Thursday, May 19, 2011

Hãy nhắm trúng tâm điểm

 

Hãy nhắm trúng tâm điểm

Minh Võ


T

HÁNG 5 là tháng Cộng Sản Việt Nam mừng 5 ngày lễ lớn: Quốc Tế Lao Động, ngày của giai cấp công nhân (1-5),[1] ngày sinh của Các Mác (5-5-1818), kỷ niệm chiến thắng Điện Biên (7-5-54), ngày mặt trận Việt Minh ra đời (19-5-1941), và ngày sinh của “bác Hồ” (19-5-1890).

Năm nay tháng 5, đối với Việt Cộng, còn có thêm một ngày hội lớn. Đó là ngày 20-5-07, “ngày toàn dân đi bầu quốc hội.” (!)

Bài này được viết vào đúng lúc Cộng Sản Việt Nam đang chuẩn bị ráo riết cho cuộc bầu cử cái gọi là Quốc Hội đó. Cũng nằm trong chương trình chuẩn bị đó, ngày 30-3-2007, họ đưa ra xử và kết án linh mục Nguyễn Văn Lý (8 năm tù) và những nhà đấu tranh cho Dân Chủ Tự Do trong Khối 8406, vì tổ chức này cùng với linh mục Lý hô hào tẩy chay bầu cử kiểu “đảng cử dân bầu”.

Nhân dịp này, để mở đầu cho bài viết, chúng tôi xin nhắc lại một câu hỏi đã nhiều lần được nêu lên: Tại sao đã biết bầu cử theo kiểu đảng-cử-dân-bầu là phi dân chủ, là trò hề lố bịch trơ trẽn mà nhân dân ta cứ “ngoan ngoãn” tới phòng phiếu suốt sáu chục năm qua, trải qua 11 lần bầu cử?

Có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là huyền thoại Hồ Chí Minh, “cha già dân tộc”, “anh hùng dân tộc”. Hồ Chí Minh là người được Cộng Sản Việt Nam cùng với bộ máy tuyên truyền đồ sộ hiện đại của Cộng Sản Quốc Tế suốt trong nhiều thập niên đã đề cao là người có công đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập, thống nhất cho tổ quốc Việt Nam. Rồi, vì ảnh hưởng của luận điệu tuyên truyền ấy, một phần lớn dư luận thế giới đã nói theo, viết theo. Ảnh hưởng đó thậm chí còn khiến ngay một số trí thức phe quốc gia chống Cộng cũng lập lại rằng, “nói gì thì nói cái công giành Độc Lập của ông Hồ là lớn lắm”.[2] Đó là chưa kể nhiều nhà đấu tranh cho Dân Chủ Tự Do, xuất thân từ hàng ngũ những cựu cán bộ CS phản tỉnh, phản kháng[3] vẫn ôm lấy thần tượng, huyền thoại Hồ Chí Minh để chống chế độ mà ông ta đã tạo dựng suốt trong nhiều thập kỷ (!).

Về huyền thoại Hồ Chí Minh nói chung, thì đã có nhiều người viết rồi. Trong đó phải kể đến các tác giả Trần Gia Phụng và Lữ Phương, tuy rằng lập trường của hai người hoàn toàn khác nhau. Nhưng theo tôi, chúng ta không nên chú trọng đến những cái râu ria bề ngoài, dễ khiến đi lạc vào một khu rừng rậm, mà chỉ nên đánh thẳng vào tâm điểm, là huyền thoại Cha Già Dân Tộc.

Chính cái huyền thoại chủ yếu này đã biến con người Hồ Chí Minh thành một thần tượng “linh thiêng” của chế độ. Trong những lúc nguy nan nhất, như kể từ khi phải đối phó với phong trào đòi Tự Do Dân Chủ bùng phát với Khối 8406 chẳng hạn, Cộng đảng đã kêu gọi toàn đảng, toàn dân hãy học tập “đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh.[4] Họ chỉ sợ lỡ mà thần tượng sụp đổ thì chế độ cũng tan tành.

Chính vì thế mà các đảng phái quốc gia, các phong trào, tổ chức đấu tranh cho dân chủ tự do càng phải đặt trọng tâm vào việc phá vỡ huyền thoại này, đánh đổ thần tượng này. Xin nhắc lại, huyền thoại anh hùng dân tộc, thần tượng “cha già dân tộc”.

Nhưng việc đó khó đến đâu? Có thể làm được không? Và làm như thế nào?

Trước hết, việc phá vỡ huyền thoại này là việc vô cùng khó khăn. Thứ nhất, vì chính ông Hồ và những phụ tá thân cận nhất của ông ta đều là những chuyên gia lão luyện về khoa tuyên truyền đã tác tạo nên thần tượng đó.[5] Nghiên cứu về tính chất, nội dung và kỹ thuật tuyên truyền, ai cũng rõ thần tượng là một trong ba yếu tố quan trọng hàng đầu của tuyên truyền (chính nghĩa, thần tượng và biểu tượng).

Thứ đến, các chính khách và cán bộ phe Quốc Gia, ban đầu bị Cộng Sản lừa, mà lại không nắm vững và/hoặc không coi trọng kỹ thuật tuyên truyền như các cán bộ Cộng Sản, nên đã không nhìn thấy sớm âm mưu tạo thần tượng của Cộng Sản để kịp thời phản bác và lật đổ. Trong khi đó thì hàng ngày phe Cộng Sản không ngừng củng cố, tô vẽ thần tượng ấy.

Kẻ thiết kế và đúc khuôn đầu tiên là chính ông Hồ, như sẽ nói sau. Kế đó là những phụ tá hàng đầu của ông ta là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, tay nàơ cũng viết tiểu sử đề cao, thần thánh hóa ông Hồ. Thậm chí Võ Nguyên Giáp có đến 5 cuốn loại đó.

Thế rồi từ những cuốn tiểu sử đó mà các cán bộ cấp dưới cỡ Hồng Hà không ngừng nhắc lại, tô vẽ thêm, các nhà báo và sử gia ngoại quốc, kể cả Pháp, Mỹ lại cứ theo đó nói theo, viết theo như những phát kiến độc đáo của mình.

Nếu vào thư viện ta sẽ thấy gần trăm tác phẩm Anh, Pháp... ca ngợi ông Hồ là nhà ái quốc, là anh hùng dân tộc. Cụm từ “Cha Già Dân Tộc” do ông Hồ sáng chế cũng được nhắc lại một cách tự hào.

Trong số tác phẩm ngoại quốc ca tụng họ Hồ mà nếu trưng dẫn ở đây sẽ quá dài,[6] chúng tôi chỉ xin trích dẫn mấy câu trong hai cuốn từ điển Bách Khoa Anh và Mỹ, là những tự điển mà sinh viên, giáo sư vẫn thường tra cứu hàng ngày, trong số các sinh viên và giáo sư ấy, càng ngày càng có thêm nhiều con cháu chúng ta:

“Lãnh đạo phong trào ái quốc Việt Nam gần ba thập kỷ, ông Hồ là một trong những người xướng xuất phong trào chống thực dân tại Á Châu sau thế chiến II.”[7]

“Hồ Chí Minh được nhiều người tôn kính như một nhà ái quốc và một nhà giải phóng.[8]

Các tác giả từ điển Bách Khoa cũng như các sử gia ngoại quốc, khi ca ngợi ông Hồ là nhà ái quốc, là nhà giải phóng chống thực dân, dĩ nhiên họ cũng phải có bằng chứng, lấy từ những công trình nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam. Mà đã rõ, lịch sử được viết bởi kẻ thắng. Cuối cùng phe ông Hồ đã thắng. Cho nên họ viết sử theo ý họ. Điều này dễ hiểu. Nhưng cũng không thiếu gì sử gia Pháp, Mỹ, và cả sử gia người Việt Quốc Gia cũng lại căn cứ vào sử của Việt Cộng, và của các sử gia ngoại quốc thiên cộng để viết.

Vậy “lịch sử” chiến tranh Việt Nam đã ghi nhận như thế nào về vai trò giải phóng của ông Hồ? Về công trạng của ông Hồ?

Nếu chỉ nhìn vào các sự kiện thuần túy lịch sử, không đếm xỉa đến nguồn gốc, tính chất phức tạp của cuộc chiến Việt Nam và đặt nó vào trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ toàn bộ, toàn cầu, toàn diện của Cộng sản thế giới, thì người ta thường chỉ thấy những điều sau đây:

Ông Hồ và đảng Cộng Sản của ông đã làm cuộc cách mạng Tháng Tám (1945) thành công. Ông Hồ là người đã đọc bản tuyên ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945. Ông và đồ đệ ruột của ông đã tổ chức bầu quốc hội đầu tiên (đầu năm 1946) trong đó có sự tham gia của các đảng phái quốc gia (70 ghế biếu không), chứng tỏ ông được quốc dân tôn làm lãnh tụ, chủ tịch nước. Vì thế CS thường tôn ông là người khai sáng ra nước Việt Nam mới. Từ đó mới hợp thức hóa danh xưng “cha già dân tộc”, chẳng khác gì một thứ “quốc phụ”, như (Ataturk) Mustapha Kemal (1881-1938) của nước Thổ mới, đầu thế kỷ trước.

Cũng căn cứ vào các sự kiện thuần túy lịch sử thì chính ông Hồ cho lệnh phát khởi cuộc kháng chiến chống Pháp từ ngày 19 tháng 12 năm 1946 đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ, khiến Pháp phải rút lui. Như vậy không thể bảo ông Hồ không có công trong việc thu hồi nền độc lập cho Việt Nam.

Những người phủ nhận công này có thể dựa vào việc Nhật Bản đã trao độc lập từ người Pháp trả cho chính phủ Nam Triều, lúc ấy dưới quyền vua Bảo Đại, vì ngày 11-3-45 (hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương) vua Bảo Đại đã tuyên cáo hủy bỏ các hiệp ước (đặt Việt Nam dưới sự cai trị và đô hộ của người Pháp) ký với Pháp trước rồi. Nhưng các người Cộng Sản vẫn thường nói rằng độc lập từ tay người Nhật, không tốn một viên đạn, là thứ độc lập trong vòng cương tỏa của Nhật, không có gì bảo đảm. Vả lại chỉ mấy tháng sau chính vua Bảo Đại đã “tự ý” trao quyền lại cho Việt Minh do ông Hồ lãnh đạo, với câu nói lịch sử: “Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước bị trị”. Như vậy ông Hồ chẳng những có công giành độc lập mà còn có công phá bỏ chế độ phong kiến nữa.

Còn về việc thống nhất đất nước, không những chỉ có tài liệu phía Cộng kể công. Cả các sử gia và các nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhận Hoa Kỳ thất trận. Chúng ta không thể nói khác được. Những tác phẩm chiến sử của nhiều nhân vật quốc gia trong Việt Nam Cộng Hòa trước, mô tả những chiến tích oai hùng, can trường, gan dạ đáng thán phục của quân sĩ miền Nam, hay mô tả tác phong đáng lấy làm gương sáng về tài chỉ huy và đức độ của nhiều tướng lãnh VNCH, chỉ để an ủi con cháu chúng ta rằng “thua nhưng không hèn”. Tuy nhiên những tác phẩm ấy không đổi thua thành thắng được. Trừ phi, vâng, trừ phi, chúng ta đánh đổ được thần tượng Hồ Chí Minh và giải thể cái chế độ hiện nay trong một thời gian vắn, trước khi thế hệ chúng ta không còn ở trên đời này. Bằng không sẽ không tránh được cảnh bị con cháu các thế hệ tương lai chê cười, oán trách, sao cha ông chúng lại cùng với quân Pháp, quân Mỹ chống lại đạo quân giải phóng của Hồ Chí Minh và đảng CSVN, khiến tiến trình giành độc lập và thống nhất tổ quốc bị chậm lại và tốn thêm xương máu.

Nếu chỉ đọc tài liệu CS và của các sử gia ngoại quốc, viết theo CS, thì quả tình hầu như không thể nào đả phá được thần tượng yêu nước Hồ Chí Minh. Nhưng nếu hiểu rõ lý thuyết CS, chủ trương đường lối và nhất là chiến lược sách lược đấu tranh của Lê-nin thì có thể chứng minh ngược lại một cách dễ dàng. Cái khó là ở chỗ làm thế nào để cho quảng đại quần chúng Việt Nam, thường ít học, hiểu được những vấn đề phức tạp về lý thuyết và chiến lược, sách lược. Vì vậy có một số người chủ trương, không nên đánh thẳng vào thần tượng Hồ Chí Minh trước, mà hãy dùng chính thần tượng Hồ Chí Minh để đánh đổ chế độ. (Nghĩa là dùng những lời nói giả dối, đạo đức giả của Hồ Chí Minh “hay gương sáng bác Hồ” mà cho đến nay chẳng những cán bộ CS mà đại đa số nhân dân trẻ đều thuộc nằm lòng). Và sau khi chế độ đã đổ thì đương nhiên thần tượng HCM cũng sẽ nhào theo.

Chúng tôi không tán thành phương pháp này. Làm vậy chẳng khác gì đầu hàng trước khi giao chiến. Chúng tôi nghĩ chỉ có đánh đổ thần tượng HCM, phá vỡ huyền thoại “cha già dân tộc HCM” thì mới sớm giải thể được chế độ hiện nay. Huyền thoại này còn thì Cộng đảng còn lý do nắm quyền độc tôn. Nhân dân sẽ dễ bị họ thuyết phục rằng: ông Hồ và đảng CS do ông thành lập và lãnh đạo trong chiến tranh, đi đến chiến thắng hai cường quốc lớn, thì ngày nay đảng này xứng đáng và có quyền lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước. “Được làm vua, thua làm giặc”. Theo đúng tục ngữ đó, người CS tự cho mình là vua. Chế độ hiện nay chẳng khác gì, mà còn tệ hơn, một chê độ quân chủ chuyên chế thời phong kiến. Và họ bảo “toàn dân” chấp nhận chế độ ấy.    

Bằng chứng là qua 11 lần bầu cử “Quốc Hội của Đảng”, nhân dân vẫn “ngoan ngoãn” đi bầu cho đảng. Thực tế đó được Cộng đảng dùng để chứng minh với nhân dân và các chính phủ dân chủ trên thế giới: Đấy nền “chuyên chính vô sản, triệu lần dân chủ hơn các chế độ Tây Phương” ở Việt Nam được toàn dân chấp nhận qua các cuộc bầu cử “tự do”. Đó là một hình thức trưng cầu dân ý gián tiếp. Vì vậy duy trì và củng cố nền chuyên chính vô sản là hợp ý dân. Xin quý vị đừng xen vào nội bộ của chúng tôi.

Thực tế về mối bang giao hiện nay giữa Hoa Kỳ và một số quốc gia dân chủ với nhà cầm quyn CS cũng như những thắng lợi mà họ thu lượm được trong các cuộc trao đổi về kinh tế, thương mại v.v... chứng tỏ rằng các nước tin vào lập luận đó, vì thực ra họ vẫn bị ảnh hưởng của thần tượng cha già dân tộc chi phối từ nhiều thập niên trước.

Sở dĩ cử tri “ngoan ngoãn” đi bầu cho cái quốc hội của đảng đó, để gián tiếp nói lời chấp nhận nền đc tài đảng trị, là vì họ được nhồi nhét quanh năm suốt tháng rằng ông Hồ và đảng CSVN có công rất lớn với quốc dân. Công giành độc lập và thống nhất đất nước! Trong khi tiếng nói và các công trình nghiên cứu của phe ta lại quá yếu ớt và bị ngăn chặn, hầu như không tới tai nhân dân trong nước.

Chúng tôi còn nghĩ sở dĩ Việt Nam Cộng Hòa đã thua, và cả siêu cường Mỹ cũng đã thua cũng vì huyền thoại Cha Già Dân Tộc này. Phong trào phản chiến ở miền Nam một thời, phong trào phản chiến rầm rộ sôi động tại Mỹ vào đầu thập niên 70, thế kỷ trước đều bắt nguồn từ huyền thoại này. Vì theo lý luận rất logic, ông Hồ đã được toàn dân tôn là cha già dân tộc, được toàn dân tin cậy, ủy thác cho lãnh đạo cuộc kháng chiến, thì cuộc kháng chiến đó là cuộc kháng chiến của một dân tộc tự vệ chống ngoại xâm. Nó có chính nghĩa. Bất cứ cuộc chiến nào chống lại một dân tộc do các lực lượng yêu nước lãnh đạo, đều phi nghĩa.      

Vì vậy cách nay hơn ba năm chúng tôi đã có bài “Xin Đừng Oán Trách Nàng” để gọi là “bào chữa” cho những văn nghệ sĩ và nhân dân phản chiến, chống chiến tranh của Mỹ nhắm vào Việt Nam. Trong đó có nêu đích danh cô đào Jane Fonda và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... và cả nghị sĩ John Kerry (lúc ấy đang chuẩn bị tranh cử chức Tổng thống Mỹ). Trong bài đó chúng tôi đã cực lực lên án và phản bác lập luận của những nhà báo thiên tả, và những sử gia thiên cộng đã mô tả ông Hồ là nhà ái quốc, nhắc lại lập luận của Cộng Sản một cách vô trách nhiệm. Trong số những nhà báo được nêu tên có những tên tuổi với những giải thưởng báo chí nổi danh như Neil Sheehan và David Halberstam... Những nhà báo ấy đáng kết tội hơn những tài tử, nghệ sĩ hay cựu chiến binh nhiều. Chẳng những Tổng Thống Nixon sau này (1986, với cuốn No More Vietnams), mà cả Tổng Thống Diệm khi còn sống (1963) đã nói trước, nếu ta thua là vì những nhà báo loại đó. (Ít nhất có khoa học gia Hà Vĩnh Phương và sử gia Stanley Karnow đã nói về lời tiên tri này)

Lý luận của tôi rất đơn giản: Ông Hồ đã là anh hùng dân tộc, cha già dân tộc, là nhà ái quốc và nhà giải phóng dân tộc, thì đem quân chống lại ông ta là phi nghĩa. Phản chiến mới là chính đáng.

Chính vì phong trào phản chiến mà Mỹ đã thua. Nó làm tê liệt mọi sức phấn đấu của một cường quốc nguyên tử. Trong tình hình đó, không chính quyền nào có can đảm đi ngược lại một phong trào rộng lớn ảnh hưởng dư luận toàn thế giới như vậy. Vì vậy bom nguyên tử cũng thành vô dụng. Nhắc lại mấy câu vè “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu chết ai dè xe nghiêng” khiến nhiều người tự ái phẫn nộ. Nhưng kết quả đáng tiếc lại đúng là như vậy.

Với chiến thắng ngoạn mục đó, thần tượng Hồ Chí Minh càng được củng cố, bồi đắp thêm. Cho đến nay thì đã có nhiều ngôi đền thờ Hồ Chí Minh như một Bồ Tát. Đã có những ngôi chùa đưa tượng ông ta đặt ở chính điện, trước cả tượng Đức Phật.

Tất cả các sách giáo khoa đều thi nhau ca tụng công đức, tài ba của ông Hồ, khiến quá nửa dân số Việt Nam ngày nay (sinh ra khoảng trước, sau 1975) hàng ngày học tập qua những sách giáo khoa đó thường coi ông Hồ như vị thánh, vị “đại anh hùng dân tộc”. Ông Lữ Phương, tự cho mình là phản tỉnh, vẫn còn gọi ông Hồ như vậy cơ mà.

Trong tình huống ấy, nhất thiết phải phá vỡ huyền thoại, đánh sập thần tượng Hồ Chí Minh “cha già dân tộc”.

Nếu đa số nhân dân trong nước và phần lớn dư luận quốc tế đều tin như đinh đóng cột rằng ông Hồ là anh hùng dân tộc, có công đánh thắng hai cường quốc để giành độc lập và thống nhất cho tổ quốc Việt Nam, thì tất cả những cố gắng để chứng minh ông Hồ có nhiều vợ, có con rơi; hay ông Hồ có toan tính làm tay sai cho thực dân Pháp khi nộp đơn ngày 15-9-1911 xin Pháp cho vào học trường thuộc địa, với đầy đủ thủ bút, chữ ký của Paul Nguyễn Tất Thành; hay tố cáo ông ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người trong Cải Cách Ruộng Đất, tổng công kích Tết Mậu Thân, và nhiều cuộc đàn áp đẫm máu khác v.v..., hay về tội ông bán đứng nhà cách mạng Phan Bội Châu, và cả bao nhiêu tội ác khác do chiến tranh gây ra, đều sẽ không đi đến đâu. Người dân đã bị nhồi sọ, và dư luận thế giới sẽ lý luận rằng: Ông Hồ đã là “cha già dân tộc, đã có “công cực lớn”, đã được toàn dân tôn thờ như một vị B Tát, thì những lời tố cáo vụn vặt vừa kể chỉ là vu khống, do những kẻ bại trận, hận thù viết ra.

Hoặc giả có người không quá khích đến thế thì cũng nghi ngờ, cho rằng những bằng chứng đưa ra để tố cáo ông Hồ không đứng vững.

Thậm chí có ngưới còn bào chữa cho ông Hồ: có vợ có con rơi thì đã sao. Các vua chúa thời phong kiến có hàng trăm, thậm chí cả chục ngàn cung phi, các ông quốc trưởng trên thế giới, cụ thể là gần đây cựu Tổng Thống Mitterand của Pháp, cựu Tổng Thống Bill Clinton của Mỹ cũng bê bối chuyện ngoại tình một cách lộ liễu có sao đâu. Còn như nộp đơn xin học trường thuộc địa của Pháp đâu nhất thiết phải chỉ vì mục đích phục vụ nước Pháp. Học cái hay của kẻ thù để sau này lập chí lớn chống lại kẻ thù hầu giải phóng dân tộc thì có gì đáng trách? Còn những mưu mô xảo quyệt trong ngoại giao, trong liên hệ với các đảng đối lập, thậm chí những vụ chém giết, đấu tố, nếu vì mục đích chiến thắng kẻ thù, giành đc lập, thì đều có thể tự bào chữa là tại chiến tranh, hay vì mục đích cao cả giành độc lập. (Cộng sản vẫn thường chủ trương cứu cánh biện minh cho phương tiện.)

Thậm chí CS còn có thể nói ngược lại là vì phe “ngụy” phe “Việt Gian” làm tay sai cho thực dân, đế quốc chống lại nhân dân do “nhà ái quốc” Hồ Chí Minh lãnh đạo, cho nên mới làm cho hàng triệu người chết như vậy. Chứ nếu thực dân đừng ngoan cố, đế quốc đừng xâm lăng, “bọn Việt gian” đừng cấu kết với thực dân, đế quốc, thì đâu dân và lính hai bên có phải chềt nhiều đến thế v.v...

Không phải chúng tôi tưởng tượng ra những lý luận trên. Chính nhiều tác giả CS và cả phi cộng sản đã từng bào chữa cho ông Hồ như vậy.

Trái lại những tác giả người Việt Hải Ngoại, khi nhắm đánh đổ thần tượng Hồ Chí Minh thường tố cáo ông ta và đảng CS làm tay sai cho Liên Xô hay Trung Quốc. Lập luận đó có thể dễ được chấp nhận bởi những nạn nhân của CS, những chính khách và tướng sĩ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam trước đây. Nhưng đối với những thành phần này, không cần phải đánh đổ thần tượng hay huyền thoại Hồ Chí Minh. Mục đích phải nhắm vào đảng viên CS và nhân dân trong nước, hoặc vào nhân dân thế giới, nhất là các nhà báo, sử gia quốc tế. Mà đối với những đối tượng sau này thì lập luận cho rằng ông Hồ làm tay sai cho Liên Xô và Trung Cộng, không có tính thuyết phục, khi mà họ thấy rõ ràng những thực tại như sau:

Cho đến 1955, thời đệ nhất Cộng Hòa, tại Sài Gòn vẫn còn có dinh Norodom trước kia là phủ Toàn Quyền Đông Dương, phủ Cao ủy Pháp, tổng hành dinh của chế độ thực dân, và ngay cả sau khi Pháp đã trao trả độc lập cho chính quyền Bảo Đại, cái dinh đó vẫn còn là bìểu hiệu của sự hiện diện của Pháp chi phối mọi hoạt động của chính quyền Bảo Đại. Các tên đường tại thủ đô Sài Gòn và các thành phố lớn đều mang tên danh nhân Pháp. Quân đội viễn chinh Pháp vẫn còn nhan nhản trên lãnh thổ Việt Nam. Những trận đánh lớn chống Việt Minh Cộng Sản đều do các danh tướng Pháp chỉ huy. Điển hình và rõ ràng nhất là trận Điện Biên Phủ. Số sĩ quan Việt Nam tham gia chống Việt Minh Cs tại đây rất ít, trong số đó có đại úy Nguyễn Văn Phú, sau này là tướng tư lệnh vùng hai chiến thuật đã tuẫn tiết khi miền Nam thất thủ. Còn lại tuyệt đại đa số là tướng lãnh (De Castries), sĩ quan và binh lính Pháp. Còn phía Việt Minh Cộng Sản hầu hết là tướng lãnh (Võ Nguyên Giáp) và sĩ quan, binh lính Việt Nam. Hai khuôn mặt Trung quốc thường được nhắc tới bên cạnh Võ Nguyên Giáp là hai tướng Trần Canh và Vi Quốc Thanh chỉ đóng vai “cố vấn” (ít là bề ngoài, một cách công khai), vì dưới quyền họ không thấy có sự hiện diện của những đơn vị tác chiến Trung Cộng.

Tại miền Bắc trong thời gian ấy cũng không có phủ toàn quyền, bộ tư lệnh quân sự của Liên Xô hay Trung Quốc. Các tên đường tại thủ đô Hà Nội hầu hết mang tên Việt Nam.

Chúng ta hãy đặt mình vào địa vị của người ngoại cuộc. Nhìn vào hai thực trạng ở hai miền Nam, Bắc lúc ấy, lập luận cho rằng Hà Nội lệ thuộc vào ngoại bang hơn Sài Gòn không đứng vững.

Vì vậy nếu chỉ nhìn sự kiện lịch sử mà đánh giá, thì chắc chắn không đánh đổ được thần tượng hay huyền thoại Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, hay “cha già dân tộc”. Vì những sự kiện ấy xác nhận ông Hồ và đảng CS Việt Nam có công đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập.

Về công lao thống nhất Tổ Quốc cũng tương tự như vậy. Nếu chỉ căn cứ vào những sự kiện thuần túy lịch sử, người ngoài sẽ thấy: Liền ngay sau khi mọi nền tảng pháp lý của Đệ Nhất Cộng Hòa hiến pháp, quốc hội... sụp đổ cùng với cái chết của vị tổng thống đầu tiên, Hà Nội đã ra nghị quyết số 9 tháng 12 năm 1963 cấp tốc đưa thêm cán binh vào Nam. Tình hình miền Nam càng ngày càng tồi tệ, bắt buộc Mỹ phải đổ quân tác chiến ồ ạt vào. Bắt đầu bằng 2 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến, cộng với xe tăng, trọng pháo (8-3-1965). Với một chính quyền tạm bợ, không có cơ sở pháp lý như chính phủ Phan Huy Quát lúc ấy bị coi như chính phủ bù nhìn, vì làm ngơ, hay bất lực, để quân ngoại quốc tự tiện tiến vào lãnh thổ của mình không do một lời yêu cầu hay một thỏa ước song phương, dư luận báo chí thế giới, kể cả Hoa Kỳ đều coi cuộc chống trả của quân Hà Nội là chính đáng. Tuy gần hai năm sau Trung Cộng cũng đưa vào Bắc Việt 320,000 quân, nhưng chỉ hạn chế tại một số vùng xa ở miền cực Bắc mà nhân dân Bắc Việt bị cấm nghiêm ngặt không được bén mảng đến gần. Báo chí ngoại quốc lại tuyệt đối không được thông báo. Thành ra nhân dân trong nước và thế giới chỉ thấy quân Mỹ nhan nhản mà không thấy quân Liên Xô, Trung Cộng. Hơn nữa Bắc Việt còn dùng những mánh lới tuyên truyền hạ đẳng, bắt những tù binh Mỹ, trong đó có nhiều phi công bị bắn rơi trong những cuộc dội bom miền Bắc, đi diễu hành tại các thành phố lớn, rồi đưa lên truyền hình tố cáo với dư luận thế giới. Trong khi đó, tại miền Nam không thấy những cảnh tương tự. Vì vậy mà dư luận coi như cuộc kháng chiến của Bắc Việt chống Mỹ cứu nước là có chính nghĩa.

Cho nên khi Cộng quân chiến thắng khiến Mỹ phải rút và Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, thì cái công “thống nhất đất nước” được dư luận thế giới ghi nhận là công của ông Hồ, mặc dù lúc ấy ông ta đã chết được gần 6 năm rồi.

Tóm lại, với cái nhìn phiến diện của một sử gia thuần túy, không thể nào phá vỡ được huyền thoại hay thần tượng Hồ Chí Minh. Vậy phải có cái nhìn như thế nào?

Như chúng tôi đã từng trình bày nhiều lần trên mạng và trên sách báo, muốn đánh đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phải đặt ông ta và cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ cộng sản có tính toàn cầu toàn diện, thường trực.[9]

Trước thời Copernicus (thế kỷ 16) và Galileo (thế kỷ 17), loài người, trong số đó không thiếu những nhà khoa học, nhìn lên bầu trời thì thấy mặt trời xoay quanh trái đất. Dù họ đứng ở một bãi biển, hay trên nóc nhà, hoặc ngay trên đỉnh núi Everest. Họ không thể thấy được rằng trái đất xoay quanh mặt trời. Chỉ cho đến khi Galileo tìm ra quỹ đạo của trái đất, và chứng minh bằng toán học thiên văn, người ta mới tin là trái đất xoay quanh mặt trời. Nếu Galileo cũng chỉ đứng nguyên tại chỗ trên mặt đất, dù là trên đỉnh núi cao nhất, mà không cố, bằng những phương trình phức tạp của toán học, và bằng óc tưởng tượng phi thường của một nhà bác học thiên văn, “bay” ra ngoài trái đất hàng vạn dặm để từ ngoài nhìn vào thái dương hệ, thì ông cũng sẽ chỉ thấy mặt trời xoay quanh trái đất như mọi người đồng thời mà thôi. Nhưng ông đã tìm ra quỹ đạo của trái đất và biết, và chứng minh được rằng trái đất xoay chung quanh mình và quay chung quanh mặt trời.

Theo chúng tôi, cũng tương tự như vậy, bao lâu chúng ta chưa đặt cuộc chiến Việt Nam vào trong khuôn khổ (hay quỹ đạo) cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu của Cộng Sản, và nắm vững các nguyên lý và quy luật của cuộc chiến đó thì chúng ta vẫn thấy cuộc chiến mà ông Hồ và đảng CS Việt Nam thi hành là một cuộc chiến vì chủ nghĩa dân tộc, và vì thế ông có công giành độc lập, thống nhất cho tổ quốc.

Trong những tác phẩm trước đây, nhất là cuốn Hồ Chí Minh - Nhận Định Tổng Hợp chúng tôi đã cố làm công việc đó. Ở đây chỉ xin tóm tắt trong vài trang.

Trước hết xin hãy nhìn cuộc chiến Việt Nam là một điểm nóng trong cái gọi là chiến tranh lạnh. Cái chiến tranh gọi là lạnh này thực ra là thế chiến 3. Thế chiến 3 này khởi sự quy mô ngay khi thế chiến 2 chưa kết thúc (trước 1945). Nhưng nó đã nhen nhúm từ khi Tuyên Ngôn Cộng Sản ra đời (đầu năm 1848). Với thuyết duy vật biện chứng và duy vật sử quan của Mác và Angels, nó là cuộc chiến tranh giai cấp. Giai cấp thì ở nước nào cũng có. Vậy nó là toàn cầu. Nó chủ trương tiêu diệt mọi giai cấp để cuối cùng đưa giai cấp vô sản lên nắm quyền chuyên chính. Lúc ấy thế giới sẽ là thế giới đại đồng, một thứ thiên đường ngay ở trần gian. Với chủ trương đó kèm theo chủ trương phá bỏ quyền tư hữu, là quyền bẩm sinh thiên nhiên và linh thiêng của con người, các ông tổ thuyết Cộng Sản đã ngang nhiên tuyên chiến với toàn thể nhân loại.

Đến khi chủ trương này được Liên Xô phát động công khai qua các cuộc sát nhập, thôn tính và xâm nhâp các nước Đông Âu, rồi dùng các chi bộ CS, các đảng CS dưới quyền chỉ huy của Đệ Tam Quốc Tế, tức của Liên Xô, để xâm chiếm nhiều quốc gia khác, thì các cường quốc Tây Phương mới nhìn thấy mối nguy của họa Cs. Và tìm cách đối phó, ngăn chặn. Lúc ấy không chỉ có các cường quốc Tây Phương, mà hầu như toàn thể thế giới đều được đặt trong tình trạng chiến tranh với CS. Cộng sản chủ chiến, khai chiến trước. Thế giới Tự Do chỉ tự vệ.

Nói đến đây không thể không nói đến chiến lược sách lược Lê-nin qua Đề Cương Về Chủ Nghĩa Thực Dân Và Chủ Nghĩa Dân Tộc. Theo đó, để tiến hành thế chiến 3, nhằm đi tới mục tiêu hủy diệt mọi giai cấp, thiết lập chuyên chính vô sản, cần phải chia cuộc chiến ra nhiều giai đoạn sách lược. Trong đó sách lược dùng phong trào dân tộc tại các nước bị trị, để tỉa dần lực lượng của các cường quốc dân chủ trên thế giới mà Cộng Sản mệnh danh là bọn đế quốc, thực dân. Sách lược này đã đánh lừa và thu hút được một số lãnh tụ các nước thuộc địa.

Đặc biệt ở Việt Nam, người thực hiện sách lược này lại là một cán bộ quan trọng của Quốc Tế III là Hồ Chí Minh. Ông này theo lệnh Quốc Tế 3 thành lập đảng CS Đông Dương để chống Pháp. Mục tiêu gần là giành độc lập. Nhưng mục tiêu xa và cũng là mục tiêu tối hậu là tiến tới thế giới đại đồng với chuyên chính vô sản. Chỉ nhìn mục tiêu gần, không thấy mục tiêu tối hậu, thì sẽ không thể nào hiểu được cuộc chiến Việt Nam

Tuy ngày nay chủ nghĩa Cộng sản đã phá sản, và trên thực tế không còn ảnh hưởng gì. Nhưng muốn tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam nói riêng và cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu nói chung, không thể nào không ôn lại một cách tóm tắt đại cương của thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đầu mối của chiến tranh ý thức hệ toàn cầu.

Cộng Sản chủ nghĩa của Mác, qua tuyên ngôn cộng sản, chủ yếu tấn công quyền tư hữu là quyền căn bản của con người. Tức của mọi người trên khắp trái đất. Cuộc chiến toàn cầu đã nhen nhúm từ đo..

Duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của Mác chủ trương đấu tranh giai cấp. Giai cấp là một yếu tố phổ quát. Mọi nước trên thế giới đều có giai cấp.

Duy vật lịch sử cho rằng lịch sử loài người bắt đầu bằng chế độ cộng sản nguyên thủy, qua các chế độ nô lệ, phong kiến đến chế độ tư bản, rồi tất yếu phải đến chế độ cộng sản, là chế độ cuối cùng, trong đó giới vô sản trên toàn thế giới, sau khi xóa bỏ mọi giai cấp khác sẽ lên nắm quyền chuyên chính. Lúc ấy sẽ không còn chính phủ. Mọi tài sản sẽ thành của chung. Thế giới sẽ thành thế giới đại đồng.

Trong tất cả những điều đó, chỉ cần nắm vững 3 yếu tố căn bản là quyền tư hữu, chiến tranh giai cấp, chế độ đại đồng với chuyên chính vô sản, là chúng ta sẽ thấy cuộc chiến tranh mà Cộng sản tiến hành là cuộc chiến toàn cầu, toàn diện thường trực và trường kỳ. Chỉ khi nào thế giới không còn giai cấp nào khác giai cấp vô sản, nghĩa là chỉ sau khi phe cộng sản toàn thắng mọi đế quốc, làm bá chủ hoàn cầu, lúc ấy mới hết chiến tranh.

Như vậy rõ ràng khái niệm chế độ đại đồng với chuyên chính vô sản hoàn toàn loại bỏ khái niệm dân tộc. Thế thì tại sao Lê-nin sau khi đã thành công trong “cách mạng tháng 10” lại đưa ra đề cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân?

Lê-nin không bao giờ dám làm ngược giáo điều của Mác. Ông ta cũng chủ trương thế giới đại đồng và chuyên chính vô sản, sau khi khối cộng toàn thắng. Ông ta không thể cổ võ cho chủ nghĩa dân tộc vì chủ nghĩa dân tộc được. Mà chỉ dùng chủ nghĩa dân tộc, chống thực dân đế quốc, hòng làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, được ông ta coi như giai đoạn cuối cùng của tư bản chủ nghĩa mà thôi. Nói cách khác chủ nghĩa dân tộc chỉ là sách lược giai đoạn nhằm tiến tới một thế giới đại đồng phi chính phủ, phi dân tộc.

Hồ Chí Minh khi đọc được đề cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân đã la lớn lên rằng ông ta đã tìm thấy cẩm nang, ánh sáng, vì lúc đó có thể ông ta chưa hiểu ý nghĩa sách lược của đề cương đó.

Nhưng về sau, sau khi đã được đào tạo kĩ để trở thành cán bộ cao cấp của Quốc Tế Cộng Sản, được bầu vào ủy ban trung ương (Quốc Tế Nông Dân) Quốc Tế 3 ở đại hội V, rồi được trao phó một nhiệm vụ quan trọng bí mật, dưới tấm bình phong là thông ngôn cho phái đoàn (Nga lãnh đạo bởi) Borodin cạnh Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tôn Dật Tiên, nhất là sau khi đã được cử làm đại diện của Quốc Tế III, chủ trì việc thống nhất 3 đảng CS ở Đông Dương để thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng, thì không thể bảo ông ta còn ngây thơ tin vào “chủ trương dân tộc vì chủ nghĩa dân tộc” của Lê-nin nữa.

Tất cả những gì chúng tôi vừa trình bày một cách tóm lược tối đa về lý thuyết và chiến lược, sách lược giai đoạn của Cộng Sản đã được trình bày một cách chi tiết hơn, trong cuốn Hồ Chí Minh - nhận định tổng hợp. Nếu cần tham khảo thêm xin mời đọc tác phẩm nói trên (từ trang 479 đến trang 502).

Nhân đây chúng tôi cũng xin mở một dấu ngoặc để có đôi lời giải thích tại sao đã nhắc đến đại danh của nhà bác học Ý Galileo của thế kỷ 17. Khi nêu danh nhà bác học này, chúng tôi chỉ muốn dùng một hình ảnh để làm tỉ dụ cho dễ hiểu một vấn đề phức tạp. Sự so sánh là một hình thức suy loại, trên hai bình diện khác nhau: Vấn đề Cộng sản, với chiến tranh ý thức hệ, là một vấn đề nhân văn, xã hội học. Còn vấn đề quả đất xoay quanh mặt trời là một vấn đề khoa học tự nhiên chính xác. Xin nhắc lại, đây là một sự so sánh suy loại (analogy) trên hai bình diện khác nhau.

Nhân sự so sánh này có một vị độc giả Đàn Chim Việt (với bút danh Lê Duy Khoa) đã hiểu lầm, cho rằng chúng tôi dám tự ví mình với Galileo. Để trả lời ông, tôi đã dẫn chứng lời của tôi trả lời phỏng vấn của bà Ngô Thị Hiền, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam. Trong bài phỏng vấn trên đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại ngày 15 tháng 9 năm 2003, bà Ngô Thị Hiền đã hỏi: tác giả có ý muốn so sánh mình với nhà bác học Galileo chăng, thì chúng tôi đã thưa rằng chúng tôi không có ý dám lấy ngọn dèn dầu mà ví với ngọn đèn pha. Chúng tôi cũng nói rõ rằng không chỉ có mình tôi biết đặt ông Hồ vào trong bối cảnh chiến tranh ý thực hệ toàn cầu của Cộng Sản. Trước tôi, đã có nhiều người làm việc đó. Và những người đó đã không lầm như một số sử gia, nhà báo ngoại quốc, mà cho rằng ông Hồ là anh hùng ái quốc, cha già dân tộc. Và phần đông những người biết làm như vậy đều là những nạn nhân của CS hoặc đã từng chung đụng với CS và chứng kiến tận mắt những việc làm tàn bạo theo chủ trương duy vật vô thần vô tôn giáo, vô tổ quốc của CS.

Ngoài 2 vấn đề về lý thuyết Mác-xít về quyền tư hữu, chiến tranh giai cấp và chuyên chính vô sản và về chiến lược, sách lược đấu tranh của Lê-nin qua đề cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân vừa nêu còn ba vấn đề nữa cũng cần nghiên cứu. Một là vai trò lãnh đạo phong trào Cộng Sản thế giới của Quốc Tế III tức Quốc Tế Cộng Sản. Hai là nghệ thuật tuyên truyền của Cộng Sản được coi là vũ khí chủ soái trong chiến tranh ý thức hệ. Ba là vai trò của Hồ Chí Minh trong việc vẽ kiểu đồng thời đúc cốt cho bức tượng “cha già dân tộc”.

Bốn trong năm vấn đề vừa nêu đã được trình bày tóm tắt (nhưng tương đối đầy đủ hơn) trong chương 43 của cuốn Hồ Chí Minh - nhận định tổng hợp.

Ở đây chúng tôi xin nói riêng một cách hết sức tóm tắt về vấn đề cuối cùng là vai trò tự vẽ kiểu và đúc cốt tượng của chính ông Hồ.[10] Từ khi đảng CS xác nhận: Trần Dân Tiên, tác giả cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh, dưới nhan đề Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch chính là “bác Hồ”, thì việc phá vỡ huyền thoại và đánh đổ thần tượng Hồ Chí Minh trở nên dễ dàng hơn.

Cuốn sách này được ông Hồ viết trong năm 1947, hoàn tất vào đầu năm 1948. Liền sau đó nó được dịch ra tiếng Pháp mang sang Ngưỡng Quảng, thủ đô Miến Điện, dịch ra tiếng Anh và nhiều tiếng khác để tung ra khắp nơi. Nó có trước bất cứ cuốn tiểu sử nào của Hồ Chí Minh. Vì vậy nó là cái mô hình nguyên thủy và là cái cốt lõi của huyền thoại “Cha già dân tộc”. Vì trong cuốn sách đó lần đầu tiên độc giả được thấy những chữ “Cha già dân tộc”. Xin trích lại hai đoạn vắn đã được trích dẫn trong chương sách thượng dẫn:

Trần Dân Tiên, tức Hồ Chí Minh, viết:

“Nhân dân Việt Nam muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ Tịch vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ Tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ Tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh... Nhiều nhà báo và người ngoại quốc rất ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha già Hồ Chí Minh... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước, yêu nhân dân của Hồ Chủ Tịch... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người... Chủ tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân...[11] Mọi người kính mến Hồ chủ tịch, nhất là thanh niên và nhi đồng. Ở ngoài mặt trận khi xung phong các chiến sĩ hô lớn: Vì tổ quốc, vì Bác Hồ tiến lên! Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn... Nhân dân gọi chủ tịch là Cha Già của dân tộc, vì Hồ chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ Quốc Việt Nam”.[12]

Dĩ nhiên trong cuốn sách của Trần Dân Tiên, những chữ “cha già dân tộc” còn được nhắc đến nhiều lần nữa.

Những ai không nghiên cứu về khoa tuyên truyền, và không biết sự quan trọng của cuốn sách về mặt tuyên truyền, dĩ nhiên chỉ thấy đây là một việc làm ngớ ngẩn đáng đem ra chế diễu, hoặc đả kích sự tự đề cao đến lố bịch trơ trẻn của Hồ Chí Minh.

Nhưng nếu lấy tư cách một chuyên viên về tuyên truyền chính trị, nhìn vào lịch sử chiến tranh vào năm 1946-47, là lúc Việt Minh cộng sản đang xính vính vì các cuộc tấn công của quân Pháp, thì mới thấy được lý do vì sao trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nguy hiểm ấy, mà lãnh tụ Việt Minh lại chịu để nhiều thì giờ viết tự truyện, tự đề cao mình một cách “khôi hài” như vậy. Đó không phải là tự khoe để phỉ chí tự mãn. Đó là một kiệt tác về tuyên truyền để phác họa nên những nét chính của một thần tượng, làm chất liệu phong phú cho công tác tuyên truyền, hòng thúc đẩy bộ đội, nhân dân lăn xả vào cuộc chiến và bắt nhân dân thế giới phải nể phục, lên tiếng ủng hộ.

Chính tuyệt tác tuyên truyền này đã cứu vãn sinh mạng chính trị của ông Hồ và đưa mặt trận Việt Minh ra khỏi ngõ bí. Cho đến khi mọi sự đã xong xuôi, Cộng sản đã toàn thắng thì thần tượng Hồ Chí Minh đã hoàn thành và càng ngày càng vững vàng hơn suốt thời gian 60 năm qua. Đến lúc đó thì chuyện đập sập thần tượng đó đã trở nên vô cùng khó khăn. Ngày nay có mấy nhà báo, sử gia nào đã trót bị lừa mà ca ngợi họ Hồ theo đúng ý muốn của ông ta dám can đảm nói lên rằng mình bị lầm? Họ vẫn im thin thít một cách đáng khinh. Cho nên việc vạch trần bộ mặt thật của Hồ Chí Minh phải là của người Quốc gia, chứ không có ai khác.

Khi đã biết chế độ cộng sản mà Mác tiên đoán, sau khi diệt xong Tư Bản, xóa sạch mọi giai cấp để chỉ còn giai cấp vô sản lên nắm quyền chuyên chính, tức độc tài toàn diện, chính là chế độ đại đồng, thì sẽ hiểu tại sao trong bài thơ thất ngôn bát cú Hồ Chí Minh viết đề tặng Đức Trần Hưng Đạo tại đền Kiếp Bạc lại có hai câu:

Bác đưa một nước qua nô lệ

Tôi dắt năm châu tới đại đồng.[13]

Lời lẽ này chẳng những chứng tỏ ông ta là con người vô cùng kiêu ngạo, xấc láo, mà còn cho thấy cái mộng hão huyền của một con người cuồng tín. Họ Hồ mơ mơ màng màng tưởng như chế độ đại đồng mà Mác hứa đã tới rồi. Nhưng không biết đó chỉ là ảo mộng. Vì mục đích muốn cùng với những lãnh tụ cộng sản thế giới dắt nhân loại trong năm châu bốn biển tới cái ảo ảnh (thế giới đại đồng) đó mà ông đưa toàn dân ta vào cuộc chiến khốc liệt suốt ba chục năm. Chứ tuyệt nhiên không phải vì ông muốn đưa dân tộc tới độc lập, thống nhất. Độc lập, thống nhất đạt được chỉ nhằm củng cố quyền lực của đảng Cộng sản hòng tiếp tục con đường dẫn tới ảo mộng thế giới đại đồng theo gót Liên Xô và Trung Cộng.

Chúng tôi chỉ nêu lên ở đây một trong nhiều chứng liệu, tiềm ẩn trong lý thuyết Mác-xít, có thể dùng để đả phá huyền thoại “cha già dân tộc” hay “anh hùng yêu nước” Hồ Chí Minh.[14]

Tóm lại tâm điểm của huyền thoại Hồ Chí Minh chính là huyền thoại “cha già dân tộc”. Nó nằm chính giữa và được vây phủ bởi hàng tá huyền thoại khác (như huyền thoại mắt có hai con ngươi, huyền thoại về đôi dép râu, huyền thoại lá gói bánh chưng cho dân, huyền thoại chiếc áo ấm cho bộ đội, huyền thoại cuộc sống giản dị, hy sinh hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình để hết tâm sức vào việc cứu nước v.v...) để tạo nên cái hào quang xung quanh thần tượng Hồ Chí Minh đến nay đã được CS nâng lên hàng “Bồ Tát”. Muốn đánh đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phải nhắm đúng tâm điểm. Đừng để bị lạc vào khu rừng rậm các huyền thoại khác.

Huyền thoại “cha già dân tộc”, nếu nhìn một cách phiến diện theo sử liệu về cuộc chiến Việt Nam thì hầu không thể chứng minh với thế giới rằng nó sai. Phải tìm hiểu nguồn gốc của chiến tranh Việt Nam, bắt nguồn từ cuộc chiến ý thức hệ CS. Rồi đặt ông Hồ và cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh (quỹ đạo) chiến tranh ý thức hệ toàn cầu.

Muốn tìm hiểu nguồn gốc này không thể không nghiên cứu về [1] lý thuyết chủ nghĩa Cộng Sản: duy vật biện chứng, duy vật sử quan, Tuyên Ngôn Cộng Sản, lịch sử 4 quốc tế cộng sản, trong đó Quốc Tế III là quan trọng nhất, lịch sử Liên Xô; [2] sách lược giai đoạn của Lê-nin nhằm lợi dụng chủ nghĩa dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh giai cấp; [3] vai trò lãnh đạo quyết định của Quốc Tế III, tức Quốc Tế Cộng Sản (mà thực tế là Liên Xô) trong cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu, toàn diện; [4] vũ khí chủ soái của chiến tranh ý thức hệ là khoa tuyên truyền; và sau cùng [5] kiệt tác (tuyên truyền) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch do chính ông Hồ trước tác dưới bút hiệu Trần Dân Tiên.

Mục đích bài này không phải là phá vỡ huyền thoại hay đánh sập thần tượng “cha già dân tộc”. Chúng tôi chỉ nêu lên tâm điểm và những khó khăn rồi tạm đưa ra một phương pháp chung cho công việc đó.

Quý độc giả nào muốn biết chúng tôi đã áp dụng những phương pháp cụ thể nào, lập luận ra sao và sử dụng những tài liệu nào nhằm khôi phục lại bộ mặt thật của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh xin mời đọc cuốn Hồ Chí Minh - Nhận Định Tổng Hợp thượng dẫn.

Trước khi chấm hết, tưởng cũng cần nêu lên một thực tại lịch sử thế giới đáng chú ý. Với sự sụp đổ của các nước Cộng Sản Đông Âu cuối thập niên 80 và sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cái gọi là thế giới đại đồng mà Mác đoán mò và hứa hão đã hiển nhiên biến mất như một ảo ảnh. Không còn ai tin nữa, kể cả những người Cộng sản Việt Nam. Vì thế Việt Cộng có thể chối phăng: Chúng tôi có theo Liên Xô đi tìm thế giới đại đồng đâu. Chúng tôi chỉ tranh đấu giành độc lập thống nhất cho Tổ Quốc. Nhiều người có thể tin. Vì nay làm gì còn Liên Xô. Còn Liên Bang Nga ngày nay đâu có dẫn dắt Cộng sản Việt Nam đi tìm thế giới đại đồng.

Nhưng bao lâu họ còn nhân danh đảng Cộng Sản, một tổ chức theo thuyết Mác-xít, để thống trị nhân dân ta một cách (chuyên chính) độc tài, áp bức như hiện nay, thì bấy lâu còn chứng tỏ họ chưa từ bỏ cái ảo tưởng về một thế giới đại đồng của một học thuyết đã hết thời.

Sự ngoan cố, cố đấm ăn xôi, bằng mọi cách, duy trì cái chính thể độc tài toàn diện hiện nay, theo mô hình “chuyên chính vô sản[15] của thuyết Mác-xít hoang tưởng, vẫn còn đang chứng minh một cách hùng hồn rằng Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản của ông ta không hề chiến đấu vì chủ nghĩa dân tộc, mà vì một chủ nghĩa ngoại lai hão huyền, mặc dù cái chủ thuyết đó đã phá sản.
Nam Cali 24-4-2007



[1] Thực ra ngày QTLĐ là ngày hội chung cho công nhân toàn thế giới, ở Mỹ ngày này được gọi là May Day, (đánh dấu sự thành công của công nhân Úc cách nay đúng 151 năm (21-4-1856), tranh đấu đòi quyền được hưởng mọi quyền lợi với thời lượng mỗi ngày chỉ làm 8 tiếng), không phải của giới vô sản theo chủ nghĩa CS. Nhưng Việt Cộng thường mừng lễ này theo tinh thần riêng.

[2] Chỉ xin nêu một danh tính, giáo sư Hoàng Xuân Hãn mà, cách đây 5 năm, chúng tôi đã có một bài nêu lên trường hợp của ông và phản bác nhận định của ông.
[3] Chúng tôi cũng chỉ nêu một tên: ông Lữ Phương, mà tôi đã dành hẳn một chương sách trong cuốn Tâm Sự Nước Non, Ai Giết Hồ Chí Minh? để nói lên cái sai lầm cơ bản của ông này.
[4] Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-1-2007 bắt dân cả nước học tập trong 4 năm!
[5] Những cán bộ Cộng Sản từng được ông Hồ đích thân đào tạo, và/hay được đào tạo tại học viên Lao Động Đông Phương (từng mệnh danh là trường Stalin), hoặc tại trường Hoàng Phố ở Hoa Nam là trường chung của cả Quốc, Cộng Trung hoa một thời. Trong số những cán bộ cao cấp cộng sản Việt Nam viết tiểu sử của lãnh tụ chỉ xin kể Trường Chinh người được coi là viết tiểu sử Hồ hay nhất, sau đó là Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài và Võ Nguyên Giáp. Riêng họ Võ có tới 5 cuốn viết về ông Hồ, chưa kể một cuốn hồi ký Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên, trong đó ông Hồ được nói đến nhiều hơn chính tác giả.
[6] Trong 42 chương, 2 phần đầu, cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp chúng tôi đã trích dẫn một số lớn.
[7] Encyclopedia Britannica, 2000, tập 5 trang 953-955.
[8] Encyclopedia Americana, 2000, tập 14, trang 253.
[9] Vấn đề khá rộng lớn và nhiêu khê này đã được nêu lên và giải đáp trong cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, dầy 777 trang, do Tủ Sách Tiếng Quê Hương, Virginia xuất bản năm 2003 và tái bản năm 2006.
[10] Muốn biết đầy đủ chi tiết xin mời xem chương 9 về Trần Dân Tiên trong cuốn Hồ Chí Minh Nhận Định Tổng Hợp nói trên (từ trang 163-180).
[11] Sách đã dẫn trang 62.
[12] SĐD trang 165-166.
[13] Nguyên văn toàn bài thơ như sau:
       Vịnh đền Kiếp Bạc
       Cũng tai cũng mắt, cũng anh hùng,
       Tôi, bác cùng chung chí kiếm cung,
       Bác phá quân Nguyên thanh kiếm bạc,
       Tôi trừ giặc Pháp lá cờ hồng
       Bác đưa một nước qua nô lệ
       Tôi dắt năm châu tới đại đồng (MV viết chữ đậm)
       Bác có khôn thiêng cười một tiếng
       Rằng tôi cách mệnh đã thành công.
[14] Khi đã am tường về chủ nghĩa Mác-xít thì sẽ hiểu mục đích của ông Hồ và đồng đảng nhắm khi cho làm cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, rồi sau đó áp dụng chế độ hợp tác hóa công nông thương nghiệp, cho thi hành chiến dịch đánh tư sản và thiết lập chuyên chính (tức nền độc tài toàn diện) vô sản. Không nhìn những sự việc đó dưới lăng kính chủ nghĩa Mác Lê thì sẽ lầm tưởng đó là những việc chính đáng cần làm để thu phục đại chúng hòng tiến hành thắng lợi cuộc chiến chống thực dân, đế quốc, đem lại độc lập thống nhất tổ quốc, rồi sau đó lãnh đạo toàn dân xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh.
[15] Nhiều lần chúng tôi đã nhấn mạnh, chuyên chính (vô sản), từ nguyên tự (Dictature, dictatorship...) chỉ có nghĩa đơn giản là độc tài (của giai cấp vô sản). Và vô sản ở đây thực tế chỉ là đảng Cộng Sản, hay một nhóm người lãnh đạo đảng Cộng Sản. Chuyên chính vô sản là cứu cánh và trung tâm điểm của thuyết Mác-xít. Vì thế mà tất cả các chế độ Cộng Sản (được mệnh danh là xã hội chủ nghĩa) trên thế giới từ trước tới nay đều áp dụng một chế độ độc tài (chuyên chính), dù rằng đáng lý ra chuyên chính vô sản chỉ nên được đưa ra áp dụng khi đã bá chủ thế giới, mới đúng chủ trương của Mác.

No comments: