Thursday, October 1, 2009

Chính Đề Việt Nam (Phần IV - d)

Vấn đề chuyển ngữ.

Công cuộc thu thập kỹ thuật Tây phương đặt ra nhiều nhu cầu, trong đó, vấn đề chuyển ngữ là một điểm rất quan trọng. Vấn đề này đã được mang ra, làm đề tài thảo luận trong rất nhiều cơ hội. Chủ trương dùng ngoại ngữ cũng được nhiều người tán thành như chủ trương dùng Việt ngữ.

Lấy sinh ngữ nào để làm chuyển ngữ, trong các ngành giáo dục chính danh và giáo dục quần chúng? Những người chủ trương nên lấy ngoại ngữ dựa trên lập luận rằng, nếu muốn Tây phương hóa thì phải Tây phương hóa cho đến nơi và phải rút cho hết cái tinh túy của Tây phương. Như vậy chỉ có ngoại ngữ mới giúp chúng ta đạt mục đích đó: Việt ngữ không đủ phong phú trong danh từ, và không đủ khả năng diễn tả các lý luận khúc chiết và các tư tưởng trừu tượng siêu thoát. Nhưng những người chủ trương như vậy quên rằng, một công cuộc thâu thập kỹ thuật Tây phương như trên chỉ có thể thực hiện được cho một thiểu số của cộng đồng, và đã như vậy thì, như chúng ta đã biết, sẽ không giải quyết được vấn đề của cộng đồng.

Những người chủ trương lấy Việt ngữ làm chuyển ngữ, lại lập luận rằng quần chúng là trọng. Nếu công cuộc Tây phương hóa không phổ biến được đến đại chúng, thì công cuộc đó kể như đã thất bại. Và như chúng ta đã thấy, lập luận của họ là đúng. Đã như thế thì chỉ có Việt ngữ mới giúp cho chúng ta đạt mục đích trên. Nhưng, những người chủ trương như vậy lại quên rằng, tất cả các kho tàng kiến thức liên hệ đến kỹ thuật Tây phương, mà sự thâu thập đối với chúng ta đã là một vân đề thiết yếu và mất còn, tất cả các kho tàng đó, đều nằm trong ngoại ngữ. Nếu chúng ta không dùng ngoại ngữ một cách rộng rãi và đến một mức độ tinh vi, thì vấn đề thâu thập kỹ thuật không làm sao thực hiện được.

Thật ra, chủ trương trên đây không đối chọi nhau, mà phải bổ túc cho nhau. Sở dĩ có sự đối chọi chỉ vì những người tán thành hai chủ trương, đều nhìn vấn đề chuyển ngữ từ hai vị trí khác nhau, do đó, chỉ nhìn thấy phân nửa vấn đề.

Trường hợp này, tuy ở trong một lĩnh vực khác, nhưng cũng giống như trường hợp mang lập trường quốc gia đối chọi lại với lập trường quốc tế, mà chúng ta đã xét qua trong phần chính trị.

 

Theo kinh nghiệm của các nước đã thực hiện công cuộc thâu thập kỹ thuật Tây phương, thì vấn đề chuyển ngữ phải được giải quyết như sau đây.

Như trên vừa giải thích, công cuộc thu thập kỹ thuật Tây phương gồm hai công tác chính, công tác thâu thập kỹ thuật và công tác phổ biến các kỹ thuật đã thâu nhận.

Như thế thì, chuyển ngữ của công tác thâu nhận là ngoại ngữ và chuyển ngữ của công tác phổ biến là Việt ngữ. Ranh giới giữa hai chuyển ngữ hoạch định như thế nào? Thật ra không có ranh giới, và hai loại chuyển ngữ phải song hành tồn tại trong mọi địa hạt và trong mọi giai đoạn của công cuộc thâu thập.

Trong các nước, đã hay đang thực hiện công cuộc thâu thập kỹ thuật Tây phương, vấn đề chuyển ngữ đều được giải quyết một cách giản dị như trên. Sở dĩ ở Việt Nam vấn đề trở nên gay go, vì một hiện tượng tâm lý do thời kỳ đô hộ tạo ra. Tinh thần quốc gia đã đi quá mức. Khi chủ quyền đã được thu hồi, tự nhiên và đồng thời với ách thống trị, ngoại ngữ của của người thống trị cũng phải được đòi bỏ đi, vì được xem như là một vết tích của thời kỳ nô lệ.

Vấn đề chuyển ngữ đã được giải quyết như trên, việc ấn định trong trường hợp nào, Việt ngữ sẽ đóng vai trò chủ yếu, là thẩm quyền của tổ chức giáo dục và tổ chức giáo dục quần chúng. Nhưng bất cứ trong trường hợp nào, công việc phiên dịch các loại tài liệu ngoại quốc sang Việt ngữ vẫn là một công tác tối quan trọng. Nói một cách rõ ràng hơn nữa, công việc phiên dịch các tài liệu ngoại quốc là một cái vận tống, nhờ đó công cuộc thâu thập mới có thể tiến tới được và không có đó, thì công cuộc thâu thập không thể thực hiện được.

Sau khi giải quyết vấn đề chuyển ngữ như trên, thì câu hỏi đương nhiên sẽ nảy ra trong óc chúng ta là: chọn ngoại ngữ nào? Câu trả lời sẽ như sau đây:

Chúng ta đã đi học kỹ thuật của Tây phương thì đương nhiên, có lợi mà đi học tận gốc kỹ thuật đó. Nếu chúng ta đi học của những người cũng đang đi học của Tây phương hoặc mới học rồi, thì mặc nhiên chúng ta tự hạ chúng ta xuống mức độ học trò của người học trò. Trong trường hợp đó, bắt kịp người học đã là khó, còn nói chi đến việc bắt kịp người thầy, chính là Tây phương. Như vậy thì, ngoại ngữ mà chúng ta chọn, sẽ là một trong các ngoại ngữ của Tây phương, đang là chuyển ngữ cho một nền kỹ thuật tiến bộ nhất.

Cho tới Đệ Nhị Thế Chiến, thì các ngoại ngữ thỏa mãn điều kiện trên là Anh, Đức và Pháp. Trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, nước Pháp bị chiếm đóng trong bốn năm, các thơ-loại tham khảo về kỹ thuật của Pháp sút kém hẳn đi.

Và sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Đức cũng lâm vào một tình trạng tương tự, tuy có nhẹ hơn. Rốt cuộc lại, tiếng Anh phải được chọn trước hết, làm chuyển ngữ ngoại quốc cho chúng ta.

Đối với chúng ta, nhiều sự kiện lịch sử đã làm cho Pháp ngữ còn chiếm một ưu thế trong nền giáo dục ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu của công cuộc Tây phương hóa bắt buộc chúng ta phải đoạn tuyệt lần lần với Pháp ngữ, một cách không luyến tiếc. Còn có một lý do khác, thuộc về phạm vi chính trị, bắt buộc chúng ta phải thay thế Pháp ngữ bằng Anh ngữ trong vị trí ưu tiên ngoại ngữ ở nước ta. Nhìn vào bản đồ Á châu, chúng ta nhận thấy ngay sự kiện sau đây. Ba nước: Việt Nam, Cam Bốt và Lào. thuộc lãnh thổ Đông Dương trước đây là ba nước duy nhất dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ ngoại quốc, trong khi tất cả các nước chung quanh đều dùng Anh ngữ, ngoại ngữ thông dụng nhất trên thế giới. Sự cô lập khủng khiếp đó là một trở lực vô cùng to tát trong phạm vi ngoại giao.

Vượt qua các sáng tạo của kỹ thuật Tây phương

Chúng ta đã thấy trong nhiều đoạn trước đây, rằng một công cuộc Tây phương hóa đến mức độ đủ cao sẽ không thực hiện được, nếu sự hấp thụ kỹ thuật Tây phương chỉ giới hạn trong công tác thu thập những sáng tạo của kỹ thuật Tây phương. Dù mà sự thâu thập này, có lan rộng và bao gồm khắp các địa hạt của kỹ thuật như chúng ta đã phân tích ở trên, nhưng chỉ giới hạn trong các sáng tạo của kỹ thuật Tây phương, thì kết quả cũng như vậy. Cộng đồng đang theo đuổi công cuộc Tây phương hóa, sẽ mãi mãi lệ thuộc Tây phương, bởi vì công cuộc Tây phương hóa thực hiện nửa chừng như vậy, sẽ đưa cộng đồng lên đến mức độ cao lắm là chỉ sử dụng được các sáng tạo của kỹ thuật Tây phương.

Một công cuộc Tây phương hóa, đến mức độ đủ cao, chỉ thực hiện được khi nào sự hấp thụ kỹ thuật Tây phương được thành tựu đến mức độ, người hấp thụ chế ngự kỹ thuật đó, để đến phiên mình sáng tạo. Và đương nhiên muốn chế ngự được kỹ thuật đó, trước tiên phải thấu triệt được những nguyên lý của khả năng sáng tạo và luyện được cách sử dụng khả năng đó.

Trong khuôn khổ này, một quan niệm thông thường sai lầm cần phải được chỉnh đốn. Đa số các cộng đồng theo đuổi công cuộc Tây phương hóa đều nghĩ rằng, Tây phương mạnh nhờ khoa học của họ. Vậy nếu chúng ta học được khoa học của Tây phương thì chúng ta cũng chưa mạnh bằng Tây phương. Bởi vì khoa học cũng như tất cả các sáng tạo kỹ thuật của Tây phương, là những hiện tượng nhìn thấy được của kỹ thuật Tây phương, chớ chưa phải là kỹ thuật Tây phương. Các sáng tạo kỹ thuật là sóng, nhưng chính kỹ thuật mới là gió.

Vậy, nguyên do của khả năng sáng tạo của kỹ thuật Tây phương là cái gì? Câu hỏi này vô cùng quan trọng cho công cuộc Tây phương hóa. Có trả lời được, chúng ta mới thỏa mãn được một điều kiện của công cuộc Tây phương hóa đến mức độ đủ cao. Điều kiện thứ hai, là thực hiện được những điểm mà câu trả lời sẽ nêu lên.

Kỹ thuật Tây phương hùng mạnh nhờ hai đức tính vô cùng quí báu thừa hưởng của văn minh cổ Hy Lạp La Mã. Hai đức tính đó là:

- Chính xác về lý trí.

- Ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức.

Ngay trong thời kỳ khoa học chưa được phát minh, hai đức tính trên đã xuất hiện trong các sáng tác văn hóa và trong ngôn ngữ của Hy Lạp La Mã.

Quan niệm sai lầm nói trên đây, sở dĩ đã sai lầm vì trụ đóng vào một tin tưởng sai lầm. Tin tưởng sai lầm đó cho rằng, vì khoa học của Tây phương chính xác, ngăn nắp và minh bạch, thì nếu chúng ta hấp thụ được khoa học đó, chúng ta cũng hấp thụ được cái chính xác ngăn nắp và minh bạch kia. Lập luận trên chỉ đúng một phần nhỏ và phần lớn không đúng. Sở dĩ khoa học Tây phương mang trong mình các đức tính trên là bới vì khoa học Tây phương là sáng tạo của kỹ thuật Tây phương. Đã là con, thì đương nhiên cũng mang ít nhiều những đức tính của mẹ. Nhưng thật ra, những đức tính đó là của thừa hưởng, cũng như sức mạnh của sóng là thừa hưởng của gió. Và bởi vì khoa học cũng chỉ là một trong những sáng tạo của kỹ thuật Tây phương, cho nên việc hấp thụ được khoa học chưa đủ để cho chúng ta chế ngự được kỹ thuật Tây phương. Lời tục thường nói “Con chó ngoắt đuôi là sự thường, chớ không thấy cái đuôi trở lại ngoắt con chó”.

Đoạn vừa qua rất quan trọng ở chỗ nó vạch trần một quan niệm sai lầm của chúng ta lâu nay. Quan niệm sai lầm đó rất tai hại, vì nó biến thành một trở lực không lay chuyển nổi cho công cuộc Tây phương hóa đối với bất cứ ai, lấy quan niệm đó làm kim chỉ nam cho sự thâu thập kỹ thuật Tây phương: Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng, một khi đã đóng khung vào quan niệm sai lầm trên, thì một sự thu thập khoa học Tây phương dù có mười phần kết quả cũng vẫn chưa giúp cho chúng ta chế ngự được kỹ thuật Tây phương. Còn nói gì đến khả năng sáng tạo, thì đương nhiên không làm sao luyện được. Một công cuộc Tây phương hóa chỉ chú trọng vào sự thu thập khoa học Tây phương, sẽ mãi mãi là một công cuộc Tây phương hóa không đúng mức, và cộng đồng nào chỉ nhắm vào mục đích thu thập khoa học Tây phương, thì mãi mãi sẽ lệ thuộc các sáng tạo kỹ thuật của Tây phương và không bao giờ thoát lên đến mức độ sáng tạo như Tây phương.

Trình bày trên đây là sáng tỏ ba điểm:

1.- Kỹ thuật Tây phương rút sinh lực trong hai nguồn:

            - Chính xác về lý trí.

            - Ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức.

2.- Các đức tính trên đã có trước mọi phát minh khoa học và đã sinh ra khoa học.

3. - Sự thâu thập khoa học của Tây phương thôi, không giúp cho chúng ta chế ngự được kỹ thuật Tây phương.

Như thế thì vấn đề đã trở nên rất rõ. Nếu chúng ta muốn chế ngự được kỹ thuật Tây phương chúng ta cần phải luyện được hai đức tính:

            - Chính xác về lý trí

            - Ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức.

Sự thâu thập dù mười phần kết quả, khoa học của Tây phương, hoặc bất cứ một hay tất cả các sáng tạo của kỹ thuật Tây phương không thể cho phép chúng ta chế ngự được kỹ thuật Tây phương, bởi vì, sự thâu thập đó chưa đủ để chúng ta luyện được hai đức tính trên.

Vấn đề đã như thế, thì phương pháp nào sẽ giúp cho chúng ta đạt đến kết quả mong mỏi? Các tài liệu nghiên cứu về nguồn gốc của hai đức tính trên, trong nền văn minh cổ Hy Lạp La Mã đều nhìn nhận rằng hai đức tính ấy đã thể hiện ngay trong sự tổ chức đời sống hằng ngày và nhất là trong ngôn ngữ của hai dân tộc trên. Cũng nên nhắc lại rằng các đức tính ấy đã có trước mọi phát minh khoa học của hai dân tộc Hy Lạp La Mã.

Sự hai đức tính trên đã thể hiện trong sự tổ chức đời sống hằng ngày và trong ngôn ngữ là một điều vô cùng quan trọng. Bởi vì như vậy thì những người hằng ngày giữ theo nếp sống đó, và lúc nào cũng sử dụng ngôn ngữ đó, đương nhiên đã hấp thụ huấn một cách không ngừng để rèn luyện hai đức tính trên.

Kỹ thuật của Tây phương ngày nay là kết quả của một công cuộc rèn luyện kiên nhẫn của không biết bao nhiêu triệu người trải qua không biết bao nhiêu thế hệ. Và nếp sống hằng ngày cùng với ngôn ngữ là những lợi khí sắc bén và duy nhất có thể giúp cho chúng ta rèn luyện được hai đức tính trên.

Như vậy thì vấn đề lại càng rõ, nếu chúng ta muốn rèn luyện được hai đức tính trên thì chúng ta phải chỉnh đốn đời sống hằng ngày cho ngăn nắp và minh bạch, và ngôn ngữ của chúng ta phải được chỉnh đốn cho ngăn nắp và minh bạch. Có như vậy, đời sống hằng ngày của chúng ta và ngôn ngữ của chúng ta sẽ trở thành những dụng cụ sắc bén để giúp cho chúng ta rèn luyện chính xác về lý trí và ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức. Và ngôn ngữ đã được chỉnh đốn lại trở thành một khí cụ suy luận để chúng ta soi thấu vũ trụ vật lý và vũ trụ tinh thần.

Lịch sử của nhân loại cung cấp cho chúng ta rất nhiều ví dụ để xác nhận các sự kiện trên, về ảnh hưởng của sự tổ chức đời sống và của ngôn ngữ, trong sự phát triển của văn minh.

Thời kỳ bắt đầu từ thế kỷ thứ XIV gọi là thời kỳ Phục Hưng của xã hội Tây phương là điển hình nhất. Trước đó gần một ngàn năm, văn minh của Hy Lạp và La Mã đã sụp đổ trong cuộc xâm lăng vĩ đại của các dân tộc còn man rợ đang sống chung quanh. Tất cả các tổ chức đời sống đều tan rã, và ngôn ngữ thành hồ đồ dưới ảnh hưởng của các thổ ngữ man rợ.

Ròng rã trong gần một ngàn năm, xã hội Tây phương chìm đắm trong đêm tối dày đặc của tàn bạo và dốt nát.

Riêng một số tu viện của Gia Tô giáo, còn giữ được ánh sáng của văn minh cũ và di sản của những ngôn ngữ đã mất. Giáo hội Gia Tô giáo dốc hết nỗ lực để bảo vệ ngọn đuốc lờ mờ đó, chống với làn sóng xâm lăng kinh khủng.

Sau nhiều thế kỷ của một cuộc chấn động ghê gớm tình thế lắng dần. Và giáo hội mới bắt đầu phổ biến càng ngày càng rộng, di sản đã được bảo vệ. Nhờ đó, các quốc gia xuất hình từ những dân tộc man rợ trước kia, mới bắt đầu tổ chức đời sống theo kiểu mẫu ngăn nắp Hy Lạp La Mã và chỉnh đốn ngôn ngữ phôi thai theo kiểu mẫu ngăn nắp và minh bạch của các ngôn ngữ Hy Lạp La Mã.

Trong thời đại gọi là Trung Cổ, vào thế kỷ thứ X và XI, đời sống ở các quốc gia Tây phương đã lần lượt bắt đầu có tổ chức. Nhưng ngôn ngữ vẫn còn hồ đồ. Chỉ vài thế kỷ sau ngôn ngữ chỉnh đốn mới lần lần xuất hiện và trở thành những lợi khí sắc bén cho suy luận. Và nhờ đó, mới đến lượt sự phát triển của văn minh Tây phương trên mọi lĩnh vực của đời sống, càng ngày càng mãnh liệt và càng bao quát như chúng ta mục kích ngày nay.

Một ví dụ khác trong lịch sử, cũng chứng minh ảnh hưởng của ngôn ngữ đối với sự phát triển suy luận và do đó, đối với sự phát triển văn minh. Ngôn ngữ của Trung Hoa vừa khó học,vừa không phải là một dụng cụ suy luận sắc bén. Vì vậy mà Hoa ngữ là một trở lực cho sự phổ biến các kiến thức và một trở lực cho sự phát triển tư tưởng. Văn minh của Trung Hoa mặc dù trong nhiều lĩnh vực đã đến cao độ, nhưng thiếu sình lực phát quang, là vì vấp phải trở lực ngôn ngữ. Và ngay trong thời đại này, khi Trung Hoa đang dốc hết sức nỗ lực của mình để phát triển dân tộc, bằng cách Tây phương hóa, Hoa ngữ vẫn là một trở lực to tát. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Hoa không giải quyết được vấn đề ngôn ngữ, công cuộc Tây phương hóa đúng mức của Trung Hoa sẽ gặp nhiều khó khăn không vượt nổi.

Vấn đề chỉnh đốn Việt ngữ.

Trở lại vấn đề rèn luyện hai đức tính chính xác về lý trí và ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức, chúng ta thấy rằng hai lợi khí sắc bén là sự tổ chức đời sống hằng ngày và sự sử dụng một ngôn ngữ chỉnh đốn.

Việc tổ chức đời sống hằng ngày cho ngăn nắp, trật tự chúng ta có thể, một cách không khó khăn lắm, hình dung phải được làm như thế nào. Bởi vì ngay trong truyền thống Á Đông của chúng ta, việc tổ chức đời sống hằng ngày cho ngăn nắp là một việc đã có. Ngày nay chỉ cần thích nghi hóa những tập quán đã có sẵn với nhu cầu đặt ra bởi một nhịp sống thúc dục hơn và một xã hội máy móc hơn.

Vấn đề chỉnh đốn Việt ngữ phức tạp hơn nhiều.

Chúng ta quan niệm việc chinh đốn làm sao? Và làm thế nào để thực hiện sự chỉnh đốn?

Như chúng ta đã nói trên đây, giai đoạn đầu của công cuộc Tây phương hóa là giai đoạn nặng về sự hấp thụ các sáng tạo kỹ thuật của Tây phương.

Sau đó mới đến giai đoạn chế ngự kỹ thuật Tây phương. Và trong giai đoạn này, một ngôn ngữ có khả năng của một dụng cụ suy luận tinh vi, mới thiết yếu hơn. Như vậy thì việc chỉnh đốn Việt ngũ có thể xem là một việc không cấp bách chăng?

Chắc là không, bởi vì một ngôn ngữ đã chỉnh đốn xem như là một dụng cụ suy luận tinh vi, có thể thiết yếu nhiều hơn trong giai đoạn thứ hai của công cuộc thâu thập kỹ thuật Tây phương. Nhưng điều mà chúng ta đòi hỏi nhiều nhất ở một ngôn ngữ chỉnh đốn là cái ảnh hưởng của nó đối với sự rèn luyện sự chính xác về lý trí. Như vậy thì ngay trong lúc đầu của công cuộc Tây phương hóa, chúng ta phải đặt ngay vấn đề chỉnh đốn Việt ngữ.

Vì sao phải chỉnh đốn Việt ngữ?

Vì Việt ngữ nghèo và không đủ chữ để diễn tả hết các tư tưởng khúc chiết và trừu tượng, như nhiều người đã nghĩ chăng?

Vấn đề Việt ngữ nghèo không thành vấn đề, bởi vì nếu chúng ta thiếu chữ để diễn tả một ý mới thì chúng ta đặt chữ mới. Chẳng những Việt ngữ mà bất cứ sinh ngữ nào cũng không sợ nghèo chữ. Trong phạm vi này, có lẽ việc cần được chú trọng là các quy củ để tạo chữ mới. Đã có nhiều loại sách “Danh từ Từ Điển” v.v... dùng nhiều chữ mới. Tuy nhiên, quy củ để tạo ra chữ mới mà sinh ngữ nào cũng có, thì Việt ngữ chưa có.

Nhưng đây là phương pháp làm giàu thêm Việt ngữ chớ không phải việc chỉnh đốn Việt ngữ.

Sở dĩ vấn đề chỉnh đốn Việt ngữ cần phải đặt ra là vì những lý do dưới đây:

Các sinh ngữ thường chia làm hai loại. Từ ngữ trừu tượng và từ ngữ cụ thể.

Các sinh ngữ trừu tượng thường dùng danh từ. Danh từ diễn tả một ý niệm trừu tượng. Các sinh ngữ cụ thể thường dùng động từ. Động từ diễn tả một tác động cụ thể.

Ý niệm trừu tượng bao giờ cũng phong phú và bao quát hơn một tác động cụ thể.

Ví dụ: Giữa động từ “phát triển” và danh từ “sự phát triển”, chúng ta phân biệt ngay tác động cụ thể “phát triển” giới hạn trong tác động “phát triển” và ý niệm trừu tượng “sự phát triển” bao gồm tất cả những sự kiện liên quan đến tác động “phát triển”.

Theo định luật thông thường, văn hóa càng tiến bộ, ngôn ngữ của cộng đồng càng phong phú về những ý niệm trừu tượng. Và song song, ngôn ngữ cũng phải được trừu tượng hóa để diễn tả các ý niệm trừu tượng. Trừu tượng hóa ngôn ngữ bằng cách đặt ra nhiều danh từ, hoặc đặt quy củ để danh từ hóa các động từ hay tính từ.

Trong Việt ngữ đã có lối danh từ hóa bằng cách sử dụng chữ “sự” trước động từ. Ví dụ, hô hấp, sự hô hấp. Nhưng lối này vẫn chưa thành quy củ và lối danh từ hóa này chưa được thông dụng.

Như thế thì lý do đầu tiên để chỉnh đốn Việt ngữ là phải trừu tượng hóa Việt ngữ, bằng cách đặt ra quy củ danh từ hóa. Và phổ biến sự dùng danh từ.

Lý do thứ hai là lý do sau đây.

Việt ngữ trước kia cũng như Hoa ngữ, thuộc về loại sinh ngữ gọi là sinh ngữ biểu ý, nghĩa là ghi ý niệm, trái với loại sinh ngữ ký âm, nghĩa là ghi âm thanh. Vì đặc tính này mà Hoa ngữ và Việt ngữ khi xưa không phổ biến được.

Ngày nay Việt ngữ đã thoát khỏi vòng kềm tỏa đó nhờ phương pháp ghi âm bằng những mẫu tự Latinh.

Nhờ đó Việt ngữ trở nên dễ học và dễ phổ biến. Khi Nguyễn Văn Vĩnh nói rằng: “Việt Nam sau này hay, hay dở là nhờ ở Quốc ngữ” là ông nghĩ đến sự Việt ngữ, nhờ phương pháp ghi âm, đã thoát khỏi trở lực mà chúng ta còn thấy cho Hoa ngữ.

Nhưng trong lối hành văn, Việt ngũ còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Hoa ngữ, nghĩa là của các sinh ngữ biểu ý.

Lối hành văn của các sinh ngữ này đặc biệt ở tính cách “khiêu ý” và không chú trọng đến kiến trúc của câu văn.

Lối hành văn “khiêu ý” có nhiều ưu điểm và nhiều khuyết điểm

Người đọc câu văn khiêu ý, nhìn thấy ngay những hình ảnh mà tác giả muốn diễn tả, không bị những giây ràng buộc của kiến trúc câu văn làm mất thông ứng giữa tác giả và độc giả. Văn “khiêu ý” chỉ cần nêu lên những hình ảnh, bằng nhũng chữ rời rạc, không cần phải liên lạc với nhau trong một kiến trúc nào. Người đọc câu văn “khiêu ý” tự mình tưởng tượng lấy cách bố trí các hình ảnh. Sự thông tin giữa tác giả và độc giả vùa mau lẹ vừa đầy đủ. Trực giác làm việc nhiều hơn suy luận.

Do các đặc điểm trên đây, câu văn “khiêu ý” rất thích hợp cho thi thơ. Cái tuyệt diệu của một câu Đường thi, như “Bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi”, hay cái thi vị của một câu Kiều như “Lơ thơ tơ liễu buông mành” là do đặc điểm trên đây của lối văn “khiêu ý” trong thi thơ. Cái tuyệt diệu đó mà say mê cho đến nỗi có nhiều thi hào Âu, Mỹ, chủ trương tìm cách làm sao cho lối văn kiến trúc của họ gội bỏ được những cái ràng buộc của kiến trúc, để mong đạt được cái tuyệt diệu của thơ Đường. Cố nhiên, họ không thành công, vì lối văn kiến trúc của họ không làm sao gột bỏ được bản chất của nó.

Và cũng vì lý do trên mà thơ Đường, khi được dịch ra Âu ngữ, mất hết cái hay của nó.

Như vậy thì về thi thơ, Việt ngữ là một dụng cụ rất là sắc bén. Nhưng được ưu điểm đó trong thi thơ, thì ngược lại, lời văn “khiêu ý” mang rất nhiều khuyết điểm, khi được đem sử dụng như là một dụng cụ suy luận sở trường của lối văn kiến trúc.

Như trên đã thấy, trong lối văn “khiêu ý” tác giả chỉ nêu lên những hình ảnh. Người đọc phải tự mình sắp xếp lấy các hình ảnh theo óc tưởng tượng của mình. Như vậy thì mỗi người đọc có một lối bố trí khác nhau. Đó là cái khuyết điểm thiếu chính xác của lối văn “khiêu ý”. Làm sao có thể cùng nhau thảo luận được về một vấn đề gì, nếu cùng đọc một câu văn, mà mỗi người hiểu một cách khác nhau.

Nếu muốn thảo luận được thì sự bố trí các hình ảnh hay ý thức, nêu ra trong câu văn, không phải chỉ để cho óc tưởng tượng của người đọc, mà phải nằm ngay trong câu văn.

Nghĩa là câu văn phải có kiến trúc, nghĩa là những chữ nêu lên những hình ảnh phải được nối liền với nhau bằng những chữ, tự nó, không có nghĩa và đương nhiên làm nặng câu văn.

Nhưng sự chính xác về lý trí phải được trả bằng cái giá đó. Hoặc chúng ta, suốt đời thả hồn theo thơ mộng, hoặc chúng ta phải bắt buộc câu văn có kiến trúc để diễn tả tư tưởng một cách chính xác.

Và lý do thứ hai để chỉnh đốn Việt ngữ là như vậy đó.

Nếu chúng ta muốn rèn luyện được chính xác về lý trí thì điều kiện cần phải thỏa mãn trước tiên là kiến trúc hóa câu văn Việt ngữ.

Trên kia chúng ta có nói đến trường hợp, nhiều thi hào Âu, Mỹ muốn “khiêu ý hóa” lối văn kiến trúc của họ, để diễn tả những ý thơ. Và họ đã thất bại. Vậy nếu chúng ta kiến trúc hóa câu văn “khiêu ý” của chúng ta, liệu chúng ta có thành công chăng? Sở dĩ các thi hào Âu Mỹ không thành công là vì sinh lực của văn minh Âu Mỹ chính là lối văn kiến trúc của họ. Và ý muốn “khiêu ý hóa” câu văn chỉ là một xu hướng mới nhất thời trong một phạm vi nhỏ.

Trái lại, đối với chúng ta, sự kiến trúc hóa câu văn là một điều tối quan trọng, liên quan đến sự mất còn của chúng ta, cho nên, chúng ta phải thực hiện cho kỳ được. Và nếu vì sự kiến trúc hóa mà câu văn của chúng ta mất bản chất của nó đi nữa, chúng ta cũng phải làm; bởi vì sự mất bản chất, ở đây không làm cho văn minh của chúng ta mất sinh lực, trái lại, chính là để tìm sinh lực cho văn minh của chúng ta, nên chúng ta mới nhất quyết thực hiện công cuộc Tây phương hóa, trong đó, việc kiến trúc hóa Việt ngữ là một yếu tố quyết định.

Làm thế nào để kiến trúc hóa Việt ngữ?

Ít lâu nay, có nhiều quyển sách về văn phạm Việt ngữ, trong đó cũng có sự phân tích câu văn Việt ngữ thành mệnh đề, và sự phân tích mỗi mệnh đề thành chủ từ, động từ và bổ sung từ, v.v... Cũng có sự phân biệt các loại từ ngữ. Như thế có phải là đã kiến trúc hóa Việt ngữ chăng?

Chắc là không. Những quyển sách trên biểu hiện cho sự tự ti mặc cảm của tinh thần quốc gia. Nhiều người nhận thấy sự thiếu kiến trúc của câu văn Việt. Nhưng sau khi đã nhận thấy khuyết điểm đó, thì thay vì tìm cách kiến trúc hóa câu văn, lại tìm cách chứng minh rằng câu văn đã có kiến trúc.

Để đạt mục đích đó, những người trên đã mang một dụng cụ phân tích của một câu văn kiến trúc, áp dụng cho một câu văn không kiến trúc, với hy vọng rằng, nếu đã làm được sự phân tích đó thì đương nhiên đã chứng minh rằng câu văn có kiến trúc.

Vì thái độ thiếu thực tế đó, cho nên chúng ta nhận thấy ngay, tất cả tính cách miễn cưỡng và giả tạo của các sự phân tích nói trên. Miễn cưỡng và giả tạo vì những điều phân tích, thật sự ra, chưa có nằm trong câu văn được phân tích.

Việc kiến trúc hóa Việt ngữ phải được xét từ các căn bản sau đây:

1.- Câu văn có kiến trúc khi nào giữa các loại từ ngữ, có sự phân biệt về hình thức (thể loại), chớ không phải chỉ về vị trí (vị trí của từ ngữ trong câu văn).

2.- Câu văn có kiến trúc khi nào các từ ngữ chính trong câu được nối liền với nhau, bằng những phụ từ, tự nó không có nghĩa, nhưng đóng một vai trò rất quan trọng.

3.- Câu văn có kiến trúc khi nào một mệnh đề chính được nối liền với một hay nhiều mệnh đê phụ, bằng những phụ từ được đặt để ra với nhiệm vụ đó.

Như vậy thì muốn kiến trúc hóa câu văn, chúng ta phải:

1.- Quy củ hóa sự phân biệt bằng hình thức các từ ngữ.

2.- Đặt các phụ từ cho những từ ngữ của mệnh đề.

3.- Đặt những phụ từ cho những mệnh đề. Và phổ thông hóa sự áp dụng kiến trúc câu văn.

Việt ngữ và Hoa ngữ.

Trong một đoạn ở trên, so sánh hoàn cảnh phát triển của Trung Cộng và của Việt Nam, chúng ta đã chứng minh rằng, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam có điều nhiều kiện thuận lợi hơn, trong đó có nhiều điều kiện về ngôn ngữ.

Ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc, đương nhiên là dụng cụ của nền văn hóa của cộng đồng. Nhưng ngôn ngữ chỉ trở thành một dụng cụ sung mãn của nền văn hóa khi nào ngôn ngữ gồm được hai đức tính: dễ học để trở thành một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng; và chính xác để trở thành một dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.

Hoa ngữ là một loại sinh ngữ biểu ý, mỗi một chữ ghi một ý niệm. Vì thế cho nên, một người Tàu muốn xử dụng được Hoa ngữ một cách trung bình phải nằm lòng một số tối thiểu là từ ba ngàn đến bốn ngàn chữ. Sự cố gắng về lý trí vượt mức thông thường đó, đã tạo ra sự tôn sùng nhà nho, trong xã hội Trung Hoa và trong xã hội Việt Nam khi xưa.

Hoa ngữ hoàn toàn bất lực khi phải đóng vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng cho văn hóa. Cũng vì trở lực tạo ra bởi một sinh ngữ biểu ý, mà văn minh Tàu khi xưa, mặc dầu lên đến cao độ, vẫn không có sinh lực bành trướng như văn minh Tây phương ngày nay.

Lối hành văn của Hoa ngữ là lối hành văn “khiêu ý” cho nên câu văn không có kiến trúc. Mà câu văn không có kiến trúc là một câu văn không có chính xác. Và một sinh ngữ không chính xác không thể trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi được. Vì không có dụng cụ ngôn ngữ suy luận sắc bén và tinh vi để sử dụng trong công cuộc thám cứu vũ trụ vật chất và vũ trụ tâm linh, nên người Trung Hoa xưa đã thay thế suy luận bằng trực giác. Chúng ta đã xem qua trong một đoạn trên, ưu và khuyết điểm của trực giác. Tuy nhiên, có một sự kiện thiết thực không thể phủ nhận được là trong các nền văn minh cổ, chỉ có nền văn minh Trung Hoa là rất yếu kém về toán học và rất nghèo nàn về triết lý.

Nguyên do là Hoa ngữ, với lối văn khiêu ý, hoàn toàn bất lực khi đóng vai trò dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.

Và chính ngày nay, mặc dầu Trung Hoa đang áp dụng những biện pháp huy động độc tài Đảng trị Cộng Sản cực kỳ tàn nhẫn, để dốc hết nỗ lực của tám trăm triệu dân vào công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa, chúng ta cũng có thể đoán biết rằng, công cuộc phát triển của Tàu, nếu có vượt được những trở lực vật chất và chính trị to tát, mà chúng ta đã biết, sẽ không vượt được một giới hạn ấn định bởi ảnh hưởng kìm hãm của một ngôn ngữ, không thể là một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng, và một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi.

Việt ngữ xưa kia dùng chữ Hán và chữ Nôm hoàn toàn lệ thuộc Hoa ngữ, nên đã có một thời kỳ cũng bất lực trong vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng. Chỉ xét qua di sản văn hóa, vừa nghèo nàn vừa giới hạn của chúng ta, chúng ta càng ý thức được hậu quả tai hại của sự lệ thuộc và sự bất lực đó trong một ngàn năm. Nhưng từ ngày Việt ngữ được ghi âm bằng mẫu tự La Mã thì đã được giải thoát khỏi sự bất lực trên. Một sự kiện rất cụ thể tiêu biểu cho sự giải thoát này là, trong tất cả các sinh ngữ trong xã hội Đôn Á ngày nay, Việt ngữ là sinh ngữ duy nhất, có thể dùng máy đánh chữ mà viết ra được. Sự kiện trên lại làm bộc lộ tầm xoay trở rộng rãi của lối ghi âm, sánh với lối biểu ý.

Sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã thay thế cho chữ Nôm và chữ Hán, là một ví dụ thành công của công cuộc Tây phương hóa của chúng ta, trong một phạm vi nhỏ, nhưng quan trọng và quyết định, phạm vi ngôn ngữ. Sự thành công này, đương nhiên gieo cho chúng ta một sự tin tưởng mãnh liệt vào những thành công phong phú hơn nữa, trong những phạm vi rộng lớn của công cuộc Tây phương hóa mà chúng ta đang theo đuổi.

Riêng sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã đã là, như chúng ta vừa thấy, một ưu thế không phủ nhận được của Việt ngữ đối với Hoa ngữ, trên nhiều phương diện. Nhưng sự ghi âm, bằng mẫu tự La Mã còn mở cửa cho Việt ngữ một sự phát triển khác mà hậu quả sẽ có một tầm quan trọng bội phần hơn. Sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã, sẽ cho phép chúng ta kiến trúc câu văn như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên. Và câu văn, một khi đã được kiến trúc hóa, Việt ngữ đương nhiên sẽ trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi.

Lúc bấy giờ Việt ngữ vừa là một dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng, vừa là một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi, sẽ là một dụng cụ hữu hiệu cho nền văn hóa Việt Nam. Sánh với Hoa ngữ, ưu thế lại càng rõ rệt hơn nữa.

Lúc bấy giờ, chẳng những văn hóa Việt Nam hoàn toàn không còn lệ thuộc văn hóa Tàu, mà sự phát triển văn hóa của chúng ta sẽ lên đến một trình độ ước mong, khả dĩ góp một phần đáng kể vào di sản của văn minh nhân loại, nhờ sinh lực dồi dào mà một dụng cụ ngôn ngữ hữu hiệu sẽ tạo ra cho văn hóa chúng ta.

Triển vọng về ngôn ngữ, dụng cụ văn hóa đã như vậy, thế hệ của chúng ta không có một lý do nào để không vận dụng tất cả nỗ lực, nắm lấy cơ hội đưa đến cho chúng ta để thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, ý chí của tiền nhân: cởi bỏ ách tâm lý thuộc quốc đối với nước Tàu, cho dân tộc. Và thế hệ của chúng ta, không có một lý do nào, để từ bỏ sự phát triển văn hóa dồi dào mà chắc chắn, Việt ngữ chỉnh đốn sẽ dành cho chúng ta, để cam chịu một sự lệ thuộc, đối với một văn hóa, mà Hoa ngữ không bảo đảm sự phát triển. Và các nhà lãnh đạo, vì vô tình hay cố ý, làm cho cộng đồng quốc gia của chúng ta lỡ cơ hội này, chẳng những sẽ phản bội quyền lợi dân tộc mà còn phải mang hết trách nhiệm của một cuộc sống lệ thuộc, không vùng vẫy nổi, mà các thế hệ trong tương lai, vì lầm lỗi của họ, sẽ phải quy phục trong nhiều ngàn năm nữa.

Chúng ta đã chứng minh trong một đoạn trên rằng, sự quy phục thuyết Cộng Sản của một số nhà lãnh đạo của chúng ta, đã làm cho công cuộc tranh đấu giành độc lập trở nên vô cùng tiêu hao sinh lực của dân tộc. Tuy nhiên, những sự hy sinh cao cả của các phần tủ của cộng đồng không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được tính kiêu hùng của dân tộc trong các cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù.

Trong một đoạn khác, chúng ta đã phân tích rằng, vì bị sự chi phối của tâm lý thuộc quốc, đối với nước Tàu trong hơn tám trăm năm, đè nặng trên đời sống của dân tộc, nên một số nhà lãnh đạo đã cố tròng vào thân thể Việt Nam, cái áo Tam Dân Chủ Nghĩa, mà Tôn Văn đã gắng công nghiên cứu may cắt cho dân tộc của ông. Tuy nhiên, những thành tích chiến đấu giải thoát dân tộc của các nhà cách mạng quốc gia, không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được những trang vẻ vang, mà họ đã nhân danh Tam Dân Chủ Nghĩa, viết bằng xương máu trong lịch sử dân tộc.

Chúng ta lại vừa trình bày rằng, thế hệ của chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để nắm lấy cơ hội đưa văn hóa chúng ta thoát khỏi sự chi phối của văn hóa Tàu, và nhân đó tiêu diệt yếu tố quan trọng nhất trong hai yếu tố, đã trong hơn một ngàn năm, bồi đắp cho tâm lý thuộc quốc của chúng ta, đối với Trung Hoa. Tuy nhiên, di sản văn hóa của dân tộc thoát thai tù nền văn minh chung của xã hội Đông Á, không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được những kiến thức uyên thâm và những mẫu người thoát thường, mà nhiều cá nhân Việt Nam đã đạt đến được, nhờ một sự trụ đúng mức vào các tiêu chuẩn giá trị của nền văn minh Tàu.

Trong ba trường hợp trên, thái độ của chúng ta là thái độ của một nhà bác học về quang học, khi nhận thấy rằng, thuyết ánh sáng phát quang theo đường thẳng không còn giải thích được nhiều biện tượng quang học, và cần phải được thay tế bằng một thuyết khác. Nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận rất cả các định luật về quang học, đã được phát minh khi nhà bác học đã trụ vào thuyết ánh sáng phát quang theo đường thẳng, bởi vì những định luật này đã thuộc vào di sản phát minh của ngành quang học.

No comments: