Thursday, November 7, 2024

Chuyển Giọng

 

Chuyển Giọng

(Transposition, dịch giọng, từ mới là “chuyển vị”)

Là việc dịch chuyển cao độ của một tập hợp các nốt nhạc sang cao độ khác bằng một khoảng cách như nhau. Nói cách khác, chuyển giọng là chuyển các nốt sang một cao độ khác mà vẫn giữ nguyên quan hệ về quãng giữa các nốt đó, tức là giữ nguyên cảm giác về cung thể và đường nét giai điệu và hòa âm. Một bản nhạc trầm quá không phù hợp với giọng ta thì ta có thể chuyển nó sang giọng cao hơn, và tất cả các phần đệm cũng phải chuyển theo. Đó là sự chuyển giọng.


Các vấn đề của việc chuyển giọng.

Cung (Whole Tone) nửa cung (Semi-tone).

Tập hợp các cao độ âm thanh tự nhiên từ thấp lên cao trong khoảng 1 Quãng Tám[1] được gọi tên là Đô Rê Mi Fa Sol La Si[2]. Nhưng khoảng cách cao độ giữa chúng lại có 2 kiểu. Khoảng nhỏ, là giữa Mi với Fa và giữa Si với Đô trên, được gọi là nửa cung. Cao độ giữa những nốt kế nhau còn lại thì có khoảng cách cao độ lớn gấp đôi khoảng nhỏ vừa nói, và gọi là một cung.

 

Dấu hóa (accidentals)

Như vậy, giữa những nốt cách nhau một cung có thể có một âm thanh khác ở giữa, tức là âm có cao độ giữa nốt trên và nốt dưới. Những nốt này được gọi tên bằng cách dùng dấu hóa. Dấu Thăng (sharps) để bảo rằng âm này cao hơn nửa cung so với dấu nhạc được ghi. Đô Thăng cao hơn Đô nửa cung. Dấu Giáng (flats) để bảo rằng âm này thấp hơn nửa cung so với dấu nhạc được ghi. Si Giáng thì thấp hơn Si nửa cung.

Như vậy âm thanh có cao độ ở giữa 2 âm tự nhiên kế nhau thì có thể được gọi bằng 2 tên khác nhau. Hoặc là thăng nốt thấp, hoặc là giáng nốt cao.


 Thang Âm (Scales, hay Thang Dấu, Âm Giai, hay Gam)

Là hệ thống các âm cơ bản được sử dụng để tạo thành khúc nhạc, sắp xếp từ thấp lên cao. Vì mỗi âm thanh đều chỉ mang một trong 7 tên, nên một thang âm chỉ cần có 7 bậc cộng thêm bậc I của quãng Tám bên trên để chỉ ra quan hệ của bậc cuối với bậc đầu và không gọi bậc I này là bậc VIII. Tên của thang âm là tên nốt của bậc đầu (bậc I).

Dưới đây là vài thang âm tự nhiên (không có dấu hóa).

 

7 thang âm tự nhiên thì có trật tự cung và nửa cung khác nhau. Trật tự này tạo nên đặc tính của mỗi thang âm do sức hút của các nửa cung và sự vững chãi của bậc V (là âm bồi[3] gần nhất của bậc I). Để phân biệt các đặc tính của thang âm, người ta đặt cho mỗi loại một tên riêng, như trong bảng dưới đây.

Bậc I

Tên theo tính chất

Nửa Cung ở giữa các bậc

Thang âm Đô

Ionian

III - IV

VII - I

Thang âm

Dorian

II - III

VI - VII

Thang âm Mi

Phrygian

I - II

V - VI

Thang âm Fa

Lydian

IV - V

VII - I

Thang âm Sol

Mixolydian

III - IV

VI - VII

Thang âm La

Aeolian

II - III

V - VI

Thang âm Si

Locrian

I - II

IV - V

Trong số 7 thang âm tự nhiên đó, 2 thang âm thông dụng nhất là Thang âm Đô và Thang âm La. Vì đặc tính của quãng nhạc (intervals) và hòa âm (harmony) mà chúng được gọi là Thang âm Đô Trưởng (C Major Scale) và Thang âm La Thứ (A Minor Scale).

Cách tạo thang âm trưởng.

Người ta tạo ra các thang âm trưởng khởi đi từ bất kỳ âm nào bằng cách thăng hay giáng các bậc, sao cho trật tự cung y hệt như của thang âm Đô Trưởng. Tức là lấy thang âm Đô tự nhiên làm mẫu. Tương tự với thang âm thứ. Và gọi tên các thang âm đó bằng tên của bậc I và tên tính chất đi kèm: Thang âm Mi Trưởng, Thang âm Sol Trưởng, Thang âm Si Thứ, Thang âm Rê Thứ, vân vân.

Vì thang âm Đô Trưởng và La Thứ cùng là thang âm tự nhiên (không có âm bị thăng hay giáng) nên khi tạo được một thang âm trưởng, ta cũng có một thang âm thứ tương ứng bắt đầu từ bậc VI của thang âm trưởng đó[4]. Phần sau đây không đề cập đến thang âm thứ nữa.

Trật tự cung và nửa cung giữa các bậc của Thang Âm Trưởng, tính từ bậc I, lên đến bậc I trên, là:

Cung - Cung - Nửa Cung - Cung - Cung -  Cung - Nửa Cung

Tổ chức đó có thể chia thành 2 phần giống nhau và cách nhau Một Cung. Gọi một phần, gồm 4 bậc âm, là một Tứ Liên Âm (tetrachord, 4 âm kề nhau). Tứ Liên Âm Dưới khởi đi từ Bậc I. Tứ Liên Âm Trên khởi đi từ bậc V.

Vậy một thang âm trưởng gồm 2 tứ liên âm giống nhau (Một, Một, Nửa) cách nhau một cung. Ở thang âm Đô Trưởng thì Tứ Liên Âm Trên khởi đi từ âm Sol.


Sẵn cấu trúc của 2 Tứ Liên Âm giống nhau trong thang âm Đô Trưởng, coi Tứ Liên Âm Trên như là Tứ Liên Âm Dưới của một thang âm mới, nó khởi đi từ Sol, ta sẽ có Thang Âm Sol. Nhưng để Tứ Liên Âm Trên của Sol này theo đúng cấu trúc mẫu, thì bậc VII (âm Fa) của nó cần phải nâng lên nửa cung (Mi - Fa chỉ có nửa cung, vậy phải thăng Fa để có được khoảng cách một cung, đồng thời Fa - Sol là nửa cung). Vậy khi tất cả các âm Fa đều bị thăng và thang âm khởi đi từ Sol, ta có thang âm Sol Trưởng.


Tương tự, lấy Tứ Liên Âm Trên của Sol Trưởng làm Tứ Liên Âm Dưới thì có được Thang Âm Rê, thăng bậc VII (âm Đô) lên thì thành Thang Âm Rê Trưởng có 2 âm bị hóa là Fa và Đô. Tương tự, thang âm La Trưởng làm từ Rê Trưởng với 2 âm bị thăng (Fa và Đô) thêm âm Sol Thăng là 3 âm bị thăng.

Tuy khái niệm Tứ Liên Âm rất quan trọng trong lý thuyết sáng tác và hòa âm. Nhưng có thể bỏ qua và nhận xét rằng lấy bậc V của một thang âm trưởng làm bậc I cho thang âm mới thì chỉ cần thêm một dấu thăng vào bậc VII của thang âm mới. Từ Đô Trưởng tạo ra Sol Trưởng với Fa, từ Sol Trưởng tạo ra Rê Trưởng thêm Đô, rồi La Trưởng thêm Sol, Mi Trưởng thêm Rê, Si Trưởng thêm La, rồi Fa Trưởng thêm Mi, rồi Đô Trưởng có Si.

Các thang âm mới xuất hiện tuần tự theo bậc V của nhau. Gọi là Vòng Quãng 5[5] (Circle of Fifths)[6]. Ta có tuần tự các thang âm Trưởng: Đô, Sol, Rê, La, Mi, Si, Fa, Đô,... Và thứ tự các dấu thăng cũng cách nhau theo quãng 5 Đúng. Chúng là, theo thứ tự: Zero, Fa, Đô, Sol, Rê, La, Mi, Si…


Trong tiến trình thành lập thang âm trưởng mới, các âm bị thăng xuất hiện theo thứ tự: Fa, Đô, Sol, Rê, La, Mi, Si, Fa♯,[7] Đô., vân vân.. như sau:


Để nhận ra thang âm của bản nhạc viết đúng nguyên tắc, chỉ cần xét dấu thăng cuối cùng. Như đã biết, dấu thăng này là ở bậc VII của thang âm. Từ nó, tính thêm một bậc nửa cung nữa thì được bậc I, tức là tên của thang âm. Thấy dấu thăng cuối là La thì thang âm là Si Trưởng, vì từ La lên nửa cung là Si.

Với 7 dấu thăng, thang âm là Đô Thăng Trưởng. Bậc V của nó là Sol Thăng. Lập thang âm Sol Thăng Trưởng bằng cách nâng bậc 7 của nó (vốn là Fa♯) lên thêm nửa cung bằng cách dùng dấu Thăng Kép !.


Trong thực tế trên mọi loại nhạc cụ, âm Sol Thăng có cao độ y hệt âm La Giáng. Nên thay vì viết ở thang âm Sol Thăng Trưởng, người ta sẽ viết ở thang âm La Giáng Trưởng. Hay thay vì Đô Thăng Trưởng, sẽ viết thành Rê Giáng Trưởng. Lúc đó sẽ không phải dùng đến dấu thăng kép hay quá nhiều dấu thăng, mà sẽ dùng dấu Giáng (Flats).



[1] Quãng Tám (Octave) là khoảng cách cao độ giữa một âm và âm cao hơn có tần số gấp đôi nó. Âm thanh có tần số gấp đôi nhau thì nghe rất giống nhau; tuy âm cao hơn thì trong trẻo hơn và cứng hơn âm thấp. Vì vậy các tên nốt được lặp lại để gọi cho các nốt ở quãng tám trên hay dưới. Và ta có chuỗi tuần hoàn 7 tên nốt.

[2] Si có thể bị đổi thành Ti để tránh nhầm lẫn khi viết tắt: D R M F S L T. Và thuở ban đầu, người ta dùng 7 chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Latin để gọi tên âm thanh tự nhiên. A, B, C, D, E, F, G. Trong đó, A chính là La sau này.

[3] Âm bồi: Harmonic Sounds, là các âm thanh có tần số là bội số của một âm nào đó, chúng vang lên song song với âm đó nhưng rất yếu.

[4] Hai thang âm khác tên nhưng cùng bộ khóa được gọi là 2 thang âm Tương Ứng (Relative Scales). Hai thang âm cùng tên (cùng bậc I) nhưng tính chất khác nhau được gọi là 2 thang âm Song Song (Parallel Scales).

[5] Để gọi tên quãng, phải tính cả bậc đầu và bậc cuối, quãng giữa 2 âm Đô và Rê là quãng 2; giữa Đô và Mi là quãng 3; quãng giữa âm Đô và chính nó là quãng 1 nhưng được gọi chính thức là quãng Đồng Âm.

[6] Quãng 5 ở đây được hiểu là quãng 5 Đúng (Interval of Perfect Fifth) tức là gồm 3 cung rưỡi. Nếu thiếu nửa cung, thì phải thăng âm trên, dư nửa cung thì giáng âm trên.

[7] Nâng thêm nửa cung cho một âm đã bị thăng thì dùng dấu Thăng Kép (Double Sharps)

No comments: