Thursday, June 26, 2025

Giới thiệu các kỹ thuật cơ bản của tay trái (tay bấm dây)

 Giới thiệu các kỹ thuật cơ bản của tay trái (tay bấm dây)

- Chạm dây: Chạm nhẹ vào dây ở những vị trí đặc biệt cùng lúc với cú khẩy để tạo âm bồi (họa âm, harmonic sounds, còn gọi là tiếng chuông). Có 2 kỹ thuật tạo âm bồi:

          Âm bồi tự nhiên (natural harmonic): Dùng bất kỳ phần mềm nào của các ngón tay trái chạm nhẹ vào dây tại những điểm nhất định trên dây ngay khi khẩy dây ở gần ngựa đàn để tránh nút của giao động. Thời gian chạm dây càng ngắn càng tốt. Âm thanh có được do dây rung thành 2 hay nhiều đoạn bằng nhau, cộng hưởng nhau và vang lên trong trẻo đặc biệt. Các điểm chạm là điểm chia đôi, chia ba, tư, năm hay sáu của sợi dây, là các nút giao động. Có nhiều cách ký âm cho thủ pháp này: Đầu nốt có thể có hình thoi và chỉ biểu thị dây đàn sẽ bị chạm, phím bị chạm ghi bằng số Ả-Rập ngay sau chữ "harm." hay "Arm." Cách ghi này không chỉ ra cao độ thực của âm thanh.

Âm bồi tự nhiên trong bài Grand Jota của F. Tarrega

          Âm bồi nhân tạo (artificial harmonic) hay âm bồi quãng 8: Thường được ghi chú bằng arm.8va. Âm hiệu được ghi theo cao độ của ngón bấm chứ không biểu thị cao độ thật. Bấm trên dây tại vị trí có cao độ được ghi, ngón trỏ i tay phải chạm nhẹ vào cũng dây đó tại phím cách ngón bấm 12 ngăn và khẩy bằng ngón áp út a. (Đây là kỹ thuật của tay phải).

Âm bồi quãng 8 trong Prelude I của F. Tarrega

          Có thể có nhiều bè (voices) âm bồi tự nhiên.

Âm bồi tự nhiên ở 2 và 3 bè ở cuối bài Thème et Variations en Ré Majeur của F. Sor

          Và có thể có âm bồi nhân tạo được kèm với một hay hai bè đệm, khẩy bởi ngón cái p và ngón giữa m.

Âm bồi quãng 8 trong Danza Española No.5 của E. Granados

- Bấm dây (fretting): Bấm bằng đầu mút (đỉnh) của ngón tay, vừa đủ sức để có tiếng đàn trong trẻo. Lóng bấm càng đứng càng tốt (vuông góc với mặt phím) để tránh chạm dây khác đồng thời để thuận lợi cho các ngón khác. Tránh bấm mạnh quá mau làm đau đầu ngón và mau mỏi. Thay ngón để bấm vị trí khác (mục đích là phân chia công việc cho chúng). Tránh dùng cùng một ngón để bấm 2 âm hiệu liên tiếp khác nhau vì dễ gây cụt tiếng, trừ khi phải áp dụng kỹ thuật lướt, trượt tiếng (slide, glissando). Bấm và giữ nguyên độ ấn để tiếng ngân dài. Chỉ bấm dây ngay khi khẩy, bấm trước sẽ làm âm đi trước (nếu có) bị cụt tiếng. Với hài thanh rải (arpeggios) thì áp dụng luật âm xuất hiện trước được bấm trước: ngón vào tuần tự chứ không cần cùng một lúc.

Bịt dây là đè dây bằng phần thịt mềm ở thân lóng đầu ngón tay, nó thuộc về kỹ thuật chặn dây (barré) nhưng cũng có khi áp dụng trên một dây theo nhu cầu của thế bấm hay tốc độ, tuyệt đối không bịt dây nếu có thể bấm thẳng được.

- Rung tiếng (vibrato): giữ nguyên áp lực và vị trí đầu ngón bấm nhưng lắc cổ tay hay cánh tay để làm âm thanh chao lên chao xuống như sự rung giọng khi hát. Thủ pháp này thường không ghi rõ trên trang nhạc, nhưng việc áp dụng thủ pháp này thường xuyên và đúng chỗ làm bản đàn thêm đẹp.

- Lướt ngón, trượt ngón (slide, glissando): Sau khi khẩy âm hiệu đầu tiên đang bấm, lướt vuốt ngón bấm đến vị trí bấm kế tiếp và khẩy, tạo thành tiếng trượt giữa 2 âm bị khẩy. Âm có được giống như bị uốn lên (hay xuống). Kỹ thuật này ghi bằng một đường thẳng xiên, nối trên hoặc dưới 2 đầu nốt nhạc nhưng không chạm vào nốt. Khi có dấu luyến đi kèm, thì âm hiệu sau không bị khẩy. Để đạt hiệu quả, khi vuốt, ngón vẫn phải có một áp lực vừa đủ trên dây; nếu không thì âm bị cụt và không nghe tiếng vuốt, chỉ giống như 2 âm thanh rời rạc. Trượt ngón đang bấm đến vị trí khác trên dây mà không tạo thành tiếng vuốt luôn giúp bấm được chính xác.

Thủ pháp trượt ngón cũng có khi được áp dụng trên 2 dây (trượt 2 ngón) hay thậm chí 3 dây đàn.

Lướt 2 bè, trong Gran Jota của Tarrega

Trượt ngón là dời bàn tay đến vị trí khác, dù chỉ trượt một ngón, nên cần nắm vững kỹ thuật dời tay.

- Dời tay (position shifting) là chuyển vị trí của bàn tay dọc theo cần đàn. Dời gần: Lắc bàn tay với cổ tay làm trục mà không cần dời ngón cái, sau đó dời ngón cái đến vị trí mới; Khi dời xa thì lắc cánh tay trước (buông lỏng ngón cái) lấy cùi chỏ làm trục lắc. Nếu có một ngón nào đó tịnh tiến trên một dây thì dùng ngón đó làm chủ cho cả thế bấm, các ngón khác canh theo nó mà vào vị trí. Tức là lướt ngón đó trên dây trong khi các ngón khác nhấc lên và đổi vị trí. Khi dời tay, ngón cái lỏng nhưng luôn rà sát song song trên cần đàn để ổn định bàn tay. Vị trí sắp đến của ngón đầu tiên trong thế bấm mới sẽ là vị trí nhắm tới chứ không nhất thiết luôn là ngón trỏ.

- Bấm hài thanh (chords): Khi nhiều âm hiệu phải được khẩy cùng lúc, thì bấm các ngón cùng một lúc. Việc này sẽ khó nếu số âm hiệu nhiều từ 3 trở lên. Cần chú ý tập chuyển giữa các thế bấm khác nhau, chuyển được càng nhanh và càng liền lạc càng tốt. Khi chuyển hài thanh, nếu có ngón nào đó ở cùng vị trí của cả 2 hài thanh thì không nhấc nó lên mà mượn nó làm gốc cho thế bấm mới.

Giữ ngón khi chuyển hài thanh

Bấm quãng (intervals): Khi 2 bè song song với nhau theo quãng 3, quãng 6, 8 hay 10 thì để liền lạc câu nhạc, thường phải áp dụng trượt ngón không có tiếng vuốt.

Bài tập quãng 3 và quãng 6, trong Méthode của F. Carruli

- Bấm để tạo thành nhiều bè (voices): giữ nguyên sức ép của một hay hai ngón và chuyển động các ngón kia sao cho giữ đủ trường độ của từng âm hiệu. Có khi là bè đệm họa theo bè giai điệu, có khi là bè đối âm.

N.20 trong Twenty Studies For The Guitar By F. Sor do Segovia tuyển chọn

- Chặn dây: đè nhiều dây tại một phím bằng thân của ngón trỏ. Tùy theo số dây cần đè mà kỹ thuật có khác nhau. Nhưng điểm chung là không bao giờ để gập 2 lóng ngoài của ngón dù chỉ chặn 2 dây.

Có nhiều cách ghi chú việc chặn dây: Thường là số La Mã ghi ngăn đàn sẽ chặn (thời Tarrega ghi bằng số Ả Rập), có hay không có chữ tắt C (Case, ngăn đàn) hay B (Barré) đằng trước. Có khi có phân số "1/2" phía trước để ghi chặn phân nửa số dây (Thời Tarrega, chặn nửa được ghi bằng M.C.). Đôi khi ghi bằng một ngoặc vuông đứng, nối 2 âm hiệu bị chặn. Đã từng có thời bản ký âm chỉ ghi vị trí bàn tay (với chữ position hay Case) và người chơi đàn phải tự hiểu có chặn hay không. Ngày nay, việc ghi rõ số dây đàn và số ngón là đã đủ rõ bàn tay sẽ ở vị trí nào, chỉ khi cần chặn thì ghi thêm.

Cách ghi vị trí tay của Carruli, không có ghi chú chặn dây

Cách ghi chặn thời Tarrega, bằng số Ả Rập

Cách ghi ngày nay, bằng số La Mã, không cần ghi chặn phân nửa

          Chặn ít hơn 4 dây (half barre) thì lực đè tập trung vào lóng ngoài của ngón trỏ. Vì lóng đầu ngón cái đối diện với 2 lóng ngoài của ngón trỏ (tức là bàn tay hạ thấp), nên 2 lóng của ngón trỏ không thể gập lại được. Nếu chúng gập lại khi chặn dây, là bàn tay đã để sai tư thế tối ưu. Ở kỹ thuật chặn nửa này, khớp giữa 2 lóng trong có thể gập lại. Có khi chặn 4 dây vẫn có thể áp dụng cách chặn nửa này.

          Chặn suốt (full barre) nhiều hơn 4 dây: Dùng bụng (khoảng giữa chiều dài) của ngón trỏ để bóp vào ngón cái đang hạ thấp phía sau cần. Khi này ngón chặn sẽ có tư thế cong ngược (về phía lưng bàn tay) làm da và cơ phía bụng ngón căng lên, đủ cứng để đè tất cả các dây. Nếu bị rè ở phía đầu ngón thì đưa cổ tay thêm ra trước để nâng cao bàn tay. Nếu đè chỉ bằng đầu ngón, thì ngón sẽ cong úp, các dây ở vùng bụng ngón sẽ thiếu độ ép và rè hay câm. Khi chặn suốt, ngón tay thẳng, không có khớp nào bị gập. Nhiều khi việc bấm các ngón còn lại sẽ ảnh hưởng đến độ nghiêng của ngón trỏ đang chặn, lúc này có vẻ như chặn bằng mé ngoài của ngón chứ không chính giữa mặt ngón.

          Ngón út hoặc ngón áp út cũng có khi được dùng để chặn 2 hay 3 dây, và chỉ dùng khi không thể bấm.

Chặn 3 dây bằng ngón út (Prelude BWV999 do Segovia soạn lại)

- Chẩy tiếng hay luyến âm (coulée, slur): Hai hay nhiều âm hiệu khác cao độ luyến với nhau (ghi bằng đường cong nối 2 âm hiệu đầu và cuối), thực hiện bằng chỉ một cú khẩy của tay phải với âm hiệu đầu tiên, rồi gõ ngón tay trái vào dây hay gạt ngón đang bấm khỏi dây để tạo âm kế tiếp.

          Gõ ngón (hammer): Quất, gõ mạnh đầu ngón tay trái xuống dây ở vị trí bấm làm cho dây bị đập vào phím và kêu lên (không giống hoàn toàn với cú bấm thông thường) mà không khẩy, tự sức của cú quất đã làm dây rung thành tiếng. Gõ rồi thì đè ngón ở đó để dây ngân đến hết trường độ của âm hiệu.

          Gạt ngón (pull-off): Gạt dây, bật ngang ngón đang bấm khỏi vị trí của nó tại thời điểm của âm hiệu mới, (theo cách giống như khẩy dây) để có âm mới nhưng không khẩy bằng tay phải. Kỹ thuật này không phải là nhấc ngón lên theo chiều đứng (so với mặt phím) mà đầu ngón sẽ di chuyển theo chiều ngang, hướng về phía lòng bàn tay, nó gạt và bật dây theo chiều ngang. Tuy nhiên, gạt ngang ngón thì sẽ chạm vào dây kế, nên hướng đi tốt nhất của cú gạt là xiên lên, hoặc theo đường cong lên.

Gõ ngón có thể đi lên hoặc đi xuống (đổi dây) nhưng gạt ngón chỉ có thể đi xuống.

Gõ và Gạt ngón có thể đi liền nhau tạo thành chuỗi âm luyến láy mà không cần dùng đến tay phải. Thủ pháp này được ghi bằng "chỉ dùng tay trái" (L.H. only hay mano izq. sola). Rung (trille) hay Láy (mordent) cũng áp dụng thủ pháp này.

Chỉ dùng tay trái, trong Nocturne của Chopin do Terrega soạn

Có khi phải luyến ở 2 bè (mỗi bè một dây).

Khi thủ pháp lướt ngón được dùng để luyến âm thì có ghi chú bằng đường thẳng giữa 2 âm hiệu bị luyến.

Luyến Âm và Trượt Ngón

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home