Rating: | ★★★★ |
Category: | Books |
Genre: | History |
Author: | Nguyễn Văn Lục |
MẶT TRẬN VĂN HÓA VÀ NHỮNG THỦ TIÊU ÁM SÁT TRÍ THỨC MIỀN NAM VN
Mới hôm nào, tay cắp sách...
Sáng mai này trên phố xá
Tay bom xăng, tay cầm gạch đá
Những bước chân rộn rã
Em kiêu hùng trên phố thị miền Nam ...
Tôi còn nhớ những năm tháng ấy của miền Nam Việt Nam . Thân yêu mà cũng buồn, bực dọc, bất mãn, chán nản, tuyệt vọng. Những năm tháng Sài Gòn giành giật giữa quốc gia và cộng sản. Bằng đủ mọi âm mưu và thủ đoạn giữa tiếng ồn ào của hoan hô, đả đảo với khói lựu đạn caỵ Chúng tôi sống một thời kỳ điên đảo bị giật giây bởi người cộng sản bằng một sự ngây thơ không tưởng, bằng những dằn vặt, giằng co giữa khát khao tự do, dân chủ, công bằng của chúng tôi. Và hơn hết tất cả là khát vọng hòa bình mong chiến tranh chóng chấm dứt.
Chúng tôi sống mất ngủ vì những khát vọng không đạt được mà thực tế trước mắt là chiến tranh, chém giết. Chúng tôi mong ước những trận mưa rào dập tắt khói lửa, nguôi ngoai hận thù. Nhưng thực tế mỗi ngày là những sự lừa phỉnh, dối gạt bằng đủ loại thuốc ngủ có tên phản chiến, nhạc phản chiến, văn chương phản chiến.
Trong khi đó thì người cộng sản với đủ loại “căn cứ lõm” trong thành phố giành giựt tim óc, tâm tư của tuổi trẻ thành phố. Và nếu không giành giựt được thì họ không ngần ngại thanh toán, ám sát giết hại.
Nhưng mỗi khi có một vụ ám sát giết người như vụ ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông, ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật hay nhà báo Từ Chung, nhà báo Chu Tử thì vô số loại tin đồn được tung ra.
Người ta đổ cho Mỹ sát hại cũng có, nhất là đổ cho chính quyền miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Đó là những dư luận dễ dãi nhất và vô căn cứ nhất. Nhưng nhiều người vẫn tin. Và chính quyền miền Nam thì không có cách gì để cải chính những tin đồn kiểu đó.
Nay thì đã có câu trả lời rõ ràng ai là thủ phạm những vụ ám sát đó.
Không ai khác là cộng sản.
Đó là Đoàn công tác của thành đoàn thanh niên sinh viên, học sinh Sài gòn, Chợ Lớn. Họ chiụ trách nhiệm về những việc ám sát ấy. Họ là những ai? Trụ sở của họ ở đâu? Nay họ làm gì?
Trong khi đó, tổ chức hệ thống mật vụ Việt Nam thời đệ nhị cộng hòa tỏ ra thiếu hữu hiệu như thể bó tay. Tất cả những vụ đốt xe Mỹ, tất cả những vụ đưa người thâm nhập cơ sở, tất cả những vụ phá rối trật tự, phá hoại an ninh, những vụ ám sát các viên chức miền Nam, nhất là các trí thức miền Nam thường không tìm ra dấu vết thủ phạm. Cộng Sản trà trộn khắp nơi, len lỏi vào trong nhiều tổ chức tôn giáo, nhất là Phật giáo. Các tổ chức này như tấm bình phong che chắn cho CS. Có nhiều tấm bình phong như thế có tên là giới sinh viên, giới trí thức, giới Phật tử và giới báo chí. Chẳng hạn, biểu tình là do sinh viên chống chính phủ. Nhưng ai thấy được CS ở đằng sau?
Cái đằng sau mới là quan trọng. Không phải chính quyền cứ đàn áp sinh viên, bắt bớ, giải tán bằng lựu đạn cay, rào kẽm gai là xong, là lấy lại được an ninh trật tự. Nhiều khi chỉ tạo ra những phản ứng ngược chiều, rất bất lợi. Những thành phần sinh viên thầm lặng vô tình bị đẩy cũng đứng vế phía sinh viên xuống đường.
Vấn đề là bắt cho bằng được những kẻ đầu não. Nào có khó khăn gì? Họ là những Huỳnh Tấn Mẫm, Vũ Hạnh, Dương Văn Đầỵ Họ đi khơi khơi ngoài đường. Họ biểu tình, họp báo, viết báo như chỗ không người. Hãy nhốt họ lại. Đủ bằng cớ. Đưa họ đi Côn sơn. Cách ly bọn họ, triệt tiêu tận gốc. Chúng ta đã không làm, bắt rồi thả do áp lực sinh viên, trí thức báo giới, nhà văn.
Có lẽ, tất cả chỉ vì cái khí thế chống Cộng thời đệ nhất cộng hòa không còn nữa? Còn đâu những lời hiệu triệu của TT Ngô Đình Diệm những năm đầu thể chế đệ nhất cộng hòa: Quốc dân đồng bào, ai áp bức bóc lột và chà đạp con người Việt Nam ? Thực dân, phong kiến và cộng sản. Vì vậy mà chính phủ chủ trương kháng đế, bài phong, diệt Cộng... Hỡi binh sĩ và cán bộ Quốc gia.
Chúng ta tố Cộng là để tranh thủ được lòng dân. Thông điệp đầu năm Ngô Đình Diệm, 1959.
Cảnh sát thời ông Tổng Giám Đốc cảnh sát Trang Sĩ Tấn dẹp biểu tình cũng không xong. Càng tăng cường kiểm soát an ninh, giữ gìn trật tự bằng lựu đạn cay, bằng hàng rào kẽm gai, dùi cui của Cảnh sát dã chiến. Càng gây thêm sự phẫn nộ trong dân chúng. Dư luận cũng như đông đảo quần chúng mất tin tưởng vào chính quyền.
Khi có phong trào thanh niên đốt xe Mỹ, ông Trang Sĩ Tấn đã đưa ra những lời đe dọa vu vơ như sau trong một buổi họp báo ngày 16 tháng chín, 1972: “Những kẻ nào bị bắt quả tang đang phá hoại quân cụ, kể cả những xe cộ, sẽ bị kết án tử hình”.
Ai cũng biết đó là những lời đe dọa vu vơ.
Án tử hình đâu chưa thấy, chỉ thấy thành phố Sài Gòn rơi vào tình trạng xáo trộn liên tục.
Hình ảnh Sài Gòn với rất nhiều xáo trộn chính trị đủ loại là hình ảnh một cuộc chiến tranh đặc biệt, lạ lùng mà kỳ cục. Có lựu đạn cay ngoài đường, có những bộ áo rằn ri. Nhưng cũng có những tà áo nữ sinh, cầm túi chanh, te tác trên đường phố. Có tiếng hát, tiếng hò của đám sinh viên, học sinh vào một buổi tối, tại chùa Ấn Quang. Ở đấy, hẳn không thiếu những tiếng cười. Không thiếu niềm tự hào và hăng say. Trong khi đó, nhìn xuống lề đường, ở mỗi gốc cây đều có bóng lính. Xe nhà binh, xe cảnh sát chạy rần rần, pha đèn mở sáng.
Người ta chỉ thấy một hậu phương rối loạn. Lính tráng ngoài mặt trận làm sao yên tâm cầm súng chiến đấu chống kẻ thù?
Bộ mặt thành phố Sài gòn lộ diện ra khi tôi lần dở lại tờ báo Sóng Thần ra ngày 31 tháng 10 với những hàng tít lớn trên báo: 31/10 Ngày dài vô tận. Ngày dài vô tận là ngày tranh đấu, xuống đường, khí thế bừng bừng như một cuộc tranh đấu nội thù. Ở phần đầu tờ báo Sóng Thần có đăng tâm thư của LM Thanh Lãng viết cho tờ báo Sóng Thần: Đập các anh là đập tất cả chúng tôi. Ai đập ai giữa những người Quốc gia? Bên cạnh đó là các tên tuổi lớn hỗ trợ tờ báo Sóng Thần như Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lam Giang, Lê Ngộ Châu. Và các nghệ sĩ như Năm Châu, Bích Thuận, Kim Chung, Khánh Ly lên tiếng để chịu chung bản án với Sóng Thần. Rồi 32 nhà văn, nhà thơ tên tuổi ký tên chung tuyên bố: Phản đối đàn áp báo chí, truy tố Sóng Thần. Cạnh đó hình ảnh diễn hành của một số luật sư ra tòa biện hộ như các luật sư Bùi Tường Chiểu, Hồ Tri Châu, Lý Văn Hiệp, Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Lâm Sanh tại một ngã tư . Ở một góc phòng với bị can Trùng Dương, chủ nhiệm báo Sóng Thần, vây quanh có các luật sư Đỗ Văn Võ, Đặng Thị Tám, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Tường Bá. Cũng cạnh đó, bà luật sư Nguyễn Phước Đại thay vì cầm tập hồ sơ biện hộ thì lại đang cắt chanh phòng hờ bị lựu đạn cay.
Và biết đâu ở một góc đường, một anh thợ vá xe đang ghi nhận tất cả những hoạt cảnh đó báo về “Trung ương” của anh. Đó là những hình ảnh hai mặt của cuộc chiến trong thành phố, giữa lòng thủ đô Sài gòn của miền Nam .
Không ai ngày nay nghĩ rằng những cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ đó là sai, nhưng điều chắc chắn là đã vẽ đường cho hươu chạy và hơn hết mọi chuyện là gián tiếp bị CS lợi dụng.
Tôi có liên lạc với nhà văn Trùng Dương, chủ nhiệm báo Sóng Thần. Chị khẳng định và xác nhận lại cuộc tranh đấu của báo chí qua vụ báo Sóng Thần là đúng, không làm khác được.
Chắc là như vậỵ
Nhưng bên cạnh sinh hoạt đấu tranh có vẻ dân chủ đó có một thứ đấu tranh một mất một còn giữa Cộng Sản và chính quyền miền Nam thông qua những thanh niên, sinh viên, học sinh. Chính những sinh viên, học sinh này đang đấu tranh, đang hô hào phản đối chính quyền đã góp phần làm tiêu hao lực lượng cũng như tinh thần của miền Nam Việt nam.
Đó mới là bộ mặt thực của cuộc chiến tranh nàỵ Bộ mặt được dẫn dắt và chỉ đạo từ đảng Cộng Sản miền Bắc Việt Nam .
Có một cuộc chiến tranh ngoài Sài Gòn bằng bom, bằng đạn, bằng trực thăng, bằng đại bác 105 ly, bằng hầm chông, bằng xe tăng. Bằng xác người phơi thây bên bờ kinh, bờ rạch. Bằng đô la và xác người.
Nhưng cũng có một cuộc chiến tranh thứ hai ngay giữa lòng Sài Gòn bằng biểu tình, tuyệt thực, xuống đường, bằng hô hào, đả đảo, bằng lựu đạn cay, bằng hàng rào kẽm gai.
Cuộc chiến tranh cân não này ít được ai nói tới, vì không mấy khi có người chết. Mà chỉ có nước mắt của lựu đạn cay. Nhưng nó cũng đủ làm lung lay bất cứ chế độ nào. Nó xói mòn tin tưởng, nó làm lung lay ý chí. Bởi vì bản chất của nó là một cuộc chiến tranh cân não làm hao mòn ý chí phấn đấu, làm suy sụp tinh thần kẻ địch. Biên giới cuộc chiến tranh này không rõ rệt, trộn lẫn ta và địch, địch cũng là ta.
Cuộc chiến tranh trên đường phố Sài gòn diễn ra ở hai mặt: Mặt nổi là những cuộc biểu dương lực lượng của giới sinh viên học sinh như biểu tình, xuống đường, đòi cái này, cái nọ, đòi thả người này người kia, ngay cả đòi thả những cán bộ cộng sản như Vũ Hạnh, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy. Lý Chánh Trung trong bài viết: Rồi Hoà Bình sẽ đến ghi như sau:
Tôi đã đến đây tham dự buổi tuyệt thực của 20 giáo chức Đại, Trung và Tiểu hoc tại tòa Viện trưởng Viện Đại học Sài gòn, để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại tự do cho các sinh viên, trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm đã bị giam giữ trái phép đúng một tháng qua và đang tuyệt thực, tuyệt ẩm trong khám Chí Hòạ Trong lúc mấy em hát, tôi cảm động không dám nhìn lên, chỉ nhìn xuống...
(trích trong Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình, Lý Chánh Trung, trang 62).
Thế nào là trái phép? Bắt giam một cán bộ CS nằm vùng là trái phép? Không ai đặt ra câu hỏi đó cả.
Bên cạnh Lý Chánh Trung còn có một số phụ nữ Đòi quyền sống, còn có các ông Nguyễn Long, Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Văn Cước, các Thượng tọa Mãn Giác, Nhật Thường.
Thêm vào đám đông đòi đó, còn có một Thích Nhất Hạnh vu cáo về một cuộc tàn sát chỉ có trong tưởng tượng của ông ấy:
Làng tôi hôm qua vì có 6 người Cộng sản về
Nên đã bị dội bom hoàn toàn tan nát
Cả làng tôi hoàn toàn chết sạch
Lũy tre ngơ ngác
Miếu thờ ngã gục
(Thơ Thích Nhất Hạnh )
Đáng nhẽ ông ấy phải viết rõ như thế này: Chỉ còn sống có mình tôi, để viết những điều vu cáo này. Có thật như thế không? Ngôn ngữ của sự gian dối? Một nhà sư nói gian dối thì phải gọi ông ta là gì?
Và để tường thưởng cho vị thiền sư, cộng sản đã có những lời lẽ trân trọng như sau:
“Người Sài gòn, tuổi trẻ Sài Gòn biết ơn những bậc tu hành chân chính đã quên mình vì nghĩa lớn, những phật tử hy sinh trong bão lửa đấu tranh làm suy yếu kẻ thù, làm rối loạn hậu phương của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho Sài Gòn, tuổi trẻ Sài Gòn bung ra ào ạt giành một thế đứng công khai phất cao cờ cách mạng sau bao nhiêu năm xúc tích lực lượng chuẩn bị thời cơ”.
Đó là những lời lẽ trân trọng mà người cộng sản đã dành cho Thích Nhất Hạnh. (trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 349).
Phần Trần Bạch Đằng, chúng ta cần đọc mấy dòng thư này của ông ta để chúng ta nhận ra Huỳnh Tấn Mẫm là ai? Ông Trần Bạch Đằng còn giữ lại một mảnh giấy gửi cho ông ta của sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm ghi lại như sau: Xin đoàn thể yên tâm, quyết làm tròn nhiệm vụ. L71. L.71 là mật hiệu của Huỳnh Tấn Mẫm. Mẫm viết thư này tại nhà Quốc khách, nơi được dành làm trụ sở Tổng hội sinh viên. Trớ trêu thay, trụ sở này do ông Nguyễn Cao Kỳ dành cho Tổng Hội sinh viên của Huỳnh Tấn Mẫm chỉ vì mâu thuẫn, muốn chơi ông Thiệu.
Mời đọc thêm đoạn hồi ký bị cấm xuất bản ở trong nước của cựu dân biểu đối lập Hồ Ngọc Nhuận để nắm cho rõ câu truyện này. Ông Hồ Ngọc Nhuận viết như sau về vụ này:
‘Nguyễn Cao Kỳ “xớt” Huỳnh Tấn Mẫm’. Đó là nhan đề bài viết. Huỳnh Tấn Mẫm một lần nữa bị bao vây, truy bắt. Trung tâm sinh viên Phật tử một lần nữa dậy sóng. Một chiếc jeep nhà binh, ngay sau khi tôi “điệu” hết cảnh sát về Tân Sơn Nhứt, chúng tôi đã ập vào trung tâm Quảng Đức, bốc Huỳnh Tấn Mẫm chạy thẳng về dinh Quốc khách ở góc đường Công Lý và Hiền Vương, nay là Trung tâm văn hoá thiếu nhi, góc đường Nam Kỳ khởi nghĩa-Võ Thị Sáu. Chiếc jeep ập vào bốc Mẫm là của Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và dinh quốc khách lúc bấy giờ cũng thuộc quyền Phó tổng thống.”
Dinh Quốc khách, trung tâm Quảng Đức. Chùa Phổ Hiền. Ấn Quang. Những mái chùa. Tất cả những nơi ấy đã góp chung bàn tay che chở bọn người cộng sản nằm vùng để làm sụp đổ miền Nam Việt Nam .
Và Hồ Ngọc Nhuận đắc thắng viết tiếp:
Tiếp tay cho cộng sản, như vậy, không chỉ có mình tôi. Và lần này vai chánh không là tôi, mà là tướng Nguyễn Cao Kỳ.
(trích hồi ký Đời, bản thảo, Hồ Ngọc Nhuận, trang 142).
Cái đất nước mình nó như thế đấy, cái lãnh đạo mình nó như thế đấy.
Và sau đây là danh sách 16 sinh viên bị chính quyền Việt Nam Cộng Hoà bắt. Bắt đúng người, bắt đúng những kẻ đã tiếp tay với Cộng sản. Nhưng vẫn bị sinh viên biểu tình đòi tha họ. Sau này cho thấy họ đều là những cán bộ CS trà trộn vào sinh viên như: Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Lê Thành Yến, Phùng Hữu Trân, Trần Khiêm, Đỗ Hữu Ứng, Lê Anh, Võ Ba, Đỗ Hữu Bút, Hồ Nghĩa, Cao Thị Quế Hương, Trương Hồng Liên, Truơng Thị Kim Liên, Võ Thị Tố Nga.
Chưa kể vụ án thành đoàn giải phóng gồm 21 người, trong đó có một số lãnh đạo Thành Đoàn như Ba Vạn, tức Phan Chánh Tâm, Năm Nghị, tức Phạm Chánh Trực. Sau 1975, họ đều là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở thành phố Hồ Chí Minh.
Và danh sách những nhà văn, nhà trí thức đòi thả bọn sinh viên cộng sản hãy còn đây. Quốc gia chống Cộng mà lại có chính nhà văn, nhà trí thức người quốc gia biểu tình, đòi thả bằng được những sinh viên cộng sản nằm vùng? Nhiều tờ báo cách này cách khác trở thành phương tiện cho cộng sản lợi dụng.
Bên cạnh đó, về mặt chìm là những toán đặc công cộng sản do thành đoàn tổ chức gài bom phá hoại các công sở, các xe nhà binh Mỹ, các doanh trại Mỹ và cuối cùng là giết hại, ám toán người quốc gia đã không theo họ. Nữ tướng đốt xe Mỹ thời 1960-1970 là Võ Thị Bạch Tuyết lúc đó nay trở thành giám đốc nông trường Đỗ Hoà ở Duyên Hải.
Đầu xuân 1966, Đảng ủy văn hóa khu Sài gòn Gia Định giao cho Vũ Hạnh, một nhà văn nằm vùng công tác đặc biệt là mở một mặt trận văn hóa tấn công miền Nam trong vùng đô thị mà họ gọi là “vùng tạm chiếm”. Vũ Hạnh ngụy trang dưới chiêu bài Bảo vệ Văn hóa, chống lại văn hóa đồi trụy, chống lại văn hóa ngoại lai đầu độc thanh niên miền Nam . Họ tổ chức và xin phép cho ra tờ Tin Văn. Tờ báo trực tiếp được chỉ đạo bởi các cán bộ cộng sản. Đứng đầu là Trần Bạch Đằng. Chủ nhiệm là Nguyễn Mạnh Lương. Và một số nhà văn cộng tác như Lữ Phương, Hồng Cúc, Nguyễn Hữu Ba, Vũ Hạnh. Những nhà văn này còn viết cho tờ Hồn Trẻ với các cây viết như Trần Cảnh Thu, Trần Triệu Luật, Nguyên Hạo, Lê Uyên Nguyên, Tuyết Hữu, Cao Hoài Hà, Thích Quảng Khanh, Anh Vũ, Lê Ngọc Lê, Đinh Khắc Nhu, Lê Việt Nhân... Toà soạn tờ báo được đặt trong một ngôi chùa. Chẳng hạn tờ Hồn Trẻ do Mười Hải, bí thư khu uỷ văn hóa. Tòa soạn đặt ở ngôi chùa số 29, đường Trần Quang Khải.
Một số chùa chiền trở thành cơ sở bí mật cho các hoạt động phá hoại của cộng sản như Ấn Quang, lúc bấy giờ do TT Thích Thiện Hoa chủ trì, trung tâm Quảng Đức, Đại học Vạn Hạnh. Theo tài liệu của Thành đoàn TNSVHS trong cuốn “Trui rèn trong lửa đỏ” đã viết về Đại học Vạn Hạnh như sau:
Viện đại học Vạn Hạnh thành lập năm 1964 là một đại học của Phật giáo. Trường ở đối diện chợ Trương Minh Giảng. Trước năm 1968, tổ chức cách mạng cũng có hoạt động ở đây. Đêm đón tết Mậu thân, tổ chức cách mạng ngay tại trường với một cuộc tập họp táo bạo, sinh động. Tuy nhiên lực lượng ta thời này chưa mạnh. Tháng 10/68, tình hình tổ chức cách mạng ở trường sau thời gian bị đánh phá, coi như trắng. Thành đoàn chỉ đạo đồng chí Sáu Tỉnh, tức Đỗ Quang Tỉnh, nay là cán bộ ban Hợp tác kinh tế của Uỷ ban nhân dân thành phố về xây dựng lại bằng tổ chức Liên đoàn sinh viên Phật tử Vạn Hạnh.. Và họ đã kết luận: kể từ tháng 5/1972, một chi bộ chính thức của Vạn Hạnh được thành lập.
Và một câu đánh giá quan trọng như sau: Từ những ngày đó, Vạn Hạnh trở thành một pháo đài xuất quân đốt xe Mỹ và chống bầu cử
(trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 96).
Còn Ấn Quang được ghi lại như sau:
Những ngọn lửa bùng lên tuyệt đẹp trên đường phố. Các báo gọi những chiến sĩ đốt xe Mỹ là du kích quân sinh viên học sinh. Và chùa Ấn Quang trong những ngày ấy, là một chiến lũy của họ. Những người mẹ, người chị vượt qua những hàng rào cảnh sát, lựu đạn cay, vòi phun nước... đến với những đứa con ngoan của thành phố... “Tụi bay cứ đốt, đốt hết những quân chó đó đi...” Các mẹ, các chị căn dặn, nhắc nhủ với một lòng căm thù như vậy.
(trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 110).
Tuy nhiên, dưới mắt người Cộng Sản, họ đã nhìn lại vai trò của Phật giáo như sau:
Viện Hoá Đạo, lá cờ đấu tranh vang dội một thời đang ủ rũ và chia rẽ, phân hóa. Kẻ về Vĩnh Nghiêm với lá cờ chống Cộng rách rưới. Kẻ về Vạn hạnh dò dẫm một lối đi. Người về Ấn Quang gần gũi với quần chúng, với thanh niên. Viện hóa đạo còn lại những chiến lược gia ủng hộ Khánh- Hương đàn áp phong trào, bắn chết học sinh Phật tử Lê Văn Ngọc.
Và kể từ nay: “Ngọn cờ Phật giáo lãnh đạo đấu tranh hạ xuống, ngay từ trong lòng Phật tử, nhường chỗ cho lá cờ cách mạng phất cao lãnh đạo phong trào đấu tranh của Sài gòn, của tuổi trẻ thành phố.”
Năm 1964 đã kết thúc như vậy. Tuổi trẻ thành p[hố kết thúc 10 năm sóng gió, để bước vào cuộc chiến đấu mới 10 năm sục sôi kỳ lạ.
(trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 350-351).
Tiếp nối một cách vô tình hay bị mua chuộc có thêm các tờ báo sinh viên như Hoa Súng của Dược Khoa, Văn Khoa với Hạ Đình Nguyên. Nhất là tờ Tin Tưởng, tiếng nói của sinh viên Phật tử. Năm 1968, tờ Tin Tưởng do Phạm Phi Long làm chủ nhiệm, Đặng Minh Chi làm thư ký tòa soạn. Sang đến năm 1970, tờ Tin Tưởng sang tay cho Nguyễn Xuân Lập làm chủ nhiệm, Trần Công Sơn chủ bút và Trịnh Thị Xuân Hồng, thư ký tòa soạn. Sự tiếp tay của những tờ báo như Tin Tưởng với nội dung các bài đòi ngưng bắn vĩnh viễn, đòi Mỹ rút quân. Tất cả đều do bàn tay CS chỉ đạo.
Trong khi đó thì phía miền Nam có Chu Tử, đứng mũi chịu sào trực tiếp tố cáo Vũ Hạnh là Cộng Sản trong nhiều số báo liên tiếp kể từ tháng 10/1966 cho đến cuối năm 1966. Cái dở khóc dở cười của văn nghệ sĩ miền Nam là đã nhiều lần hội Văn bút do Lm Thanh Lãng làm chủ tịch đã công khai bênh vực Vũ Hạnh và cứu thoát y nhiều lần khỏi cảnh tù tội.
Cộng sản đã dùng tờ Tin Văn do Nguyễn Ngọc Lương làm chủ nhiệm, nhân danh bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc, bài trừ văn nghệ phản động đồi trụy. Trong tờ Tin Văn có những bài viết như:
Nhân một quyết định của bộ Văn hóa giáo dục, về việc bài trừ sách báo đồi trụy. Tin Văn số 3, tháng 6-7/1966. Hiện tượng dâm ô đồi trụy trong Văn Học hiện nay. Tin Văn số 9, 15/10/1966. Đọc tác phẩm của Chu Tử, Lữ Phương, số 10, 30/10/1966.
Sau này, trong tài liệu của Thành Đoàn, Vũ Hạnh đã có những nhận xét như sau về tờ Tin Văn:
Tuần báo Tin Văn, với các bài phê bình vạch mặt những tên xung kích chống phá cách mạng qua các tác phẩm đồi trụy, phản động.. Phong trào bảo vệ phát huy văn hóa dân tộc, bài trừ văn nghệ phản động, đồi trụy sớm trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, sâu rộng ở Sai gòn và các tỉnh miền Nam, khiến bọn tay sai văn nghệ co lại, nguỵ quyền hoang mang và dĩ nhiên chúng tìm mọi cách để phản kích lại. Sự ra đời những hoạt động văn hóa ngụy dân tộc bị phong trào vạch mặt, chúng trắng trợn cho tên Chu Tử, tay sai của sở công an và Trung ương tình báo ngụy, bắt đầu một chiến dịch đả kích tôi, tố cáo tôi là việt cộng nằm vùng và liên tiếp trong nhiều số báo như vây, y đã vu khống tôi, cốt làm cho những người đã tham gia phong trào sợ hãi. Lúc nầy, Đảng uỷ văn hóa và thường vụ khu uỷ ở nội thành vẫn hằng ngày theo dõi tôi, động viên, chăm sóc về tinh thần lẫn vật chất cho tôi, thông qua vợ tôi, mở đường dây liên lạc mới, tôi trực tiếp nhận sự chỉ đạo của đảng.
(trích Từ toà án văn hóa đến Hát cho đồng bào tôi nghe. Vũ Hạnh, Trui rèn trong lửa đỏ trang 179).
Vũ Hạnh hay bút hiệu cô Phương Thảo đã bị chính quyền miền Nam chính thức bắt giữ ngày 02/06/1967. Cứ mỗi lần bị bắt thì lại có những nhà văn, trí thức, sinh viên và đặc biệt Hội Văn bút do Thanh Lãng vào tù lôi ông ta ra.
Chính Vũ Hạnh đã thố lộ về việc bắt giữ ông ta như sau:
Mấy tháng sau đó, tôi bị công an nguỵ quyền bắt giữ là do hai cơ sở của ta làm lộ. Nhưng sự kiện tôi bị bắt giam bấy giờ tạo thêm một cái cớ cho các hoạt động đấu tranh hết sức nhiệt tình của giới sinh viên học sinh. tất cả đều tung ra dư luận khắp nơi rằng tôi bị giam giữ là do Chu Tử vu cáo, rằng chính quyền đã bất chấp pháp luật, chà đạp lên quyền tự do cầm bút một cách hết sức thô bạo. THSV bấy giờ một mặt vận động các giáo sư đại học có lòng yêu nước lên tiếng để ủng hộ tôi, ủng hộ gia đình tôi.
(trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 181).
Đọc đoạn văn trên cho thấy Vũ Hạnh đã trắng trợn vu cáo cho Chu Tử dính vào việc bắt giữ ông ta, đồng thời y đã vận động trong giới trí thức để xin tha cho y. Đó là lối vừa đánh trống vừa ăn cướp.
Bên cạnh những tờ báo chính thức như Tin Văn, CS còn tổ chức rất nhiều những báo chí sinh viên hỗ trợ và tiếp tay cho Tin Văn.
Các báo sinh viên do những sinh viên như Trần Thị Ngọc Hảo, quyền chủ tịch Tổng Hội sinh viên làm “báo nói” tố cáo Mỹ Ngụy. Dương Văn Đầy (Ba Đầy biệt danh Bảy Không) làm bích báo sinh viên bên Y khoa đòi chuyển ngữ ở Đại học y khoa.. Nguyễn Trường Cổn, chủ bút báo sinh viên ca tụng quân giải phóng trong dịp tết Mậu thân, bị bắt và bị tòa án quân sự kết tù 5 năm khổ sai. Nguyễn Đăng Trừng đã trốn ra vùng giải phóng bị kết án 10 năm biệt xứ.
Đại học Khoa học có tờ Lửa Hồng, tờ Dấn Thân được ông giáo sư Trần Kim Thạch đỡ đầu. Luật Khoa có tờ Đất mới do Lê Hiếu Đằng, Nguyên Hạo. Tờ Học sinh do Lê Văn Triều làm chủ nhiệm, Nguyễn Thị Liên Hoa quản lý, xuất bản 1000 số.
Nhưng quan trọng là tờ Hồn Trẻ. Tờ Hồn Trẻ đã mượn danh tính một số người viết tên tuổi ở miền Nam lúc bấy giờ như tấm bình phong và giúp làm tăng uy tín cho tờ Hồn trẻ. Đó là các tác giả có tên tuổi như Thiên Giang, Bùi Chánh Thời, Nguyễn Văn Trung, Võ Quang Yến, Trụ Vũ, Tô Nguyệt Đình, Thiếu Sơn, Lương Phương, Vân Trang, Hồng Cúc, Song Thương, Ái Lan, Thảo Lam, Phương Khánh, Thu Quyên, Cao Ngọc Phượng, Phong Sơn, Chinh Ba, Hữu Hoàng, Nguyễn Văn Phụng, Phan Hữu Trình. Như đã nói ở trên, tòa soạn đăt trong một ngôi chùa do một cư sĩ là ông Nguyễn Văn Hoanh đứng vai chủ nhiệm. Mục xã luận là do chính những cán bô cộng sản gộc như Phạm Bá Trực, Mười Hải biên sọan.
Bên cạnh đó là những buổi sinh hoạt văn nghệ, ca nhạc nhằm cổ vũ các phong trào svhs phản chiến, đòi hòa bình. Tờ sinh viên ra mắt độc giả ngày 15/5/1967 do sinh viên Hồ Hữu Nhật làm chủ nhiệm. Tờ sinh viên được coi như biểu tượng của sinh viên tranh đấu. Ở đây, tôi xin nêu danh tánh tất cả những sinh viên thuộc các phân khoa đại họ đã hoạt động cách này cách khác cho cộng sản. Họ đã gài người vào trong các tổ chức sinh viên. Chẳng hạn như phong trào đòi Hòa Bình với chương trình “Hát Cho Đồng Bào tôi nghe, Dậy mà đi, Tiếng hát những người đi tới, Đêm Văn nghệ tết Quang Trung” với sự tham gia của các sinh viên đi theo cộng sản như: Trần Thiện Tứ, bác sĩ Trương Thìn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh, nhạc sĩ sĩ Tôn Thấp Lập, Võ Thành Long, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phạm Phú Tâm, Trương Thị Hoàng và Trương Thị Anh, Phùng Hữu Trân, Nguyễn Ngọc Phương, Võ Thị Tố Nga, Lê Thành Yến.
Và sau đây là danh sách sinh viên tranh đấu đã tình nguyện vào căn cứ ở Bắc Lộ 7, Campuchia gồm: Phan Công Trình, Nguyễn Đình Mai, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Lê Thành Yến, Trương Quốc Khánh, Huỳnh Ngọc Hải, Dương Văn Đầy, Trần Thị Ngọc Hảo, Huỳnh Quang Thư, Hai Nam, Năm Sao, Trần Thị Ngọc Dung, Hà Văn Hùng, Trương Quốc Khoách.
Trong khi đó như tiếp sức cho địch, các trí thức, dân biểu nhà văn đua nhau ra các bản thông cáo đủ loại. Chúng tôi cũng xin tóm tắt bản Tuyên ngôn của nhóm Quốc Gia, ngày 04/09/1974 về tình trạng đàn áp báo chí tại miền Nam do các dân biểu sau đây đồng ký tên: DB Nguyễn Văn Binh, DB Nguyễn Tuấn Anh, DB Đặng văn Tiếp, DB Nguyễn Văn Cử, DB Dương Minh Kính, DB Nguyễn Trọng Nho, DB Nguyễn Văn Kim, DB Nguyễn Đức Cung, DB Vũ Công Minh, DB Đỗ Sinh Tứ, DB Nguyễn Hữu Hiệu.
Nội dung bản Tuyên bố phủ nhận luật báo chí 007, bênh vực báo Hòa Bình bị bộ Thông tin chiêu hồi đóng cửa, bênh vực các ký giả Nguyễn Thái Lân, Ngô Đình Vận bị gọi lên cơ quan an ninh lấy lời khai. Những bản tuyên cáo, những đòi hỏi như thế chắc là đúng, chắc là hợp pháp, chắc là ngay thẳng vì các vị ấy đều là những người quốc gia chân chính, người có lòng. Nhưng cộng sản đã biết lợi dụng những hoàn cảnh như thế để châm thêm ngòi nổ phá rối trật tự, an ninh ở Sài gòn.
Trong nhiều tháng qua, Hội Văn Bút của Thanh Lãng đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo về tình trạng đàn áp báo chí và coi đó là một ngục tù tư tưởng quy mô nhất.
Nhà văn Nhật Tiến cũng có đọc một bản cáo trạng dài về tình trạng ngộp thở của văn nghệ sĩ miền Nam cũng như của ngành xuất bản sách báo dưới lưỡi kéo kiểm duyệt ác nghiệt.
Cạnh đó là tuyên cáo chống đối chính quyền một cách đương nhiên của khối dân biểu Dân tộc xã hội gồm có: DB Trần Văn Tuyên, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Nguyễn Phúc Liên Bảo, Nguyễn Công Hoan, Lý Trương Trân, Phan Thiệp, Huỳnh Ngọc Diêu, Trần Văn Thung, Trần Ngọc Giao, Trần Văn Sơn, Trần Cao Đề, Phan Xuân Huy, Tư Đồ Minh, Đinh Xuân Dũng, Lê Đình Duyên, Lý Quý Chung, Kiều Mộng Thu, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Hữu Thời, Nguyễn Mậu, Nguyễn Phước Vĩnh Tùng, Mai Ngọc Dược, Hồ Văn Minh, Đoàn Mai.
Riêng bản tuyên bố của nhóm dân biểu Xã hội-Dân tộc mà luật sư Trần Văn Tuyên làm trưởng khối thì chúng ta có quyền nghi ngờ nội dung bản tuyên cáo đó. Vì trong số dân biểu này, có một số đã làm tay sai cho cộng sản như dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Kiều Mộng Thu.
Luật sư Trần Văn Tuyên, một trí thức miền Nam , một người quốc gia chân chính mà còn có thể bị cộng sản giật giây thì còn ai khác nữa? Sau này đánh giá công tội của luật sư Trần Văn Tuyên, Hồ Ngọc Nhuận đã viết trong hồi ký “Đời” của ông như sau:
Luật sư Trần Văn Tuyên, có sách nào đó cho là lý thuyết gia của chủ nghĩa quốc gia chống Cộng, vào quốc hội nhiệm kỳ 2, năm 1971. Nhưng suốt nhiệm kỳ, anh chỉ đi với đối lập và là trưởng khối Xã hội-Dân tộc. Hôm gặp nhau khi đi trình diện với quân quản ở trụ sở Hạ viện, anh còn lạc quan nói: ‘chế độ mới không có luật sư, nhưng tôi hy vọng sẽ được làm bào chữa viên nhân dân’. Về anh cũng như một số các anh như Phan Thiệp, Nguyễn Mậu... thuộc cánh Quốc Dân Đảng miền trung, thật cũng khó mà lấy vài ba năm tham gia chính trị đối lập ở Sài Gòn để cân bằng đánh đổi mấy mươi năm chống Cộng. Nhưng nếu thời gian tham gia tranh đấu chống Mỹ của họ kéo dài thêm năm mười năm nữa thì sao? và đâu là những giọt nước nhỏ nhoi muộn màng giờ chót, thay vì rơi đi nơi khác, lại góp phần làm tràn cái ly?
(trích hối ký Đời, bản thảo, Hồ Ngọc Nhuận, trang 165).
Ra đến Hải ngoại, trong Văn Học miền Nam, truyện 3, trang 1771 của Võ Phiến có trích dẫn lời giới thiệu của Trần Bạch Đằng có nêu 3 “tác phẩm tốt” trong thời kỳ 1954-1975 là Vũ Hạnh, Sơn Nam và Võ Hồng và không đề cập một chữ đến vai trò cán bộ CS của Vũ Hạnh. Việc nêu danh có ba tác giả thân Cộng có tác phẩm tốt thật là khó chấp thuận được? Và thế nào là tác phẩm tốt? Và như thế gạt bỏ tất cả những nhà văn miền Nam còn lại trong đó có cả Võ Phiến? Tôi hy vọng rằng nhà văn Võ Phiến chia sẻ những suy nghĩ của tôi viết với sự trân trọng và công bình.
Cùng một tinh thần như Trần Bạch Đằng, trong bài báo của Xuân Trang nhan đề: ‘Tuổi trẻ Việt Nam làm báo’ có viết như sau về hiện trạng báo chí dành cho giới trẻ miền Nam:
‘Một hôm tôi ở tòa soạn nhận được bên anh em bên tạp chí Tin văn gởi biếu cho tờ Tin Văn số 10, với lời dặn dò là tờ Hồn Trẻ rất khó chen chân với các tờ báo nhảm nhí Tuổi hoa, Thiếu nhi, Tuổi ngọc... do bọn Nhật Tiến, Duyên Anh, Bảo Sơn chủ trương. Có lần tôi, tôi giao cho nhà phát hành Độc Lập, đường Trần Hưng Đạo 5 ngàn số thì sau đó y trả về gần đủ... 5 ngàn số, nghĩa là không bán được tờ nào cả’.
Báo do cộng sản chủ trương không bán được vì không ai mua, nhưng bọn họ vẫn gọi các báo Tuổi Hoa, Tuổi ngọc, Thiếu nhi là những báo nhảm nhí. Đó là cái cung cách của người Cộng Sản.
Bên cạnh những tờ báo chính thức như Tin Văn, người cộng sản đã phát hành vô số báo vệ tinh như các tờ Xung kích, Suối thép, Lửa thiêng, Trung Kiên từ căn cứ đưa vào nội thành. Nhưng những báo này thực sự cũng ít được ai biết tới.
Kết luận phần 1
Nguyễn Đình Thi trong bài viết Câu chuyện gởi tới các bạn tuổi trẻ sinh viên học sinh miền Nam đã viết:
‘Mấy tháng nay, từng bước đấu tranh của các bạn đã được toàn thể đồng bào miền Bắc, nhất là các giới trí thức, đại học, các lứa tuổi trẻ, chăm chú theo dõi với tình thương yêu đầy tự hào. Hai mươi năm lăn lộn lửa đạn, và ngày nay đang tiếp tục chiến đấu, dân tộc ta đồng thời đã không ngừng từ đất bùn mà nhào nặn lại cuộc sống của mình, từng bước tiến lên xóa vỡ bao ngang trái bất công và quét đi những rác rưởi của chế độ cũ’.
Và Lý Chánh Trung trong bài: ‘Làm và tin’ cũng đã viết:
‘Không có mũi nhọn xung kích của thanh niên thì không thể tạo được những xáo trộn dữ dội và kéo dài trong những năm 70, gây được tiếng vang ở nước ngoài và làm cho địch rất lúng túng... Tôi đã nhảy vào cuộc đấu tranh, phần lớn do sức lôi kéo của những người trẻ tuổi nói trên và đó là những ngày đẹp nhất mà tôi đã sống, với những lý tưởng đẹp, những tình cảm đẹp, những gương mặt đẹp mãi mãi không quên’.
Hiện nay, tờ Tuổi trẻ cùng như tờ Tuổi Trẻ chủ nhật, Tuổi trẻ cười tại thành phố Hồ Chí Minh là hậu duệ của những tờ báo sinh viên, học sinh thời trước 1975. Một số bọn họ được trui rèn từ những ngày tháng tranh đấu trong mặt trận báo chí của Sài gòn trước 1975 nay đảm trách nhiệm vụ mới.
Mặt trận báo chí ở đô thị trở thành mũi nhọn hàng đầu trong tất cả các phong trào chống Mỹ, chống Thiệu. Tất cả những tờ báo ấy trở thành vũ khí tư tưởng theo lệnh của đảng góp phần vào sự sụp đổ miền Nam vào năm 1975.
Viết lại những trang này như một bài học ôn lại cho những người dân ở miền Nam trước 1975 nay đã sinh sống ở nước ngoài. Như một bài học. Như một dĩ vãng cần được khơi lại để cùng nhớ những năm tháng ấy.
Nguyễn Văn Lục