượng thêm đất 2 vùng kia.

Cũng theo nguồn tin trên, các thành viên Bộ Chính Trị đảng CSVN đã nghiêng về giải pháp giao nhượng Bãi Tục Lãm bất kể sự phản đối từ phía quân đội.

Radio CTM tường trình từ Hà Nội


http://radiochantroimoi.wordpress.com:80/
Tưởng rằng mất "thêm" hòn nào thuộc Hoàng Sa Trường Sa thì chả thèm quan tâm vì đã mất rồi. Giống như con gái mình bị hiếp rồi, giờ thằng kia có bảo cưới hay không cưới thì cũng thế. Vườn nhà mình đã mất rồi, giờ thằng cướp có làm sổ đỏ sổ hồng hay không gì thì cũng vậy.
Nhưng mà đây là đất liền và quân Tầu chưa đặt chân đến, sao lại phải dâng hiến hiến dâng hiến thân thất tiết thế này. Mà nói thật chẳng cần thằng Tầu nó đặt quan cắm mốc ở đó, chỉ nghe cái chuyện nó đòi thôi là đã có cảm giác giống như một đứa con khám phá ra mẹ nó bấy lâu nay làm đĩ vì mê dâm.
Cái sự bán đất bán đảo của tụi này y hệt một đứa vừa dâm vừa tham vừa lười nhưng láu cá. Loạn!
Tin trên chỉ làm tăng thêm sự khinh bỉ của người dân, dù tin đúng hay tin sai thì dân ta cũng khinh chúng lắm rồi. Nhỉ.
Đây là dịp duy nhất để chứng minh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có phải là quân đội của nhân dân Việt Nam hay không.
Nộ Sĩ
Các bạn trẻ lưu ý:
"dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước": cái kế hoạch này đã thực hiện từ hồi nào mà nay dứt điểm, cái kế hoạch này (đúng ra phải gọi là "tiến trình" hay "công việc") thực hiện ra sao, họa đồ ranh giới thế nào (VN có mất tí đất nào cho TQ không) MÀ SAO NHÂN DÂN KHÔNG BIẾT?!!!

Thursday, December 4, 2008

SÁCH "QUÍ"!

Thưa, đó là cuốn "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" của Việt kiều cựu thiếu tướng quân lực Việt Nam Cộng Hòa hiệu Hoành Linh, tên Đỗ Mậu. Đó là một cuốn sách tiếng Việt nổi tiếng toàn thế giới từ hải ngoại tới quốc nội những năm trước và sau 1990, được nhiều, rất nhiều người "yêu sử" tìm đọc và tự giáo dục kiến thức Việt Sử của mình bằng chỉ một cuốn sách đó.
Có thể nói đây là một quà tặng tuyệt vời của trời đất, của số mệnh hay đúng hơn là của cái sự tất yếu trong quy luật tội ác và trừng phạt [1] đã tặng cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, tặng cho những kẻ lười biếng thích học sử thông qua tiểu thuyết dã sử, và tặng luôn cho tiền đồ dân Việt một đống bầy hầy dơ dáy không bao giờ rửa được.
Toàn dân ta đã được học tập và tin thật như một bà ngoại tin chắc đứa cháu ngoại phải là cháu ruột của mình, rằng ông Ngô Đình Diệm là một nhà độc tài do tư bản đế quốc Mỹ dựng lên để làm tổng thống cho miền Nam Việt Nam, rằng ông Ngô Đình Diệm là một người độc ác, ngu muội và chủ trương gia đình trị để thống trị dân Việt muôn đời (nếu ông ấy muốn gia đình trị sao không chịu đổi họ các em đi, người thành họ Lê, người thành họ Mai gì đó như 3 anh em Lê Đức Thọ [2], nếu làm vậy chắc ông Diệm sẽ tồn tại ít ra là 50 năm nay), rằng ông Ngô Đình Diệm là người kỳ thị tôn giáo đã đàn áp Phật Giáo để đưa Công Giáo là đạo mà ông theo làm quốc giáo (chả hiểu người Việt mình đã có ý muốn lập quốc giáo từ hồi nào và do ai, chỉ biết rõ ràng rằng ông Hồ Chí Minh là người đã đem đạo Cộng Sản vào VN và giờ này nó đã trở nên quốc giáo với rất nhiều thanh thiếu niên cuồng tín, hơn cả cái xã thuyết Quốc Xã của Hitler dạo nào). Toàn dân ta đã được học tập và đã tin chắc như thế, nên khi ông Đỗ Mậu, một người tai to mặt lớn quyền cao chức trọng trong chế độ Miền Nam, viết "sách lịch sử" bôi nhọ cái chính quyền đã trọng dụng ông, bôi nhọ danh dự của toàn thể đồng bào Miền Nam với những lãnh tụ khả kính của họ thì nhà cầm quyền Cộng Sản mừng rỡ hơn bắt được vàng, đã dùng cuốn sách đó để minh chứng cho những điều giả dối họ đã dựng nên.
Đương nhiên và rất lố bịch, họ đã cho in và xuất bản cái cuốn sách đó ở trong nước [3], nơi mà chỉ có tác giả đảng viên mới được viết và in sách chính trị, họ biết trước rằng "nhân dân" của họ sẽ rất nóng lòng muốn biết vị "tướng lãnh cộng hòa" đó đã viết gì về cái "hậu trường vua chúa" đó. Họ cũng biết trước rằng sẽ không ai đủ khôn ngoan để thấy ngay cái nghịch lý trong việc họ xuất bản sách của kẻ thù. Thực ra thì với một tí trí khôn của con nít cộng với chút cảnh giác là có thể biết ngay cái "giá trị sử học" của một "cuốn sách do kẻ thù viết mà ta in lại" này ở cái chế độ mà văn hóa cũng bị lãnh đạo như ở Việt Nam. Thế mà, như đã nói từ đầu bài, rất, rất nhiều người Việt trong nước đã đọc và học Sử Miền Nam chỉ từ cuốn sách đó. Đau lòng!
Và tệ hại hơn nữa là Việt Kiều, những người được tiếng là yêu chuộng tự do và có được sự giáo dục Âu Mỹ đầy tinh thần phản biện, lại cũng say mê mua đọc và cũng học Việt Sử từ chỉ một cuốn sách này. Điều này không làm tôi đau lòng, nhưng nó làm tôi tởm!
Theo tôi hiểu, lẽ ra tác giả Minh Võ, một người quen sống và suy nghĩ viết lách với những cứ liệu trung thực, sẽ không phải động não động bút về cái cuốn sách "lẽ ra không đáng đọc" ấy. Nhưng gặp thời thế thế thời phải thế, dân ta thế, thì phải có người báo động. Và ông đã phải nhắc đến cuốn sách này của Đỗ Mậu cách nay 10 năm. Thế nhưng cho đến năm 2005, trước khi rời VN thì tôi vẫn thấy trong tủ sách của một số gia đình, người ta trưng cuốn sách đó trang trọng như một vật biểu thị tri thức, biểu thị trí thức, biểu thị lòng yêu nước và yêu sử của gia đình họ. Họ không hề biết rằng nó chỉ biểu thị một điều giống như khi ta trưng cuốn "Cô Giáo Thảo" trong tủ sách nhà ta.
Xin phép tác giả Minh Võ được trích chương sách viết về cái tác giả Đỗ Mậu này trong tác phẩm "Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê" của ông để các bạn của Hồng Đức hiểu tại sao HĐ lại phẫn nộ như thế khi viết lời thiệu này. (Mặc dù trong tác phẩm này, Minh Võ chỉ bàn về những điều ông Đỗ Mậu nói về Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà thôi, nhưng thế cũng đủ để ta thấy cái tư cách của cái con người có cái tên hiệu lạ lùng: Hoành Linh.)
HỒNG ĐỨC
Ghi chú:
[1] Luật tự nhiên: Bất kỳ kẻ phản bội nào cũng sẽ luôn tìm cách biện bạch cho sự phản nghịch vô ân của họ, viết hồi ký là điều dễ làm nhất, hãy xem Nguyễn Cao Kỳ...
[2] Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện và Mai Chí Thọ là 3 anh em ruột, cả 3 đều đã lên đến tột đỉnh quyền lực thống trị dân Việt. Hãy đọc lý lịch trích ngang của Đinh Đức Thiện: "tên thật là Phan Đình Dinh, quê xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, sinh trưởng trong gia đình nhà nho nghèo, cha mất sớm, mẹ ông đã tần tảo nuôi 8 người con (trong đó có Lê Đức Thọ là anh và Mai Chí Thọ là em." (Đinh Đức Thiện năm 1980 làm bộ trưởng bộ Giao thông vận tải nhưng sau đó chết vì súng bị cướp cò khi đang đi săn nhưng cũng có tin là bị con trai bắn chết --người con trai này hồi nhỏ bị ông ta đánh đập tàn nhẫn nên bị hư mắt và tâm thần. Tin chính thức thì nói bộ trưởng giao thông này chết vì tai nạn “giao thông”.)
Con nhà họ Phan Đình đấy, giờ này thì họ Phan Đình tuyệt tự. Nhắc chuyện này mới nhớ ra là họ nhà Nguyễn Tất (hay Nguyễn Sinh gì đó) cũng tuyệt tự, mà không tuyệt tự thì trong giòng tộc cũng có đứa chối ông chối cha, từ bỏ tông tộc nhà mình. Khốn nạn thay cho mấy cái giòng họ đó! Nghĩ cũng lạ, hễ kẻ nào chối bỏ giòng tộc thì lên đến tột đỉnh quyền lực ở VN, sao dân mình nó mạt vậy!
[3] Khi phát hành tại quốc nội, dĩ nhiên nhà cầm quyền đã không thể để nguyên cái tựa "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" nghe có vẻ nguyền rủa, họ đã sửa thành "Hồi Ký Đỗ Mậu" ở lần in thứ nhất và rồi "Hồi Ký Hoành Linh Đỗ Mậu" ở những lần in sau.
====================
Đỗ Mậu:
(Đối với Đỗ Mậu ngàn trang sách của ông phải là ngàn lời nguyền rủa ông Diệm. Lỗi ông Diệm, theo ông Đỗ Mậu, tre toàn tỉnh Quảng Bình không ghi hết. Tội của ông Diệm, ông Đỗ Mậu cho rằng, nước sông Hương rửa không sạch…)

Thiếu tướng Hoành Linh Đỗ Mậu là người có số “Sinh vi quân, tử vi thần,” như chính ông, với tư cách một người ham mộ và nghiên cứu tử vi, đã bấm độn cho mình. Ông cũng tự cho mình là người đã cộng tác với Việt Minh rồi lại chống Việt Minh, đã là đội khố xanh của Pháp rồi quay lại chống Pháp, đã từng tôn Ngô Đình Diệm như lãnh tụ rồi hăng say lật ông Diệm và cho đến nay vẫn không ngớt thóa mạ ông Diệm hơn bất cứ ai khác..
Có thể thêm là ông cũng đã là ủy viên chính trị của “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng” do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch, rồi quay ra chỉ trích hội đồng này. Và khi tướng Nguyễn Khánh làm “chỉnh lý”, lên làm thủ tướng, ông lại giữ chức phó thủ tướng đặc trách văn hóa xã hội, để rồi sau đó cũng chỉ trích nặng nề chính phủ Nguyễn Khánh. Ông đã kết giao với tướng Kỳ trong cuộc đảo chính lật ông Diệm, nhưng rồi sau đó, ông lại chửi bới ông Kỳ không tiếc lời.
Từ ngày sang Mỹ ông không ngớt đả kích Cần Lao. Thì ra chính ông lại là Cần Lao gộc hạng nhất. Ông viết rằng chính ông Nhu đã muốn ông đứng đầu “quân ủy” Cần Lao[1] mà ông không nhận, chỉ nhận chức ủy viên trung ương “quân ủy.” Hình như thiếu tướng Đỗ Mậu bị ám ảnh bởi cái gốc Cần Lao của mình, cũng gần giống như Hitler ngày xưa bị ám ảnh bởi nguồn gốc Do Thái của ông ta. Do đó giống như Hitler nhìn đâu cũng thấy Do Thái và tìm diệt cho bằng được, ông Đỗ Mậu nhìn đâu cũng thấy Cần Lao. Cứ hễ ai lên tiếng bênh vực hay khen ông Diệm là bị ông Đỗ Mậu chụp cho mũ “Cần Lao” to tướng. Đôi chỗ ông thêm Cần Lao Công Giáo, có lẽ để được tự tách mình ra xa một chút chăng.
Không rõ hai nữ văn sĩ và ký giả Ellen Hammer Marguerite Higgins có được ông liệt vào đảng Cần Lao không mà cũng bị ông bêu riếu đến buồn cười. Hay vì ông đại tá giám đốc an ninh quân đội hồi nào thường được tổng thống Ngô Đình Diệm gọi vào dinh-- không phải vì công vụ mà để tâm sự, lúc đêm đã về khuya, như chính ông khoe-- ghen với hai người đàn bà ngoại quốc rất kính trọng và chắc chắn cũng mến yêu vị tổng thống độc thân? Nếu chuyện này đến tai nhà văn Mỹ Gay Talese có thể tướng Đỗ Mậu sẽ được đem ra so sánh với Rudolf Hess của Hitler.
Cuốn hồi ký của ông, không biết có phải do chính ông viết không, mang tựa đề rất kêu “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”, xuất bản năm 1986, tái bản năm 1987 và tái bản lần nữa vào năm 1993, nhưng đã được in đi in lại tới chín, mười lần, theo nhà xuất bản Văn Nghệ cho biết.[2] Cuốn sách dầy trên ngàn trang này chứa đựng nhiều sử liệu quan trọng và được trình bày một cách chi tiết với sự việc cụ thể hấp dẫn, khiến độc giả, nếu đọc nhanh như đọc tiểu thuyết thì thấy rất hay. Nhưng nếu đọc kỹ từng trang, đối chiếu đoạn trên với đọan dưới và kiểm chứng lại với các tài liệu khác thì thấy nó chứa đầy dẫy những sai lầm, mâu thuẫn. Vì cuốn sách ngàn trang là ngàn lời nguyền rủa. Những sai lầm, mâu thuẫn lại quá nhiều, nếu trưng dẫn một cách tóm lược ra đây thì cũng phải cần đến hàng trăm trang. Vì vậy tôi chỉ xin nói tóm tắt rằng đối với ông Đỗ Mậu thì cả nhà ông Diệm đều đắc tội với dân với nước. Chính ông Diệm cũng là con người xấu xa, từ cái tướng đi, cặp mắt nhìn cho đến tính gian dâm lén lút, có con riêng, đến sự vô ơn bội nghĩa với những đồng chí cũ của mình, có lẽ cả với ông Đỗ Mậu nữa, cho đến hành động thân Pháp, thân Nhựt, làm tay sai cho Mỹ, phản bội quyền lợi dân tộc, và sau cùng rắp tâm bán đứng miền Nam cho cộng sản. Cái tội nặng nhất của ông Diệm, đối với ông Đỗ Mậu là tội kỳ thị, đàn áp và bách hại Phật Giáo. Chính cha ông Diệm là Ngô Đình Khả, mà ông Đỗ Mậu đã thường cùng với ông Ngô Đình Cẩn, đến viếng mộ vào những ngày tết trước khi ông Diệm cầm quyền, (“trong khi ông Diệm, ông Nhu ở Saigon không thèm về giỗ bố” như ông viết), cũng bị ông Đỗ Mậu gọi là tay sai cao cấp của thực dân Pháp…[3] Chưa kể đến những tội của các anh em ông Diệm còn nặng hơn nữa. Đúng là không bút nào tả xiết, “không nước sông nào rửa sạch.” Vì vậy xin bạn đọc tự tìm đọc thẳng cuốn sách ngàn trang này để tiện bề xét đoán trực tiếp. Nhưng đối với bạn trẻ, tôi đề nghị là hãy đọc chầm chậm với suy nghĩ cẩn trọng, đừng để bị lời văn lôi kéo.
Tôi cũng không có ý góp lời bàn ở đây vì cũng đã có nhiều sách phê bình tác phẩm này rồi. Một vài trang ở đây không nói được hết ý. Nếu tò mò muốn biết bạn đọc có thể tìm đọc cuốn “Việt Nam chính sử” của ông Nguyễn Văn Chức để so sánh đối chiếu với những gì ông Đỗ Mậu viết trong hồi ký ngàn trang của ông. Và cũng đừng quên ông Nguyễn Văn Chức chỉ chú trọng đến một số điểm quan trọng đối với ông ấy thôi.
Ngoài việc kể tội gia đình họ Ngô và chỉ trích những người mà ông gán cho cái tội Cần Lao, ông Đỗ Mậu đã nói về thành tích và công trạng cũng như tài cán của mình hơi nhiều. Ông lại chê tất cả những người lãnh đạo Việt Nam từ 1945 cho đến 1975, từ Hồ Chí Minh, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu.
Điều đó khiến người đọc phải nghĩ chỉ có ông Đỗ Mậu đáng làm Vua (sinh vi Quân), hay tổng thống, hay quốc trưởng, hay chủ tịch, hay tổng bí thư, như các ông Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, hay ít nhất cũng thủ tướng như Phan Văn Khải mới xứng đáng và chỉ có thế mới làm cho nước giầu dân mạnh được.
Nhưng ông cũng đã chẳng từng làm phó thủ tướng và ủy viên chính trị trong hội đồng quân nhân cách mạng, cũng có ảnh hưởng lớn nhất trong hội đồng vì nắm toàn bộ các vấn đề chính trị đó hay sao? Người đọc tự hỏi: Với “tài trí” của ông và “hậu thuẫn” của cả khối Phật Giáo chiếm tới 80% dân số Việt Nam, như phe ông thường nói (chưa kể ông Hilsman ở bộ Ngoại Giao Mỹ thời ấy, chắc cũng cùng phe với ông, còn nói trên 90%), đứng sau lưng anh hùng Thượng Tọa Thích Trí Quang, tại sao ông không cùng với vị thượng tọa đầy quyền uy và thế lực đó lợi dụng tình hình sau đảo chính nắm luôn chính quyền, làm quốc trưởng, chủ tịch luôn? Cái số đã là “sinh vi quân” cơ mà?
Khi viết hồi ký ông Đỗ Mậu đã lôi đúng 100 người, trong số đó cũng có những người có tên tuổi, từ các ông Võ Văn Ái, Tăng Xuân An (vần A) đến các ông Vân Xưa, Phan Xứng, Huỳnh Minh Ý (vần Y) ra làm chứng cho những điều ông nói xấu về ông Diệm. Ông trích cả thư riêng của một số vị như các ông Lê Tá, Lê Văn Thái (tức Thái trắng), Hoàng Đồng Tiếu, Tôn Thất Tuế, Võ Như Nguyện, Huỳnh Minh Ý gửi cho ông hay bạn ông. Dường như ông chẳng những muốn chứng minh rằng hàng trăm người cũng đồng ý với ông, mà còn muốn lôi những vị này đứng hẳn vào phe ông, dứt khoát phải ủng hộ ông, dù có nhiều vị trong số đó chắc chắn là không muốn, nhưng “miệng đã mắc quai.” Những ai không dám lên tiếng phản đối hay cải chính, hoặc đã chết không còn cơ hội cải chính nữa, thì được ông coi là đồng minh rồi. Và ông còn có thể dựa vào con số đông đó để lôi kéo thêm nhiều người khác. Đây là một tiểu xảo chính trị, không lấy gì làm tốt đẹp.
Nếu bạn đọc có cơ hội thử hỏi riêng một vài vị trong số đó như ông Lê Văn Thái ở San Diego hay ông Võ Như Nguyện ở Pau (Pháp) chẳng hạn xem các ông ấy có lấy làm hân hạnh khi thấy thư riêng của mình được ông Đỗ Mậu lợi dụng vào việc gây uy tín riêng cho ông ta không. Trừ phi các ông ấy muốn có một chức tổng bộ trưởng hay tổng giám đốc trong cái chính phủ tương lai nào đó của ông Đỗ Mậu, thiết tưởng chẳng ai thích thư riêng của mình được đăng lên sách báo. Dầu sao nếu có dịp bạn đọc thử đọc hết các bức thư hay tài liệu của một trăm vị đó xem họ viết gì, và những lời thư hay tài liệu đó chứng minh cho lập luận của ông Đỗ Mậu đến mức độ nào.
Để kết thúc chương này chúng tôi cảm thấy bất đắc dĩ phải đặt câu hỏi về tính liêm sỉ, không phải đối với thiếu tướng Đỗ Mậu, mà đối với một nhà tiểu trí thức, một nhà văn là ông Đoàn Thêm. Ông này được ông Đỗ Mậu nhắc đến và trưng dẫn trong hồi ký của ông đến 15 lần, có lẽ chỉ thua Karnow, Sheehan và Halberstam là những tác giả thiên cộng hay thiên tả coi toàn bộ phe quốc gia chẳng ra gì so với phe cộng sản, là những tác giả được trưng dẫn nhiều nhất trong “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”.
Đã làm đến chức phó đổng lý văn phòng của ông Diệm, ông Đoàn Thêm được coi như người trong bộ tham mưu cao cấp nhất của ông Diệm. (Về mặt hành chánh, những người giữ các chức đổng lý văn phòng, chánh văn Phòng, như ông Võ Văn Hải, hay chức bí thư, công cán ủy viên thường là những người thuộc ê-kíp của người đứng đầu cơ quan như bộ, phủ và khi người đứng đầu rời nhiệm sở thì đương nhiên đoàn tùy tùng này cũng ra đi, trừ phi người kế vị muốn giữ lại với sự đồng ý của đương sự.) Nếu thấy ông Diệm làm sai sao ông Đoàn Thêm không can ngăn. Nếu thấy ông Diệm cố chấp không can ngăn được và còn xấu xa, như ông viết, thì tại sao ông không từ chức trước, hay ít nhất cũng từ chức vào lúc nguy kịch cuối cùng của ông Diệm, giống như ông Vũ Văn Mẫu chẳng hạn, để vớt vát chút danh dự, mà lại cứ ngồi lỳ ở đó hưởng bổng lộc. Rồi sau khi ông Diệm chết mới lên tiếng chê bai và lên án ông Diệm?
==========
[1] TừQuân ủy” mà ông Đỗ Mậu dùng đây, theo chỗ soạn giả được biết qua những người thân cận với trung tá Nguyễn Văn Châu, là do ông Đỗ Mậu nói theo từ của cộng sản. Chứ đảng Cần Lao Nhân vị của ông Nhu không có từ đó. Ông Châu có một thời giữ vai trò “Trưởng ban V (năm)”, mà ông Đỗ Mậu nói là “Chủ tịch Quân Ủy” ngụ ý là đảng Cần Lao cũng giống như đảng cộng sản. Thực tế hoàn toàn khác. Đảng cộng sản, với danh xưng “Đảng Lao Động” miền Bắc lúc ấy, là đảng lãnh đạo. Lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo nhân dân. Thành viên chính phủ là đảng viên. Dân biểu quốc hội là đảng viên. Chủ tịch quân ủy trung ương là ủy viên bộ chính trị của đảng. Quân ủy trung ương là một bộ phận chính thức đầu não của quân đội, mà chủ tịch có lúc là tổng tư lệnh quân đội.
Trái lại đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu không hề có một địa vị và tầm quan trọng như thế trong chính phủ của tổng thống Ngô Đình Diệm. Bằng chứng là hầu hết bộ trưởng không phải đảng viên Cần Lao. Chính ông Ngô đình Nhu là tổng bí thư cũng không giữ chức vụ gì chính thức trong chính phủ, trừ trường hợp sau này với sự ra đời của quốc sách Ấp Chiến Lược, ông được cử giữ chức vụ phối hợp các bộ, một thứ chủ tịch ủy ban liên bộ về quốc sách Ấp Chiến Lược…
Về phía quân đội trung tá Châu chỉ là giám đốc một nha trong số nhiều nha và trên nha còn có các tổng nha thuộc bộ Quốc Phòng. Việc ông Nhu, với tư cách lãnh đạo đảng, chọn, hay tổ chức bầu (?) ông Châu, hay ông Đỗ Mậu, như chính ông này viết trong hồi ký của ông, không phải để lãnh đạo quân đội như Võ nguyên Giáp của đảng cộng sản. Ông Châu thực ra, ngoài chức vụ chính thức là giám đốc một nha dưới quyền bộ trưởng quốc phòng, chỉ có một nhiệm vụ rất khiêm tốn và hạn chế đối với riêng ông Nhu mà thôi. Với chức trưởng ban V, ông Châu không có chút quyền hành gì với các cấp chỉ huy trong quân đội, ngoài một số sĩ quan trực tiếp dưới quyền ông thuộc nha Chiến Tranh Tâm Lý.
Như vậy dùng từ “quân ủy” để gọi thay cho danh xưng chính thức của nó là hoàn toàn sai, khiến gây ngộ nhận vô cùng tai hại. Nếu thời đó có một vài ông tướng, tá nể sợ ông Châu hay bợ đỡ ông ta, là vì họ hy vọng được ông này báo cáo tốt với ông Nhu hay ông Diệm. Chứ về mặt pháp lý và tổ chức họ không có bất cứ lý do gì phải khúm núm, sợ sệt trước ông Châu, cũng như sau này người kế vị ông ta, khi ông ta đã bị hạ tầng công tác, vì tổng thống Diệm hay biết được là có những vị tướng bợ đỡ ông ta, làm hại uy danh quân đội.
[2] Một nhà thơ sang Mỹ định cư năm 1997, ông Thái Thủy, cho biết ở Saigon ông đã được đọc tác phẩm này do nhà xuất bản Công An Nhân Dân phát hành với một số thay đổi nhỏ cho hợp với luận điệu của đảng hơn.
[3] Người dân Huế ít có ai lại không biết câu phong dao “Đầy vua không Khả, Đào mả không Bài” được truyền tụng vào tiền bán thế kỷ 20 nói về sự can đảm của hai vị đại thần của Nhà Nguyễn, Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài, đã dám chống lại quyết định của thực dân Pháp đầy vua Thành Thái và đào lăng vua Tự Đức để lấy châu báu. Nhà văn cộng sản Vũ Thư Hiên trong “hồi ký chính trị của một người không làm chính trị” nhan đề Đêm Giữa Ban Ngày có thuật lại việc ông Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu phong dao nói trên như là cái cớ để hạ lệnh phóng thích ông Ngô Đình Diệm. Vì theo ông Hồ người dân Huế có lòng kính trọng cha ông Diệm đến thế thì cũng nên vì người cha mà thả người con. Xin xem sách đã dẫn (nhà xuất bản Paris, 1988) trang 226-227, có trích đăng trong phần phụ lục soạn phẩm này.
[4] Việt Nam Chính Sử không tìm thấy trên Internet. Xin liếc qua vài đoạn trích ở đây.