Monday, October 7, 2024

Nhịp Phách theo cách nhìn phổ thông

Để ghi trường độ âm thanh, người ta lấy tiêu chuẩn là Dấu Trọn (Nốt Tròn, Whole Note), Âm thanh dài bằng nửa dấu trọn là Dấu Phần Hai (Nốt Trắng, Half Note). Âm thanh bằng nửa Dấu Phần Hai là Dấu Phần Tư (Nốt Đen, Quarter Note). Cứ thế mà có Dấu Phần Tám (Nốt Móc, Eighth Note), Phần Mười Sáu (Nốt Móc Đôi, Sixteenth Note), Phần Ba Mươi Hai (Móc Ba, Thirty-Second Note), Phần Sáu Mươi Tư (Móc Bốn, Sixty-Fourth Note)… Tức là các hình nốt được chia theo hệ nhị phân, (cơ số 2: cái này bằng 2 cái kia: 1, 2, 4, 8, 16, 32, 64…).

Người ta không chia trường độ theo hệ tam phân. Tuy nhiên, với cách ghi bằng Dấu Chấm Dôi (Dotted Notes), ta có thể ghi được một dấu nhạc có 3 phần bằng nhau (tam phân). Với định nghĩa rằng: “Dấu chấm dôi làm tăng trường độ của dấu nhạc thêm một nửa”. Tức là, dấu nhạc có chấm dôi thì dài bằng 3 lần nửa của nó.

Và như vậy có vẻ như có một hệ tam phân trong ký âm pháp. Thực ra việc chia ba chỉ xuất hiện trong việc tính phách và trong các trường hợp đặc biệt chứ không có một hệ thống ký âm theo hệ tam phân (hay theo cơ số 3, tức là cứ nốt này thì bằng 3 nốt kia).

Phách tam phân là phách mang hình nốt có chấm dôi, là phách có 3 phần bằng nhau. Là phách chia ba.

Còn Phách nhị phân thì không có chấm dôi, là phách có 2 phần bằng nhau. Phách nhị phân là phách chia đôi.

Và người ta gọi tất cả các loại nhịp có phách nhị phân là Nhịp Đơn và các loại nhịp có phách tam phân là Nhịp Kép.

Nhịp đơn: 2/2, 2/4, 2/8, 3/2, 3/4, 3/8, 4/2, 4/4, 4/8…

Nhịp kép: 6/2, 6/4, 6/8, 6/16, 9/4, 9/8, 9/16, 12/4, 12/8, 12/16…

Suy ra, trong số đề nhịp dạng phân số, nếu tử số chia chẵn cho 3 thì nhịp đó là nhịp kép. Và số phách trong nhịp sẽ là tử số chia 3; Thí dụ nhịp 6/8 có 2 phách (vì 6 : 3 = 2). Và giá trị của phách là mẫu số nhân 3; Thí dụ nhịp 6/8 có giá trị phách là 3 dấu Phần Tám (3 nốt móc, tức nốt đen có chấm, tức dấu Phần Tư Có Chấm).

Để tránh tính toán rắc rối, có người bảo nhịp kép vẫn có số phách bằng tử số (nhịp 6/8 có 6 phách) và các phách đó được nhóm từng 3 phách với nhau. (Nhịp 9/8 có 3 nhóm phách). Và giá trị phách vẫn là phần phân số trong số ghi nhịp (Nhịp 12/8 chính là 12x1/8, tức dấu Phần Tám, tức nốt Móc Đơn).

  

Nhịp Phức (Complex Meter) là nhịp ghép bởi các loại nhịp khác nhau. Như 5/8, 7/4…

Cách ghi nhịp của linh mục Antôn Tiến Dũng

Cách ghi nhịp kép dựa trên tên dấu nhạc theo kiểu Anh Mỹ (Half, Quarter, Eighth) thì không dễ hiểu đối với người dùng ký âm pháp kiểu Latin (Trắng, Đen, Móc…) nên nhạc sư Tiến Dũng dùng chính hình nốt (dấu nhạc) để ghi giá trị phách. Bên trên dấu nhạc đó ghi số phách có trong ô nhịp. Dưới đây là một số ví dụ căn bản. Bên cạnh cách ghi mới là cách ghi cũ để so sánh.



Wednesday, October 2, 2024

Một khái niệm Khác về Nhịp và Phách.

Tiếng Việt trong âm nhạc xưa nay gọi một Nhịp (measure) là một chu kỳ thời gian bắt đầu bằng âm mạnh và kết thúc ngay trước âm mạnh kế tiếp trong chuỗi các âm thanh cách đều nhưng mạnh nhẹ khác nhau của âm nhạc. Một nhịp có thể có nhiều Phách (beat), tức là các phần chia đều của nhịp.

Có hai loại nhịp cơ bản, gọi là Nhịp Đơn (Simple Meter), là Nhịp Hai PháchNhịp Ba Phách. Số phách có trong một nhịp được biểu thị ở phần tử số của số đề nhịp có dạng một phân số.

Khi ghi nhạc, tác giả có thể chọn đơn vị cho phách là bất kỳ hình nốt nào, từ dấu Phần Hai (nốt trắng, Half) đến dấu Phần Mười Sáu (nốt móc đôi, Sixteenth), và biểu thị nó ở số đề nhịp. (Đôi khi ta gặp phách là dấu Trọn (nốt tròn, Whole), ở nhạc thời cổ.)

Vậy ta có các loại nhịp đơn như 2/2 (là 2 dấu 1/2), 3/2 (3 dấu 1/2), 2/4 (2 dấu 1/4), 3/4, 2/8, 3/8, 2/16, 3/16. Có khi thấy 2/1, 3/1. (Phần tử số luôn luôn là 2 hoặc 3).

Khi ghép các nhịp đơn giống nhau thành một nhịp ta có Nhịp Kép (Compound Meter).

Ghép 2 nhịp 2 phách thành nhịp có 4 phách: 4/2, 4/4, 4/8...

Ghép 2 nhịp 3 phách thành nhịp có 6 phách: 6/2, 6/4, 6/8, 6/16.

Ghép 3 nhịp 3 phách thành nhịp có 9 phách: 9/4, 9/8, 9/16.

Ghép 2 nhịp 6 phách thành nhịp có 12 phách: 12/4, 12/8, 12/16.

Một cách để hiểu số đề nhịp: Số đề nhịp luôn mang dạng một phân số với tử số là số phách có trong nhịp. Ta hiểu đó là một Tích giữa một số nguyên và một phân số có phần nguyên biểu thị số phách có trong nhịp và phần phân số biểu thị giá trị của một phách. Chính vì gọi tên hình nốt theo kiểu phân số (dấu phần tư, dấu phần tám...) mà ta có cách ghi nhịp kiểu phân số.


Người ta không ghép 3 hay 4 nhịp 2 phách với nhau vì,

Khi ghép 3 nhịp 2 phách (như 2/8 + 2/8 + 2/8) thì đó chỉ là nhịp đơn 3 phách, mỗi phách là dấu Phần Tư, và đó là nhịp 3/4 chứ không phải 6/8 (là ghép 2 nhịp 3/8). Tương tự khi ghép 4 nhịp 2 phách thì tạo ra nhịp 4 phách (4 x 2/8 = 4/4).


Dĩ nhiên trong nhịp đơn thì phách đầu tiên là phách mạnh, (các) phách còn lại là yếu. Trong nhịp kép, (gồm các nhịp đơn ghép lại) thì phách đầu của mỗi phần ghép sẽ là mạnh, nhưng phách đầu tiên của nhịp đã ghép là mạnh nhất.

Khi ghép các nhịp khác loại vào thành một nhịp, ta có nhịp phức (complex meter). Và ta có các nhịp phức 5 phách (ghép 2 + 3 hoặc 3 + 2), 7 phách (2 + 2 + 3 hoặc 2 + 3 + 2 hoặc 3 + 2 + 2), vân vân... Độ mạnh của các phách trong nhịp phức cũng theo luật ghép nhịp đã nói ở trên.

Người ta có thể ghép thành nhịp phức từ bất kỳ loại nhịp nào. Có thể ghép 5/8 với 4/8 thành 9/8, tuy nhiên khi đó phải phân nhóm cho sự ghép đó bằng các cách chép nhạc cần thiết, hoặc sử dụng vạch nhịp đứt quãng.

Cách giải thích về nhịp này tránh được khái niệm Phách Nhị Phân (Binary Beats) và Phách Tam Phân (Ternary Beats) rất rắc rối đối với người mới học nhạc. Tuy nhiên cho đến nay, thế giới vẫn theo truyền thống phân loại nhịp theo kiểu nhị phân – tam phân. Bất kỳ trang web dạy nhạc nào cũng giải thích theo cách cũ này.