Guitar TAB
Dưới đây (hình 1a) là một bảng ghi cách chơi đàn dây có phím (đàn lute) thời thế kỷ 17. Bảng này hướng dẫn phải bấm vào dây nào, phím nào và theo tiết tấu nào. Tức là ghi được 3 yếu tố.
5 đường kẻ ngang là 5 sợi dây đàn. Các vạch thẳng đứng là vạch nhịp. Số 3 ở đầu là số đề nhịp. (Bài này ở nhịp 3. Không rõ là 3/4 hay 3/8 hay 3/2.)
Các con số 1, 2, 3... là ngăn đàn sẽ được bấm để khẩy. Số không (0) là dây buông.
Các hình nốt ở phía trên là trường độ của âm thanh. Các đường cong là dấu luyến.
Biết trước cao độ của từng dây đàn (đường kẻ ngang) thì ta có thể chuyển bảng này thành bản ký âm hiện đại với Khuông 5 dòng kẻ, có Khóa. Và bản ký âm đó sẽ chỉ có nốt nhạc, được phân thành từng ô nhịp.
Khi dùng TAB, người chơi hoàn toàn tự do muốn dùng ngón tay phải nào để khẩy cũng được, dùng ngón tay trái nào để bấm cũng được. (Thực ra không phải là tự do, mà là không biết bấm và khẩy bằng ngón nào, như sẽ trình bày sau.)
Hình 1a: TAB của bài Passacalle của Gaspar Sanz in năm 1674
Thời xưa, TAB kiểu Pháp (hình 1b) còn khó hiểu hơn nữa. Thứ tự các ngăn đàn được ghi bằng chữ La Tinh (b là ngăn 1, c là ngăn 2..., a là dây buông).
Hình 1b: TAB của bản Prelude của Johann Sebastian Bach.
Và vì TAB không ghi được các ngón bấm và ngón khẩy, người chơi đàn phải tự “soạn” trước cho mình cách chơi bản nhạc đó. Vấn đề là không biết ghi chú vào đâu và ghi thế nào. Đây chính là nhược điểm của việc sử dụng TAB. Mặc dù ngày nay, người ta chế ra nhiều kiểu viết TAB rõ ràng và kỹ hơn.
Để chơi đàn dây có phím, việc dùng ngón nào để bấm và ngón nào để khẩy là cực kỳ quan trọng. Bấm đúng thì bàn tay trái di chuyển hợp lý và phân câu rõ ràng. Khẩy đúng ngón thì mới có thể khẩy nhanh và tạo được âm thanh phù hợp (trong/đục, cứng/mềm khác nhau). Vì thế, các bản nhạc soạn cho đàn dây khẩy ngày nay, đặc biệt là guitar, đều có ghi chú về ngón tay. Dùng chữ p, a, m, i cho tay phải; Dùng số 1, 2, 3, 4 cho tay trái.
Hình 2 là cách ký âm tiêu chuẩn cho đàn guitar. Chữ (màu đỏ) ghi ngón khẩy. Số (màu xanh) ghi ngón bấm.
Hình 2: 4 ô nhịp đầu của bài Romance de Amor
Với cách ghi này, người chơi phải biết rõ các nốt trên khuông nhạc và cách tạo ra các nốt đó trên dây đàn (dây nào, phím nào). Mà đây lại là việc rất nhiều người cho là khó khăn nhất trong việc học đàn. Họ thấy nó phức tạp vì phải học thuộc tên của các nốt trên khuông nhạc, phải thuộc các nốt đó trên từng sợi dây đàn. Lại thêm các hình nốt đen trắng râu ria càng làm tăng độ phức tạp. Phức tạp vì phải tính nhịp phách để tạo nên tiết tấu.
Thực ra, nhạc thì phải có tiết tấu. Nên việc học để diễn tiết tấu là điều tiên quyết. Vấn đề là học cách nào để đi từ dễ đến khó. Chứ không phải vì khó mà bỏ qua và trở thành mù nhạc. Trong hình 2, tất cả các nốt nhạc theo nhau đều là nốt Phần Tám (nốt móc đơn) nên chúng sẽ được khẩy đều đặn nối tiếp nhau. Và đó là bước cơ bản và vỡ lòng để học tiết tấu.
Hãy xem bản TAB của 4 ô nhịp của bài Romance đó trong hình 3. 6 đường kẻ ngang là 6 sợi dây đàn. Người chơi phải biết trước tên của 6 dây này, để nhìn vào sẽ hiểu rằng dây số 1 ở trên cùng và dây số 6 ở đáy. (Cách ghi TAB của Ý Đại Lợi thời xưa thì theo thứ tự ngược lại, dây 1 ở đáy và dây 6 trên cùng. TAB của bài Passacalle trong hình 1 được ghi theo lối này và chỉ ghi cho 5 dây đàn.)
Các chữ cái E, A, D... là tên của dây.
Các con số là số của ngăn đàn được bấm. Số 7 dây 1 nằm ngay trên số 0 dây 6 chỉ ra rằng sẽ khẩy cùng một lúc 2 dây 1 và 6, mà dây 1 bị bấm ở ngăn 7. Sau đó khẩy dây 2 không bấm, rồi dây 3 không bấm, rồi dây 1 ngăn 7, rồi dây 2 không bấm... Các con số cách đều nhau có nghĩa là chúng được khẩy theo nhau đều đặn.
Hình 3: TAB phổ thông của bài Romance de Amor
Nếu chỉ đọc TAB, người chơi chỉ có thể hiểu rằng bản nhạc có 2 bè: bè trầm (bass) là từng nốt nhạc ở đầu mỗi ô nhịp; và bè bổng là 9 nốt nhạc mỗi ô nhịp. Nhưng khi chơi lên, ta nghe rõ được là 9 nốt nhạc đó thực ra ở trong 2 bè, bè giai điệu là các nốt trên dây 1, và bè đệm là 2 dây, dây 2 và dây 3. Vậy ta thấy rằng không thể đọc TAB để hiểu bản nhạc có mấy bè. Cũng như đọc TAB thì không thể thấy được đường nét của giai điệu lên xuống nhanh chậm thế nào, là điều mà lối ký âm tiêu chuẩn thể hiện rõ ràng.
Thế nên người ta phải viết thêm dòng ký âm tiêu chuẩn bên trên TAB để giúp người dùng hiểu đường nét giai điệu, phân bè (giọng) và tiết tấu của bản nhạc, như trong hình 4. Và khi này, TAB chỉ là để giúp người chơi đàn biết phải bấm vào đâu trên các dây đàn.
Hình 4: Lối ghi nhạc hiện đại theo kiểu TAB.
Lối ghi nhạc tiêu chuẩn có TAB này là công cụ tuyệt vời cho người chơi đàn nghiệp dư hay không học nhạc lý. Với người có thể đọc được nốt nhạc thì TAB sẽ giúp họ biết sẽ phải bấm thế nào. Vì ở đàn dây có phím, một nốt nhạc cụ thể có thể được chơi ở 2, 3 vị trí khác nhau trên các dây khác nhau, không chỉ ra thì không biết chỗ nào là đúng.
Nhưng nhược điểm vẫn là không ghi rõ được phải bấm và khẩy bằng ngón nào. Thực ra, người chơi đàn ở trình độ cao luôn tự tìm thế bấm cho mình, ngón nào, dây nào... cho nên họ cũng không cần TAB. Còn người ở trình độ trung bình hay vỡ lòng thì vị trí bấm và việc chỉ định ngón phải dùng là tối quan trọng. Cách ghi TAB không đáp ứng được điều đó. Và cách ghi rõ vị trí bấm dây này là vô ích đối với người trình độ cao. Nó vừa thừa vừa thiếu.
Tác hại quan trọng của việc chỉ dùng TAB.
Đọc TAB cũng cần luyện tập cho quen, tức là cũng mất thời giờ để học thuộc các ký hiệu, cũng phải luyện tiết tấu... y như học nhạc lý vỡ lòng. Và người chỉ dùng TAB phải là người có thẩm mỹ âm nhạc tốt: khi nghe các âm thanh tự mình khẩy lên theo TAB thì phải biết âm nào là chính âm nào là đệm để mà phân câu và diễn tả. Mà trớ trêu là người mới học đàn thì thẩm mỹ âm nhạc của họ chưa phát triển, nên việc phân câu sai dễ hình thành cách hiểu nhạc sai sau này. Trong khi với cách ghi tiêu chuẩn, các dấu phân câu bằng dấu lặng giúp người học hiểu câu nhạc một cách dễ dàng. Dĩ nhiên, vì là nhạc cụ khẩy, âm thanh luôn tắt sớm nên nhiều người cho rằng không cần đến dấu lặng. Và đó là điều sai lầm mà người ta áp dụng vào TAB.
Trong thực tế, người chỉ dùng TAB luôn luôn nghe bản nhạc do ai đó chơi trước, rồi tìm TAB để tập. Điều này làm hỏng tính độc lập trong diễn tả âm nhạc của nhạc sinh trung bình hay nhạc sinh ít năng khiếu. Nó làm mất đi sự tuyệt vời trong việc thưởng thức các âm thanh do chính mình tạo ra dựa trên một bản ghi nào đó.
Một tác hại nữa của việc chỉ dùng TAB là sự lãng phí thời gian cho một thứ xét ra là vô bổ. Vì sau nhiều năm chơi nhạc mà không học nhạc lý, khi gặp một bản nhạc tiêu chuẩn viết cho nhạc cụ khác (violon hay kèn, sáo...) hay một bài hát mới được in theo ký âm pháp chính quy, người chỉ dùng TAB sẽ không thể tự chơi được giai điệu của nó và hoàn toàn mất đi phần thưởng của sự khám phá. Tức là họ sẽ chỉ chơi được những bản nhạc đã chuyển thành TAB cho họ, và tự rút vào một thế giới hẹp, thế giới TAB.
Với người không có năng khiếu thiên phú, ký âm pháp là cơ bản để học nhạc, bất kể thể loại nhạc cụ. Cách ghi nhạc bằng TAB là cách ghi phổ biến thời xưa cho các loại đàn dây có phím, và ngay từ thời đó các nhược điểm của nó đã là rõ ràng, chỉ một điều nổi bật là dễ dùng.
Trong Ký Âm Pháp hiện đại, mỗi nhạc cụ có một số ký hiệu đặc trưng của nó để ghi các kỹ thuật ngón, ghi thêm vào bên cạnh, bên trên hay dưới các nốt nhạc của ký âm pháp chính quy.
Ở Tây Ban Cầm, 6 dây đàn được ghi bằng số Ả Rập bên trong vòng tròn; bấm bằng 4 ngón tay trái, ghi bằng số Ả Rập: 1, 2, 3, 4. Xưa dùng cả ngón cái, ghi là p –pulgar. Dây buông ghi bằng số 0; khẩy bằng miếng khẩy (plectrum, pick) có ký hiệu khẩy lên hay khẩy xuống hay rải; hoặc khẩy bằng 4 ngón tay phải, ghi bằng chữ Tây Ban Nha, là p(ulgar), i(ndice), m(edio) và a(nular). Các ngăn đàn được ghi bằng số La Mã (I, II, III, IV...). Khi chặn ngón 1 ở ngăn nào đó thì ghi ngăn đó bằng số La Mã sau chữ B(aré), (chữ B này có thể bỏ qua vì hiểu ngầm) có vạch chỉ rõ chặn đến lúc nào. Và còn các ký hiệu khác nữa như dấu ghi âm bồi, dấu luyến láy, dấu ghi việc lướt ngón, dấu rải lên, rải xuống, vân vân, càng ngày càng nhiều kỹ thuật mới tức là thêm dấu mới.
Với người tập đàn theo phương pháp dùng ký âm pháp thì tùy trình độ mà các chi tiết kỹ thuật cần thiết sẽ được ghi vào bản ký âm. Để chơi được bản Romance theo cách ghi trong hình 2, trình độ phải là thông thuộc khá nhiều vị trí trên cần đàn, nên không cần phải ghi chú ngăn đàn hay dây đàn.
Tuy nhiên nếu không biết các nốt nhạc nằm đâu trên cần thì vẫn có thể đọc bản ký âm tiêu chuẩn với các chi tiết thêm vào và vẫn không cần đến TAB như trong hình 5. Mỗi nốt nhạc được ghi chú rõ ràng khẩy bằng ngón gì (p, a, m, i), bấm bằng ngón gì (1, 2, 3, 4, 0) vào ngăn thứ mấy (số La Mã) trên dây nào (số trong vòng tròn). Và sự cách đều của các nốt nhạc ghi ra sẽ giúp người đọc hiểu rằng chúng được tấu lên đều đặn theo nhau. Và có một quy ước ít ai nhấn mạnh, là khi các nốt nhạc là lặp lại của các nốt trước thì chúng được xử lý giống mấy nốt trước, nên không cần ghi chú gì. Cách ghi này rõ ràng và gọn nhẹ hơn cách ghi vừa dùng khuông nhạc vừa dùng TAB ở hình 4.
Hình 5: 4 ô nhịp bản Romance De Amor dành cho người không biết ký âm pháp.
Sau đây là trọn bản Romance De Amor với các ghi chú dành cho người không biết ký âm pháp.