-
Quốc kỳ việt nam: nguồn gốc và lẽ chính thống (3/3)
Kỹ Sư Công Chánh Nguyễn Đình Sài
III. Phân Tích Về “Chính Nghĩa” Của Hai Lá Cờ Vàng và Đỏ
1. Tính cách “chính thống” của Cờ Vàng
Gần đây, tại Hoa Kỳ, Cờ Vàng đã được một số cơ quan công quyền tại các địa phương như thị xã, quận hạt và tiểu bang chấp nhận như “Cờ Tự Do và Truyền Thống của Cộng Đồng Việt Nam” (The Freedom and Heritage Flag of the Vietnamese Community). Phong trào “Vinh Danh Cờ Vàng” được phát khởi và đạt thành quả tốt đẹp là vì trong lòng của Sydney 2-12-2003: Over 12,000 protesters rallied against SBS TV which transmitted directly Thoi Su program from Vietnam New York, Cultural Parade, 2000 Oakland-USA-June28-2003 đại đa số người dân Việt đang định cư tại hải ngoại đều cho Cờ Vàng vẫn là lá “quốc kỳ” chính thống của Tổ Quốc Việt Nam. Vì thế mà phong trào đã được sự hưởng ứng của đồng bào, các hội đoàn, nhân sĩ Việt Nam, tích cực nhất là của Ủy Ban Vận Động Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese-American Political Action Committee - VPAC).
Trước tình trạng đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã phản ứng mạnh mẽ bằng các phương tiện ngoại giao. Bộ Ngoại Giao của CHXHCNVN đã gởi phái đoàn tới gặp các viên chức chính quyền để vận động thu hồi các nghị quyết về Cờ Vàng. Lý luận của các viên chức của chế độ được tóm gọn trong câu “Cờ Vàng đã cáo chung theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nên không thể được vinh danh hay treo lên tại các công sở của các quốc gia khác.”
Thế nhưng, hình như họ đã không lưu ý đến lịch sử và pháp lý để hiểu rằng:
- Cờ Vàng không chỉ là Quốc Kỳ trong thời VNCH, mà còn được dùng làm Quốc Kỳ của các chế độ trước đó. Trong thời Pháp thuộc, miền Nam bị cưỡng bách phải dùng cờ Tam Tài làm Quốc Kỳ và hát quốc ca Pháp, nhưng dân Việt vẫn không chấp nhận và đã tranh đấu không ngừng để loại chế độ thuộc địa đi, đồng thời tái sử dụng Cờ Vàng làm Quốc Kỳ.
- Chế độ CHXHCHVN không đại diện cho tập thể người Việt hải ngoại, về mặt pháp lý cũng như về tinh thần. Nhà Nước Việt Nam chỉ có thể đòi hỏi chính phủ Liên Bang Mỹ phải tôn trọng Cờ Đỏ, mỗi khi có sự tiếp đón ngoại giao. Nhưng Hiến Pháp Hoa Kỳ không cho phép chính phủ Liên Bang Mỹ bắt buộc dân chúng hay các cơ quan công quyền địa phương phải tôn trọng những gì mà họ không chấp nhận, nhất là trên phương diện chính trị và tư tưởng.
- Việc vinh danh Cờ Vàng thể hiện tinh thần bất khuất, yêu chuộng độc lập, tự do và dân chủ của dân tộc Việt Nam, từng được biểu dương trong thời chiến đấu chống lại chính sách thuộc địa của thực dân Pháp.
Tinh thần đó cao quý hơn sự hiện hữu của các chế độ. Mọi người Việt không phân biệt khuynh hướng chính trị, quốc gia hay cộng sản, đều phải hiểu như thế, chứ không thể lý luận rằng khi chế độ VNCH cáo chung thì Cờ Vàng phải bị loại bỏ.
Một cáo buộc khác cũng đã được các cán bộ Ngoại Giao của Hà Nội sử dụng khi vận động các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ hủy bỏ Nghị Quyết Cờ Vàng, đó là “Cộng đồng người Việt hải ngoại có âm mưu ngăn chặn Cờ Đỏ xuất hiện tại hải ngoại và phục hồi chế độ VNCH, tạo lại cuộc chiến đã trôi qua 30 năm trước.”
Sự kiện cộng đồng người Việt hải ngoại chỉ muốn thừa nhận Cờ Vàng mà không muốn nhìn thấy lá Cờ Đỏ đã thể hiện bằng hành động công khai từ trên nhiều thập niên qua, không có gì dấu diếm để bị cho là “âm mưu.” Tất cả các cuộc tập họp, lễ lạc như hội chợ Xuân, Lễ Quốc Tổ Hùng Vương, các tiệc liên hoan khánh tiết, kỷ niệm ngày 30-4, v.v... người Việt hải ngoại đều công khai treo cờ Vàng khắp thế giới. Mới đây, tháng 12 năm 2003, để phản đối đài truyền hình SBS ở Australia về việc truyền hình chương trình “Thời Sự”, một sản phẩm của Hà Nội, trên 12 ngàn người Việt đã đội mưa biểu tình với rừng Cờ Vàng chen lẫn Cờ Úc, cho thấy ý dân quá rõ ràng, nơi đâu cũng cùng một lòng bảo vệ Cờ Vàng và không chấp nhận Cờ Đỏ. Vụ Trần Trường mấy năm trước, muốn treo Cờ Đỏ tại Nam California đã bị cộng đồng VN tự động phản đối mạnh mẽ, cũng là một bằng chứng cho ý nguyện của người dân, không chấp nhận Cờ Đỏ. Đối với họ, Cờ Đỏ tượng trưng cho sự lệ thuộc vào chủ nghĩa cộng sản lỗi thời và phi dân tộc, nằm trong quỹ đạo của Trung Cộng.
Mặt khác, dù chế độ Đệ Nhị VNCH trước năm 1975 có tự do dân chủ hơn chế độ CHXHCNVN hiện nay gấp bội lần, nhưng không ai muốn “phục hồi” chế độ ấy cả. Đa số người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đều mong muốn đất nước có được một chế độ công bằng, nhân bản, tự do, dân chủ, đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi đảng phái, lo cho hạnh phúc dân chúng thay vì phục vụ sự vinh thân của giới lãnh đạo.
Tất cả mọi người dân trong cũng như ngoài nước, ngoại trừ một số đảng viên cao cấp của CSVN, đều nhận thấy chế độ hiện nay không đáp ứng quyền lợi của người dân, nên cần phải được thay thế bằng mọi cách. Đó là nguyện vọng chính đáng và hợp đạo lý dân tộc.
Tóm lại, nếu lúc này trong nước mở cuộc trưng cầu dân ý, thực sự cho người dân lựa chọn mà không trả thù họ, thì Cờ Đỏ sẽ bị loại trừ và bị thay thế bởi Cờ Vàng lập tức. Đó là điều vô cùng thực tế và là một thách thức cho chế độ!
Chính vì sự thiếu thốn tài liệu trung thực, mà việc nghiên cứu bối cảnh lịch sử trong thập niên 1940 rất cần thiết trong lúc này, không những để cho thế hệ trẻ trong và ngoài nước được biết, mà còn để cho cả những viên chức trẻ của chế độ CSVN hiểu rõ ngõ hầu chấm dứt những vận động xóa bỏ Cờ Vàng, thay vào đó là cố gắng cùng sát cánh với toàn dân trong việc bảo vệ truyền thống cao quý của Việt Nam.
2. Tính chất “phi dân tộc” của Cờ Đỏ.
Từ đầu thế kỷ 20 đến đầu thập niên 1940, tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng qua hai cuộc thế giới đại chiến. Tại Việt Nam, anh hùng Yên Thế Hoàng Hoa Thám bị kẻ nội gian hạ sát vào năm 1913.
Kế đến, vua Duy Tân bị Pháp bắt đày đi Phi Châu cùng với Phụ Hoàng Thành Thái vì lòng ái quốc thương dân. Trước thái độ bù nhìn nịnh Pháp của vua Khải Định, phong trào Cần Vương bắt đầu suy tàn. Vì thế, các tổ chức cách mạng liên tiếp ra đời, theo đuổi mục đích phục quốc, thay vì cần vương hồi phục nhà Nguyễn. Kỳ cựu và nổi tiếng nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Năm 1930, Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bị bắt và lên máy chém, thì VNQDĐ với lãnh tụ mới là ông Vũ Hồng Khanh đã trải qua thời kỳ khốn khổ vì bị Pháp truy lùng. Tiếp theo đó, đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) được ông Nguyễn Sinh Cung (tức là Nguyễn Tất Thành, Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc, Lucius, Lin, Hồ Quang, Hồ Chí Minh) thành lập và bí mật phát triển nhân sự một cách nhanh chóng.
Đến tháng 8 năm 1934, VNQDĐ kết hợp với một số nhân sĩ cách mạng như Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm và đảng CSĐD thành tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, với tên tắt là Việt Minh. Tuy nhiên đến cuối năm 1935 thì VNQDĐ rút ra khỏi tổ chức liên kết vì cảm thấy Việt Minh dần dần bị thao túng bởi các đảng viên của đảng CSĐD. Từ đó, Việt Minh trở thành tổ chức bình phong của đảng CSĐD.
Vào cuối thập niên 1930, Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, lan sang Á Châu. Nhân đó, nhiều tổ chức cách mạng liên tiếp ra đời như Đại Việt Quốc Dân Đảng (đảng trưởng là Trương Tử Anh), Đại Việt Dân Chính (Nguyễn Tường Tam), Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (Hoàng thân Cường Để), Đại Việt Duy Dân Đảng (Lý Đông A), và một số các tổ chức nhỏ khác. Sau đó, các tổ chức này lại kết hợp với Việt Minh thành một tổ chức mới, là Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, viết tắt là Việt Cách, do các ông Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công và Vũ Hồng Khanh giữ trách nhiệm lãnh đạo. Trong lần kết hợp này, Việt Minh không còn có nhân sự trong thành phần lãnh đạo cao cấp nữa, nên Nguyễn Ái Quốc với tên mới là Hồ Chí Minh quyết định tách ra và tập họp Hội Nghị lần thứ 8 đảng CSĐD vào tháng 5, 1941 tại Pac-Bó, tỉnh Cao Bằng, công khai hóa Mặt Trận Việt Minh để tiến hành cuộc “cách mạng quốc tế vô sản” dưới lá Cờ Đỏ Sao Vàng, với lực lượng võ trang là “Vệ Quốc Quân”. Về phía Việt Cách, để tiến hành cuộc “cách mạng quốc gia”, họ cũng công khai hóa “Mặt Trận Quốc Dân”, dùng cờ hiệu là Nền Đỏ Sao Trắng, với lực lượng võ trang gọi là “Quốc Dân Quân”.
Ôn lại các sự kiện trên để thấy rằng ngày từ thuở phôi thai, đảng CSĐD không hề phục vụ dân tộc. Ngược lại, họ đã dùng chiêu bài “cách mạng dân tộc” để phục vụ cho lý tưởng Chủ Nghĩa Cộng Sản đồng thời sử dụng sách lược của Đệ Tam Quốc Tế để cướp chính quyền. Chính vì lá Cờ Đỏ đã được khai sinh bởi lý tưởng Cộng Sản và đến nay vẫn phục vụ cho lý tưởng Cộng Sản, nên Cờ Đỏ không hề mang tính “dân tộc”.
3. Tính chất “phi cách mạng” của cuộc chính biến tháng 8, 1945 tại Hà Nội
Bàn về Cờ Đỏ mà không phân tích về các biến chuyển thời sự vào tháng 8-45, thiết tưởng là một thiếu sót, vì Cờ Đỏ gắn liền vói cuộc chính biến lịch sử này.
Sau khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập từ tháng ba, năm 1945, tồn tại cho đến khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử trên đất Nhật hai vào ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, đưa đến sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật. Tiếp theo đó, khắp ba miền, các biến chuyển thời sự dồn dập cho đến cuối tháng 8.
Ngày 12-8-45, Phong Trào Phụng Sự Quốc Gia của ông Trần Văn Cương tổ chức biểu tình tại Hà Nội, hô hào dân chúng đoàn kết cứu nước. Tại Thuận Hóa, ông Trần Trọng Kim không mời được người tham gia chính phủ mới vì không ai muốn phục vụ dưới chế độ thân Nhật nữa.
Ngày 14-8-45, tại Sài Gòn, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt ra đời gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Liên Đoàn Công Chức, Thanh Niên Tiền Phong, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của quý ông Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân.
Ngày 16-8-45, ông Hồ Chí Minh cùng các đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế như các ông Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn, Phạm Văn Đồng, v.v..., dưới bình phong là Mặt Trận Việt Minh, triệu tập “Đại Hội Quốc Dân” tại Tuyên Quang, tuyên bố thành lập nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và phát động cuộc “tổng khởi nghĩa”. Lúc bấy giờ rất ít người biết đến tung tích đích thực của những người này, nhưng tin đồn về Mặt Trận Việt Minh “tổng khởi nghĩa” tràn lan khắp nước.
Ngày 17-8-45, tại Thuận Hóa, vua Bảo Đại chủ tọa buổi họp chính phủ Trần Trọng Kim. Buổi họp đưa đến một số quyết định quan trọng của Bảo Đại như sau:
* Chấp thuận bản dự thảo thông điệp kêu gọi các quốc gia Đồng Minh giúp đỡ, bảo đảm nền độc lập của Việt Nam.
* Ban hành đạo dụ số 105 tình nguyện trao quyền điều hành đất nước
cho một chính phủ “cộng hòa dân chủ” và sẵn sàng tuân theo thể chế mà nhân dân quyết định.
* Xuống chiếu tuyên bố cùng toàn dân rằng nhà vua đặt hạnh phúc của nhân dân lên trên ngai vàng nhà Nguyễn, “muốn làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”, và kêu gọi toàn dân đoàn kết, tham gia việc nước.
Cũng cùng ngày hôm đó, công chức Hà Nội tổ chức biểu tình để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng được nửa buổi thì bị đảng viên Cộng Sản thuộc Mặt Trận Việt Minh trà trộn vào đoàn biểu tình, phất cờ đỏ sao vàng, bắn súng thị uy và lái cuộc biểu tình thành cuộc biểu tình hoan hô Việt Minh.
Ngày Chủ Nhật 19-8-45, Tại Hà Nội, Việt Minh vận động hàng ngàn đồng bào cầm nhiều Cờ Đỏ Sao Vàng, kéo tới quảng trường Ba Đình, trước dinh của Khâm Sai Phan Kế Toại để biểu tình. Tại đó, các cán bộ Việt Minh dùng súng uy hiếp bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, “Giám Đốc Ủy Ban Chính Trị Miền Bắc” phải ra lệnh cho binh sĩ Bảo An mở cửa dinh. Cán bộ Việt Minh tước khí giới của họ, chiếm Khâm Sai Phủ và Toà Thị Chính. Sau đó, cuộc biểu tình biến thành buổi ra mắt “Mặt Trận Việt Minh Cứu Quốc”. Vì biến cố này, nhóm chữ “Việt Minh cướp chính quyền” bắt đầu được dùng tới, đối nghịch với nhóm chữ “Cách Mạng Tháng 8” mà các sử gia đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng sau này.
Cũng trong ngày 19-8-45, tại Sài gòn, Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia ra đời. Tổ chức này chủ trương giao thiệp và tiếp nhận khí giới cùng các công cụ do Nhật bàn giao. Tuy nhiên, không được bao lâu thì cán bộ Việt Minh đã thuyết phục họ rằng Việt Minh được Đồng Minh xem là tổ chức “kháng Nhật”, nên để cho Việt Minh tiếp thu vũ khi Nhật thì mới được Đồng Minh tiếp tục ủng hộ. Nhờ đó, Việt Minh đã gấp rút thành lập các Ủy ban Nhân Dân địa phương. Đến ngày 24-8-45 thì Việt Minh thực sự nắm chính quyền ở Sài gòn, với sự ra đời của “Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ Lâm Thời”.
Theo cuốn SAIGON (Anthoney Grey), sau khi tuyên bố “Tổng Khởi Nghĩa” tại Cao Bằng thì ông Hồ Chí Minh cùng bộ chỉ huy kéo về Hà Nội, dẫn theo một số người Mỹ. Họ vốn là những điệp viên OSS đã nhảy dù xuống vùng thượng du Bắc Việt vào đầu năm 1945, để tiếp tế vũ khí và huấn luyện cho bộ đội Việt Minh tìm cứu các phi công Mỹ bị Nhật bắn hạ. Ông Võ Nguyên Giáp đã phái những toán bộ đội Việt Minh đi trước mở đường. Họ hô hào dân chúng ra đón tiếp, để người Mỹ tưởng là Việt Minh được nhân dân ủng hộ, đồng thời để nhân dân tưởng rằng Việt Minh được Hoa Kỳ ủng hộ. Họ cũng đốt phá các làng mạc nào không chịu ra đón tiếp họ và vu cáo hành động tàn phá cho Việt Quốc (VNQDĐ). Võ Nguyên Giáp còn phái các toán Việt Minh đi sau phá cầu đường để ngăn chặn cuộc trở về Hà Nội của Việt Cách và “Quốc Dân Quân”. Phần thì bị các chướng ngại ngăn trở, phần thì yếu thế hơn Việt Minh, lực lượng Việt Cách đã kẹt ở biên giới Việt Trung từ khi Nhật đầu hàng cho đến đầu tháng 9 mới theo quân đội Trung Hoa Quốc Gia do Lư Hán thống lãnh về Hà Nội. Vì thế các cuộc biểu tình tại Hà Nội trong tháng 8, 1945 đã không có sự tham dự của các lực lượng cách mạng quốc gia.
Những cuộc vận động của Việt Minh nhằm tiếp thu chính quyền quốc gia được kể là hoàn tất khi vua Bảo Đại ban hành chiếu thoái vị vào ngày 25-8 tại Huế, và “nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.” Bảo Đại kết thúc chiếu thoái vị với hai câu khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!” và “Dân chủ cộng hòa muôn năm!”
Ngày 30-8-45, lễ Thoái Vị được cử hành trọng thể vào lúc 12 giờ trưa trước cửa Ngọ Môn, đến 2 giờ chiều đã có hàng vạn người. Sau khi vua Bảo Đại đọc xong chiếu thoái vị, thì Long Tinh Đế Kỳ được kéo xuống và Cờ Đỏ Sao Vàng của Việt Minh được kéo lên. Trong cuốn hồi ký “Con Rồng Việt Nam”, cựu hoàng Bảo Đại tóm lược tình trạng bấy giờ như sau: “... lợi dụng sự tuyên truyền phóng đại và đe dọa, người của Việt Minh như đoạt được quyền hành trên toàn quốc, trong mười lăm ngày sau khi quân Nhật đầu hàng.”
Xuyên qua các dữ kiện lịch sử nêu trên, một vấn đề khúc mắc được nêu lên từ 1945 đến nay: Cuộc chính biến tháng 8 năm 1945 do Việt Minh chủ động có phải là một cuộc “cách mạng chân chính” hay không?
Để giải đáp rốt ráo vấn đề này, trước hết, ta hãy xem lại các định nghĩa về danh từ “cách mạng”.
Theo nghĩa chữ Hán, “cách” là “thay đổi, bỏ đi”, “mạng” hay “mệnh” là “sự sống”; chữ “cách mạng” viết kép nghĩa là “thay đổi triều vua”.
Theo nghĩa Tây Phương, “cách mạng” là “revolution”, nghĩa là “a political movement which seeks to overthrow a government”, một phong trào chính trị nhằm loại bỏ một chính phủ.
Như vậy, một cuộc “cách mạng chân chính” cần hội đủ các đặc tính: Tính “thay cũ đổi mới”, tính “dân tộc”, tính “độc lập”, tính “tự chủ”, tính “quần chúng”, và tính “đoàn kết”. Sau đây ta thử xét xem các đặc tính trên có trong cuộc chính biến tháng 8, 1945 hay không.
- Tính “thay cũ đổi mới”: Biến cố tạo nên hậu quả cáo chung một chế độ cũ và thay thế bởi một chế độ mới.
- Tính “độc lập”: Biến cố tự phát sinh mà không do sự hỗ trợ biểu kiến của một ngoại bang nào.
- Tính “tự chủ”: Biến cố không bị kềm chế hay ảnh hưởng trực tiếp bởi một lực lượng ngoại lai nào.
- Tính “quần chúng”: Biến cố được sự tham dự của nhiều người. Sự tham dự này có thể là do tự nguyện, được vận động, hay bị ép buộc.
- Tính “dân tộc”: Biến cố được phát khởi từ một hay nhiều thành phần dân tộc để phục vụ dân tộc chứ không nhằm phục vụ một ý thức hệ nào.
- Tính “đoàn kết”: Biến cố tận dụng các tài nguyên của đất nước như thời Kháng Nguyên của Nhà Trần và Kháng Minh của nhà Lê thuở trước.
Xét về mặt biểu kiến, cuộc chính biến tháng 8 năm 1945 do Việt Minh chủ động có một số đặc tính “cách mạng”, vì những sự kiện sau:
- Sự thật 1: Nó có tính “thay cũ đổi mới”, đưa đến sự cáo chung triều đại quân chủ nhà Nguyễn để tiến dần đến các chế độ mới sau này.
- Sự thật 2: Nó có tính “độc lập”, thể hiện lòng khát vọng của toàn dân, kể cả hoàng đế Bảo Đại, muốn thấy đất nước được độc lập, không còn bị đô hộ bởi thực dân Pháp nữa. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội từ lúc thành lập đã có chủ trương chống cả Pháp và Nhật để dành độc lập cho nước nhà. Nhiều người không cộng sản đi theo Mặt Trận Việt Minh từ tháng 8, 1945 về sau cũng vì tán thành chủ trương độc lập đó.
- Sự thật 3: Nó có tính “tự chủ”. Vào thời điểm tháng 8, 1945, tại Đông Dương có ba lực lượng ngoại bang: Pháp, Nhật, và Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch. Mặt Trận Việt Minh không dựa vào Trung Hoa Dân Quốc, Pháp cũng như Nhật.
- Sự thật 4: Nó có tính “quần chúng”. Với kỹ thuật sách động và hù họa dân chúng của Việt Minh, hàng vạn người đã tham gia các cuộc biểu tình 19-8 và 2-9, tạo nên khi thế quần chúng chưa bao giờ có.
Đọc đến đây ắt có người về phía “Quốc Gia” sẽ tranh luận ngay rằng cuộc chính biến tháng 8, 1945 không thể có tính “độc lập” hay “tự chủ”.
Họ sẽ nêu ra dữ kiện rằng “Thành phần chính phủ mà Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-45 hết thảy là cộng sản Việt Nam, là tay sai của Liên Sô và Trung Cộng, nên cuộc chính biến tháng 8 bị lệ thuộc vào lực lượng ngoại bang.”
Sự tranh luận ấy không đúng theo lịch sử. Vào giữa thập niên 1940, thế lực chính trị của Liên Sô còn yếu. Lực lượng quân sự của Liên Sô đang dồn vào mặt trận Đông Âu, không có chút ảnh hưởng nào tại Đông Dương ngoài việc huấn luyện ý thức hệ cho các đảng viên đảng Cộng Sản Đông Dương. Trung Hoa còn thuộc chế độ Cộng Hòa của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, từ Tôn Dật Tiên chuyển xuống Tưởng Giới Thạch, đang vất vả chống Nhật ngay trên lãnh thổ của họ và phải nhờ Hoa Kỳ trấn giữ các căn cứ chiến lược vùng đông nam Hoa Lục. Lực lượng Trung Cộng của Mao Trạch Đông chỉ mới phôi thai ở miệt tây bắc Trung Quốc, lúc ấy chưa hề bén mảng đến miền nam; mãi đến năm 1949, dành được Hoa Lục, mới bắt đầu ảnh hưởng vào vùng Đông Dương. Lúc bấy giờ Mặt Trận Việt Minh cũng là một trong những thành phần dân tộc, cho dù họ là “thành phần xấu” đi nữa, và sự tham gia của quần chúng quả thật là xuất phát từ khát vọng độc lập của họ, không bị Liên Sô và Trung Cộng trực tiếp ảnh hưởng. Việt Minh cướp chính quyền hoàn toàn là do sức của Việt Minh và quần chúng VN, thì phải gọi biến cố ấy có tính “tự chủ”. (Ảnh hưởng của hai đảng Cộng Sản Liên Sô và Trung Quốc chỉ mới có từ thập niên 1950 trở đi, đặc biệt là việc cung cấp vũ khí cho Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ và cuộc xâm chiếm miền Nam.) Mặt khác, nếu nói đến “ảnh hưởng” về vật chất, tư tưởng, và tinh thần thì phải kể đến ảnh hưởng trực tiếp của Hoa Kỳ qua ba sự kiện quan trọng: Thứ nhất, toán điệp viên OSS (Office of Strategic Services) của Hoa Kỳ đã cung cấp vũ khí, đạn dược, và luấn luyện cho Việt Minh. Thứ hai, khi đoàn quân Việt Minh rời Cao Bằng về Hà Nội từ ngày 20 đến 25 tháng 8, toán OSS đã đi theo bên cạnh Hồ Chí Minh (lúc ấy là điệp viên OSS với bí danh Lucius) và Võ Nguyên Giáp. Thứ ba, bản “tuyên ngôn độc lập” mà Hồ đọc trước quảng trường Ba Đình ngày 2-9 đã phỏng theo bản “Declaration Of Independence” ngày 4 tháng 7, 1776 của Hoa Kỳ. Ba sự kiện này đã tạo cho dân chúng cảm tưởng là Việt Minh được Hoa Kỳ hỗ trợ. Nhờ thế mà dân chúng đã theo Việt Minh lúc đó và sau này. Dù vậy, những ảnh hưởng đó chỉ là phụ thuộc, không vì thế mà mất đi tính “tự chủ” của cuộc chính biến, hoặc cho rằng nó bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ, bởi vì tất cả những kế hoạch và hành động “dành chính quyền” đều do người Việt Nam (Mặt Trận Việt Minh) chủ trì, chứ Mỹ, Nga, Tàu, Nhật, và Pháp không có ảnh hưởng gì cả.
Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn, cuộc chính biến tháng 8, 1945 dù có một số đặc tính “cách mạng” biểu kiến, nó lại không xứng đáng để được vinh danh là một cuộc “cách mạng dân tộc” đúng nghĩa, tức là “thay thế chế độ cũ xấu bằng chế độ mới tốt hơn” (Hán-Việt Từ-Điển Đào Duy Anh). Lấy một ví dụ dễ hiểu: Một người có dáng vẻ là nhà tu hành, chưa hẳn người đó đích thực là người tu hành. Ngoài nhân dáng, y phục, người ấy còn phải hành đạo theo như giới luật của một nhà tu hành, thì mới đúng là nhà tu hành.
Cuộc chính biến tháng 8, 1945 thiếu các đặc tính sau đây:
- Sự thật 5: Nó thiếu tính “dân tộc”. Như phần III.2 đã trình bày, chính phủ được ông Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-1945 đều là đảng viên Cộng Sản Đệ Tam. Họ chỉ có mục đích tối thượng là phục vụ cho lý tưởng Quốc Tế Đại Đồng theo Duy Vật Biện Chứng Pháp. Họ chỉ mượn chiêu bài “dân tộc” để tiến hành sách lược đó mà thôi.
- Sự thật 6: Nó thiếu tính “đoàn kết”. Như chúng ta đã biết, trước khi Nhật đầu hàng, các tổ chức cách mạng đã kết hợp thành Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, mà Việt Minh là một thành phần. Không được bao lâu thì Việt Minh tách ra, tạo nên mầm mống chia rẽ giữa Việt Minh và các tổ chức. Rồi khi Nhật đầu hàng, thì Việt Minh cho ra đời “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời” ngày 19-8-45 chỉ toàn là cán bộ Cộng Sản. Danh sách này đã được ông Hồ công bố ngày 2-9-45 cộng thêm một vài người thuộc tổ chức ngoại vi của đảng CSĐD. Còn các tổ chức “quốc gia” thì không có đại diện trong chính phủ ấy. Việt Minh cũng gia tăng sự chia rẽ và bất tín đối với nhà cầm quyền với cuộc “bầu cử Quốc Hội gian lận” ngày 1 tháng 6, 1946. Chính vì sự “độc chiếm chính trị” này mà nhiều thành phần dân chúng đã nổi dậy biểu tình chống chính phủ hàng ngày gần như cơm bữa, nhất là sau khi Mặt Trận Việt Cách và Việt Quốc về đến Hà Nội. Ngoài ra, sau khi dành được chính quyền, Việt Minh quay ra tiêu diệt các tổ chức cách mạng như Việt Cách và Việt Quốc. Hành động tàn nhẫn ấy đã khởi đầu cho cuộc tương tranh dài 30 năm trường, tiêu hao xương máu của hàng triệu người dân lành của cả hai miền Nam và Bắc. Cho đến ngày nay, đảng CSVN tự đặt cho mình nhiệm vụ vĩnh viễn độc tôn lãnh đạo đất nước, không bao giờ chấp nhận các đảng phái khác. Vì vậy mà “cuộc chính biến tháng 8” không có tính đại đoàn kết dân tộc. Xét thêm về tính độc lập, nền độc lập biểu kiến đạt được vào tháng 8, 1945 cũng không phải là công lao của một mình Mặt Trận Việt Minh, tức là đảng CSĐD, vì:
- Sự thật 7: Chính vua Bảo Đại tuyên bố vô hiệu hóa Hiệp Ước 1884 và tuyên bố Việt Nam Độc vào ngày 17-8 tại Thuận Hóa, sau đó ông thoái vị để “được làm dân một nước độc lập”. Nói cách khác, nếu Việt Minh không “cướp chính quyền” vào ngày 19-8 thì đất nước cũng sẽ tiến đến tình trạng độc lập và dân chủ, theo như lời tuyên bố của Bảo Đại, sẵn sàng nhường quyền điều hành đất nước lại cho một chính phủ “cộng hòa dân chủ”.
- Sự thật 8: Ngày 2-9-1945, lúc ông Hồ Chí Minh đọc “Tuyên Ngôn Độc Lập” tại Hà Nội, đất nước vẫn chưa thực sự được “độc lập”. Quân đội Nhật chưa bị giải giới. Miền Nam vẫn còn chính phủ riêng và lại lệ thuộc vào Pháp ngay sau khi Anh và Pháp giải giới Nhật.
- Sự thật 9: Trên phương diện “công pháp quốc tế”, nền độc lập của toàn đất nước chỉ chính thức đạt được vào năm 1948, với sự ra đời của “Quốc Gia Việt Nam” có “Quốc Trưởng” và “chính phủ”. Dù vậy, Việt Nam chỉ được thực sự “độc lập” sau khi Pháp rút quân về theo Hiệp Định Genève năm 1954. Mặt khác, ý niệm “cách mạng” cũng không nhất thiết chỉ cô đọng vào “mùa thu” hay “tháng Tám” năm 1945 như các sử gia cộng sản vẫn vinh danh là “Cách Mạng Mùa Thu” hay “Cách Mạng Tháng Tám”, vì:
- Sự thật 10: Tinh thần “cách mạng” đã được phát khởi đầu tiên bởi VNQDĐ năm 1928 với chủ trương “do dân, bởi dân và vì dân”, chứ không phải do đảng cộng sản Đệ Tam Quốc Tế phát khởi. Tinh thần “cách mạng” được thể hiện qua sự vị quốc vong thân của đảng trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học vào năm 1930, và được tiếp tục nuôi dưỡng bởi nhiều tổ chức kháng Pháp trong suốt các thập niên 1930 và 1940.
- Sự thật 11: Khí thế “cách mạng” đã bị đảng CSĐD triệt tiêu. Chỉ vài tháng sau, người Pháp được sự đồng thuận của Đồng Minh, trở lại Việt Nam, đổ quân tái chiếm miền Nam, rồi tiến ra Trung và Bắc Kỳ. Trước sức mạnh quân sự của Pháp, ông Hồ Chí Minh đã liên lạc và xin ký thỏa ước với Pháp, chấp nhận đứng trong “Liên Hiệp Pháp”, trái hẳn với lời tuyên thệ của ông trong ngày 2-9, rằng ông sẽ “không bao giờ thương thuyết hay hợp tác với Pháp”. Đây là một trong những bằng chứng rằng những người cộng sản luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên danh dự của dân tộc.
IV. Kết Luận
Chúng ta đã lược qua bối cảnh lịch sử của những lá “quốc kỳ” Việt Nam và các chế độ trong thời cận kim đến nay để nghiệm thấy rằng: Việt sử là của cả quốc dân qua các thời đại chứ không phải của riêng một chế độ nào. Những gì được tạo nên bằng thủ đoạn và bạo lực sẽ không được tồn tại lâu dài, vì những yếu tố đó không là bản sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Sau hơn nửa thế kỷ, những sử gia Việt Nam nên nhìn cuộc chính biến tháng 8 năm 1945 một cách khách quan, để có thể đồng ý rằng cuộc chính biến ấy quả thật có một số đặc tính biểu kiến của một cuộc “cách mạng quần chúng” và có hình thái “độc lập tự quyết”. Nhưng vì những thủ đoạn hiểm độc trước và sau khi nắm được chính quyền, với lý tưởng phi dân tộc, và với cứu cánh độc tôn đảng trị, đảng CSĐD đã làm mất đi chính nghĩa cao quý của một cuộc “cách mạng dân chủ đích thực”.
Mặt khác, tính chất “độc lập tự quyết” của cuộc chính biến cũng bị lu mờ vì hành động “thiếu đại đoàn kết toàn dân” mà đảng CSĐD đã phát khởi qua các cuộc sát hại dân lành và các đảng phái đối lập một cách khốc liệt. Cờ Đỏ đã được khai sinh nhờ các thủ đoạn “phi dân tộc” đó.
Ngược lại, Cờ Vàng xuất hiện hơn trăm năm về trước, thể hiện ước vọng độc lập, tự do và dân chủ của dân tộc, sẽ được hậu duệ Việt Nam tiếp tục trân quý như một đặc sản truyền thống của dân tộc. Vì vậy, Cờ Vàng mãi mãi là “Quốc Kỳ” trong trái tim người Việt hải ngoại và đại khối đồng bào “không cộng sản” tại quốc nội. Sẽ có ngày Cờ Vàng trở lại cương vị Quốc Kỳ trên quê hương Việt Nam như đã hai lần xuất hiện trong quá khứ.
Nguyễn Đình Sài
Tài Liệu Tham Khảo:
- Việt Nam Sử Lược, quyển 2, Trần Trọng Kim, 1971
- Việt Sử Tân Biên, quyển V, VI, và VII, Phạm Văn Sơn, 1972
- Việt Sử Toàn Thư: Phạm Văn Sơn, 1983
- Vietnam: Nation Under Stress, Robert Scigliano, Houghton Mifflin, Boston, 1963.
- Vietnam: A History, Stanley Karnow, The Viking Press, New York, 1983
- Tập San Chính Nghĩa, số 1, ngày 3-1-1983, New Orleans, LA, USA,
“Thân Thế và Sự Nghiệp của Ngô Đình Diệm”.
- Vietnam Crisis, Stephen Pan & Daniel Lyons, 1966
- Đặc San Huế 2000, tháng 6, 2000, bài “Triều Đình Nhà Nguyễn"“, Lê Quốc Việt.
- Website của Worldstatesmen <http://www.worldstatesmen.org/ Vietnam.html>
- Việt Nam: Cuộc Chiến Tranh Quốc Gia - Cộng Sản, Tập I, Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử VN Hiện Đại, 2002
- Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hoàng Văn Đào, 1970
- The World Book Encyclopedia, The Quarrie Corporation, 1917 - 1959.
- Việt Nam Niên Biểu, Tập A: 1939 - 1946, Chính Đạo, 1996
- Cách Mạng và Hành Động, Nghiêm Xuân Hồng, 1962
- Chiến Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Phạm Phong Dinh, 2001
- Những Ngày Chưa Quên, Quyển Thượng 1939 - 1954, Đoàn Thêm, 1960
- Hán Việt Từ Điển, Đào Duy Anh, 1957
- Website của Free Vietnam <http://www.vietfederation.ca/flag.htm>
- Website của Thông Tấn Xã Nhà Nước Việt Nam <http://www.vnnews.com/ coci/0102/02.htm>
- Website của Đảng CSVN <http://www.cpv.org.vn/cpv/>
- Website của National http://www.sfc.keio.ac.jp/apd/minh/ flag_emblem_anthem.html
- Website của Ủy Ban Bảo Vệ Quốc Kỳ Việt Nam: “The National Flag of the Free Vietnam”, Phạm Kim Thư
- Vietnam 1945 - The derailed revolution By Jim Hensman
- “Nhận Định về Lá Cờ Quẻ Càn”, Đặc San Văn Lang
- “Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa”, GS Nguyễn Ngọc Huy
- Website của Minesota <http://www.vietnam-minnesota.org/vnflag.html>
- Website of Workmall.com: Vietnam The General Uprising and Independence
-http://workmall.com/wfb2001/vietnam/vietnam_history_the_general_uprising_and_independence.html
No comments:
Post a Comment