Thursday, October 1, 2009

Chính Đề Việt Nam (Phần IV - e)

 

Tính khí

Một khi đã sử dụng được những dụng cụ để rèn luyện những đức tính làm căn bản cho kỹ thuật của Tây phương, sự chế ngự được kỹ thuật của họ thành công hay thất bại tùy thuộc rất nhiều ở một đức tính khác: Tính khí.

Trong một đoạn trước đây, liên quan đến việc kê khai cái vốn sẵn có của chúng ta, trước khi bắt tay vào công cuộc Tây phương hóa, chúng ta đã nhận thấy rằng tính khí của cá nhân thiết yếu cho cộng đồng hơn cả thông minh của trí óc.

Các dân tộc đã thành công trong mọi sự nghiệp đều là những dân tộc có tính khí rất cao. Và giữa hai dân tộc, cùng một hoàn cảnh, một cái vốn cùng đứng trước một thử thách và cùng áp dụng một giải pháp thì dân tộc nào có tính khí cao hơn, sẽ thắng lợi nhiều hơn. Một ví dụ mà chúng ta đã nêu lên là hai dân tộc Anh và Pháp.

Cũng như đối với nhiều đức tính khác cao quí của con người, định nghĩa chi tiết tính khí là một việc không dễ. Bởi vì tính khí thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Và tính khí thể hiện một cách mạnh bạo nhất không phải chỉ ở trong những cơn khủng hoảng kích thích đến tột độ các khả năng của cá nhân. Trong những cơn khủng hoảng tương tự, ví dụ, đứng trước một nguy cơ trầm trọng, con người có thể trong một thời gian ngắn tập trung đến mức tối đa tất cả năng lực lúc bình thường tản mác các nơi. Và nhân thế có thể có những hành động phi thường, khắc phục trở lực bên ngoài đưa đến.

Nhưng không phải những lúc đó là những lúc tính khí đương đầu với những thử thách gian nguy nhất. Ngược lại những lúc bình thường của đời sống mới, vừa có năng lực tiêu hao tính khí, vừa rèn luyện tính khí. Đời sống thường ngày mới là chiến trường, thử thách trường kỳ đối với tính khí. Và cũng chính đời sống thường ngày mới là phạm vi phát triển của tính khí.

Tính khí có điều kiện phát triển, ở một cá nhân hay trong một cộng đồng, khi nào cá nhân hay cộng đồng tin tưởng một cách vũng chắc vào một số tiêu chuẩn giá trị làm nền tảng cho đời sống cộng đồng. Bất cứ trong một xã hội nào, nếu các tiêu chuẩn giá trị còn giữ nguyên vẹn uy tín, thì tính khí đương nhiên sẽ nảy nở ra những hoa quả vô cùng tốt đẹp.

Vì vậy cho nên, những điều kiện có khả năng bảo vệ các tiêu chuẩn giá trị, cũng có khả năng phát huy tính khí. Chúng ta đã thấy, ở một đoạn trên, rằng một trong các điều kiện nói đây là sự liên tục trong vấn đề lãnh đạo cộng đồng.

Xã hội của Việt Nam trước đây theo Nho giáo, toàn thể cộng đồng đều tin, một cách mãnh liệt vào các tiêu chuẩn giá trị của Khổng Mạnh. Nhờ đó xã hội chúng ta đã sản xuất được rất nhiều gương tính khí hùng mạnh. Cái tiết tháo của nhà Nho xưa ta là một hiện tượng của tính khí.

Nhưng cùng với sự sụp đổ về quân sự của quốc gia, nước chúng ta bị đô hộ, xã hội chúng ta tan rã vì các tiêu chuẩn giá trị cũ bị văn minh Tây phương đả phá đến tột độ. Đồng thời với sự mất uy tín của các tiêu chuẩn giá trị cũ, tính khí của dân tộc chúng ta suy đồi. Xã hội càng tan rã, tính khí càng mất. Và tính khí càng mất, xã hội càng tan rã hơn.

Như vậy thì công cuộc đào luyện tính khí cho cộng đồng phải bắt đầu bằng sự nêu lên các tiêu chuẩn giá trị làm nền tảng cho đời sống của cộng đồng.

Tiêu chuẩn giá trị.

Trong hiện tình của văn minh nhân loại, có nhiều tiêu chuẩn giá trị đã trở thành những di sản bất di bất dịch của loài người.

Ví dụ tiêu chuẩn giá trị nằm trong câu: “Quân tử dĩ tự cường bất tức”[1] là một tiêu chuẩn giá trị đã trở thành di sản của nhân loại.

Tổ chức gia đình là một tiêu chuẩn giá trị khác mà nhân loại đã thâu thập được sau nhiều năm tìm kiếm.

Cộng đồng nhân loại là một tiêu chuẩn giá trị đang hình thành.

Lẽ đương nhiên các tiêu chuẩn giá trị thuộc loại trên, sẽ là những tiêu chuẩn giá trị mà xã hội chúng ta sẽ tin tưởng.

Có nhiều tiêu chuẩn giá trị khác mặc dù chưa lên hàng những tiêu chuẩn giá trị mà tất cả nhân loại đều tin tưởng, chúng ta cũng chia xẻ sự tin tưởng vào các tiêu chuẩn giá trị đó với nhiều cộng đồng dân tộc khác.

Ví dụ tiêu chuẩn giá trị cộng đồng dân tộc, tiêu chuẩn giá trị tự do con người. “Lý do của cuộc sống là một lý do cá nhân. Điều kiện của cuộc sống là một điều kiện cộng đồng” cũng là một tiêu chuẩn giá trị mà chúng ta chia xẻ với nhiêu cộng đồng khác trên thế giới.

“Lãnh đạo là tạo một trạng thái thăng bằng động tiến giữa cá nhân và cộng đồng” là một tiêu chuẩn giá trị khác.

Nhiều tiêu chuẩn giá trị tương tự, hoặc đã nằm trong các phần được trình bày trong các trang trên đây, hoặc là những kết luận đương nhiên của các suy luận, cũng là những tiêu chuẩn giá trị mà chúng ta tin thưởng. Ví dụ: công bình xã hội.

Ngoài ra vì công cuộc Tây phương hóa mà dân tộc theo đuổi để sinh tồn, chúng ta sẽ tin tưởng vào những tiêu chuẩn giá trị của kỹ thuật Tây phương.

Chúng ta sẽ tin tưởng ở sự tiến bộ không ngừng của kỹ thuật Tây phương. Chúng ta sẽ tin tưởng ở các đặc tính chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức.

Lại có tiêu chuẩn giá trị là di sản của truyền thống văn minh Á Đông. Chúng ta tin rằng sự phát triển vật chất phải được thực hiện đồng thời với sự phát triển tâm linh.

Thực luyện tính khí.

Tiêu chuẩn giá trị đã có rồi, tính khí sẽ có cơ hội nảy nở. Tuy nhiên sự nảy nở của tính khí vẫn còn tùy thuộc hai điều kiện.

Trước hết các phần tử của cộng đồng phải tin tưởng vào các tiêu chuẩn giá trị đã được chấp nhận. Đó là nhiệm vụ của tổ chức giáo dục chính danh và tổ chức giáo dục quần chúng.

Điều kiện thứ hai là có những phương pháp vật chất, hoặc cá nhân, hoặc tập thể, để luyện tính khí. Mục đích trực tiếp của các phương pháp trên là huấn luyện cho mỗi cá nhân tập quán chế ngự cơ thể và tư tưởng của mình. Sự huấn luyện lúc nào cũng bắt đầu với những phương pháp chế ngự cơ thể, bởi vì hành động đối với vật chất cụ thể dễ hơn hành động dối với tư tưởng trừu tượng. Trong những phương pháp này, thì cho đến ngày nay, các môn thể thể thao có hướng dẫn đã tỏ ra có hiệu quả nhất. Các môn thể thao tập cho ý chí chủ động các bắp thịt và các phản ứng của cơ thể.

Ý chí đã chủ động được cơ thể thì lần lần đạt được lên trình độ chủ động được tư tưởng. Các môn thể thao tập thể còn được khả năng huấn luyện ý thức cộng đồng và trang bị cá nhân với những phản ứng cần thiết cho một đời sống cộng đồng. Chính trong các môn thể thao tập thể thể hiện ra một cách cụ thể, dễ nhìn hơn hết, ý nghĩa của mệnh đề “Lý do của đời sống là cá nhân. Điều kiện của đời sống là cộng đồng.”

Một bằng chứng cho tính cách hữu hiệu của thể thao trong sự thực hiện tính khí, là các dân tộc yêu chuộng đến cao độ các môn thể thao đều là những dân tộc có nhiều tính khí. Nhiều môn thể thao cũng là những phương pháp để tập trung tư tưởng trong đó có các môn võ.

Vượt lên các phương pháp thể thao đó có những phương pháp vật chất khác, cũng giúp cho cá nhân chế ngự được cơ thể và dần dần lên đến trình độ chế ngự được tư tưởng. Phép yoga của Ấn Độ, phép Thiền Định của Phật và Lão Tử, phép tu dưỡng tinh thần của đạo Hồi và đạo Gia Tô, đều nhằm mục đích chế ngự cơ thể để lần lần lên đến mức chế ngự tự tưởng. Các phép sau này kiến hiệu hơn phương pháp thể thao nói trên rất nhiều, và chóng đưa con người đến chỗ tự chủ với một trình độ rất cao. Tuy nhiên các phương pháp này đều không có tính cách tập thể như những phương pháp thể thao. Mỗi cá nhân dưới sự hướng dẫn của một người được mình tôn kính làm Thầy, cố gắng tập trung tư tưởng vào một đối tượng để tìm cách chế ngự bản thân. Các phép luyện thần này đều dựa trên căn bản khổ hạnh.

Tất cả các phép luyện thần và phương pháp thể thao đều dựa trên căn bản huấn luyện cơ thể và trí óc làm việc cho đến hết khả năng và cho có quy củ. Vì vậy cho nên hai cách luyện tính khí trên không có đối chọi nhau, mà ngược lại bổ sung cho nhau.

Giáo dục quần chúng.

Chúng ta đã thấy rằng, ngay trong những thời kỳ bình thường của cộng đồng, nhu cầu của sự lãnh đạo cộng đồng cũng đã đặt thành một vấn đề rất quan trọng, sự đa số chịu lãnh đạo hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng.

Đã như thế thì, ngay trong những thời kỳ bình thường của cộng đồng, việc giáo dục quần chúng đã là một vấn đề trọng hệ.

Tuy nhiên, trong những thời kỳ bình thường như vậy, chúng ta đã biết sự mâu thuẫn đương nhiên giữa quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của cộng đồng, không lên mức độ căng thẳng có thể là một mối đe dọa cho sự tồn tại của cộng đồng. Do đó, sự giáo dục quần chúng mặc dầu rất cần cho sự thực hiện trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cộng đồng và quyền lợi cá nhân, vẫn không khẩn thiết như ở những thời kỳ mà cộng đồng phải qua các cơn khủng hoảng.

Ngày nay cộng đồng dân tộc Việt Nam đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng vô cùng trầm trọng. Trong lịch sử của chúng ta, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ khủng hoảng rất là ác liệt, các cuộc ngoại xâm, các cuộc nội chiến tàn sát, chúng ta đều có trải qua. Nhưng cuộc khủng hoảng lần này nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nó đã bắt đầu từ hơn một thế kỷ nay và cho đến ngày giờ này chúng ta vẫn chưa giải quyết được. Chỉ riêng sự kiện thời gian đó, cũng là một yếu tố đủ để chứng minh tính cách vô cùng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.

Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, cộng đồng của chúng ta bị những sức mạnh vật chất tàn phá kinh khủng làm chấn động. Tuy nhiên, những sức mạnh đó, mặc dầu đã gây cho cộng đồng dân tộc của chúng ta những vết thương mà ảnh hưởng đã kéo dài trong nhiều thế hệ, vẫn không đủ mãnh lực để động đến những tiêu chuẩn giá trị làm căn bản cho đời sống của cộng đồng. Nhờ đó mà, sau khi cơn bão tố đã qua, cộng đồng của chúng ta vẫn tiếp tục được cuộc tiến hóa trên những căn bản cổ truyền vững chắc.

Trái lại, trong cuộc khủng hoảng này, ngoài những lực lượng vật chất tàn phá không kém gì những lần trước, thêm vào những lực lượng tinh thần ghê gớm hơn mười lần, đã tấn công và đánh phá đến tận gốc rễ tất cả các tiêu chuẩn giá trị của xã hội Việt Nam. Chính vì lý do sau này mà cuộc khủng hoảng đã kéo dài đến từ hơn một thế kỷ nay. Sau khi những cuộc sóng gió do những lực lượng vật chất gây ra, đã qua rồi, cộng đồng dân tộc của chúng ta vẫn chưa tìm lại được trạng thái thăng bằng thiết yếu cho sự tồn tại và sự tiến hóa của cộng đồng: bởi vì các tiêu chuẩn giá trị căn bản đã bị mất mà những tiêu chuẩn giá trị mới chưa được thâu nhận.

Xem thế chúng ta ý thức ngay lý do và mức độ trầm trọng của thời kỳ khủng hoảng này của cộng đồng. Cho đến khi nào chúng ta lập lại được các tiêu chuẩn giá trị, lúc bấy giờ cơn khủng hoảng mới hết.

Đã như thế thì, sự đa số chịu lãnh đạo phải hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng, không lúc nào, trong lịch sử của chúng ta, lại thiết yếu như lúc này và vì vậy cho nên vấn đề giáo dục quần chúng không lúc nào mà cần phải được đặt ra và thực hiện như trong lúc này.

Thực hiện giáo dục quần chúng.

Kỹ thuật khoa học ngày nay đã cung cấp cho chúng ta những phương tiện giáo dục quần chúng hữu hiệu và mãnh liệt. Theo thứ tự thời gian phát minh, chúng ta có thể kể: sách báo, phim ảnh, vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình...

Tất cả đều là những dụng cụ sắc bén trong vấn đề giáo dục quần chúng. Tuy nhiên, một sự giáo dục quần chúng có quy củ, mặc dầu đương nhiên áp dụng những dụng cụ nói trên, phải lấy sự tổ chức quần chúng làm một điều kiện tiên quyết.

Tổ chức quần chúng phải được quan niệm như thế nào, phải được thực hiện ra sao, chúng ta đã phân tích với nhiều chi tiết trong đoạn trên đây nói về bộ máy quần chúng.


[1] Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” (luật Trời vận hành một cách cứng rắn, người quân tử phải dựa vào đấy mà tự sức tranh đấukhông ngừng)

No comments: