Về Thanh Nhạc (unfinished)
Muốn học hát thì phải luyện phát âm. Thông thường khi nói người ta không để ý tới cách phát âm của mình, muốn nói to thì vận hơi mà hét hay gằn giọng, đè cổ để âm có vẻ khàn đục nặng nề đe dọa, hay ré lên the thé chói tai khủng bố người nghe... Các ca sĩ giỏi đôi khi cũng áp dụng những thủ pháp ngoại môn này, còn các ca sĩ giả thì tận dụng chúng, phát sinh ra quái tượng Thanh Lam, Siu Black ở VN.
Nhưng môn Thanh Nhạc chú ý đến việc làm sao cho âm thanh kêu to và ngân vang mà không lạm dụng công cụ phát âm (thanh quản, thanh đới, cơ ngực, cơ hoành, cơ bụng, cơ vai, cơ cổ, phổi...) bằng cách tận dụng cộng hưởng của các bề mặt và hộp cộng hưởng của cơ thể (xương mặt, xương sọ, xoang mặt, khoang miệng, lồng ngực...). VÀ ĐIỀU KHIỂN LÀN HƠI (mạnh nhẹ, liền lạc...)
Và điều quan trọng nhất: NGÔN NGỮ. Vì hát là sử dụng ngôn ngữ trong giai điệu. Tức là phát âm TIẾNG NÓI.
Muốn phát âm đúng thì phải biết sơ lược bản chất của hệ thống tiếng nói của ngôn ngữ. Phải có chút khái niệm về ngữ âm (nguyên âm, phụ âm, nhị trùng âm, tam trùng âm, bán nguyên âm, bán phụ âm, âm gắt, âm vang, vần đóng, vần mở...), phải hiểu thứ tiếng mình dùng là đa âm tiết hay đơn âm tiết, phải biết cơ cấu phát âm của từng âm của thứ tiếng mình nói (dùng răng môi lưỡi thế nào, hàm mở, môi khép thế nào). Tất cả chỉ để giúp vào việc phát ra thứ tiếng nói mà người nghe không thể lẫn lộn.
Không có những kiến thức trên, người ta phải học theo một ông thầy biết cách làm mẫu, tức là học theo kiểu bắt chước, chứ không phải học theo kiểu nghiên cứu - thực hành - chỉnh sửa. Các LÒ đào tạo ca sĩ ở Sài Gòn xưa đều áp dụng phương pháp bắt chước này. Nhưng vì thầy quá giỏi (nhạc sĩ Nguyễn Đức chẳng hạn) nên ca sĩ họ đào tạo ra là gần như KHÔNG THỂ BÀN CÃI về phát âm tiếng Việt. (Có vài người thời đó cũng được gọi là ca sĩ nhưng cái vần IM của họ luôn luôn biến thành vần IÊM thì ngoại lệ, đáng trách.) Chỉ có điều không hiểu tại sao, họ lại lấy cách phát âm Hà Nội Cũ làm chuẩn mực, mặc dù rõ ràng là giọng Hà Nội có SAI ( S/X, Ch/Tr chẳng hạn, là những âm mà giọng Sài Gòn phân biệt rõ ràng). Hay là vì nếu lấy giọng Sài Gòn làm tiêu chuẩn thì sai nhiều hơn (ở những vần cuối, ở dấu giọng). Nhưng lấy giọng Hà Nội Cũ hóa ra lại hay. Nhớ là vì học theo cách BẮT CHƯỚC nên luôn luôn rập khuôn, và vì vậy, gọi là LÒ chứ không phải TRƯỜNG.
Điều quan trọng là các LÒ CA SĨ ở miền Nam xưa đã đào tạo ra các ca sĩ biết điều khiển hơi, biết sử dụng khoảng vang trong ngôn ngữ Việt. Và tên tuổi các ca sĩ đó vẫn đọng lại trong lòng dân Việt sau cả nửa thế kỷ là vì thế.