Friday, October 24, 2014

NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI "TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN" của THU TỨ



NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI
"TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN" của THU TỨ


Kiều Phong
(Lê Tất Điều)


(Thu Tứ là bút hiệu của ĐTP, con trai thứ nhà văn Võ Phiến. Anh được cha mẹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học từ nhỏ, trở thành một khoa học gia ở Mỹ. Anh là nhà văn có tài. Nhưng, như hầu hết sinh viên du học của miền Nam, Thu tứ đền đáp lại cho miền đất đã nuôi dưỡng mình bằng một quả “thân Cộng” to đùng. Tháng 8- 2014, cái tâm địa phản phúc, vô ơn, “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản” của Thu Tứ tràn ra đầu ngọn bút, trút lên chính thân phụ của anh. Thu Tứ viết một bài dài mạt sát nhà văn Võ Phiến về tội “chống Cộng”, “làm hại nước”.

Sau đây là những lá thư nhà báo KP viết cho TT.)


Cháu Thu Tứ,

Đây là những sai lầm trong bài: “Trường hợp Võ Phiến”:

1- Cháu lên án những người chống Cộng ở miền Nam là: rước ngoại bang Mỹ về để giữ cho đất nước tiếp tục bị chia đôi! và “nhà văn Võ Phiến đặt việc chống Cộng lên trên việc thống nhất đất nước.”

Không có dân miền nào ngu dại thích chuyện “đất nước bị chia đôi” đến độ hy sinh máu xương để giữ cái “chia đôi” cho bằng được. Quân dân miền Nam và bố cháu đặt việc chống Cộng lên trên hết là để bảo vệ vùng đất cuối cùng của Việt Nam nơi con người còn được sống như nguời, không lọt vào gông cùm của một loại chế độ bị cả loài người kinh tởm.

Tóm tắt vài chi tiết lịch sử mà vì đọc toàn sách báo Cộng sản, cháu không biết:

Kháng chiến chống Tây là việc của toàn dân. Đảng Cộng sản chỉ là một trong những đảng tham gia vào cuộc chiến đấu chung. Nhờ tổ chức giỏi, mưu mô xảo quyệt và tàn bạo – nhất là tàn bạo – vừa gặp cơ hội là đảng cướp chính quyền làm của riêng, đẩy các “đồng minh sát cánh chiến đấu” ra rìa. Rồi sợ họ bất mãn thì phiền, Đảng Cộng sản ra tay tiêu diệt các đảng khác. Việt Nam Quốc dân Đảng đóng góp cho kháng chiến 13 nguời liệt sĩ ở Yên Bái thành tích kháng chiến lẫy lừng, đảng viên cao cấp vẫn bị CS thủ tiêu, đảng viên cắc ké nhiều người bị giam cầm tới chết.

Thanh toán những đảng phái quốc gia cùng chiến đấu với mình vì sợ phải chia quyền lực cho họ, ta hiểu được. Nhưng bác Hồ còn thanh toán chính các đồng chí của mình, hung hãn không thua bác Staline, rồi thừa thắng xông lên, thanh toán luôn… nhân dân, Bác “cải cách ruộng đất” một phát long trời lở đất, biến những ngôi làng hiền hòa muôn thủa của dân tộc thành những pháp trường đẫm máu, rùng rợn chả kém gì làng quê của bác Mao, ông thầy dậy và bắt Bác phải giở trò man rợ này với chính đồng bào ruột thịt.

Mà khi đó, Bác mới làm vua nửa nước!

Trong bài, có chỗ cháu bào chữa cho Bác và Đảng là: bác Hồ đã sửa sai rồi! Chú cũng biết chuyện ấy, khi nghe bác Hồ hối hận, rơm rớm nước mắt, chú cũng mềm lòng, bùi ngùi cảm động.

Nhưng cảm thông với kẻ giết người hàng loạt xong biết tuyên bố sửa sai, thì ta cũng phải thông cảm với những người vì cái sai ấy mà chịu cảnh tang thương, nuôi lòng oán hận, và hàng triệu người sau khi chứng kiến cảnh đồng bào mình bị tàn sát, hoảng kinh co giò chạy thục mạng cho thật xa Bác và Đảng. Nếu Bác tiếp tục xông tới đòi chiếm luôn mảnh đất sống cuối cùng của họ thì nhất định họ phải chống cự. Bởi vì lúc đó họ không tiên đoán được là có lúc Bác hối hận. Mà biết thì cũng không ai ham làm nắm xương tàn trong mộ chờ ngày được Bác ban cho vài giọt lệ sửa sai lâm ly.

Mà đâu phải sau khi sửa sai, hối hận, Bác trở nên hiền như ma sơ. Tết Mậu Thân, có “thời cơ tốt”, Đảng Cộng sản quang vinh và Bác Hồ muôn vàn kính yêu ra tay chôn sống hàng ngàn đồng bào Huế tỉnh bơ. Rồi ở “một thời cơ tốt” khác, có đám đông đồng bào, đa số đàn bà con trẻ, khóc mếu bồng bế dắt díu nhau chạy loạn, các đồng chí dùng hỏa tiễn súng cối Nga Tầu phát cho, pháo kích chết la liệt hàng cây số trên đại lộ kinh hoàng. Khi không gặp thời cơ tốt, các đồng chí vẫn tạo ra thật nhiều “thời cơ hơi hơi tốt” bằng cách pháo kích đều đều vào thành phố, thịt xương con cháu đám Ngụy Dân lâu lâu lại tan nát, rải khắp sân trường.

Cháu có thể theo đúng kinh sách Cộng sản, lý luận rằng “cứu cánh biện minh cho phượng tiện” các đồng chí phải tàn sát không gớm tay để cứu nước, giúp cho những đứa may mắn sống sót được hưởng cuộc đời hạnh phúc phồn vinh trên thiên đường xã hội chủ nghĩa.

Cháu tin thế là quyền của cháu, nhưng đừng đòi hỏi nhà văn Võ Phiến và những người văn minh, nhân bản ở miền Nam phải buông súng, dâng mảnh đất tự do cuối cùng cho bọn người cuồng tín, bất nhân, và hung bạo như thế, để “nước khỏi bị chia hai”.

Bố cháu theo kháng chiến, dạy học, giúp những cán bộ cao cấp mở mang kiến thức (nhờ vậy mà được một người học trò cứu mạng). Trông thấy đảng Cộng sản tàn ác, bất nhân quá, ông bất bình, can ngăn. Thế là bị tù, suýt bị tử hình.

Thoát gông cùm, về được miền tự do, ông đặt chuyện chống Cộng lên trên hết, coi đó là vấn đề sinh tử của mình, gia đình mình, và toàn dân trên phần quê hương chưa bị cộng sản cưỡng chiếm. Muốn ghép hai chuyện chống Cộng và “thống nhất đất nước” vào với nhau thì phải viết rõ: “Nhà văn Võ Phiến quyết tâm chống Cộng vì không muốn để miền Nam bị bọn Bắc Cộng chiếm nốt, đất nước bị thống nhất dưới một chế độ độc tài, sắt máu nhất trong lịch sử loài người.”

Cháu viết lửng lơ: “nhà văn Võ Phiến đặt việc chống Cộng lên trên việc thống nhất đất nước.”... rồi ngửa mặt nhìn trời, tuôn ra một tràng những lời trách than ảo não, bi ai, nghe kêu boong boong: “Tổ tiên ta bao nhiêu công phu, xương máu, qua bao nhiêu đời mới mở được chừng này đất, để bây giờ đất chia hai sao? Dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm trải bao lượt thử thách vẫn là một để bây giờ thôi là một sao?” ngụ ý rằng bố cháu quên công ơn dựng nước của tổ tiên, coi trọng việc chống Cộng hơn việc vẹn toàn lãnh thổ, còn cháu thì yêu nước, biết ơn tổ tiên, biết đau lòng vì đất nước chia hai v.v...

Viết như thế là gian lận, kiêu căng và xấc láo.

Chú tin cháu là người ngay thật, không cố tình dùng chữ nghĩa để bày trò gian vặt, cốt thủ thắng trong tranh luận. Chú cũng không tin cháu kiêu căng đến độ nghĩ mình khôn ngoan, yêu nước, biết ơn tiền nhân hơn cả các bậc cha chú và hàng triệu người chống Cộng ở miền Nam. Cháu cũng không là người ngu.

Chỉ mù quáng hết thuốc chữa thôi!

Bây giờ, ta xét xem chọn lựa “chống Cộng” đúng hay sai.

Nhờ chọn “chống Cộng”, bố cháu có chỗ dung thân, tạo sự nghiệp văn chương lừng lẫy, nuôi dưỡng các cháu thành tài, riêng cháu được du học để trở thành khoa học gia. Nếu ở lại với CS, với tội danh “phản động” sợ rằng tính mạng cũng không giữ được, số phận các cháu, con cái của một “tên phản động” chắc cũng không khá.

Nhờ hàng triệu người miền Nam chọn lựa chống Cộng giống bố cháu, cố chiến đấu giữ cho “nước chia đôi’ hai thập niên mà người dân miền Nam có đời sống khác xa thiên đường xã hội chủ nghĩa miền Bắc như thế nào, chẳng lẽ cháu không biết.

Nếu thật không biết thì hãy nhìn kỹ vào đất nước Nam Hàn. Như bố cháu, như miền Nam Việt Nam, Nam Hàn cũng chọn lựa quyết liệt chống Cộng, giữ cho chuyện “đất nước chia đôi” kéo dài. Họ may mắn hơn ta, thành công. Nhờ thế giờ này thành một quốc gia giầu mạnh, văn minh, khoa học kỹ thuật tiến bộ ngang với Nhật, và không bị cậu chủ tịch nhóc tì Kim Chính Vân lãnh đạo.

Nếu Việt Nam bây giờ còn chia đôi thì cháu và bộ máy tuyên truyền ở Hà nội tha hồ tưởng tượng ra cảnh một Việt Nam thống nhất được Bác và Đảng lãnh đạo cho lên phi thuyền, xuất phát từ đỉnh cao trí tuệ loài người, bay vù vù vượt xa Nam Hàn. Nhưng nước ta thống nhất bốn thập niên rồi, Việt Nam tiến tới đâu, khác nam Hàn ra sao, người khiếm thị cũng thấy. Mới đây, trên báo Tuổi Trẻ ở trong nước, tác giả Nguyễn Hoa Lư trong bài “Ngậm ngùi rơi lệ” có đoạn rất hay nói sơ sơ về sự “khác biệt” giữa hai quốc gia:

“Một quan chức cao cấp của Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Vũ Ngọc Hoàng, đã có một phát biểu gây ấn tượng mạnh: “Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng”.

VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương cách đây bốn, năm mươi năm, nghĩa là vào thời điểm chưa “bị” thống nhất, Việt (miền Nam thôi, các đồng chí đừng có nhận vơ!) chẳng kém Hàn. Thế mà giờ đây…

Nhà văn Võ Phiến, miền Nam VN, Nam Hàn chọn chống Cộng mà nhân loại hôm nay cũng chọn lựa giống hệt như thế.

Do đó, chủ nghĩa Cộng sản đã từng chinh phục một nửa thế giới bây giờ co cụm lại còn sót có bốn mống. Trong bốn mống đó thì Trung Cộng đã thành tư bản Đỏ, chỉ còn xứng danh Cộng sản dỏm. Cộng sản Việt Nam thì đang chạy theo hai con voi Tư bản xanh và Tư bản đỏ để hít bã mía cho đỡ đói, chả thấy còn giống con Giáp Cộng sản nào. Gia tài Cộng sản còn rơi rớt lại, nguyên con, không sứt mẻ là hệ thống công an cảnh sát đàn áp, hành hạ đối lập và bắt nạt, áp bức dân lành.

Và chính trên quê hương, nơi lý thuyết chủ nghĩa Cộng sản chào đời, dân tộc Nga cũng chọn lựa giống hệt nhân loại. Họ đem cái chủ nghĩa đáng ghê tởm ấy cùng những tượng lớn bé của các đấng sinh thành ra nó vứt hết vào bãi rác.

Bây giờ mà chống Cộng hăng quá thì có thể… sai thật. Vì mang tiếng tàn nhẫn, đánh đập những kẻ đã hấp hối, đang ngáp ngáp!

Về chuyện “thống nhất đất nước” thì nhà văn Võ Phiến, như hàng triệu người ở miền Nam, ở Nam Hàn có khi nào ngưng thiết tha mong ước ngày đất nước thôi bị chia hai đâu! Nhưng trái với đảng Cộng sản và cháu, họ chỉ muốn Việt Nam được thống nhất như Đông Tây Đức, nghĩa là chế độ Cộng sản Đức hết chỗ dung thân, dân Đông Đức từ nay không phải tìm tự do bằng cách vượt ngục, rồi bị lính Đức Cộng bắn chết gục dưới chân tường Bá Linh. Toàn dân Đông Đức được chung hưởng phúc lợi và niềm hãnh diện của những công dân một nước Đức tự do, văn minh, giầu mạnh.

Mơ ước không thành, nhưng chọn lựa “chống Cộng” thì thật đúng, theo phán quyết của chính quan tòa lịch sử nhân loại.

2 – Đoạn văn sau đây khiến người đọc, nhất là những người từng đọc Thu Tứ, bàng hoàng:

“Cách nhìn là quan trọng nhất. Nhưng nhìn đâu cũng có đóng góp vào cái thấy của người nhìn.
Có thể đặt vấn đề, hay là quê hương nhỏ của nhà văn Võ Phiến là huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định nó đã “ngoại lệ” khiến ông đâm ra dễ nghĩ lệch về chuyện đất nước? Quả thực, ở Phù Mỹ thời Pháp thuộc gần như không thấy bóng giặc Pháp mà chênh lệch giàu nghèo cũng không đáng kể.”

Người đọc kinh ngạc sững sờ, không thể ngờ một cây bút luôn có những suy tư chín chắn, sâu sắc lại viết ra những lý luận, nhận định ngây ngô, nhảm nhí đến thế.

Ở đây, cháu mô tả Võ Phiến giống hệt một ông nông dân mù chữ, không biết viết, biết đọc, và suốt đời – suốt đời – quẩn quanh ở huyện Phù Mỹ nên không biết Tây nó ác, xã hội Việt Nam ngoài huyện Phù Mỹ có chênh lệch, bất công, có khi còn chả biết mặt mũi thằng Tây thế nào vì “ Phù Mỹ gần như không thấy bóng giặc Pháp” … thành ra ông nhà văn mù chữ quanh quẩn ở huyện Phù Mỹ nghĩ chuyện đất nước lệch lạc hết trơn!

Nào, bây giờ theo đúng cách lập luận của cháu, chú viết thế này: “Thủa nhỏ Thu Tứ sống ở Sài gòn, rồi đi du học, quanh quẩn ở Úc ở Mỹ nên không biết chế độ Cộng sản tác hại cho dân tộc đến thế nào, nên dễ nghĩ lệch về Bác và Đảng”.

Chắc chắn cháu sẽ “phản biện” nhận xét hồ đồ, ngây ngô này ngay: “Tôi biết tường tận chuyện đất nước quê hương chớ, nhờ đọc sách báo”

Cháu đọc để biết thiên hạ sự thì cũng phải để ông nhà văn không mù chữ Võ Phiến đọc để biết những chuyện xảy ra khắp trên quê hương của ông chứ!

Nói chuyện đọc, chắc cháu đọc không nhiều bằng bố. Chú lại nghi cháu tập trung đọc toàn những sách ca ngợi, tâng bốc Cộng sản. Thành ra bắt chước cháu, chú cũng: “Có thể đặt vấn đề, hay là kho sách nhỏ của Thu Tứ chỉ toàn một giống tác phẩm tuyên truyền, ngợi ca Bác Đảng, khiến Thu Tứ đâm ra dễ nghĩ lệch về chuyện đất nước?”

Áp dụng suy luận này vào trường hợp cháu, nghe lại có vẻ rất... chí lý!

Kết luận Võ Phiến chỉ là một người mù chữ, vốn hiểu biết nghèo nàn gồm một mớ chuyện mắt thấy tai nghe quanh quẩn trong phạm vi huyện Phù Mỹ xong, cháu lên tiếng mắng mỏ, chê trách ông:

“Nhưng ngay ở Phù Mỹ, chắc chắn cũng đã có rất nhiều người yêu nước, chẳng qua nhà văn không chú ý đến họ”. (Ông nhà văn này đáng trách thật, có mớ kiến thức cỏn con lượm lặt ở huyện Phù Mỹ mà lại còn bỏ sót một kiến thức quan trọng như thế!)

Mắng mỏ chê trách xong là đến màn dậy dỗ thân phụ:

“Hơn nữa, dù chỉ nhìn tình hình Phù Mỹ mà thôi khó thấy được đại cục nước Việt Nam, thì thiết tưởng một người lên tiếng về đại cục như nhà văn Võ Phiến có trách nhiệm phải nhìn cho thật rộng, nhìn khắp cả nước, chứ đâu được nhận định về toàn quốc trên cơ sở tình hình ở chỉ địa phương mình!”

Ngoài kiến thức do đọc, ông Võ còn vốn sống. Tham gia kháng chiến, sống và làm việc với Cộng sản, ở tù, bị xử truớc tòa án nhân dân… rồi sau đó là hai thập niên đối đầu với Cộng sản hàng ngày, bắt buộc phải tìm hiểu chiến thuật, chiến lược của địch, phải theo dõi sát nút tình hình thế giới để biết chuyện gì sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia. Còn Thu Tứ vốn đọc hạn hẹp, vốn sống thì chỉ có mấy chuyến về thăm quê hương theo kiểu Tây ba lô! Vậy mà con nguời vốn đọc nghèo nàn, hẹp hòi, vốn sống là con số không to tướng lại lên mặt dậy dỗ chủ nhân một kho tàng kiến thức mênh mông! Lại vu cáo cho ông là: … nhận định về toàn quốc trên cơ sở tình hình ở chỉ địa phương mình!”

Sao cháu có thể u mê đến độ dám viết ra những lời quàng xiên, ngớ ngẩn, hỗn xược đến thế?

Đoạn văn ấy không làm giảm uy danh nhà văn Võ Phiến để “phục vụ tốt” cho Bác Đảng đâu, mà chỉ biểu lộ tác phong, nhân cách của chính tác giả: kiêu căng, xấc láo và ngu muội đến mức không ngờ.

Trong bài, có đoạn cháu khoe đã về Việt Nam du lịch nhiều lần, tìm mãi không thấy “cái ảnh hưởng cực xấu của chủ nghĩa cộng sản đối với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam,”. Chuyện ấy bàn sau, bây giờ hãy nói đến ảnh hưởng cực xấu của những tác phẩm do cơ quan tuyên truyền của Cộng sản sáng tác.

Những cuốn sách đã mốc meo, chính những người Cộng sản hiếm hoi cuối cùng còn sót lại cũng chán lè, không thèm đọc, vẫn thu hút được một nhà văn thông minh có tài, đang sống trên đất tự do. Thu hút và thôi miên, biến anh ta thành một con người ngây ngô, ngớ ngẩn, khả năng xét đoán đúng sai bị tê liệt, rồi tự biến mình thành một cán bộ tuyên truyền hạng bét.

Tệ hơn nữa, ngoài công tác tuyên truyền, tâng bốc, bào chữa cho một chủ nghĩa đã bị nhân loại ghê tởm, anh ta còn lợi dụng cơ hội được làm con nhà văn Võ Phiến để ở ngay trong nhà rình rập những lời nói “phản động”, moi móc các sáng tác của ông, kiếm tìm những câu văn chê Bác Đảng để viết báo cáo trình công an, xúi chúng nó cấm in sách của thân phụ mình.

Cháu luôn luôn tỏ ra tha thiết muốn bảo tồn văn minh, văn hóa Việt Nam. Hầu như bài viết nào cũng toát ra tấm lòng thiết tha đẹp đẽ ấy.

Nhưng cháu đang nỗ lực bảo tồn một nền văn hóa, văn minh Cộng sản mới đẻ ra từ thời “cải cách ruộng đất”, thứ văn minh “ đấu cha, tố mẹ” đã từng làm một con người khắc nghiệt, tàn nhẫn như Hồ Chí Minh phải ân hận, rơi lệ.

3- Những sai lầm văn chương, lý luận, suy diễn trong bài viết của cháu còn nhiều, chú bận quá, lại không hứng thú gì khi phải ngồi đọc đi đọc lại một bài mạt sát Võ Phiến ngây ngô, non nớt, thua xa văn chương của đám bồi bút tác giả cuốn: “Những tên biệt kích văn nghệ”, ấn hành ngay sau 75.

Hơn nữa, sau khi đọc phần1và 2, được chỉ dậy cho những sai lầm có thể làm một tác giả sáng suốt giật mình tỉnh ngộ, cháu vẫn nhất định ôm khư khư cái quái thai văn chương ấy... có giảng giải thêm cũng chẳng ích gì.

Vậy tạm gác cái sai văn chương, xét qua cái sai trong hành động.

Hành động lâu nay, được cháu tả rất rõ:

“Số là, trong hai năm qua, do nhà nước Việt Nam nới lỏng qui định về xuất bản, nhà xuất bản Nhã Nam ở Hà Nội có in lại hai tác phẩm của nhà văn Võ Phiến là Quê hương tôi và Tạp văn. Cả hai tác phẩm này đều do chúng tôi chọn lựa và biên tập, theo sự ủy quyền từ lâu của thân phụ. Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vửa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. Chúng tôi đã tưởng mình thế là chu đáo với nhà với nước!”

Trước hết, chú tin cháu không cố tình gian lận, lươn lẹo trong việc sử dụng từ ngữ, nhưng cháu dùng toàn những từ gian lận Cộng sản cung cấp: “Người yêu nước” thay cho “ Người Cộng sản” “tổ quốc, nước” thay cho “Bác và đảng Cộng sản”, “nội dung chính trị” thay cho “nội dung chống Cộng”.

Dùng từ ngữ một cách ngay thẳng, có thể tóm tắt sinh hoạt của Thu Tứ như sau: Được cha già ủy quyền quản thủ gia tài văn chương của ông, Thu Tứ tự biến mình thành công an văn hóa, ngồi chọn lựa tác phẩm không chứa nội dung chống Cộng, nếu có tí chống Cộng nào thì kiểm duyệt, cắt bỏ ngay, rồi mới cho phổ biến. Và Thu Tứ tin mình làm thế là chu dáo với nhà và với (Đảng Cộng sản đang cai trị cả) nước.

Sinh hoạt trước đây là thế, sinh hoạt mới nhất, sôi nổi nhất thể hiện trong bài này là hô hoán báo động về cái hại trong văn chương Võ Phiến để nhà nước Cộng sản kịp thời có biện pháp đối phó. Thành tích đi báo Công an đó được nêu ra ngay từ đoạn mở bài:

“Chúng tôi vô cùng bất đắc dĩ mới lên tiếng
Chẳng ai muốn đi chỉ ra cái sai của người đẻ ra mình!

Chúng tôi làm việc này vì vừa được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm. E rằng việc làm của họ có thể khiến một số người đọc hoang mang, hại đoàn kết dân tộc, chúng tôi quyết định tự mình phản bác nội dung này.”

Nghĩa là Võ Phiến được độc giả trong nước chào mừng, nhiều nhà xuất bản tư nhân (phi chính phủ!) muốn ấn hành các tác phẩm khác, có thể mang nội dung chống Cộng mà Thu Tứ đã loại bỏ, hoặc chưa kiểm duyệt. Thành ra anh công an văn hóa tình nguyện này phải gào lên kể tội chống Cộng của bố, để cứu đảng và nhà nước ta khỏi bị quân phản động hãm hại.

Nhiều lúc chú băn khoăn: hay là có biến cố gì làm cháu bị chấn động, hoang mang, rồi nẩy sinh những ý nghĩ, hành động bất thường? Nhưng hiện tại, trước mắt, thấy một người, dù điên hay tỉnh, đang cầm vũ khí, hoặc dao, hoặc bút, đâm chém loạn xạ, kể cả người đẻ ra mình, miệng gào thét kết tội các vị ấy “làm hại nước” v.v... thì cần có biện pháp đối phó ngay. Nguyên cớ tìm hiểu sau.

Bài viết của cháu không thuyết phục được ai, như con dao cùn, người bị đâm không thấy đau, chỉ tức cười. Nhưng vị thế hiện nay của cháu – con trai nhà văn Võ Phiến, được ủy quyền quản thủ gia tài văn chương – cho phép cháu tha hồ phá hoại. Thành tích đã có rồi: kiểm duyệt hết những bài, những đoạn văn chống Cộng của nhà văn Võ Phiến để lập công với Đảng và nhà nước.

Do đó, qua điện thoại, chú đã yêu cầu mẹ cháu giúp bố làm thủ tục truất quyền “thừa hưởng và quản thủ tài sản văn chương Võ Phiến” của cháu.

Nếu vì thương con, bà không chịu làm việc ấy, chú sẽ đoạn giao.

Dù rất thương kính ông bà, chú không thể ngồi yên chứng kiến cảnh một tên công an văn hóa được ông bà dung dưỡng, che chở, tiếp tục tàn phá, hủy diệt những di sản tinh thần quý giá của dân tộc.
Kiều Phong
(Lê Tất Điều)
(còn tiếp)
NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI
“TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” của THU TỨ

Kiều Phong

(2)


4) Trong phần “Tại sao chúng tôi trở nên bất đồng” cháu khoe đã mở cuộc điều tra về tình cảnh đồng bào sống dưới chế độ Cộng Sản, và kết luận: không thấy chuyện gì chứng tỏ chủ nghĩa Cộng sản ảnh hưởng cực xấu vào văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Nào, để xem thám tử Thu Tứ đi truy tầm “cái ảnh hưởng cực xấu” ra sao.

Cháu kể: Chúng tôi về nước rất nhiều lần, mỗi lần rất lâu, thăm thân rất ít, coi như toàn bộ thời gian ở trong nước dành cho việc đi tham quan, chủ yếu miền Bắc. Chúng tôi không ở khách sạn sang trọng, không đi tua, mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xe xích-lô, có lần mua xe đạp đạp dạo quanh vùng ngoại ô Hà Nội kia thường xuyên đến nỗi có người ngồi chợ tưởng nhầm là dân buôn! (Chúng tôi vẫn có lối du lịch “bụi” như vậy từ trước chứ không phải đến khi về nước mới thế.)

“Không ở khách sạn sang trọng, không đi tua, mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xe xích-lô v.v...” kể lể hơi dài dòng, cứ nói gọn: du lịch kiểu Tây Ba Lô, bà con hiểu liền. Cháu còn hơn Tây Ba Lô một bậc, biết mua xe đạp, đạp vòng vòng, khiến giữa nơi chợ búa đông đúc như thế mà có tới một đứa mắt mũi kèm nhèm tưởng nhầm là dân buôn. Ngụy trang khéo léo kín đáo cỡ đó là nhất rồi, James Bond Thu Tứ tha hồ điều tra sâu rộng mà không lộ tung tích.

Sau khi mở cuộc điều tra ở miền Bắc thì “thấy người Việt Nam ngoài Bắc vui vẻ, bình thản, vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách “cách mạng”, mọi người bình đẳng, cũng rất hay.”

Cháu không nói đã gặp mấy chục, mấy trăm người Bắc?

Mà tại sao lại “mọi người bình đẳng, cũng rất hay?”. Văn quá bí hiểm, ý tứ không rõ. Dân bình đẳng với dân là chuyện thường, có gì đáng nói? Dân đen mà được bình đẳng với ông công an phường mới quý hóa, mới rất hay chứ?

Điều tra sâu rộng chỉ ở miền Bắc, quan sát tính tình, sinh hoạt của tối đa là vài trăm người dân xong, Thu Tứ lập tức dõng dạc kết luận:

“Đâu là cái ảnh hưởng cực xấu của chủ nghĩa Cộng sản đối với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam!...”

Dựa vào sự quan sát một vùng đất, một nhóm người, để đưa ra kết luận về toàn thể gần một trăm triệu dân, một đất nước trải dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu... cháu có thấy mình quá vội vàng không?

Sự vội vàng ấy, chính cháu đã lên án gay gắt ở một đoạn khác. Cháu chỉ trích tất cả những người chống Cộng là dựa vào một số hiện tượng tiêu cực để chê Cộng Sản xấu, ngụ ý họ bất công, xuyên tạc vì thiên kiến, nhìn cục bộ suy ra đại thể. (Cháu cũng lớn tiếng dậy dỗ thân phụ: “thiết tưởng một người lên tiếng về đại cục như nhà văn Võ Phiến có trách nhiệm phải nhìn cho thật rộng, nhìn khắp cả nước...”. Quên rồi sao!)

Thế những đứa không nhìn khắp cả nước, chỉ dựa vào vài ba chuyện tích cực ở mấy địa phương nhỏ để hít hà, tâng bốc rằng chủ nghĩa Cộng sản trên toàn quốc hay lắm, đẹp lắm thì sao?

Câu này mới ngộ nghĩnh:
“Bấy giờ miền Bắc cũng như cả nước, đang có một số hiện tượng xã hội tiêu cực do kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn, nhưng nhìn chung người tuy nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện.”

Ấy, chỗ này phải từ từ, không nói liến thoắng để lấp liếm được. Cho chú ngắt lời cháu, nêu tí thắc mắc: Đứa nào làm cho kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn? Lúc đó là 1991, 16 năm sau “thống nhất đất nước” rồi, tàn dư Mỹ Ngụy không thể sống dai đến thế.

Lãnh đạo bất tài, làm kinh tế trì trệ, chủ nghĩa Cộng Sản tạo ảnh hưởng vào bát cơm, manh áo, cuộc sống của người dân, làm nẩy sinh thứ văn minh, văn hóa mánh mung, vật lộn, tranh sống khốc liệt, hiện ra lù lù trên nét mặt lo âu, trong sinh hoạt ngược xuôi, tất tả hàng ngày của những con người Việt Nam đói khổ, cùng quẫn... Thế là “cực xấu” hay chỉ hơi hơi xấu thôi?
Lại còn: “nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện”.

Những món văn hóa tinh thần (?) nào mà hay ho thế? Sao không kể ra cho độc giả nhờ. Một câu văn với những từ ngữ hoa hòe hoa sói nhưng mơ hồ không thực chất, không cơ sở, làm bà con nghĩ bể đầu chả hiểu tác giả định ngợi ca, tâng bốc cái gì! Lần sau, nên theo cách nói giản dị của tiền nhân, thí dụ như: “nghèo đói mà sạch sẽ, rách rưới mà thơm tho.” Đã có chữ là có nghĩa, ai cũng hiểu liền. Khỏi bị ngờ là bí quá, không biết khen cái gì cụ thể, đành “văn hóa tinh thần” một phát, cho nó kêu boong boong. Nó rỗng tuếch mặc xác nó!

Viết một đoạn văn ca tụng tài cai trị dân của Đảng loe ngoe có mấy dòng mà chỗ thì vô tình tố cáo Đảng bất tài,bất lực, chỗ thì ấp úng như âm thanh không thoát ra được từ cái miệng đầy bột của một con chó vừa ăn vụng. Thê thảm!

Đừng buồn, lỗi không phải ở cháu. Cháu rất thông minh, nghệ thuật nâng bi cũng khá rồi đấy, nhưng thất bại vì lỗi ở... mấy hòn bi.

Chúng nó nặng quá, khó nâng quá!

Nâng bi Cộng sản bây giờ là một công tác cực kỳ khó khăn, gian khổ, một loại mission impossible. Đội ngũ bồi bút của Đảng, tài nghệ siêu quần bạt chúng, kinh nghiệm đầy mình, cả đời nỗ lực nâng đến nỗi lưng còng xuống, rồi gẫy gập, khiến việc di chuyển khó khăn, phải dùng thêm cả hai tay... mà giờ này cũng ê càng hết rồi. Cháu đừng dại dột tranh nghề của họ.

“Người Việt Nam ngoài Bắc ... bình thản”
Lại mơ hồ, bình thản theo kiểu gì, trong hoàn cảnh nào? Bình tĩnh trước nghịch cảnh? Thản nhiên trước những đau thương của đồng loại? Hay chỉ là bình thản khi gặp một Việt Kiều?

Nếu cái “bình thản” thứ ba đúng thì chú đồng ý hoàn toàn. Năm 1991 phong trào du lịch Việt Nam chưa rầm rộ, đồng bào chưa biết vồn vã, tưng bừng chào mừng du khách. Bây giờ khác rồi, nhiều đồng bào ta gặp du khách mừng như bắt được đô la.

Muốn tìm lại những nét mặt bình thản thân thương thủa nào, cháu chỉ có cách tiếp tục làm Tây Ba lô vừa nghèo, vừa kẹo. Bớt tưng bừng tíu tít ngay, bình thản ra rít, có khi còn tiu nghỉu nữa.

“vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách “cách mạng”.

Câu khen người Bắc này khiến chú cảm động, và hãnh diện, vì mình dân Bắc kỳ. Mặc dầu là Bắc kỳ Chín nút (54= 5 + 4 = Chín nút – theo cách nói hiện nay của đồng bào miền Nam), nghe ai khen Bắc kỳ Hai nút (75= 7 + 5 = Hai nút ) cũng phổng mũi. Nhất là được khen có “phong cách Cách mạng”, vừa đẹp vừa hùng.

Đó là nhóm từ ngữ cao quý dành cho những con người bất khuất, sẵn sàng vùng lên chống lại cường quyền, dẹp bất công xã hội, thay đổi thế giới, làm nó đẹp hơn. Dân Bắc kỳ không di cư, ai cũng có cái phong cách, cái tinh thần cao quý ấy, Thu Tứ đã nức nở khen như thế.

Vừa cảm động vừa hãnh diện, chú nghĩ tới những bà mẹ liệt sĩ, những người xứng đáng nhất với lời ca ngợi của cháu.

Các bà mẹ Gio Linh, mang nặng đẻ đau sinh ra những chiến sĩ can trường, tất nhiên trong tim đã luân lưu dòng máu anh hùng, những mầm “phong cách cách mạng.” Khi con thành liệt sĩ, để lại cho mẹ lũ cháu mồ côi, tất nhiên mẹ lại tất tả ngược xuôi bán buôn nuôi lũ cháu, đã cách mạng lại còn rất kiên cường.

Các bà thường có những gánh quà rong, thơm ngào ngạt những món quốc hồn quốc túy. Những món quà do mẹ nấu đã từng đi vào văn học sử. Đám du khách nặng lòng với quê hương như cháu đã từng viết hàng trăm, hàng ngàn bài tùy bút ngợi ca từng cọng rau, sợi bún, miếng cá, con cua v.v...

Thế mà cái vỉa hè thơm lừng, tràn ngập hương vị quê hương, thắm đượm tình tự dân tộc ấy thỉnh thoảng, trong chớp mắt, bị náo loạn, teng beng vì bóng của một chú Công an.

Tin lời ngợi ca của cháu, độc giả sẽ hình dung một cảnh tượng hào hùng: bà mẹ liệt sĩ, đúng phong cách cách mạng truyền thống, hiên ngang đứng lên, giơ cao đòn gánh, sẵn sàng nghênh chiến, đánh đuổi thằng phá thối. Và khách hàng của mẹ, cũng phong cách Cách mạng cùng mình, chắc chắn có người lập tức xăn tay áo trợ chiến, bênh vực mẹ chống kẻ ác!

Nhưng “ôi chỉ là giấc mơ thôi”, giống hệt những người nghèo khổ bán quà rong, bà mẹ liệt sĩ cũng đành vắt giò lên cổ chạy tóe khói. Nhiều khi cuống quýt gánh gồng xiêu đổ, bát đĩa rơi vỡ, guốc dép và phong cách cách mạng văng hết ra đường, mỗi cái mỗi nơi! Tội nghiệp vô cùng!

Quen thói đùa cợt, mô tả thảm cảnh của các bà mẹ liệt sĩ bằng văn chương chữ nghĩa thiếu nghiêm trang, khiến có độc giả tuy ứa lệ mà vẫn phì cười, chú thấy mình thật cũng không phải.

Nhưng so với những đứa vừa phát bằng khen cho mẹ, vừa sai công an tịch thu cơ nghiệp, nguồn sống của cả bà lẫn cháu, hay những đứa về thăm quê hương, có mắt như mù, trút lên đầu mẹ những danh từ hào nhoáng, đao to búa lớn, xát muối vào vết thương trong tim mẹ, làm mẹ thêm đau đớn, nhục nhã, tủi thân... thì tội của chú chẳng có kí lô nào.'

Độc ác, tàn nhẫn do cố tình, hay vì ngu dốt, ngớ ngẩn, tội ấy mới to. Kết quả như nhau, cùng dẫn tới những hành vi bất nhân, bất nghĩa.

Với đồng bào, với đồng loại.
Kiều Phong