Wednesday, March 21, 2012

Văn cổ

Rating:
Category:Books
Genre: Nonfiction
Author:various
Thiếu cái gan làm giàu
Cách đại thương (1) là có gan làm giàu. Coi người ta phí (2) bao nhiêu tiền bạc mà không sợ mất là vì người ta tiên liệu đại lợi (3), kể chi sự phí. Chớ như người bổn quốc ta, muốn cho thấy trước mắt có lợi mới chịu làm.
Nếu đem đại thương mà sánh với bán hàng bông (4) thì bán hàng bông ắt thấy lợi trước mắt, hễ mua sớm mai thì chiều thấy lợi, còn mua chiều sáng thấy; chớ như đại thương thì ít nữa là năm năm còn nhiều hơn là mười năm mới thấy lợi. Song so lợi dễ thấy thì là lợi ít (..) còn lợi mà lâu thấy thì thật lớn lắm.
Người nước nào đều có ngay gian xấu tốt, họ không phải là tiên phật chi hơn mình, song họ làm rồi thì quen, còn người mình không làm, nên cứ nghi hoặc hoài mà thôi.


(1) buôn bán lớn
(2) bỏ tiền của ra sử dụng
(3) tính trước rằng sẽ lãi lớn
(4) Đại Nam quốc âm tự vị ghi nghĩa đen, chỉ hàng hoa quả bông trái ; nhưng ở đây có nghĩa rộng hơn chỉ việc buôn bán cò con, buôn đầu chợ bán cuối chợ.
Lương Dũ Thúc
Nông cổ mín đàm 1901


Không lo xa, dễ thoả mãn
Tôi luận rằng người nước Nam ta khi túng thiếu thì lo lắng thở than, trong lúc đói lo một hồi mà thôi, chớ no không lo nữa.
Người nước của chúng ta, bởi không từng trải ít thấy rộng ít nghe xa (...) hễ vừa mới động nở nòi ra một thí (1) là đổi tính đổi nết, làm bề làm thế (2), muốn nghỉ mà ăn chơi. Bởi làm sao vậy? Bởi trong trăm người mới có một thì là trong một xóm ở chừng một trăm, người ấy đã đặng trên mấy bợm (3) khác. Có bạc chục bạc trăm, cho vô cho ra, đã có người thiếu nợ mình rồi; cho nên hết muốn ráng sức nữa. Vì vậy nhiều khi nghèo nàn khổ sở trở lại. Đến lúc nghèo rồi lại than thở trách trời, sanh mình sao mà vận xấu, mới cho khá rồi lại làm cho nghèo, tại trời không thương.

(1) khá giả một tí
(2) làm le, làm dáng, khoe mẽ
(3) bợm đây không có nghĩa xấu mà chỉ có nghĩa bọn khác kẻ khác
Lương Dũ Thúc,
Nông cổ mín đàm, 1902

Ăn xổi ở thì, chưa lo làm đã lo phá
Nước nào cũng có gian giảo, Tây, Nam, Chệt, Chà (1) đều có kẻ tốt người xấu. Song nước ngoài người ta gian khéo xảo lớn, còn nước mình gian vụn xảo vặt. Nói giác thể (2) như một người Chệt kia lãnh của người ta đi buôn, lãnh rồi thì lo làm ra té lời cho nhiều, có gian lận thì lấy trong cái tiền lời ấy, chớ không khi nào đụng tới vốn bao giờ. Họ tính như 1đ00 mà làm lợi ra 0đ30, dầu có gian, chủ có hay, cũng dám nhắm mà cho gian. Còn người nước Nam không phải vậy, cứ gốc đẽo hoài. Chủ ra vốn cho 10đ đã phá tán cho lỗ lã, rồi cứ cái vốn lấy hoài, cứ cái mạch châm hoài. Đụng 0đ50 cũng gian, 0đ30 cũng gian, làm sao mà không háp tiệm (3).
Chuyện gì hồi lãnh coi công việc thì bần hàn ăn mắm muối, vợ rách con đói; chừng lãnh việc rồi, vợ đeo vòng con đeo vàng, chồng giày vợ dép lên xe xuống ngựa, vợ lấy bạc góp chồng lấy bạc góp, chồng trai gái đào đĩ, sắm giường sắm mùng riêng, vợ tùng điệp (4) đem cả kiếng họ (5) đến tiệm mà ăn phá. Ôi tính hay ăn xổi, xài gấp giật gấp, nước mình nay ra đi buôn thì không khác gì mấy đứa con nít tập đi tập chạy.

(1) Chệt (có khi viết Chiệc): người Tàu; Chà: người Mã Lai hoặc Ấn Độ; còn Tây và Nam, tức người phương Tây và người Việt
(2) ví dụ
(3) háp, nghĩa gốc là khô héo, háp tiệm đại ý cũng như sập tiệm
(4) liên tục, dồn dập
(5) Chi họ, dòng họ




Không biết chấn hưng thực nghiệp (1)
Người nước ta xưa nay chia ra bốn nghề sĩ nông công thương... Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là kẻ sĩ, không thèm đứng cùng hàng với nông công thương, cho họ là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cùng. Sĩ đã không biết việc nông công thương, mà nông công thương phần nhiều không học hành, không biết nông học là gì, công nghiệp là gì, địa lý là gì. Trăm môn chẳng biết môn nào, thực nghiệp mới không chấn hưng được.
Ở các cửa khẩu thông thương, trăm người không ai không mặc vải Tây, mà vải Tây là lấy bông sợi của ta dệt ra (...) Các nhà buôn học thức nông cạn, người ta mang hàng đến mà mình không biết chở hàng đi (2). Nhà buôn trong nước rất tản mạn, chèn ép lẫn nhau, không có chủ trương nhất định...

(1) thực nghiệp là từ chỉ chung các ngành sản xuất vật chất, bao gồm cả nông nghiệp lẫn công thương nghiệp
(2) chỉ lo nhập khẩu không biết xuất khẩu

Quốc dân độc bản, tài liệu của Đông Kinh nghĩa thục ,1907

Đồng tiền không dùng để sinh lợi
Tiền của tức là máu mỡ của dân. Tôi không nói là không nên yêu tiếc. Nhưng yêu tiếc thì phải bảo vệ nó làm cho nó sinh sôi nẩy nở. Muốn vậy phải có cách để biến nó thành một món to, không phải chỉ một món nhỏ. Như thế mới gọi là yêu tiếc.
Thế nhưng người nước ta yêu tiếc tiền của riêng thì lại chỉ để tiền của cung phụng cho cái mồm cái bụng riêng của mình, chứ không biết đến có việc gì khác, đó là một. Có kẻ lại bới đất đào lỗ để chôn giấu của cải, chỉ sợ người khác biết, chôn lâu đến hỏng nát, đó là hai. Cả hai hạng người này một bên thì xa xỉ, một bên thì keo kiệt, tuy không giống nhau, nhưng đều ngu như nhau.
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908


Những người thợ bất đắc dĩ
Tính người mình không biết quý trọng công nghệ, người làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được làm quan chẳng lẽ ngồi khoanh tay chịu chết mới phải xoay ra làm nghề thôi. Mà làm nghề thì không cần gì tinh xảo chỉ cốt bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn. Công nghệ suy nhược lại còn là vì người có học thức không chịu làm, người chịu làm thì lại là người không có học thức, chẳng qua chỉ theo lối cũ nghìn năm xưa chớ không nghĩ được cách thức nào mới.
Ít năm nay, có trường bách công dạy dỗ, có lắm lời tân học cổ động, thì cũng đã tỉnh ngộ ra ít nhiều, và cũng đã có người sinh được nghề khéo, học được nghề mới tranh được lợi buôn bán. Song cái tính khinh đường công nghệ thì vẫn chưa bỏ được. Có người nhờ công nghệ mà nên giàu có, song vẫn tự coi mình là đê tiện, phải mượn cái phấn ông hàn ông bá mới là vẻ vang.
Phan Kế Bính
Việt nam phong tục, 1915

Buôn bán lòng vòng trong phạm vi hẹp
Xét ra việc buôn bán của ta không được thịnh vượng bằng các nước khác cũng bởi nhiều cớ. Dân ta nhát tính, không dám đi xa. Nhiều người cậy có dấn vốn, chỉ ngồi một xó, cái gì cũng chờ người ta mang đến tận nơi, mua tranh bán cướp với nhau, chớ một bước cũng không dám đi đâu cả. Ví dụ có đi chăng nữa, thì chẳng qua Hà Nội xuống Hải Phòng, Sơn Tây; xuôi Nam Định đã cho là xa xôi; ai bần cùng lắm mới lên đến Lao Cai, Yên Bái hoặc vào đến Bình Định, Sài Gòn. Còn chỉ lo những nước độc ma thiêng, hoặc là phong ba bất trắc mà quanh năm chí tối, bán quẩn buôn quanh.
Phàm làm việc gì có phải dễ dàng mỗi chốc mà thành hiệu (1) ngay được đâu. Ta buôn bán động hơi thấy lỗ vốn một chút hoặc hơi vấp váp điều gì thì đã ngã lòng ngay. Hoặc đóng cửa, hoặc xin thôi, làm cho việc có cơ tấn tới mà cũng phải tan không thành nữa.

(1) tức có kết quả

Phan Kế Bính
Việt nam phong tục, 1915

Không có nghề nào đạt tới
trình độ chuyên nghiệp
Phần nhiều người nước ta chỉ nô nức về đường công danh sĩ hoạn, mà coi nghề buôn bán là một nghề khinh thường. Người giàu có cho con đi học mong cho con về sau nhất ra thì làm nên ông nghè ông bảng, chớ nào ai mong cho con mai sau làm nên bác lái này ông lái nọ. Người làm quan trở về thì lấy gió mát trăng thanh, cúc thơm lan tốt, chè chuyên thuốc quấn, đàn ngọt hát hay làm vui thú, chớ nào ai thiết gì ông chủ cửa hàng nọ ông quản lý cửa hiệu kia. Mà đủ bát ăn thì cũng lấy sự thanh nhàn làm thú trên đời, còn việc buôn bán thây mẹ đĩ.
Té ra bao nhiêu ông việc buôn bán phần nhiều ở trong tay người đàn bà và ở trong bọn mấy chú lái thì mong sao mở mang ra to được ?!
Lại như việc chữa bệnh, xưa kia nước ta không biết trọng nghề làm thuốc, thường cho là một nghề nhỏ mọn, không mấy người lưu tâm. Chốn dân gian chỉ những người bất đắc chí trong đường khoa cử mới xoay ra xem sách thuốc để lấy nghề sinh nhai. Phần nhiều là những người thiển học (1), rồi cũng dám lên mặt ông lang đi khắp chợ cùng quê để chữa bệnh cho thiên hạ. Mạch thấy nắm cũng nắm, mà có hiểu thế nào là mạch thực mạch hư; bệnh thấy xem cũng xem, mà có hiểu thế nào là bệnh hàn bệnh nhiệt. Đệm thêm một nắm lá xì xằng cho gói thuốc to, để lấy cho đáng đồng tiền của người ta. Cũng may dân ta phần nhiều còn dại dột, sống chết đổ cho tại số, chớ không thì các ông lang ấy chắc không ăn ngon ngủ yên.

(1) sức học nông cạn
Phan Kế Bính
Việt nam phong tục, 1915
Không chịu học buôn học bán
Nói đến cuộc thương mại nước nhà mà thêm chán. Bất quá trong nước được vài nhà buôn, còn thử đi qua các phố mà xem, chỉ những Chiệc với Chà (1) họ chiếm mất cả. Buôn bán với các nước, lại càng chẳng có ai gọi là tay đại doanh nghiệp.
Vì cớ từ xưa đến nay, đàn ông ở ta chỉ lo học hành thơ phú ngâm nga, hi vọng làm quan, chứ buôn bán cho là mạt nghệ.
Hai nữa là từ xưa không có học làm các sổ sách buôn bán, không có một trường nào dạy buôn bán như ở nước Tàu cũng như các nước bên Âu Mỹ.
Nhẽ thứ ba, ta có buôn chỉ buôn quanh bán quẩn với nhau, không thực thà không đồng tâm, không thạo việc, không biết cách đối đãi với khách mua hàng.
Vả lại bây giờ nước ta không giữ cái chủ nghĩa bế quan nữa, cửa ải đã mở rộng, nhưng mà cuộc thương mại với các nước ở tay ai chứ có ở trong tay mình đâu, mà dẫu có để cho mình cũng vị tất có đủ tài sức mà gánh vác.

(1) người Trung Hoa và người Ấn Độ
Lê Đức Mậu
Bàn về thương nghiệp, Hữu thanh, 1921

Khéo tay mà trí không khôn
Xét ra ở nước Nam ta mới có các nghề mỹ nghệ là thịnh, phàm nghề khéo toàn là các nghề trang sức cả, còn mỹ thuật thì chưa có gì sánh được với các nước;
nhưng ngay trong mỹ nghệ cũng chưa có kỷ luật, chưa có thể thống gì, chưa phân rõ các kiểu cách, các thời đại, các lề lối, các phương pháp;
thợ thuyền phần nhiều là những người vô học, phi quen tay phóng lại lối cũ, thời bắt chước chép của người ngoài, thành ra tay có khéo mà trí không khôn, không biết biến báo mà vẫn giữ được tinh thần cốt cách cũ;
tồn cổ mà khéo ứng dụng về đường sinh hoạt mới, nóí tóm lại là không có trí sáng khởi (1) khôn ngoan, gây ra trong mỗi nghề một cái thể thức trang nghiêm mà đặc biệt.
Cho nên các nhà nghề ta, không thể bằng cả ở cái tay khéo được, cũng phải tập cho có cái trí khôn nưã.
Nay muốn gây lấy cái trí khôn ngoan trong mỹ nghệ, khiến cho có tinh thần có thể thức, thời không gì bằng lập ra một nhà bảo tàng mỹ nghệ, sưu tập lấy những đồ đẹp trong nước, chia ra từng thời đại, bày cho có thống hệ (2), để cho những nhà nghề đến đấy mà xem, mà học cho biết nghề mình duyên cách (3) thế nào, thể cách làm sao, rồi hoặc trông đấy mà giữ lấy cái cốt cách tinh thần cũ, hoặc nhân đấy mà biến đổi dần.



(1) bắt đầu dựng lên
(2) quan hệ của những cái liên tiếp. Cũng nghĩa như hệ thống
(3) duyên ( có khi đọc diên ) ở đây là thủ cựu, cách là đổi mới.Duyên cách : Tình hình cũ và mới

Phạm Quỳnh
Pháp du hành trình nhật ký 1922

Không ai chuyên nhất việc gì

Các nước phú cường, người nào làm việc gì thì chuyên việc ấy. Nhà khoa học lo cả đời phát minh; người làm giàu thì cứ việc làm giàu. Còn nước ta thì không thế. Một người làm năm bảy việc; trong khi làm bàu gánh hát bộ, lại có xuất bản một cuốn tiểu thuyết ái tình, lại có mở một cửa hàng tạp hóa, ít lúc chi đó lại vọt xuống tàu sang Pháp làm chính trị.
Người ngoại quốc thấy vậy, cho rằng chúng ta có lòng ham hố quá, hoặc cho rằng không có đức chuyên nhất, không có tính nhẫn nại.

Tân Việt (*)
Mỗi người một việc – Đông Pháp thời báo, 1928 (*)Một bút danh mà Diệp Văn Kỳ và Phan Khôi ký chung trên Đông Pháp thời báo 1928 ( theo Lại Nguyên Ân ). Nghe giọng thì người viết ở đây có lẽ là Diệp Văn Kỳ (?).


Làm hàng bán hàng đều kém
Nước ta khi xưa chỉ có những tiểu công nghệ như quay tơ, dệt vải, dệt lụa, làm chài lưới, làm mắm muối v..v.. chứ không có đại công nghiệp để làm giàu như các nước khác.. Người làm thợ, ai chuyên tập nghề gì thì lập thành phường, như thợ mộc thợ nề thợ rèn thợ đúc đồ gốm v..v.. Phường nào có tục lệ riêng của phường ấy. Những người làm nghề thợ thường là người ít học, quanh năm ngày tháng đi làm thuê làm mướn chỉ được đủ ăn mà thôi.
Người thiên hạ đi buôn nước này bán nước nọ, xuất cảng nhập cảng, kinh doanh những công cuộc to lớn kể hàng ức hàng triệu. Người mình cả đời không đi đến đâu, chỉ quanh quẩn ở trong nước, buôn bán những hàng hoá lặt vặt, thành ra bao nhiêu mối lợi về tay người ngoài (1) mất cả. Thỉnh thoảng có một ít người có mươi lăm chíêc thuyền mành, chở hàng từ xứ nọ đến xứ kia, lưng vốn đọ năm bảy vạn quan tiền, thì đã cho là hạng cự phú.

(1) ám chỉ Hoa kiều, trước 1945 thường gọi là khách, như trong các từ hiệu khách, phố khách …
Trần Trọng Kim
Việt Nam sử lược,1925
Tài trí thua kém
Nghĩ như nước ta, ruộng đất tốt, rừng núi nhiều, các mỏ có, phận đất duyên hải cũng thật dài, vậy mà cuộc kinh tế mỗi ngày mỗi khó, thời là sao?
Nói về tài trí, quốc dân ta thứ nhất đã kém về cơ khí cho nên công nghệ phải thua. Vật xấu mà giá bán đắt hơn thời còn mong gì tiêu thụ cho ngoại quốc (1). Ngay trong bản quốc, vẫn phải cần dùng đồ nước ngoài. Bài trừ ngoại hoá chẳng qua là câu chuyện nói chơi, khó thay sự thực. Như ở Nam Kỳ nhà máy xay gạo của người ngoại quốc thì không sao; người nước ta chỉ có một cái nhà máy xay mà cháy. Ở mặt bể, tàu của người ngoại quốc thời không sao, người nước ta có một cái tàu Bình Chuẩn (2) mà chìm. Nghĩ ra cũng là tài trí thua kém.
Nói về tư bản (3), nguyên người nước ta đã không lấy đâu có được nhiều người có tư bản to ví với người ngoại quốc, mà sự chiêu phần (4) lập hội thời cái bụng ăn ở với nhau kém, cho nên không mấy hội được bền, nghĩ chỗ đó thật đáng buồn, mà có nói lắm cũng vô ích.

(1) tức không thể xuất khẩu.
(2) tàu chở hàng trên biển, trọng tải 600 tấn, do công ty Bạch Thái Bưởi khai trương từ 1919.
(3) của cải vốn liếng
(4) gọi người mua cổ phần
Tản Đà
An Nam tạp chí, 1931
Thời gian phí phạm
cách sống làm điệu làm dáng
Trong tiếng ta có một lời mà người ta hay dùng là cơm vua ngày trời, tỏ ra ý ăn hết chừng nào thì ăn, làm được chừng nào thì làm, không bị hạn chế và thôi thúc chi hết. Lại có thành ngữ làm việc quan là làm việc rồi (1), làm đù đưa đủng đởn.
Phải, phàm kẻ làm việc quan, không bị hạn chế thôi thúc thì tội gì làm đúng đắn làm kịp thời kịp vụ làm chi!
Bởi vậy cho nên ngày xưa chúng ta không có đồng hồ. Chẳng những vì khoa học không có mà không làm được đồng hồ. Mà chính vì cái quan niệm cơm vua ngày trời, và làm việc quan ấy nó choán sẵn trong đầu rồi, không có sự cần, nên không sinh ra khoa học mà không làm đồng hồ được.
Có người đeo cái đồng hồ không chạy. Máy ở trong đã hư hết nhưng mà vì nó đẹp, nên cũng đeo cho có với người ta. Ta chưa nhìn rõ cái giá trị thật của thời gian là thế nào.
Bỏ cái quan niệm cơm vua ngày trời đi, rồi mới dùng được đồng hồ theo như chỗ dùng của nó.
Cũng như bỏ cái căn tính cẩu thả đi, rồi mới dùng được những chữ dân quyền tự do bình đẳng theo ý nghĩa của nó. Hiện nay thì những chữ dân quyền, bình đẳng, tự do ở nước Việt Nam cũng còn như cái đồng hồ của người Việt Nam!

(1) rổi ở đây có nghĩa như trong thành ngữ “ăn không ngồi rồi “. Làm rồi: làm rất nhàn nhã, thế nào cũng được

Phan Khôi
Cái đồng hồ của người Việt Nam, Phụ nữ tân văn,1931




Quan niệm về kinh tế quá cổ lỗ
Tư tưởng kinh tế nước ta phần nhiều bị cái triết học của người đời (1) nó đè nén. Sách Đại học (2) có câu “ Đức là gốc mà của là ngọn “, ông Mạnh tử nói “ nhân nghĩa là đủ, sao cứ nói lợi “. Xưa nay không ai không lấy sự dè sẻn làm chủ nghĩa rất cần, nói đến tài chính không ai không lấy sự “ xem số thu vào để liệu số chi ra “ làm chủ đích. Sự hơn đong kém bán bị khinh rẻ, người mưu lợi bị chê bai …
Bởi đấy nên tư tưởng kinh tế phương đông tản tác mà lộn xộn, tư tưởng kinh tế phương Tây tề chỉnh mà phân minh.
Tư tưởng đã tản tác mà lộn xộn thì kết quả không tiến bộ chút nào; tư tưởng đã tề chỉnh và phân minh thì kết quả lại có phần tiến bộ nhiều lắm.

(1 ) triết học nhân sinh
(2) một trong Tứ thư bốn bộ sách chính của đạo Nho. Ba cuốn kia là Luận ngữ, Trung Dung Mạnh Tử

Nguyễn Xuân Dương
Sự so sánh về tư tưởng kinh tế Đông Tây An Nam tạp chí, 1931


Giữa chủ và thợ không tìm được
hình thức cộng tác thích hợp
Những nhà nông trồng ra cây mía, nấu thành muống đường (1).
Những người làm nên đường cát mà mang đi bán lại là người khác, tức là nhà buôn đường.
Người có tư bản xuất vốn ra và làm chủ rồi rủ dăm ba người trai tráng làm bạn (2), gọi là công –xi, một bên xuất tài (3) một bên xuất lực.
Mãn mùa rồi tính trừ tiền vốn và tiền tổn ra còn lãi bao nhiêu chia thành hai, chủ phần nửa, các bạn phần nửa.
Song ở trong có sự rất xấu là những người chủ thường ăn lấn các bạn. Hạng trai tráng đi làm bạn phần nhiều là ngu dốt không biết gì, chủ tính trời tính đất chi thì tính, họ cứ việc dạ, miễn còn dư đôi ba đồng đem về cho vợ đã là quý rồi.
Thường thấy những công-xi làm đường chủ nhân làm nhà gạch mua đất tư còn các bạn thì khố một vẫn hoàn khố một.
(1)Tạm hiểu là đường sơ chế
(2) một cách gọi những người cộng tác; thực chất là thợ
(3) tài ở đây không phải tài năng, mà là tiền của.

Trích ở bài Nghề làm đường ở Quảng Nam, Quảng Ngãi
Thực nghiệp dân báo, 1923





Những cái gia truyền dần dần mất đi
Xét những thức quà của ta, thật có nhiều thứ ngon, mùi vị rất dồi dào. Là sản phẩm của đồng ruộng của núi sông, những thứ quà ấy là dấu hiệu sự thưởng thức của người mình, vừa tao nhã lại vừa chân thật. Đó là những vật quý mà sự mát đi, nếu xảy đến, sẽ khiến người sành ăn phải ngậm ngùi.
Nhưng người mình tham thanh chuộng lạ đã bắt đầu khinh rẻ những thứ đáng yêu ấy, có cái ngon mà họ đã gần quên mất mùi vị.
Một đằng khác, không ai chịu để ý và hết sức làm cho mỗi ngày một hoàn hảo hơn lên, cải cách cho hợp với thời mới.
Những cái gia truyền dần dần mất đi, những cái khéo léo không còn giữ được …


Thạch Lam
Hà Nội băm sáu phố phường, 1940

Ngủ yên trên danh vọng
Đi với bánh đậu, còn có các thứ bánh khảo, kẹo lạc, kẹo vừng.
Ngày trước, hiệu Ngọc Anh có tiếng khắp kẻ chợ thôn quê; nhưng từ ngày Cự Hương ở tỉnh Đông (1) dồn lên, thì ngôi bá chủ đã thay người.
Trong khi Cự Hương mỗi ngày một tiến bộ trong cách tìm tòi, khiến cho bột bánh được mềm dẻo, nhân đậu được nhuyễn trong, và cách trình bày được sạch sẽ tinh tươm thì Ngọc Anh nằm ngủ trên cái danh vọng cũ của mình, uể oải bán hàng cho khách. Hiệu đó hình như giàu rồi mà lại …
Mà phần nhiều giàu rồi thì không hay cố nữa. Đó là cái tật chung của người mình khiến cho không một công cuộc nào phát đạt được lâu dài, cả từ trong cách buôn bán cho đến những công nghệ khác.
Tài làm bánh của người mình không phải là kém cỏi. Cái thứ bánh dẻo Trung thu của Cự Hương không kém gì bánh của Tàu và các thứ bánh kem của Việt Hưng không thua gì bánh của Tây.
Ta chỉ còn thua cái chí nữa mà thôi; nhưng như thế nghĩa là còn thua nhiều nhiều lắm.
(1) tức vùng Hải Dương



Thạch Lam
Hà Nội băm sáu phố phường,1940


Bôi bác, giả dối, chỉ cầu rẻ
Cái chí của người Việt Nam ta cũng khác: món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách còn cái phẩm có tốt hay không, không quan tâm đến. Bát mằn thắn của người mình có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt. Mằn thắn làm rất to bột, nặn xuề xoà để trông càng to hơn, nhưng nhân thì hết sức kín đáo và nhỏ bé vì được một tí thịt chỗ bàng nhạc (2) mua rẻ của các hàng thịt lậu ôi ở ngoại ô, lúc trút hàng bán rẻ. Nước cũng rất nhiều nữa, dềnh lên như ao sau trận mưa, nhưng nhạt ví như nước bèo.
Tất cả chỉ bán có năm xu. Tưởng đắt hàng là phải. Thế mà không. Khó mà lấy nhiều hoa mắt người ta được.
Miễn là thức hàng bán xứng với đồng tiền, đừng lừa dối người mua, của ngon thì người ta ăn đắt rẻ không kỳ quản.
Đó là một sự thực giản dị trong nghề buôn bán mà tiếc thay nhiều nhà buôn người mình không biết đến, làm tồi bán rẻ rồi đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng.

(2) bạc nhạc, chỉ chỗ thịt dai không có nạc.

Thạch Lam
Hà Nội băm sáu phố phường, 1940

Người làm nghề không ngóc đầu lên được
Đời sống nông nghiệp vẫn ràng buộc sức phát triển của công nghệ, mà những người làm nghề ở Việt Nam phần nhiều là nông dân chỉ coi nghề của mình là một nghề phụ để kiếm thêm chứ không trau dồi cho nó ngày một tinh xảo.
Lại thêm chính những người có nghề muốn giữ nó làm của riêng không muốn truyền dạy cho người ngoài.
Dụng cụ thường thô sơ và y nguyên kiểu xưa.
Tài khéo thường bị mai một. Vật liệu để dùng thì cũng vẫn tìm quanh tại chỗ chứ ít khi phải mua tận nơi xa.
Cách chế tạo cũng chỉ theo phương pháp tổ truyền, không mấy ai chịu thay đổi.

Lương Đức Thiệp
Xã hội Việt nam, 1944
Không biết thích ứng
với xã hội hiện đại
Tất cả các công nghệ cổ truyền đều chỉ có công cụ thô sơ.
Chúng không có nhiều cơ hội để phát triển: thợ thủ công Việt Nam quả thật rất khéo léo và sẽ có thể trở thành những thợ mỹ nghệ tuyệt vời nhưng họ rất thiếu nhìn xa nên không thể nghĩ đến việc đặt công nghiệp của họ trên những cơ sở kinh tế hiện đại.
Họ sống ngày nào hay ngày ấy và chẳng có khả năng gì chống chọi với sự cạnh tranh của các vật dụng hiện đại được sản xuất với số lượng lớn hơn nhiều mà lại được nâng đỡ bởi một thị hiếu vừa dễ dãi vừa thất thường.
Nguyễn Văn Huyên
Văn minh Việt Nam,1944

http://vuongtrinhan.blogspot.com/2012/03/thoi-hu-tat-xau-nguoi-viet-trong-lam.html

1 comment:

Anna Nguyen said...

Nhiều ý hay đã thấy từ xửa xưa ! Tiếc là ..vẫn ..rứa !!! Cho copy về nhà hongdwc nha.