Tuesday, June 30, 2009

bồi bút lính viết thuê

Công Tử Hà Đông, bút danh mới của một tác giả quen thuộc với thanh niên thời những năm 60, 70 ở Sài Gòn, chuyên viết tiểu thuyết phóng tác. (Tiểu thuyết phóng tác là tiểu thuyết viết lại, dựa trên tình tiết của một tiểu thuyết nổi tiếng thế giới nào đó, thay đổi địa phương, ngôn ngữ và tên nhân vật, đôi khi rất giống chuyện thật xẩy ra ở VN. Người VN đầu tiên viết tiểu thuyết phóng tác là cụ Nguyễn Du với tác phẩm Kiều, sau đó là Hồ Biểu Chánh với một loạt truyện phóng tác theo truyện Pháp.)

Sau khi nhập cư tại Hoa Kỳ, Công Tử Hà Đông bắt đầu viết các bài ký đăng "chơi" trên các báo tiếng Việt. Văn phong đặc sắc, khó nhầm và thường là đưa ra cái nhìn rất riêng của mình. Tuy là cái nhìn riêng, nhưng không phải là cái nhìn của Công Tử Hà Đông là ngớ ngẩn, là chỉ của riêng ông.

Cùng với dịp tác phẩm Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của Tô Hải được đón chào nồng nhiệt ở Hoa Kỳ, Hồng Đức xin giới thiệu một bài về một tác giả mà Công Tử Hà Đông gọi là "bồi bút", là một tác giả mà nhiều người, trong đó có nhà biên khảo Minh Võ (trong tác phẩm "Phản Tỉnh Phản Kháng Thực Hay Hư"), coi là phản tỉnh, để nhắc nhở nhau rằng trước một vấn đề, thường có rất nhiều cách nhìn khác nhau.

HỒNG ĐỨC

 

bồi bút lính viết thuê

 

Các loại bồi đều vô cớ bị ô danh

          Vì ông bạn cùng ngành có học, có hành hẳn hoi là Bồi Bút!

          Ông bạn này chỉ biết ăn, biết hút

          Biết lách chui vào mọi khách sạn no say

          Và to mồm hô vạn tuế : Hôm nay…!

          Để lương tâm không vò xé gắt gay

          Ông cố gượng đeo vào đôi kính đỏ!

          Nhưng buồn thay từ nhỏ

          Không biết làm gì bằng hai bàn tay

          Việc sửa sang khách sạn hàng ngày

          Ông đành phải gục đầu thè lưỡi

          Liếm đệm, liếm giường, tầng trên, tầng dưới

          Cho sạch như chùi mọi dấu vết của đêm!

          (Có lẽ không cần phải giải thích thêm

          Là nhờ đôi kính đỏ lọc lừa

          Ông mới không nôn bừa ra khách sạn!)

         

          Buổi sáng nắng vàng trên Rừng Phong. Cảnh xuân tươi, xuân đẹp nhưng lòng người u ám, trái tim người trĩu nặng. Người buồn cảnh có bao giờ vui đâu! Hôm nay 17 Tháng Tư… Ngày này 30 năm xưa phòng tuyến Phan Rang của quân đội tôi bị phá vỡ! Nhân dân tôi hàng hàng, lớp lớp từ khắp nơi chạy về Sài Gòn…!

          Tôi đã viết nhiều về những đau thương của đồng bào tôi trong những ngày Tháng Tư 30 năm trước. Hôm nay, tôi viết về một chuyện khác.

          Quí vị vừa đọc bài Bồi Bút, Thơ Nguyễn Chí Thiện, bài thơ được làm năm 1973 ở Hà Nội. Tôi nhớ những lời thơ về bọn Bồi Bút Bắc Cộng của Nguyễn Chí Thiện khi tôi đọc quyển Viết về Bè Bạn, hồi ký của Bùi  Ngọc Tấn.

          Tháng 3, 2005, Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương phát hành 3 tác phẩm mới: TỬ TỘI, Tuyển Tập Tranh Biếm Hoạ và tản văn của CHOÉ Nguyễn Hải Chí, VIẾT VỀ BÈ BẠN, Hồi Ký của Bùi Ngọc Tấn, TRẮNG trên ĐEN, Truyện Ruben David Gonzalez-Gallego, Vũ Thư Hiên dịch.

          Bùi Ngọc Tấn, người viết sống trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Bắc Cộng, người đảng viên cộng sản từng bị bọn Bắc Cộng cho đi tù mút chỉ nhiều năm, nổi tiếng với tác phẩm Hồi Ký Chuyện Kể Năm 2000. Tác phẩm ấy được xuất bản trong nước, nghe nói vưà phát hành là bị thu hồi. Hai nhà xuất bản ở Hoa Kỳ và Canada ấn hành Chuyện Kể Năm 2000. Viết về Bè Bạn, nghe nói, “được in trong nước nhưng có một số đoạn bị cắt bỏ.”

          Trong Viết về Bè Bạn, Bùi Ngọc Tấn viết về những người bạn văn của ông ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, nhiều trang về Nguyên Hồng. Ngoài Nguyên Hồng, tất cả những người được viết đến đều là những người mà tên tuổi và tác phẩm mới được người đọc biết từ năm 2000, tất cả bọn họ đều không một ai, ngoài Bùi Ngọc Tấn, bị bọn cộng sản bắt đi tù ngày nào; Bùi Ngọc Tấn đi tù mà không biết tại sao bọn cộng sản lại bắt ông đi tù, tuy bị bọn cộng sản đầy đoạ BN Tấn vẫn tự nhận là người đảng viên cộng sản trung thành với đảng, yêu đảng và tự hào là đảng viên.

Những nhân vật trong  Viết về Bè Bạn là những người lạ hoắc với người Việt Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà bị mất nước phải  sống ở hải ngoại. Tất cả những người được viết đến trong Viết về Bè Bạn đều đã nép mình, ngậm miệng sống cuộc đời bồi bút suốt mấy chục năm dài.

          Thực ra, gọi những người trong Viết về Bè Bạn là Bồi Bút theo tinh thần bài Thơ Bồi Bút của Nguyễn Chí Thiện là đề cao ho, là không đúng. Những tên bồi bút trong Thơ Bồi Bút của Nguyễn Chí Thiện 1973 là bọn Nguyễn Tuân, Nguyễn đình Thi, Nguyễn công Hoan, Chế lan Viên, Hoài Thanh, Tô Hoài. Những bồi bút trong Viết về Bè Bạn, như Dương Tường, Lê Bầu, Vũ Bão, Lê Mạc Lân… là những bồi bút tép riu, bọn bồi bút không được bọn cộng sản cho ăn, cho ở.

          Không được bọn cộng sản biết đến, những người bạn của Bùi Ngọc Tấn vẫn phải làm bồi bút để có thể sống, họ tự nguyện làm bồi bút, họ viết ca tụng chế độ xã hội chủ nghiã tiến bộ trong đó người dân phấn khởi xây dựng cuộc sống tươi sáng, no ấm. Họ viết láo. Họ biết họ viết láo nhưng họ cứ viết. Vì cuộc sống của họ, của vợ con họ, không lừa bịp họ đói khổ, họ chết, họ viết lừa bịp người đọc. Làm cái việc lường gạt đó họ không đáng trách, nhưng phải gọi rõ tính cách công việc họ làm. Mời quí vị đọc một đoạn viết về một người trong bọn họ: Lê Mạc Lân. Theo Viết về Bè Bạn, Lê Mạc Lân là con cả của nhà văn Lê Văn Trương, nguyên tên Lê văn Lân, sau đổi là Lê Mạc Lân.

          Thời gian gấp ruổi. Viết về Bè Bạn, trang 51 đến trang 76. Trích:

          Năm 1971 Mạc Lân xin nghỉ hưu non. Tình thế bắt buộc, mặc dầu anh không muốn. Thật không ngờ: Nghỉ hưu, anh lại có nhiều việc để làm. Cái chuyện anh không được viết, hoặc được viết nhưng không được in hay được in nhưng không được ký tên cũng không được nhuận bút cả bàn dân thiên hạ đều biết. Và nhiều người tìm đến anh. Đó là những con người đang đi vào con đường viết lách, những cộng tác viên của một vài tờ báo, những người đang muốn có một cái truyện ký đầu tiên, hay cũng đã có một hai cái tin đăng báo và giờ đây đang giao du với những cán bộ biên tập các nhà xuất bản, những người đã có một vài sáng tác được in và đang muốn được kếp nạp vào hội văn nghệ địa phương, kể cả hội nhà văn, rất cần bản thảo như một chứng chỉ. Hoặc muốn vây vo với một em nào đó. Để chinh phục. Để có thể yêu, và không loại trừ cả chuyện hôn nhân. Cũng nhiều khi đơn giản chỉ là một cách kiếm ăn, phe phẩy, nhận việc, không phải làm mà vẫn có tiền tiêu, hơn nữa có tiếng tăm.

          Thời ấy mọi đơn đặt hàng đều là truyện ký. Một thứ người thực, việc thực được văn nghệ hóa, có tả cảnh, tả tình, có đối thoại, một thứ văn chương tổ đội.

          Cái khoản ấy Lân rành. Chẳng cứ Lân rành, Bầu cũng rành (Và cả tôi nữa. Cũng rành.) Bầu và Lân làm thành một tổ viết văn chui. Nghĩa là viết văn không cho người khác biết, trừ người đặt hàng mình. Việc nhiều khi không có. Nhưng cũng có lúc làm không hết việc. Do người ta tự tìm đến. Mà cũng do bè bạn khơi nguồn, tìm việc mang đến cho anh, anh chỉ việc viết mà không biết người sẽ đứng tên sách anh viết, người sẽ phải trả tiền cho anh là ai.

          Đủ các đề tài. Chuyện chiến đấu trong Nam. Chuyện nhà máy, cải tiến kỹ thuật, mỗi người làm việc bằng hai, chuyện chăn nuôi trong hợp tác xã nông nghiệp. Chuyện phong trào hai tốt (dạy tốt, học tốt) ở các trường học. Đề tài gì cũng được. Nhưng các ông phải cung cấp tài liệu. Bọn này chỉ biết có viết thôi. Đảm bảo đúng thời hạn, đúng số trang, số chữ, đảm bảo chất lượng. Hợp đồng chỉ thảo miệng như vậy. Còn nữa. Nhuận bút chia đôi. Cũng là thống nhất miệng.

          Nhiều khi gặp khách hàng rắn quá, Lân nhận theo tỷ lệ bốn mươi, sáu mươi. Người đứng tên ăn sáu, còn Lân ăn bốn. Chung quanh cái việc viết văn chui của Lân thật nhiều chuyện li kì. Có những người nhận nhuận bút rồi nhưng định quịt, không thanh toán tiền cho kẻ viết. Đi lại nhiều lần. Ngọt nhạt. Mềm mỏng. Căng thẳng. Người ta cũng không định quịt của mình. Chẳng qua là vì quá bốc với tác phẩm đầu tay, lỡ liên hoan hết cả tiền nhuận bút. Cuối cùng đành phải tháo đồng hồ Pôn giốt đưa Lân.

          Làm ăn phải giữ cái mối chứ nhiều lúc nhục lắm ông ơi. Anh chồng bảo cô vợ thế này: Anh Lân anh ấy túng quá, anh thuê anh ấy chép bản thảo, tạo điều kiện cho anh ấy thêm thu nhập, em đến xem anh ấy chép xong chưa cầm về cho anh, nhà xuất bản họ giục. Tiền nong cứ kệ anh. Anh sẽ thanh toán với anh ấy sau. Chị vợ phục tấm lòng ăn ở của chồng sát đất. Chồng mình quan tâm đến bạn như thế chứ còn gì nữa. Một tấm lòng vàng. Thật may cho cái số của mình… Chị vợ đến gặp mình nói lại ý kiến của chồng. Mình khất. Nói rằng mấy hôm nay tôi bận quá chưa chép được. Chị về nói lại với anh hộ. Chị vợ lại hỏi: Chữ anh ấy nhà tôi khó xem lắm đấy. Tôi đọc còn khó, anh có đọc được không. Mình vội bảo: Tôi đã công tác ở tòa soạn chị ạ, chữ viết kiểu gì tôi cũng đọc được. Lần đầu tiên vui vẻ. Lần thứ hai bà vợ đến mình vẫn chưa chép được, bà có vẻ bực nhưng cố nén. Và lần thứ ba cũng vẫn bận chưa chép được cho anh chị thì bà vợ không chịu được nữa. Dắt xe ra cửa còn nói đổng: "Đã đói còn lười. Người ta thông cảm giao việc cho làm mà không chịu làm.” Ngưng trích.

 

          Chuyện anh chồng nhờ thợ viết viết bài cho, nói là nhờ chép bản thảo, sai vợ đến lấy bản thảo, tôi thấy không có lý. Anh chồng viết hay không viết, chị vợ có ngu mấy cũng biết. Nhưng cứ cho là chị vợ ngu không biết đi, anh chồng viết tay, anh có thể nhờ người đánh máy bản thảo, nhưng anh, cũng chẳng ai nhờ người khác chép tay lại bản thảo viết tay của mình. Khi đến lấy bài, chị vợ phải thấy, phải cầm về cả bản viết của chồng. Không anh chồng gian dối nào nói phét với vợ rằng bài mình viết nhờ người chép lại mà sai vợ đi lấy bài. Khi lấy bài, chị vợ phải được đưa trả bản chính của chồng chị, và bản nhờ chép lại. Chị vợ có ngu hơn chó mới không biết chồng chị nhờ người viết chứ không nhờ người chép lại.

          Tôi lại nghĩ: ở đời rất có thể có những bà vợ vô tâm sống yên vui chẳng théc méc một ly ông cụ gì về những việc ông chồng làm. Bằng chứng là có những đám tang ông chồng chân chỉ hạt bột một đời cơm nhà quà vợ đã nằm yên trong quan tài, tang gia khóc lóc nỉ non, kèn lâm khốc tò le tí lét, bà quả phụ chủ tang mới toanh ngẩn ngơ khi thấy  một thiếu phụ, thường là trẻ hơn bà chủ nhà, chủ tang năm, bẩy tuổi, có khi trẻ hơn cả mười tuổi, một người hoàn toàn xa lạ, dắt hai, ba đưá nhỏ vào trước cái gọi là linh sàng, nuớc mắt lưng tròng, sụt sịt thưa :“Xin chị cho em và các cháu được để tang…!” Đến lúc ấy bà tân quả phụ mới biết ông chồng bà, ông chồng mà trong cả bốn, năm mươi năm bà yên trí là hội viên Hội Cơm Nhà Quà Vợ thuần thành, trung kiên, là Thuyền Trưởng Hai Tầu! 

          Chuyện ly kỳ, chuyện không ai ngờ có thể xảy ra, vẫn thường xảy ra, đã, đang và sẽ xảy ra dài dài, dzậy thì tại sao tôi lại quả quyết không thể có chuyện anh chồng nhờ người viết bài sai vợ đi lấy bài.

          Chuyện Thợ víết thuê, được gọi là Lính viết thuê Xã Hội Chủ Nghĩa Bắc Cộng, chỉ được huởng có 4 phần 10 tiền nhuận bút, tên không viết chữ nào nhưng đứng tên và bán tác phẩm đớp 6 phần 10, làm tôi nhớ một chuyện xảy ra đã trên dưới 40 năm. Những năm 1960, dài dài đến năm 1975, tôi là khách của tiệm hớt tóc ông Phó Đàm đường Hiền Vương, ngã ba Hiền Vương – Duy Tân.

          Đường Hiền Vương, những năm 1960 chỉ có một tiệm phở gà của hai chị em một bà ở đoạn gần đường Pasteur,  đường Duy Tân cây dài bóng mát..Má Em thơm mùi phở gà, môi Em chua chua ngọt ngọt nước chanh đường..Bao giờ tôi quên được…! Luân hồi trở lại cõi này một triệu kiếp tôi vẫn không quên..! Những năm xưa ấy tôi đang xuân, cứ khoảng 10, 15 ngày tôi đến tiệm Đàm hớt tóc một lần. Năm xưa ấy tôi thấy đi hớt tóc mà để cho người khác chỉ nhìn mà biết mình vừa đi hớt tóc là việc rất quê, tôi hớt tóc mà những người khác phải không biết là tôi vừa hớt tóc. Có lần tôi gặp Hoàng Thư trong tiệm Đàm, Hoàng Thư nói:

          - Tóc mày đang đẹp, sao mày lại hớt sớm thế?

          Tôi từng nói trong tiệm hớt tóc Đàm:

          - Chuyện mần ăn của quí anh phó koáp giống hệt việc mần ăn của các em thợ chọi. Thợ chọi chia tứ lục, thợ hớt cũng chia tứ lục. Đi khách một bò, em thợ chọi lấy 6 chịch, chị chủ 4 chịt, hớt cái tóc một bớp, thợ 6 chịt, anh chủ 4 chịt. Cũng chia tứ lục như các em. Các em đem đồ nghề của các em đến, thợ hớt cùng đem đồ nghề toong-đơ, dao cạo, kéo, lược đến sở làm. Còn giống ở chỗ có những anh khách đến nhà chọi chỉ đi một em, em kẹt khách thì ngồi chờ,không đi em khác, khách hớt tóc có người cũng chỉ để cho một thợ hớt, không chịu thợ khác. Khách đến nhà chọi muốn đi ngay, muốn dzô phòng ngay, không thích ngồi chờ, khách đến tiệm hớt tóc cũng muốn lên ghế ngồi hớt ngay, đang hớt đấu hót mới có duyên, ngồi chờ không có hứng đấu hót. Chỉ có điều khác là các chị chủ nhà chọi không đi khách, các anh chủ tiệm hớt tóc đi khách như thợ.

          Tiệm Ông Phó Đàm Hiền Vương có nhiều khách Không Quân, Văn nghệ sĩ. Tôi gặp ở đó những ông Anh Tuấn, Hoàng Thư, Mai Văn Hoà, Lưu Kim Cương, Nguyễn Văn Cử. Tôi nghe ông Đàm nói: “Các ông có hớt tóc, có cắt tóc đâu, các ông chơi tóc, các ông đến sửa tóc.” Nhiều dịch vụ của Sài Gòn vẫn sống, hoặc sống lại, sau ngày bọn nón cối, giép râu khiêng ảnh Hồ chí Manh vào Sài Gòn, tiệm hớt tóc của ông Phó Đàm Hiền Vương, 90/100 khách là sĩ quan Không Quân và văn nghệ sĩ, những người chơi tóc chứ không cắt tóc, vắng tanh, vắng ngắt, vắng hơn cả Chùa Bà Banh. Sau ngày 30 Tháng Tư. Bắc Cộng ngơ ngáo dzô Sài Gòn, tiệm hớt tóc Đàm Hiền Vương tiêu tán thoòng  là cái cẳng.

Trong hai mươi năm đen hơn cái lá đa ca dao, nhọ hơn mõm chó mực, sống mòn mỏi trong lòng Sài Gòn đau thương, tôi được biết ông Phó Đàm đóng cửa tiệm đường Hiền Vương, về mở Cua Đào Tạo Chuyên Viên Hớt Tóc tại nhà riêng của ông ở đường Trần Quang Khải, Tân Định. Từ sau ngày 30 Tháng Tư 1975 tôi không gặp lại ông Phó Đàm lần nào.

          Năm 2002, ở Rừng Phong, chuông điện thoại reo, nhấc nghe:

          - Tôi là Đàm…Đàm Hiền Vương..gọi đến hỏi thăm ông…

          Hơn hai mươi năm lại nghe tiếng nói của ông Phó Đàm Hiền Vương. Nghe tiếng ông nói qua điện thoại nơi xứ người. Ông ở Dallas, Texas, con ông bảo lãnh ông và bà vợ ông đến Texas. Ông có người con là nha sĩ. Đã trên Tám Bó, nhưng ông nói:

- Mắt tôi còn tinh, tay tôi còn vững, tôi còn làm nghề được, ông ạ. Bây giờ thỉnh thoảng tôi biểu diễn tay nghề với những ông bạn quen ngày xưa, như ông, ông Văn Quang, ông Tuấn Huy..Có dịp nào ông ghé Dallas…

          Ông hỏi thăm hai ông khách xưa của ông, tôi nói ông Văn Quang ở Sài Gòn, ông Tuấn Huy ở Quận Cam, Cali, thị trấn Westminster hay Santa Ana, Fountain Valley. Tôi cho ông số phone để ông phone hai ông ý.

           Hồ Dzếnh, Thi sĩ, tác giả bài Chiều…Thơ, Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc, là một Lính Viết Thuê ở Hà Nội. Là nhân viên tòa soạn nhật báo Thần Chung ở Sài Gòn, vì mê tín Việt Minh, Cộng sản Tầu, năm 1954 Hồ Dzếnh trở về Hà Nội. Nghe nói bọn Tố Hữu coi thường Hồ Dzếnh, chúng không thèm bắt những người chúng cho là quá bét như Hồ Dzếnh, chúng chỉ bỏ cho đương sự đói dzài, đói dzẹt nên trong nhiều năm Thi sĩ “Nhớ nhà châm điếu thuốc..” phải đem thân làm Lính Viết Thuê.

          Tội nghiệp Hồ Dzếnh. Thơ Hồ Dzếnh có hồn ra rít, lãng mạn ra gì, như bốn câu tôi biết từ năm tôi hai mươi tuổi:

         

Tôi vui lòng sống trong im,

          Hồn theo cánh gió, lời chim đến người.

          Yêu là khó nói cho xuôi,

          Bởi ai hiểu được sao trời lại xanh!

 

          Nếu Hồ Dzếnh không về Hà Nội Đỏ, Sài Gòn đã có ba thi sĩ là thi sĩ trước năm 1945, nhưng ông đã bỏ Sài Gòn ông đi  nên Sài Gòn chỉ có hai Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Thi sĩ Đinh Hùng. Nếu Hồ Dzếnh sống ở Sài gòn, bọn văn nghệ sĩ trẻ chúng tôi nổi lên sau năm 1954 đã kính trọng ông, đã yêu thương ông như chúng tôi kính trọng, yêu thương các Thi Sĩ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương. Hồ Dzếnh thật đáng thương. Ông tưởng bở, ông về Hà Nội và ông bị bọn cộng sản coi ông không bằng con chó.

          Nhưng dù có đem thân làm Lính Viết Thuê, cam tâm viết những chuyện giả dối, bịa đặt, nâng bi bọn đảng viên để vợ con không chết đói, những người viết khốn khổ ở Hà Nội vẫn không sao sống được. Ngoài việc viết thuê, họ phải làm một việc khác.

         

Viết cho Bè Bạn. Trích:

          Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống.

          Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mạc Lân vấn đề cực kỳ khó khăn ấy. Đi bán máu.

          Lân tròn xoe mắt, sửng sốt và bất ngờ:

          - Bán máu? Bán ở đâu? Bán như thế nào? Ai mua? Ông lại sáng tác ra chuyện gì nữa thế?

          - Không phải chuyện sáng tác, hư cấu. Người thực, việc thực một trăm phần trăm. Chuyện của chính tôi. Chính tôi đã đi bán rồi đấy ông ạ.

          - Có mà trời tin. Đừng bịp nhau. Người một xách nặng như ông mà đi bán máu. Trông thấy ông người ta cũng đủ ngán rồi.

          - Ông không tin thì thôi. Bốn hai cân như tôi mà bán được máu đấy. 200 xê xê đàng hoàng. Ông ăn chắc mỗi kỳ 250 xê xê.

          - Thế thì đúng rồi. Nhưng bán ở đâu? Thủ tục ra sao?

          Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc. Thế là Tường giảng giải. Và để kết luận, Tường bảo: “Tôi sẽ đưa ông đi.”

          (…..)

          Về sau những lần cần tiền Lân đeo thêm chì vào người để đạt trọng lượng 70 ki lô và bán được 250, 300 cc, anh nghĩ chắc Dương Tường cũng giở trò gian lận này. Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo xê xê còn tem phiếu đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít máu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những người đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng dưng tăng thêm giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến, tình cảm, hò hẹn của đám đàn ông, đàn bà chuyên sống bằng buôn bán tem phiếu lúc nào cũng có mặt ở ngoài cổng viện. Đội ngũ phe vé cũng đông xấp xỉ đội ngũ những người bán máu. Giá cả dễ thống nhất. Giá làng. Người trao tiền, người trao phiếu là xong. Điều gay go nhất là tiêu chuẩn bồi dưỡng còn được một bát phở tái bò, nhưng phải xếp hàng ăn ngay tại hành lang bệnh viện. Những lần đầu đứng ngồi xì xụp bát phở ngoài hành lang ngượng lắm. Cắm mặt mà và, mà xụp xoạp cho nhanh.

          Nhưng rồi quen. Nghĩ mình lương thiện. Quá lương thiện. Lương thiện gấp trăm lần những người khác. Chẳng có gì mà xấu hổ. Thế là dần dần cứ ăn bình tĩnh, nhẩn nha. Chẳng nuốt vội, nuốt vàng như trước. Để thấy chất bổ ngấm vào người, vào máu. Để thấy mình đang hồi phục. Để thấy máu mình lại đang nẩy nở sinh sôi. Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:

          - Chính Yên!

          - Phan Kế Báo!

          Hay đang bưng bát phở lên ăn, nghe tiếng gọi giật giọng:

          - Phương Nam!

          Toàn những người quen.

          Toàn những trí thức.

          Ngượng nghịu nhìn nhau.

          Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng. Người bán máu nuôi con đi học. Người lương hưu ít ỏi không đủ sống. Quần áo chỉn chu. Tóc chải gọn gàng. Mặt mũi sáng sủa. Đi lại rón rén nhẹ nhàng chỉ trông cũng biết là người có học. Đấy là một loại. Loại này đông nhất. Loại thứ hai ít hơn. Những nam nữ thanh niên còn rất trẻ, quần áo bít đít, cười nói trò chuyện ồn ào. Đó là cánh thanh niên đua đòi ăn chơi tung tẩy rủ nhau đi bán máu lấy tiền mua nhẫn vàng mua đồng hồ quần bò áo phông. Còn dân bán máu chuyên nghiệp lại khác. Giống cánh trí thức ít nói. Có nói cũng rất khẽ. Khuôn mặt đầy lo lắng ưu tư. Họ có nhiều sổ, bán ở nhiều nơi. Có khi lên cả Sơn Tây, Thái Nguyên. Về cả Thái Bình. Họ chưa đến hạn được bán. Họ sợ máu họ loãng. Họ sợ bệnh viện nhận ra sự gian dối của họ. Dân chuyên nghiệp bán máu xong là đổ xô đi mua viên sắt, uống nước cua sống. Hy vọng như vậy sẽ có đủ huyết sắc tố cho đợt bán sau. Dân chuyên nghiệp vén ống tay áo lên nhìn biết ngay. Chằng chịt vết kim.

          Lân bán máu sau Tường. Nhưng Lân là người theo đuổi cái công việc này lâu nhất. Khi kẻ viết bài này lang thang từ các miền rừng núi trở về, đã sẵn có nghề trong tay. Lân đi bán máu đột xuất, chiêu đãi một bữa bún chả, ăn trong căn buồng hẹp nhà Lê Bầu phố Phùng Hưng. Ngưng trích.                     

         

Ngay cả những bồi bút cũng không đọc nổi, không chịu nổi  những bài viết nhảm của những anh bồi bút bạn. Bùi Ngọc Tấn viết:

         

Viết về Bè Bạn. Trang 346. Trích:

          Tôi không thể đọc sách được kể từ dạo ấy. Tôi không tìm được trong sách những điều bổ ích. Sách đâu có nói đến khổ đau. Làm sao tôi có thể đọc được những tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài viết về “tính hơn hẳn” của hợp tác xã, “ý thức làm chủ” của xã viên, sự cùng đường của những người làm cá thể, những truyện cải tiến kỹ thuật trong công nghiệp. Làm sao  có thể đọc những truyện viết về trí thức, kỹ sư, phó tiến sĩ, với dăm thuật ngữ  kỹ thuật kể chuyện nàng vì tập thể, vì ước mơ, vì lý tưởng, còn chàng ngại khổ, cá nhân chủ nghĩa, chỉ muốn về thành phố và sang Liên Xô học thêm, cuối cùng tình yêu tan vỡ. Những truyện này đọc trang trước biết trang sau, đọc đầu biết giữa, đọc giữa biết cuối, những chuyện lảng tránh những đau khổ, những suy nghĩ thực của nhân dân, những truyện quên mất thân phận con người. Hãy nhớ rằng những khổ đau vẫn còn đó. Ngưng trích.

          Đúng ra những cái của nợ xã hội chủ nghĩa ấy người ta không đoc cũng biết trong đó viết những gì. Bùi Ngọc Tấn lên án thứ văn thơ bốc thơm chế độ, nhưng chính những người bạn ông: Mạc Lân, Lê Bầu, không kể những người ông coi là thầy, hay đàn anh, như Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân..là những người ngày đêm viết ra thứ văn thơ nâng bi ấy. Không phải chỉ ở Hà Nội cộng sản mới có tình trạng văn nghệ sĩ vì miếng ăn mà muối mặt tranh nhau bốc đít bọn có quyền. Bọn Bắc Cộng không có qua một việc gì mới cả, tất cả những trò văn nghệ nhảm nhí, đểu cáng, đấu tố bẩn thỉu, hạ nhục nhau tàn tệ, bôi bẩn lên mặt nhau, đút của dơ vào mồm nhau, những trò tranh ăn thô bỉ xảy ra ở Hà Nội đều đã xảy ra, lâu rồi,  ở Nga Cộng, Tầu Cộng.

          Văn nghệ Nga Cộng nổi tiếng về mục nhạt nhẽo. Trong tiểu thuyết, phim ảnh Nga Sô cốt truyện không có những đối kháng sinh tử, đại khái chỉ là chuyện trong một xưởng máy đôi bên tranh chấp nhau về quyết định xưởng có nên bắt công nhân làm thêm giờ hay làm mỗi tuần 100 giờ là đủ rồi, nhà máy có nên mở rộng, đặt thêm máy hay không? Ở Nga Sô không có đàn bà ngoại tình, không có đàn ông hiếp dâm, bọn trẻ toàn là cháu ngoan Bác Sít, bọn gián điệp loạng quạng vào đất Nga là chết ngay..vv..Thế nhưng trong Viết về Bè Bạn lại có một chuyện như vầy:

 

          Viết về Bè Bạn. Trang 63, 64. Trích:

          Ngày ấy người ta sợ viết về tình yêu trai gái. Ngày ấy những con người chiến đấu được giản lược đi đến mức tối đa. Lân nói: “Bọn Liên Xô sang đây nó bảo nhân vật của các anh không có bộ phận sinh dục à?” Cứ đọc sách của mấy ông viết thì đúng như thế thật. Nhưng tôi cam đoan với ông rằng trong Nam đang chiến đấu gay go như thế nhưng người ta vẫn yêu nhau, vẫn ghen tuông, vẫn ngoại tình, vẫn ngủ với nhau. Cuộc sống ông ạ. Không có gì dập tắt được cuộc sống. Chỉ có chúng ta dập tắt nó trong sách thôi. Ngưng trích.

Bỏ qua mấy câu lý luận không có gì đáng nói về cuộc sống, trong đoạn trên chỉ có chuyện: Lẽ ra những người viết ở Hà Nội như Mạc Lân phải hỏi bọn làm văn nghệ Nga Cộng: ” Đàn ông, đàn bà Nga các anh không có….. à? Trong tiểu thuyết, phim ảnh cuả các anh chỉ có những nhân vật làm việc như trâu, như bò. Dù là cộng sản, các anh cũng còn là người chứ!”

Bọn bồi bút Bắc Cộng phải hỏi bọn bồi bút Nga Cộng, đàn anh của họ, một câu như thế mới đúng.

Viết thuê những bài nâng bi bọn cầm quyền, viết láo lừa dối nhân dân, nhưng vẫn không đủ ăn, những anh bồi bút Bắc Cộng đáng thương phải bán máu lấy tiền sống. Họ khổ nhục không phải như mà là hơn những con chó, nhưng trong Viết về Bè Bạn, tôi không thấy họ biểu lộ sự tủi nhục của họ. Hình như có lúc họ còn thấy hiu hiu tự đắc. Như họ viết:

 

Viết về Bè Bạn. Trang 195. Trích:

Giờ đây khi cuộc sống đã có những thay đổi quan trọng sang nền kinh tế thị trường, nhớ lại những ngày ấy, nhiều nhà văn còn bảo nhau:”Sao chưa thấy ai viết về thời bao cấp cả nhỉ?”

          Đúng là chưa có ai viết về thời này. Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình là những người anh hùng, đã vượt qua một quãng đời tưởng như là bịa đặt không thể nào tin được. Ngưng trích.

         

Tội nghiệp thì thôi! Sống nhục hơn những con chó, đã chó mà còn là chó đói, chó bị bỏ đói, chó bị rọ mõm, bị xích cổ…mà vẫn “thấy mình là những người anh hùng..!”

          Phi-ní lô đia! Hết nước nói!

                                                                *

     Những chiều dịu nắng tôi thường đi bộ qua Rừng Phong đến Khu Thương Mại Eden. Hình như trên đất Mỹ không có khu thương mại nào của riêng người Việt đặc biệt  như khu Eden, thị trấn Falls Church, Virginia. Trung Tâm Eden có khoảng 50 cửa tiệm, chỉ cần đến đây thôi người Việt có đủ thứ dịch vụ: kim cang, đồng hồ, gửi tiền, vé máy bay, hồ sơ bảo lãnh, hồ sơ cưới vợ, lấy chồng, phở, hủ tíu, bún riêu, bánh cuốn, giò chả, phá lấu, ngầu pín, đậu hũ, rau dưa, cam quýt, soài, sầu riêng, hột gà lộn, cao lâu, cơm Ta, cơm Tầu, cơm chỉ, cơm chay, thuốc Tây, thuốc Tầu.., hằm bà lằng síu oắt, gần như có tất cả những vật phẩm người Việt cần có.

          Ngày bánh xe lãng tử mới đưa tôi đến Virginia, tháng 11 năm 1994, Khu Eden có hai tiệm sách Việt. Thời gian qua, phú quí tiến lên nhưng, hình như, văn hoá thụt lùi, cả hai tiệm sách trong Khu Eden đều phéc-mê bu-tích. Tiệm sách Alpha nhiều sách nhất dọn đi nơi khác, sống được ít lâu rồi cũng âm thầm đóng cửa. Nay cả quận Fairfax còn một tiệm sách Việt là tiệm Minh Văn, ở riêng một chỗ xa khu Eden. Thế rồi cùng với thời gian, một số tuần báo, tạp chí Việt trở thành có giá. Vẫn có thể lấy không được những tờ báo ấy ở những chợ thực phẩm nhưng muốn lấy báo người ta phải mua thực phẩm. Nhiều người không cần mua gì cả nhưng cũng phải mua vài món để lấy tờ báo. Bỏ ra 50 cent, hay 1 đô lấy tờ báo mình thích còn dễ chịu hơn là chi ba, bốn đô vào những món mình không cần có. Vì vậy hiện nay có một số báo Việt được bán, bán được, được mua trong Khu Eden.

          Ông Cò Ly đặt một cái bàn bán sách báo ở trước cửa tiệm Phở Xe Lửa Eden. Bàn sách báo này chỉ bán hai ngày Thứ Bẩy, Chủ Nhật, từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Ông Cò Quận Nhì Sài Gòn bán sách báo lấy tiền lời gửi về giúp anh em thương phế binh ta sống què quặt, mù lòa, đói khổ ở quê nhà. Nghe nói sạp báo của ông bán được, người Việt đến Eden nay đã quen với việc mua báo, nay muốn có báo người ta chỉ việc ghé sạp báo Ông Cò, ở đây gần như báo gì cũng có, kể cả những báo ấn hành bên Cali.  Có những bà già Việt Nam không đọc báo nên không cần có những  Sài Gòn Nhỏ, Sài Gòn To, Đời Nay, Đời Xưa, nhưng tháng tháng vẫn ghé đến sạp báo Ông Cò đưa ông vài chục đô nhờ ông gửi về biếu anh em ở quê nhà, gọi là một chút tình, chút lòng biết ơn của người sống xa quê hương.

          Một buổi trưa đầu Xuân Mỹ, nôm na và huỵch toẹt là mới hôm qua, hôm kia, tôi ghé sạp sách Ông Cò, mỗi lần thấy tôi ông vẫn vui vẻ niềm nở, trưa nay ông có vẻ lạnh lạnh. Ông bảo tôi:

          - Ông nhìn số sách mới này, có thấy gì lạ không?

          Tôi nhìn nhưng không thấy gì lạ cả. Ông nói:

          - Nhà Tiếng Quê Hương của các ông vừa cho ra lò ba tác phẩm. Ở đây tôi chỉ bầy bán có hai thôi.

          Ông nói thế tôi mới thấy ba quyển Nhà Tiếng Quê Hương mới cho ra lò là Tử Tội của Choé Nguyễn Hải Chí, Trắng trên Đen của Vũ Thư Hiên, Viết về Bè Bạn của Bùi Ngọc Tấn, ông Cò chỉ bầy bán có hai quyển Tử Tội, Trắng trên Đen.

          Tôi hỏi:

          - Sao ông không bán Viết về Bè Bạn?

          Ông trả lời:

          - Quyển đó ca tụng bọn binh sĩ cộng sản, ca tụng đảng cộng sản, gọi anh em chúng tôi là ngụy, gọi Sài Gòn bằng cái tên thành phố Hồ chí Minh…

          Đêm trước mới xem qua quyển Viết về Bè Bạn, tôi đã thấy vài đoạn làm tôi khó chịu. Sau khi gặp ông Cò Ly, đêm ấy tôi đọc Viết về Bè Bạn kỹ hơn, thấy có những đoạn như vầy:

         

Viết về Bè Bạn. Trang 62. Trích:

          Bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang Giôn-xôn. Miền Bắc mới được 10 năm im tiếng súng và đang tận lực chi viện cho miền Nam giờ đây phải trực tiếp chiến đấu. (…..) Yên Vực, Hàm Rồng, Nam Ngạn, Đò Cẩm, Cầu Hổ, Cầu Vằn…Những địa danh giờ đây không gợi một ý niệm gì nhưng ngày ấy là lương tâm của toàn dân tộc. Đó là quyết tâm của một bên là khoa học kỹ thuật hiện đại tối tân nhất, sức mạnh quân sự hùng hậu nhất của Mỹ và đồng minh với một bên là ý chí gang thép của quân và dân miền Bắc giữ vững mạch máu giao thông đưa người và súng đạn của cải vào miền Nam chiến đấu.

          Viết về Bè Bạn. Trang 127. Trích:

          Sáng hôm sau, đang đánh răng, rửa mặt, cả hai chúng tôi bỗng dừng lại lắng nghe: Đài Tiếng Nói Việt Nam truyền đi thông cáo về hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam.

          Định bảo tôi:

          - Một buổi sáng lịch sử.

          Đúng là một buổi sáng lịch sử vì đó là buổi sáng công bố chính thức quan điểm của Đảng về phong trào cộng sản quốc tế, về những mâu thuẫn, chia rẽ trong phong trào và thái độ của Đảng.

          Chúng tôi đón buổi sáng lịch sử đó không phải ờ Hà Nội, không phải ở Hải Phòng mà ở Hải Dương. Hình như một buổi sáng có gió heo may, thứ gió đánh thức tình yêu cuộc sống. 

Viết về Bè Bạn. Trang 209, 210. Trích:

          Thế là Vũ Tín với chiếc máy ảnh có mặt khắp nơi. Máy bay địch bay vè vè trên đầu. Pháo nổ không dứt. Tai ù đi. Điếc đặc. Quen rồi. Chỉ những lúc im tiếng súng, im tiếng máy bay mới làm mình bỡ ngỡ. Vũ Tín len lỏi trong Trường Sơn “theo bước chân giáo liên”. Gặp “Trung đoàn 56 ngụy phản chiến” và ghi lại “phút lịch sử của chính phủ Cách Mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tiếp nhận những người con lầm đường, lạc lối trở về với cách mạng.” Ngưng trích. 

 

          Tôi trích từng ấy đã đủ. Bùi Ngọc Tấn không có lỗi gì cả trong việc ông ta viết ca tụng các bạn ông, ca tụng Đảng cộng sản của ông, là một đảng viên cộng sản ông không có gì sai quấy trong việc ông gọi anh em chúng tôi là ngụy.

          Chỉ có điều anh em chúng tôi thấy chúng tôi nhục, chúng tôi không muốn, chúng tôi không thể, tiếp tay, phụ họa với những người cộng sản trong việc họ đề cao họ và họ chửi anh em chúng tôi.

          Tôi tán thành việc Chủ Sạp Báo Cò Ly Eden không bán quyển Viết Cho Bè Bạn. 

          Có lẽ tôi phải viết một bài nữa về vụ này.

 

CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG

Tử tội (Chóe)




Sách "Phản Tỉnh Phản Kháng Thực Hay Hư" của tg Minh Võ

http://www.fileden.com/files/2007/12/16/1647029/PTPK_master_unicode.doc
Sách viết năm 1999, đến nay đã là lúc đọc lại để nghiệm xem những tiên liệu và nhận xét của Minh Võ có giá trị đến mức nào.
Những ai quan tâm đến Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Hà Sĩ Phu, Đào Hiếu... không thể không quan tâm đến cuốn sách này. Nhưng trên hết dù những nhận xét của Minh Võ đúng hay không đúng, qua cuốn sách, ta cũng học được cách nhìn nhận các vấn đề thời sự và lý tưởng.