Suy nghĩ về chính tả, đọc “Quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt” của Vũ Xuân Lương
Hồng Đức
Trên trang web của Trung Tâm
Từ Điển Học Việt Nam[1]
thì tác giả của cái qui tắc này là Vũ Xuân Lương nhưng trong bài “Vấn đề đánh dấu thanh tiếng Việt” của tác giả Dũng Vũ[2]
thì Vũ Xuân Lương và Hoàng Phê là đồng tác giả của qui tắc. (Có lẽ vì DV thấy
đăng chính thức trong vietlex.com mà Hoàng Phê là “chủ tịch vĩnh viễn” chăng?)
Tác giả Dũng Vũ đã có những nhận xét và
phê bình cái qui tắc này một cách khoa học và xác đáng cũng như có phê bình
thêm về qui tắc bỏ dấu của một tác giả khác nữa là Đoàn Xuân Kiên[3]
sau khi đã nêu ra các đặc điểm ngữ âm của tiếng và chữ Việt.
Bài viết này không nhằm mục
đích đánh giá lại cái qui tắc của Vũ Xuân Lương bằng các phương pháp khoa học
như Dũng Vũ đã làm mà chỉ có ý đưa ra vài suy nghĩ về văn hóa và người làm văn
hóa Việt Nam.
Cần biết rằng vietlex.com là
trang web chính thức của Trung Tâm Từ Điển Học,[4]
một trung tâm của nhà nước và đảng CSVN, nên những bài viết, những qui luật mà
trung tâm này phổ biến sẽ có ảnh hưởng rất sâu rộng trong tầng lớp sinh viên
học sinh và giáo viên cũng như giới trí thức trong nước. Chắc chắn rằng cái qui
tắc này đã trở thành qui luật ở những tòa soạn báo chí, ở những nhà xuất bản, ở
những cơ sở đang làm công việc chuyển văn bản thành dữ liệu điện toán và đang
dần biến thành thói quen của mọi tầng lớp dân chúng khi phải “đánh máy”.
Một số trí thức trẻ hải ngoại
cũng bị thuyết phục hoặc bị mê hoặc bởi cái qui tắc này sau khi họ thắc mắc về
cách đánh dấu tiếng Việt, truy tìm bài viết về vấn đề này trên Internet và chỉ
thấy bài của Vũ Xuân Lương là đơn giản, là có vẻ có qui luật và dễ nhớ nên áp
dụng theo. Còn bài viết của Dũng Vũ thì quá phức tạp, chứng minh dài dòng, lại
có mấy cái biểu đồ cái nào cũng giống cái nào, chả biết đưa ra để làm gì, bèn
không đọc kĩ, hoặc có đọc cũng chả hiểu bèn bỏ qua, hoặc cho rằng tác giả (DV)
là một người khoe mẽ, ra cái điều hiện đại có máy móc ghi biểu đồ tần số âm
thanh, bèn có ác cảm với tác giả và không quan tâm chứ đừng nói tới áp dụng các
đề nghị của tác giả.
Rồi lại có bài của Cao Xuân
Hạo đánh giá rất cao bài viết của Dũng Vũ cũng tại trang web Mạng Giáo Dục nói
trên. Nhưng đây cũng lại là một bài viết dài dòng văn tự, chủ yếu để trình bày
các phát kiến của ông (CXH) trong lãnh vực gọi là “âm vị học” của tiếng Việt
(và cũng phần nào muốn tỏ ra rằng học sinh ngày trước ở miền Bắc đã được học
một thứ tiếng Việt hiện đại hơn miền Nam, do công của ông).
Và điều quan trọng nhất là
chưa một vị học giả có tên tuổi nào đứng ra kêu gọi hay đề xuất một qui tắc bỏ
dấu đơn giản cho xã hội sử dụng ngoài “giáo sư” Hoàng Phê và “chuyên viên” Vũ
Xuân Lương. (Các dấu ngoặc kép ở đây có lý do của nó, xin được trình bày sau.)
Kể cũng đúng thôi, vấn đề đánh dấu giọng này mà các vị
trí thức lão thành thường cho là khỏi phải bàn -- vì xưa nay đã ổn rồi -- nên
không cụ nào lên tiếng. Các cụ không thể nào tưởng tượng là ngày nay lại có kẻ
dám sửa lại những điều cha ông đã làm thành thói quen, thành qui luật từ bao
lâu nay, nên khi có ai đó giúp các cụ “đánh máy”, in ra thấy kì kì thì các cụ
cũng chỉ lắc đầu bảo tụi trẻ bây giờ đánh máy kém quá, lỗi tùm lum, hoặc các cụ
cho là máy điện toán không dễ dùng như máy đánh chữ, rồi các cụ đành chịu vì có
yêu cầu sửa lại cũng rất khó khăn, thôi thì có chữ đọc là được rồi, không nhằm
nhò gì ba cái dấu chỗ này chỗ kia.
Thế mà không đơn giản như
các cụ tưởng, sau lưng các cụ người ta đang tìm mọi cách để chứng minh là những
gì -- tất cả những gì -- mà các cụ và cha anh các cụ đã làm đều sai, đều dở, đều
tệ hại và cần phải được sửa lại.
Với cái tựa đề “Quy tắc đánh
dấu...” cứ y như là “quy tắc giao thông” vậy, nó có vẻ khẳng định đây là những
quy tắc đã được đề ra bởi cơ quan chức năng sau những nghiên cứu, dùng thử và
đánh giá nghiêm túc. Nhưng không phải vậy.
Được đăng trên một trang web
như thế, nó sẽ làm người đọc tưởng đây là quyết định hay nghị định gì gì đó mới
ra của “Hàn Lâm Viện Ngôn Ngữ Việt Nam”, một cơ quan mà sau hơn 30 năm xây dựng
“một quê hương giàu đẹp”, một đất nước “độc lập tự do hạnh phúc” ắt là phải có
mặt và hoạt động để hướng dẫn người dân sử dụng ngôn ngữ tự do trong vòng tiến
bộ để ngôn ngữ ngày càng đẹp hơn hầu đem lại nhiều hạnh phúc hơn cho nhân dân
trên cái quê hương đó. Nhưng hình như cái cơ quan đó chưa hề tồn tại hoặc có
tồn tại mà chưa hề hoạt động.
Và qua các mâu thuẫn trong
lập luận, áp đặt trong kết luận, cái “quy tắc” này đã nói lên một cái gì khác
ngoài vấn đề chữ nghĩa.
Những “quy tắc” tưởng chừng
“mới”.
Bản qui tắc của Vũ Xuân
Lương có vẻ rất đơn giản chỉ với 4 trang giấy in mà gồm đủ các qui tắc và phần
giải thích lý do phải áp dụng, chưa kể phần mào đầu và phần định nghĩa các
thuật ngữ trong lãnh vực ngữ âm học. Sự đơn giản này hấp dẫn giới trẻ vốn thích
những gì thực tế.
Bản qui tắc này gồm 5 qui
tắc, xin tóm lược như sau:
Quy tắc 1. Với những từ chỉ có một nguyên âm, “thì dấu thanh được đặt vào nguyên âm đó.
Vd: á à, ì ạch, ọ ẹ, ủ rũ, ọp ẹp, ục ịch, hà, lán, giá, giục, quả, quỹ, quỵt...
(u và i
trong gi và qu
không được kể là nguyên âm mà hợp với g và q thành các tổ hợp phụ âm.)” (trích nguyên văn)
Quy tắc 2. Với những từ có nguyên âm mang dấu phụ (gọi là
“dấu âm” thì đúng hơn – HĐ chú) như Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư “thì dấu thanh đặt ở
nguyên âm mang dấu phụ đó (riêng ƯƠ, dấu đặt ở Ơ). Vd: ế ẩm, ồ ề, ở rể, ứ ừ, chiền chiện, cuội, cừu,
duệ, duềnh, giội, giường, ngoằng, quyệt, ruỗng, rượu, siết, suyển, tuẫn
tiết, tiến triển...”
Quy tắc 3. Với những từ có hai nguyên âm và kết thúc
bằng phụ âm “thì dấu thanh được đặt vào nguyên âm chót. Vd: choàng, hoạch, loét, quẹt, suýt, thoát, xoèn
xoẹt...”
Quy tắc 4. Với những từ “kết thúc bằng oa, oe, uy, dấu thanh được đặt vào con chữ nguyên âm
chót. Vd: hoạ, hoè, huỷ, loà xoà,
loé, suý, thuỷ...”
Quy tắc 5. Với những từ kết thúc bằng hai hay ba nguyên
âm “khác với oa, oe, uy, thì dấu thanh được
đặt vào nguyên âm áp chót. Vd: bài, bảy, chĩa, chịu, của, đào hào, giúi, hoại,
mía, ngoáy, ngoáo, quạu, quẹo, ngoẻo, chịu, chĩa...”
Ngoài qui tắc số 4 thì 4 qui tắc kia đưa đến kết quả giống hệt với cách bỏ dấu xưa nay của cha anh chúng ta trước khi những “người con ưu tú” bắt đầu “chỉ đạo văn hóa” của dân tộc. Tất cả những ai đã từng quen với chiếc máy đánh chữ hoặc đọc nhiều sách báo cũ đều thấy rằng sách báo hiện tại dưới sự chỉ đạo của “đỉnh cao trí tuệ” của Đảng có cách xếp chữ chẳng khác gì ngày trước. Vì sự xuất hiện của các vần oa, oe, uy rất hiếm nên thường không ai thấy có sự khác biệt.
Vậy nên mới nói “mới mà
không mới”.
Áp đặt võ đoán
Theo cách xếp chữ cũ (từ nay
xin gọi là cách bỏ dấu truyền thống), thì dấu giọng sẽ bỏ trên mẫu-tự-nguyên-âm
áp chót nếu vần kết thúc bằng 2 mẫu tự nguyên âm trở lên. Nói “mẫu tự nguyên
âm” là để kể cả “y” vào trong trường hợp này. Thế nên cách truyền thống viết
“hóa, xòe, súy” chứ không phải cải cách thành “hoá, xoè, suý” như qui tắc 4 của
VXL.
Lý giải cho sự “cải cách” này, tác giả VXL đã phải áp đặt qui luật dấu
thanh phải được đặt trên nguyên âm mà không giải thích tại sao lại cần phải
như vậy. (Mặc dù chưa bao giờ có ai đặt dấu trên phụ âm tiếng Việt ngoại trừ
khi viết tắt: “Ngã” hay “ngø” thay cho “Nguyễn, người”
chẳng hạn. Hoặc có người khi viết tắt lại bỏ dấu vào khoảng không: Ng ã hay ng ø chẳng hạn.) Tuy không minh
thị xác định rằng mình đang áp dụng qui luật này, nhưng một khi tác giả chỉ dựa
vào tính năng của mẫu tự nguyên âm (âm nguyên, âm bán-nguyên...) để phân tích
và lý luận, người đọc ắt nhận ra cái qui luật trên là chủ đạo cho lập luận của
tác giả.
Trong thực tế phát âm, khi
gặp một từ (hay còn gọi là “tiếng”, hay “âm tiết” như VXL dùng) có phụ âm cuối
thì thanh điệu (biểu thị bằng dấu thanh) bao trùm cả phần phụ âm này, tức là
thanh điệu bao trùm toàn thể một vần. Có thể thẩm định điều này bằng cách đọc
to vài từ sau: “uống, bình, ủng, liễn, đoạn”. Vậy dấu thanh vẫn có thể đặt vào
phụ âm cuối chứ. Dấu-thanh-phải-đặt-trên-nguyên-âm chẳng qua chỉ là một qui
ước xưa nay chứ chưa bao giờ là qui luật tự nhiên cả. (Chính Cao
Xuân Hạo cũng đã nói như vậy trong bài viết của mình.) Và rõ nhất là khi ráp
vần để tập đọc, chúng ta luôn dạy học trò bỏ dấu sau cùng: “Lờ ư lư ơ lưa ngờ
Lương huyền Lường”, chứ đâu có ai ráp “Lờ ư lư ơ lưa huyền lừa ngờ Lường” đâu.
Nhưng vì “dấu phải được đặt
trên nguyên âm” nên xuất hiện vấn đề khi gặp từ có hai nguyên âm trở lên thì
đánh dấu ở đâu. Để giải quyết, tác giả phải vận dụng tới khái niệm “bán nguyên
âm” là khái niệm khá quen thuộc đối với những người đã từng học ngoại ngữ. Do
có vẻ quen thuộc nên họ dễ chấp nhận. Nhưng đây cũng là một khái niệm mơ hồ đối
với họ vì mấy ai khi học ngoại ngữ lại định nghĩa được rõ ràng “bán nguyên âm”
là gì. Rồi lại xuất hiện thuật ngữ “bán phụ âm”. Quả thực nghe cũng có vẻ quen
thuộc vì đã có bán nguyên âm thì phải có bán phụ âm chứ. Và một khi gặp đám hỏa
mù thuật ngữ như vậy, những “kẻ ngoại đạo” đối với lãnh vực ngữ âm đành có cảm
giác bị khuất phục.
Các nhận định về ngữ âm chỉ
dựa trên mặt chữ.
Tính năng của 2 mẫu tự đồng âm
“i” và “y” khi đi sau nguyên âm được tác giả của qui tắc giải thích:
“Với con chữ I, cũng tương tự, nó vừa
dùng để viết nguyên âm i (im ỉm, in ít...), vừa dùng để viết bán phụ âm i đóng vai trò là âm cuối trong các trường hợp
như: tai tái, cày cấy, táy máy...”
Rõ ràng vì tác giả không muốn đặt dấu trên mẫu tự “i” hay
“y” ở cuối nên phải đặt cho chúng cái chức năng làm “bán phụ âm” bất chấp những
mẫu tự này vang lên rõ thế nào khi được phát âm. Nếu tác giả chịu khó ngồi phát
âm các từ trong ví dụ của chính mình thì chắc tác giả cũng thấy âm [i] của mẫu
tự “y” trong từ “táy máy” ngân vang rất rõ ràng sau một âm [a] cụt lủn. Nếu tác
giả gọi chữ “a” trong trường hợp này là “bán nguyên âm” thì may ra còn chấp
nhận được. Nhưng gọi “y” là “bán phụ âm” thì đúng là tác giả chưa hề nghe ai
nói hay đọc 2 từ “táy máy”.
Trường hợp “tai tái” thì mặc dù âm [i] phát ra không rõ
ràng như âm [a] đi trước nó nhưng [i] này cũng không đến nỗi cụt mà gọi nó là
bán âm này kia. Thực ra cặp “ai” là một nguyên âm ghép (còn gọi là “nhị trùng
âm”). Một âm nguyên được phát ra rõ ràng mà lại gọi
là “bán phụ âm” thì rõ ràng tác giả chỉ nhìn mặt chữ mà xác định tính năng của
từng mẫu tự mà thôi.
Tương tự là sự lầm lẫn về chữ
“o” hay “u” cuối từ. Tác giả nói:
“Khi dùng O và U để viết w đóng
vai trò là âm cuối trong các trường hợp như đào hào, báo cáo, táo, đau, rau
câu... thì gọi là bán phụ âm.”
Câu của tác giả hơi tối nghĩa, xin mạn phép “dịch” lại
như sau:
“Khi mẫu tự “o” hoặc “u” được dùng để viết âm [w] ở cuối
âm tiết như trong các trường hợp “đào hào, báo cáo, đau, rau câu...” thì được
gọi là các bán phụ âm.”
Điều đáng khen là tác giả đã nhận ra rằng tuy “o” và “u”
được viết 2 kiểu khác nhau nhưng lại được phát âm giống nhau là [w] tuy điều
này chưa đúng hẳn. Nhưng vẫn không thể bảo rằng tác giả đã nghe kĩ những tiếng
trong ví dụ của mình: Vì chúng chỉ khá giống nhau thôi. Âm cuối của “đào” quả
thực nửa [o] nửa [u] nên có thể tạm chấp nhận là “bán nguyên âm” -- vì ở cuối
nên tác giả gọi là “bán phụ âm”? -- nhưng mẫu tự “u” của “đau” thì vang rõ ràng
âm [u], chỉ có âm [a] phía trước là cụt lủn giống trường hợp a cụt của “táy
máy” ở trên. Gọi “u” này là bán phụ âm thì cũng sai như trường hợp “y” cuối của
“táy máy”.
Nói thêm cho rõ
Nếu để ý ai cũng thấy ngay “ă” chẳng qua chỉ là [a] ngắn,
“â” chẳng qua chỉ là [ơ] ngắn. Trong ký âm ngôn ngữ, không có một ký hiệu riêng
và cụ thể để diễn tả âm ngắn,[5]
thế nên những người tặng dân tộc ta chữ quốc ngữ đã phải dùng tới dấu trăng
(cho chữ ă) để chỉ âm ngắn của [a]; và đặt dấu mũ trên đầu “a” thành “â” làm âm
ngắn của [ơ], không lẽ đặt dấu trăng lên đầu “ơ” để tạo thành một “cục dấu” như
vầy: “ôê”.
Nếu để ý tiếp thì cũng thấy ngay rằng “i” và “y” đều mang
âm nguyên [i]; và rằng “y” làm nguyên âm trước nó ngắn lại, còn “i” thì không.
Thế nên “táy máy” chẳng qua chỉ là “tắi mắi” mà thôi. Đã gọi “ă” là nguyên âm
thì phải gọi “ăi” là nguyên âm đôi, và âm [i] cuối là nguyên âm, không có bán
phụ âm, bán nguyên âm gì ở đây hết.
Trường hợp của “uy” cũng thế. Vì “u” bị “y” làm ngắn lại
nên đọc giống bán nguyên âm [w]. Nếu dùng dấu trăng để làm ngắn một âm, có thể
viết “tuy” thành “tuêi”. Và “y” cuối vẫn vẫn ngân vang rõ ràng do đó
nó phải là âm nguyên [i].
“U” đi sau cũng làm “a” ngắn lại. Nếu không vậy, “đau” sẽ
được phát âm rất giống “đao”. Vậy “đau” được phát âm là “đău”, và “u” ở đây vẫn
là nguyên âm vì vang rất rõ ràng.
Riêng “tây” thì đúng ra chỉ cần viết “tâi” là được, vẫn
đủ phân biệt với “tơi” mà không cần đến “y”. Thế nhưng “tập tục là chủ nhân ông
của ngôn ngữ” -- lời giáo sư Lê Ngọc Trụ trong “Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị”
in năm 1959 --, không cần phải sửa “tây” thành “tơy” hoặc thành “tâi” làm gì để
rồi lại phải rắc rối với những cuốn sách in trước “cải cách hiện đại” này. Và
cũng không cần tới khái niệm “bán phụ âm” ở đây. “Y” trong trường hợp này vẫn
là âm nguyên [i].
Nói đến “cải cách hiện đại”, cần rút kinh nghiệm người
Trung Hoa: dân chúng đã không tỉnh táo khi Mao cho sửa lại chữ viết của họ, bảo
là để giản tiện hơn khi viết[6].
Thoạt đầu thì “đại thành công” vì con nít học kiểu chữ mới rất nhanh, tưởng
rằng xóa mù chữ cả nước đến nơi. Nhưng cho đến khoảng những năm 90 thì có
chuyện cười ra nước mắt:
Số là có một giáo sư Hán học người Việt nọ được đi du
lịch Trung Quốc. Vì là du lịch rẻ tiền nên ông được đưa đi thăm thú ở làng quê
Trung Hoa nhiều hơn là ở thành thị. Thế là ông giáo sư này gặp may. Sau gần nửa
thế kỷ dùng chữ mới, những người đọc được chữ cũ càng ngày càng ít đi, ở thôn
quê lại càng thậm tệ vì các nông dân vốn đã mù chữ từ trước, chỉ còn đám trẻ
được đi học nhưng lại học chữ mới. Cha hỏi con rồi con hỏi cha mỗi khi họ giở
các cuốn gia phả hoặc giấy tờ kinh sách cũ của các đình chùa miếu mạo ra xem mà
chả hiểu gì mấy. Thấy ông giáo sư người Việt ung dung đứng trước cổng một ngôi
chùa, thưởng thức ngâm nga các câu đối, các bài thơ khắc trên tường trên cột đã
rêu phong mốc thếch, họ như bắt được vàng nghĩ ngay đến chuyện nhờ ông ta giải
thích hộ những chữ quái gở trong gia phả hay ngay trong nhà họ. Thế là tranh
nhau, những người Trung Hoa ấy mời ông Việt Nam về nhà, về chùa, đãi đằng đủ
thứ, dọn chỗ cho ở, cung cấp người hầu hạ, để ông ngoại quốc này thoải mái đọc
giùm họ chữ của họ và ghi lại bằng thứ chữ “cải cách” để họ giữ gìn. Chả hiểu
ông giáo sư nọ ở lại ngôi làng đó bao lâu và giúp được bao nhiêu người có gia
phả ở thôn đó. Chỉ biết là một khi văn hóa bị “lãnh đạo” thì hậu quả của nó
không xảy ra ngay đâu, nhưng đã xảy ra rồi thì tai hại khôn lường. Còn những kẻ
lãnh đạo Trung Hoa hiện nay thì không tội gì vạch áo cho người xem lưng, thế
giới sẽ chẳng bao giờ biết văn hóa và văn minh xứ này đã đi lạc đến đâu.
Sai lầm khi gọi “o, u” trong “oa, oe, uy” là bán
nguyên âm
Ai có biết về hệ thống phiên âm quốc tế đều thấy đúng là
“hoa” được phát âm là [hwa]. Và một học sinh lớp 6 cũng nhận ra ngay trong
trường hợp này “o” = [w]. Vũ Xuân Lương cũng nhận ra điều này và mau mắn đem áp
dụng thành qui tắc. Nhưng tất cả mọi người Việt Nam (trừ 2 ông tổ ngữ âm Vũ
Xuân Lương và Hoàng Phê) đều biết “oa” không hề được phát âm là [wa] mà vẫn cứ
phải là [Ca][7]:
âm [C] được phát rất cứng trong
từ này. Cũng không ai nói “ủy ban” là [wỉ ban]. Nếu không thì người Nam Bộ đã
viết thành “quỉ ban” rồi. Thế nên một người Việt Nam dù giỏi tiếng Anh đến đâu
đi nữa thì cũng không bao giờ tưởng tượng được “Uyn-xơn” lại là tên một vị tổng
thống Mỹ (Wilson), “phố Uôn” lại là Wall-Street. Khi đọc báo thấy những chữ
“thủ đô Oa-xinh-tơn” thì ai cũng cười tủm; và khi xướng ngôn viên đài truyền
hình VTV1 đọc rất rõ “Oa-xinh-tơn” (âm [C]
của cô rất cứng và âm [s] thì trong vắt đến độ phải viết là “x”) thì nhiều
người đã phải bụm miệng chửi thề. Còn dân mê bóng đá thì phải tập làm quen với
chữ “Uôn cắp” nhan nhản trên mặt báo và ra rả trên ti vi mỗi 4 năm một lần, rồi
dĩ nhiên sẽ rất nhiều người (như Vũ Xuân Lương) sẽ suy ngược ra rằng “U” và “O”
chính là “W”!!!
Theo VXL, không được đánh dấu thanh trên con chữ “o”
trong “oa” vì nó không phải là nguyên âm. Bây giờ đã rõ nó là nguyên âm thì dấu
huyền trong chữ “òa” sẽ được đặt ở đâu?
Vì cố gắng đưa ra qui tắc đặt dấu thanh dựa trên các
nguyên tắc ngữ âm và muốn các qui tắc của mình mang tính nhất quán để lý giải
mọi trường hợp nên VXL đã có những lúng túng và nhận định sai lạc trên.
Thực ra chữ Việt là một hệ thống ký hiệu phiên âm. Các
con chữ, dấu âm và dấu giọng cũng làm nhiệm vụ giống với các ký hiệu trong ký
âm pháp âm nhạc: hình dáng thế nào, đặt ở đâu, để ghi hiệu quả gì là hoàn toàn
do qui ước cả. Mà đã là qui ước thì điều quan trọng nhất là sự phân biệt
không gây lẫn lộn và kế tiếp là cần phải đơn giản và/hoặc mang tính trực quan
để dễ sử dụng, ngoài ra đôi khi phải chấp nhận một vài ngoại lệ hoặc vô lý. Lấy
thí dụ, xét về mặt nhạc lý, khoảng cách cao độ từ Rê lên Mi là một cung, viết
trên dòng kẻ nhạc thì nốt Mi nằm trên nốt Rê một nấc. Nhưng Fa cao hơn Mi chỉ
có nửa cung thôi mà tại sao lại viết nốt Fa nằm trên nốt Mi cũng một nấc chứ
không phải nửa nấc? Hóa ra nếu áp dụng nhạc lý vào ký âm pháp thì đôi khi không
đúng. Tương tự, áp dụng cứng nhắc nguyên tắc ngữ âm vào chữ viết thì cũng có
khi không được.
Ngữ âm học là một khoa học tự nhiên liên quan tới cơ chế
phát âm nhưng chính tả lại thuộc lãnh vực xã hội và chỉ là các qui ước, phần
nhiều dựa trên thói quen của người sử dụng. Nhưng vì chính tả lại ảnh hưởng
ngược đến cách phát âm của người dùng nó nên các qui ước đưa ra phải chặt chẽ
và hợp lý trong chừng mực nào đó để mọi người có thể chấp nhận. Vì thế cho đến
nay mặc dầu tuyệt đại đa số người Hà Nội nói “Chủng em giất xung xưởng được
chân chọng mời bác vào nhà xơi chẻn giệu” cũng không thể cứ thế mà viết ra để
rồi hợp thức hóa luôn cái giọng nhà quê đó làm giọng chuẩn của “thủ đô ngàn năm
văn vật”.
Những nhược điểm trong nhận định của VXL lồ lộ ra đấy mà
Hoàng Phê không thấy thì hai chữ “giáo sư” ở phần tước hiệu của ông nên được để
vào trong ngoặc kép là vì vậy.
Điều lạ lùng là kết quả việc suy luận của tác giả VXL lại
là 4 qui tắc giống y hệt với chính tả truyền thống. Nhưng may mắn này lại không
xảy ra với qui tắc còn lại cho trường hợp “oa, oe, uy”. Và để tạm kết thúc,
thiết tưởng các qui tắc chính tả truyền thống về cách đặt dấu giọng nên được
ghi lại nhằm chứng minh tính đơn giản và rõ ràng của cha ông ta.
Ưu tiên 1: dấu âm (dấu trăng: ă, dấu
mũ: â, ê, ô, và râu: ơ, ư) và dấu giọng luôn đi chung: thuở, trời, đất, nổi,
nhiều, thửa, thấy, thuốc, gửi, oằn, tuổi, tội,
tuyết; Nếu có 2 mẫu tự mang dấu âm (ươ) thì dấu giọng đi với mẫu tự sau (ơ):
người, lượt, cưỡi, tưởng...
Ưu tiên 2: vần có phụ âm cuối thì dấu
đi với nguyên âm cuối: oán, loét, cát...
Ưu tiên 3: vần là nguyên âm ghép đôi
hay ghép ba (tức là không có phụ âm cuối) thì mang dấu giọng ở nguyên âm áp
chót: ngoèo, hỏi, hóa, của, khuỷu, hoài, ngoáy, cái, áo, kéo, đỉa, xỉu, xòe,
chúa, núi, tủy...
Chú ý: đương nhiên phụ-âm-ghép “qu”
và “gi” không mang dấu (vì chúng là... phụ âm), dấu đặt bình thường theo các ưu
tiên trên:
- quả, què, quì, quý, quẹo,
quái, quào, quở, quới, quyệt...
- giả, gié, gió, giặt giũ,
giải, giề
Nhưng khi “g” đi trước “i”
nguyên âm hoặc đi trước 2 cặp nhị trùng âm “iê” và “ia” thì chữ “g” đơn này có
cùng cách phát âm với “gi” và cách bỏ dấu giọng không thay đổi:
gì, gỉ sét, giết (không đọc
là dết), giặt gịa khác với giạ lúa, không cần sửa thành “giặt dịa”, cũng như
không cần sửa “giấu giếm” thành “giấu diếm”.[8]
[Có thể bảo “giếm” hay “giết”
hay “gịa” là cách viết gọn của “gi + iếm”, “gi + iết” và “gi + ịa”, có 2 chữ
“i” liền nhau nên bỏ đi một.
Tuy nhiên không có chữ “gi +
ịu giàng” hay “gi + ìu giắt” mà là “dịu dàng” và “dìu dắt”.]
Qui tắc đặt dấu giọng của
tiền nhân không hề lấy yếu tố thẩm mỹ làm nguyên tắc chủ đạo (như những người
làm tin học vẫn tưởng và áp đặt cái tên “kiểu thẩm mỹ” cho nó) mà chỉ cốt làm
sao cho thật đơn giản và dễ nhớ. Quả thật nó rất thống nhất nên không cần phải
động não nhiều mỗi khi đánh máy, không phải phân vân xem dấu nên đặt ở đâu. Thế
nhưng nay thì phải phân vân rồi, không những phân vân, còn phải tranh luận xem
nó phải được đặt ở đâu nữa.
Các vấn đề “cải cách” về
dấu, về hình dáng con chữ[9],
của những người làm văn hóa ở Việt Nam ngày càng chứng tỏ họ chỉ là những kẻ
duy ý chí mà lại cứ hay đưa ra các lý luận có vẻ khoa học, có vẻ “lô-rích” để
biện giải cho sự phá hoại của mình. Họ thay đổi không chỉ vì họ muốn thay đổi,
nguyên nhân sâu xa của cái ý muốn thay đổi mọi thứ của họ chẳng qua chỉ là sự
kiêu ngạo, muốn được xã hội vinh danh là những người có những cải tạo lớn lao
cho văn hóa nước nhà.
30/10/07
Hồng Đức
[1]
http://vietlex.com/lib/compuLinguistics/quytacbodau.htm
[2] tìm thấy trên trang web
Mạng Giáo Dục của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Việt Nam (http://diendan.edu.net.vn/forums/thread/276086.aspx)
nhưng khởi thủy là đăng trên trang web của Talawas:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7657&rb=06
[3] bài “Bàn về chuyện
"đánh dấu thanh" trong tiếng Việt” cũng tại Talawas:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=94&rb=07
[4] địa chỉ: Số 2 Ngõ Hàng Bún,
Hà Nội
[5] Nhà xuất bản Webster đã có
cách phiên-âm âm-ngắn bằng một ký tự nhỏ hơn, và nằm cao hơn các ký tự thường
khác. Ví dụ chữ “but” được phiên là [bEt], đọc khác với [bEs] của “bus”. Nhưng một ký tự
nhỏ xíu như thế thì không phù hợp để dùng trong chữ viết.
[6] và đặt tên kiểu ký tự mới
này là “giản thể” đối lại với kiểu cũ gọi là “phồn thể”.
[7] ký hiệu C ngược dùng để
phiên âm o.
[8] Nhưng để ghi chữ
có âm là [zết] trong [túi zết], cần phụ âm đầu là “gi” và viết “giết” thì lại
đọc là [ziết] mất, đành phải ghi là “dết”, hỏng mất phụ âm đầu. Đây là một
nhược điểm thường có trong bất kỳ bộ môn xã hội nào. (revised on Nov 6th ’07)
[9] Cuộc cải cách về hình dạng
chữ viết tay đã từng là một “thành công, thành công, đại thành... gà bới” ở VN,
ai đã từng làm nghề giáo trong nước vào thập niên 80 đều có thể làm chứng điều
này. Chỉ tội nghiệp, đa số thanh niên độ tuổi 30 bây giờ không dám viết thư tay
gửi người yêu.
No comments:
Post a Comment