SÁCH QUÝ
-
Thưa, đó là cuốn "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" của Việt kiều cựu thiếu tướng quân lực Việt Nam Cộng Hòa hiệu Hoành Linh, tên Đỗ Mậu. Đó là một cuốn sách tiếng Việt nổi tiếng toàn thế giới từ hải ngoại tới quốc nội những năm trước và sau 1990, được nhiều, rất nhiều người "yêu sử" tìm đọc và tự giáo dục kiến thức Việt Sử của mình bằng chỉ một cuốn sách đó.
Có thể nói đây là một quà tặng tuyệt vời của trời đất, của số mệnh hay đúng hơn là của cái sự tất yếu trong quy luật tội ác và trừng phạt(*) đã tặng cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, tặng cho những kẻ lười biếng thích học sử thông qua tiểu thuyết dã sử, và tặng luôn cho tiền đồ dân Việt một đống bầy hầy dơ dáy không bao giờ rửa được.
Toàn dân ta đã được học tập và tin thật như một bà ngoại tin chắc đứa cháu ngoại phải là cháu ruột của mình, rằng ông Ngô Đình Diệm là một nhà độc tài do tư bản đế quốc Mỹ dựng lên để làm tổng thống cho miền Nam Việt Nam, rằng ông Ngô Đình Diệm là một người độc ác, ngu muội và chủ trương gia đình trị để thống trị dân Việt muôn đời (nếu ông ấy muốn vậy mà không chịu đổi họ các em đi, đứa thành họ Lê, đứa thành họ Nguyễn gì đó như 3 anh em Lê Đức Thọ, nếu làm vậy chắc ông Diệm sẽ tồn tại ít ra là 50 năm nay), rằng ông Ngô Đình Diệm là người kỳ thị tôn giáo đã đàn áp Phật Giáo để đưa Công Giáo là đạo mà ông theo làm quốc giáo (chả hiểu người Việt mình đã có ý muốn lập quốc giáo từ hồi nào và do ai, chỉ biết rõ ràng rằng ông Hồ Chí Minh là người đã đem đạo Cộng Sản vào VN và giờ này nó đã trở nên quốc giáo với rất nhiều thanh thiếu niên cuồng tín, hơn cả cái xã thuyết Quốc Xã của Hitler dạo nào). Toàn dân ta đã được học tập và đã tin chắc như thế, nên khi ông Đỗ Mậu, một người tai to mặt lớn quyền cao chức trọng trong chế độ Miền Nam, viết "sách lịch sử" bôi nhọ cái chính quyền đã trọng dụng ông, bôi nhọ danh dự của toàn thể đồng bào Miền Nam với những lãnh tụ khả kính của họ thì nhà cầm quyền Cộng Sản mừng rỡ hơn bắt được vàng, đã dùng cuốn sách đó để minh chứng cho những điều giả dối họ đã dựng nên.
Đương nhiên và rất lố bịch, họ đã cho in và xuất bản cái cuốn sách đó ở trong nước, nơi mà chỉ có tác giả đảng viên mới được viết và in sách chính trị, họ biết trước rằng "nhân dân" của họ sẽ rất nóng lòng muốn biết vị "tướng lãnh cộng hòa" đó đã viết gì về cái "hậu trường vua chúa" đó. Họ cũng biết trước rằng sẽ không ai đủ khôn ngoan để thấy ngay cái nghịch lý trong việc họ xuất bản sách của kẻ thù. Thực ra thì với một tí trí khôn của con nít cộng với chút cảnh giác là có thể biết ngay cái "giá trị sử học" của một "cuốn sách do kẻ thù viết mà ta in lại" này ở cái chế độ mà văn hóa cũng bị lãnh đạo như ở Việt Nam. Thế mà, như đã nói từ đầu bài, rất, rất nhiều người Việt khắp nơi trên thế giới đã đọc và học Việt Sử từ cuốn sách đó.
Đau lòng! Và đau lòng hơn nữa là Việt Kiều, những người được tiếng là yêu chuộng tự do và có được sự giáo dục Âu Mỹ đầy tinh thần phản biện, lại cũng say mê mua đọc và cũng học Việt Sử từ cuốn sách này. Vấn đề này không làm tôi đau lòng, mà làm tôi tởm.
Theo tôi hiểu, lẽ ra tác giả Minh Võ, một người quen sống và suy nghĩ viết lách với những cứ liệu trung thực, sẽ không phải động não động bút về cái cuốn sách "lẽ ra không đáng đọc" ấy. Nhưng gặp thời thế thế thời phải thế, dân ta thế, thì phải có người báo động. Và ông đã phải nhắc đến cuốn sách này của Đỗ Mậu cách nay 10 năm. Thế nhưng cho đến năm 2005, trước khi rời VN thì tôi vẫn thấy trong tủ sách của một số gia đình, người ta trưng cuốn sách đó trang trọng như một vật biểu thị tri thức, biểu thị trí thức, biểu thị lòng yêu nước và yêu sử của gia đình họ. Họ không hề biết rằng nó chỉ biểu thị một điều giống như khi ta trưng cuốn "Cô Giáo Thảo" trong tủ sách nhà ta.
Xin phép tác giả Minh Võ được trích chương sách viết về cái tác giả Đỗ Mậu này trong tác phẩm "Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê" của ông để các bạn của Hồng Đức hiểu tại sao HĐ lại phẫn nộ như thế khi viết lời thiệu này. (Mặc dù trong tác phẩm này, Minh Võ chỉ bàn về những điều ông Đỗ Mậu nói về Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà thôi, nhưng thế cũng đủ để ta thấy cái tư cách của cái con người có cái tên hiệu lạ lùng: Hoành Linh.)
HỒNG ĐỨC
Ghi chú: (*) Luật tự nhiên: Bất kỳ kẻ phản bội nào cũng sẽ luôn tìm cách biện bạch cho sự phản nghịch vô ân của họ, viết hồi ký là điều dễ làm nhất, hãy xem Nguyễn Cao Kỳ...
====================
Đỗ Mậu:
(Đối với Đỗ Mậu ngàn trang sách của ông phải là ngàn lời nguyền rủa ông Diệm. Lỗi ông Diệm, theo ông Đỗ Mậu, tre toàn tỉnh Quảng Bình không ghi hết. Tội của ông Diệm, ông Đỗ Mậu cho rằng, nước sông Hương rửa không sạch…)
Thiếu tướng Hoành Linh Đỗ Mậu là người có số “Sinh vi quân, tử vi thần,” như chính ông, với tư cách một người ham mộ và nghiên cứu tử vi, đã bấm độn cho mình. Ông cũng tự cho mình là người đã cộng tác với Việt Minh rồi lại chống Việt Minh, đã là đội khố xanh của Pháp rồi quay lại chống Pháp, đã từng tôn Ngô Đình Diệm như lãnh tụ rồi hăng say lật ông Diệm và cho đến nay vẫn không ngớt thóa mạ ông Diệm hơn bất cứ ai khác..
Có thể thêm là ông cũng đã là ủy viên chính trị của “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng” do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch, rồi quay ra chỉ trích hội đồng này. Và khi tướng Nguyễn Khánh làm “chỉnh lý”, lên làm thủ tướng, ông lại giữ chức phó thủ tướng đặc trách văn hóa xã hội, để rồi sau đó cũng chỉ trích nặng nề chính phủ Nguyễn Khánh. Ông đã kết giao với tướng Kỳ trong cuộc đảo chính lật ông Diệm, nhưng rồi sau đó, ông lại chửi bới ông Kỳ không tiếc lời.
Từ ngày sang Mỹ ông không ngớt đả kích Cần Lao. Thì ra chính ông lại là Cần Lao gộc hạng nhất. Ông viết rằng chính ông Nhu đã muốn ông đứng đầu “quân ủy” Cần Lao[1][1] mà ông không nhận, chỉ nhận chức ủy viên trung ương “quân ủy.” Hình như thiếu tướng Đỗ Mậu bị ám ảnh bởi cái gốc Cần Lao của mình, cũng gần giống như Hitler ngày xưa bị ám ảnh bởi nguồn gốc Do Thái của ông ta. Do đó giống như Hitler nhìn đâu cũng thấy Do Thái và tìm diệt cho bằng được, ông Đỗ Mậu nhìn đâu cũng thấy Cần Lao. Cứ hễ ai lên tiếng bênh vực hay khen ông Diệm là bị ông Đỗ Mậu chụp cho mũ “Cần Lao” to tướng. Đôi chỗ ông thêm Cần Lao Công Giáo, có lẽ để được tự tách mình ra xa một chút chăng.
Không rõ hai nữ văn sĩ và ký giả Ellen Hammer và Marguerite Higgins có được ông liệt vào đảng Cần Lao không mà cũng bị ông bêu riếu đến buồn cười. Hay vì ông đại tá giám đốc an ninh quân đội hồi nào thường được tổng thống Ngô Đình Diệm gọi vào dinh-- không phải vì công vụ mà để tâm sự, lúc đêm đã về khuya, như chính ông khoe-- ghen với hai người đàn bà ngoại quốc rất kính trọng và chắc chắn cũng mến yêu vị tổng thống độc thân? Nếu chuyện này đến tai nhà văn Mỹ Gay Talese có thể tướng Đỗ Mậu sẽ được đem ra so sánh với Rudolf Hess của Hitler.
Cuốn hồi ký của ông, không biết có phải do chính ông viết không, mang tựa đề rất kêu “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”, xuất bản năm 1986, tái bản năm 1987 và tái bản lần nữa vào năm 1993, nhưng đã được in đi in lại tới chín, mười lần, theo nhà xuất bản Văn Nghệ cho biết.[2][2] Cuốn sách dầy trên ngàn trang này chứa đựng nhiều sử liệu quan trọng và được trình bày một cách chi tiết với sự việc cụ thể hấp dẫn, khiến độc giả, nếu đọc nhanh như đọc tiểu thuyết thì thấy rất hay. Nhưng nếu đọc kỹ từng trang, đối chiếu đoạn trên với đọan dưới và kiểm chứng lại với các tài liệu khác thì thấy nó chứa đầy dẫy những sai lầm, mâu thuẫn. Vì cuốn sách ngàn trang là ngàn lời nguyền rủa. Những sai lầm, mâu thuẫn lại quá nhiều, nếu trưng dẫn một cách tóm lược ra đây thì cũng phải cần đến hàng trăm trang. Vì vậy tôi chỉ xin nói tóm tắt rằng đối với ông Đỗ Mậu thì cả nhà ông Diệm đều đắc tội với dân với nước. Chính ông Diệm cũng là con người xấu xa, từ cái tướng đi, cặp mắt nhìn cho đến tính gian dâm lén lút, có con riêng, đến sự vô ơn bội nghĩa với những đồng chí cũ của mình, có lẽ cả với ông Đỗ Mậu nữa, cho đến hành động thân Pháp, thân Nhựt, làm tay sai cho Mỹ, phản bội quyền lợi dân tộc, và sau cùng rắp tâm bán đứng miền Nam cho cộng sản. Cái tội nặng nhất của ông Diệm, đối với ông Đỗ Mậu là tội kỳ thị, đàn áp và bách hại Phật Giáo. Chính cha ông Diệm là Ngô Đình Khả, mà ông Đỗ Mậu đã thường cùng với ông Ngô Đình Cẩn, đến viếng mộ vào những ngày tết trước khi ông Diệm cầm quyền, (“trong khi ông Diệm, ông Nhu ở Saigon không thèm về giỗ bố” như ông viết), cũng bị ông Đỗ Mậu gọi là tay sai cao cấp của thực dân Pháp…[3][3] Chưa kể đến những tội của các anh em ông Diệm còn nặng hơn nữa. Đúng là không bút nào tả xiết, “không nước sông nào rửa sạch.” Vì vậy xin bạn đọc tự tìm đọc thẳng cuốn sách ngàn trang này để tiện bề xét đoán trực tiếp. Nhưng đối với bạn trẻ, tôi đề nghị là hãy đọc chầm chậm với suy nghĩ cẩn trọng, đừng để bị lời văn lôi kéo.
Tôi cũng không có ý góp lời bàn ở đây vì cũng đã có nhiều sách phê bình tác phẩm này rồi. Một vài trang ở đây không nói được hết ý. Nếu tò mò muốn biết bạn đọc có thể tìm đọc cuốn “Việt Nam chính sử” của ông Nguyễn Văn Chức để so sánh đối chiếu với những gì ông Đỗ Mậu viết trong hồi ký ngàn trang của ông. Và cũng đừng quên ông Nguyễn Văn Chức chỉ chú trọng đến một số điểm quan trọng đối với ông ấy thôi.
Ngoài việc kể tội gia đình họ Ngô và chỉ trích những người mà ông gán cho cái tội Cần Lao, ông Đỗ Mậu đã nói về thành tích và công trạng cũng như tài cán của mình hơi nhiều. Ông lại chê tất cả những người lãnh đạo Việt Nam từ 1945 cho đến 1975, từ Hồ Chí Minh, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu.
Điều đó khiến người đọc phải nghĩ chỉ có ông Đỗ Mậu đáng làm Vua (sinh vi Quân), hay tổng thống, hay quốc trưởng, hay chủ tịch, hay tổng bí thư, như các ông Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, hay ít nhất cũng thủ tướng như Phan Văn Khải mới xứng đáng và chỉ có thế mới làm cho nước giầu dân mạnh được.
Nhưng ông cũng đã chẳng từng làm phó thủ tướng và ủy viên chính trị trong hội đồng quân nhân cách mạng, cũng có ảnh hưởng lớn nhất trong hội đồng vì nắm toàn bộ các vấn đề chính trị đó hay sao? Người đọc tự hỏi: Với “tài trí” của ông và “hậu thuẫn” của cả khối Phật Giáo chiếm tới 80% dân số Việt Nam, như phe ông thường nói (chưa kể ông Hilsman ở bộ Ngoại Giao Mỹ thời ấy, chắc cũng cùng phe với ông, còn nói trên 90%), đứng sau lưng anh hùng Thượng Tọa Thích Trí Quang, tại sao ông không cùng với vị thượng tọa đầy quyền uy và thế lực đó lợi dụng tình hình sau đảo chính nắm luôn chính quyền, làm quốc trưởng, chủ tịch luôn? Cái số đã là “sinh vi quân” cơ mà?
Khi viết hồi ký ông Đỗ Mậu đã lôi đúng 100 người, trong số đó cũng có những người có tên tuổi, từ các ông Võ Văn Ái, Tăng Xuân An (vần A) đến các ông Vân Xưa, Phan Xứng, Huỳnh Minh Ý (vần Y) ra làm chứng cho những điều ông nói xấu về ông Diệm. Ông trích cả thư riêng của một số vị như các ông Lê Tá, Lê Văn Thái (tức Thái trắng), Hoàng Đồng Tiếu, Tôn Thất Tuế, Võ Như Nguyện, Huỳnh Minh Ý gửi cho ông hay bạn ông. Dường như ông chẳng những muốn chứng minh rằng hàng trăm người cũng đồng ý với ông, mà còn muốn lôi những vị này đứng hẳn vào phe ông, dứt khoát phải ủng hộ ông, dù có nhiều vị trong số đó chắc chắn là không muốn, nhưng “miệng đã mắc quai.” Những ai không dám lên tiếng phản đối hay cải chính, hoặc đã chết không còn cơ hội cải chính nữa, thì được ông coi là đồng minh rồi. Và ông còn có thể dựa vào con số đông đó để lôi kéo thêm nhiều người khác. Đây là một tiểu xảo chính trị, không lấy gì làm tốt đẹp.
Nếu bạn đọc có cơ hội thử hỏi riêng một vài vị trong số đó như ông Lê Văn Thái ở San Diego hay ông Võ Như Nguyện ở Pau (Pháp) chẳng hạn xem các ông ấy có lấy làm hân hạnh khi thấy thư riêng của mình được ông Đỗ Mậu lợi dụng vào việc gây uy tín riêng cho ông ta không. Trừ phi các ông ấy muốn có một chức tổng bộ trưởng hay tổng giám đốc trong cái chính phủ tương lai nào đó của ông Đỗ Mậu, thiết tưởng chẳng ai thích thư riêng của mình được đăng lên sách báo. Dầu sao nếu có dịp bạn đọc thử đọc hết các bức thư hay tài liệu của một trăm vị đó xem họ viết gì, và những lời thư hay tài liệu đó chứng minh cho lập luận của ông Đỗ Mậu đến mức độ nào.
Để kết thúc chương này chúng tôi cảm thấy bất đắc dĩ phải đặt câu hỏi về tính liêm sỉ, không phải đối với thiếu tướng Đỗ Mậu, mà đối với một nhà tiểu trí thức, một nhà văn là ông Đoàn Thêm. Ông này được ông Đỗ Mậu nhắc đến và trưng dẫn trong hồi ký của ông đến 15 lần, có lẽ chỉ thua Karnow, Sheehan và Halberstam là những tác giả thiên cộng hay thiên tả coi toàn bộ phe quốc gia chẳng ra gì so với phe cộng sản, là những tác giả được trưng dẫn nhiều nhất trong “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”.
Đã làm đến chức phó đổng lý văn phòng của ông Diệm, ông Đoàn Thêm được coi như người trong bộ tham mưu cao cấp nhất của ông Diệm. (Về mặt hành chánh, những người giữ các chức đổng lý văn phòng, chánh văn Phòng, như ông Võ Văn Hải, hay chức bí thư, công cán ủy viên thường là những người thuộc ê-kíp của người đứng đầu cơ quan như bộ, phủ và khi người đứng đầu rời nhiệm sở thì đương nhiên đoàn tùy tùng này cũng ra đi, trừ phi người kế vị muốn giữ lại với sự đồng ý của đương sự.) Nếu thấy ông Diệm làm sai sao ông Đoàn Thêm không can ngăn. Nếu thấy ông Diệm cố chấp không can ngăn được và còn xấu xa, như ông viết, thì tại sao ông không từ chức trước, hay ít nhất cũng từ chức vào lúc nguy kịch cuối cùng của ông Diệm, giống như ông Vũ Văn Mẫu chẳng hạn, để vớt vát chút danh dự, mà lại cứ ngồi lỳ ở đó hưởng bổng lộc. Rồi sau khi ông Diệm chết mới lên tiếng chê bai và lên án ông Diệm?
[1][1] Từ “Quân ủy” mà ông Đỗ Mậu dùng đây, theo chỗ soạn giả được biết qua những người thân cận với trung tá Nguyễn Văn Châu, là do ông Đỗ Mậu nói theo từ của cộng sản. Chứ đảng Cần Lao Nhân vị của ông Nhu không có từ đó. Ông Châu có một thời giữ vai trò “Trưởng ban V (năm)”, mà ông Đỗ Mậu nói là “Chủ tịch Quân Ủy” ngụ ý là đảng Cần Lao cũng giống như đảng cộng sản. Thực tế hoàn toàn khác. Đảng cộng sản, với danh xưng “Đảng Lao Động” miền Bắc lúc ấy, là đảng lãnh đạo. Lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo nhân dân. Thành viên chính phủ là đảng viên. Dân biểu quốc hội là đảng viên. Chủ tịch quân ủy trung ương là ủy viên bộ chính trị của đảng. Quân ủy trung ương là một bộ phận chính thức đầu não của quân đội, mà chủ tịch có lúc là tổng tư lệnh quân đội.
Trái lại đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu không hề có một địa vị và tầm quan trọng như thế trong chính phủ của tổng thống Ngô Đình Diệm. Bằng chứng là hầu hết bộ trưởng không phải đảng viên Cần Lao. Chính ông Ngô đình Nhu là tổng bí thư cũng không giữ chức vụ gì chính thức trong chính phủ, trừ trường hợp sau này với sự ra đời của quốc sách Ap Chiến Lược, ông được cử giữ chức vụ phối hợp các bộ, một thứ chủ tịch ủy ban liên bộ về quốc sách Ap Chiến Lược…
Về phía quân đội trung tá Châu chỉ là giám đốc một nha trong số nhiều nha và trên nha còn có các tổng nha thuộc bộ Quốc Phòng. Việc ông Nhu, với tư cách lãnh đạo đảng, chọn, hay tổ chức bầu (?) ông Châu, hay ông Đỗ Mậu, như chính ông này viết trong hồi ký của ông, không phải để lãnh đạo quân đội như Võ nguyên Giáp của đảng cộng sản. Ông Châu thực ra, ngoài chức vụ chính thức là giám đốc một nha dưới quyền bộ trưởng quốc phòng, chỉ có một nhiệm vụ rất khiêm tốn và hạn chế đối với riêng ông Nhu mà thôi. Với chức trưởng ban V, ông Châu không có chút quyền hành gì với các cấp chỉ huy trong quân đội, ngoài một số sĩ quan trực tiếp dưới quyền ông thuộc nha Chiến Tranh Tâm Lý.
Như vậy dùng từ “quân ủy” để gọi thay cho danh xưng chính thức của nó là hoàn toàn sai, khiến gây ngộ nhận vô cùng tai hại. Nếu thời đó có một vài ông tướng, tá nể sợ ông Châu hay bợ đỡ ông ta, là vì họ hy vọng được ông này báo cáo tốt với ông Nhu hay ông Diệm. Chứ về mặt pháp lý và tổ chức họ không có bất cứ lý do gì phải khúm núm, sợ sệt trước ông Châu, cũng như sau này người kế vị ông ta, khi ông ta đã bị hạ tầng công tác, vì tổng thống Diệm hay biết được là có những vị tướng bợ đỡ ông ta, làm hại uy danh quân đội.
[2][2] Một nhà thơ sang Mỹ định cư năm 1997, ông Thái Thủy, cho biết ở Saigon ông đã được đọc tác phẩm này do nhà xuất bản “Công An Nhân Dân” phát hành với một số thay đổi nhỏ cho hợp với luận điệu của đảng hơn.
[3][3] Người dân Huế ít có ai lại không biết câu phong dao “Đầy vua không Khả, Đào mả không Bài” được truyền tụng vào tiền bán thế kỷ 20 nói về sự can đảm của hai vị đại thần của Nhà Nguyễn, Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài, đã dám chống lại quyết định của thực dân Pháp đầy vua Thành Thái và đào lăng vua Tự Đức để lấy châu báu. Nhà văn cộng sản Vũ Thư Hiên trong “hồi ký chính trị của một người không làm chính trị” nhan đề Đêm Giữa Ban Ngày có thuật lại việc ông Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu phong dao nói trên như là cái cớ để hạ lệnh phóng thích ông Ngô Đình Diệm. Vì theo ông Hồ người dân Huế có lòng kính trọng cha ông Diệm đến thế thì cũng nên vì người cha mà thả người con. Xin xem sách đã dẫn (nhà xuất bản Paris, 1988) trang 226-227, có trích đăng trong phần phụ lục soạn phẩm này.
No comments:
Post a Comment