Tuesday, October 31, 2017

VĂN HÓA VÀ SỰ GIÀU MẠNH CỦA CÁC NƯỚC (Tôn Thất Thiện)



Trường hợp Hoa Kỳ, Xứ Đàng Trong và Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Một câu hỏi quan trọng 


     Trong thời gian qua, tôi được may mắn đọc một tác phẩm của bà Li Tana, một học giả quốc tịch Trung Hoa, gốc Mông Cổ, mang tít Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (1). Đây là một luận án tiến sĩ được xuất trình tại Đại Học Quốc Gia Úc năm 1992. Chủ đề của luận án này là trong hai thế kỷ XVII và XVIII, ở Xứ Đàng Trong, giang sơn của các chúa Nguyễn, đã xuất hiện không những một quốc gia, mà một nền văn hóa mới, mang bản sắc đặc biệt. Nhờ đó mà Xứ Đàng Trong không những đã vững chắc về chính trị, mà còn hùng cường về binh lực và phong phú về kinh tế, đủ sức để một mặt đương đầu với chúa Trịnh phía bắc, đất đai rộng lớn hơn, dân số đông hơn, tài nguyên nhiều hơn, và mặt khác mở rộng biên giới Việt Nam đến Châu Đốc, Hà Tiên, Cà Mau.
     Tôi sẽ trình bày quan điểm rất mới lạ này về lịch sử Việt Nam chi tiết hơn ở đoạn sau. Ở đây tôi muốn đề cập trước đến phản ứng của tôi về quan niệm mới mẻ trên đây, là: liên quan giữa sự tạo ra một văn hóa mới và sự giàu mạnh của quốc gia. Muốn giàu mạnh một quốc gia phải chấp thụ một văn hóa mới. Nhưng thế nào là "mới" ?
     Tôi đang suy ngẫm về những mối manh của quan niệm trên đây thì xảy ra vụ tranh cãi lớn ở Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc về vấn đề dùng binh hay không dùng binh chống Iraq. Cuộc tranh cãi không đi đến đâu vì Hoa Kỳ, bất chấp việc không được sự đồng thuận và yểm trợ của Hội Đồng, quyết định dụng binh để lật đổ chính quyền Saddam Hussein.
     Các quốc gia không ưa thích Hoa Kỳ, các bình luận gia và các giới "cách mạng", phản chiến, thiên tả, "politically correct", xoa tay, mỉm cười, nghĩ rằng mình lại có dịp la ó, hô khẩu hiệu, biểu tình, tố cáo, chống đối Hoa Kỳ trong một vụ Mỹ bị "sa lầy ở Việt Nam" nữa. Nhưng, tuy Hoa Kỳ chỉ gom được một liên minh nhỏ, trong đó chỉ có Anh là cường quốc, với một số quân tương đối nhỏ (250.000, so với 700.000 lúc đánh Saddam năm 1991, và 500.000 ở Việt Nam), họ đã thanh toán chế độ Saddam chỉ trong có ba tuần, và tổn thương dưới 150 binh sĩ... Về tổn phí, cuộc hành quân chưa tiêu đến 20 tỷ đô la, trong số 80 tỷ - sơ khởi - mà Quốc Hội Mỹ đã cho phép chi tiêu cho cuộc chiến.
     Hoa Kỳ đã thành công toàn diện và chớp nhoáng nhờ có lực luợng hùng mạnh, nhứt là về không quân và các loại khí giới tối tân mà chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ khả năng kỹ thuật và tài chính để chế tạo. Nghĩa là Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng mình mạnh hơn tất cả các quốc gia khác, và giàu hơn tất cả các quốc gia khác. Đây là một dữ kiện buộc mọi người phải suy ngẫm, và tìm hiểu tại sao có sự kiện này?
     Về mặt rộng lớn và tài nguyên, Hoa Kỳ không hơn gì các quốc gia như Nga, Trung Hoa, Brasil, Canada. Diện tích Hoa Kỳ là 9,3 triệu km2, so với Nga (17 triệu), Canada (9,9 triệu), Trung Quốc (9,5 triệu), Brésil (8,5 triệu). Về dân số thì Hoa Kỳ chỉ có 283,2 triệu người, so với Trung Quốc (1.275 triệu), Ấn Độ (1.008 triệu). Nhưng về GNP thì Hoa Kỳ bỏ xa các quốc gia khác với 9.837 tỷ đô la, so với Trung Quốc (1.873 tỷ), và các quốc gia dẫn đầu Âu Châu như Đức (1.873 tỷ), Pháp (1.294 tỷ), và rất xa Nga (251,1 tỷ).
     Nói tóm lại, trong tình trạng hiện tại, về quân sự, cũng như về kinh tế, tại sao các quốc gia trên đây lại thua Hoa Kỳ xa vậy, và dù tất cả có liên minh với nhau, cũng vẫn thua. Hoa Kỳ hiện nay là quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Tại sao ? Một câu hỏi cực kỳ quan trọng. 

Văn hóa Mỹ hướng về tương lai 

     Giải đáp cho câu hỏi đã đến với tôi rất rõ nhờ sự hội tụ của hai sự kiện : tác phẩm của bà Li Tana, và một câu trong bài "Iraq : chiến tranh hay nhân đạo ?" (Thông Luận, tháng 4, 2003) của anh Nguyễn Gia Kiểng. Về bà Li Tana thì xin đề cập đến sau. Ở đây, xin nói đến đóng góp của anh Kiểng. Trong bài của anh có câu : "Trước đây, quốc gia được định nghĩa như một quá khứ chung, ngày nay quốc gia chủ yếu là một tương lai chung. Một diễn viên mới đã xuất hiện và chiếm trung tâm của sân khấu : cá nhân... Đó là nền tảng của một trật tự thế giới mới..." (chữ viết nghiêng là do chính tôi, T.T.T., nhấn mạnh)
     Sự thực hiện ra trong đầu tôi như sau : so với Hoa Kỳ, các quốc gia Âu châu, là những quốc gia được coi như tân tiến hạng nhất của thế giới, đã không tiến được vì người Âu châu hấp thụ một văn hóa nặng về phần bảo tồn quá khứ. Hoa Kỳ đã vượt tới được vì người Mỹ chấp thu một văn hóa hướng về tương lai. Bí quyết của phát triển, tiến bộ ngày nay là đó. Quá khứ là cái neo, có tác động rì chiếc tàu lại, trong khi tương lai là động cơ, có tác dụng đẩy chiếc tàu đi tới.
     Dân nước Mỹ có một cách nhìn đời, nhìn sự vật, nhìn người, xử sự, đặc biệt: họ quay lưng cho quá khứ, và hướng mặt về tương lai. Họ không bịn rịn về quá khứ, không muốn vướng mắc với quá khứ, vì họ là dân di cư, đã đoạn tuyệt với quá khứ, để tìm, để dựng cho mình một cuộc đời mới, tốt hơn, đẹp hơn. Mà cuộc đời mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn đó chỉ có thể ở phiá trước họ, ở tương lai. Phần khác, là dân di cư có quá khứ khác nhau, họ không thể xây dựng một quốc gia trên căn bản của một quá khứ chung được, mà chỉ có thể ý thức quốc gia như một tương lai chung, một tập hợp mới.
     Cho nên người Mỹ có tiếng là ít trọng lịch sử, không thích nói về chuyện đã qua. Họ chú trọng hơn về hiện tại và nghĩ đến tương lai, chuyện sắp tới, tìm cái mới, làm cái mới.
     Trong khi đó, người Âu châu (cũng như Á châu) cứ tự đắc về "văn minh cổ xưa" của họ. Họ rất chú trộng đến lịch sử, và không ngớt ca ngợi "thành tích" của người xưa và thời xưa. Thái độ này thâu tóm trong danh từ "cổ kính" : cái gì "cổ" là đáng "kính". Danh từ Pháp "ancien" (khác với "vieux"), và Anh "ancient" (khác với "old") có nghĩa đó.
     Tất nhiên không phải cái gì xưa, cổ cũng xấu, và nên vất đi. Nhưng điều cần ghi ở đây là "thành tích" của người xưa là những giải đáp hay, tốt, thích hợp cho những vấn đề, và với những kiến thức và phương tiện về thời của họ. Mỗi giai đoạn lịch sử có những vấn đề mới, đòi hỏi nhưng giải đáp mới, dựa trên những tri thức và những phưong tiện mớí. Nuớc Mỹ đã vượt xa các quốc gia khác vì người Mỹ đã lấy lối tiếp cận này làm nguyên tắc chỉ đạo tư tưởng và đời sống hàng ngày của họ.  
Xứ Đàng Trong cùng thái độ 
     Thái độ trên đây cũng là thái độ của dân Xứ Đàng Trong trong hai thế kỷ XVII và XVIII dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn.
     Theo bà Li Tana, trong hai thế kỷ XVII và XVIII, ở Xứ Đàng Trong không những đã xuất hiện không những một quốc gia, mà một nền văn hóa mới, mang bản sắc đặc biệt, khác với nền văn hóa cổ truyền phổ thông ở Đàng Ngoài. Ở miền đất phía nam Núi Hoành Sơn, "vùng đất rời rạc nhất thế giới... phủ đầy rừng rậm, và bao gồm một số vùng định cư biệt lập với nhau", họ Nguyễn đã thiết lập và duy trì được một quốc gia thống nhất, và người Việt đã tạo dựng được một quốc gia Việt Nam khác : họ đã có cơ hội để phát triển linh hoạt về mặt văn hóa, tạo nên những truyền thống mới.
     Theo Bà Li Tana, Miền Nam không những là một thực thể khác Miền Bắc về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, mà lại có những điểm riêng biệt làm cho nó có một nền văn hóa rất khác với văn hóa cổ truyền. Bà nói rằng một số nhà viết sử Việt Nam có khuynh hướng hạ giá lịch sử Đàng Trong, và vương quốc họ Nguyễn thường được xem như "một biến thể có tính địa phương của triều Lê và của nền văn hóa theo Nho giáo" không khác Đàng Ngoài mấy. Người ta có khuynh hướng bàn về một nước "Đại Việt" duy nhất với những "nét đặc trưng chung của Việt Nam ngay cả vào các thế kỷ 17 và 18", nhưng sự thực hoàn toàn khác.
     Bà viết : "Khi người Việt ở phía nam chấp nhận những cái tên mới họ đặt cho hai miền - vùng ở "trong" (Đàng Trong), chỉ vùng đất của họ và vùng ở "ngoài", (Đàng Ngoài) chỉ phía bắc, thì rõ ràng đã có sự khác biệt giữa hai miền nam, bắc. Sự khác biệt này mang ý nghĩa quan trọng: từ nay, sẽ có hai cách thức làm người Việt Nam khác nhau... đây là một thay đổi căn bản và đầy ấn tượng trong lịch sử Việt Nam. Về tầm quan trọng, sự kiện này có thể sánh với việc Việt Nam giành được độc lập từ tay Trung Hoa vào thế kỷ 10... về bản chất, đây là một sự kiện đã dẫn đến thành lập một hệ thống nhà nước mới và một nền văn hóa mới phồn thịnh... vào thời đó, không chỉ có hai nước "Đại Việt" mà còn có thể nói, vương quốc ở phía nam có những điểm riêng biệt làm cho nền văn hóa Việt Nam trong tương lai xa thêm phong phú rất nhiều". 
     Có tình trạng trên đây là do khí lực và sức sống của Đàng Trong nảy sinh trực tiếp từ óc thực dụng và mềm dẻo của các người Việt di dân. Những người này đã "sẵn sàng coi nhẹ những khía cạnh của tập tục và truyền thống tuy vẫn còn ý nghĩa đối với người dân ở phía bắc, nhưng không còn thích hợp tại vùng đất phía nam nữa".
     Nói đến "tập tục và truyền thống" là nói đến Khổng giáo. Nhưng, bà Li Tana giải thích, các chúa Nguyễn không thể dùng Khổng giáo làm căn bản cai trị được, vì "khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình". Ta nên nhớ là căn bản tư tưởng Khổng giáo là tôn trọng "chính thống", "tôn ty trật tự", "tam cương" (trong đó "trung quân" chiếm hàng đầu), và trong một quốc gia Khổng giáo, phiến loạn, hay chỉ bị nghi là có ý phiến loạn, chống đối triều đình, là "trọng tội", tội nặng nhất dẫn đến không những tử hình cho cá nhân đương sự, mà đến cả "tru di tam tộc". Thái độ của các chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng trở xuống, không thể nào thích hợp với Khổng giáo được.
     Phần khác, dân Xứ Đàng Trong là dân từ nhiều vùng, nhiều gốc, nhiều loại, khác nhau. Như giáo sư Phan Khoang viết trong tác phẩm Xứ Đàng Trong 1558-1777 (Sài Gòn, 1967) : "Nhân dân Thuận Hóa bấy giờ [lúc Nguyễn Hoàng đến Thuận Hóa] gồm những thành phần rất phức tạp. Ngoài những người chăm lo cày cấy, làm ăn, còn những người theo họ Mạc, khuấy động cho nhà Mạc, những người tù đày, những du đãng, phiêu lưu, từ các miền Nghệ, Thanh hoặc xa hơn nữa, xâm nhập qua thời đại, đi tìm may mắn ở miền đất mới, những quan quân bất mãn họ Trịnh hoặc bị lầm lỗi bỏ chạy vào nam, những thổ hào, thổ tù cường nghạnh, nhũng nhiễu lương dân, những người Chàm còn ở lại". 

Sẳn sàng thay đổi 

     Như bà Li Tana nhận xét, những phần tử trên đây, tuy nguồn gốc khác nhau, nhưng có một điểm chung: đối với họ, miền nam là "mảnh đất của những giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, là một ngõ thoát". Họ là di dân, đến một vùng đất mới, muốn thử một vận hội mới, quyết định xây dựng một cuộc đời mới tốt hơn là những gì cũ mà họ đã dứt khoát bỏ lại đàng sau họ. Họ là những người sẵn sàng di chuyển và thay đổi, không chịu gò bó, dễ dàng bỏ cái cũ, chấp nhận cái mới. Những người này ít bị ràng buộc bởi những gò bó của một địa vị xã hội cao và những quy định trong cách ứng xử của xã hội cũ nên được tự do phát huy sáng kiến khi họ liên tục tiến xuống phía nam. Sự phát triển xuống phía nam này đã tạo một vùng đất trên đó Khổng giáo, ý thức hệ đã chiếm địa vị thống trị ở bắc triều, không được đề cao, thậm chí, về căn bản, hầu như không được biết đến.
     Phần khác, những người dân di cư gốc Việt phải hòa đồng với những người dân sở tại gốc Chàm, gốc Thượng, gốc Miên, và dân di cư gốc Trung Hoa, và mọi người đều ý thức rằng một tập họp như vậy không thể có một quá khứ chung, mà chỉ có thể có một tương lai chung. Do đó, văn hóa của họ là một văn hóa hướng về tương lai.
     Song song với tình trạng trên đây, các chúa Nguyễn áp dụng một chính sách đối ngoại và ngoại thương cởi mở. Không những các chúa không áp dụng chính sách "bế quan tỏa cảng", mà còn khuyến khích giao dịch với ngoại quốc. Thương mại với Đông Nam Á được mở rộng. Thuyền buôn của Đàng Trong qua lại buôn bán với Manila, Batavia, Cao Miên, Xiêm. Thương mại với Tây Phương thực hiện qua trung gian thương nhân Trung Hoa. Các công ty thương mại của người Hoa ở Quảng Đông và thuyền của họ cung cấp cho tàu Âu châu các sản phẩm của Việt Nam và cung cấp cho Việt Nam hàng Trung Hoa và sản phẩm của Âu châu mà Việt Nam cần. Một điều cần nhấn mạnh ở đây là: Phủ Chúa không nắm độc quyền, mà hàng hóa được trao đổi tự do và hàng ngày tại các thị trường địa phương.
     Khuyến khích ngoại thương không những mang lại lợi ích cho chính quyền, mà còn là một nguồn thịnh vượng chung. Nhờ có giao dịch với ngoại quốc các chúa Nguyễn có được khí giới, vật liệu - đại bác, súng tay, thuốc súng, đồng, v.v... - giúp họ chống lại quân Trịnh hữu hiệu, mà nhờ thâu được thuế nhiều, họ còn giải quyết được vấn đề tài chính của một chính quyền mới ở trên một mảnh đất chưa được khai phá. Phần khác, nhờ buôn bán tự do, và được tham gia, dân thường cũng được hưởng những lợi ích mà ngoại thương mang lại : có hàng hóa để dùng, có thị trường để tiêu thụ hàng hóa sản xuất.
     Ngoại thương phát đạt, tất kinh tế cũng phát đạt, và mức sống của dân Đàng Trong cũng rõ ràng cao hơn Đàng Ngoài. Bà Li Tana ghi nhận : so sánh mức sống tại Đàng Ngoài với mức sống tại Đàng Trong, thấy sự khác biệt giữa hai vùng phải là lớn. Bà trích dẫn Lê Quý Đôn, nhận xét rằng : Đàng Trong đã quen thuộc với những thứ hàng không thuộc loại thông thường, và dân Đàng Trong phong phú... dân gian cũng mặc áo đoạn... lấy ảo vải móc làm hổ thẹn, "coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực".
     Tình trạng kể trên chấm dứt với cuộc nổi loạn Tây Sơn, và sau đó, khi đánh bại được quân Tây Sơn, lập lại và nới rộng uy quyền họ Nguyễn, chúa Nguyễn Phúc Ánh xưng đế trên toàn cõi Việt Nam. Nhưng vì bị vụ nổi loạn của Tây Sơn, nghĩa là đảo lộn quyền uy, trật tự xã hội, vua Gia Long và các vua kế tiếp loại bỏ những chủ trương đã mang lại giàu mạnh cho Đàng Trong mà các chúa trước đã theo đuổi trong hai thế kỷ, để đi ngược lại, quay mặt về quá khứ - sùng Khổng, bế quan tỏa cảng - làm suy yếu đất nước, với những hậu quả tai hại, mà mọi người đều biết.
     Nhưng đường lối mà vua Gia Long và các vua kế tiếp lựa chọn - quay mặt về quá khứ - lại là đường lối mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đang theo đuổi hiện nay.  

Đảng Cộng Sản Việt Nam hướng về quá khứ 

     Trong ngôn ngữ thường dân, "cách mạng" có một nghĩa khá đặc biệt. Các ông Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, v.v... thường được liệt vào hàng "cách mạng". Ở đây, "cách mạng" có nghĩa là gan dạ, làm chuyện mà ít ai dám làm : đòi độc lập cho Việt Nam, thách thức chính quyền Pháp.
     Nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam hiểu "cách mạng" theo một nghĩa khác. Theo nghĩa này, "cách mạng" là đổi đời, bỏ cái cũ theo cái mới. "Cách mạng" đây phù hợp với quan điểm quay lưng cho quá khứ, hướng mặt về tương lai, bỏ cái cũ, lấy cái mới. Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tự hào là một đảng "cách mạng". Cho nên, nói rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam hướng về quá khứ thì cũng khá ly kỳ.
     Nhưng trong thực tế, và căn cứ trên thực tại ở Việt Nam từ 1975 đến nay, mà ai cũng biết, Đảng Cộng Sản Việt Nam là một đảng luôn luôn quay mặt về quá khứ. Họ chủ trương "kiên trì" chủ nghĩa Mác-Lê, triệt để giữ cho Mác-Lê "trong sáng", bám sát Cách Mạng tháng 10. Chủ thuyết Mác, đưa ra năm 1848, nay đã cũ rích rồi, và không còn phù hợp với những biến chuyển đã xảy ra trên thế giới hơn 150 nay. Thời nay không phải là thời của xe ngựa, hay những những nhà máy tối tăm, thiếu không khí, của dân chúng bệnh hoạn không được săn sóc, mất việc chỉ chờ chết đói, v.v... Chủ thuyết Lê-nin, đưa ra cách đây một thế kỷ, chẳng còn hiệu nghiệm nữa, vì tư bản đã đổi thay rất nhiều, và lại được công nhận là tiến bộ hơn chủ nghĩa xã hội, theo nhận xét của chính những đảng viên kỳ cựu như Nguyễn Khắc Viện và Nguyễn Kiên Giang. Còn Cách Mạng tháng 10, thì nó đã tiêu ma với sự tan rã của Liên Bang Xô Viết và sự giải thể của Đảng Cộng Sản Liên Xô năm 1991. Chủ nghĩa cộng sản ngày nay chỉ là một đống gạch vụn.
     Nhưng cứ mỗi 5 năm, Đảng Cộng Sản Việt Nam lại họp đại hội, tuyên bố "kiên trì" với chủ nghĩa Mác-Lê trong sáng (nghĩa là của những năm 1848 và 1905), lấy nó làm kim chỉ nam cho tư tưởng cũng như cho hành động của Đảng, và theo dặn dò của "Bác", vẫn bám chặt Cách Mạng tháng 10 (năm 1917), chăm chỉ nghiên cứu học hỏi, bắt chước kinh nghiệm Bôn-sê-vích, nghĩa là tìm sự thực và một lối đi cho họ và cho xứ sở trong một đống gạch vụn, thay vì nhìn tới, hướng về tương lai, sử dụng cái máy tàu, thay vì cái neo.
     Với tình trạng trên, như anh Nguyễn Gia Kiểng soi sáng trong "Tiến tới một văn hóa tổ chức" (Thông Luận, tháng 5, 2003), những "thay đổi" mà nhiều người cho là đã xảy ra ở Việt Nam trong thời gian qua không bảo đảm được đà tiến sẽ giữ được trong một thời gian lâu, vì chính quyền cộng sản dùng mọi cách để ngăn chận đà tiến của dân tộc Việt Nam. Dân chúng phải vật lộn với chính quyền cộng sản để tiến. Trong cuộc vật lộn này, dân chúng Việt Nam tiêu biểu cho ý chí hướng về tương lai, trong khi Đảng Cộng Sản Việt Nam tiêu biểu cho ý chí hướng về quá khứ. Thật là mỉa mai!
     Tôi muốn kết thúc bài này với một nhận xét về một tư tưởng mới, mà anh Nguyễn Gia Kiểng đã đưa ra trong bài vừa dẫn trên : cần tiến tới một "văn hóa tổ chức". Thật ra, văn hóa tổ chức này là một phần, trong nhiều phần khác cần nhận diện và phát huy ra, của văn hóa hướng về tương lai, nguyên do của sự giàu mạnh phi thường của Hoa Kỳ ngày nay, và cũng đã được lãnh đạo Xứ Đàng Trong áp dụng với kết quả tương tự trong hai thế kỷ XVII và XVIII.
     Tôi đã viết dài dòng về giai đoạn các chúa Nguyễn, vì nó nhắc nhở chúng ta rằng trong tư tưởng Việt Nam, trong tâm lý dân gian Việt, đã có quan niệm : muốn giàu mạnh phải chấp nhận một văn hóa hướng về tương lai. Nay chỉ cần áp dụng nó thôi. Mà điều này rất cần thiết vì trong tình trạng hiện tại của Việt Nam, với dân chúng hai miền Nam, Bắc, phân ly trong 200 năm thời Trịnh-Nguyễn, lại thêm cuộc chiến "quốc-cộng" vớiõ lăng mạ, chém giết, thù hận nhau trong nửa thế kỷ nay, không thể tạo dựng một quốc gia giàu mạnh trên căn bản của một quá khứ chung, mà chỉ có thể xây dựng một quốc gia giàu mạnh trên căn bản một tương lai chung.
     Những dữ kiện trình bày trên đây cho thấy rõ rằng những vấn đề lớn hiện nay của xã hội Việt Nam - hòa giải dân tộc, dân chủ đa nguyên, phát triển, hiện đại hóa - chỉ có thể giải quyết một cách hữu hiệu trong khung cảnh của những cố gắng suy nghiệm, tìm tòi, với thiện chí tối đa, áp dụng một cách tiếp cận mới, khách quan, trong tinh thần xây dựng, nhằm nhận diện những khuyết điểm của người Việt, đề nghị những thay đổi cần thiết nhằm tạo ra một văn hóa mới, để cho xã hội Việt Nam có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi của hiện đại, và không tê liệt trước những biến chuyển trong tương lai.
Tôn Thất Thiện
 

 (1)  Luận án Tiến sĩ tại Đại Học Australian National University, do Nguyễn Nghi dịch. Nhà Xuất Bản Trẻ, Sài Gòn, 1999. Bán tại Nhà Sách Nguyễn Huệ, 40 Nguyễn Huệ, Quận 1, Sài Gòn. Tít tiếng Anh là : The Inner Region: A Social and Economic History of Nguyen Vietnam in Seventeenth and Eighteenth Centuries, 1992.
Tác giả Tôn Thất Thiện

No comments: