Phạm Lưu Vũ, với "Giá của một lời nguyền", đang nguyền rủa những thế lực của sự ác đã và đang "cưỡng hiếp" cô gái trẻ đẹp là mảnh đất Việt Nam với dân tộc Việt Nam hiền lành hoang dại trên đó. Ông cho là mặc nhiên mọi người đều biết những thế lực gian ác đó là gì và từ đâu đến. Lồng trong một dạng truyện ngắn ma quái, một bố cục xáo trộn thời gian để làm nổi tính tương phản hoặc tính tương đồng của các sự kiện với một giọng kể chuyện bàng quan, "Giá của một lời nguyền" lại có âm hưởng như một tuyên bố, một tuyên xưng đức tin về lịch sử và tương lai dân tộc Việt Nam. Nếu tên lính viễn chinh là kẻ đầu tiên "đổ ập xuống mình" cô gái này (nhưng thực ra chưa được gì) thì gã du kích kháng chiến lại chính là kẻ hưởng được phút khoái lạc tột đỉnh trên thân thể cô-gái-nhân-dân-Việt-Nam ngay sau khi đuổi được tên viễn chinh kia đi -- mặc dù chỉ là "trút ra hết mọi uất hận" nhưng đã để lại cái bào thai. Và cái tập đoàn mafia con cái đệ tử của cái gã du kích này tiếp tục việc cưỡng hiếp và hưởng khoái lạc này trong nhiều hình thức... Cái chết bất đắc kỳ tử của tên cựu lính viễn chinh và tên cán bộ chóp bu chỉ là lời nguyền của PLV. Ông tin điều này sẽ xảy ra vì trong cuộc đời còn có sức mạnh của tình yêu -- điển hình trong truyện là tình yêu máu mủ -- và lương thức của con người.
HĐ
Giá Của Một Lời Nguyền
Truyện ngắn
Một nghìn đô la là cái giá để Lý chấp nhận lấy chồng ngoại quốc. Mụ cò mồi bảo đấy là giá cao bởi Lý đẹp, lại còn trinh. Chứ khối đứa con gái khác chỉ bốn năm trăm. Cá biệt có đứa chỉ vài chục đô tiền trà nước qua loa, một kiểu nôm na gọi là tống khứ đi cho rảnh nợ. Vùng này đang có phong trào lấy chồng người nước ngoài. Âu cũng là một cách kiếm sống, sống bằng mọi giá giữa thời buổi khốn nạn. Đám cò mồi, dắt mối người bản xứ tha hồ có đất làm ăn. Các ông bố, bà mẹ và các cô gái chấp nhận tất cả. Thôi thì đủ các loại rể. Từ rể già, rể trẻ, đến rể đui què mẻ sứt... hạng nào tiền nấy, miễn sao thanh toán bằng đô la là được rồi. Giá cả tỉ lệ thuận với nhan sắc, trinh tiết của các cô gái và tỉ lệ nghịch với hình thức, tuổi tác của những giống đực ngoại quốc kia. Nhìn chung là rẻ bất ngờ, lại có cả những nạn đầu cơ, tranh giành, phá giá... Lý nằm trong số ít những cô hên nhất. Gã trai mua Lý vừa trẻ tuổi, trắng trẻo lại đẹp giai. Một nghìn đô là cái giá rất hời.
Lý dặn dò cái Lơ – đứa em gái song sinh với mình ở nhà chăm sóc ngoại và trông nom, nhang khói cho hài cốt của má chôn dưới gốc dừa phía sau nhà. “Rồi thể nào chị cũng có đô gửi về. Em và ngoại sẽ không phải khổ nữa.” – Lý bảo em như thế. Ba bà cháu ôm nhau, nước mắt tuôn như suối...
Từ ngày Lý ra đi, bà Năm cứ hay giật mình thồn thột. Đêm nào bà cũng gặp phải những cơn ác mộng. Bà mơ thấy vong hồn má nó, đứa con gái oan nghiệt của bà trở về gào thét trên ngọn dừa. Có lần bà còn nhìn thấy vong hồn ấy hiện hình, đầu tóc rũ rượi bước hẳn vào trong nhà. Nó kêu khóc chán rồi bỗng trợn mắt, nghiến răng kèn kẹt. Từ miệng nó, thốt ra một lời nguyền ghê rợn. Kí ức dữ dội tưởng đã đào sâu chôn chặt, nay lại hiện lên rõ mồn một.
*
Bốn mươi năm về trước. Cô Năm ngày ấy trẻ đẹp có tiếng trong vùng. Bấy giờ vùng này đang là vùng tranh chấp, ban ngày thuộc về phía bên này, ban đêm lại thuộc phía bên kia. Chỗ nào cũng đầy những bóng lính đánh thuê. Số kiếp của những bông hoa đẹp như cô Năm có ai ngờ lại mong manh như một làn khói mỏng. Một gã lính đánh thuê người ngoại quốc từ lúc nào đã phát hiện ra cô và rắp tâm ăn mảnh. Gã đã chán cái cảnh hàng chục thằng lính thay phiên quần thảo một con đàn bà bản xứ đến nhã nhượi. Gã muốn được hưởng một mình. Trong một lần đi lùng sục, gã cố tình chờ cho đồng bọn đi khuất rồi lẻn vào nhà cô Năm. Cô Năm sợ chết khiếp khi cái thân thể quấn đầy súng đạn của tên lính đè nghiến cô xuống bộ ván kê giữa nhà. Sau khi trói hai chân, hai tay cô vào bốn góc của bộ ván bằng dây dù một cách thành thạo, con thú đực ấy hau háu vặt từng mảnh quần áo trên người cô như người ta vặt lông một con gà. Xong xuôi, nó đứng dậy, vừa ngắm nghía thân thể nõn nà của cô một cách man dại, nó vừa cuống quýt cởi bỏ bộ quân phục. Thế rồi cái khối dâm dục đỏ au, ngồn ngộn thịt của con thú ấy đổ ập xuống người cô...
Lý chẳng biết nói chuyện gì với cái anh chồng ngoại quốc đẹp giai của mình. Mà có muốn, cô cũng chẳng nói được vì bất đồng ngôn ngữ. Từ ngày rời khỏi nhà cho đến lúc lên máy bay, thỉnh thoảng hai người chỉ ra hiệu với nhau bằng chân tay, còn mồm thì câm như thóc. Mỗi người rõ ràng đang theo đuổi những ý nghĩ rất riêng. Gã Cơm Thiu này (Lý gọi tên anh chồng như thế. Đúng ra thì gã tên là Kumthusine... gì đó) mặt lạnh như tiền, ánh mắt gã không hề có chút tình cảm yêu đương. Gọi là vợ chồng mà lạ sao suốt mấy hôm ở khách sạn, gã không hề chạm tới người cô. Điều đó làm cho cô cảm thấy áy náy không yên. Cô mơ hồ thấy một tương lai không mấy sáng sủa đang chờ mình phía trước. Lý non nớt, quê mùa và ngây thơ nào có biết, Cơm Thiu đâu thiết gì cô, Cơm Thiu đang nghĩ tới chuyện khác. Sinh ra trong một gia đình giàu có, ông nội gã là triệu phú. Bố gã chết trong một tai nạn máy bay. Cơm Thiu đang nghĩ tới khối tài sản kếch xù của ông nội mà gã hy vọng sẽ được thừa kế, với điều kiện gã phải làm vừa lòng lão ông triệu phú ấy. Ông nội gã không chỉ có mình gã là đứa cháu duy nhất. Lần này, Cơm Thiu mò sang tận Việt nam lấy vợ, chính là nằm trong kế hoạch của gã nhằm chinh phục cái quyền thừa kế ấy...
Nằm dưới một khối thịt tưởng chừng nặng đến ngàn cân đang rung lên hầm hập của tên lính, cô Năm oằn người, cảm thấy nhục nhã, đau rát và chấn động toàn thân. Cô nhắm nghiền mắt lại, cay đắng nghĩ tới người yêu. Hai Nhứt, người yêu của cô vốn là người thuộc “phía bên kia”. Hai người đang có một mối tình thật đẹp. Từ khi xuất hiện lũ lính đánh thuê trên đất này, anh và các đồng đội của anh luôn được coi là thần tượng, là sự chở che, là anh hùng đối với cô, những người phụ nữ yếu đuối và cả dân chúng trong vùng. Anh xuất quỷ nhập thần, từng là nỗi kinh hoàng đối với lũ lính thú vật ấy. Nhưng giờ này anh ở đâu? Anh có biết rằng con thú này sắp cướp đi cái quý nhất cô chỉ dành riêng cho anh? Hai người đã thương nhau, cùng hẹn nhau chờ đợi, cố để dành cái thiêng liêng nhất của người con gái cho đến ngày làm đám cưới... Vậy mà bây giờ...
Đúng lúc đó, Hai Nhứt không ở đâu xa. Anh đang ngồi trên “chòi quan sát” của mình, tít trên một ngọn dừa cao ở đầu thôn. Anh phát hiện lũ lính ngoại quốc kia vào lùng sục trong làng. Cũng như mọi lần, trong làng lại rộ lên những tiếng chó sủa, tiếng gà kêu, cả tiếng súng kéo theo những bước chân của lũ cướp ngày man rợ ấy. Lúc chúng rút ra đến con lộ, Hai Nhứt đếm lại và rất phân vân khi thấy thiếu một tên. Còn một tên nữa ở đâu? Hai Nhứt biết bọn này vẫn thường hay tách ra để “ăn mảnh”. Nhưng hôm nay có điều gì đó khác thường. Tự nhiên, anh cảm thấy bồn chồn không yên, không còn bụng dạ nào để tiếp tục quan sát được nữa. Hai Nhứt quyết định tụt xuống khỏi ngọn dừa, rồi men theo những vườn cây, bờ lạch, anh thận trọng luồn vào trong xóm.
Linh tính dẫn đôi chân của Hai Nhứt tiến về phía nhà người yêu. Anh cảm thấy rõ ràng có chuyện chẳng lành đang diễn ra trong căn nhà ấy. Hai Nhứt vớ vội một cây mác dựng bên ngoài, đạp cửa xông vào và bỗng choáng người khi chứng kiến người yêu đang bị làm nhục. Anh thét lên một tiếng, đồng thời vung cây mác lên. Tên lính đánh thuê kia đang mê mải bỗng giật nảy mình, gã vội vã lăn một vòng theo phản xạ xuống đất rồi đạp mạnh chân, lao đầu phóng người qua vách sau. Hai Nhứt đã kịp lao theo. Lưỡi mác trong tay anh bổ xuống, chém gần đứt lìa một cẳng chân của gã. Quá hốt hoảng, gã lôi tuột cả cái đoạn chân lắt lẻo ấy, dùng một chân còn lại và hai cánh tay hối hả bươi xuống đất, chuồi người lọt ra sau nhà. Hai Nhứt chạy vòng ra phía sau đuổi theo. Anh điên cuồng bổ túi bụi những nhát mác xuống cái khối thịt đỏ lòm đang lăn lông lốc dưới chân, bất kể nó trúng vào chỗ nào. Hai Nhứt cứ chém, nó cứ lăn. Nó lăn đến bờ con lạch và rơi tòm xuống đó. Hai Nhứt nghiến răng ném theo cây mác. Mặt nước đang yên lặng chợt sục lên đỏ ngầu, sủi tăm như đã ghim vĩnh viễn cái đồ ghê tởm ấy xuống đáy con lạch...
Không có hoa, không có tiệc tùng. Không có đám cưới nào diễn ra như Lý đã tưởng tượng trước khi tới cái xứ sở xa lạ kia. Gã Cơm Thiu mang Lý về như mang theo một món đồ. Lý bắt đầu cảm thấy thất vọng nhưng vẫn âm thầm chịu đựng. Cô chỉ còn biết bấu víu niềm tin vào một phong tục quái gở nào đó nơi xứ người. Nhưng cô có biết đâu rằng những toan tính của gã Cơm Thiu còn quái gở hơn. Mấy tuần đầu làm những công việc của một đứa con ở trong nhà, một buổi chiều Lý gặp cái lão triệu phú ấy. Đó là một lão già gớm ghiếc, tròn ủng như một con heo, một chân lão cụt đến đầu gối, mặt mũi đầy sẹo. Lão già – ông nội của gã Cơm Thiu nhìn Lý hau háu như quỷ đói và nhe răng cười khoái trá. Lý bỗng cảm thấy rùng mình. Bấy giờ, cô mới chợt hiểu tất cả. Thì ra gã Cơm Thiu giả bộ cưới cô về để cho chính lão già. Đến lúc ấy, những kẻ kia cũng chẳng cần úp mở nữa. Lý đã hoàn toàn nằm trong tay họ. Hai con đực xa lạ, một già, một trẻ đã hiểu rõ bụng dạ của nhau. Chúng nhìn nhau cười hô hố. Rồi chúng vừa chỉ trỏ vào Lý, vừa líu lo bàn tán, mặc cả với nhau bằng cái thứ ngôn ngữ mà cô hoàn toàn mù tịt...
Cô Năm lờ mờ nhận thấy sự xuất hiện của người anh hùng. Rốt cuộc anh đã đến. Nhưng hình như vẫn muộn mất rồi. Cái khối thịt nặng nề, tởm lợm kia đã được trút bỏ khỏi người cô. Cô nghe những tiếng thở hồng hộc, tiếng uỳnh uỵch và phầm phập chém xuống của ngọn mác phía sau nhà. Không biết nên sung sướng hay tiếp tục đau khổ, đầu óc cô đã hoàn toàn mê muội. Rồi hình như người anh hùng ấy đã quay trở lại. Cô nghe thấy những tiếng rít ghê rợn giữa hai hàm răng của anh, cảm thấy rõ ràng sự lồng lộn, uất hận của người yêu khi chứng kiến cô bị trói dang chân dang tay, trần truồng nằm trên bộ ván. Tấm thân cô đã bị làm cho ô uế. Cô hiểu rõ điều đó. Nhưng cô chưa biết rằng sự tiếc nuối, ghen tức và căm hận đang làm cho Hai Nhứt nghẹn thở. Đầu óc anh mụ đi. Anh căm hận cuộc chiến tranh này, căm hận kẻ khốn kiếp kia, căm hận cả cái thân thể thanh tân hừng hực của người yêu mà bấy lâu nay, anh đã cố để dành... Bỗng một cái gì đó lại đổ ập lên người cô. Một lần nữa, cô chết điếng người khi toàn thân lại dội lên một cơn đau rát. Trước mắt cô, màn đêm bỗng bất ngờ chụp xuống giữa ban ngày. Cô ngất đi...
Gã Cơm Thiu đã đạt được mục đích. Dùng Lý làm món quà cho lão ông nội triệu phú, bản di chúc rốt cuộc đã được kí, ghi rõ tên người thừa kế là gã. Lý bị tống vào buồng ngủ của lão già. Làm sao cô có thể chịu đựng nổi điều đó kia chứ. Cô gào thét, cào cấu và chửi rủa loạn xạ. Mặc! Lão già đâu có hiểu những câu chửi rủa của cô. Nhưng Lý còn có sức mạnh, sức mạnh của tuổi trẻ mà một lão già ngoài bẩy mươi lại cụt chân như lão, không thể hễ cứ muốn là được. Loay hoay mãi không làm gì được cô, lão già tức tối rống lên như con heo bị chọc tiết, bọt mép lão sùi ra. Ngay lập tức, đứa cháu nội của lão ra tay. Bấy giờ, cái vỏ lịch sự, sang trọng của gã Cơm Thiu ấy đã hoàn toàn biến mất, gã hiện nguyên hình là một con thú cường bạo. Gã trói Lý vào cột, dùng gậy vụt tới tấp lên người cô. Lý rũ rượi và nghiến răng chịu đau, cô vẫn một mực từ chối. Cô đòi về nhà. Nhưng liệu cô còn có thể làm gì được bây giờ?...
Bà con chòm xóm phát hiện cô Năm bị cưỡng hiếp, vẫn còn bị trói, nằm trần truồng trên bộ ván đã kịp thời cứu và dấu cô đi trước khi bọn lính đánh thuê kia quay lại tìm đồng đội. Hai Nhứt sau khi trút ra hết mọi uất hận, đã bỏ đi biệt tích từ đó. Không ai biết anh ta đi đâu. Có người nói anh chuyển sang hoạt động ở một vùng khác, cũng có người bảo rằng anh đã chết. Riêng cô Năm, chẳng hiểu vì sao từ đó ghê sợ tất cả các loại đàn ông, bất kể ta hay địch. Và một điều còn ghê rợn hơn, không ai lý giải nổi đã xảy ra. Cô có mang. Má cô sau sự việc đau buồn ấy chẳng bao lâu thì mất. Cô còn một người anh bị bắt đi lính quốc gia, song đã chết mất xác tận Tây nguyên. Được bà con trong ấp thông hiểu và đùm bọc, chín tháng sau, cô Năm sinh một bé gái. Chính là má ruột của Lý và Lơ sau này. Cô đặt tên cho nó là Hoa. Nhưng mọi người xung quanh vẫn thường gọi nó bằng một cái tên kép là Hoa Dại...
Lão triệu phú già tức giận, điên cuồng khi chưa khuất phục được Lý. Lão muốn cô phải ngoan ngoãn phục tùng. Vậy thì lão sẽ thi gan với cô, sẽ bỏ đói, sẽ hành hạ xem cô chịu đựng được bao lâu. Có một điều mà gã Cơm Thiu rất hiểu, rằng lão rất sợ nếu phải ra tay cưỡng hiếp Lý. Lão thường kể cho gã cháu nội nghe câu chuyện rùng rợn ngày ấy. Ngày mà lão theo chân đội quân đánh thuê tới một xứ sở vùng nhiệt đới. Lão được tuyên truyền rằng đó chẳng qua chỉ là một cuộc đi săn dài ngày, rằng nơi đó như một chốn hoang vu, vô chủ, tha hồ mà cướp, hiếp... Thực tế, lão và đồng bọn suốt một thời gian dài quả thật đã hành sự y hệt những kẻ đi săn. Trong một lần đi ăn mảnh, chưa kịp thực hiện cái công đoạn cuối cùng của một vụ cưỡng dâm, lão bị chém cụt một chân, lại còn mang theo bao vết chém trên người. May mà về sau, lũ đồng bọn đã tìm thấy và cứu sống lão. Suốt từ đó, lão khắc sâu sự rùng rợn ấy vào trong lòng. Lão căm tức và muốn trả thù. Lão nuôi ý định sẽ trả thù bằng cách bắt một người con gái còn trinh tiết ở chính cái nơi đó phải phục vụ lão, đền bù cho lão cái chân cụt và những vết chém thù hận kia... Lão chờ cơ hội và lạy giời, cơ hội đã đến. Xứ sở ấy không thể chinh phục được bằng sức mạnh thì sẽ chinh phục được bằng đồng đô la. Đồng đô la sẽ giúp lão có cơ hội thay cho súng đạn với cả những đội quân viễn chinh. Thằng cháu nội láu cá của lão đã nhanh chóng hiểu ý và giúp lão làm được điều đó, Lý trẻ đẹp giờ đây đang nằm trong tay lão...
Cô Năm cay đắng sống và nghiến răng nuôi đứa con gái oan nghiệt. Ngày lũ lính ngoại quốc kia bị quét sạch thì Hoa Dại được gần chục tuổi. Những người thuộc “phía bên kia” đã chiến thắng trở về. Cùng với mọi người xung quanh, cô Năm háo hức như một đứa trẻ, trong lòng tràn ngập nỗi vui sướng, hy vọng vào một cuộc đổi đời. Hai Nhứt vẫn biệt vô âm tín. Như một cái cây bị bầm dập đến hồi xanh tốt trở lại, cô Năm càng có tuổi, lại càng đẹp và hấp dẫn. Cô không ngờ lại lọt vào “tầm ngắm” của một người vốn là đồng đội của Hai Nhứt trước kia. Ông ta say mê cô, thèm cô đến mất ăn mất ngủ, ngày nào ông cũng tìm cách gạ gẫm. Nhưng lòng cô thì đã nguội lạnh với đàn ông từ lâu rồi. Thậm chí cô còn ghê sợ cả cái cơ thể hừng hực vốn làm cho đàn ông phải chết thèm chết nhạt của mình. Càng không được cô Năm đáp ứng, người đàn ông kia càng si mê điên cuồng. Ông ta tìm cách đưa cô vào làm thủ quỹ của cái cơ quan do ông phụ trách, hy vọng sẽ có cơ hội được thỏa mãn sự thèm khát của mình.
Có lẽ đấy là quãng thời gian duy nhất trong đời cô Năm nhìn thấy vàng. Hàng đống vàng tịch thu từ trong két sắt của những nhà tư bản, địa chủ trong vùng được khuân về cơ quan, giao cho cô cất giữ. Tất cả bây giờ là thuộc về nhân dân, của nhân dân, trong đó tất nhiên có cả cô. Cô nghe người đàn ông kia bảo thế. Nhưng cô cũng chỉ được nhìn thấy thôi. Cô vĩnh viễn không bao giờ được phép hiểu mấy cái tính từ sở hữu gọi là “thuộc về”, gọi là “của” kia, rốt cuộc sẽ có ý nghĩa như thế nào? Và không chỉ có thế, cô Năm còn được nghe rằng cuộc chiến tranh này đã mang lại cho cô và những người dân như cô nhiều thứ khác còn quý hơn cả vàng, ví dụ quyền tự do chẳng hạn... Thế thì còn gì bằng. Thế thì cô cần phải biết ơn chiến tranh, biết ơn những người đã làm nên cuộc chiến này.
Nhưng có một điều cô Năm hoàn toàn không thể ngờ rằng cô vẫn còn sở hữu một thứ vô cùng nguy hiểm cho chính mình. Đó là sắc đẹp và sự hấp dẫn trời cho. Những thứ chết tiệt ấy muôn đời vẫn làm điên đảo lòng người. Nó chưa bao giờ có ý buông tha cô. Nó vẫn rình rập và chờ cơ hội để trút tai họa xuống cuộc đời cô một lần nữa. Sau khi đã dùng đủ mọi cách mua chuộc, ve vãn mà chỉ nhận được sự thờ ơ, lãnh cảm tuyệt đối của cô, người đàn ông kia cảm thấy bị xúc phạm, bị vong ơn. Ông ta bắt đầu thay đổi thái độ và quyết bắt cô phải trả giá cho sự xúc phạm ấy. Một hôm người ta kiểm kê két vàng và bỗng phát hiện tất cả chỉ là vàng giả. Có kẻ đã đánh tráo và ăn cắp kho vàng thật kia của nhân dân. Tất nhiên cô Năm là nghi can số một. Nói phải tội, đối với cô thì ngay cả vàng giả, đời cô cũng chưa bao giờ được biết nó như thế nào, huống hồ là đánh tráo. Nhưng trước những âm mưu và lòng thù hận của con người, cô còn biết giải thích sao đây? Ngay lập tức, cô bị kết tội ăn cắp tài sản của nhân dân, là kẻ thù của nhân dân... Không cần xét xử vì bấy giờ đó là một cái tội tày đình. Cô Năm bị bắt đi cải tạo...
Lý bị trói, bị bỏ đói, chỉ cho uống nước đến ngày thứ ba thì cô rũ ra như một tàu lá héo. Gã Cơm Thiu không còn thấy lai vãng đến nữa. Lão già triệu phú thay đổi chiến thuật. Lão xoay ra săn sóc, mơn trớn cô bằng cái thứ ngôn ngữ thổ tả mà cô chẳng hiểu tý gì. Cô nhớ ngoại, nhớ đến nắm xương lạnh lẽo của má chôn dưới gốc dừa, nhớ đứa em song sinh, nhớ quê hương mà cay đắng và tuyệt vọng. Trong bốn bức tường của tòa lâu đài, giữa một xứ sở giàu có, văn minh nhưng hoàn toàn xa lạ này, cô biết trốn đi đâu? Cô gần như đã bị khuất phục. Trước sự thật bỉ ổi và ghê tởm đang hiện hữu kia, sức lực của cô đã cạn kiệt, không còn khả năng chống lại nữa. Có vẻ như đã đến lúc lão già triệu phú kia sắp đạt được mục đích của mình. Nhưng Lý còn một khả năng kháng cự cuối cùng. Đó là ánh mắt khủng khiếp, rực lên một nỗi thù hận của cô chiếu thẳng vào lão mỗi khi lão định giở trò sàm sỡ. Đó không phải là ánh mắt của một cô gái sắp sửa bị làm nhục. Ánh mắt ấy là của ma quỷ, có một thứ ma quỷ nào đó đã theo cô đến tận nơi đây. Ánh mắt của nó làm cho lão triệu phú hoảng hồn. Lão có thể nhắm mắt lại, hoặc che mặt đi để trốn tránh. Nhưng những vết sẹo chằng chịt trên người lão thì không trốn nổi, chúng đột nhiên lên cơn đau nhức dữ dội. Không những thế, những kí ức rùng rợn ngày trước lại bất chợt hiện về, rõ rệt trước mắt lão như thể tất cả được chiếu ra từ ánh mắt ấy...
Hoa Dại mười tuổi không ba, mất má, may mà có sự đùm bọc của bà con cùng ấp. Nó trong trắng và vô tội như chính sự vô tội của vùng đất này từ hàng nghìn năm nay. Nhưng đứa con gái hoang của một kẻ ăn cắp tài sản nhân dân thì làm gì có chuyện được học hành. Mặc kệ, nó vẫn lớn lên và quả đúng là một bông hoa dại. Gió vẫn thổi, cây vẫn xanh và ngày ngày, mặt trời vẫn rực sáng trên đầu. Càng lớn, Hoa Dại càng phổng phao, dễ thương y hệt má Năm nó trước kia. Chốn hương đồng, gió nội này cứ thản nhiên hun đúc nên những cái đẹp, những cái hấp dẫn điên đảo như thế để rồi chẳng hứa hẹn trước một điều gì. Như một thứ sản phẩm do Trời sinh ra, Hoa Dại cứ thế vô tình lớn lên, vô tình xinh đẹp mà không cần biết những gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Năm mười bẩy tuổi, Hoa Dại được cậu con trai ông Ba trên thị trấn để mắt tới. Người viết lại câu chuyện này không biết ông Ba ấy cụ thể là ai. Mà điều đó thực ra cũng không quan trọng, những người như ông đời nào mà chẳng có. Chỉ biết rằng vàng bạc và quyền thế của ông Ba dành cho cậu con trai có thể làm nên mọi chuyện. Không cần phải công phu gì cho lắm, Hoa Dại đã dễ dàng sa vào vòng tay của cậu quý tử ấy. Một hôm, trong một ngôi nhà sang trọng ở ngoại ô thị trấn, lần đầu tiên Hoa Dại biết thế nào là sự lộng lẫy, choáng ngợp thì ra vẫn hiện hữu ở đâu đó trong đời. Nó khác biệt hẳn những tồi tàn, tăm tối của cái vùng quê nơi cô đã lớn lên. Cô bé quê mùa quay quắt trong tiếng nhạc, rượu bia và thuốc kích thích. Cùng với cậu con trai kia, cô cuống cuồng dứt bỏ những mảnh quần áo trên cơ thể mình rồi lao vào gã như một con thiêu thân.
Cứ thế hàng tháng trời, Hoa Dại đã kịp quên hết thân phận, quên cả người má tội nghiệp đang nằm trong trại cải tạo để ngập mình trong những cuộc truy hoan. Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi đã nhàm chán thân xác Hoa Dại, cậu quý tử kia bắt đầu rủ rê đám bạn bè cũng con nhà quyền thế như cậu chung nhau “làm thịt” con bé. Thị trấn bấy giờ nức tiếng đám công tử ăn chơi nhất hạng ấy gọi là nhóm G7. Nhóm G7 gồm toàn những chàng trai thời thượng, con nhà danh giá. Họ không thiếu gì tiền, vàng và quyền lực của những ông bố, bà mẹ để thỏa mãn cơn khát dục của mình. Có thể những người bình thường không tin hoặc không tưởng tượng nổi. Nhưng đừng có ai nghi ngờ về sự hiện hữu rành rành của họ trong cuộc đời này. Nhất là đừng có nghi ngờ về những sức mạnh ghê hồn của họ. Vàng và thuốc kích thích sẽ khuất phục tất cả. Hoa Dại chỉ là một trong số rất nhiều cô bé khác trong vùng bị cuốn vào cái nhóm ấy. Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu. Những bông hoa dại mới được tuyển đến thì những bông hoa cũ bị bỏ đi. Hoa Dại rốt cuộc cũng đến lúc làm cho cả nhóm nhàm chán. Họ tống cô bé về quê cùng với một cái thai trong bụng, cái thai mà cô sẽ chẳng bao giờ biết là của ai trong cái nhóm G7 trứ danh ấy?
Bị đuổi ra khỏi chốn ăn chơi lộng lẫy, trả về đúng nơi tăm tối cũ, Hoa Dại rốt cuộc sẽ tiếp tục đẻ ra những bông hoa dại khác để kế thừa cái số kiếp của mình rồi tàn tạ...? Rất tiếc cuộc đời lại có vẻ không xuôi theo một chiều như thế, mà luôn có những diễn biến bất ngờ. Hơn một năm sau ngày Hoa Dại bị thải ra khỏi thiên đường của nhóm G7, lúc ấy cô đã sinh một lúc hai bé gái, đó chính là Lý và Lơ sau này. Ở một chốn cao cao nào đó, có vẻ như người ta đã tình cờ lần ra manh mối thân phận của cô. Ông Ba một hôm gọi cậu con trai lại. Ông hỏi thăm về cái con bé Hoa Dại của nó ngày trước. Rằng có một ông Hai nào đó từng yêu thương má ruột của Hoa Dại hồi chiến tranh không phải là đã chết. Chẳng ai hiểu vì lý do gì, ngày đó ông Hai đột ngột từ bỏ vùng này, chuyển sang hoạt động ở một vùng khác. Ông Hai ấy bây giờ có địa vị rất cao. Cao đến mức ông ta có thừa quyền lực để làm tiêu tan cả công danh, bổng lộc của ông Ba cũng như của cả cậu quý tử sau này. Hoa Dại phải chăng là giọt máu ngày xưa của ông Hai? Biết đâu được, mọi điều đều có thể xảy ra. Nếu ông Hai ấy biết Hoa Dại hiện đang có ở trên đời, đã bị nhóm G7 của cậu quý tử làm cho tan nát, biết má nó đang bị oan ức trong trại cải tạo... thì sự nguy hiểm sẽ không thể nào lường được. Địa vị của ông Ba và những người như ông quan trọng gấp nghìn lần số kiếp của những bông hoa dại như nó. Vậy thì, ông Ba và cậu quý tử của ông cần phải nghĩ ra cách gì đó, cần phải làm điều gì đó, đặng giữ an toàn tuyệt đối cho cái danh giá ấy của mình. Thứ gì bèo bọt thì nên để cho nó kết thúc theo kiểu bèo bọt...
Một hôm, cậu quý tử ấy trở về tìm Hoa Dại. Có vẻ cậu ta đã ân hận, đã nghĩ lại và muốn bù đắp một cuộc sống tốt đẹp cho mấy mẹ con cô? Hoa Dại rất tin điều đó, ai cũng sẵn sàng tin điều đó. Gặp lại Hoa Dại sau một thời gian dài vứt bỏ, cậu quý tử không ngờ lại bị choáng ngợp trước sự mặn mà và hấp dẫn mới của cô. Cái đất này thì ra lại cứ hay đùa bỡn, trớ trêu như thế. Hoa Dại chưa đầy hai mươi tuổi, đẻ một lần như người được thay máu, cô nhanh chóng khôi phục nguyên vẹn những nét hấp dẫn mê ly ngày trước. Ông trời đã cho cô cái này, song lại lấy đi của cô tất cả những cái khác. Hoa Dại gặp lại cậu quý tử ấy thì mừng lắm. Đất này không ai biết giận bao giờ, nhất là những bông hoa dại như cô. Lại vàng, tiền, uy quyền và những lời hứa hẹn. Hoa Dại đem hai bé Lý, Lơ gửi hàng xóm rồi ra đi. Cậu quý tử dẫn Hoa Dại đi tít mãi phía cánh đồng. Hai người đi dọc theo một con kinh thẳng tắp, hai bên bờ là những hàng dừa, những bụi cây lặng ngắt, thỉnh thoảng lại thấy buông những tiếng thở dài. Cả một bầu trời quê mênh mông. Đây đó có những ngôi chùa bề thế, tòa ngang dãy dọc, mang một lối kiến trúc rất đặc trưng. Thật đúng là những chốn an lành, vĩnh cửu của cõi tâm linh. Đây đó lại thấy những xóm ấp tồi tàn ẩn mình dưới những tán dừa. Ở đó rất hiếm tìm thấy một ngôi nhà xây kiên cố. Những con người từ đời này sang đời khác chỉ biết chui rúc trong những căn nhà lá, tường đắp bằng đất hoặc thưng bằng phên tre. Thật đúng là những nơi bất trắc, tạm bợ của cõi trần tục. Gió thổi từ dưới dòng kinh lên man mác hơi bùn. Mùi con gái mới sinh gây gây, ngầy ngậy tỏa ra từ mái tóc, từ thân thể của Hoa Dại làm cho gã con trai ngây ngất. Bây giờ cậu mới biết, thì ra ở giữa cái chốn đồng không mông quạnh, lấm lem bùn đất này, sự hấp dẫn của những bông hoa dại mới thực sự tuyệt vời. Nó còn khêu gợi gấp nghìn lần những nơi sang trọng loè loẹt, sặc sụa mùi rượu bia, khói thuốc lá mà cậu và lũ bạn trong nhóm G7 hằng trải qua. Hơn cả những khi phải uống rượu mạnh, rượu sừng tê hoặc thuốc kích thích. cơn thèm khát trong con người cậu quý tử đã dâng đến tột đỉnh. Không kịp suy nghĩ gì nữa, gã hấp tấp quàng tay qua eo lưng Hoa Dại, ôm cứng lấy cô rồi vật cô xuống một đám cỏ cạnh bờ kinh. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống rất nhanh...
Lão triệu phú vẫn không có cách gì thoát khỏi sự trừng phạt của ánh mắt Lý mỗi khi lão muốn hành sự. Lão đã mấy phen kinh hồn khiếp đảm nhưng vẫn không từ bỏ cái ý định khốn kiếp của mình. Lão không thể giải thích nổi. Có gì liên quan giữa ánh mắt ấy của Lý với những vết sẹo lão đang mang trên người? Đó phải chăng chỉ là sự ám ảnh, cộng hưởng của ảo giác? Không bao giờ lão chịu tin rằng quá khứ sẽ có lúc trở lại để trừng phạt tội ác của lão. Chẳng lẽ phải khoét đôi mắt của nó đi? Lão cũng dám làm điều đó lắm, lão đang phát điên đây. Dù có phải chết, thì trước khi chết, lão thề sẽ khoét đôi mắt của Lý. Chính cô ban đầu cũng chưa nhận ra điều kì lạ ấy từ đôi mắt của mình. Cô kinh ngạc thấy lão triệu phú đang sắp sửa giở trò bỗng rụt tay lại, ôm mặt rú lên những tiếng rú khủng khiếp, lại còn ngã vật ra lăn lộn, tỏ vẻ đau đớn lắm. Cô soi gương và bỗng giật mình nhận thấy những tia nhìn khác hẳn đang chiếu ra từ đôi mắt của chính mình. Ánh mắt ấy hình như không phải của cô, của một ai đó, lại như ở một cõi khác, không hề có giữa chốn trần gian khốn nạn này. Dù thế nào thì cô cũng không quan tâm. Vấn đề là cô tạm thời được yên ổn, chưa bị con quỷ già kia làm hại. Song cô biết sự yên thân này sẽ chẳng kéo dài. Lão triệu phú đã gọi gã Cơm Thiu đến. Phải tìm mọi cách đối phó với ánh mắt ấy trước khi buộc phải khoét nó đi. Hai ông cháu con đực ấy đang lấm lét bàn bạc, suy tính một điều gì...
Bà Năm (cô Năm ngày trước bây giờ đã trở thành bà Năm) được ra khỏi trại cải tạo, bà trở về thì chỉ còn được thấy hai đứa cháu gái song sinh. Hai đứa sinh ra trong thời gian bà còn nằm trong trại. Chúng được bà con trong ấp nuôi nấng, nay giao lại cho bà. Còn Hoa Dại, má của chúng đã bỏ đi biệt tích theo cậu công tử từ đúng cái ngày ấy, không ai biết cô đi đâu. Bà Năm lại lần hồi nuôi Lý và Lơ bằng cỏ rác, bằng nước mắt và những sình lầy quanh năm nước đọng trong vườn nhà. Mặc kệ những gì đồn đãi, mặc kệ những gì đã và sẽ còn giáng xuống. Hai bé gái cứ lớn lên và chúng quả nhiên lại hứa hẹn sẽ trở thành những bông hoa dại. Gió vẫn thổi, cây vẫn xanh và ngày ngày, mặt trời vẫn rực sáng trên đầu. Một buổi chiều u ám, bà Năm bỗng như người mộng du dắt theo Lý và Lơ, lúc này đã được hơn chục tuổi. Không ai biết ba bà cháu đi đâu. Chỉ biết rằng ba cái bóng ấy lúc khuất lúc hiện chập chờn, nghiêng ngả dọc theo bờ kinh. Ba bà cháu cứ đi, đi tít mãi về phía cuối con kinh. Những bước chân như được dẫn đường bởi ma quỷ. Hai bên tai gió lạnh thổi hầm hào, tràn ngập một thứ mùi rờn rợn, lạnh toát đến gai người. Đâu đó giữa cánh đồng vọng về những tiếng chuông chùa buồn tẻ. Đang có giấc cầu nguyện buổi chiều.
Tới đúng chỗ có ngã ba, nơi con kinh đổi dòng để chảy ra với biển, bà Năm bỗng dừng lại. Đôi mắt đã mờ đục, man dại của bà nhìn trân trối vào một gốc mù u mọc ngay sát bờ kinh, trơ những đoạn rễ loằng ngoằng, khẳng khiu của nó cắm sâu xuống mặt nước. Bất chợt, hai tay Bà Năm chới với, bà khuỵu xuống, vừa nức nở vừa run rẩy thốt lên hai tiếng: “Con ơi! “. Ngay lúc đó, một làn gió thổi ào tới. Ngã ba dòng kinh đen ngòm như hoảng hốt vì bị đánh thức bất ngờ. Một con sóng trào lên đập mạnh vào gốc mù u. Bụi nước tung lên cao, trùm kín lấy ba bà cháu. Lẫn trong tiếng sóng và tiếng gió, nghe như có tiếng khóc nỉ non của một linh hồn oan khuất. Lý và Lơ bé bỏng không hiểu chuyện gì xảy ra. Hai đứa hoảng sợ ríu cả chân lại. Chúng vừa ôm chặt lấy nhau, vừa khóc thét lên như bị ai đánh. Tiếng khóc của ba bà cháu làm lặng ngắt một khoảng trời chiều.
Một lát sau, bà Năm dần dần trấn tĩnh lại. Vẫn còn run rẩy nhưng đầy vẻ quả quyết, bà thả chiếc áo khoác ngoài xuống đất rồi bước tới gốc mù u, thận trọng bám vào những đoạn rễ của nó và từ từ lần xuống. Ngâm hẳn người xuống dưới dòng kinh lạnh lẽo, bà đưa hai tay mò sâu vào phía trong gốc mù u, bới trong bộ rễ dày đặc, rối tung của nó như muốn tìm kiếm một vật gì. Hình như bà đã ra khỏi cơn mộng du. Bàn tay của bà đã đụng vào cái vật cần tìm ấy. Bà vội vã nâng nó lên khỏi mặt nước, ôm nó vào lòng. Đó là một khối tròn to, đen sì và ròng ròng bùn nước. Bà Năm một tay giữ chặt nó trước ngực, một tay bíu những rễ cây, lập cập leo lên bờ. Bà lấy chiếc khăn rằn đang quấn trên đầu xuống, trải nó trên mặt đất rồi cẩn thận đặt cái khối tròn tròn ấy lên. Đó là một cái sọ người. Lúc này hoàng hôn đã buông được một lúc, màn đêm sắp sửa bôi nhọ hết bầu trời. Dưới thứ ánh sáng nhờ nhờ ấy, cái sọ ướt đẫm vẫn còn kịp hắt lên óng ánh, từ trong hai hốc mắt sâu hoắm, lấp loáng những ánh lân tinh, những giọt nước tròn to lăn xuống chiếc khăn rằn như những giọt nước mắt. Bà Năm lấy từ trong chiếc áo khoác ban nãy ra một bó nhang và một chiếc hộp quẹt. Hai bàn tay bà run rẩy che gió, loay hoay bật chiếc hộp quẹt. Bà thắp lên mấy nén nhang rồi quay ra bảo Lý và Lơ, lúc này đã thôi khóc, đang ôm nhau nhìn hút vào cái sọ:
– Hai đứa quỳ xuống! Lạy má đi các con...
Hoa Dại ngày trước đó ư? Vâng, chính là Hoa Dại đấy. Hoa Dại xinh đẹp và trẻ trung ngày nào, giờ chỉ còn lại có thế. Cô đã trôi đến đây, đã cố ý níu vào đám rễ cây mù u ấy để nằm lại, chờ đến ngày trở về với má, với hai đứa con gái bé bỏng của mình. Còn việc tại sao bà Năm lại tìm được đến đúng chỗ này thì sau đó không ai giải thích được. Chỉ biết rằng những việc tương tự như thế vẫn thường xảy ra, nhất là đối với trường hợp của những oan hồn...
*
Đã mấy tháng trời kể từ ngày Lý ra đi, hai bà cháu ở nhà vẫn bằn bặt tin tức. Những cơn ác mộng làm cho bà Năm lo nghĩ, đau yếu luôn luôn. Lại vào đúng cái thời buổi mà những người nghèo hình như không có quyền được có bệnh tật. Một nghìn đô la gả bán Lý chẳng mấy chốc đã tiêu hết vào tiền thuốc men, tiền bác sĩ đang ngày càng đắt đỏ. Hai bà cháu rơi vào một cơn túng quẫn. Có người đã môi giới, dắt Lơ lên thành phố làm người giúp việc cho một gia đình nọ. Bốn trăm ngàn tiền công một tháng cũng có thể gửi về giúp cho ngoại cô sống được qua ngày. Chỉ cầu mong cho ngoại đừng có ốm đau. Lơ là một cô bé ngoan hiền và có chí. Song cô bé đâu có biết rằng mình vẫn gánh phải cái tội của vùng đất quê hương, của mấy đời bà cháu, má con cô. Đó là cái tội xinh đẹp như một bông hoa dại, để cho bất cứ kẻ nào trông thấy cũng phải thèm thuồng.
Lơ làm người giúp việc trong tòa biệt thự lộng lẫy của một ông cán bộ đã về hưu ở ngoại ô thành phố. Cô được dạy rằng cứ gọi ông ấy là ông Hai. Lần đầu tiên Lơ biết trên đời còn có những người giàu, những người ăn không biết đến bao giờ cho hết của. Ông Hai trong nhà tuổi ngoài bẩy mươi, con cháu đầy đàn, toàn những người vinh hiển, sang trọng. Những dịp cuối tuần, đủ các kiểu xe hơi của họ từ những chỗ đâu đâu trong thành phố kéo về đỗ đầy sân biệt thự. Trước khi lên ở đây, ngoại đã nói trước cho Lơ biết, rằng giữa cô với họ luôn luôn phải giữ một khoảng cách, cái khoảng cách trời sinh ra phải thế. Lơ chỉ dám truyện trò với chị Sáu, một chị cũng phụ việc trong nhà ấy trước Lơ vài năm. Chị Sáu quê miền Trung, giọng nói của chị nghe hơi nặng. Chị tốt với Lơ lắm. Chị thường khen Lơ dễ thương. Nhưng lần nào khen xong, Lơ cũng thấy chị thở dài. Lơ có hỏi tại sao thì chị không trả lời, đôi mắt chị bỗng chốc chợt xa xăm, u uẩn như nhớ về quê hương, nhớ cái thời còn con gái của chị. Lơ cũng nhớ đến người chị gái song sinh lấy chồng ngoại quốc của mình. Lơ đã từng đem ra khoe với chị Sáu. Không hiểu Lý có xe hơi không nhỉ? có được sung sướng như những cô chủ, cậu chủ trong nhà này không? Lơ mong tin của Lý nhưng càng mong thì lại càng bặt vô âm tín. Nhiều lúc Lơ tự hỏi chị Lý đâu có phải mũi tên? hay chị là hòn đất? Điều đó thật khủng khiếp. Hòn đất ném xuống dòng sông, sẽ không bao giờ quay trở lại.
Những điều chị Sáu tránh không nói ra, dần dần với linh cảm của một cô gái đang tuổi dậy thì, Lơ cũng bắt đầu nhận thấy. Trong ngôi biệt thự này có một gã con trai lớn hơn Lơ vài tuổi, đó là cậu Pít – cháu nội của ông Hai. Cậu Pít một mình sở hữu mấy chiếc xe, cả xe hơi lẫn xe gắn máy. Chẳng biết từ lúc nào, cậu ta bắt đầu để ý đến Lơ, nhìn Lơ bằng cái nhìn rất lạ. Lơ xấu hổ và ngượng ngùng, cũng có đôi lúc cô cảm thấy hãnh diện. Nhưng cảm giác đó kéo dài không lâu, thay vào đó là một nỗi sợ hãi mơ hồ. Lơ không thích ánh mắt chòng chọc nhìn vào mình của cậu ta. Những lúc đó, Lơ muốn biến thành con kiến, chui vào một cái lỗ nào đó thật sâu để trốn tránh. Nhưng ông trời không cho Lơ biến thành con kiến, và cũng chẳng có cái lỗ nào để chui. Sự xấu hổ, ngượng ngùng của một cô gái mới lớn chẳng bao giờ làm cho ý nghĩ của bất kì gã đàn ông nào chùn lại. Điều đó chỉ tổ làm rực thêm vẻ hấp dẫn, hút hồn của các cô. Cậu Pít chắc đã từng trải qua không biết bao nhiêu đàn bà, con gái. Nhưng cậu dám đánh cuộc với đám chiến hữu rằng riêng cái khoản hấp dẫn ấy thì không có đứa nào có thể so sánh nổi với Lơ.
Ông Hai chắc là người rất rành về hạnh kiểm của thằng cháu nội. Ông đã nhận ra mối nguy hiểm của Lơ trong ngôi biệt thự này. Ông tỏ ra thương hại và có ý bảo vệ Lơ. Bằng những câu nói, cử chỉ vẫn còn đầy uy quyền của mình, ông cảnh cáo cậu Pít đừng bao giờ mơ tưởng đến Lơ, hãy để cho Lơ được yên ổn. Nhưng mợ Hai – má của cậu Pít thì lại không làm như thế. Mợ Hai sợ Lơ sẽ làm hư hỏng cậu quý tử của mợ. Con đường công danh của cậu Pít đang rộng mở, tương lai của cậu rự rỡ như trời sao lại có thể để cho một đứa ở gái quê mùa như Lơ làm ảnh hưởng. Và số phận của Lơ trong ngôi biệt thự thế là đã được định đoạt. Chị Sáu đã nói cho Lơ biết điều đó. Lơ sẽ bị mợ Hai cho nghỉ việc. Lơ vô nghề nghiệp và ngây thơ, lần đầu tiên bước chân lên thành phố. Lơ sẽ đi đâu? Làm thế nào để sống và kiếm tiền nuôi ngoại giữa cái thành phố xa lạ và đầy cạm bẫy này? Lơ cảm thấy mù mịt và run sợ. Đừng lo em ạ. Thành phố bây giờ nhiều việc làm lắm. Văn minh mà. Chị Sáu sẽ giúp em. Chị sẽ nhờ người xin cho em vào làm ở một quán cà phê. Nhưng em phải cẩn thận, cố giữ mình được đến lúc nào hay lúc ấy. Trước sau gì thì tất cả những cô gái như chị em mình cũng chẳng thoát nổi đâu.
Lơ bị buộc phải rời khỏi tòa biệt thự. Cô được người quen của chị Sáu xin cho vào phục vụ ở một quán cà phê. Một thời gian ngắn sau Lơ bắt đầu dạn dĩ hẳn lên, cô không còn khép nép, sợ sệt như lúc còn ở trong ngôi biệt thự kia nữa. Cái vỏ quê mùa của cô đã dần dần biến mất, Lơ lột xác từ lúc nào không hay. Không cần trang điểm, không chú ý tới cả cách ăn mặc. Nhưng sự rực rỡ, lộng lẫy và những nét tuyệt trần của một cô gái dậy thì như Lơ thì không dấu đi đâu được. Cô có thêm nhiều chị em bạn mới, cũng là những gái quê như cô. Đã có khối chàng trai cưỡi trên những chiếc xe máy đắt tiền bắt đầu chú ý tới sự xuất hiện của một bông hoa dại rực rỡ ấy nơi đoạn phố này. Lơ vui vẻ và yêu đời. Cô cảm thấy thích thú với cái môi trường sôi động và cực kì phồn hoa đang ngày ngày diễn ra xung quanh. Nhưng một nỗi lo khác lại ập đến với cô bé. Bấy giờ bà Năm ở dưới quê đã yếu lắm, không thể tự săn sóc cho mình được. Một lần nữa, có lẽ cô lại phải chia tay với chốn này thôi. Cô phải về quê chăm sóc ngoại. Nhưng bà cháu sẽ sống bằng gì? Lý vẫn không hề có tin tức. Trong lúc đang quẫn trí thì may quá, Lơ đã được mấy chị em bạn cùng làm giúp đỡ. Họ bày cách cho cô, rủ nhau hùn tiền cho cô vay để thuê một căn phòng trọ rồi đón bà ngoại lên ở cùng.
Số phận vốn không muốn báo trước cho ta biết điều gì, song tất cả những diễn biến sau đó thì cứ như đã sắp sẵn, con người sống chỉ biết chui dần vào. Thế là rốt cuộc, bà cháu Lơ cũng đến lúc phải rời bỏ cái vùng quê đầy nghiệt ngã của mình. Bà Năm mắt đã mờ đục, chân tay run lẩy bẩy. Bà có linh cảm rằng lần ra đi này không bao giờ quay trở lại. Bà không tiếc nuối điều gì, chỉ không muốn phải xa phần hài cốt còn lại của Hoa Dại đang nằm dưới gốc dừa, không muốn nắm xương tàn ấy từ nay lạnh lẽo. Từ trong tâm thức sâu thẳm của một người má, có một giọng nói thê lương cất lên bảo với bà rằng Hoa Dại cũng không muốn xa má, Hoa Dại cũng muốn được đi theo. Và thế là trong tay nải của hai bà cháu, có một chiếc khăn bằng vải đen bọc một vật luôn luôn được ràng buộc cẩn thận. Đó chính là phần hài cốt ấy của Hoa Dại.
Cám ơn thành phố thời mở cửa, để một cô gái như Lơ cũng có thể làm được cái việc mang bà ngoại lên đó sinh sống. Cuộc đời bây giờ thiếu gì những người vừa có tiền, lại vừa có tư duy nhặt nhạnh, nhặt của bất cứ ai, nhặt bất cứ cơ hội nào. Họ chia nhỏ những khu đất nằm sâu hút trong hẻm của mình ra, cất lên đó những cái gọi là những căn phòng trọ tạm bợ, sơ sài. Hai trăm ngàn đồng một tháng cho một chỗ chui rúc hai mét nhân bốn mét, vẫn có một vòi nước và chỗ đi tiêu, đi tiểu ngay trong phòng. Bà cháu Lơ thế là tạm có nơi, có chốn trong cái thành phố rộng lớn, đầy ắp phồn hoa này. Như một con chim non đã biết ngày ngày bay đi kiếm mồi tha về tổ, Lơ cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi có ngoại, có hương hồn của má ở bên cạnh. Cô rất vui vì đã chăm sóc, nuôi nấng được ngoại... Lơ làm ở quán cà phê từ chín giờ sáng đến mười giờ đêm. Sáng sáng mua sẵn cho ngoại hai hộp cơm ăn cả ngày. Thế cũng tạm ổn rồi. Cô hy vọng rằng cuộc đời sẽ có ngày khá lên, cầu mong đừng có xảy ra chuyện gì.
Vâng, cuộc đời chắc sẽ có ngày khá lên. Có điều hai bà cháu cứ như hai vận động viên thi nhau chạy ngược về hai thái cực. Lơ càng phổng phao và rực rỡ ra bao nhiêu thì bà Năm càng lụm khụm và teo tóp đi bấy nhiêu. Cứ thế được khoảng vài tuần, vào một buổi sáng sớm, ông bà chủ có nhà cho thuê đột nhiên đến kiểm tra dãy phòng trọ của mình xem cái đám nhếch nhác vong xứ, vong quê này ăn ở ra sao. Họ bắt gặp hai bà cháu đang ăn sáng.
– Ở đâu ra cái bà lão này?
– Dạ! đây là ngoại con ở dưới quê mới lên.
– Xì! bày đặt ở dưới quê lên. Sao lúc làm hợp đồng cô không nói trước. Già thế này biết chết lúc nào. Ngộ nhỡ chết ở đây có phải xui xẻo nhà người ta hay không?
– Con xin ông bà. Ngoại con không còn ai chăm sóc...
– Đấy không phải việc của chúng ta. Chúng ta không chấp nhận. Thế thôi. Ngay ngày mai, cô phải đưa ngoại cô về, nếu không chúng ta không cho thuê nữa.
Té ra bà Năm không có quyền được sống ở đây, đơn giản vì bà cũng không có quyền được chết ở đây. Họ đi đã lâu rồi mà hai bà cháu vẫn còn ngẩn ra hoảng sợ. Bà Năm đánh rơi cả miếng cơm đang trệu trạo trong mồm, khuôn mặt răn reo ngấn đầy nước mắt. Đi đâu bây giờ? Chỗ nào rồi người ta cũng sợ người già như thế. Bà Năm thương mình, thương cháu. Giá bà có thể đi đâu để chết, để khỏi trở thành gánh nặng cho Lơ... Chợt Lơ nghĩ ra một cách. Cô ghé tai ngoại nói nhỏ: “Từ mai, mỗi khi đi làm, con sẽ khóa cửa ngoài. Ngoại cứ nằm im trong phòng, đừng gây ra tiếng động nào nhé. Để họ tưởng là con đã đưa ngoại về”...
Cuộc âm mưu vụng trộm của hai bà cháu cứ thế kéo dài được hàng tuần. Có vẻ như vợ chồng người chủ nhà kia không hề biết rằng bên trong cái cánh cửa ngày ngày vẫn khóa im ỉm của căn phòng ấy, có một nhân khẩu bất hợp pháp già nua đang sợ hãi nín cả thở...
Thằng Pít, cháu nội của ông Hai trong ngôi biệt thự ngày ấy bị tuột mất Lơ thì tiếc lắm. Nó cùng đám chiến hữu cũng con ông cháu cha như nó xưa nay chưa từng gặp thất bại bao giờ. Chúng lập ra một nhóm gọi là nhóm “S-T”. S-T có nghĩa là sướng tít (hoặc sướng tê). Nghĩa là không thiếu một cái sướng nào, cái nào cũng phải đạt tới tột đỉnh mê ly. Chúng đặt giải thưởng cho kẻ nào nghĩ ra những cách chơi mới lạ, miễn sao đưa được hồn vía lên tới chín tầng mây. Nhóm “S-T” có đủ tuyên ngôn, điều lệ, biểu trưng. Thậm chí có cả “S-T ca”. Bài “S-T ca” có tên: “thập sách” (mười kế) của chúng là:
“Cứ tọng thuốc lắc
Cứ nắc gái tươi
Cứ đua xe hơi
Cứ chơi bạc bịp
Đuổi kịp ông Bô
Để vồ lấy chức
Thả sức lấy vàng
Mau quàng lấy đất
Cố giật lấy quyền
Rồi tuyên mình thành Bố”.
Đó là “lời dạy”, là đường lối, định hướng tiến tới cái tương lai xán lạn của những kẻ như chúng mà chúng đã “sáng tác” từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhóm “S-T” đứa nào cũng sở hữu trong tay ít nhất một vài “bộ” gọi là “đi-em-xi” (D-M-C). Không phải kí hiệu xe hơi hay vũ khí quân dụng đâu nhé. Ba chữ cái ấy có nghĩa là Diễn viên, người Mẫu và Ca sĩ. Gọi là “bộ” vì mỗi “bộ” phải gồm đủ ba cô như thế có “chất lượng”, có “kiểm chứng” hẳn hoi. Thằng nào không đủ “bộ”, không thèm cho chơi. Thằng Pít đã chán cả mấy cái “bộ” “đi-em-xi” của mình rồi. Nó đang muốn “cải tiến”, mở rộng thành “bộ” “đi-em-xi-qui” (thêm gái Quê vào nữa thành chẵn bốn cô). Nhóm S-T thuê “chết” cả tầng thượng một tòa nhà cao nhất nhì thành phố làm chốn ăn chơi. Mỗi lần tụ họp, thằng nào cũng phải gọi “đi-em-xi” của mình tới rồi làm tình tập thể hay tay bo, tay ba gì tuỳ thích. Những cuộc vui giữa lưng chừng giời như thế có khi kéo dài đến mấy ngày, thậm chí hàng tuần.
Một thằng trong nhóm S-T trong một lần đi kiếm “hàng dạt” (gái lang thang), đã tình cờ phát hiện ra Lơ đang bán ở quán cà phê ấy liền báo cho Pít. Thằng Pít mừng rỡ đến phát rồ. Ngay lập tức, nó lập kế hoạch chiếm đoạt Lơ cho bằng được. Bây giờ thì mọi việc đã trở nên quá thẳng thắn, dễ dàng. Thằng Pít không còn phải ngại ai nữa. Nó không cần phải lấm lét giữ ý hay giả vờ làm bộ như khi Lơ còn là đứa ở trong nhà nó. Cái mã bề ngoài, vài lời hứa hẹn và những khoản tiền “bo” của thằng Pít đã nhanh chóng làm Lơ xiêu lòng. Mà Lơ phỏng còn giữ mình được bao lâu nữa kia chứ? Không sa vào tay nó thì cũng sa vào tay người khác mất thôi. Những ngày làm ở quán cà phê này, Lơ cũng đã kịp dày dạn ra đôi chút. Rồi Lơ cũng phải nhắm mắt, phải “liều” thân với cuộc đời này thôi. Lơ vẫn còn nhớ câu nói của chị Sáu: “cố giữ mình được đến lúc nào hay lúc ấy. Trước sau gì thì tất cả những cô gái như chị em mình cũng chẳng thoát nổi đâu”. Lơ lẩm bẩm nhắc lại rồi chậc lưỡi. Cái gì phải đến rồi sẽ đến.
Lịch sử dù rộng hay hẹp, ngắn hay dài đều rất thích chơi trò xoáy trôn ốc. Hôm ấy là ngày thằng Pít giới thiệu “bộ” tứ “đi-em-xi-qui” của mình tại thiên đường “lưng chừng giời” của nhóm S-T. Những gì xảy ra cách đó gần hai mươi năm với Hoa Dại cùng nhóm G7 ở cái thị trấn quê mùa kia, thì nay lại xảy ra với Lơ và nhóm S-T cùng những “bộ” “đi-em-xi” lộng lẫy và trần trụi của chúng. Có điều sự hoành tráng và cao cấp, sự hiện đại và ghê hồn thì dẫu đến ba đời ông nội đẻ ra chúng ngày trước, cũng không thể nào ngờ tới được. Quay cuồng trong tiếng nhạc, rượu mạnh và thuốc lắc, cả một đám con trai, các “đi-em-xi” và Lơ lột bỏ hết quần áo, lao vào một cuộc truy hoan vô bờ bến. Những sản phẩm văn minh kia của nhóm ăn chơi đã làm cho Lơ hoàn toàn mất trí, hoàn toàn không điều khiển được mình. Cô không biết thời gian có còn trôi đi nữa không, trôi đến bao giờ? Người ta đã làm gì cô?... Cứ như thế hết ngày lại đêm, hết đêm lại ngày... Cái chốn lưng chừng giời ấy đâu cần biết Trái đất vẫn đang quay. Lơ chưa kịp tỉnh thì đã lại tiếp tục say, tiếp tục bị tống rượu mạnh, thuốc kích thích vào miệng. Có phải nhóm S-T kia đã vô tình? Hay chính là số phận đã cố ý không cho cô một cơ hội nào để nhớ đến bà ngoại, nhớ đến nắm xương tàn của má cô đang trốn trong căn phòng trọ tồi tàn ấy mong cô trở về...
Từ ngày Lơ bị đuổi ra khỏi ngôi biệt thự, ông Hai cảm thấy có một điều gì cứ thỉnh thoảng lại làm ông hoảng hốt. Quả tim đang có vấn đề của ông cùng lúc lại dội lên gây tức ngực, khó thở. Có phải do ông mới sinh ra chứng đa cảm khi nghĩ đến hoàn cảnh của Lơ? Ông không giải thích được. Cả đời ông chẳng bao giờ đa cảm như thế. Chiều hôm ấy có một kẻ bí ẩn đến nhét vào thùng thơ ngoài cổng biệt thự một cái bao thơ. Đó là thơ gửi cho chính ông Hai. Chị Sáu là người mang vào cho ông, song chị không hiểu trong đó viết gì. Ông Hai mở ra và chỉ thấy bức thơ ghi vỏn vẹn một dòng địa chỉ với những: “phố... hẻm... phòng... “. Bức thơ kì lạ làm cho ông Hai cảm thấy bứt dứt hoảng hốt, đứng ngồi không yên. Như một cái máy, ông ra khỏi ngôi biệt thự, vẫy một chiếc tắc xi. Ngồi trong xe, cũng như một cái máy, thậm chí như một người mộng du, ông Hai đưa bức thơ ấy cho người lái xe rồi ngồi im như một pho tượng, miệng không thốt ra tiếng nào. Tới đúng số hẻm ấy, chiếc xe dừng lại. Ông Hai xuống xe, chậm rãi bước vào tít phía trong con hẻm. Ông nhìn thấy một dãy phòng trọ bẩn thỉu, nhìn thấy cả cái số phòng đã ghi trong địa chỉ. Nhưng hình như căn phòng đang bị khóa ngoài. Ông từ từ bước lại gần. Còn cách độ ba bước chân thì cái ổ khóa đang móc trên cánh cửa bỗng nhiên rụng xuống. Ông Hai thoáng một chút rùng mình.
Bây giờ thì đúng là ông Hai đang bị mộng du. Ông mở chiếc cánh cửa, bước hẳn vào trong phòng. Căn phòng tối tăm, ẩm mốc và lạnh toát một mùi tử khí. Trên manh chiếu trải dưới đất là một thi thể co quắp vẫn đang trừng mắt, ngửa mặt lên trần nhà, hai tay ôm cứng một bọc vải tròn tròn đen sì, được chằng buộc cẩn thận. Ông Hai quỳ xuống, nhìn vào gương mặt của thi thể và bỗng giật mình há hốc mồm, thốt lên mấy tiếng lào phào: “Bà... Cô Năm... Năm... “. Tiếng ông ngưng bặt ngay lúc ấy, cơn đau tim bất ngờ dội lên. Trước khi đổ vật xuống, trong đầu ông Hai còn kịp thoáng hiện lên hình ảnh cái khối dâm dục đỏ au, ngồn ngộn thịt của tên lính đánh thuê người ngoại quốc đang giật lên, giật xuống trên tấm thân người con gái ngày nào, rồi thì những nhát chém, rồi máu, máu và chao ôi là máu...
Cùng lúc ấy, ở cách đó bao nhiêu ngàn cây số, nơi cái xứ sở xa lạ kia, lão già triệu phú rốt cuộc cũng đã tìm ra cách khuất phục cái ánh mắt làm cho lão phải kinh hồn ấy của Lý. Té ra lão áp dụng cái phương pháp tân kì của thằng Cơm Thiu. Lão không ngờ lớp hậu sinh bây giờ lại hiện đại đến như thế. Chúng chẳng cần phải cưỡng bức như thế hệ của lão ngày trước mà vẫn chiếm đoạt được bất kì đứa đàn bà nào. Khoa học tiên tiến của con người, thì ra lại có khả năng đánh thức và khuyếch đại bất kì thứ bản năng nào của chính con người lên cao bao nhiêu tuỳ ý. Lão trộn thuốc kích thích vào thức ăn, nước uống cho Lý và kiên nhẫn chờ đợi. Lão khoái trá chứng kiến cảnh Lý cấu xé, vật vã đòi hỏi khi bị ngấm thuốc. Nhưng ánh mắt của cô thì vẫn còn làm cho lão kinh. Lão tăng dần liều lượng và quả nhiên, những tia thù hận trong ánh mắt ấy cũng dần dẩn giảm theo. Đến khi lão đã tăng tới liều lượng cao nhất thì nó dường như đã hoàn toàn bị khuất phục.
Lý đã tự xé tan bộ quần áo đang mặc trên người. Cô nhắm nghiền mắt lại, hơi thở hổn hển, thân thể không ngớt cuộn lên từng chặp. Chỉ chờ có thế, lão già bật ra một tràng cười đắc thắng rồi đặt chiếc nạng xuống bên cạnh, yên tâm bò lên người Lý. Bỗng lão rú lên một tiếng khủng khiếp. Không phải trong ý nghĩ nữa, mà đúng là sự thật, những nhát chém ngày nào đang tiếp tục bổ xuống người lão. Lần này thì lão chẳng lăn đi đâu được nữa. Toàn bộ những vết sẹo trên người lão, cả ở cái mặt cắt chỗ chân cụt đồng loạt vỡ tung ra, toang máu. Máu của lão phun lên trần nhà, sang hai bên, ào xuống tấm đệm, nhuộm đỏ cả người Lý. Mùi máu hôi tanh sặc sụa của lão làm cho Lý chợt bừng tỉnh. Cô vụt vùng dậy, ghê tởm gạt phăng cái xác đỏ lòm của lão xuống nền nhà...
Xin hãy quay trở lại căn phòng trọ. Ngay tối hôm ấy, người ta phát hiện trong đó có ba thi thể. Đúng ra là chỉ có hai và một bộ hài cốt không còn đầy đủ. Một thi thể chết tươi, bị vỡ tim chính là ông Hai. Thi thể kia là của một bà lão đã lạnh cứng từ trước đó mấy ngày. Tại sao ông Hai lại tìm đúng đến đây để vỡ tim mà chết? Câu hỏi ấy cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Người ta cũng tìm ra người lái tắc xi đã đưa ông đến đây. Anh ta cũng nhớ là ông Hai có đưa cho anh ta một bức thơ. Bức thơ vẫn còn nằm dưới sàn xe. Nhưng khi người cán bộ điều tra vừa nó cầm lên tay thì lập tức, bức thơ ấy mủn ra như cám, bay tung vào trong gió, chẳng để lại tý dấu vết gì.
Cái chết bất đắc kì tử của lão triệu phú không hề làm cho gã Cơm Thiu đau buồn. Trái lại, gã vui mừng vì từ nay đã chính thức thừa kế toàn bộ cơ nghiệp của ông nội. Lý không còn thiết gì đến chốn này nữa, cô đã bị suy sụp hoàn toàn. Cô nhớ ngoại, nhớ Lơ, cô chỉ muốn được trở về. Từ cái hôm kinh khủng ấy, lúc nào Lý cũng ngửi thấy mùi máu tanh hôi của lão triệu phú phảng phất đâu đó trong căn nhà, trên chính thân thể cô. Gã Cơm Thiu thì chẳng ngửi thấy mùi gì. Gã chỉ thấy thân thể cô bây giờ mới thực sự thơm lựng mùi gái trinh. Ông nội gã không còn, giờ là lúc gã được toàn quyền sử dụng tấm thân vẫn còn trinh tiết ấy. Song lúc nào gã cũng chỉ coi Lý như một thứ gái mà thôi. Lạ một điều là mặc dù lòng Lý vẫn còn nguyên sự thù hận đối với cái gã đốn mạt này. Nhưng ánh mắt của cô đối với gã thì không hề có tác dụng như đối với ông nội gã trước kia. Thực chất ánh mắt ấy bây giờ chỉ còn là ánh mắt của một con cừu non ngây thơ và sợ hãi. Sau khi đã dày vò chán chê, một hôm, gã Cơm Thiu chở Lý đến bán cho cái nơi ấy, lấy lại đúng số “vốn” một nghìn đô ngày trước. Nơi ấy có hai chữ treo lơ lửng trên cao mà cô không đọc được. Cô giật mình nghe thấp thoáng giọng nói và những gương mặt đờ đẫn của mấy người đàn bà cùng xứ sở. Bao nhiêu người như cô đã bị bán nơi đây? Gã đểu giả ấy bảo cô rằng hãy cố mà học cái thứ tiếng thổ tả ở xứ sở của gã. Bởi cô không còn đường nào quay trở về nữa. Bởi chữ đầu tiên cô cần phải học, chính là hai cái chữ treo trên cao đó. Hai chữ ấy có nghĩa là “Nhà Chứa”. Và thân phận của cô, của những người đàn bà cùng xứ sở kia, có ai ngờ từ nay sẽ gắn liền với hai cái từ kinh điển ấy của kiếp mình...
Lơ chập chờn tỉnh dậy và cảm thấy toàn thân mỏi nhừ, đầu nhức như búa bổ. Xung quanh cô ngổn ngang những vỏ thuốc, chai lọ, đồ lót và những thân thể trai, gái lõa lồ đang nằm vắt chồng lên nhau. Chốn “lưng chừng giời” này của nhóm S-T biệt lập hẳn với thế giới của con người. Không biết đây là đâu? bây giờ là lúc nào, bao nhiêu ngày đã trôi qua... Lơ dần dần nhớ lại điều gì và bỗng giật mình, hoảng hốt rú lên một tiếng. Cô cuống cuồng vùng dậy, vơ đại một bộ quần áo vứt cạnh đó rồi hối hả mặc vào người. Tiếng rú của Lơ làm cho cả bọn đang mê mệt cũng bừng tỉnh. Giọng chúng nhao nhao, đứa lè nhè, đứa cười ô ố hệt một lũ quỷ Sa Tăng. Có đứa quờ tay túm lấy Lơ. “Không được! Thả tôi ra. Ngoại tôi đang chết đói trong phòng trọ...” – Lơ hét lên. Cô vừa vùng vẫy vừa òa khóc nức nở. Mặc kệ! Nhóm S-T chưa chứng kiến đứa con gái nào từ chối, chống cự lại chúng bao giờ. Chính sự vùng vẫy, nức nở ấy của cô càng làm cho lũ kia bất ngờ lên cơn khát dục. Thế là thằng Pít và tất cả bọn chúng ào dậy, bu đến giữ chặt lấy Lơ, rồi thì đứa xé áo, đứa kéo quần, đứa vơ mấy viên thuốc lắc nhét vào mồm cô... Rồi tiếng nhạc từ mấy chiếc loa vĩ đại gắn trên nóc nhà sầm sập đổ xuống, át đi tất cả. Lơ nhũn người ra, ý chí của cô lại bắt đầu bị tê liệt. Chốn “lưng chừng giời” của nhóm S-T tiếp tục bước vào một cuộc quay cuồng mới.PLV
No comments:
Post a Comment