Để ghi trường độ âm thanh, người ta lấy tiêu chuẩn là Dấu Trọn (Nốt Tròn, Whole Note), Âm thanh dài bằng nửa dấu trọn là Dấu Phần Hai (Nốt Trắng, Half Note). Âm thanh bằng nửa Dấu Phần Hai là Dấu Phần Tư (Nốt Đen, Quarter Note). Cứ thế mà có Dấu Phần Tám (Nốt Móc, Eighth Note), Phần Mười Sáu (Nốt Móc Đôi, Sixteenth Note), Phần Ba Mươi Hai (Móc Ba, Thirty-Second Note), Phần Sáu Mươi Tư (Móc Bốn, Sixty-Fourth Note)… Tức là các hình nốt được chia theo hệ nhị phân, (cơ số 2: cái này bằng 2 cái kia: 1, 2, 4, 8, 16, 32, 64…).
Người ta không chia trường độ theo hệ tam phân. Tuy nhiên, với cách ghi bằng Dấu Chấm Dôi (Dotted Notes), ta có thể ghi được một dấu nhạc có 3 phần bằng nhau (tam phân). Với định nghĩa rằng: “Dấu chấm dôi làm tăng trường độ của dấu nhạc thêm một nửa”. Tức là, dấu nhạc có chấm dôi thì dài bằng 3 lần nửa của nó.
Và như vậy có vẻ như có một hệ tam phân trong ký âm pháp. Thực ra việc chia ba chỉ xuất hiện trong việc tính phách và trong các trường hợp đặc biệt chứ không có một hệ thống ký âm theo hệ tam phân (hay theo cơ số 3, tức là cứ nốt này thì bằng 3 nốt kia).
Phách tam phân là phách mang hình nốt có chấm dôi, là phách có 3 phần bằng nhau. Là phách chia ba.
Còn Phách nhị phân thì không có chấm dôi, là phách có 2 phần bằng nhau. Phách nhị phân là phách chia đôi.
Và người ta gọi tất cả các loại nhịp có phách nhị phân là Nhịp Đơn và các loại nhịp có phách tam phân là Nhịp Kép.
Nhịp đơn: 2/2, 2/4, 2/8, 3/2, 3/4, 3/8, 4/2, 4/4, 4/8…
Nhịp kép: 6/2, 6/4, 6/8, 6/16, 9/4, 9/8, 9/16, 12/4, 12/8, 12/16…
Suy ra, trong số đề nhịp dạng phân số, nếu tử số chia chẵn cho 3 thì nhịp đó là nhịp kép. Và số phách trong nhịp sẽ là tử số chia 3; Thí dụ nhịp 6/8 có 2 phách (vì 6 : 3 = 2). Và giá trị của phách là mẫu số nhân 3; Thí dụ nhịp 6/8 có giá trị phách là 3 dấu Phần Tám (3 nốt móc, tức nốt đen có chấm, tức dấu Phần Tư Có Chấm).
Để tránh tính toán rắc rối, có người bảo nhịp kép vẫn có số phách bằng tử số (nhịp 6/8 có 6 phách) và các phách đó được nhóm từng 3 phách với nhau. (Nhịp 9/8 có 3 nhóm phách). Và giá trị phách vẫn là phần phân số trong số ghi nhịp (Nhịp 12/8 chính là 12x1/8, tức dấu Phần Tám, tức nốt Móc Đơn).
Nhịp Phức (Complex Meter) là nhịp ghép bởi các loại nhịp khác nhau. Như 5/8, 7/4…
Cách ghi nhịp của linh mục Antôn Tiến
Dũng
Cách ghi nhịp kép dựa trên tên dấu nhạc theo kiểu Anh Mỹ (Half,
Quarter, Eighth) thì không dễ hiểu đối với người dùng ký âm pháp kiểu Latin
(Trắng, Đen, Móc…) nên nhạc sư Tiến Dũng dùng chính hình nốt (dấu nhạc) để ghi
giá trị phách. Bên trên dấu nhạc đó ghi số phách có trong ô nhịp. Dưới đây là
một số ví dụ căn bản. Bên cạnh cách ghi mới là cách ghi cũ để so sánh.