Wednesday, November 29, 2017

Tiếng Việt Vỡ Lòng: I và Y



Tiếng Việt Vỡ Lòng: I và Y

Ngay sau ngày 30/4/75, tất cả thầy trò miền Nam đều ngạc nhiên trước một sự kiện và đa số lại thích thú với sự kiện này: sự kiện thay tất cả những chữ “y” bằng “i” nếu không gây đổi âm. Ví dụ “nước Mĩ, Hoa Kì, mĩ thuật, í kiến” và “li thủy tinh, quí vị, tí toáy”.
Ngày nay có một số người vẫn tưởng rằng hồi đó người ta cho thay tất cả “y” bằng “i” kể cả “Thúy” thành “Thúi”. Xin thưa ngay để mọi người rõ rằng cái lỗi thô thiển đó không thể có dù cho những người làm giáo dục ở bất cứ đâu trong bất kỳ thời nào có dốt đến đâu đi nữa. Nó vô lý. Người ta đã chỉ thay khi nào có thể thay mà thôi. Và người ta có cái lý của người ta.
Sau này kiểu “chơi” như thế đã không còn nữa và thậm chí bị sửa lại bằng một nghị định gì đó của bộ Giáo Dục Và Đào Tạo VN: Bộ này yêu cầu không được viết “qui” mà phải sửa thành “quy” và Hoàng Phê với Vũ Xuân Lương có “quy tắc” sau:[1]
 
“Nhất loạt viết khuôn vần /-i/ bằng I (trừ tên riêng) trong các âm tiết H-, K-, L-, M-, T- (nhất loạt viết HI, KI, LI, MI, TI, giống như viết BI, CHI, DI, v.v.; không nên viết HY, KY, LY, MY, TY, cũng như không ai viết BI thành BY, CHI thành CHY, v.v.)”
Nhưng uy tín của Hoàng Phê và Vũ Xuân Lương không biết đến đâu mà trên báo chí và sách vở trong nước vẫn thấy “mỹ thuật”, “ký sự”, “lý tưởng”, “hy vọng”... tức là “y” vẫn tùy hứng xuất hiện.[2]
Còn ở các trung tâm Việt Ngữ hải ngoại bây giờ, dựa vào cuốn “Việt Nam Tự Điển” của hội “Khai Trí Tiến Đức” in năm 1931 ở Hà Nội và các hội nghị chính tả của Miền Nam những năm 1950 và 70, người ta lại kêu gọi sử dụng lại cái ý tưởng viết toàn bộ âm [i] bằng “i”.
Và ngày trước, học sinh trung học ở Sài Gòn học chính tả ra sao? Hãy xem quan điểm rất thoáng của nhà văn và nhà giáo Thế Uyên Nguyễn Kim Dũng khi ông dạy cho học sinh lớp 6: (trích “Quốc Văn Lớp 6” của Thế Uyên do Thái Độ xuất bản tại Sài Gòn năm 1972, trang 18.)

Thực ra đã từng có quan điểm của một số nhà ngữ âm cho rằng “y” đóng vai trò “bán nguyên âm” chứ không phải “nguyên âm thuần túy”. Quan niệm này có được có thể vì những nhà ngữ âm đó thấy ở chữ Anh, Pháp gì đó, mẫu tự “y” thường là một bán âm: như “yes”, “you”, “yeux”, “yaourt”... bèn “nhập khẩu” vào tiếng Việt và kết luận chắc như đinh đóng cột: “y” là bán âm. Rồi họ không cho viết “ly kỳ” nữa vì trong đó không có nguyên âm. 
Họ quên mất rằng khi ở cuối từ, “y” tiếng Anh lại là nguyên âm: “wrongly”, “silly”, “fuzzy”, thậm chí trong “Y a-t-il” của tiếng Pháp chẳng hạn, “y” cũng là nguyên âm mang âm [i] rất cứng. Và trong từ “physics/physique” thì “y” của vần chính là bán nguyên âm chắc? Cần biết rằng bán nguyên âm “y” có cách phát âm [j] tương đương âm của chữ “d” của người Miền Nam và âm [j] này không hề mang âm hưởng [i] trong nó. Lối phiên âm chữ “you” của Anh thành “iu” hoàn toàn là sản phẩm của những người sống sau bức màn sắt, chưa hề một lần được nghe tiếng nước ngoài. (Nếu dùng chữ Việt để phiên âm, nó phải bắt đầu bằng “d” chứ không phải bằng “i”. Nhưng khốn thay sau bức màn sắt “d”, “gi” và cả “r” lại được phát âm cùng một cách là [z]: Zời ôi, xong zồi, zễ zàng. Thế nên nếu phiên là “du” thì họ đọc thành “zu” là cái sở thú mất.[3]
Ngay trong tiếng Việt, chữ “yêu” phải đọc là “iêu”, phần đầu của tiếng có cách phát âm giống hệt “im” hay “ỉa” (xin lỗi không tìm được ví dụ khác), chứ không hề đọc là [jêu] (là âm của chữ  “dêu”). Suy ra “y” = “i”. Trong chữ “tay” hay “tuy”, “y” vẫn có âm [i], nó là nguyên âm.
Vậy cái lý không được viết vần đơn “y” vì nó là bán nguyên âm đã rõ ràng là phi lý.
Và hình như trong khi tạo dựng bộ ký tự để phiên âm tiếng Việt, tiền nhân đã không hề sử dụng tới khái niệm bán nguyên âm. Thế nên tiếng Việt ngày nay có 12 chữ nguyên âm (trong đó có “y”, dĩ nhiên). Tiền nhân đã chỉ có một qui ước là bên cạnh thuộc tính âm của nó là [i], “y” còn làm nguyên âm phía trước ngắn lại: âm nào có “y” phía sau thì sẽ ngắn lại, hơi gắt một chút.
Ví dụ: Nếu bảo “ă” là “a ngắn” (hay như giáo sư Lê Ngọc Trụ gọi là “a gắt”), và bảo “w” là “u ngắn” (ngắn đến độ trở thành bán nguyên âm), ta thấy:
tay = tăi; loay hoay = loăi hoăi; quay = quăi
túy lúy = twí lwí
Trường hợp “ây”: “â” chính là “ơ ngắn”. Lẽ ra phải viết “ơy” thì tiền nhân lại viết “ây”. Thành ra “cây” đúng ra phải viết là “cơy” hoặc “câi”.
Cũng có thể giải thích việc “y” đi sau “â” nhưng không làm “â” ngắn lại là vì “â” vốn ngắn rồi, “y” không còn tác dụng nữa. Vậy “ây” = “âi”: “quấy” = “quấi” (mới nhìn thì thấy hơi chướng mắt), khác với “quới”.
Đến đây người viết chợt nhớ tới một ý kiến phản bác học giả An Chi khi học giả này khẳng định “ă” và “â” là “a ngắn” và “ơ ngắn”. Ý phản bác đó hỏi rằng nếu đã viết được là “tăi” thì tại sao lại còn đẻ ra “tay”... Mới đọc kẻ hèn này cũng hơi ngỡ ngàng, ừ nhỉ... Nhưng đây lại là một kiểu nghĩ “lấy thúng úp voi”, hệ thống kí hiệu trong lãnh vực nào cũng có trường hợp nhiều ký hiệu dùng để chỉ cùng một hiện tượng. Lấy ví dụ hệ thống ký âm âm nhạc, dấu sol thăng và dấu la giáng là 2 dấu để chỉ cùng một cao độ trên cây đàn piano. Nếu không hiểu gì về nhạc pháp thì bảo những người tạo ra ký âm pháp là điên hay dốt gì đó. Có biết đâu người ta ghi lúc này lúc khác là để người đọc dễ nhận ra cung nhạc khi diễn tấu. Trong lãnh vực chính tả Việt Ngữ, có thể trước đây tiền nhân đã có ý đồ gì đó nhưng sau không khai triển nên bỏ qua[4], chỉ dùng một kiểu phiên là đủ. Như chữ “quả” có thể viết là “cỏa”, chữ “cười” viết là “kười”, hoặc như “phương pháp” viết là “fương fáp” vẫn được nhưng nay chúng ta chỉ dùng có một kiểu đó thôi.
Trở lại với qui ước “y làm nguyên âm phía trước ngắn lại”: điều này dẫn tới 2 hệ lụy:
(1) Chỉ viết “y” nếu muốn làm nguyên âm trước nó ngắn lại. Suy ra không dùng “y” khi không cần thiết. Và kết quả là: iêu nhau, iến tiệc, iểu điệu, chim iểng, iết hầu, iêng hùng, iếm thế, iểm trợ, Iên Thế (phải phiên như vậy vì chữ Quốc Ngữ có sau tên này), đê Iên Phụ, iên ngựa, i học, nước Í, í kiến, ỉ lại, Ỉ Thiên Kiếm, thế ỉ dốc, kí sự, li kì, quí vị (qu+í chứ không phải q+úi)...
(2) Muốn làm nguyên âm trước âm [i] ngắn lại thì viết âm [i] đó bằng “y”. Suy ra khi “y” đứng một mình thì nó không làm cái gì ngắn lại cả, và vẫn là âm [i]. Và kết quả là tùy hứng, như hiện nay.
Theo lập luận trên, thì ngày nay có vẻ người ta thích khuynh hướng thứ hai hơn. Tại sao lại như vậy? Xin thưa, rõ ràng dùng “y” tự do thì họ có thể nói được nhiều điều qua qui ước chính tả riêng, rồi dần thành trường phái, rồi có thể trở thành qui ước chung, hợp với mong muốn của con người là mọi sự trở nên chính xác hơn, đẹp hơn và tiện lợi hơn. Viết “yêu” là vì đầu từ có một chữ dài thì trông vừa mắt hơn, viết “y phục” để bảo rằng đây là từ Hán Việt, khác với “i hệt” là từ thuần Việt, “ỉ ôi” khác với “ỷ lại”, “một bút ký” khác với “một kí (lô) bút”, “tỷ lệ” khác “tỉ đồng”, “lý do” khác “lí ngựa ô” và “lí lắc”. Và họ viết “quý” vì “y” hợp qui tắc Hán Việt của họ hơn.
Nhưng họ vẫn viết “bỉ nhân”, “bỉ ổi” “nước  Bỉ” chứ không viết “bỷ”; viết “dĩ nhiên”, “Dĩ An”, chứ không viết “Dỹ”, tức là lại áp dụng luật thuần “i” sau các phụ âm “b”, “ch”, “d”, “đ”, “gh”, “kh”, “n”, “nh”, “ph”, “r”, “th”, “tr”, “x”.
Xét đến đây thì lại thấy qui tắc về “i” và “y” đơn âm của Vũ Xuân Lương về âm [i] đơn là có phần đúng đắn, xin trích:
“Khi “I” đứng một mình làm thành một từ (hoặc một âm tiết), thì: nếu là từ Hán-Việt, nên viết “Y”, chắng hạn viết Y KHOA, Ỷ THẾ, Ý KIẾN, ..., không viết I KHOA... Í KIẾN...; nếu là từ thuần Việt, nên viết “I”, chẳng hạn viết Ỉ EO, Í ỚI..., không viêt Ỷ EO, Ý ỚI...”
Khi cho viết “ý kiến”, “y khoa”, chắc chắn VXL không đặt vấn đề “bán nguyên âm” đối với “y”. Mà ở đây rõ ràng là để phân biệt một cái gì đó khác hơn là âm. Cũng trong cái ý muốn phân biệt này mà người ta viết “ngựa hí” và “hý lộng quỷ thần” vân vân. Chỉ tiếc là sao Vũ Xuân Lương lại không thấy cái khuynh hướng muốn phân biệt Hán Việt với Việt thuần khi người ta viết “kĩ” hay “kỹ”, “mĩ” hay “mỹ”... Đã mở lối được cho từ một chữ sao không mở luôn cho từ 2 chữ để trả sự phong phú của chữ Việt lại như cũ.
Người ta không viết “thy sỹ” hay “phy đạo” là vì từ xưa đến giờ tự điển viết khác, nên người ta không dám đó thôi. Những gì còn để ngỏ thì người ta tận dụng theo lí lẽ riêng của người ta.
Đó là các thói quen và qui tắc chính tả cũ mới.

Nhận xét về cách dùng “i” và “y” xưa nay vẫn gặp:

- Trường hợp không có phụ âm đầu: Đúng là “y” dùng cho từ Hán Việt: y phục, y khoa, quy y, ý kiến, ỷ lại, Ý Đại Lợi, Y Nhã... Còn “i” dùng cho từ không phải Hán Việt: I-nha-xiô, I-nê, i hệt, sức ì, ì xèo, í ẹ, í ới, lợn ỉ, ỉ ôi, ầm ĩ, đi ị...
- Với những phụ âm đầu là “b, ch, d, đ, g, gh, kh, n, ngh, nh, p, ph, r, th, tr, x,” thì không thấy ai dùng “y” dù cho có là từ Hán Việt hay không. Các từ lấy làm ví dụ dưới đây chỉ là tiêu biểu cho mỗi loại nghĩa của chúng.
B:    hòn bi, bi ai, bi-da, bi ký, chì bì, phân bì, bì heo, li bì, bí mật, bí lối, quả bí, bỉ ổi, bỉ nhân, nước Bỉ, bĩ cực thái lai, cái bị, bị thương, quai bị, thủ bị, chuẩn bị.
Ch:  chi tiết, cái chi, chi tiêu, nhân chi sơ, địa chi, chì, chì (giỏi), chì bì, chí khí, con chí, chí tôn, sợi chỉ, đình chỉ, chỉ một, chỉ trỏ, chiếu chỉ, chăm chỉ, chị em.
D:    di chuyển, du di, sa-di, di chúc, dì cháu, dủ dỉ dù dì, dí dỏm, dú dí, dủ dỉ dù dì, dĩ lỡ, dĩ nhiên, dạn dĩ, Dĩ An, dị thường, giản dị.
Đ:    đi đứng, đì (đè), đù đì, đì đùng, đĩ thõa.
G:    chim gi đá, cái gì, gỉ (rỉ) sét.
Gh:  ghi chú, ghi-đông, ghì chặt, ghị lại.
Kh:  khi dễ, khi nào, cười khì, không khí, vũ khí, khí tiết, con khỉ, khỉ (khởi), dụ khị.
N:    cái ni, ni cô, ni tấc, mũ ni, nằn nì, nì (nè), nỉ, năn nỉ, nị, cà-ri-nị, tí nị.
Ngh:   nghi ngờ, dung nghi, uy nghi, đền nghì, nghỉ ngơi, nghỉ (hắn), nghĩ ngợi, nghị lực.
Nh:  nhi đồng, kính nhi viễn chi, nhì, nhì nhằng, lí nhí, nhí nhảnh, ừ nhỉ, tâm nhĩ, nhị, Nhị Hà, đàn nhị, tế nhị, nước mắm nhĩ.
P:     số pi, Pi-ta-go, tả-pí-lù.
Ph:   phi lý, phi cơ, phương phi, hoàng phi, béo phì, phì phèo, Hoàng Su Phì, phí phạm, phí tổn, thổ phỉ, phỉ báng, phỉ phui, béo phị.
R:    như ri, gà ri, Rù Rì, rì rào, rì rầm, Phan Rí, rò rỉ, rỉ tai, hoen rỉ, rỉ rả, rầu rĩ, rầm rĩ, rị mọ, bí rị, rị (giữ).
Th:   thi ca, thi cử, thi hài, thi hành, thì, thì giờ, thì thầm, thì thọt, thì thào, bố thí, thí sinh, thí mạng, thủ thỉ, thỉ (mũi tên), thị lực, thị oai, thị vệ.
Tr:   tri thức, tri phủ, tu trì, trì kéo, trì trệ, (ao), trí thức, trí trá, bệnh trĩ, chim trĩ, trị, thịnh trị.
X:    xi mạ, ba xi đế, Phan-xi-cô, công-xi heo, xi em bé, trét xi, xù xì, xì hơi, xầm xì, lì xì, xí được, ba xí ba tú, nhà xí, xí xọn, xấu xí, xí-mại, dương xỉ, xỉ (răng), xỉ quặng, xị rượu, xá-xị, bí xị.

Nhưng khi bắt đầu bằng “s, v, k, l, h, m, t, qu” thì những từ Hán Việt thường được viết với “y” và vẫn có một số từ lấn cấn:




Y

I
S
ca sỹ, sỹ diện, hạ sỹ, sỹ phu, Sỹ Nhiếp
cây si, si mê, đen sì/xì, sỉ nhục, sĩ diện, ca sĩ, sĩ quan, sĩ phu, Sĩ Nhiếp
V
tường vy, vỹ nhân, vỹ tuyến, long vỹ
vi vu, ti-vi, vi lượng, hành vi, vô vi, tường vi, chu vi, vi cá, bởi vì, trị vì, làm vì, yêu vì, ví von, cái ví, cái vỉ, van vỉ, vĩ tuyến, vĩ nhân, vị tha, vị tất, vị giác, thiên vị, quý vị
K
phổ ky, cầm kỳ, quốc kỳ, ký danh, ký sinh, kỷ niệm, ích kỷ, kỷ hà, kỷ luật, thế kỷ, Kỷ Hiểu Lam, Đắc Kỷ, kỷ trà, kỹ sư, kỹ nữ, kỵ mã, đố kỵ
Ki-tô, cái ki, ki bo, cu ki, tàu hũ ki, cầu Băng Ki, kì cục, kì ghét, cực kì, kì đà, kí lô, kí đầu, kí-ninh, kĩ lưỡng, kị giỗ, kiêng kị,
L
biệt ly, lý thuyết, hải lý, lý tưởng, huyện lỵ
thác Cam Li, I-ta-li, cái li, li tấc, lì lợm, lì xì, lí lẽ, lí lắc, lí con sáo, liên lỉ, kiết lị, xá lị

H

Hy Mã Lạp Sơn, hy vọng, hy hữu, hy tế, hý viện, hoan hỷ, Tự quân chi xuất hỹ, xảo ngôn lệnh sắc tiễn nhân hỹ.
Hi-ma-lay-a, hi hi, hì hì, ngựa hí, hỉ mũi, hỉ hả, hỉ (hả), hậu hĩ,
M
mỹ thuật, nga my,
mi (mày), mi mắt, mi (hôn), lễ mi-sa, mì sợi, bánh mì, khoai mì, nhu mì, mí mắt, bật mí, tỉ mỉ, củ mỉ cù mì, mĩ miều, ủy mị, lừa mị
T
ty học chánh, công ty, ty thể, nhị tỳ, tỳ kheo, đạo tỳ, tỳ bà, tuổi Tý, tỷ lệ, tỷ tỷ, tỵ nạn, tuổi Tỵ, tỵ khổng (lỗ mũi)
ti tiện, cái tu ti, liền tù tì, tì (đồng), tí tẹo, cái tí, tò te tú tí, giả tỉ, một tỉ, tỉ như, tĩ (đít), tắc tị
Qu
quy tụ, kim quy, quy tắc, hải quỳ, quỳ hoa bảo điển, quý nhân, quỷ thần, thủ quỹ, quỹ đạo, quỵ lụy
bích qui, ắc-qui, con sâu qui (họ cuốn chiếu), quì gối, quí báu, quí (3 tháng), quỉ thần, quĩ đen, ngã quị, quị lụy

Khi VXL nói “nhất loạt viết HI, KI, LI, MI, TI...”, quả nhiên là vì 5 phụ âm đầu này có vấn đề về “y” và “i”. Nhìn lại bảng tổng hợp trên, trường hợp “sỹ” và “vy”, “vỹ” có vẻ như không thống nhất dùng “y” hay “i” khi là Hán Việt. Có vẻ như các nhà in và nhà xuất bản ngày trước đã sắp chữ sai trong 2 trường hợp này. Còn lại đúng 5 trường hợp VXL yêu cầu viết “i” thay “y”. Thực ra là 6, phải kể cả “qu” vào nữa: Đã có những phân biệt khá rõ ràng (mặc dù vẫn có vài từ dùng lẫn lộn) trong cách dùng “y” với 6 phụ âm đầu “K, L, H, M T và Qu”: Đó là dùng “y” khi viết từ Hán Việt, dùng “i” cho các từ không phải “Hán Việt”.
Kể từ ngày ra cuốn tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức rồi các hội nghị chính tả ở Miền Nam nêu qui ước thống nhất thành “i” đến nay vẫn tồn tại những chữ “y” trong trường hợp riêng khá nhất quán (Hán Việt) chứng tỏ những người làm văn hóa đã và đang ra sức làm giàu thêm cho chữ Việt và vẫn đi theo cái khuynh hướng ban đầu của tiền nhân khi họ tạo ra bộ chữ Việt, mà hồi đó là sự phân biệt giữa “quốc” cho từ gốc Hán (quốc gia, quốc thể, quốc tế, liên hiệp quốc...), với “cuốc” cho các từ mang nghĩa khác (cuốc đất, chim cuốc, cuốc bộ...) của tiền nhân.
Còn việc tránh dùng “y” khi mang dấu nặng vì dấu nặng này bị che khuất cũng là một lý do khiến người ta chọn “i”. Nhưng lập luận như thế sẽ khiến tất cả thành “i” hết. Vì không lẽ viết “huyện lị” mà lại viết “phi lý”, phải là “phi lí” mới nhất quán. Kết quả là không cần phân biệt “y” đơn Hán Việt nữa. Cứ viết “i phục”, “í kiến”... như trên đã thấy. Nếu muốn phân biệt Hán với Việt thì giữ “y” còn nếu không thì trả tất cả về “i”.
Trái lại, có ý kiến cho rằng phải viết tất cả các từ đơn âm [i] bằng “y” vì như thế mới đẹp và rõ ràng; chữ “i” chỉ có một nét, lại nhỏ bé, dễ gây ngộ nhận với một ký hiệu gì đó khác. Và lúc này  ta có: y học, ỷ lại, ý ẹ, đi ỵ, ỳ ra đấy... Điều này cũng đưa tới kết quả bỏ hẳn phân biệt Hán và Việt.
Bất kỳ ý nào trong 2 ý trên và kể cả ý của Vũ Xuân Lương (trong đề nghị “i” đi với phụ âm) cũng đưa đến hệ quả là cái nguồn gốc Hán của tiếng Việt dần dần được xóa khỏi những sản phẩm văn hóa của người Việt. Điều này xấu hay tốt chưa rõ (có lẽ phải tham khảo ý kiến những người làm công tác bảo tồn bảo tàng văn hóa) nhưng rõ ràng là công khó của cả một tầng lớp sĩ phu (hay sỹ phu) trong cả thế kỷ bỗng chốc ra tro bởi những người theo chủ nghĩa giáo điều, theo chủ nghĩa duy ý chí hay những người muốn đồng-nhất-hóa mọi sự, muốn xóa bỏ mọi ngoại lệ, luôn bắt mọi thứ phải “mặc đồng phục” theo mẫu họ thiết kế.
Các trường Việt Ngữ ở hải ngoại đã chọn con đường dễ đi cho trẻ con học tiếng Việt (và dễ dạy cho thầy cô của chúng vốn cũng yếu về chính tả và ngữ nghĩa), nhưng lại không tính chuyện đường dài. Sau này khi các em lớn lên và đọc thấy “lý tưởng”, “kỹ sư”, “mỹ thuật” trong các tác phẩm văn học thay vì “lí tưởng”, “kĩ sư”, “mĩ thuật” thì cái cảm giác bất ngờ nó cũng giống như cảm giác của kẻ hèn này sau năm 1975 gặp trường hợp ngược lại. Hỏi có hiểu không thì đương nhiên là hiểu chứ vì ai mà chả biết “i” và “y” cùng âm [i]. Nhưng mà rồi cũng sẽ giống như kẻ hèn này bây giờ, đến lúc đó các em sẽ không chấp nhận và bảo rằng viết “y” là sai. Các em sẽ bảo nó sai về mặt nào thì không rõ, nhưng các em sẽ tìm ra nhiều lý do để bảo rằng nó sai: thẩm mỹ, ngữ âm gì đó chẳng hạn, hay vì trong từ điển không có, vân vân... Mà các em sẽ không biết rằng những người dùng tiếng Việt làm tiếng Mẹ Đẻ có cách phát triển di sản của cha ông một cách rất sáng tạo và tài tình. Đến khi biết ra thì các em sẽ mang nặng mặc cảm tự ti là mình đã đứng ra khỏi dòng văn hóa Việt, và mặc lấy cái cảm giác rằng mình đã trở thành một đứa con ghẻ của Mẹ Việt Nam. Hãy nghĩ lại và làm lại vì chúng ta là người đi trước, và vẫn còn kịp để mà sửa. Và sửa cũng dễ: chép lại đoạn trích sách “Quốc Văn Lớp 6” của Thế Uyên trên đây, còn các thầy cô giáo thì nên trau giồi thêm vốn Hán Việt của mình.
Lại nữa nếu cứ nhất định phải sửa quy tắc chính tả thì hãy bảo người Anh sửa chữ “receive” hay “believe” lại thành “receeve” và “beleeve” trước đã. Hay bảo họ bỏ chữ “p” trong “empty” đi vì nó đâu có mang âm gì. Còn nếu muốn giản tiện cho chữ Việt thì trước tiên cũng hãy bảo họ bỏ bớt chữ “masculine” đi, cứ thay bằng chữ “male” chứ để làm gì 2 chữ khác nhau mang cùng nghĩa như vậy.
Mong lắm thay.
Hồng Đức
25/11/2007[5]




[1] đọc được ở http://vietlex.com/lib/compuLinguistics/quytacbodau.htm
[2] Xin đọc bài “Suy nghĩ về chính tả, đọc “Quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt” của Vũ Xuân Lương” của
Hồng Đức
[3] Về cái tật này, có một câu nhại giọng khá nổi tiếng: “Hao a zờ zú”!
[4] có thể cái ý đồ đó chỉ đơn giản là muốn giảm bớt dấu trên đầu chữ cho nó sáng sủa: “mắi” nhiều dấu hơn “máy”. Nhưng “ớy” và “ấy” thì cũng nhiều dấu như nhau, sao lại chọn “ấy” mà không là “ớy”? Câu hỏi này còn bỏ ngỏ.
[5] revised Nov 27 ’07.

No comments: