Sunday, November 10, 2024

Chuyển giọng (tiếp theo)

 

Cách tạo thang âm trưởng nói ở bài trước

là cách đi theo quãng 5 LÊN.

Cách tạo thang âm trưởng theo quãng 5 Xuống.

Thay vì lấy Tứ Liên Âm Trên của thang âm Đô làm Tứ Liên Âm Dưới cho một thang âm trưởng mới và có thang âm Sol Trưởng, người ta lấy Tứ Liên Âm Dưới của thang âm Đô làm Tứ Liên Âm Trên để tạo thang âm khác. Khi này bậc I Trên của thang âm mới sẽ là Fa. Đặt thêm 4 bậc âm vào phía dưới (tạo tứ liên âm dưới) thành thang âm Fa tự nhiên. Để chuyển thành thang âm Fa Trưởng, âm Si (bậc IV) phải bị hạ thấp nửa cung. Khi này Si Giáng cách La bên dưới nửa cung và cách Đô bên trên một cung, vừa đúng khuôn mẫu của thang âm trưởng.

Để ý rằng thang âm (Fa) mới này có bậc IV bị Giáng (Si). Nói cách khác, thang âm Fa Trưởng chính là thang âm Fa Tự Nhiên có Bậc IV bị Giáng. Cũng để ý rằng Fa chính là Quãng Năm Đúng Xuống tính từ Đô.

Tương tự, người ta tạo ra các thang âm trưởng khác vẫn bằng cách lấy tứ liên âm dưới của thang âm cũ làm tứ liên âm trên cho thang âm mới rồi hạ thấp bậc IV của thang âm mới này để nó thành thang âm trưởng. Hoặc giải thích đơn giản hơn, để tạo một thang âm mới, người ta lấy bậc IV của thang âm trưởng (tức quãng 5 đúng bên dưới bậc I) làm bậc I cho thang âm mới và hạ bậc IV của thang âm mới xuống nửa cung.

Từ thang âm Đô Trưởng, tạo ra thang âm Fa Trưởng với âm Si. Từ Fa Trưởng tạo ra Si Giáng Trưởng với âm Mi. Từ Si Giáng Trưởng tạo ra Mi Giáng Trưởng với âm La...

Đọc thang âm từ trên xuống ta dễ hình dung ra tiến trình tạo mới này:


Thứ tự các thang âm trưởng lần lượt tạo được là Fa, Si Giáng, Mi Giáng, La Giáng, Rê Giáng, Sol Giáng, Đô Giáng, vân vân.

Và thứ tự các dấu Giáng là: Si, Mi, La, Re, Sol, Đô, Fa…


Tương tự việc dùng thang âm La Giáng Trưởng thay cho Sol Thăng Trưởng để tránh dấu thăng kép, người ta dùng thang âm Si Trưởng để thay cho thang âm Đô Giáng Trưởng, vì chúng là Đồng Âm.

Và như vậy, người ta không bao giờ dùng các thang âm có từ 7 dấu Thăng hay 7 dấu Giáng trở lên. Mà thay 7 thăng bằng 5 giáng, 8 thăng bằng 4 giáng, hay thay 7 giáng bằng 5 thăng, 8 giáng bằng 4 thăng (chú ý rằng tổng của chúng bằng 12).

Với cách tạo thang âm mới bằng vòng Quãng Năm Lên và Quãng Năm Xuống này, mà thứ tự dấu Thăng hay dấu Giáng phải viết như trên. Và khi thang âm cần bao nhiêu dấu hóa thì cũng viết theo trật tự đó.


Đối với bộ khóa dấu Giáng của một bản nhạc viết đúng nguyên tắc, tên của dấu Giáng Áp Chót chính là tên của thang âm trưởng mà bản nhạc sử dụng, hoặc nó là bậc III của thang âm thứ. (Bài có 2 dấu giáng là Si Giáng và Mi Giáng, dấu giáng áp chót là Si Giáng vậy thang âm trưởng là Si Giáng Trưởng; Si Giáng là bậc III của thang âm Sol Thứ.) Chú ý rằng nếu có 2 vật thì vật thứ nhất chính là vật áp chót. Riêng bộ khóa chỉ có 1 giáng, thì thang âm là Fa Trưởng hoặc Rê Thứ.

Có thể tổng hợp các thang âm trưởng (màu đen) và thứ (màu xanh) với bộ khóa của chúng theo một vòng tròn, Vòng Quãng Năm Đúng Đi Lên, với số dấu thăng tăng dần, rồi những thang âm đồng âm giữa bộ khóa thăng và bộ khóa giáng, và số dấu giáng giảm dần. Khởi đầu và kết thúc ở bộ khóa zero (toàn âm tự nhiên, không có thăng giáng).


Chuyển giọng.

Biết rằng thang âm thứ luôn bắt đầu bằng bậc VI của thang âm trưởng cùng bộ khóa[1]. Ta chỉ cần chuyển giọng một thang âm thứ bằng cách chuyển thang âm trưởng liên đới của nó. Khi có thang âm trưởng liên đới mới, thì bậc VI của thang đó chính là tên (bậc I) của thang âm thứ.

- Xác định thang âm gốc của bài nhạc bằng cách nhìn vào bộ khóa. (thí dụ bài có 2 dấu thăng, thì bậc I của thang âm là Rê).

- Chuyển tất cả các âm gốc lên hay xuống theo một khoảng cách cao độ bằng nhau. Và xét xem bậc I cũ chuyển thành âm gì thì âm chuyển thành đó chính là bậc I của thang âm mới và gọi tên nó theo bậc I đó (thí dụ bậc I cũ là Rê, chuyển thành âm Sol, thì bậc I mới là Sol, thuộc thang âm Sol Trưởng). Tính xem thang âm mới có bộ khóa ra sao (mấy thăng, mấy giáng) và ghi vào đầu bài. (thí dụ thang âm Sol Trưởng, có bộ khóa là 1 dấu thăng (Fa thăng).

Chuyển về Đô Trưởng.

Đưa bản nhạc về thang âm Đô Trưởng hay La Thứ (là thang âm tự nhiên) giúp dễ dàng hơn trong việc xướng âm.

Trước hết cần xác định bản nhạc viết ở thang âm trưởng nào qua bộ khóa của nó. Và xướng âm bậc I của nó bằng tên Đô theo thang âm Đô Trưởng. Các bậc khác thay đổi tương ứng. (Một bản nhạc có 3 dấu Thăng thì thang âm trưởng là La, thấy nốt La thì đọc là Đô, thấy Si đọc Rê, Đô Thăng thành Mi…). Vì dấu hóa thành lập (ở bộ khóa) ảnh hưởng toàn bài mà ta đã chuyển về Đô Trưởng thì coi như không có dấu hóa nữa. Chỉ khi trong bài có dấu hóa bất thường thì lúc đó mới phải tính.




[1] Hai thang âm trưởng và thứ có cùng bộ khóa là 2 thang âm liên đới (Related Scales) với nhau. Còn gọi là các thang âm họ hàng.

Thursday, November 7, 2024

Chuyển Giọng

 

Chuyển Giọng

(Transposition, dịch giọng, từ mới là “chuyển vị”)

Là việc dịch chuyển cao độ của một tập hợp các nốt nhạc sang cao độ khác bằng một khoảng cách như nhau. Nói cách khác, chuyển giọng là chuyển các nốt sang một cao độ khác mà vẫn giữ nguyên quan hệ về quãng giữa các nốt đó, tức là giữ nguyên cảm giác về cung thể và đường nét giai điệu và hòa âm. Một bản nhạc trầm quá không phù hợp với giọng ta thì ta có thể chuyển nó sang giọng cao hơn, và tất cả các phần đệm cũng phải chuyển theo. Đó là sự chuyển giọng.


Các vấn đề của việc chuyển giọng.

Cung (Whole Tone) nửa cung (Semi-tone).

Tập hợp các cao độ âm thanh tự nhiên từ thấp lên cao trong khoảng 1 Quãng Tám[1] được gọi tên là Đô Rê Mi Fa Sol La Si[2]. Nhưng khoảng cách cao độ giữa chúng lại có 2 kiểu. Khoảng nhỏ, là giữa Mi với Fa và giữa Si với Đô trên, được gọi là nửa cung. Cao độ giữa những nốt kế nhau còn lại thì có khoảng cách cao độ lớn gấp đôi khoảng nhỏ vừa nói, và gọi là một cung.

 

Dấu hóa (accidentals)

Như vậy, giữa những nốt cách nhau một cung có thể có một âm thanh khác ở giữa, tức là âm có cao độ giữa nốt trên và nốt dưới. Những nốt này được gọi tên bằng cách dùng dấu hóa. Dấu Thăng (sharps) để bảo rằng âm này cao hơn nửa cung so với dấu nhạc được ghi. Đô Thăng cao hơn Đô nửa cung. Dấu Giáng (flats) để bảo rằng âm này thấp hơn nửa cung so với dấu nhạc được ghi. Si Giáng thì thấp hơn Si nửa cung.

Như vậy âm thanh có cao độ ở giữa 2 âm tự nhiên kế nhau thì có thể được gọi bằng 2 tên khác nhau. Hoặc là thăng nốt thấp, hoặc là giáng nốt cao.


 Thang Âm (Scales, hay Thang Dấu, Âm Giai, hay Gam)

Là hệ thống các âm cơ bản được sử dụng để tạo thành khúc nhạc, sắp xếp từ thấp lên cao. Vì mỗi âm thanh đều chỉ mang một trong 7 tên, nên một thang âm chỉ cần có 7 bậc cộng thêm bậc I của quãng Tám bên trên để chỉ ra quan hệ của bậc cuối với bậc đầu và không gọi bậc I này là bậc VIII. Tên của thang âm là tên nốt của bậc đầu (bậc I).

Dưới đây là vài thang âm tự nhiên (không có dấu hóa).

 

7 thang âm tự nhiên thì có trật tự cung và nửa cung khác nhau. Trật tự này tạo nên đặc tính của mỗi thang âm do sức hút của các nửa cung và sự vững chãi của bậc V (là âm bồi[3] gần nhất của bậc I). Để phân biệt các đặc tính của thang âm, người ta đặt cho mỗi loại một tên riêng, như trong bảng dưới đây.

Bậc I

Tên theo tính chất

Nửa Cung ở giữa các bậc

Thang âm Đô

Ionian

III - IV

VII - I

Thang âm

Dorian

II - III

VI - VII

Thang âm Mi

Phrygian

I - II

V - VI

Thang âm Fa

Lydian

IV - V

VII - I

Thang âm Sol

Mixolydian

III - IV

VI - VII

Thang âm La

Aeolian

II - III

V - VI

Thang âm Si

Locrian

I - II

IV - V

Trong số 7 thang âm tự nhiên đó, 2 thang âm thông dụng nhất là Thang âm Đô và Thang âm La. Vì đặc tính của quãng nhạc (intervals) và hòa âm (harmony) mà chúng được gọi là Thang âm Đô Trưởng (C Major Scale) và Thang âm La Thứ (A Minor Scale).

Cách tạo thang âm trưởng.

Người ta tạo ra các thang âm trưởng khởi đi từ bất kỳ âm nào bằng cách thăng hay giáng các bậc, sao cho trật tự cung y hệt như của thang âm Đô Trưởng. Tức là lấy thang âm Đô tự nhiên làm mẫu. Tương tự với thang âm thứ. Và gọi tên các thang âm đó bằng tên của bậc I và tên tính chất đi kèm: Thang âm Mi Trưởng, Thang âm Sol Trưởng, Thang âm Si Thứ, Thang âm Rê Thứ, vân vân.

Vì thang âm Đô Trưởng và La Thứ cùng là thang âm tự nhiên (không có âm bị thăng hay giáng) nên khi tạo được một thang âm trưởng, ta cũng có một thang âm thứ tương ứng bắt đầu từ bậc VI của thang âm trưởng đó[4]. Phần sau đây không đề cập đến thang âm thứ nữa.

Trật tự cung và nửa cung giữa các bậc của Thang Âm Trưởng, tính từ bậc I, lên đến bậc I trên, là:

Cung - Cung - Nửa Cung - Cung - Cung -  Cung - Nửa Cung

Tổ chức đó có thể chia thành 2 phần giống nhau và cách nhau Một Cung. Gọi một phần, gồm 4 bậc âm, là một Tứ Liên Âm (tetrachord, 4 âm kề nhau). Tứ Liên Âm Dưới khởi đi từ Bậc I. Tứ Liên Âm Trên khởi đi từ bậc V.

Vậy một thang âm trưởng gồm 2 tứ liên âm giống nhau (Một, Một, Nửa) cách nhau một cung. Ở thang âm Đô Trưởng thì Tứ Liên Âm Trên khởi đi từ âm Sol.


Sẵn cấu trúc của 2 Tứ Liên Âm giống nhau trong thang âm Đô Trưởng, coi Tứ Liên Âm Trên như là Tứ Liên Âm Dưới của một thang âm mới, nó khởi đi từ Sol, ta sẽ có Thang Âm Sol. Nhưng để Tứ Liên Âm Trên của Sol này theo đúng cấu trúc mẫu, thì bậc VII (âm Fa) của nó cần phải nâng lên nửa cung (Mi - Fa chỉ có nửa cung, vậy phải thăng Fa để có được khoảng cách một cung, đồng thời Fa - Sol là nửa cung). Vậy khi tất cả các âm Fa đều bị thăng và thang âm khởi đi từ Sol, ta có thang âm Sol Trưởng.


Tương tự, lấy Tứ Liên Âm Trên của Sol Trưởng làm Tứ Liên Âm Dưới thì có được Thang Âm Rê, thăng bậc VII (âm Đô) lên thì thành Thang Âm Rê Trưởng có 2 âm bị hóa là Fa và Đô. Tương tự, thang âm La Trưởng làm từ Rê Trưởng với 2 âm bị thăng (Fa và Đô) thêm âm Sol Thăng là 3 âm bị thăng.

Tuy khái niệm Tứ Liên Âm rất quan trọng trong lý thuyết sáng tác và hòa âm. Nhưng có thể bỏ qua và nhận xét rằng lấy bậc V của một thang âm trưởng làm bậc I cho thang âm mới thì chỉ cần thêm một dấu thăng vào bậc VII của thang âm mới. Từ Đô Trưởng tạo ra Sol Trưởng với Fa, từ Sol Trưởng tạo ra Rê Trưởng thêm Đô, rồi La Trưởng thêm Sol, Mi Trưởng thêm Rê, Si Trưởng thêm La, rồi Fa Trưởng thêm Mi, rồi Đô Trưởng có Si.

Các thang âm mới xuất hiện tuần tự theo bậc V của nhau. Gọi là Vòng Quãng 5[5] (Circle of Fifths)[6]. Ta có tuần tự các thang âm Trưởng: Đô, Sol, Rê, La, Mi, Si, Fa, Đô,... Và thứ tự các dấu thăng cũng cách nhau theo quãng 5 Đúng. Chúng là, theo thứ tự: Zero, Fa, Đô, Sol, Rê, La, Mi, Si…


Trong tiến trình thành lập thang âm trưởng mới, các âm bị thăng xuất hiện theo thứ tự: Fa, Đô, Sol, Rê, La, Mi, Si, Fa♯,[7] Đô., vân vân.. như sau:


Để nhận ra thang âm của bản nhạc viết đúng nguyên tắc, chỉ cần xét dấu thăng cuối cùng. Như đã biết, dấu thăng này là ở bậc VII của thang âm. Từ nó, tính thêm một bậc nửa cung nữa thì được bậc I, tức là tên của thang âm. Thấy dấu thăng cuối là La thì thang âm là Si Trưởng, vì từ La lên nửa cung là Si.

Với 7 dấu thăng, thang âm là Đô Thăng Trưởng. Bậc V của nó là Sol Thăng. Lập thang âm Sol Thăng Trưởng bằng cách nâng bậc 7 của nó (vốn là Fa♯) lên thêm nửa cung bằng cách dùng dấu Thăng Kép !.


Trong thực tế trên mọi loại nhạc cụ, âm Sol Thăng có cao độ y hệt âm La Giáng. Nên thay vì viết ở thang âm Sol Thăng Trưởng, người ta sẽ viết ở thang âm La Giáng Trưởng. Hay thay vì Đô Thăng Trưởng, sẽ viết thành Rê Giáng Trưởng. Lúc đó sẽ không phải dùng đến dấu thăng kép hay quá nhiều dấu thăng, mà sẽ dùng dấu Giáng (Flats).



[1] Quãng Tám (Octave) là khoảng cách cao độ giữa một âm và âm cao hơn có tần số gấp đôi nó. Âm thanh có tần số gấp đôi nhau thì nghe rất giống nhau; tuy âm cao hơn thì trong trẻo hơn và cứng hơn âm thấp. Vì vậy các tên nốt được lặp lại để gọi cho các nốt ở quãng tám trên hay dưới. Và ta có chuỗi tuần hoàn 7 tên nốt.

[2] Si có thể bị đổi thành Ti để tránh nhầm lẫn khi viết tắt: D R M F S L T. Và thuở ban đầu, người ta dùng 7 chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Latin để gọi tên âm thanh tự nhiên. A, B, C, D, E, F, G. Trong đó, A chính là La sau này.

[3] Âm bồi: Harmonic Sounds, là các âm thanh có tần số là bội số của một âm nào đó, chúng vang lên song song với âm đó nhưng rất yếu.

[4] Hai thang âm khác tên nhưng cùng bộ khóa được gọi là 2 thang âm Tương Ứng (Relative Scales). Hai thang âm cùng tên (cùng bậc I) nhưng tính chất khác nhau được gọi là 2 thang âm Song Song (Parallel Scales).

[5] Để gọi tên quãng, phải tính cả bậc đầu và bậc cuối, quãng giữa 2 âm Đô và Rê là quãng 2; giữa Đô và Mi là quãng 3; quãng giữa âm Đô và chính nó là quãng 1 nhưng được gọi chính thức là quãng Đồng Âm.

[6] Quãng 5 ở đây được hiểu là quãng 5 Đúng (Interval of Perfect Fifth) tức là gồm 3 cung rưỡi. Nếu thiếu nửa cung, thì phải thăng âm trên, dư nửa cung thì giáng âm trên.

[7] Nâng thêm nửa cung cho một âm đã bị thăng thì dùng dấu Thăng Kép (Double Sharps)

Monday, October 7, 2024

Nhịp Phách theo cách nhìn phổ thông

Để ghi trường độ âm thanh, người ta lấy tiêu chuẩn là Dấu Trọn (Nốt Tròn, Whole Note), Âm thanh dài bằng nửa dấu trọn là Dấu Phần Hai (Nốt Trắng, Half Note). Âm thanh bằng nửa Dấu Phần Hai là Dấu Phần Tư (Nốt Đen, Quarter Note). Cứ thế mà có Dấu Phần Tám (Nốt Móc, Eighth Note), Phần Mười Sáu (Nốt Móc Đôi, Sixteenth Note), Phần Ba Mươi Hai (Móc Ba, Thirty-Second Note), Phần Sáu Mươi Tư (Móc Bốn, Sixty-Fourth Note)… Tức là các hình nốt được chia theo hệ nhị phân, (cơ số 2: cái này bằng 2 cái kia: 1, 2, 4, 8, 16, 32, 64…).

Người ta không chia trường độ theo hệ tam phân. Tuy nhiên, với cách ghi bằng Dấu Chấm Dôi (Dotted Notes), ta có thể ghi được một dấu nhạc có 3 phần bằng nhau (tam phân). Với định nghĩa rằng: “Dấu chấm dôi làm tăng trường độ của dấu nhạc thêm một nửa”. Tức là, dấu nhạc có chấm dôi thì dài bằng 3 lần nửa của nó.

Và như vậy có vẻ như có một hệ tam phân trong ký âm pháp. Thực ra việc chia ba chỉ xuất hiện trong việc tính phách và trong các trường hợp đặc biệt chứ không có một hệ thống ký âm theo hệ tam phân (hay theo cơ số 3, tức là cứ nốt này thì bằng 3 nốt kia).

Phách tam phân là phách mang hình nốt có chấm dôi, là phách có 3 phần bằng nhau. Là phách chia ba.

Còn Phách nhị phân thì không có chấm dôi, là phách có 2 phần bằng nhau. Phách nhị phân là phách chia đôi.

Và người ta gọi tất cả các loại nhịp có phách nhị phân là Nhịp Đơn và các loại nhịp có phách tam phân là Nhịp Kép.

Nhịp đơn: 2/2, 2/4, 2/8, 3/2, 3/4, 3/8, 4/2, 4/4, 4/8…

Nhịp kép: 6/2, 6/4, 6/8, 6/16, 9/4, 9/8, 9/16, 12/4, 12/8, 12/16…

Suy ra, trong số đề nhịp dạng phân số, nếu tử số chia chẵn cho 3 thì nhịp đó là nhịp kép. Và số phách trong nhịp sẽ là tử số chia 3; Thí dụ nhịp 6/8 có 2 phách (vì 6 : 3 = 2). Và giá trị của phách là mẫu số nhân 3; Thí dụ nhịp 6/8 có giá trị phách là 3 dấu Phần Tám (3 nốt móc, tức nốt đen có chấm, tức dấu Phần Tư Có Chấm).

Để tránh tính toán rắc rối, có người bảo nhịp kép vẫn có số phách bằng tử số (nhịp 6/8 có 6 phách) và các phách đó được nhóm từng 3 phách với nhau. (Nhịp 9/8 có 3 nhóm phách). Và giá trị phách vẫn là phần phân số trong số ghi nhịp (Nhịp 12/8 chính là 12x1/8, tức dấu Phần Tám, tức nốt Móc Đơn).

  

Nhịp Phức (Complex Meter) là nhịp ghép bởi các loại nhịp khác nhau. Như 5/8, 7/4…

Cách ghi nhịp của linh mục Antôn Tiến Dũng

Cách ghi nhịp kép dựa trên tên dấu nhạc theo kiểu Anh Mỹ (Half, Quarter, Eighth) thì không dễ hiểu đối với người dùng ký âm pháp kiểu Latin (Trắng, Đen, Móc…) nên nhạc sư Tiến Dũng dùng chính hình nốt (dấu nhạc) để ghi giá trị phách. Bên trên dấu nhạc đó ghi số phách có trong ô nhịp. Dưới đây là một số ví dụ căn bản. Bên cạnh cách ghi mới là cách ghi cũ để so sánh.



Wednesday, October 2, 2024

Một khái niệm Khác về Nhịp và Phách.

Tiếng Việt trong âm nhạc xưa nay gọi một Nhịp (measure) là một chu kỳ thời gian bắt đầu bằng âm mạnh và kết thúc ngay trước âm mạnh kế tiếp trong chuỗi các âm thanh cách đều nhưng mạnh nhẹ khác nhau của âm nhạc. Một nhịp có thể có nhiều Phách (beat), tức là các phần chia đều của nhịp.

Có hai loại nhịp cơ bản, gọi là Nhịp Đơn (Simple Meter), là Nhịp Hai PháchNhịp Ba Phách. Số phách có trong một nhịp được biểu thị ở phần tử số của số đề nhịp có dạng một phân số.

Khi ghi nhạc, tác giả có thể chọn đơn vị cho phách là bất kỳ hình nốt nào, từ dấu Phần Hai (nốt trắng, Half) đến dấu Phần Mười Sáu (nốt móc đôi, Sixteenth), và biểu thị nó ở số đề nhịp. (Đôi khi ta gặp phách là dấu Trọn (nốt tròn, Whole), ở nhạc thời cổ.)

Vậy ta có các loại nhịp đơn như 2/2 (là 2 dấu 1/2), 3/2 (3 dấu 1/2), 2/4 (2 dấu 1/4), 3/4, 2/8, 3/8, 2/16, 3/16. Có khi thấy 2/1, 3/1. (Phần tử số luôn luôn là 2 hoặc 3).

Khi ghép các nhịp đơn giống nhau thành một nhịp ta có Nhịp Kép (Compound Meter).

Ghép 2 nhịp 2 phách thành nhịp có 4 phách: 4/2, 4/4, 4/8...

Ghép 2 nhịp 3 phách thành nhịp có 6 phách: 6/2, 6/4, 6/8, 6/16.

Ghép 3 nhịp 3 phách thành nhịp có 9 phách: 9/4, 9/8, 9/16.

Ghép 2 nhịp 6 phách thành nhịp có 12 phách: 12/4, 12/8, 12/16.

Một cách để hiểu số đề nhịp: Số đề nhịp luôn mang dạng một phân số với tử số là số phách có trong nhịp. Ta hiểu đó là một Tích giữa một số nguyên và một phân số có phần nguyên biểu thị số phách có trong nhịp và phần phân số biểu thị giá trị của một phách. Chính vì gọi tên hình nốt theo kiểu phân số (dấu phần tư, dấu phần tám...) mà ta có cách ghi nhịp kiểu phân số.


Người ta không ghép 3 hay 4 nhịp 2 phách với nhau vì,

Khi ghép 3 nhịp 2 phách (như 2/8 + 2/8 + 2/8) thì đó chỉ là nhịp đơn 3 phách, mỗi phách là dấu Phần Tư, và đó là nhịp 3/4 chứ không phải 6/8 (là ghép 2 nhịp 3/8). Tương tự khi ghép 4 nhịp 2 phách thì tạo ra nhịp 4 phách (4 x 2/8 = 4/4).


Dĩ nhiên trong nhịp đơn thì phách đầu tiên là phách mạnh, (các) phách còn lại là yếu. Trong nhịp kép, (gồm các nhịp đơn ghép lại) thì phách đầu của mỗi phần ghép sẽ là mạnh, nhưng phách đầu tiên của nhịp đã ghép là mạnh nhất.

Khi ghép các nhịp khác loại vào thành một nhịp, ta có nhịp phức (complex meter). Và ta có các nhịp phức 5 phách (ghép 2 + 3 hoặc 3 + 2), 7 phách (2 + 2 + 3 hoặc 2 + 3 + 2 hoặc 3 + 2 + 2), vân vân... Độ mạnh của các phách trong nhịp phức cũng theo luật ghép nhịp đã nói ở trên.

Người ta có thể ghép thành nhịp phức từ bất kỳ loại nhịp nào. Có thể ghép 5/8 với 4/8 thành 9/8, tuy nhiên khi đó phải phân nhóm cho sự ghép đó bằng các cách chép nhạc cần thiết, hoặc sử dụng vạch nhịp đứt quãng.

Cách giải thích về nhịp này tránh được khái niệm Phách Nhị Phân (Binary Beats) và Phách Tam Phân (Ternary Beats) rất rắc rối đối với người mới học nhạc. Tuy nhiên cho đến nay, thế giới vẫn theo truyền thống phân loại nhịp theo kiểu nhị phân – tam phân. Bất kỳ trang web dạy nhạc nào cũng giải thích theo cách cũ này.







Friday, July 12, 2024

Guitar TAB

 Guitar TAB

Dưới đây (hình 1a) là một bảng ghi cách chơi đàn dây có phím (đàn lute)  thời thế kỷ 17. Bảng này hướng dẫn phải bấm vào dây nào, phím nào và theo tiết tấu nào. Tức là ghi được 3 yếu tố.

5 đường kẻ ngang là 5 sợi dây đàn. Các vạch thẳng đứng là vạch nhịp. Số 3 ở đầu là số đề nhịp. (Bài này ở nhịp 3. Không rõ là 3/4 hay 3/8 hay 3/2.)

Các con số 1, 2, 3... là ngăn đàn sẽ được bấm để khẩy. Số không (0) là dây buông.

Các hình nốt ở phía trên là trường độ của âm thanh. Các đường cong là dấu luyến.

Biết trước cao độ của từng dây đàn (đường kẻ ngang) thì ta có thể chuyển bảng này thành bản ký âm hiện đại với Khuông 5 dòng kẻ, có Khóa. Và bản ký âm đó sẽ chỉ có nốt nhạc, được phân thành từng ô nhịp.

Khi dùng TAB, người chơi hoàn toàn tự do muốn dùng ngón tay phải nào để khẩy cũng được, dùng ngón tay trái nào để bấm cũng được. (Thực ra không phải là tự do, mà là không biết bấm và khẩy bằng ngón nào, như sẽ trình bày sau.)

Hình 1a: TAB của bài Passacalle của Gaspar Sanz in năm 1674

Thời xưa, TAB kiểu Pháp (hình 1b) còn khó hiểu hơn nữa. Thứ tự các ngăn đàn được ghi bằng chữ La Tinh (b là ngăn 1, c là ngăn 2..., a là dây buông).

Hình 1b: TAB của bản Prelude của Johann Sebastian Bach.

Và vì TAB không ghi được các ngón bấm và ngón khẩy, người chơi đàn phải tự “soạn” trước cho mình cách chơi bản nhạc đó. Vấn đề là không biết ghi chú vào đâu và ghi thế nào. Đây chính là nhược điểm của việc sử dụng TAB. Mặc dù ngày nay, người ta chế ra nhiều kiểu viết TAB rõ ràng và kỹ hơn.

Để chơi đàn dây có phím, việc dùng ngón nào để bấm và ngón nào để khẩy là cực kỳ quan trọng. Bấm đúng thì bàn tay trái di chuyển hợp lý và phân câu rõ ràng. Khẩy đúng ngón thì mới có thể khẩy nhanh và tạo được âm thanh phù hợp (trong/đục, cứng/mềm khác nhau). Vì thế, các bản nhạc soạn cho đàn dây khẩy ngày nay, đặc biệt là guitar, đều có ghi chú về ngón tay. Dùng chữ p, a, m, i cho tay phải; Dùng số 1, 2, 3, 4 cho tay trái.

Hình 2 là cách ký âm tiêu chuẩn cho đàn guitar. Chữ (màu đỏ) ghi ngón khẩy. Số (màu xanh) ghi ngón bấm.

Hình 2: 4 ô nhịp đầu của bài Romance de Amor

Với cách ghi này, người chơi phải biết rõ các nốt trên khuông nhạc và cách tạo ra các nốt đó trên dây đàn (dây nào, phím nào). Mà đây lại là việc rất nhiều người cho là khó khăn nhất trong việc học đàn. Họ thấy nó phức tạp vì phải học thuộc tên của các nốt trên khuông nhạc, phải thuộc các nốt đó trên từng sợi dây đàn. Lại thêm các hình nốt đen trắng râu ria càng làm tăng độ phức tạp. Phức tạp vì phải tính nhịp phách để tạo nên tiết tấu.

Thực ra, nhạc thì phải có tiết tấu. Nên việc học để diễn tiết tấu là điều tiên quyết. Vấn đề là học cách nào để đi từ dễ đến khó. Chứ không phải vì khó mà bỏ qua và trở thành mù nhạc. Trong hình 2, tất cả các nốt nhạc theo nhau đều là nốt Phần Tám (nốt móc đơn) nên chúng sẽ được khẩy đều đặn nối tiếp nhau. Và đó là bước cơ bản và vỡ lòng để học tiết tấu.

Hãy xem bản TAB của 4 ô nhịp của bài Romance đó trong hình 3. 6 đường kẻ ngang là 6 sợi dây đàn. Người chơi phải biết trước tên của 6 dây này, để nhìn vào sẽ hiểu rằng dây số 1 ở trên cùng và dây số 6 ở đáy. (Cách ghi TAB của Ý Đại Lợi thời xưa thì theo thứ tự ngược lại, dây 1 ở đáy và dây 6 trên cùng. TAB của bài Passacalle trong hình 1 được ghi theo lối này và chỉ ghi cho 5 dây đàn.)

Các chữ cái E, A, D... là tên của dây.

Các con số là số của ngăn đàn được bấm. Số 7 dây 1 nằm ngay trên số 0 dây 6 chỉ ra rằng sẽ khẩy cùng một lúc 2 dây 1 và 6, mà dây 1 bị bấm ở ngăn 7. Sau đó khẩy dây 2 không bấm, rồi dây 3 không bấm, rồi dây 1 ngăn 7, rồi dây 2 không bấm... Các con số cách đều nhau có nghĩa là chúng được khẩy theo nhau đều đặn.

Hình 3: TAB phổ thông của bài Romance de Amor

Nếu chỉ đọc TAB, người chơi chỉ có thể hiểu rằng bản nhạc có 2 bè: bè trầm (bass) là từng nốt nhạc ở đầu mỗi ô nhịp; và bè bổng là 9 nốt nhạc mỗi ô nhịp. Nhưng khi chơi lên, ta nghe rõ được là 9 nốt nhạc đó thực ra ở trong 2 bè, bè giai điệu là các nốt trên dây 1, và bè đệm là 2 dây, dây 2 và dây 3. Vậy ta thấy rằng không thể đọc TAB để hiểu bản nhạc có mấy bè. Cũng như đọc TAB thì không thể thấy được đường nét của giai điệu lên xuống nhanh chậm thế nào, là điều mà lối ký âm tiêu chuẩn thể hiện rõ ràng.

Thế nên người ta phải viết thêm dòng ký âm tiêu chuẩn bên trên TAB để giúp người dùng hiểu đường nét giai điệu, phân bè (giọng) và tiết tấu của bản nhạc, như trong hình 4. Và khi này, TAB chỉ là để giúp người chơi đàn biết phải bấm vào đâu trên các dây đàn.

Hình 4: Lối ghi nhạc hiện đại theo kiểu TAB.

Lối ghi nhạc tiêu chuẩn có TAB này là công cụ tuyệt vời cho người chơi đàn nghiệp dư hay không học nhạc lý. Với người có thể đọc được nốt nhạc thì TAB sẽ giúp họ biết sẽ phải bấm thế nào. Vì ở đàn dây có phím, một nốt nhạc cụ thể có thể được chơi ở 2, 3 vị trí khác nhau trên các dây khác nhau, không chỉ ra thì không biết chỗ nào là đúng.

Nhưng nhược điểm vẫn là không ghi rõ được phải bấm và khẩy bằng ngón nào. Thực ra, người chơi đàn ở trình độ cao luôn tự tìm thế bấm cho mình, ngón nào, dây nào... cho nên họ cũng không cần TAB. Còn người ở trình độ trung bình hay vỡ lòng thì vị trí bấm và việc chỉ định ngón phải dùng là tối quan trọng. Cách ghi TAB không đáp ứng được điều đó. Và cách ghi rõ vị trí bấm dây này là vô ích đối với người trình độ cao. Nó vừa thừa vừa thiếu.

Tác hại quan trọng của việc chỉ dùng TAB.

Đọc TAB cũng cần luyện tập cho quen, tức là cũng mất thời giờ để học thuộc các ký hiệu, cũng phải luyện tiết tấu... y như học nhạc lý vỡ lòng. Và người chỉ dùng TAB phải là người có thẩm mỹ âm nhạc tốt: khi nghe các âm thanh tự mình khẩy lên theo TAB thì phải biết âm nào là chính âm nào là đệm để mà phân câu và diễn tả. Mà trớ trêu là người mới học đàn thì thẩm mỹ âm nhạc của họ chưa phát triển, nên việc phân câu sai dễ hình thành cách hiểu nhạc sai sau này. Trong khi với cách ghi tiêu chuẩn, các dấu phân câu bằng dấu lặng giúp người học hiểu câu nhạc một cách dễ dàng. Dĩ nhiên, vì là nhạc cụ khẩy, âm thanh luôn tắt sớm nên nhiều người cho rằng không cần đến dấu lặng. Và đó là điều sai lầm mà người ta áp dụng vào TAB.

Trong thực tế, người chỉ dùng TAB luôn luôn nghe bản nhạc do ai đó chơi trước, rồi tìm TAB để tập. Điều này làm hỏng tính độc lập trong diễn tả âm nhạc của nhạc sinh trung bình hay nhạc sinh ít năng khiếu. Nó làm mất đi sự tuyệt vời trong việc thưởng thức các âm thanh do chính mình tạo ra dựa trên một bản ghi nào đó.

Một tác hại nữa của việc chỉ dùng TAB là sự lãng phí thời gian cho một thứ xét ra là vô bổ. Vì sau nhiều năm chơi nhạc mà không học nhạc lý, khi gặp một bản nhạc tiêu chuẩn viết cho nhạc cụ khác (violon hay kèn, sáo...) hay một bài hát mới được in theo ký âm pháp chính quy, người chỉ dùng TAB sẽ không thể tự chơi được giai điệu của nó và hoàn toàn mất đi phần thưởng của sự khám phá. Tức là họ sẽ chỉ chơi được những bản nhạc đã chuyển thành TAB cho họ, và tự rút vào một thế giới hẹp, thế giới TAB.

Với người không có năng khiếu thiên phú, ký âm pháp là cơ bản để học nhạc, bất kể thể loại nhạc cụ. Cách ghi nhạc bằng TAB là cách ghi phổ biến thời xưa cho các loại đàn dây có phím, và ngay từ thời đó các nhược điểm của nó đã là rõ ràng, chỉ một điều nổi bật là dễ dùng.

Trong Ký Âm Pháp hiện đại, mỗi nhạc cụ có một số ký hiệu đặc trưng của nó để ghi các kỹ thuật ngón, ghi thêm vào bên cạnh, bên trên hay dưới các nốt nhạc của ký âm pháp chính quy.

Ở Tây Ban Cầm, 6 dây đàn được ghi bằng số Ả Rập bên trong vòng tròn; bấm bằng 4 ngón tay trái, ghi bằng số Ả Rập: 1, 2, 3, 4. Xưa dùng cả ngón cái, ghi là p –pulgar. Dây buông ghi bằng số 0; khẩy bằng miếng khẩy (plectrum, pick) có ký hiệu khẩy lên hay khẩy xuống hay rải; hoặc khẩy bằng 4 ngón tay phải, ghi bằng chữ Tây Ban Nha, là p(ulgar), i(ndice), m(edio) và a(nular). Các ngăn đàn được ghi bằng số La Mã (I, II, III, IV...). Khi chặn ngón 1 ở ngăn nào đó thì ghi ngăn đó bằng số La Mã sau chữ B(aré), (chữ B này có thể bỏ qua vì hiểu ngầm) có vạch chỉ rõ chặn đến lúc nào. Và còn các ký hiệu khác nữa như dấu ghi âm bồi, dấu luyến láy, dấu ghi việc lướt ngón, dấu rải lên, rải xuống, vân vân, càng ngày càng nhiều kỹ thuật mới tức là thêm dấu mới.

Với người tập đàn theo phương pháp dùng ký âm pháp thì tùy trình độ mà các chi tiết kỹ thuật cần thiết sẽ được ghi vào bản ký âm. Để chơi được bản Romance theo cách ghi trong hình 2, trình độ phải là thông thuộc khá nhiều vị trí trên cần đàn, nên không cần phải ghi chú ngăn đàn hay dây đàn.

Tuy nhiên nếu không biết các nốt nhạc nằm đâu trên cần thì vẫn có thể đọc bản ký âm tiêu chuẩn với các chi tiết thêm vào và vẫn không cần đến TAB như trong hình 5. Mỗi nốt nhạc được ghi chú rõ ràng khẩy bằng ngón gì (p, a, m, i), bấm bằng ngón gì (1, 2, 3, 4, 0) vào ngăn thứ mấy (số La Mã) trên dây nào (số trong vòng tròn). Và sự cách đều của các nốt nhạc ghi ra sẽ giúp người đọc hiểu rằng chúng được tấu lên đều đặn theo nhau. Và có một quy ước ít ai nhấn mạnh, là khi các nốt nhạc là lặp lại của các nốt trước thì chúng được xử lý giống mấy nốt trước, nên không cần ghi chú gì. Cách ghi này rõ ràng và gọn nhẹ hơn cách ghi vừa dùng khuông nhạc vừa dùng TAB ở hình 4

Hình 5: 4 ô nhịp bản Romance De Amor dành cho người không biết ký âm pháp.

Sau đây là trọn bản Romance De Amor với các ghi chú dành cho người không biết ký âm pháp.