Monday, April 13, 2020

Tiếng Việt Vỡ Lòng -- Tên Mẫu Tự

Tiếng Việt Vỡ Lòng: Tên mẫu tự

Xin kể hầu quí vị một câu chuyện có thực, xảy ra cách nay không lâu tại ngay khu cư xá của người viết bài này:
Số là kẻ hèn này được một nhóm bạn phân công tổ chức tiệc họp mặt mừng “Ngày Nhà Giáo” năm đó. Địa điểm lại chính là cái nhà nho nhỏ của cha mẹ kẻ hèn này để lại trong một khu cư xá mênh mông được phân thành nhiều lô nhà và mỗi lô được đặt tên bằng một chữ cái trong bảng mẫu tự. Chuyện xảy ra cũng chỉ vì mấy cái tên mẫu tự này.
Trong số khách đến dự tiệc có người chưa từng ghé qua tệ xá nên mặc dù có địa chỉ in sẵn trên thiếp, vài vị vẫn không cách nào tìm được nhà. Vả lúc đó trời cũng đã tắt nắng mà điều kiện an ninh khu xóm lại dưới mức an toàn, nghĩa là chả có đèn đường chi cả. Không cách nào đọc được bảng số trước cửa các căn nhà không chịu lên đèn do muốn tiết kiệm điện, một vị giáo sư đi lạc bèn áp dụng lời cha ông dạy “đường ở miệng mình chứ đâu”: thấy một đám thanh niên đang ngồi cà phê đầu một ngã tư, ông hỏi, đại loại là “Lô giê ở đâu?” Anh thanh niên không biết chữ “giê” là gì. Vị giáo sư chợt hiểu ra bèn hỏi lại “Lô gờ ấy mà.” Anh thanh niên dường như đã hiểu nhưng muốn chắc hơn nên hỏi lại “Gờ thì biết, nhưng mà gờ gà hay gờ gùa?”!!!
Vâng! Chữ “R” được dạy ở trong nước là “chữ Rờ”, và thanh thiếu niên ngày nay lại có khuynh hướng nhà quê hóa trong phát âm, họ cố gắng bắt chước cách phát âm [r] thành [g] của người miền Tây, “cái rổ” nói thành “cái gổ”, “xong rồi” nói thành “xong gồi” và thành quen miệng, không sửa được nữa. Hậu quả là “gờ” “gờ” như nhau. Thế nên anh nọ mới phải thêm gà với rùa (nói ngọng thành “gùa”) cho nó “gõ gàng”. Theo cái kiểu “Bê bò hay bê phở” ấy mà.
Đây là một vấn đề của các vị hàn lâm học sĩ nước ta. Mà “nước ta” đã có Viện Hàn Lâm chưa ấy nhỉ? Nhưng dù chưa có hay có rồi đi nữa thì cũng đã xảy ra một kết cục: Cách gọi tên chữ cái của cha ông ta, vốn là “A, Bê, Xê, Dê...”, đã bị phủ nhận hoàn toàn. Các ngài hàn lâm học sĩ đã đặt lại bằng một loạt tên có cùng vần [ờ]: “A, Bờ, Cờ, Dờ...”, có lẽ với lý do dễ ghép vần. Mà đúng thế thật, “bờ a ba” nghe xuôi hơn là “bê a ba” chứ nhỉ. Nếu phải đánh vần “bê a” thì kết quả phải là “bêa” chứ sao lại là “ba” được.
Mới nghe thì thấy các ngài “Hàn Lâm Học Sĩ nước ta” quả là có lý. Nhưng thực tế thì các ngài đã đánh đồng bản chất với tên gọi. (Cái sai lầm về bản chất và tên gọi thì chỉ có học sinh cấp 1 mới mắc phải, còn người nhà quê thì thường nhắc nhau “nó vậy mà không phải vậy”.) Không phải bất cứ ai tên là “Đại” cũng to lớn, bất cứ ai tên “Minh” cũng sáng láng đâu. Thế nên tên chữ là tên chữ, khi đánh vần ta có thể quên tên chữ đi mà chỉ cần nhớ âm của chúng là đủ. Với lại khi cần đọc chữ viết tắt mà dùng tên của các ngài đặt thì sẽ sinh lắm chuyện buồn cười. Chả lẽ lại nói “nờ đờ cờ pờ” khi phải đọc “NĐCP” hay “nờ quờ tờ ư đờ” khi đọc “NQTƯĐ”. Rối quá nên các phát thanh viên truyền hình khi phải đọc “WTO” cho hàng chục triệu khán thính giả nghe đã lúng túng và đọc đại “vê kép ti âu”! (Chuyện có thực, chả hiểu tại sao lại ra nông nỗi thế.) Rồi “NQĐHTWĐ” đọc là...?
Bây giờ hãy thử bàn đến những sai lầm trong cách đặt tên của quí cụ hàn lâm viện sĩ Việt Nam.
Như ta biết, tất cả các chữ phụ âm của tiếng Việt đều được các ngài đặt tên bằng âm của nó ghép với vần “ờ” theo kiểu chữ nào mang âm nấy . Như chữ B tên là “bờ”, âm “bờ”, C là “cờ” âm “cờ”, vân vân... Cách đặt tên này có vẻ có qui luật và dễ nhớ. Tuy nhiên có thật quá khó trong việc nhớ tên khoảng 20 chữ phụ âm cho dù tên chúng không theo qui luật nào hết? Lại nữa, khi phải đọc một loạt chữ viết tắt có vần [ờ] thì quả thật không ai có thể nghe rõ được vì chúng là vần xuống giọng. (Có lẽ nên bỏ dấu huyền đi và sửa thành bơ, cơ, dơ, đơ... thì khi đọc chữ tắt nghe mới rõ ràng.) Thế nhưng cứ theo luật của các cụ thì chữ K tên là gì một khi C đã là “cờ” rồi? À, quí cụ gọi tên nó là “ca”,  nhưng thế thì còn đâu qui luật “chữ nào âm nấy” nữa. Mà tên “ca” này lại càng lỏi ra khỏi thanh dấu huyền của toàn bộ (lẽ ra nên đặt là “cà”). Vậy tức là khi nào bí quá thì quí cụ lại theo cách gọi tên cũ của tổ tiên?!
Hai chữ S và X cũng được các cụ giữ lại tên cũ là “ét sờ” và “ích xì”. Các cụ sợ gì mà không đặt tên chúng là “sờ” và “xờ” cho đúng luật của các cụ. Các cụ bảo nếu gọi chúng là “sờ” và “xờ” thì e rằng học sinh tiểu học không phân biệt được. Mà quả có thế thực, có một thời các giáo viên tiểu học xã hội chủ nghĩa phải dạy “S” tên là “sờ” và “X” tên là “xờ”, học sinh (chắc là miền Bắc, vì người Bắc không phân biệt được 2 âm này) loạn cả lên, cứ sai chính tả hoài. Thế rồi có một cô giáo đã “phát huy sáng kiến”, gọi “s” là “sờ chim” vì có dạng viết tay giống hình con chim, và “x” là “sờ bướm” vì có bốn cánh giống hình con bướm. Rồi cô dặn học trò “Các con phải nhớ sung sướng là sờ chim, còn xót xa là sờ bướm...”!
Các cụ sợ chúng không phân biệt được “sờ” và “xờ” của S và X, thế thì các cụ tưởng rằng chúng phân biệt được “bờ” và “pờ” của chữ B và P chắc?  Các cụ cũng tưởng là chúng có thể phân biệt được “dờ” và “zờ” của chữ D và Z chắc? Các cụ hay tưởng quá!
Rồi chữ “gờ” của các cụ (G), vì thấy nó có âm [g] (gờ) các cụ bèn gọi nó là chữ “gờ”. Nếu quả thật nó chỉ có âm gờ thì các cụ cứ “gé” “zảng” đường mà “gi” chép “zúp” tôi, tôi chẳng “gẻ” lạnh “zì” các cụ đâu! Quả là “gê” tởm!
Một điều đặc biệt không thể chấp nhận được là các cụ gọi chữ Q là chữ “quờ”. Vâng, các cụ phải đổi tên nó thôi, vì nếu giữ tên cũ là “cu” thì sợ học sinh con gái đỏ mặt không học chính tả được. Ấy, các cụ lại tưởng ai cũng luôn nghĩ tục như mình rồi. Mà thôi, cứ cho rằng các cụ sợ đúng đi vì hồi đó các cụ bà hàn lâm viện sĩ cũng đã từng đỏ mặt khi học chữ này. Nhưng nếu nó tên là “quờ” và mang âm “quờ” thì cần gì phải ghép thêm chữ “u” vào sau nó nữa cho phiền, cứ tha hồ viết tên của sản phẩm ăn được của cây cối là “qả” (vì quờ = q, quờ a qua hỏi qả = [kwả]). Và viết thoải mái các câu sau, “qả qít có mùi thơm dịu hơn qả qất”, “gà vịt nhà em nó cứ qang qác qàng qạc qanh qẩn trong sân”, “hôm qa cụ qính qáng để qên cái qần ở Bà Qẹo”, có phải tiện hơn không? Các cụ không tài nào nhận ra “q” phải được gọi là “chữ cu” và khi ghép nó với “u” thành cặp “qu” thì được qui ước là một phụ âm ghép có âm [quờ] hay [kw].
Nhân tiện xin mở một dấu ngoặc để nói thêm về chuyện cái sai trên đây đã kéo theo một cái sai khác của các cụ: sai khi cho rằng viết “qui” là sai.
Các cụ nhận xét rằng “ui” là một vần, vần [ui], vậy ráp nó với “q” thành chữ “qui” thì sẽ đọc là “cui” trong “dùi cui”.  Các cụ quên rằng ở đây ta ráp “i” vào với “qu” chứ không phải “ui” vào với “q”.
Chính vì “qu” mang âm “quờ” [kw] nên âm [i] đi sau nó muốn viết bằng “i” hay “y” cũng đều đúng do cả hai đều có âm nguyên [i]. Sau này, khi có khuynh hướng viết tất cả âm [i] bằng chữ “i” thì viết “qui” lại càng đúng hơn với các cụ chứ. Vì cái chuyện viết tất tần tật “i” chính là í của các cụ chứ có phải của ai khác đâu, mĩ thuật, kĩ sư chẳng hạn.
Thế rồi các cụ qui định nọ kia, bắt người ta viết “quỷ” chứ không cho viết “quỉ”, “quỳ” chứ không được “quì” v.v... Các cụ sai lầm và trở nên võ đoán quá. Thực ra kiểu các cụ cho là sai mới là kiểu đúng của nguyên tắc ngữ âm. Còn khi một số nhà văn nhà báo theo thói quen riêng đã ghép vần “úy” vào với một chữ Q thành “quý”, vần “ùy” ghép thành “quỳ” họ đã quên là không có một chữ “q” độc lập trong tiếng Việt. Nếu muốn ráp vần “uý” với phụ âm dạng “c, k, q” thì chỉ cần viết “cúy” chứ không cần đến “q”. Và nếu nhất định dùng “q” thì có ngay “quúy” hay “quùy”. Họ là “nhà” chứ không phải “sĩ” nên có sai cũng không sao, còn các cụ được giao nhiệm vụ tìm cái đúng lại hồ đồ chọn ngay cái sai thì “qả là qá qắt”!
Nói đến đây nghĩ lại thấy cần phải trân trọng xin lỗi các cụ viện sĩ viện hàn lâm Việt Nam (nếu có) rằng đã nói oan cho các cụ, thực ra các cụ đã có bao giờ đặt tên cho các chữ cái trong bộ chữ Việt đâu mà bảo các cụ đúng hay sai. Ủa! Mà nếu chưa đặt tên cho chúng thì các cụ đã và đang làm gì khi mà điều đầu tiên và cơ bản ấy còn chưa làm, lại cứ phó mặc cho đám giáo viên tiểu học và mẫu giáo – mà đa số mới chỉ học qua lớp 5, một số có qua lớp 9, cộng với 6 tháng học phương pháp giảng dạy – tự tung tự tác từ bấy đến giờ, đến nỗi một số thanh niên thiện nguyện dạy Việt ngữ ở hải ngoại ngày nay cũng ra rả “đây là chữ bờ, đây là chữ cờ” vân vân và nằng nặc bảo rằng “chữ nào thì âm nấy”. (Nhưng sau khi được tập huấn thì các em này đã nhận ngay ra sai lầm.)
Qua đây ta thấy một nguyên tắc phiên âm [k] của Việt ngữ:
- Dùng “c” khi đi trước a, o, u (nguyên âm nhóm 1): con cá cứ cố công cắn càng con cua.
- Dùng “k” khi đi trước e, i (nguyên âm nhóm 2): kín kẽ kể kỹ càng
- Dùng “qu” để diễn âm [kw] như “quả” [kwả], khác với “của” [kuẩ/kuở], “qui” [kwi] khác “cui” [kui]...
Riêng trong 2 từ “quốc” và “cuốc” thì tiền nhân đã có sự phân định như sau:
- Nếu là gốc Hán thì viết “quốc”: quốc gia, tổ quốc, quốc thể, quốc tế... [kwốk] hay [kwớk], cũng có khi viết “quấc” (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
- Nếu không phải gốc Hán thì viết “cuốc”: cây cuốc, chim cuốc, cuốc đất, cuốc xe, cuốc bộ... [kuốk].
Quả nhiên tiền nhân không sai khi phiên âm dùng “qu” hay “cu”. Đến đây xin được đóng ngoặc.
Còn về tên của các chữ cái thì quả thật kẻ hèn này cũng chưa từng nghe hay đọc thấy ai công bố chính thức gì cả, tìm trên Internet cũng không thấy có văn bản nào. Bèn liệt kê ra đây bộ tên chữ đã học hồi còn bé. Một số mẫu tự hồi đó ít dùng nhưng nay đã trở thành phổ biến trong sách vở tiếng Việt cũng nhân đây xin được đề nghị tên cho chúng. Các nguyên âm không kê ở đây vì chúng theo luật âm nào tên nấy, riêng i và y thì phân biệt là “i” và “i dài”.
B
C
D
Đ
đê
F
é-phờ
G
giê
H
hát
J
gi
K
ca
L
e-lờ[1]
M
e-mờ
N
e-nờ
P
Q
cu
R
e-rờ
S
e-sờ[2]
T
V
W
vê kép
X
ích-xì
Z
giét



tên các phụ âm chữ Việt
Có một số điều cần bàn thêm cho rõ sau đây:
- Mặc dầu PH là một phụ âm phổ biến nhưng lại không có một từ Việt nào bắt đầu bằng phụ âm P đơn. Có dùng đến P thì nó phải có tên, gọi tên nó là “pê” và người Việt vẫn phát âm được bằng cách bật môi cứng và mạnh hơn B. (Có những sắc dân Việt dùng  âm này, họ nói “Sa-pa”, “Phan-xi-păng”.) Trong một số sách giáo khoa có viết “Pí po, pí po, em tập lái ô-tô...” Vì âm [p] xa lạ với người Việt nói chung nên chúng ta cần sửa lại là “bí bo...”
- Người Việt cũng không dùng chữ “F” mặc dù người miền Bắc vẫn phát âm này trong các từ “phải, phỏng, phùn...” ([fải, fỏη, fùn...]).  Có lẽ vì thực tế này mà có người đã viết “fương fáp, fì fèo”. Thiển nghĩ đây chỉ là những trò nghịch ngợm của con trẻ khi đi học, muốn viết cho nhanh, vì rõ ràng chữ “F” ít nét, viết đỡ mất thời gian hơn 2 chữ “PH”. Còn những người khai sinh ra chữ cái cho dân ta thuở đầu đã nghe dân Nam Bộ phát âm các từ “phà, phu, phố...” bằng môi ([p]) có gió trượt ([h]) nên đã phiên bằng “ph”.[3] (Điều này rất hợp với hệ thống La-tinh: photo, physics, phone...) Trân trọng cuộc khai sinh này nên đến nay dân ta dù Nam hay Bắc vẫn thống nhất viết “ph” chứ không viết “f” (ngoại trừ khi viết một số từ vay mượn như “cà-fê” hay “fax”). Đây là một đặc tính đáng quí của con người, luôn biết tôn trọng những gì tạo ra mình, luôn biết trân trọng những vật phẩm người khác trao tặng cho mình, như chính ông bà ta đã dạy “uống nước nhớ nguồn”. Còn nếu như có ai đó muốn sửa lại một tí rồi bảo rằng chữ Việt đã do mình tu chỉnh tốt hơn hay thậm chí tuyên bố chữ Việt là sản phẩm của mình thì cứ việc, mặc mọi người “fỉ” báng hay “fê fán”.
Thế nhưng vì có viết “cà-fê”, phải dùng đến chữ “f” thì nó phải có tên.
- Không thấy người Việt dùng chữ “J” trừ khi phải đánh số thứ tự bằng chữ cái. Tuy nhiên nó vẫn phải có tên kẻo người ta không hỏi tìm nhà được.
- Cũng không từ Việt nào có chữ “Z” ở đầu ngoại trừ một trường hợp duy nhất “Ziên Hồng” do ông Lê Bá Kông chế ra. Tuy nhiên ta vẫn thường gặp chữ “Dzũng”, và tên một thi sĩ là “Hồ Dzếnh”. Sau này còn gặp “dzỏm”. Và từ ngày người Việt bị buộc phải “ly tổ cầu an” những chữ “Dz” xuất hiện ngày càng nhiều để tránh người nước ngoài đọc sai tên của ai đó.
- Một nhận xét nhỏ về cách gọi tên của các chữ K, H, Q, trong 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Việt: Nếu áp dụng cách đặt tên chữ Việt trên đây thì ta có bảng so sánh tuyệt vời sau (để ý phần nguyên âm của A, K và H y hệt như nhau, U và Q cũng vậy):

A
K
H
U
Q
Anh
[eɪ]
[keɪ]
[eɪʧ]
[ju]
[kju]
Pháp
[a]
[ka]
[aʃ]
[ÿ]
[kÿ]
Việt
[a]
[ka]
[hat]
[u]
[ku]

Câu chuyện gờ gà gờ gùa lẽ ra đã không xảy ra. Nhưng vừa rồi kẻ hèn này nghe loáng thoáng trong câu chuyện điện thoại của tiện nội có câu “dê trên hay dê dưới ạ?” Vâng, cái gì cũng có nhược điểm của nó. Tuy nhiên trong thực tế ở đời có những điều không cần phải cải sửa gì nữa, nếu có muốn sửa cũng chẳng được hoặc cũng chẳng hay ho gì hơn. Và cái bảng tên chữ cái tiếng Việt là một.

Ngày 13 tháng 11 năm 2007
Hồng Đức



Tiếng Việt Vỡ Lòng: Chữ và Âm
Học trò ở Việt Nam ngày nay có lối phát âm lạ lùng. Có thể nói như vậy vì đang phổ biến một kiểu phát âm kì lạ nhan nhản trên ra-điô, ti vi, và đầy ngoài đường hay trong trường học... Các nhân vật trong chương trình và chính các em xướng ngôn viên của các chương trình thiếu nhi trên ra-điô hay ti vi (thường ở tuổi học sinh cấp 2 và 3) đang luôn luôn sửa âm [a] thành âm [e] mặc dù rõ ràng các em không nói giọng Quảng. Thực ra cái âm [e] này của các em không hoàn toàn giống với âm của chữ “e”, nhưng nó cũng hoàn toàn không phải là [a]. Các em nói “chào các bạn” nghe cứ như “chèo kéc beẹng”. Người nghe có cảm giác là các em nói mà không mở miệng (có lẽ do các em mặc cảm hàm răng mình xấu quá hay lưỡi mình... màu vàng chăng?), thành ra âm [a] rộng lại biến thành âm hẹp [e]. Và những khán thính giả có kinh nghiệm về phiên âm quốc tế thì liên tưởng đến ký hiệu “æ” thường dùng để phiên âm chữ “a” trong tiếng Anh, hay liên tưởng đến việc tổ tiên người Mỹ cũng đã từng làm là bẻ miệng đọc [a] thành [e] trong các từ như “bath, glass, class, can’t” chẳng hạn.
Chuyện này có từ cả chục năm nay mà không thấy ai lên tiếng hay có biện pháp gì để cải sửa thì những nhà giáo “ưu tú”, nhà ngôn ngữ “hết lòng vì thế hệ trẻ”, và các giáo sư “ngữ âm học” Việt Nam quả tình chỉ biết làm việc trên giấy tờ hay trên máy vi tính (nói theo kiểu “cách mạng” là “làm việc quan liêu”), chỉ biết đợi đến khi cả xã hội hình thành một cách phát âm sai thì lại mày mò tìm cách giải thích rồi lại sáng tạo ra quy tắc này nọ, chẳng hạn trường hợp này sẽ được giải thích là do “âm vị” của “a” khi đi trước các phụ âm nào đó thì hóa thành “e” hay [æ] gì đó rồi bảo đó là quy luật cách phát âm của người Việt. Rồi những người lập trình vi tính sẽ đòi sửa tất cả chữ “a” thành chữ “e” cho tiện việc “số hóa” gì đó. Cuối cùng hóa ra tiền nhân sai khi viết chữ “a” trong từ “các”, “bạn”...

Đặc điểm của chữ Việt và các quy ước về âm của chúng:

Phần 1: Nguyên âm
Ai cũng biết 3 yếu tố tạo thành một nguyên âm gồm:
- hình môi tròn hay bẹt (rounded, unrounded)
- độ rộng của khoang miệng (hàm càng hạ xuống thì khoang miệng càng rộng; -- nhưng chỉ dùng lưỡi đưa ra thụt vào trong họng cũng thay đổi độ rộng khoang miệng được chút đỉnh, vì thế mà có nhiều người “nói mà không mở miệng” nghe vẫn có thể hiểu được.), và
- vị trí cao nhất của lưỡi, vị trí trước là phía ngoài, sau là phía họng.
Về lý thuyết, với 3 khẩu độ, 3 cao độ lưỡi và 2 hình dạng môi, một người bình thường có thể phát âm phân biệt được 18 nguyên âm khác nhau.
Cách nay 50 năm (năm 1957) giáo sư Lê Ngọc Trụ trong cuốn “Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị” của mình đã vẽ biểu đồ cách phát nguyên âm tiếng Việt như sau:[4]

trước
giữa
sau
hẹp
i/y
ư
u
trung
ê
ơ   â
ô
rộng
e
ă   a
o
Biểu đồ vị trí âm của Lê Ngọc Trụ
Trong bảng này ông đã không nhắc tới hình môi.
So với bảng của nữ giáo sư Han, người Mỹ gốc Hàn, lập năm 1966 sau khi nghiên cứu âm tiếng Việt bằng các phương tiện đương đại, trích từ Wikipedia, thì không khác gì mấy. Trong bảng của bà, có 4 khẩu độ:

Trước
Giữa
Sau

Hẹp

i/y
ư
u
Hẹp Vừa
ê
ơ
ô
Rộng Vừa
e
â
o
Rộng

ă   a

Biểu đồ vị trí âm tiếng Việt do GS Han lập
Vài ghi chú trong trang web Wikipedia nói trên tỏ ra những nhận định của giáo sư Lê Ngọc Trụ trước giáo sư Han 9 năm đã tỏ ra đúng đắn. Đó là:
- Ông không cần phân biệt hình môi ở những âm có cùng vị trí lưỡi và độ rộng vòm miệng vì ở mỗi vị trí với mỗi độ rộng nhất định thì tiếng Việt chỉ có một kiểu môi thôi. Thế nên bảng của ông chỉ có 3 cột, còn bảng vị trí âm của IPA có đến 6 cột (vì phải phân biệt âm tròn và âm không tròn môi). Trang Wikipedia viết (lược dịch): “Tất cả các nguyên âm (tiếng Việt) đều không phải âm tròn ngoại trừ 3 nguyên âm ở vị trí sau (là tròn): u, ô, o.”
- Nhận định khác của Lê Ngọc Trụ là “ă là a ngắn và â là ơ ngắn” cũng được trang web này viết như sau:
â và ă được phát âm ngắn – ngắn hơn các nguyên âm khác
*    ă với a: 2 nguyên âm a ngắn (ă) và a dài (a) có âm vị khác nhau, phân biệt chỉ ở độ dài mà thôi (chứ không phải ở chất âm).
*    â với ơ: Giáo sư Han (năm 1966) nêu nhận xét rằng â và ơ khác nhau cả về độ dài lẫn độ cao của lưỡi, nhưng sự khác biệt về độ dài có lẽ là sự phân biệt chính yếu.”
Nếu bảo ơ ngắn là â (không phân biệt độ cao lưỡi) thì hệ thống nguyên âm của tiếng Việt rút lại chỉ có 9 kiểu phân biệt rạch ròi, không thể lẫn lộn âm này với âm kia.

Trước
Giữa
Sau

Hẹp

i/y
ư
u
Hơi Hẹp
ê
ơ    â
ô
Hơi rộng
e

o
Rộng

ă    a

Biểu đồ vị trí âm tiếng Việt
Tức là chỉ có 9 kiểu vị trí âm, thêm yếu tố gắt vào thì được hai âm nữa là ă và â.
Xét bảng vị trí nguyên âm của IPA dưới đây với 28 âm tất cả (màu đỏ là âm Việt, viết lại thành chữ), thì khả năng phân biệt 9 nguyên âm Việt là quá dễ. Có thể nói “độ phân giải” của tiếng Việt rất thấp, tức là rất dễ xử lý, không hề cần phải tinh tế chính xác cao. Thế mà ngày nay đa số dân ta vẫn không làm được! Mà ngày trước nếu cha ông ta không làm được thì tại sao những người tạo ra chữ quốc ngữ lại thấy có khác biệt mà ghi sự khác biệt đó ra. Vậy có thể nói sự đọc trại âm ở những người có học chỉ thể hiện một lối sống lười biếng. Ngày càng có nhiều âm đọc trại chứng tỏ dân ta ngày càng lười biếng. Cứ cái đà này, mai kia chỉ còn có một nguyên âm “ơ” thôi. Vậy nên không được nại bất cứ lý do gì mà lơ đi và chấp nhận cách phát âm sai trong môi trường học thuật rồi bảo rằng đó là cách phát âm địa phương.
Bảng vị trí nguyên âm của Hiệp Hội IPA
Một khi phát âm “rượu” thành “riệu” hay “rựu” hay “rụ” thì phải bảo là các cách phát âm này sai chứ không thể xuê xoa bảo rằng đó là đặc trưng phát âm của từng vùng. Trong thực tế tiếng “rượu” là một tiếng có thể phát âm được đúng với phiên âm của nó là [rượu] hay gì gì đó mà IPA ghi ra. Tương tự, “cừu” không thể được phát âm thành “kìu” hay “cù”; “thầy” không thể đọc thành “thày” hay “cằm” thành “cầm” hoặc “càm”, “ướp” thành “ớp”. Mặc dù vẫn biết khi nói một câu mà phát âm sai vài từ thì người nghe vẫn hiểu đúng ý cả câu. Nhưng việc luyện tập để có được cách phát âm đúng không khó, và một khi đã phát âm đúng được thì vấn đề chính tả sẽ trở nên dễ dàng.

Nhận xét và phương pháp sửa chữa

Phát âm phân biệt được 9 âm cơ bản tuy dễ nhưng vẫn là tương đối khó với một số người. Ở một số địa phương người ta phát âm những cặp âm tương cận (có vị trí kế nhau trong biểu đồ trên) thành 1 kiểu. Những trường hợp sau là điển hình các sai sót cần sửa chữa trong phát âm.
* [o] và [ô] lẫn lộn, “con cóc” nói thành “côông cốc” (kiểu sai của người miền Nam); hoặc “cố công” nói thành “có cong” (kiểu sai của một số vùng nam Trung Bộ): lỗi này xảy ra do sai khẩu độ.
* Ngày nay lại có khuynh hướng bẻ âm [a] thành âm [e], “các bạn” nói thành “kéc bẹng” như đã đề cập, cũng vì [a] và [e] liền nhau trong biểu đồ, tức là người nói đã không hạ hàm xuống thấp đủ lại nâng đầu lưỡi cao hơn.
* [ưu] bị đọc thành [iu] vì âm [ư] là âm giữa đã bị biến thành âm trước hóa ra [i]. Phần trước của lưỡi đã được nâng quá mức cần thiết, có lẽ do cố gắng phân biệt khỏi âm [u] sắp phát ra. Cho nên “cừu” nói thành “kìu”, “hươu” thành “hiêu”.
* [ưu] bị đọc thành [u], “tựu” nói thành “tụ”, lại là do người nói có vẻ không cần phân biệt âm [ư] khỏi âm [u] sau nó. [ư] và [u] gần vị trí phát âm đã bị đánh đồng. Nên nếu yêu cầu nói chậm thì họ cũng chỉ nói là [tuụ], sai vẫn hoàn sai.
* Trường hợp “ướp” đọc thành “ớp” cũng tương tự trường hợp vừa nêu. Có thể bảo rằng hai trường hợp này xảy ra là do người nói không vận động lưỡi đủ linh hoạt.
* “ă” và “â” cũng hay bị lẫn lộn: “cái cằm” bị nói thành “cái cầm”. Hai âm này cùng là âm giữa và cùng là âm gắt nhưng có độ rộng khác nhau.
* “ê” đọc thành “ơ”: “chết” biến thành “chớt”: cũng là do âm trước biến thành âm sau.
* Âm [i] Nam bộ hơi sâu (xích vào giữa gần với âm [ư]) trong khi ở các miền khác người ta phát âm [i] rõ là âm ngoài hơn. Người miền Nam nói “bánh ít” nghe giống “bánh ứt”, nhưng khi đối chiếu thì thấy [i] và [ư] của họ rất khác nhau. Có thể nói [i] Nam Bộ hơi gắt một chút, nếu dùng ký hiệu IPA nó sẽ là [ɪ]. Thường nghe một số ca sĩ hát “tim” thành “tiêm” nhưng ít khi thấy dân ta lúc nói bình thường lại biến âm như vậy. Có lẽ chỉ khi phát âm thật chậm mà không điều khiển được hàm và lưỡi, người ca sĩ kém thanh nhạc đó mới tạo nên sự biến âm này là điều người Việt không chấp nhận. Nhưng tất cả người Mỹ khi đọc chữ “Tim” (tên riêng) thật chậm thì ta nghe giống hệt chữ “tiêm” tiếng Việt. Đây là đặc trưng ngôn ngữ của họ, không chỉ riêng lúc hát mới thấy. Còn đặc trưng tiếng Việt thì khác.
* [uô] đọc thành [uâ]: “Ban Mê Thuột” đọc thành “Ban Mê Thuật”, “cuốn sách” đọc thành “quấn sách”: do phát âm nhanh, [ô] biến thành âm gắt gần nó là [â].
* những kiểu sai như “khúc khuỷu” đọc thành “khúc khỉu”, “ngoằn ngoèo” đọc thành “ngoằn nghèo” hoặc thậm chí “ngằn nghèo” thì lỗi là do từ thời niên thiếu, chưa nghe ai nói những tiếng uyên bác như vậy đã phải đánh vật với chúng trong cuốn tập đánh vần mà bên cạnh lại có một người thầy cùng hoàn cảnh với mình.
* [ay] đọc thành [ây]: “dạy học” bị đọc thành “dậy học” và đang dần dần lấy luôn chính tả của chữ “thức dậy”. “dày/giày vò” cũng biến thành “dầy/giầy vò”. Trường hợp này vì xuất hiện bằng cả chữ viết chứ không riêng gì âm thanh nên rất khó phân biệt đúng sai. Thường thì do các tác giả nói giọng Bắc có thói quen mình nói làm sao thì viết làm vậy, không giống các tác giả nói giọng Nam hay Trung đã rất khổ sở khi viết vì thường phải dùng đến “Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị”. Người Nam và Trung phát âm hỏi ngã như nhau nhưng hiếm thấy họ hình thành lối viết rặt hỏi hay rặt ngã. Các tác giả gốc Bắc viết “ây” và văn học hình thành 2 lối viết cho “cái cày/cầy”, hay “dậy” và “dầy” vừa nêu. Một khi thói quen viết đã biến thành luật chính tả thì việc sửa chữa sẽ rất khó và nó sẽ ảnh hưởng ngược lại tới lối phát âm. Riêng chữ “mầy” thì đã trở nên chính thức để ghi âm địa phương của chữ “mày”.
Để sửa chữa cách phát âm sai, dễ nhất là yêu cầu người học phát âm lần lượt các cặp âm hay lẫn lộn, trong khi cố phân biệt chúng với nhau:

Đối với nguyên âm đơn:

O – Ô: “cô co cổ”, “ cái rổ rỏ nước”, “bố bó tay”...
A – E: “nón cát-két”, “cái bát bể nát bét”, “hát chứ đừng hét”, “đi len trong đám lan”...
Ê – Ơ: “tôi hên hơn anh”, “hớt hết tóc”, “con rết rớt xuống”...
vân vân. 
Việc nghĩ ra các ví dụ để thực hành tương đối dễ, bất kỳ giáo viên nào cũng có thể làm được và ra bài tập phát âm cho học sinh của mình tùy theo đặc thù của mỗi lớp. Với những người không có điều kiện đến lớp cũng có thể tự rèn cách phát âm của mình bằng cách áp dụng phương pháp này. Trong khi luyện tập thanh nhạc, ca sĩ cũng luôn phải xướng các âm nguyên của ngôn ngữ mình để khi hát mới “tròn vành rõ chữ”. (Có điều buồn cười là đa số ca sĩ Việt Nam lại luyện toàn những âm của tiếng Ý, họ chỉ tập có 5 âm: “i, o, a, ô, u”, có khi thêm âm “ê”. Thế nên ngày nay thiếu niên mê ca nhạc VN cũng chỉ thích dùng có 6 nguyên âm thôi??)
Kiến thức về ngữ âm của người hướng dẫn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chỉnh sửa nguyên âm sai, một khi biết lỗi phát âm do khẩu độ, hay do lưỡi, môi thì chỉ cần chú tâm vào tác nhân sai để ra bài tập, tiết kiệm được thời giờ. Lại nữa, có một nghịch lý trong khi học các kỹ năng là nếu tập sai nhiều lần một động tác nào thì động tác sai đó sẽ trở nên cố định, sau đó người học lại tưởng rằng làm như vậy mới đúng.
Bài tập điển hình để sửa lỗi “a = e” là yêu cầu học viên há to miệng, to đến mức đút được 3 ngón tay xếp thẳng đứng vào, và nói “a”. Biết được khẩu độ lớn nhất của mình rồi người đó sẽ có thể tự điểu chỉnh sau này.
Để thấy được độ cao lưỡi, có thể yêu cầu học viên giữ hàm cứng ngắc, đọc “i, ư, u” và nhận xét hoạt động của lưỡi.

Đối với nguyên âm kép:

* Vần “au” thường bị người Nam nói thành “ao” không phải do “o” và “u” kế nhau mà thực ra họ đã đọc đúng phiên âm: hãy để ý cách đọc tên nhạc sĩ “Strauss”, nếu phiên qua chữ Việt hiện tại thì phải là “straos”. Ghi âm [au] bằng “ao” là một nhầm lẫn của tổ tiên ta: “lao xao mặt nước ao” đúng ra đã phải được ghi là “lau xau mặt nước au”. Còn “cây cau sau hè” lẽ ra phải viết là “cây cău său hè” mới đúng. Tức là tiếng Việt hoàn toàn không có vần “ao”. Nhưng một khi đã qui ước thành cách viết hiện nay rồi thì lỗi phát âm của người Nam trong vần “au” là do họ đã không đọc nhanh, gắt âm [a] của vần này.
* Vần “ay” bị đọc thành “ai”: đây cũng là vấn đề về âm gắt. “a” của “ay” chính ra là “ă” tức là a ngắn.
* Vần “ưu” bị đọc thành “u” hoặc thành “iu”: Để giải quyết cần đọc chậm lại, nối từng âm vào với nhau.
Nói chung các lỗi phát âm kép chỉ có thể sửa bằng cách cho phát âm từ từ từng âm của vần. Không bao giờ nên đọc vần mẫu và cho lặp lại. Dù người đọc mẫu có chính xác đến đâu đi nữa thì người học cũng chỉ nghe được theo cái tai đã sai của họ thôi. Nó cũng giống như việc một ca sĩ cải lương, không luyện xướng âm tân nhạc mà khi nghe một bài hát tây phương thích quá đòi hát theo vậy. Cung điệu tây phương sẽ biến mất, chỉ còn những cao độ lơ lớ mà thôi.

Âm gắt

“Cằm” đọc thành “càm” cũng do nguyên nhân không gắt đủ. Mới đây tôi nghe một em sinh viên Việt kiều đọc “vun đắp” thành “vun đáp” cũng vì em không biết cách làm gắt âm “ă”. Hầu hết người nước ngoài khi nói tiếng Việt đều mắc lỗi này. Cũng có khi làm gắt sai thì “cằm” lại hóa thành “cầm”, miệng không rộng đủ, biến ă thành â dù cho đã gắt đủ và giữ đúng vị trí lưỡi là âm giữa. Muốn sửa chỉ cần đọc phân biệt liên tiếp các âm gắt cùng phụ âm cuối, như “Ân ăn gian”, “Lân lăn lộn”, “Thất thắt nơ”, “nhạc réo rắt rất hay”, “thần thằn lằn”... Hoặc đơn giản hơn chỉ cần tập “áp, ắp, ấp”, “an, ăn, ân”, “ác, ắc, ấc”...

Phụ Âm

Những nhà ngữ âm học định nghĩa phụ âm khá phức tạp đối với những người bình thường. Có thể nói nôm na phụ âm là những cách thế do môi, răng, lưỡi và yết hầu tạo nên sự khác biệt khi phát cùng một nguyên âm. Bật môi nhẹ trong khi phát âm [a] ta có phụ âm “b” tạo thành tiếng “ba”, bật môi mạnh cũng với âm [a] ta có phụ âm “p” và tạo thành tiếng “pa”, nếu mở hầu để thông lên mũi rồi bật môi với âm [a] ta có phụ âm “m” và tạo thành tiếng “ma”.
Khoa Ngôn Ngữ Học trường Đại Học Lausanne (Thụy Sĩ) định nghĩa:
“Nếu luồng hơi bị chặn hoàn toàn hay một phần thì âm tạo ra được gọi là phụ âm. Điều này phân biệt phụ âm với nguyên âm.”[5]
Không có phụ âm kép trong tiếng Việt. Khi làm phụ âm đầu, các phụ âm tiếng Việt có âm rõ ràng như bảng sau, nhưng khi đi cuối, nó chỉ giúp tạo thành vần và không bao giờ được đọc rõ ràng.
Chữ
Âm
Ví dụ
b
b
bướng bỉnh, bầu bí
c
k
con cua, cái cổ, cơ cấu
d
j
dềnh dàng, du di
đ
d
đang đêm đốt đèn đi đâu đấy
f
f
cà-fê, fax
g / gh
g
ghê gớm, gầy guộc, ghìm
gi
z
gia giáo, giòng giõi



k
k
ka-ki, kín kẽ
kh

khuyến khích, không khí
l
l
lầm lẫn, lung linh
m
m
môi mép, mũm mĩm
n
n
năn nỉ, núng nính
nh

nhỏ nhẹ, nhí nhảnh
ng / ngh
η
nghi ngờ, ngoan ngoãn, nghề nghiệp
p
p
Sa-pa, pê-đê, pa-tê
ph
f
phì phèo, phương pháp
qu
kw
quê quán, quỉ quyệt
r
r
rỉ rả,
s
ʃ
sung sướng, san sẻ
t
t
tung tăng, tí toáy
th

thanh thản, thì thào
tr
ʧ
trí trá, trẻ trung
v
v / bj
vui vẻ, vừa vặn
x
s
xum xuê, xinh xắn
z / dz
z
zê-rô, Ziên Hồng, Dzũng

Chỉ có 8 phụ âm cuối như sau:
phụ âm cuối
ví dụ
đọc giống với
c
ác, óc
a:g, ɔg
ch
ách, ích, ếch
æk, ɪk, eɪk
m
am, im
a:m, i:m
n
an, in
a:n, i:n hoặc ɪn
ng
ang, ung
aη, uη
nh
anh, ênh

p
áp, íp
ab, ib
t
át, ít
at, i:t hoặc ɪt


Phụ âm đầu

Lỗi phát âm phụ âm không quan trọng trong tiếng Việt vì dấu giọng và vần đã đảm trách gần hết việc tạo nghĩa cho một từ. Hơn nữa, khi nói 2 từ một lúc thì dù phụ âm có sai tới mức nào đi nữa người nghe cũng vẫn nhận ra đúng ý người nói. Đó là trong thực tế đàm thoại thông thường, nhưng trong môi trường học tập khoa bảng, người ta bảo rằng phát âm lẫn lộn phụ âm là nói ngọng.
Sau năm 1975, người miền Nam nào cũng phải bật cười khi nghe người miền Bắc ào ạt “tiến về Sài Gòn” và “lói lăng” “giất” ngộ nghĩnh. Hầu như tất cả, tất cả người Bắc đó đều “nẫn nộn” “nờ thấp” (n) với “nờ cao” (l), tất cả âm [r] bị biến thành [z], cả 2 chữ “d” và “gi” cũng đều đọc bằng [z]. Người miền Nam không chỉ bật cười thôi, cái cười này là cái cười ngô nghê “chẳng hiểu gì sất” một khi nghe người Bắc “lỏi”, vì họ “lỏi” sai cả “dẩu giong”. Mà như đã biết, dấu giọng là yếu tố quan trọng bậc nhất trong ngôn ngữ Việt. Thế nên người Nam ngớ người ra không hiểu là phải.
Dần dần, cái văn minh của Sài Gòn đã làm cho những người “đi giải phóng” họ phải học theo và phần nào đã tự sửa được những cách phát âm sai của mình. Việc này đúng với qui luật lịch sử về đồng hóa: khi chinh phục được một dân tộc có văn hóa cao hơn mình, chính kẻ đi chinh phục mới là kẻ sẽ bị đồng hóa.
Nói chung, đến nay việc phân biệt phụ âm của người Việt ta là khá chính xác, ngoại trừ một số cặp hay lẫn lộn sau.
* [b] và [p]: gần như không có từ bắt đầu bằng “p” nên đa số người Việt phát âm [p] thành [b] (cùng là âm môi môi) tuy chỉ có vài từ mang âm [p] như số pi, Pi-ta-go, Sa-pa, cục pin... Âm [p] thực ra chỉ là âm cứng của [b] nên vẫn có thể tập phát âm đúng được, làm giàu thêm cho tiếng Việt.
* Chữ phụ âm kép “tr” thường được phát âm thành [ts] là âm của “ch” và đây là điều không thể chấp nhận. Một số người khác lại đọc thành [ʧ] của tiếng Anh, điều này cũng chấp nhận được theo nguyên tắc “có phân biệt là đủ”.
* Chữ “v” được người Nam phát âm bằng môi-môi, trong khi người Bắc dùng răng-môi. Đây đích thực là địa phương tính của âm và hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng một khi đọc “v” thành [j], tức là không dùng tới môi nữa (chữ “về” nói thành [jề] chẳng hạn) là sai, vì đây là âm của chữ “dề”. Những người Nam thời cựu trào luôn có cách phát âm rất đúng là [bjề]. Không hiểu sao lối đọc này ngày nay không còn thấy nữa. Nếu người miền Nam nay không thích cách phát âm cũ của ông bà nữa thì có thể đọc bằng răng-môi (răng của hàm trên và môi của hàm dưới) như người Bắc chứ đừng dung dị đọc giống âm của chữ “d”.
* Tương tự như trên và cũng là địa phương tính, âm [f] được người miền Nam phát bằng môi-môi (là cách phát âm [p]), tuy môi không khép chặt vì còn phải thổi gió (gió là âm của [h]). Thế nên tiền nhân mới ký hiệu bằng “ph”. (Điều này góp thêm phần vào giả thiết chữ quốc ngữ được tạo dựng đầu tiên ở miền Nam.) Cũng giống trường hợp “v”, người miền Bắc đọc trúng âm [f] bằng răng-môi i hệt cách phát âm của các dân tộc Âu châu, do thế nên xưa nay đã có nhiều người đòi đưa âm [f] này về với ký hiệu hiện đại của nó là “f”, nhưng không được. Cách viết thuần “ph” đã trở thành đặc trưng của chữ Việt. Có thể do người Việt quá tôn trọng các giá trị truyền thống, chỉ chấp nhận cải cách nếu cái cũ thực sự có hại hoặc hoàn toàn không đúng, mà “ph” thì vẫn tương thích với cộng đồng la-tinh, ví dụ “phone, phantom, phases, phenomena...”
Hai trường hợp răng-môi biến thành môi-môi ở Nam Bộ đã làm vài người giải thích rằng do người miền Nam thường mất răng cửa nên đã phải thay răng bằng môi. Và khi học nói với người móm dĩ nhiên con trẻ sẽ không dùng tới răng.(?)
* Có sách nói “d” và “gi” là tuyệt đối bằng nhau, thậm chí bằng cả “r” (ở miền Bắc) và cùng đọc là [z]. Nếu thực vậy thì rõ ràng về mặt luận lý không cần phải tạo ra đến 3 chữ như vậy. Nhất là phải chịu cái nguy hiểm khi “d” Việt lại có cách phát âm lỏi ra khỏi hệ thống La-tinh. Cứ để “d” mang âm “đ” rồi “gi” thay luôn cho nó có phải tiện hơn không? Càng khỏi phải mất công lấy một ký tự cổ của La-tinh là chữ eth (δ) làm âm [đ]. Các cụ người Bắc có học luôn luôn uốn lưỡi hơn một chút khi đọc “gi” (thành [ʒ]) và khi đọc “d” thì thẳng lưỡi (thành [z]). Còn các cụ người Nam thì đọc “d” bằng âm [j] và “gi” bằng âm [z]: dù giọng gì đi nữa thì 2 chữ này cũng đều được đọc phân biệt. Còn trong dân gian, những người ít học thường có thói quen rút bớt, làm nhẹ, hay đơn giản hóa vấn đề, họ đánh đồng hai âm này là chuyện “bình dân học vụ” của họ, không thể vin vào số đông sai để bảo rằng cái sai đó đúng.
* “l” và “n”:
- “Nái xe nam nạng qua nạng nại, neo nên nề, nật nuôn.” (Lái xe lam lạng qua lạng lại, leo lên lề, lật luôn): Do lưỡi đã cong không đủ, có thể do lưỡi cứng quá hoặc ngắn quá. Cũng có thể do việc đơn giản hóa hoạt động của lưỡi. Tuy nhiên không thấy các dân tộc tây phương mắc lỗi này. Vậy là do di truyền, lưỡi người Việt có khuyết tật?
- “Cái lày la lá cái kia” (Cái này na ná cái kia): theo cách lý giải trên thì lại do lưỡi dài quá hoặc mềm oặt. Và chắc cũng do di truyền khuyết tật của lưỡi, các Hoa kiều ở Chợ Lớn luôn mắc lỗi phát âm này, thậm chí họ còn lộn âm [đ] thành âm [l], thế nên mới có giai thoại “cho ngộ lái”. Cũng cần biết thêm rằng [n] và [đ] của tiếng Việt được phát ra bằng hoạt động hất vào của lưỡi. Đây là một đặc thù của tiếng Việt nên Hoa kiều không học được cũng phải.
Hai trường hợp trên thì còn có thể sửa chữa được bằng luyện tập công phu, cho người học đọc phân biệt từng cặp.
            - Nhưng trường hợp “Nẫn nộn cái lày thành cái lọ” (Lẫn lộn cái này thành cái nọ) thì là một khủng hoảng không thể giải thích được và cũng vô phương sửa chữa. Kiểu sai này làm người nghe hoàn toàn không hiểu. Tôi đã từng làm việc cho một người chủ có kiểu phát âm này. Anh ta biết khuyết điểm của mình, đã cố sửa và có tiến bộ tuy rất chậm. Nhưng thực ra, trong mỗi câu nói anh ta chỉ sai theo một kiểu. Cái ví dụ ở đầu đoạn này là một ví dụ tiếu lâm mang tính áp đặt mà thôi.
* “Nh” và “Gi”
“Giưng mà”, “ở già” (nhưng mà, ở nhà). Cách phát âm địa phương, gặp ở Huế và cả một số vùng ở miền Bắc. Âm [nh] được đọc thành [gi].
Có người đã dùng hiện tượng này để giải thích chữ “Giời” chẳng qua là chữ “Nhời” mà chữ “Nhời” lại là âm trại của “Lời”, cho nên “Đức Chúa Lời (Word)” biến thành “Đức Chúa Nhời” rồi thành “Đức Chúa Giời”. Nhưng có thực câu than “Ối giời ôi” chỉ xuất hiện sau khi có quốc ngữ và sau khi đạo Công Giáo đã được truyền đến thôn quê miền Bắc? Cũng khó xác định vì trước chữ quốc ngữ ta chỉ có chữ nôm mà chữ “trời” nôm viết bằng chữ “thiên” ở trên để lấy nghĩa và chữ “viết” ở dưới để lấy âm, chữ “viết” có nghĩa Việt là “lời”, vậy suy ra ngày xưa cha ông ta gọi trời là “lời” thực sao, hay các cụ nói “giời nói” chứ không phải “lời nói”? Và giải thích lại, cha ông ta không gọi trời là “lời” mà lại nói là “giời giẽ” thay cho “lời lẽ” nên cái chữ nôm có “thiên” ở trên và “viết” ở dưới sẽ đọc là “giời”. Và ngày đó không có tiếng “trời”. Vậy phiên âm câu đầu của “Chinh Phụ Ngâm” là “Thủa trời đất nổi cơn gió bụi” là sai, phải phiên là “Thủa giời đất nổi cơn gió bụi”... Lại nữa, trong bản Kiều nôm “Trăm năm trong cõi...” có chữ “trăm” nôm viết bằng “bách” () ở trên và “lâm” ( để lấy âm) ở dưới. Suy ra ngày xưa các cụ nói “trăm” là “lăm”. Hay là quả thật có liên hệ giữa “tr” với “l”?
* Không biết “tr” có quan hệ về âm với “l” không, chỉ biết “tr” đã bị ngọng thành một âm rất giống âm của chữ “t” và câu pha tiếng “con tâu tắng nằm ở gốc cây te tụi, nó tòn tùng tục như cái tống teo” đã trở nên nổi tiếng cách nay nửa thế kỷ.
* Câu pha tiếng trên tuy nổi tiếng nhưng hiện tại lại không phổ thông bằng câu “con cá gô ở trong cái gổ, nó kêu gột gột.” Đây là hiện tượng ngọng âm [r] thành âm [g] ở một số vùng Nam bộ. Đối với thanh niên hiện nay thì kiểu ngọng này dễ thương và đa số đã tập để có được cách nói ngọng dễ thương này. Họ đem cả vào trong trường đại học và thậm chí còn giảng dạy bằng cái kiểu ngọng này nữa. Mai kia các nhà ngữ âm học Việt Nam sẽ đòi sửa “run rẩy” thành “gun gẩy”, và sẽ có “Việt Nam là một con gồng châu Á không thua kém Kô-ghia”, “viện Găng Hàm Mặt”, bài dân ca “Gu Con Nam Bộ”, nước cộng hòa “An-giê-ghi” vân vân...
* Nói vậy chứ hiện nay chưa thấy ai dám viết như vậy, kể cả trong các web-log (blog).[6] Khi lướt qua các blog của thanh niên Việt Nam, ta chỉ thấy rặt các chữ “w” thay cho “qu”. Chắc là thanh niên ta bây giờ xác tín rằng chữ “nhà quê” phải đọc là [nhà wê] mà không biết rằng mình đang tự “nhà-quê-hóa”.[7] Dù đây chỉ là một cách biểu hiện tâm lý phản kháng của giới trẻ, cũng nên cẩn thận kẻo có ngày mọi người đều sai thì cái đúng sẽ bị đào thải. Nó sẽ không khởi đi từ các chữ “w” trong blog mà bắt đầu từ quan niệm phát âm tiếng Việt của con em chúng ta. Hiển nhiên chúng không cho rằng phát âm rõ ràng là một biểu hiện của văn minh cao cấp.
* “s” và “x”: “s” là một âm đục, gần giống [ʃ], khi phát âm lưỡi cong hơn âm của “x”. Người miền Nam phân biệt 2 âm này rất rõ còn người miền Bắc không phân biệt 2 âm này. Sửa lỗi này không có gì khó. Mà cái khổ là hầu như tất cả các ca sĩ lại phát âm tất cả “s” bằng với “x” và cho là như vậy mới sang, mới thời thượng. Hiện tượng quái dị này kéo dài quá trình sửa chữa cách phát âm cho học sinh.
Không chỉ đánh đồng cách phát âm “s” và “x”, các ca sĩ thời thượng còn phát âm “r”, “d” và “gi” thành “z”, và “tr” thành “ch”.[8] Tất cả những lỗi phát âm này được họ mệnh danh là hát theo giọng chuẩn Hà Nội. May quá họ không nói là chuẩn “Hà Lội”.

Phụ âm cuối

Người miền Nam hay bị phê bình là nói không đúng phụ âm cuối. Tuy nhiên, nếu xét trên quan điểm phát âm đúng là phát âm phân biệt thì không có nhiều lỗi phát âm của người miền Nam. Có một số lỗi điển hình sau:
“t” biến thành “c” hay “ch”: “sát” thành “sác”, “nhứt” thành “nhức”... Nhưng trong từ “ít”, họ vẫn đọc đúng phụ âm cuối “t”, cái khác biệt là họ làm âm “i” trở nên quá ngắn, chứ không đọc thành “ích”.
“n” biến thành “ng”:
Người Nam đọc tiếng “anh” là [a-nh] trong khi người Bắc đọc là [æη] trong đó [æ] hơi gắt: về điểm này, đã xuất hiện một âm không ký hiệu trong chữ Việt, âm [æ], tuy nhiên chỉ ngoại lệ ở vần “anh” và vần “ach” mà thôi. Không có trường hợp đọc khác nên ký hiệu vẫn dùng được: dù đọc [a-nh] hay [æη] người nghe cũng hiểu một nghĩa “anh”.

Tuy nhiên, về mặt hiệu quả của ngôn ngữ, không nhất thiết phải phát đúng âm mà điều quan trọng là sự phân biệt rạch ròi giữa các âm. Nếu “Ôi thôi! Tôi toi rồi” nói thành “Oi thoi! Toi toi ròi” hay “Ôi thôi! Tôi tôi rồi” thì quả thật không chịu được. Hay “anh An ăn cơm” nói thành “an An an cơm”, “chú chim Khướu khiếu nại với ông Bồ Nông” nói thành “chú chim Khiếu khiếu nại...” vân vân…



[1] đọc “en-lờ” là sai. khi đọc nhanh “e-lờ” đã cho đúng hiệu quả.
[2] đọc “ét-sờ” là sai; khi đọc nhanh “e-sờ” đã cho đúng hiệu quả.
[3] Người Nam không dùng âm răng môi ([f], [v]) như người Bắc.
[4] Trích “Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị”.
[5] If the airstream is partially or totally blocked, the sound produced is a consonant. That's what distinguishes consonants from vowels.
[6] Nhưng đến hôm nay (tháng 8/2009) thì thấy rồi.
[7] cần phân biệt ý nghĩa chữ “nhà quê” ở đây. Ở đây nó mang nghĩa xấu, tuy rằng trong các trường hợp khác chữ “nhà quê” hay “thôn quê” luôn mang một ý nghĩa cao quí nào đó.
[8] kể cả các ca sĩ Sài Gòn cũ và hải ngoại bây giờ, trong cuộc đời nghe nhạc của tôi, chỉ thấy có đúng 1 nữ ca sĩ phân biệt được các phụ âm đầu, và ca sĩ này được Văn Cao rất yêu thích.

No comments: