Cách
tạo thang âm trưởng nói ở bài trước
là cách đi theo quãng 5 LÊN.
Cách tạo thang
âm trưởng theo quãng 5 Xuống.
Thay
vì lấy Tứ Liên Âm Trên của thang âm Đô làm Tứ Liên Âm Dưới cho một thang âm
trưởng mới và có thang âm Sol Trưởng, người ta lấy Tứ Liên Âm Dưới của thang âm
Đô làm Tứ Liên Âm Trên để tạo thang âm khác. Khi này bậc I Trên của thang âm mới sẽ là Fa. Đặt thêm 4 bậc âm vào phía dưới (tạo tứ liên âm dưới) thành
thang âm Fa tự nhiên. Để chuyển thành thang âm Fa Trưởng, âm Si (bậc IV) phải
bị hạ thấp nửa cung. Khi này Si Giáng cách La bên dưới nửa cung và cách Đô bên
trên một cung, vừa đúng khuôn mẫu của thang âm trưởng.
Để ý
rằng thang âm (Fa) mới này có bậc IV bị Giáng (Si♭). Nói cách khác, thang âm Fa Trưởng chính là thang âm
Fa Tự Nhiên có Bậc IV bị Giáng. Cũng
để ý rằng Fa chính là Quãng Năm Đúng Xuống tính từ Đô.
Tương
tự, người ta tạo ra các thang âm trưởng khác vẫn bằng cách lấy tứ liên âm dưới
của thang âm cũ làm tứ liên âm trên cho thang âm mới rồi hạ thấp bậc IV của
thang âm mới này để nó thành thang âm trưởng. Hoặc giải thích đơn giản hơn, để
tạo một thang âm mới, người ta lấy bậc IV của thang âm trưởng (tức quãng 5 đúng
bên dưới bậc I) làm bậc I cho thang âm mới và hạ bậc IV của thang âm mới xuống
nửa cung.
Từ
thang âm Đô Trưởng, tạo ra thang âm Fa Trưởng với âm Si♭. Từ Fa Trưởng tạo ra Si
Giáng Trưởng với âm Mi♭. Từ
Si Giáng Trưởng tạo ra Mi Giáng Trưởng với âm La♭...
Đọc thang
âm từ trên xuống ta dễ hình dung ra tiến trình tạo mới này:
Thứ
tự các thang âm trưởng lần lượt tạo được là Fa, Si Giáng, Mi Giáng, La Giáng,
Rê Giáng, Sol Giáng, Đô Giáng, vân vân.
Và
thứ tự các dấu Giáng là: Si, Mi, La, Re, Sol, Đô, Fa…
Tương
tự việc dùng thang âm La Giáng Trưởng thay cho Sol Thăng Trưởng để tránh dấu
thăng kép, người ta dùng thang âm Si Trưởng để thay cho thang âm Đô Giáng
Trưởng, vì chúng là Đồng Âm.
Và
như vậy, người ta không bao giờ dùng các thang âm có từ 7 dấu Thăng hay 7 dấu
Giáng trở lên. Mà thay 7 thăng bằng 5 giáng, 8 thăng bằng 4 giáng, hay thay 7
giáng bằng 5 thăng, 8 giáng bằng 4 thăng (chú ý rằng tổng của chúng bằng 12).
Với
cách tạo thang âm mới bằng vòng Quãng Năm Lên và Quãng Năm Xuống này, mà thứ tự
dấu Thăng hay dấu Giáng phải viết như trên. Và khi thang âm cần bao nhiêu dấu
hóa thì cũng viết theo trật tự đó.
Đối với bộ khóa dấu Giáng của một bản nhạc viết đúng nguyên tắc,
tên của dấu Giáng Áp Chót chính là tên của thang âm trưởng mà bản nhạc sử dụng,
hoặc nó là bậc III của thang âm thứ. (Bài có 2 dấu giáng là Si Giáng và Mi
Giáng, dấu giáng áp chót là Si Giáng vậy thang âm trưởng là Si Giáng Trưởng; Si
Giáng là bậc III của thang âm Sol Thứ.) Chú ý rằng nếu có 2 vật thì
vật thứ nhất chính là vật áp chót. Riêng
bộ khóa chỉ có 1 giáng, thì thang âm là Fa Trưởng hoặc Rê Thứ.
Có
thể tổng hợp các thang âm trưởng (màu đen) và thứ (màu xanh) với bộ khóa của
chúng theo một vòng tròn, Vòng Quãng Năm
Đúng Đi Lên, với số dấu thăng tăng dần, rồi những thang âm đồng âm giữa bộ
khóa thăng và bộ khóa giáng, và số dấu giáng giảm dần. Khởi đầu và kết thúc ở
bộ khóa zero (toàn âm tự nhiên, không có thăng giáng).
Chuyển giọng.
Biết
rằng thang âm thứ luôn bắt đầu bằng bậc VI của thang âm trưởng cùng bộ khóa[1].
Ta chỉ cần chuyển giọng một thang âm thứ bằng cách chuyển thang âm trưởng liên đới của nó. Khi có thang âm trưởng liên đới
mới, thì bậc VI của thang đó chính là tên (bậc I) của thang âm thứ.
- Xác
định thang âm gốc của bài nhạc bằng cách nhìn vào bộ khóa. (thí dụ bài có 2 dấu
thăng, thì bậc I của thang âm là Rê).
-
Chuyển tất cả các âm gốc lên hay xuống theo một khoảng cách cao độ bằng nhau.
Và xét xem bậc I cũ chuyển thành âm gì thì âm chuyển thành đó chính là bậc I
của thang âm mới và gọi tên nó theo bậc I đó (thí dụ bậc I cũ là Rê, chuyển
thành âm Sol, thì bậc I mới là Sol, thuộc thang âm Sol Trưởng). Tính xem thang
âm mới có bộ khóa ra sao (mấy thăng, mấy giáng) và ghi vào đầu bài. (thí dụ
thang âm Sol Trưởng, có bộ khóa là 1 dấu thăng (Fa thăng).
Chuyển về Đô
Trưởng.
Đưa
bản nhạc về thang âm Đô Trưởng hay La Thứ (là thang âm tự nhiên) giúp dễ dàng
hơn trong việc xướng âm.
Trước
hết cần xác định bản nhạc viết ở thang âm trưởng nào qua bộ khóa của nó. Và
xướng âm bậc I của nó bằng tên Đô theo thang âm Đô Trưởng. Các bậc khác thay
đổi tương ứng. (Một bản nhạc có 3 dấu Thăng thì thang âm trưởng là La, thấy nốt
La thì đọc là Đô, thấy Si đọc Rê, Đô Thăng thành Mi…). Vì dấu hóa thành lập (ở
bộ khóa) ảnh hưởng toàn bài mà ta đã chuyển về Đô Trưởng thì coi như không có
dấu hóa nữa. Chỉ khi trong bài có dấu hóa bất thường thì lúc đó mới phải tính.
[1] Hai thang âm trưởng và thứ có cùng bộ khóa là 2 thang âm liên đới (Related Scales) với nhau. Còn gọi là các thang âm họ hàng.
No comments:
Post a Comment