Tuesday, February 7, 2012

Lê Quang Uy, Và chính Chúa sẽ ra tay.

“VÀ CHÚA, CHÍNH CHÚA, NGÀI SẼ RA TAY…”
Năm nay tôi xin phép được khai bút với… 2 cái chết của 2 con người cách nào đó ít nhiều liên quan đến cuộc đời Mục Vụ của tôi.

Về cái chết đầu tiên, tối thứ năm 12.1.2012, điện thoại reo, bên kia là tiếng bạn Ngọc Dung trong Nhóm Fiat, mếu máo khóc báo tin anh chồng mới cưới được mươi ngày, cũng là anh em trong Fiat, vừa bị tai biến đột quỵ. Tôi nghe trong điện thoại cả tiếng còi hụ xe cấp cứu thì biết gay go rồi, vội nâng đỡ tinh thần cả hai và hứa báo tin cho cả nhóm cùng hiệp ý cầu nguyện. Dù vậy tôi vẫn đinh ninh bạn ấy mới 26 tuổi, trẻ, khỏe, nặng gần 100 ký, cấp cứu cho qua cơn nguy, rồi sớm về nhà, chịu khó châm cứu và vật lý trị liệu mấy tháng thế nào cũng sớm hồi phục.

Vậy mà chỉ mấy hôm sau, Chúa Nhật 15.1, vừa dâng Lễ cho Người Xa Quê ở DCCT xong, người còn ướt đẫm mồ hôi, tôi lại nhận được một cú điện thoại khẩn cấp, thêm mấy bạn Fiat nữa, chúng tôi vội vào Bệnh Viện 115 ngay. Tôi len giữa những bệnh nhân và người thăm nuôi trong khu cấp cứu hồi sức tích cực đến tận giường bệnh nhân thì đã quá muộn. Tôi vẫn cố gắng cử hành Bí Tích Xức Dầu nguy tử mà trong lòng xót xa. Phaolô Trần Đào Ngọc Tâm ra đi như thế đó, 26 tuổi, ngày sinh cũng là ngày mất, để lại cô vợ nhỏ nhắn, tính đến lúc ấy cưới vừa tròn 2 tuần lễ !

Bệnh Viện 115 khuya hôm ấy bị một phen xôn xao chấn động, người nhà của Ngọc Tâm đau xót vì em đã không được kíp trực hôm ấy tận tâm cứu giúp. Họ đã cùng la to lên cho mọi người được biết về cái cung cách vô trách nhiệm và vô lương tâm của những kẻ vẫn thường được tôn vinh là “lương y như từ mẫu”. Bác sĩ Nguyễn Văn L. cứ thản nhiên ngồi ăn vặt ở bàn giao ban, bị kêu réo mãi thì cũng đến đứng đó một chút, nhìn nhìn ngó ngó bệnh nhân lúc ấy đang lên cơn co giật dữ dội, rồi ông bỏ đi coi như chẳng có gì đáng phải bận tâm. Khi biết Ngọc Tâm đã chết, bác sĩ và kíp trực vội vàng bỏ trốn mất. Một nữ bác sĩ đến tiếp nhận đã phải làm biên bản ghi lại đầu đuôi, bảo là sẽ họp “tìm hiểu và xử lý”.

Tôi thật sự rùng mình khi đi theo xe băng ca đẩy xác em Ngọc Tâm, vào buồng thang máy và lăn bánh giữa những hành lang dài của bệnh viện, ra đến tận cổng để chuyển lên xe đưa về gia đình, bao nhiêu là người thăm nuôi các bệnh nhân nằm ngồi ngổn ngang hôm ấy đã nghe những tiếng thét lanh lảnh từng chập trong đêm của mẹ và của vợ người mới chết: “Bác sĩ giết con tôi ! Bác sĩ giết chồng tôi !”

Đã lâu lắm rồi, cả hai ba mươi năm nay chứ không ít, người dân đã chuyển từ than phiền sang mức bất bình và nay thì đã nổ tung thành cơn giận dữ trước những tệ hại của ngành y, khắp nơi cả nước chứ không riêng gì ở Sàigòn này. Đã có nơi xảy ra bạo động, thân nhân bệnh nhân xông vào giết chết luôn bác sĩ, và bác sĩ ấy bỗng nhiên trở thành… liệt sĩ vì chết trong khi đang làm nhiệm vụ !?!


Câu chuyện thứ nhì cũng lại là một cái chết liên quan đến các “vị thần áo trắng”. Tôi xin gọi là “thần” không phải có ý mỉa mai đâu, nhưng sự thật là vậy. Khoảng 5, 6 năm trở lại đây, các bác sĩ phụ sản đã tự cho mình cái quyền làm… thần thánh để quyết định chuyện sinh tử con người. Chính một số người trong ngành Y chủ trương chống phá thai, đã tiết lộ chuyện tầy đình:

Chính sách Kế Hoạch Hóa Gia Đình với biện pháp làm “giảm tỷ lệ mang thai” trước đây mấy chục năm nay cuối cùng coi như đã phá sản, mà lại phá sản ngay trong giới đảng viên cán bộ, người ta không thích “dừng lại ở 2 con” nữa rồi, phạt thì phạt, kỷ luật sa thải thì về hưu lo buôn bán dịch vụ lại kiếm khá hơn lãnh lương nhà nước. Thế là dân số tăng vọt !

Không biết ai đó đã nảy ra “sáng kiến kinh ngạc”, một quyết sách hiệu quả vô cùng, ấy là làm “giảm tỷ lệ sinh”. Muốn mang thai thì cứ việc, nhưng đến nửa chừng đi siêu âm và xét nghiệm thai y như rằng sẽ nhận được một vài cái lắc đầu, chép miệng, thở dài ra vẻ rất tiếc, rất thương cảm: thai có vấn đề, nào là không thấy tim thai, tim yếu quá, thai phát triển quá chậm, thiểu ối, hội chứng Down, không có hộp sọ, mẹ đã từng bị Rubella thì thế nào con sinh ra cũng mù, mẹ mới chích ngừa, mẹ lỡ chụp X Quang xong mới biết vừa có thai thì ắt thế nào con cũng dị tật… Lại có thể là lần trước đã sinh mổ, bây giờ có thai sớm quá coi chừng… bục dạ con ! Hoặc đã hai lần sinh mổ, không thể sinh mổ lần thứ ba, để thai lại thì nguy hiểm lắm lắm cho người mẹ.

Cuối cùng thì rất rất nhiều thai phụ trong Nam ngoài Bắc đã mắc phải cái bẫy bất nhân bất nghĩa được ngụy tạo dưới lớp vỏ “nhân đạo” ấy, con số phá thai đã tăng vọt những năm gần đây. Trước đây đa số phá thai là do lầm lỡ ngoài hôn nhân, trước hôn nhân. Còn bây giờ thì có vợ có chồng, có gia đình nội ngoại hẳn hoi mà vẫn phá thai. Ngành Y cũng ma lanh lắm, đâu có gọi đó là phá thai, mà là… “chấm dứt thai kỳ” !

Đáng lẽ phải là một nụ cười báo tin vui: “Chúc mừng anh chị đã có em bé !” thì lại một câu hỏi sống sượng và tàn nhẫn: “Thai 6 tuần, giữ hay bỏ ?” Bà mẹ nào yếu bóng vía là òa khóc, suy sụp tinh thần, hoang mang đau khổ, thậm chí thấy mình có lỗi với người chồng, mắc nợ với gia đình bên chồng. Và rất nhiều phần là sau đó nạn nhân sẽ được nghe “tư vấn” rằng: thôi, cũng là nhân đạo mà, không nên giữ lại làm gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, rồi em bé bị khuyết tật lớn thua chị kém em, tội nghiệp lắm, mà đâu có phải phá thai, mới chỉ là cục máu ấy mà !

Trường hợp tôi kể xảy ra hôm thứ ba 17.1.2012, hai chị Bảo Vệ Sự Sống chạy lên cấp báo với chúng tôi, các chị đã hết lời khuyên mà vẫn bó tay, nhờ tôi gọi điện nói thêm, vì chị vợ là người Công Giáo, lại là dân ca đoàn, may ra nể lời cha, chứ anh chồng đạo theo thì khăng khăng bắt vợ bỏ thai ngay. Cái kinh khủng là thai đã lớn tháng tuổi, bác sĩ bệnh viện T.D. siêu âm la toáng lên: “Quái thai ! Thế này mà không chịu đi khám sớm, phát hiện sớm, bỏ thai sớm, bây giờ phải xử lý ngay, kẻo quá trễ !”

Cuối cùng thì tất cả chúng tôi đều chịu thua, kể cả việc báo tin dây chuyền cho nhau để đồng lòng cầu nguyện, thai nhi bị “làm Kovac” chúng tôi phải chuyển ngay sang bước kế tiếp là làm sao xin được bào thai cho sinh non để đem về lo hậu sự vậy, không để người ta bỏ bé vào đống rác thải y tế. Hai chị BVSS lần này phải đóng kịch giả làm người nhà của thai phụ để “chuộc” lấy xác em bé, lấy được nguyên hồ sơ của bé ra, đưa về Nhà Dòng cho chúng tôi.

Bé trai đã 24 tuần tuổi, cân nặng 650gr, ghi rõ họ tên mẹ, địa chỉ đầy đủ ở chung cư một quận ngoại thành cho thấy gia đình ở mức trung lưu, tiêu đề GIẤY XÁC NHẬN, bé sinh ngày 17.1.2012, chết ngày 17.1.2012. Phía trên thật mỉa mai và xót xa là hàng chữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Phía dưới lạnh lùng một chữ ký của bác sĩ CK1, phó trưởng phòng Kế Hoạch Tổng Hợp bệnh viện T.D.

Bé được đón về đến Góc Xót Thương DCCT lúc 17g chiều, mấy chị BVSS và mấy bạn Fiat cùng lo tẩm liệm cho bé. Tôi đặt tên cho bé là Anphong Trương Bình An. Chúng tôi cầu nguyện trao bé cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ, rồi lại xin phép bé để được chụp hình bé làm tư liệu truyền thông BVSS. Hai bạn Fiat Thế Hoan và Hoàng Nhựt đã rất nhẹ nhàng mở các lớp khăn bông, các lớp áo, găng tay và mũ cho cháu. Mọi người bất ngờ ồ lên một tiếng: Trời ơi ! Cháu bé đâu có phải quái thai gì đâu, chỉ đơn giản là… sứt môi thôi mà ! Đủ tuổi và cân lượng có thể xin phẫu thuật vá môi, cao lắm chỉ 5, 7 triệu… Tôi lấy máy ảnh chụp toàn thân và zoom lại, lấy gần khuôn mặt bé. Ai cũng phải xót xa tiếc nuối và bật lên cơn giận dữ cho sự tàn nhẫn bất lương của con người !

Trên đây chỉ là hai cái chết tôi biết rõ, gần gũi với tôi đến mức như thể người nhà của mình phải chết thảm vậy. Những ngày đầu năm, tôi xin phép kể lại và chọn hai cái chết này – như kiểu báo cáo quen thuộc của các đồng chí cán bộ – là “điển hình”, là tiêu biểu, là đặc trưng cho một cơn hấp hối, giãy chết giằng dai, đau đớn xót xa và cũng gây nên bao bất bình giận dữ cực độ, nó như một tấm màn đen bao trùm lên trên toàn cuộc sống của xã hội mình, dân mình, quê hương đất nước của mình. Đó là cơn hấp hối của lương tâm con người.

Cha Giám Tỉnh của chúng tôi, lâu rồi, cả 5, 6 năm trước, có lần đã nhận định: “Chủ thuyết Cộng Sản đụng vào cái gì trước sau rồi cũng thất bại, nhưng có một cái họ thành công, ấy là phá hoại lương tâm con người !” Thoạt đầu nó như căn bệnh ung thư, âm thầm hoành hành và “di căn” vào từng lãnh vực của xã hội. Trước tiên nó quật ngã ngành giáo dục và sư phạm. Ngành này mà không còn nền móng lương tri, thì cũng chẳng còn khả năng hướng dẫn con người phán đoán đâu là thiện đâu là ác, đâu là cái cần làm và đâu là cái dứt khoát phải tránh xa, thì rồi ra “di căn” sẽ tràn lan sang các ngành khác, trong đó, nguy hiểm quá, ngành Y Tế bị công phá nặng nhất. Các ngành khác nữa: Xây Dựng, Kinh Tế, cả đến Thương Binh Xã Hội cứ theo nhau, như những quân cờ domino ngã lăn dây chuyền, sụp đổ tan tành, đè lên nhau thành một mớ hỗn độn, một đống xà bần tang thương !

Vấn nạn này kể ra cũng đã được bao người trăn trở mổ xẻ phân tích nhiều lắm rồi, có nói thêm cũng bằng thừa. Cốt thiết là chúng ta, có thể nói người Công Giáo ý thức được rất rõ và rất sớm trước các tầng lớp xã hội khác, một khi đã định được bệnh rồi thì phải lo mà chữa trị, ngăn ngừa sự lây nhiễm, giảm bớt được hậu quả tan hoang của căn bệnh ung thư tinh thần này.

Nghĩ mà lo, gánh nặng quá lớn, bệnh đã trầm kha đến mức nan y, bây giờ bảo phải vực dậy cái “thiên lương” của từng người, cái “thiện căn ở tại lòng ta” ( Nguyễn Du ) trong xã hội mình hôm nay, thì quả thật đúng là… “đội đá vá trời !” Lo quá, không khéo tê liệt, cảm thấy bất lực và buông xuôi luôn thì coi như có nhận thức cũng công toi !

Vậy, phải làm gì đây ? Điều gì là tiên quyết để bắt tay vào việc ngay ?

Cha Thành Tâm có phổ nhạc Thánh Vịnh 36, mấy ngày Tết vừa rồi, bài Thánh Ca cứ được hát đi hát lại nhiều lần đến mức nhập tâm, trở thành một lời cầu nguyện, một xác tín thấm thía, nhất là câu Điệp Ca dành cho cộng đoàn: “Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa, và Chúa chính Chúa, Ngài sẽ ra tay…”

Xin chân thành đề nghị: lời nguyện đầu năm, trước là lời đoan hứa phó thác sâu xa cho Chúa, rồi sau đó, bản thân mỗi người chúng ta sẽ đem hết sức lực và tấm lòng để gầy dựng lại cái “cơ đồ” lương tri đã quá nhiều suy thoái bại hoại, đó là:
“Lạy Chúa, chúng con xin ký thác đường đời cho Chúa,
Ký thác quê hương đất nước Việt Nam cho Chúa,
Và chúng con chắc tin: Chúa, chính Chúa, Ngài sẽ ra tay…”
Lm. QUANG UY, DCCT, 2.2012