Thu, 31 Jan 2008 20:16:43 -05:00
Cali, ngày 14 tháng 01 năm 2008
H thân mến,
Cái thư cuối cùng của em cách nay đã 2 năm mà giờ tôi mới trả lời. Tôi xin lỗi vì có thể đã làm em hiểu lầm về tình cảm của tôi đối với em. Mong gia đình em vẫn an vui mạnh khỏe.
Không hiểu tại sao hôm ấy tôi lại suồng sã đặt câu hỏi như thế về thần tượng của em và những người cùng trang lứa với em. Nhưng em không chấp nê mà đã tin cậy và trình bày quan điểm của mình và các bạn với tôi là một người mà em bảo là không cùng quan điểm. (Thực ra em dùng chữ "quan điểm" không đúng chỗ: tôi và các em cùng đứng trên quan điểm làm lợi cho dân cho nước, và có khác nhau chăng thì chỉ là khác ở kết quả nhận định.) Điều này chứng tỏ em đã không coi tôi là một kẻ đi tuyên truyền nói xấu cái xã hội mà em và các bạn em (trong đó cũng đã có tôi) đang xây dựng. Tôi cảm ơn em về điều này và cả về những tình cảm mà em dành cho tôi.
Ngay sau khi đọc thư em tôi đã nghĩ rằng không nên và không thể thay đổi cái góc nhìn của các em vì ở cái góc nhìn ấy các em đã xây dựng nên niềm tin yêu vào quê hương dân tộc. Mà không ai dám bảo rằng tin yêu vào quê hương và dân tộc là một điều sai trái. Mặt khác tôi lại nghĩ rằng thanh niên ngày nay nghĩ và sống như thế thì họ xứng đáng với cái xã hội mà họ đang sống trong đó, mình đã phủi áo đi rồi thì còn dính dáng gì mà bàn nữa cho nhọc công.
Nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Đọc đi đọc lại thư em tôi càng thấy là mình không nên có thái độ bàng quan với các em. Mặc dù đã ngoài ba mươi nhưng em, qua ngôn từ trong thư, cũng vẫn đang trên đường tìm kiếm chân lý và cũng đã thấy được cái la bàn cho cuộc hành trình dài này: đó là em biết lắng nghe. Còn tôi thì không nhẫn tâm nhìn em và những người quen mình cứ mãi bị hai miếng da che hai bên mắt nên đã muốn viết cho em rất nhiều, nhưng cứ mãi chần chừ.
Và tôi đợi cho đến hôm nay mới viết thư này. Tôi đã có ý đợi vài năm cho em thêm già giặn để thấy được cách tiếp cận chân lý. Có phải giờ thì em cũng nhận ra rằng với cùng một nguồn dữ liệu người ta có thể dùng cách này để chứng minh một điều nào đó là đúng và có thể dùng cách khác để chứng minh ngược lại. Vậy chân lý là vô định? Không đâu, chỉ vì chính cái ưu điểm biết lắng nghe đó của em đã hại em: ai nói với em nhiều nhất thì em tin người đó. Vấn đề là phải xác lập cho mình được một hệ thống định đề. Nó là cơ sở để hình thành cảm tình, nó còn quan trọng hơn và căn bản hơn góc nhìn mà em gọi là "quan điểm". Những người cùng quan điểm vẫn phản đối lẫn nhau nhưng những người có chung một "hệ thống định đề" thì dù cho có đứng trên các quan điểm đối nghịch nhau vẫn có thể cùng kết luận như nhau về cùng một vấn đề. Thế nên trong xã hội mới có cách nói "dù cho đứng trên quan điểm nào đi nữa thì cái vấn đề này... vân vân."
Tôi nghĩ vì chúng ta cùng chung một ngôn ngữ, chung một lịch sử dân tộc, chung các điều kiện địa lý và xã hội nên hệ thống định đề của chúng ta là giống nhau. Thế nên tôi xin đi vào vấn đề ở đây:
Tôi sẽ không dẫn em vào các tác phẩm này nọ viết về nhân vật Hồ Chí Minh, mà tôi chỉ dựa trên những điều hiển nhiên ngày nay ai cũng biết, chúng ta dựa vào đó mà suy luận để đánh giá lại nhân vật này. Một khi đánh giá đúng về lãnh tụ của cả một đảng, chúng ta sẽ thấy con đường đảng đó đi, phải không? Và ngược lại, nhìn con đường đảng đi ta cũng đoán đúng được tính cách của lãnh tụ của nó. Đừng nói tình cảnh đất nước ngày nay không dính dáng gì tới ông Hồ Chí Minh. Địa vị độc tôn của đảng là cùng đích của ông ta, em biết rồi mà. Và ngày nay người ta luôn luôn đưa tên Hồ Chí Minh ra đế biện bạch đủ thứ, em cũng đang thấy đó. Thế nên việc đầu tiên là thanh niên phải thấy đúng con người của Hồ Chí Minh, không thể để lại xảy ra những chuyện na ná như chuyện sau đây đã xảy ra trong khu phố tôi ở cách nay 17, 18 năm gì đó.
Số là có một chàng nọ đến lập một cái am, bảo là để thờ Phật, ở ngay đầu hẻm nhà tôi. Thiện nam tín nữ tiện có nơi thờ tự nên vào ra tấp nập. Thế rồi đùng một hôm chàng này bị bắt đưa ra phường vì tội đồi trụy. Trong buổi họp liên tổ dân phố để “đấu tố” chàng, người ta biết được rằng chàng đã dụ dỗ quí bà quí cô thoát y để chàng chụp hình. Chàng thành khẩn tự thú rằng chàng đã bảo các bà các cô ấy là Phật Tổ muốn tín hữu phải thoát tục khi khấn vái, mà thoát tục là thoát y. Vì muốn làm đúng ý Phật nên vài nữ thí chủ nhẹ dạ đã khỏa thân mà hành lễ. Nhìn tận mắt sờ tận tay chưa đã, chàng còn chụp ảnh (của họ và của chính chàng cũng đang làm mẫu lõa thể cầu nguyện) để giữ làm kỷ niệm. Thế nên công an mới có vật chứng mà bắt chàng.
Rồi mai kia, người ta chẳng cần mượn ý Phật Tổ nữa mà chỉ cần nói, “Bác muốn thế,” là đủ cho ai cũng phải làm theo ý họ. Tôi phải đẩy vấn đề tới hết giới hạn của nó để em hiểu chứ không có ý cường điệu ở đây. Thấy đúng con người Hồ Chí Minh thì em và bạn bè sẽ thấy đúng lịch sử, thấy đúng cái nguyên nhân bất hạnh của nhân dân ta gần một thế kỷ qua. Và rồi thấy đúng con đường mà các em sẽ chọn để xây dựng quê hương hợp với tình yêu và niềm tin của các em. (Còn việc định nghĩa “dân chủ” hay “pháp trị” hay “nhân quyền” vân vân là việc dễ, các em tự làm được.)
Em viết rằng Hồ Chí Minh là người yêu nước. Trước hết, tôi chắc chỉ có những người bình dân mới đáng với mấy chữ “thương dân yêu nước” vì họ chưa làm một điều gì tổn hại tới quê hương dân tộc, và nhất là vì họ chưa từng phô trương rằng họ yêu nước mà trong suốt mấy ngàn năm nay chỉ có họ mới thực sự chết cho dân cho nước. Còn đối với những người đã có tên trong lịch sử, chúng ta phải cẩn thận khi nghe tuyên xưng từ chính cửa miệng của họ, hay của người “đồng chí” nào đó của họ, rằng chính họ là người yêu nước thương dân. Ông bà mình vẫn dạy “thùng rỗng kêu to” mà.
Ai cũng biết tình yêu thể hiện dễ nhất là với người thân thuộc. Nhìn một người, nếu anh ta không biết yêu vợ con mình thì đừng nghĩ tới chuyện anh ta yêu bạn bè, yêu hàng xóm, yêu đồng bào. Nếu anh ta không yêu được người đang cùng chí hướng với mình thì đừng nói tới chuyện anh ta yêu quê hương, yêu dân tộc của anh ta. Nếu mai kia tôi có ruồng rẫy vợ con tôi, hoặc bỏ mặc cho đàn em tôi hành hạ và giết chết họ thì em cứ xem tôi là một thằng nói dối không hơn không kém.
Lại nữa, có một điều tệ hại là chúng ta quen dùng những chữ như “yêu bản thân” hoặc “tự ái”. Không, những cách dùng chữ đó là sai, là hiếp dâm chữ “yêu”, không được phép dùng từ “yêu” để nói về một thứ ích kỷ, một thứ sùng bái bản thân nào hết. Và một kẻ đã sùng bái bản thân thì đừng ai mơ mộng rằng hắn có được một tí tình yêu nào. Nói thêm vậy để nhỡ mai kia tôi có lấy một cái tên giả mà làm một trang blog nói tốt cho bản thân tôi thì em cứ gọi điện đến chửi thẳng vào mặt tôi là kẻ vô lại.
Em cho là ông Hồ Chí Minh là người tài giỏi. Ai cũng biết người tài giỏi là người thấy xa trông rộng. Một người chỉ thấy có mỗi một con đường dành độc lập bằng bạo lực hẳn là một người không tài giỏi. Bằng ngược lại, y tài giỏi thực và đang muốn một điều gì khác qua cách áp dụng bạo lực đó. Tôi cũng thiên về ý sau này vì không phải lúc đó ông Hồ Chí Minh không biết đến các con đường khác: em hẳn biết về cụ Phan Bội Châu hay Thánh Gandhi. Vậy cái điều ông Hồ Chí Minh muốn hoặc bị bắt buộc phải làm là gì? Có cái thế lực nào đó đang bắt ép ông phải chọn con đường hy sinh xương máu của đồng bào không? Em có bao giờ thắc mắc đến điều này chứ? Và tôi không nghĩ khác em về việc ông Hồ là người tài giỏi. Nhưng tôi nghĩ xa hơn một chút. Trong trí tôi đang nghĩ đến những khoa học gia tài giỏi đi phục vụ cho những ông trùm tội ác hoặc những ông trùm tội ác đang tìm cách thống trị thế giới tức là đang phục vụ cho quỷ vương. Giờ thì chắc em hiểu ý tôi rồi: Không ai gọi việc đem thân mình phục vụ cho bất kỳ một thế lực đen tối nào là việc làm khôn ngoan. Ông bà ta lại có những chữ như “gian nhưng không ngoan” hoặc “thấy một mà không thấy hai” trong trường hợp này. Còn nếu ông Hồ không thấy đó là thế lực đen tối tức là ông ấy không thấy xa trông rộng gì cả.
Hơn nữa, tôi, hoặc chính em cũng vậy, sẽ không ngu tới mức đi “thả mồi bắt bóng” mà lại cho là mình đang “thả con săn sắt bắt con cá rô” hay nói theo kiểu Trà Vinh của em là “thả con tép bắt con tôm”. Chúng ta sẽ không ngu tới mức đã nhìn thấy rõ là phải hy sinh vài thế hệ mà vẫn cứ làm để được thế hệ thứ ba thứ tư gì đó ấm no hạnh phúc. Tôi dùng chữ “hy sinh” theo nghĩa đen bây giờ, và dùng theo văn hóa xã hội chủ nghĩa mà tôi và em cùng lớn lên trong đó: cho chết hết. Thực ra chỉ có tự làm mình chết hay bị thương thì mới gọi là “hy sinh” được. Những câu như “Đại tướng gì gì đã phải hy sinh 3 sư đoàn để chiến thắng trận gì gì đó” chỉ là sự hiếp dâm chữ “hy sinh” mà thôi. Trở lại, không thể có chuyện thí đi một thế hệ để có thế hệ kế tiếp hạnh phúc. Nói nôm na: cha mẹ chết thì con thơ chỉ có chết theo chứ làm gì có cái ăn mà tồn tại để hạnh phúc. Những người chủ trương “hy sinh” vài thế hệ thì một là những kẻ đại gian đại ác, hai là những kẻ “khùng bẩm sinh”. Em chọn cái nào? Người khùng đâu có làm lãnh tụ, nhỉ.
Hai thế hệ ở miền Bắc đã bị bắt “hy sinh” để được “mùa xuân đại thắng”. May quá, họ giải phóng được miền Nam và giải phóng luôn của cải của miền Nam về cứu đói cho Hà Nội. Chỉ Hà Nội thôi, em biết sự nghèo khổ của toàn miền Bắc sau năm 75 nó đến cỡ nào mà. Tôi thì không bao giờ đồng ý với sự hy sinh bắt buộc nào cả. Tôi không tin là dân Bắc thực sự muốn “giải phóng” miền Nam. Cứ lấy bản thân suy ra thôi, không cần sử liệu hay tài liệu nào đâu: biết rằng con mình sẽ không được gần mình, không có sữa mẹ, không có tương lai, thì đâu có bậc cha mẹ nào sẵn sàng bỏ nhà cầm súng vào hy sinh giải phóng cho con người khác (dù cho có đồng bào đồng gì đi nữa) để nó (không phải con mình) được ấm no hạnh phúc (còn mấy đứa con ruột mình thì chắc đã chết rồi). Bản thân em ngày nay có sẵn sàng hy sinh đi bộ ra miền Bắc để đưa cho một người quen cũ đang sắp chết đói một ít gạo tiền gì đó không? Qua đây em thấy cái áp lực của độc tài nó như thế nào rồi đấy. Những quân tướng “giải phóng” một là bị ép, hai là có cái ý muốn vào trong Nam để ăn cướp (một cách nói nặng lời thôi; thực ra họ tính rằng không có lúa gạo miền Nam thì miền Bắc sẽ không tồn tại qua được một thế kỷ, nên chính sách là phải kết hợp Nam Bắc một nhà, họ cũng thấy xa trông rộng đấy chứ nhỉ!!) Có lẽ em sẽ bảo tôi cường điệu nữa, quả vậy tôi không muốn bắt em phải tìm hiểu nguyên nhân thực sự của “công cuộc giải phóng” này.
Và chướng hơn nữa là anh bộ đội nào vào cái ngày toàn thắng cũng đều chửi thề, rằng “Tưởng mình giải phóng nó hóa ra nó giàu quá giải phóng được đời mình.” Giờ này, chắc em thấy câu đó quen rồi nhỉ. Vậy ý đồ của họ là gì em cũng đã thấy. Chỉ để thống trị, một tập đoàn phát xít thống trị dân ta theo kiểu ma-fia. Chính ông Hồ đã tạo ra cái tiền đề cho sự việc độc tài này, em biết cụm từ “chuyên chính” mà, nhưng chắc không ai giải thích kĩ cho em: "chuyên chính" nghĩa đen là “một thể chế chính trị chuyên quyết, chuyên quyền” mà tây phương dịch là "dictatorship" tức là "độc tài", người ta chơi chữ đó, dùng "độc tài" thì dân sẽ né tránh, không ưa, sẽ chống lại (để rồi bị thủ tiêu hay ám hại như những nhà ái quốc thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng hay như chính cụ Phan Bội Châu). À, khi tôi viết ông Hồ thì em phải hiểu là ông ta và cái tập đoàn của ông ta chứ một mình ông thì không làm nổi đâu.
Người ta hay dụ con nít kiểu “nó có lỗi với mày nhưng đừng chấp, nó thương mày lắm đấy.” Vâng, khi thằng anh có lỗi với thằng em, điều này đúng. Khi một người bạn thân có lỗi với mình, cũng có thể đúng. Ngoài ra, mọi lời xin lỗi đều phải được xét kĩ trước khi chấp nhận. Đó là thái độ của chúng ta, của những người được giáo dục trong công bình và khôn ngoan. Lại nữa, khi một người không tự mình hy sinh mà bắt người khác phải hy sinh, dù hy sinh cho ai đi nữa, thì nhân cách người đó phải xét lại. Ông bà mình có kiểu nói “của người phúc ta” để áp dụng vào việc này.
Em đã nghe nhiều tới chiến dịch “cải cách ruộng đất” với vài trăm ngàn người chết, vừa là bị giết trực tiếp trong đấu tố, vừa là bị giết gián tiếp vì mất người đang nuôi mình. Em cũng biết mục đích của đấu tố là thanh toán thủ tiêu thành phần chống đối mà, chứ nếu chỉ muốn chia lại ruộng đất thì đâu có cần giết ai. Vậy, hãy cứ cho là tất cả những người bị giết là thuộc thành phần chống đối đi để mà hợp lý hóa hành động giết người này. Nhưng em có đặt câu hỏi tại sao hàng chục hàng trăm ngàn người lại đi chống đối cái chính phủ “của dân do dân và vì dân” ấy để rồi bị giết không? Cái chính phủ ấy phải có vấn đề, và vấn đề của nó có phải đang bị phanh phui, nên mới phải giết và giết gấp như vậy. Chuyện “cải cách” này, chúng ta phải nghĩ tới, còn nếu ai bịt mắt bưng tai thì đừng bảo mình biết yêu. Và vì chúng ta còn sống, hãy luôn cầu nguyện cho các oan hồn ngày ấy được siêu thoát.
Biện hộ rằng chính sách ấy sai ư? Hãy đọc lại câu trên “Nó có lỗi nhưng đừng chấp...” Mình đâu phải con nít để mà chơi cái trò đập người ta đau điếng rồi cười khì nói xin lỗi. Mà rồi chuyện “cải cách” này đã được xin lỗi thật. Tôi thấy nhục vì giới trí thức mình con nít đến mức tin vào lời xin lỗi đó từ bấy đến giờ. Mà xin lỗi ai? Hãy dựng mấy người đã chết đó dậy mà xin lỗi họ. Em hay tôi hay bất kỳ ai còn sống lấy tư cách gì để nhận lời xin lỗi đó và đủ thầm quyền tha thứ, dù cho đó là lời tạ lỗi chân thành đi nữa? Tội giết người hàng loạt (mass killing) có bao giờ được giảm khinh không? Đó là nói về tòa án xã hội, còn tòa án lương tri của em sẽ xử thế nào? Tôi thì cho là hành động của những tên đánh bom tự sát còn nhẹ tội hơn, dù nó có ôm bom nguyên tử và nổ chết cả gia đình tôi đi nữa. Xin em biết thêm rằng họ hàng tôi nội ngoại không có ai bị đấu tố chết cả. Chính ông nội tôi đã được một cán bộ của chính phủ (CS) giúp tránh được. Chúng tôi nợ ơn của chính phủ chăng? Không đâu, chính phủ chém hụt ông tôi đó thôi. Em và các bạn cũng vậy, các em không sinh ra vào thời kỳ đó để mà bị chém. Nhưng không phải hễ người ta không chém mình thì mình bảo người ta tốt.
Còn biện hộ rằng chính sách “cải cách ruộng đất” là đúng nhưng thực hiện sai ư? Vậy là lãnh đạo tồi, có đâu mà gọi là người tài giỏi.
Trong những trường hợp sai trái nghiêm trọng, dù người đứng đầu không đứng ra nhận tội và từ chức thì người dân cũng vẫn kết án kẻ đứng đầu ấy là có tội. Có thể thời gian em đang lớn lên không có ai dám trung thực nói lên suy nghĩ của họ nên em nghĩ khác thôi. Trông quả biết cây, em thấy trình độ tuyên truyền bịa đặt, bưng bít thông tin và biện pháp khủng bố dân của người ta đến đâu rồi đấy.
Để kết thúc chia sẻ với em về cách nhìn một nhân vật lịch sử mà em và các bạn cho rằng ông ta yêu nước và tài giỏi, tôi xin được nói thẳng rằng ông ta không hề yêu nước và cũng chẳng tài giỏi. Và công bằng hơn mà nói, ông ta chỉ là một người thành công nhất trong số những kẻ hoạt đầu chính trị trên toàn thế giới và lịch sử nhân loại. Trong đạo đức làm người, để bảo đảm sự ổn định phát triển của xã hội, những hành động ăn cắp, lươn lẹo, nói dối, bạo hành không bao giờ được chấp nhận dù cho những hành động đó có đem lại hạnh phúc cho bất kỳ ai đi nữa. (Mà hỏi thực em, dân ta có hạnh phúc chưa?) Người yêu nước phải là người đem lại ấm no hạnh phúc cho dân. Người tài giỏi phải đồng thời là người đạo đức, thiếu đạo đức thì mọi sự thành công đều được ông bà mình định nghĩa là “xảo quyệt”, “trí trá”, “mưu mô” hay đỡ nhất là “gian hùng”... rặt những cụm từ xấu mà thôi.
Mong rằng với những suy nghĩ quê mùa của tôi, em và các bạn em sẽ có được chút gợi ý để hướng sang một góc nhìn mới về lịch sử nước nhà. Nhìn được xa, trông được rộng hơn hầu tránh phải hy sinh tiếp vài thế hệ nữa. Có thể các em còn muốn hy sinh nhưng các con cháu của các em đương nhiên là không muốn đâu. Chúng sẽ trách các em đấy.
Để trả nợ cho 2 năm bặt thư, thư này tôi viết bù nên hơi dài. Thân ái chúc em và các bạn em luôn khỏe mạnh cả thể chất lẫn lý trí, sống tích cực và có được niềm hạnh phúc nhìn thấy đồng bào mình hạnh phúc.
Nhớ em và mọi người.
Thầy P (mà cũng luôn là bạn em)
(Ký tên)
(Sau khi đọc “Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp” của Minh Võ)
Lý luận đơn giản, thực tế, dễ thuyết phục!
]]>
1 comment:
Chỉ nôị không chiụ GIỮ CAÍ TÊN CUNǴ CƠM CHA MẸ ĐẶT là tôi đã đanh́ giá CON NGƯƠÌ CUẢ HCM thuộc loại naò rôì..Giữ caí tên HỒ CHÍ MINH có là caí gốc cuả HỒ QUANG hau Hồ TÂP̣ CHƯƠNG NAÒ ĐÓ mà Tâù Mao đã đặt chăng ???
Post a Comment