Tuesday, April 1, 2014

MIỀN BẮC SAU 1954 (Nguyễn Văn Lục)

Nguyễn Văn Lục

MIỀN BẮC SAU 1954

                                                            Tôi bước đi
                                                        Không thy ph
                                                        Không thy nhà
                                                        Ch thy mưa sa
                                                         Trên màu c đ
 Trích bài thơ Ta Nhất Định Thắng
của Trần Dần
B
ÀI thơ của Trần Dần là hình ảnh tóm gọn đầy đủ về Hà Nội sau 1954. Không ai có thể nói hơn được Trần Dần qua bốn câu thơ đó. Nhưng cũng vì bốn câu thơ này đã làm ông lao đao suốt cả đời. Kể từ đó, không ai viết về Hà Nội như thế được nữa. Đó là Hà Nội thật. Hà Nội đổi chủ. Hà Nội sau 1954.
Phải đợi đến Nguyễn Ngọc Lan, sau 1975, ra thăm miền Bắc về viết bài Hà Nội tôi thế đấy trên tờ Đứng Dậy. Thế đấy là thế nào? Là nghèo nàn, đói rách, tả tơi? Nguyễn Ngọc Lan không nói, để tự người đọc hiểu thế nào thì hiểu. Nhưng Hà Nội hiểu Nguyễn Ngọc Lan xỏ xiên. Nay thì đến lượt Nguyễn Ngọc Lan lại bị thất sủng. Viết bài này, tôi nhớ đến hai người ấy.
Bốn giờ sáng ngày 9 tháng 10 năm 1954. Ngày đáng ghi nhớ. Ngày mà còn nhiều cán bộ nhớ lại là trên đường về Hà Nội:
“Tôi nhớ chuyến xe hôm ấy về Hà Nội, hành khách đua nhau hát suốt dọc đường.”[1]

Những ngày đầu phấn khởi

Nhà thơ Trần Dần hơn ai hết đã ghi lại nhật ký những ngày đầu tiếp thu Hà Nội với niềm tự hào và tin tưởng trong Trần Dần, Ghi 1954-1955 như sau.
 Từ ngày hôm qua sang ngày hôm nay là chuyển hẳn từ hai chữ Chiến Tranh sang hai chữ Hòa Bình. Những tiếng đồng hồ này có một giá trị đặc biệt. Dần dần, người ta mới thấy giá trị của những tiếng đồng hồ đó. Số mệnh, nhiệm vụ của hằng triệu con người thay đổi hẳn… Nhưng {…} sự thay đổi nó dần dà, góp gió, góp gió mãi, tôi đợi một cơn Bão chưa lên.
Hôm nọ có bà bảo tháng 10 thì vui thế. Ngày 10.10 là ngày tiếp quản Hà Nội. Một phút mà cách nhau hai chế độ mấy trăm năm.
Đó là cảm nhận kỳ diệu của thời gian của một kiếp người. Một phút trước là nô lệ, một phút sau là con người của tự do.
Ngày ấy người ta say mê, đầy tương lai trong người. Có cán bộ hay nhắc lại những ngày đó. Cho là dân chóng quên. Không thấy hạnh phúc của mình. Hoài Thanh diễn thuyết ở đảng Xã Hội cũng nói vậy. Chúng ta chóng quên. Quên mất hạnh phúc lớn của mình. Tôi cũng đồng ý là nên nói như vây. Với điều kiện là phải nghĩ rằng: chúng ta không thể ăn được bằng dư vị bữa tiệc tháng 10 ấy.

Hà Nội với rừng cờ, biển người

Trong một bài viết trước đây của tôi, tôi cũng chia sẻ tâm tình của người Hà Nội những ngày tháng 10.1954 như sau: “Rừng cờ, rừng người, một rừng cánh tay giơ lên. Thật khó diễn tả cho hết những gì người ta nhìn thấy. Trong rừng người tiến vào thành phố, thật khó để biết ai là sĩ quan chỉ huy. Chẳng ai có thể nhận ra những đồng chí như Bùi Quang Tạo, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm. Người ta nhốn nhác tìm bóng dáng ông Giáp hay ông Hồ nhưng không thấy. Vài ngày sau, qua báo chí, người dân Hà Nội được biết các ông ấy đã về tới Hà Nội, nhưng ở đâu thì không ai hay.”

Hà Nội chuyển mình

Hà Nội đã thay đổi diện mạo. Với rừng cờ đỏ. Ở đâu ra mà sẵn vậy?
Đâu đây, người ta thấy một tấm biểu ngữ lớn với hàng chữ thô kệch văn chương lắm:
Cùng nhau múa hát mấy bài
Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang
Người ta nhận thức ngay được phải ứng xử thế nào trong hoàn cảnh mới. Có một chút nhạy bén và sức lan truyền đến lạ lùng trong đám thị dân năm thành phần được cách mạng công nhận là thợ thuyền, nông dân, binh sĩ, tiểu tư sản và tiểu tư sản yêu nước. Các cô gái con nhà, yểu điệu thục nữ, mượt mà, quần lụa trắng, áo dài mà mỗi bước đi cố gắng vắt xéo đôi chân từ bên này qua bên kia nay áo cánh nâu, quần đen, tay cầm lá cờ đỏ.
Đôi guốc son thời con gái nay đổi ra đôi dép cao su, hiệu con hổ mầu trắng. Những cô gái áo dài quần lụa trắng vắng bóng dần. Thay vào đó là những áo cánh nâu chặt chội với những thân hình con gái vạm vỡ, lực lưỡng như những lực điền, đi đứng huỳnh huỵch. Những ông công chức với thói quen complet, cravatte, giầy da, mũ phớt lọt thỏm trong đám đông người với những mũ tai bèo.
Nó báo hiệu một thời đã hết. Bời vì lúc ấy nghèo là một chứng chỉ tốt, giầu chỉ thêm mối lo. Vì thế, cũng không thiếu người đã “giả nghèo” chẳng khác gì “giả câm, giả điếc”, “giả ngu ngơ”.
Hoàn cảnh lúc bấy giờ, nó có sự ngược chiều vô lý. Người Hà Nội “giả đi xuống”, che giấu đủ thứ. Người mới tới lại thích phô ra. Họ săm săm đi tìm những phế thải lỗi thời còn để lại. Một anh cán bộ vẫn mũ tai bèo, nhưng gắn thêm đôi kính râm vào mặt, chiếc bút máy Parker gài trên túi. Chiếc đồng hồ đeo tay phô ra. Trông anh lố bịch thêm. Nhiều anh không ngại ra tiệm trồng răng gắn thêm hai chiếc răng vàng để cười cho sang. Ở nhà thì ráng mua cho bằng được cái màn tuyn nằm cho thoáng, bõ những ngày muỗi cắn, đi ra đi vào xúng xính trong bộ pyjama.
Hứng quá, thoải mái quá. Mặc luôn bộ đồ ngủ đi ra ngoài đường cho tiện thể.
Các nữ cán bộ thì một chút thoang thoảng môi son, chút má hồng. Đủ để cho người ta biết người mình thơm tho. Nhưng lộ liễu quá thì chưa tiện. Và tại sao chối từ một chút nước hoa thay cho mùi ngai ngái của mồ hôi, mùi tóc muối lâu ngày.
Cứ như thế mà cuộc đấu tranh ai thắng ai trong mỗi con người cứ lớn dần lên. Người ta cảnh cáo cẩn thận hiện tượng mất bản chất. Nhà văn Vũ Thư Hiên kể cho tôi nghe, về Hà Nội là rủ nhau đi mấy quán ăn ngon cho đỡ thèm. Cũng bị bá cáo và cảnh cáo.
Cảnh cáo cho có lệ. Nhưng chắc chẳng ai thèm nghe.
Phải chăng đó là những sự thay đổi tận gốc rễ của người Hà Nội và cả của người mới tới?
Các bà mệnh phụ trước đây cứ một bước lại ngồi xe tay nay lạch bà lạch bạch ráng theo đoàn người đi tới. Mọi người hình như bằng mọi cách khuôn ép, tự sắp xếp mình vào năm thành phần trên. Đường phố vốn nhỏ hẹp nay chật cứng người như nêm cối. Như tự phát, từng đám người như thế lũ lượt như những đám rước trên đường phố hết đám này đến đám khác. Trong đám đông ai đó hô Hồ chủ tịch muôn năm!, thế là cả cái cỗ xe người đồng lượt vung cánh tay hô theo. Họ ùn ùn kéo đến Nhà Hát Lớn, đi qua rạp chiếu bóng Eden, nhà in Viễn Đông, còn được gọi là nhà in Ideo, hướng về phía vườn hoa Con Cóc rồi Bắc Bộ phủ. Nổi bật là những đám thanh thiếu niên, không biết bằng cách nào và từ bao giờ, ăn mặc như hướng đạo mà mỗi em đều quàng một chiếc khăn quàng đỏ.
Hình như cả thành phố chỉ có dân chúng chứ chưa có bóng dáng người lãnh đạo.
Vậy mà cái guồng máy đó chạy đều, nhịp nhàng hăm bốn trên hai mươi bốn. Thành phố như vô chủ, chỉ có đám đông, chỉ có người gặp người, người nhìn người, đi ngược, đi xuôi. Gặp nhau có lối chào mới: giơ nắm tay đồng loạt hô to. Muôn năm, muôn năm!!
Chẳng có gì có thể tả hết được cái ngày như thế, cái khung cảnh như thế, cái vận hành, cái chuyển đổi, lột xác như thế.
Những đoàn người cuồn cuộn như dòng nước lớn không dứt, hết đám này đến đám khác cho mãi đến nửa khuya và bắt đầu lại vào sáng sớm ngày mai. Chính quyền mới trong một tích tắc đồng hồ đã biến đổi đám người trước đây có thể là tiểu thương, viên chức của Pháp, nếu không nói là theo Tây, Việt gian của Tây trở thành một đám quần chúng hăng say mà không mất một ngày tập huấn.
Trong số ấy, có nhiều nhà tư sản kinh doanh hăng say nay muốn hiến hết cho chính quyền tài sản, cơ nghiệp. Họ phải tự giác, tự làm đơn chờ đợi xem có được chính quyền chấp nhận hay không, chấp nhận thành kẻ hợp doanh với nhà nước. Đó là một vinh dự cho họ được cải tạo từ chủ nhân nay trở thành người lao động. Sau khi được chấp nhận rồi, họ cất được cái mũ “phớt” tư sản để đội cái mũ “tai bèo”, để hội nhập xã hội mới với những tước danh mới như công thương gia yêu nước, kỹ nghệ gia tiên tiến hay cao hơn nữa được gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc và may mắn hơn, xúc động đến òa nước mắt nếu được “xuống” làm phó giám đốc xí nghiệp.
Nhưng thay đổi một cái mũ có đủ để thay đổi được cả một cuộc đời không?
Sau đó thì họ trắng tay, nhưng ngược lại họ trở thành nhân vật được mọi người kính nể. Họ là những người yêu nước tiêu biểu như các ông Ngô Tử Hạ, ông Nguyễn Sơn Hà, ông Bùi Hưng Gia, ông bà Trịnh Văn Bô.[2]
Ở miền Nam sau này cũng như thế, nhưng ở mức quy mô và lớn gấp 10 lần. Họ tất cả đều hoan hỉ hiến cho chính quyền mới. Các vua kẽm gai, vua sắt, vua máy cầy, vua hãng dệt nay xuống thành thứ dân vô sản.
Ôi, hạnh phúc biết bao, vì đã được đổi đời?
Trong số những nhân vật uy tín này, người viết có vinh dự được nghe danh ông Ngô Tử Hạ, người đã có công với cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến bằng cách in ấn các truyền đơn cho cách mạng và bây giờ hiến toàn bộ cơ sở nhà in, ấn loát cho chính quyền mới.
Nhưng giả dụ, ông Ngô Tử Hạ đã không hiến trước thì liệu ông có giữ được sản nghiệp không và liệu người ta có để yên cho ông làm ăn hay không? Nhưng không ai dám nêu câu hỏi vớ vẩn đó ra nên cũng không bao giờ có câu trả lời.
Tuy vậy, những ngày tháng ấy kéo dài chẳng được bao lâu, vì người ta phải đương đầu với thực tế trước mặt. Người ta dần dần thất vọng. Trong đó có Trần Dần. Và ông đã viết như sau:
“Tháng 10 là bữa tiệc lớn cho nhân dân thủ đô. Nhưng bây giờ là tháng 3/1955. Người ta phải ăn bằng những bữa cơm hằng ngày...”
Không thể ăn bằng ký ức một bữa tiệc từ năm ngoái.
Câu hỏi được đặt ra sau 5 tháng sống dưới chế độ mới, người ta được gì?
Nỗi mừng, niềm vui qua mau và bây giờ là cuộc sống cơm áo với trăm điều phải lo.
Nay thì lo là chính, lo lấn át tất cả. Mừng là phụ.
Nỗi mừng nay biến thành nỗi lo và cả miền Bắc đều lo như vậy.

Bức màn tre phủ xuống trên toàn miền Bắc

Một bức “màn tre” đã phủ xuống trên toàn miền Bắc. Chữ bức “màn tre” lần đầu tiên được người ta dùng để thay thế cho chữ bức “màn sắt” quen thuộc để chỉ các nước cộng sản như Liên Xô hoặc Đông Âu.
Ngữ nghĩa chữ bức màn tre là chỉ thị một chế độ độc tài, khép kín, bưng bít che đậy không để lọt ra thế giới bên ngoài những gì đang xảy ra bên trong đó.
Trong vòng 20 năm, bức màn tre ở miền Bắc đã xảy ra 3 điều cực kỳ quan trọng là:
·       Một là về chính trị, họ tiến hành chiến tranh nhằm xâm chiếm miền Nam.
·       Hai là về xã hội, khi cuộc di cư vừa chấm dứt thì vào khoảng tháng 5/1955, chính quyền miền Bắc quay trở lại chính sách Cải cách ruộng đất đã thực hiện từ 1953, sau đó tiến hành Hợp tác hóa nông nghiệp.
·       Ba là về văn hóa, trấn áp giới văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.
Cả ba vụ việc đó đều dùng Bạo Lực “cách mạng” để đạt được mục đích bằng sự hy sinh xương máu của người dân theo đúng tinh thần của K. Mác:
Bạo lực là bà đỡ của Cách Mạng.
Sau này liên lạc giữa hai miền Nam Bắc ngăn cách bởi bức màn tre này thành hai thế giới và sự liên lạc giữa hai miền giới hạn vào những tấm thư bưu phiếu. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi mất hẳn. Số phận những người chọn ở lại hay bất đắc dĩ phải ở lại sau bức màn tre đó ra sao?
Không còn ai biết được nữa.
Bài viết sau đây dành chọn để ghi lại hoàn cảnh miền Bắc sau 1954 với tất cả những trớ trêu lịch sử oan khiên và những hệ lụy từ chế độ đó mà ra.
Xin ghi tiếp phần nhật ký 1954 của Trần Dần để thấy được những thực trạng Hà Nội sau 1954 và những đổi thay, chuyển biến tâm trạng của nhà thơ Trần Dần.
Nhà thơ viết tiếp những suy tư của mình:
Về Hà Nội được đúng 10 ngày. Hà Nội ít thay đổi. Gặp bố, anh Đường, cháu Hà, anh Lan. Gặp bạn Trần Mai Châu. Một số người không gặp.
Nay thì những dự định khó thực hiện vì chính sách gò bó. Tôi bị bao vây. Chặt quá, ép quá… Tôi muốn gạt những núi định kiến mà ngoi lên thở... Nhưng sao buồn thế? Khổ thế? Nhiều lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời rồi. Tay buông xuôi. Chân duỗi thẳng. Tôi buồn như người đã chết.
Cái màn biểu diễn giáng xuống đầu tiên là việc đổi tiền từ tiền Đông Dương sang tiền cụ Hồ. Trong vụ đổi tiền này, người dân tự nhiên mất 2/3 tài sản của mình. Cụ thể là một bát phở trước đây giá là 3 đồng bạc Đông Dương. Mọi người đều bị móc mất số tiền ở trong túi. Nay muốn ăn một bát phở như thế, phải trả là 10 đồng, Người cộng sản quả là có tài tạo ra sự khan hiếm. Muối, đường, vải vóc tự nhiên trở thành khan hiếm. Và người ta kháo với nhau rằng, nếu cộng sản làm chủ sa mạc thì chẳng bao lâu, cát sẽ trở thành khan hiếm, phải xếp hàng mới mua được.
Cuộc sống kể từ ngày hôm nay báo hiệu những ngày đen tối sắp tới.
20.1.1955
Những ngày cuối năm.
Tết năm nay ở Hà Nội. Ít cành đào quá. Hoa thủy tiên cũng hiếm. Hàng Sách chưa thấy những bìa xanh đỏ. Phố Hàng Mã có ít hoa giấy. 10 giờ, phố xá đóng im ỉm. Vắng tanh vắng lạnh. Những dãy phố Bà Đanh này phản ảnh tình hình chính trị kinh tế bây giờ. Còn thiết quân luật. Những ngày đầu tiên của Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn. Nạn đói khu Tư. Nạn di cư miền Công giáo. Khu Tư. Vụ Ba Làng nổi loạn. Hải Phòng phá giá đồng bạc. Các ổ Mỹ, Ngô Đình Diệm phá hoại hòa bình, kều người đi Nam. Đô la Mỹ vẫn làm người ta tối mắt. Chính nghĩa thì nghèo. Kinh tế ta vừa thoát khỏi nanh vuốt Mỹ Pháp, còn non yếu, như đứa bé sơ sinh đỏ hon hỏn. Cán bộ máy móc. Vụ thuế công thương gây một panique lớn. Các rạp hát ế khách. Các hiệu ăn chuyển sang phở nhiều. Giá hàng đắt lên. Tiền Đông Dương ăn hơn 70 rồi. Nhiều người thất nghiệp. 6 vạn công nhân. 3 vạn cán bộ miền Nam. 30 vạn đồng bào miền Nam phải xếp việc. Trí thức không có việc. Nghệ sĩ chưa tìm được cách sống cho bằng trước. Trường tư sụt đi nhiều. Báo chí bán rẻ, ế. Khả năng mua sách của Hà Nội sụt đi. Hiệu cúp tóc vắng. Cyclo bí, cơ quan cán bộ không đi. Lạp sường lồ mát phàn một đêm khéo lắm bán được cho hai người…
Đúng vậy. Kẻ tà có đô la. Chính nghĩa không có tiền. Tùy từng người chọn đường.[3]
Đấy là bức tranh toàn cảnh đời sống miền Bắc sau 1954 được Trần Dần ghi lại đầy đủ và trung thực sau khi hòa bình trở lại. Bức tranh đó nhắc nhở người ta nhớ câu nói của Tacite xưa như sau:
“Ils firent un désert et l’appelèrent Paix”. {Họ xây dựng nên một sa mạc và gọi đó là Hòa Bình.}
Những suy nghĩ của Trần Dần viết ra là rất nhân bản, rất gần gũi và hơn 25 năm sau, tháng 10, 1991, một Trần Dần thứ hai xuất hiện.
Sâu sắc hơn, cay đắng hơn, “tàn bạo” hơn. Đó là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh khi ông viết về cuộc sống của ông, đúng hơn về tiểu đoàn 27 mà cho đến 75 chỉ còn sống sót 10 người trong số 500 người lúc đầu: “Đến bây giờ, lúc này đây, bạn hãy xem thực chất quanh ta có gì khác hơn ngoài cuộc sống tầm thường và thô bạo của thời hậu chiến? Nền hòa bình này… Hừ, hình như tôi thấy các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bầy ra gớm chết. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra”.
Dưới mắt Trần Dần quả thực Hà Nội đã không còn như trước nữa.
Nạn đói đe dọa là có thực.

Nạn đói đe dọa

Khu Tư đã rơi vào cảnh đói kém, mất mùa như trong phúc trình của đại sứ Ba Lan. Trong bản báo cáo tháng gửi về nước ông, ông đại sứ viết: Thị trường cần cung cấp thêm lúa gạo và các nông sản khác đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Cần phải ngăn ngừa nạn đói có thể xảy ra ở khu bốn là nơi hội đủ những triệu chứng như: hạn hán, ruộng đất bị bỏ hoang. Nếu Việt Nam không nhận được viện trợ to lớn về lúa gạo thì tình hình sẽ trở thành nguy ngập và cuộc bầu cử sẽ hết sức bấp bênh. Báo cáo của đại sứ Ba Lan tháng 3 như sau: “Một trong những khó khăn nhất mà các đồng chí của chúng ta gặp phải là nguy cơ xảy ra nạn đói... Hiện nay viện trợ của CHNDTQ đã tới nơi, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu. Vụ mùa tháng 5 không khả quan vì hạn hán kéo dài. May thay, nhờ có viện trợ Trung Quốc nên tháng 5, năm 1955, VNDCCH đã tránh được nạn đói”. Theo báo cáo của đại sứ Ba Lan: “Cuối tháng tư tình hình được cải thiện một chút nhờ gạo, gà và khoai lang gửi từ Trung Quốc đã sang tới nơi.”[4]
Không có viện trợ thực phẩm của Trung Quốc thì đói to. Tình trạng lương thực ở miền Bắc rất đáng lo ngại mà theo cách tính sơ khởi là mức tiêu thụ gạo không quá 250kg/mỗi đầu người/năm {1955 là 286kg/ người, 1957 là 285.7kg/người}.

Người Pháp cuốn gói ra đi

Nạn đói kém xảy ra phần lớn là do hậu quả sau chiến tranh và sự ra đi của người Pháp cuốn gói theo họ tất cả những gì có thể chở đi được. Người Pháp trù liệu chuyển vào Nam qua tầu chiến Mỹ toàn bộ xe cộ, xe tăng, thiết giáp, súng ống, đạn dược. Trong đó 200.000 tấn đã được dự liệu đưa vào miền Nam. Thêm vào đó là máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu {raw materials} kho hàng, tất cả đã được chở vào miền Nam. Tính ước lượng trị giá bằng tiền vào khoảng 2000 triệu francs… Cũng vậy, có 29 trên 30 các xưởng kỹ nghệ của Pháp được tháo gỡ, chuyển vào Nam.
Vì thế, chính quyền mới sau khi tiếp quản các cơ sở kỹ nghệ phải đương đầu với tình trạng bất khả dụng hay khiếm dụng. Chẳng hạn, nhà máy xi măng Hải Phòng, chỉ sản xuất được bằng phân nửa so với trước đây. Sau này nhà máy được xây dựng lại do sự giúp đỡ của Liên Xô từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1955 và hoạt động 24/24 với 3 tốp thợ, mỗi tốp 2000 người. Tuy nhiên, cho đến 1956, nó cũng chỉ đạt được 61% tổng sản lượng của năm 1939. Sản lượng xi măng của nhà máy Hải Phòng là 400.000 tấn/năm, trước 1954 đủ cung cấp cho nhu cầu xi măng của miền Bắc.
Nhưng tệ hại nhất vẫn là mỏ than Hòn Gai, trước đây mỏ than Hòn Gai được trang bị máy móc của Mỹ. Năng suất dĩ nhiên là cao. Nay người Pháp đã tháo gỡ chở đi thứ gì cần phải tháo gỡ, thứ gì dùng được và ngay cả thứ gì xét ra không dùng được, nhưng nếu có thể làm trở ngại cho việc sản xuất thì cũng không từ. Đó là tình trạng Sabotage, phá hoại trước khi bỏ đi. Ấy là chúng tôi không muốn nhắc tới sự phá hoại trực tiếp {sabotage} của nhóm tình báo của đại tá Lansdale vào những ngày cuối cùng của thời hạn 300 ngày theo Hiệp định Genève.
Vì vậy, việc sản xuất than ở Hòn Gai đã phải quay trở lại thời kỳ tiểu công nghệ lấy sức của người lao động làm chính. Sẽ bốc dỡ than bằng tay, khuân vác bằng sức người. Bao nhiêu công việc nặng nhọc trước đây do máy làm thì nay con người phải lấy sức người ra mà làm.
Từ đào bằng máy chuyển sang đào bằng tay, sự vận dụng sức người ở đây phải được kể là vô cùng khó khăn và vất vả cho người lao động. Và chính quyền mới đã bắt đầu làm lại như thế đấy. Nghĩ tới mà khiếp sợ. Và nên nhớ rằng: với sức người, sỏi đá cũng thành cơm.
Nhà máy sợi Nam Định cũng chỉ hoạt động bình thường sau khi Trung Cộng tặng cho 500 máy dệt tự động vào đầu năm 1957. Nhà máy bột giấy {paper mill} cũng được Trung Cộng trang bị lại máy móc và nay hoạt động lại ở Thái Nguyên.
Nhưng quan trọng nhất là nhà máy cơ khí ở Hà Nội được Liên Xô tài trợ và bắt đầu xây cất vào tháng 12 năm 1955.[5]
Con đường xây dựng Xã Hội chủ nghĩa từ 1954 đến 1975 và từ 1975 đến nay đã đi được bao nhiêu đoạn đường và còn cần thời gian là bao nhiêu năm nữa?

Ruộng đất bỏ hoang

Lý do thứ hai gây khó cho chính quyền mới là ruộng đất bị bỏ hoang. Nhiều ruộng đất lúc chiến tranh đã bị bỏ hoang và chiếm 7% số ruộng đất canh tác ở miền Bắc. Ruộng đất và làng mạc của nông dân các vùng xôi đậu đã bị máy bay Pháp bỏ bom, hoặc nã đạn pháo mỗi ngày, đúng giờ, khoanh vùng tình nghi như một vùng khủng bố trắng “white zone”, giống như No man’s land của người Mỹ sau này. Nhiều khi, nông dân phải cầy cấy ban đêm vì sợ máy bay, sợ bị đạn pháo. Hơn nữa, cho dù có cầy cấy được thì đất canh tác thuộc vùng Trung Châu Bắc Việt vốn là vùng đất rice-deficit, năng suất thấp, không đủ cung cấp cho cư dân Bắc Việt, hoặc chỉ là độc canh nên quanh năm thiếu hụt cần sự cung cấp lúa gạo từ trong Nam ra mỗi năm.
Nay tất cả nguồn cung cấp ấy không còn nữa.
Những ruộng đất ấy đã được canh tác cả hàng nghìn năm. Đất đã hẹp, mật độ dân số đông, ruộng đất bị khai thác triệt để như cấy hai mùa, cấy xen kẽ.
Đất không được nghỉ ngơi.
Mỗi mùa, cần đào sâu thêm để được đất mầu, đất tốt. Đào sâu thì chỉ gặp đất thịt, đất đen, mầu mỡ không có.[6]

Nạn lụt, hạn hán và giông bão gây mất mùa

Nếu chúng ta còn thuộc một vài câu ca dao còn sót lại để mô tả cái lo lắng của người nông dân miền Bắc, đã hẳn may ra hiểu đuợc hoàn cảnh của họ. Đó là hoàn cảnh bất lực của con người trước thiên nhiên với đủ thứ lo lắng:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng, mới yên tấm lòng
Cho nên, kẻ thù truyền kiếp của người nông dân vẫn là thời tiết.
Chẳng hạn như các vùng đất tân bồi chung quanh tỉnh Nam Định thường gặp thiên tai mỗi năm. Không lụt thì bão tố, không bão tố thì hạn hán.
Theo John Kleinen, trong bài viết “Access to Natural Resources for whom? Aquaculture in Nam Dinh, Viet Nam.” John Kleinen liệt kê các vùng như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ninh Cơ là vùng đất tân bồi với đụn cát, đất bùn, rộng 72.000 mẫu tây mà người ta chỉ có thể trồng trên đó những cây phi lao. Các vùng đó luôn bị lụt và bão có khi là cấp 8, cấp 9. Vì thế, người ta phải nhiều lần đắp các đê biển {sea dykes} từ những năm 1892-1900, 1934-1939 và sau này 1957-1962 và 1962-1971 để ngăn lụt và chống bão. Đê biển ở các vùng trên chạy dài đến 80 kilô mét với mật độ dân số rất cao, trên 1000 người/km2.
Cho nên lụt cũng chết mà hạn hán cũng chết. Vụ mùa tháng 5/1954 thì hạn hán. Nhưng tháng 12/1954 thì bị lụt. Lụt và hạn hán quanh năm làm khổ người nông dân miền Bắc. Sau này cũng vậy, vào năm 1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra trước Quốc Hội cho biết kết quả việc thu hoạch năm vừa qua là thảm bại: Trung bình thu hoạch chỉ là 1.4 tấn/mẫu. Ruộng tốt, trung bình có thể thu hoạch được từ 4 đến 5 mẫu. Vì thế, tổng cộng chỉ thu hoạch được 1.161.000 tấn. Thiếu hụt 34.3% của một mùa gặt bình thường.[7]
Vậy mà nạn lụt đã xảy ra vào tháng 12/1954, ngay khi vừa tiếp quản xong Hà Nội. Đã lụt còn rét căm căm. Đói cộng lạnh là hai nỗi khổ của nông dân miền Bắc.
Đã thế, 90% đê điều ở miền Bắc cần phải được tu sửa. Trong lúc chiến tranh, máy bay đã phá hủy 8 hệ thống đập nước dùng để tưới tiêu cho 252.000 mẫu ruộng. Sự sống còn của nông dân tùy thuộc vào sự sửa chữa tức thời hệ thống đê điều này nên chỉ trong vòng một năm 2 triệu 68 vạn ngày công đã dùng để sửa chữa hệ thống đê điều và sửa chữa 2750 kilô mét bờ đê để tránh nạn lụt.
Lại một lần nữa cho thấy sự vận dụng sức người ở đây là ngoài sức tưởng tượng được.
Chính quyền mới bắt buộc phải nhập 150.000 tấn gạo từ Miến Điện mà mức thiếu hụt là 200.000 tấn/năm.[8]

Nạn thất nghiệp

Tính đến tháng 12/1954, nghĩa là sau hai tháng tiếp quản Hà Nội. Có 6000 cửa tiệm đóng cửa. Trước đây, các khu phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Than, trước cửa chợ Đồng Xuân, lúc nào cũng tấp nập kẻ buôn người bán. Nay chủ hoặc vào Nam hoặc tạm đóng cửa. Nhiều cửa hàng ăn lớn nay đổi ra tiệm phở. Gần 9000 chị em bán hàng rong hết đi rong. Không ai có tiền để ăn quà sáng, quà chiều nữa. 4000 thợ tiểu công nghệ như thợ may, thợ bạc phải đổi nghề, hoặc về quê làm ruộng. Chưa kể 20.000 thợ thuyền đủ loại không có công ăn việc làm.

Hà Nội vắng hoe vì thiếu những người bán hàng rong.

Trần Dần đã thấy một Hà Nội vắng bóng người. Bởi vì thiếu những người bán lẻ, lưu động. Những người bán hàng rong vốn là nét sinh hoạt cá biệt, sinh động của Hà Nội. Cái làm cho Hà Nội nên Hà Nội. Đó là những “cửa hang lưu động” vốn liếng chỉ là quảy đôi quang thúng, hay đôi khi chỉ là một cái thúng đội đầu. Sang ra thì cửa hàng được thiết kế đằng sau chiếc xe đạp như các cửa hàng bán cá giống, bán chim cảnh, bán đồ chơi cho trẻ con, “ciné lưu động”, bán kẹo, nhất là kẹo kéo, bánh bao v.v… Nhiều cửa hàng này đi đến đâu được trẻ con bu lai chung quanh như coi phim {xe phim thường thường có bón lỗ để nhòm hai bên, phim câm, các loại phim thời đó như Zôrô bịt mặt, hay phim Tarzan v.v…} xem cá cảnh, bán kẹo kéo. Những tiếng rao hàng đủ loại từ sáng đến tối. Tiếng gõ “tục tắc” vui tai đến tiếng lè nhè “phá xang” nay không còn nữa.
Hà Nội im lặng như Trần Dần mô tả.
Những cửa hàng “lưu động” như gánh phở, cà phê buổi sáng, rất hương vị, mùi cà phê, mùi phở buổi sáng bay tỏa thơm đến thèm thuồng. Đó là những hương vị Hà Nội hay miếng ngon Hà Nội rất ấn tượng làm nên Hà Nội nay cũng không còn nữa.
Hà Nội “chết” theo cái nghĩa ấy. 9000 người trong số họ phải đổi nghề.
Những người như Trần Dần khi về Hà Nội thèm những hương vị ấy và thấy tiếc nuối cái không khí Hà Nội trước 1954.
Gạo ăn chỉ còn đủ cho 3 tháng. Xăng dầu cạn kiệt chỉ đủ cho một tháng.
Nhất là chính phủ hoàn toàn bất lực trong việc kiểm soát giá cả. Vải một mét trước 1954 là 350 đồng, bây giờ là 495 đồng/mét. Đường 570 đồng/kí-lô nay nhảy vọt lên 2900 đồng/kí-lô. Xăng dầu 310 đồng/lít nay là 1630 đồng/lít.

Sự trì trệ và xuống cấp thê thảm
của sinh hoạt kinh tế miền Bắc

Kể từ 1955, miền Bắc chỉ giao thương với 7 nước trong khối xã hội chủ nghĩa và 3 nước ngoài khối. Việc xuất cảng nguyên liệu vốn là huyết mạch của kỹ nghệ miền Bắc như than đá, quặng sắt, kẽm. Nhưng mặc đầu còn đói kém, vậy mà lần đầu tiên 1957, ngoài Bắc đã có thể cho xuất cảng bột gạo, sắn, hóa chất Cronit và khoáng chất apatit mà tổng sản lượng lên đến 60% hàng xuất cảng. Việc nhập cảng với các nước anh em chiếm tỉ lệ 52% mà đến 54,6% hàng nhập cảng vào năm 1955 là để đổi lấy sản phẩm tiêu dùng mà miền Bắc chưa sản xuất được. Nhưng sang đến năm 1957, hàng nhập cảng đã tụt xuống còn 32% vào năm 1957.[9]
Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền mới đã không làm được những điều đáng lẽ cần phải làm. Hoặc làm chưa đến nơi, đến chốn. Ông Dương Quang Đông, một đảng viên ở miền Nam đã có lúc phải thốt ra như thế này trên báo Nhân Dân: “Từ mười một năm nay, đảng tỏ ra không có khả năng cung cấp cho dân một hạt gạo nào, một miếng thịt nào, một giọt nước mắm nào và cũng không có khả năng ổn định về giá cả. Dân khổ quá. Biện pháp tốt nhất là đảng nên để cho dân được tự do sản xuất, tự do sinh sống, tự do học hành.”[10]
Xin trích dẫn nhận xét của Ken Post trong chương “Crisis in the North” về tình trạng miền Bắc vào giữa năm 1954: “By mid-1954 the economy of Bac Bo and northern Trung Bo had suffered a serious decline in productive forces as a direct or indirect effect of the fighting. An area of riceland estimated at between 138.800 and 143.000 hectares, some 7 per cent total, had gone out of cultivation, mostly in so-called “white zones” where the French army had followed a shoot-on-sight policy. On the surface, this was not a large proportion, but it must be remembered that what had now become the “northern regroupment zone” of the new Viet Nam had always been a rice-deficit area in the colonial period, needing to import annually from Cochinchina. Hence, any decline in production whilst the new “southern regroupment zone” was politically unstable and under continuing French and increasing US influence was a serious threat.”[11]
Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong dịp phát biểu tại quốc hội, tháng 3/1955 cho rằng: Hòa bình đã trở lại, cần có lãnh đạo tập trung, thống nhất và mạnh… để đáp ứng được những nhu cầu của chính phủ. Cần tăng gấp 80% viên chức nhà nước trong 3 năm.
Khi người Pháp ra đi, còn để lại 7.000 viên chức trong số 20.000 người từng làm việc trong chính phủ Liên Hiệp Pháp. Những người ở lại làm việc theo cung cách cũ, thiếu nhiệt tình và tinh thần hy sinh.
Về lương bổng của những viên chức từng làm cho người Pháp, để lưu dụng họ, chính quyền mới cho họ vẫn giữ bậc lương cũ thời Pháp. Gọi là bậc “lương lưu dung”. Trong khi những người từng đi chiến đấu trở về thi thiếu kiến thức và năng lực chuyên môn nên ăn theo lương “kháng chiến”. Trái khoáy là lương một ông thư ký thời Pháp cao gấp đôi lương một ông chánh án của chính quyền mới.
Vào khoảng cuối năm 1960, các viên chức người Pháp mới tự nguyện xin rút lương và ăn theo lương như các cán bộ chính quyền mới.
Phải chiều lòng viên chức trong chính quyền người Pháp vì thiếu chuyên viên. Cụ thể như ở mỏ than Hòn Gai khi được chuyển giao cho chính quyền mới. Dưới thời quản lý của người Pháp thì có 21 kỹ sư và 62 chuyên viên, sau này chỉ vỏn vẹn còn 30 chuyên viên. Nhà máy dệt Nam Định đã không còn một kỹ sư nào ở lại. Để bù khuyết khoảng trống đó, từ 1955-1960 có sự chi viện lệ thuộc vào 3600 chuyên viên người Tầu, 1400 người Liên Xô và 1000 người của các quốc gia Đông Âu.
Cũng vậy, trong ngành giáo dục, các giáo chức trước đây dạy ở các trường công và trường tư vẫn được lưu dụng. Các trường như Chu Văn An, Nguyễn Trãi vẫn như cũ. Ngay các trường tư như trường Dũng Lạc, trường tư của Thiên Chúa giáo, nằm bênh cạnh nhà thờ Lớn Hà Nội vẫn được tiếp tục mở cửa. Đặc biệt không ngờ là trường Albert Sarrault của Tây cũng vẫn còn, vẫn dạy tiếng Pháp, chỉ có thay đổi là hiệu trưởng là người Việt.
Trong khi đó, ngân sách từ các năm 1955 đến 1957 đã dành 26.5% cho quốc phòng, xây dựng 24.4%, hành chánh 14.5%. Cộng chung ba bộ này chiếm 65%. Phần còn lại dành cho kỹ nghệ có 2.7%, y tế 1.9% và giáo dục có 2.9%.[12]
Với một ngân sách lệch như thế, chú trọng quá nhiều vào quốc phòng, đất nước làm sao khá lên được? Một ngân sách nghiêng về quốc phòng như thế, bởi vì kể từ năm 1958, đảng Lao động Việt Nam nhằm hai mục tiêu chiến đấu: chiến đấu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chiến đấu hoàn thành cuộc gìải phóng miền Nam.
Sau này thì không phải chỉ có hơn 3000 chuyên viên Trung Quốc nữa. Biên giới phía Bắc được mở rộng để đón tiếp hàng nhập cảng từ Trung Quốc như một “con đường tơ lụa mới của thế kỷ này cộng với đường biên giới mới của bản đồ được vẽ lại. Con đường tơ lụa nay được ủi phẳng mở đường cho xa lộ kéo dài từ Thái Nguyên, Việt Trì đi thẳng tới Hải Phòng, Hà Nội. Nhất là khu kỹ nghệ Việt Trì {Viet Tri complex} trong kế hoạch 3 năm mà phần lớn vốn liếng do Trung Cộng đầu tư vào như đập thủy điện, nhà máy giấy, nhà máy mì chính, nhà máy thuốc trừ sâu, nhà máy cơ khí, nhà máy đường. Từ đó kích cầu các cơ xưởng kỹ nghệ địa phương, với 854 cơ sở, với đủ các nhà máy cùng với trang bị kỹ thuật, vốn liếng xuất phát từ Trung Quốc trải dài xuống các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn v.v… Người Pháp vừa xuống tầu về nước thì lại có người láng giềng đến thế chỗ. Bài hát 1000 năm đô hộ giặc Tầu nay phải đổi lời lại như thế nào cho thích hợp?[13]
Tính chung đến tháng 7/1955, nước anh em Trung Cộng đã giúp đỡ chính quyền mới về thực phẩm và trang thiết bị trị giá 325 triệu Mỹ kim. Và Liên Xô là 150 triệu Mỹ kim. Không kể một vài nước anh em nhỏ khác như Tiệp Khắc, Đông Đức.[14]
Sau này, trong việc quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học”, Đặng Tiểu Bình mở chiến dịch vì cho rằng Việt Nam đã “vô ơn trước sự giúp đỡ trước đây”. Dĩ nhiên, mọi người hiểu rằng đây chỉ là một cái cớ.
Đã thế, sau chiến tranh và hòa bình đã trở lại, nhưng những viên chức cán bộ trong chính quyền mới đổ đốn ra làm việc còn nặng tính cách quan liêu, cửa quyền, bàn giấy. Họ chẳng khác gì những cán bộ trong chính quyền Xô Viết vào những năm 1925-1930.[15]
Đó là một thứ lạm phát chữ nghĩa do tuyên truyền cộng với lạm phát quyền lực do một thiểu số nắm giữ, lạm phát kinh tế do tham nhũng
Tất cả các thứ lạm phát đó là một thứ thuế trực tiếp đánh trên đầu trên cổ giới lao động và dân nghèo.
Như Chế Lan Viên cuối đời thú nhận rằng, ông vẫn thường chỉ ăn bánh vẽ và tiếp tực ăn như thế. Bà Vũ Thị Thường, vợ nhà thơ, đã công bố bài thơ Bánh vẽ của ông có những câu như sau:
“Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối.”

Hà Nội với nạn nhà cửa chật hẹp.

Ở Hà Nội, sau 1954, ăn đã là một vấn đề nan giải, nhưng ở còn khổ bội phần. Hà Nội thời trước 1954 chỉ có hơn nửa triệu dân. Nhưng Hà Nội vẫn được coi là quá chật chội, không có chỗ ở. Những người làm phu lao động, buôn thúng bán mẹt không thể tìm một chỗ nào để trú ngụ. Đó là những người dân thường như bán hàng rong, những người buôn thúng bán mẹt, những công nhân làm vệ sinh, đổ thùng, quét đường, hốt rác. Hầu hết họ đều ở ngoại ô Hà Nội. Những nhà vườn trồng rau, trồng hoa cung cấp cho Hà Nội cũng tập trung ở khu Ngọc Hà.
Họ phải ra ngoài thành phố về phía Bắc, phía bên kia cầu Paul Doumer hay xuống phía Gò Đống Đa, đường đi về Hà Đông v.v... Chỉ trừ một vài thành phần du thủ, du thực bám lấy Hà Nội bằng cách lấy các gầm cầu làm chỗ ở qua đêm.
Sáng họ vào Hà Nội, tối họ đi ra. Có những buổi sáng tinh mơ, phu đổ thùng từng đoàn nối đuôi nhau, gánh kĩu kịt những gánh phân đem theo những xú uế của Hà Nội ra ngoài và ngược chiều, những đoàn người đem vào những tốt tươi, thơm tho của đất trời như rau tươi, hoa quả. Nhất là hoa đủ loại như thể đó là lẽ tuần hoàn của trời đất.
Tôi nghĩ rằng sau 1954, sẽ không còn được trông thấy những cảnh tượng như thế nữa.
Cho nên, người Hà Nội thường là thứ “nguyên gốc”, không pha trộn. Phần đông thuộc thành phần tiểu tư sản, có ăn học. Tất cả các gia đình buôn bán của các phố Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Ngang đều ít nhiều có gốc gác, lập nghiệp lâu đời.
Sau này bà Susan Bayly có viết cuốn Asian Voices in a Post-Colonial Age, trong đó bà đi tìm lại những người Hà Nội trí thức, có truyền thống gia đình, có thể từ thời 1946-1954.
Và những người Hà Nội có một nếp sống tiểu tư sản thành thị thông qua tiếng nói và cách ăn mặc. Tiếng nói của dân Hà Nội không pha trộn, khác biệt với dân Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và cũng khác biệt hẳn với dân ở các tỉnh miền xuôi như Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình.
Tiếng nói người Hà Nội thanh lịch trong giọng nói và kiểu cách trong cách trao đổi, đối đáp, thưa gửi. Nhưng khéo quá đôi khi không tránh được tác phong phong kiến, kiêu kì, phỉnh phờ, không thật lòng, giả dối, nịnh bợ cũng có. Nhất là những tiếng danh xưng vừa có ý trân trọng người đối thoại vừa gián tiếp tự đề cao chính mình. Chẳng hạn, khi nào thì gọi là quan đốc, cụ đốc, cụ lớn, cậu đốc, anh đốc, chú đốc, cháu hay bác đốc, cháu hay bác đốc nhà tôi? Cả một vấn đề, tùy theo tình huống mà có thể trở thành phức tạp, tế nhị, mát mày mát mặt, nhạy cảm, phiền toái, cầu kỳ, rắc rối, bi kịch, giận hờn, thù oán.
Nhưng đó là nếp sống văn hóa nói Hà Nội. Như một cơn bão nhỏ. Sau 1954, những chữ đó và hằng trăm chữ khác tự động biến mất.
Chữ nghĩa có cái thời của nó, thời để sống và thời để chết.
Cả một nếp sống văn hóa tiêu biểu của Hà Nội không cánh mà bay đi và không bao giờ còn như thế nữa.
Cũng kể từ 1954, một số không nhỏ, khoảng 200.000 người Hà Nội đã dời bỏ thành phố di cư vào miền Nam. Chỗ trống ấy có người lấp ngay. Phần là dân tập kết trong Nam ra. Phần là bộ đội và cán bộ vào thành. Phần này là đông nhất. Trong đó không thiếu những người gốc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nay là cán bộ kéo vào biến tiếng nói của người Hà Nội thành ọ ẹ. Phần nữa là dân chúng bỏ nhà quê lên tỉnh.
Cho nên, nay mà nói đến dân Hà Nội chính cống, đi tìm một người nói tiếng Hà Nội gốc thì quả thật không dễ, vì họ chỉ chiếm hơn 10% dân số thủ đô. Tôi đã ra Hà Nội và chỉ có thể gặp lại những người họ hàng, bà con mới còn giữ được tiếng nói của người Hà Nội xưa. Đặc biệt là tiếng nói đó không the thé, eo éo như bây giờ.
Cho dù muốn đi tìm lại những ngưòi Hà Nội cũ đi nữa, cho dù tìm được. Họ cũng không còn là họ nữa.
Dân số Hà Nội đã tăng 3, 4 lần sau 1954. Diện tích ở của mỗi đầu người tính ra được 4, 5 mét vuông. Những căn nhà có ngõ dài hun hút, sâu chừng 4, 5 chục mét là thường, ở trong các khu phố cổ là vô cùng chật chội, vì một nhà nay phải chứa thêm 4, 5 hộ, có khi đến 10 hộ gia đình.
Nếu các gánh hàng rong là mặt ngoài của Hà Nội thì Ngõ là mặt trong của Hà Nội.
Ở đó có những cảnh đời tăm tối tranh nhau, chen chúc nhau từng phân tấc, từng gáo nước, dòm ngó, kèn cựa từng li từng tí một. Tôi không nói sai, nói thêm cho người Hà Nội. Quả tình thật là như thế. Đến như có thể nói đến một thứ sinh hoạt văn hóa Ngõ. Người ta phải dựa vào nhau để mà sống, phải nhịn nhục nhau mà sống, phải chấp nhận nhau để mà sống hết năm này qua năm khác. Có khi từ bé tới lớn, tới già. Đó là những nỗi khổ ở đời, nỗi khổ sinh ra làm người, bên cạnh cái khổ túng thiếu, nghèo đói.
Trường hợp ông Nguyễn Đăng Mạnh sau này được xum họp ở Hà Nội. Hãy nghe ông tả oán:
Năm 1971, vợ chồng tôi mới được phân phối cho một gian nhà lá, nền đất trong một dãy nhà gọi là K2. Bốn người, hai vợ chồng, hai đứa con, có khi lại thêm bà nhạc đến chơi, ở chen chúc trên mười mấy mét vuông. Mùa hè nóng quá, có khi phải kê giường ngủ ngoài hè. Sách vở đặt trên những xích đông làm bằng tre nứa”.[16]
Đó là hỏa ngục trần gian thu hẹp lại.
Nhưng nếu người Hà Nội bây giờ chỉ chịu khó đi dọc con đường Hoàng Diệu sẽ nhìn thấy những căn biệt thự kín cổng cao tường dành cho các quan cán bộ cao cấp.
Nhìn những căn biệt thự uy nghi và đồ sộ ấy, chúng ta sẽ thấy rằng, sẽ không bao giờ có thiên đường xã hội chủ nghĩa ở đời này.
Các nhà chính trị ở Hà Nội thường nói đến đồng cam, đồng khổ giữa đồng chí và đồng bào, thế nhưng trong vấn đề nhà ở làm sao có thể coi là đồng cam, đồng khổ giữa một ông lớn ở nhà cao cửa rộng hàng 100, 200 mét vuông với một viên chức cán bộ trung cấp, một đại úy hay thiếu tá ở một buồng con 9 thước vuông cùng vợ và 2 hoặc ba con... Có vị tướng có đến hai ba nhà, giữ cho vợ và con, sang tên một cách mờ ám để chiếm nhà của nhà nước... Cán bộ cao cấp có mức sống cao vượt lên cán bộ trung cấp, cho nên trên thực tế, tỉ lệ chênh lệch 1/7 trở thành 1/50, 1/100 hoặc hơn rất nhiều nữa. (Có lúc ông viết 1/1000)… Có khi họ phải chờ đợi hàng chục năm mới được phân phối một phòng rộng hơn 4 mét vuông, 6 mét vuông sau khi đẻ 2, 3 con…”[17]

Hệ lụy của chính sách Cải cách ruộng đất ở miền Bắc
tháng 5
/1955.

Bài viết này không nhằm trình bày đầy đủ về chính sách cải cách ruộng đất, nhưng chỉ đưa ra một vài nhận xét tiêu biểu về sự sai lầm nghiêm trọng của chính sách này về mặt thực tế, pháp lý v.v... Tiêu biểu sai lầm nhất của chính sách này là đã không tìm ra được kẻ thù đích thực: Bọn địa chủ.

Ai là địa chủ?

Chính quyền cộng sản lúc bấy giờ chia ra 6 loại địa chủ: Địa chủ phản bội như phục vụ thực dân Pháp, địa chủ phản động tham gia đảng phái như Quốc Dân Đảng, địa chủ gian ác hà hiếp dân lao động, địa chủ kháng chiến có công với kháng chiến, địa chủ thường có từ 3 đến 5 mẫu ta, không giàu và địa chủ khác là các ông đồ nho có chút dư giả.[18]
Phân chia ra như vậy, nhưng lúc thi hành thì lại khác.

Nạn nhân đầu tiên: Bà Nguyễn Thị Năm.

Ngay đợt đầu cải cách diễn ra ở Thái Nguyên, đã có việc đánh nhầm đối tượng là bà Nguyễn Thị Năm, một địa chủ có đồn điền, có công với kháng chiến, đã từng nuôi dưỡng chứa chấp những người như Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt. Bà lại có hai con trai tham gia kháng chiến từ đầu, có công với kháng chiến trong việc chống Pháp. Thí điểm cải cách ruộng đất đầu tiên, Pilot land reform, diễn ra ở 6 làng thuộc tỉnh Thái Nguyên từ tháng 12/1953 đến tháng 3/1954, Bao gồm 10.792 người. Trong đó có nạn nhân là bà Năm.
Trong một hồi ký rất nên đọc, Làm người rất khó, làm người xã hội chủ nghĩa khó hơn, nguyên phó thủ tướng, ông Đoàn Duy Thành viết về vụ bắn bà Năm như sau:
 “Đánh một địa chủ ủng hộ kháng chiến, một địa chủ hiến ruộng, địa chủ kiêm công thương là ba cái sai lầm. Bắn một địa chủ là nữ, không phải là cường hào gian ác sẽ trái đạo lý thông thường của người Việt Nam. Sau này được biết, khi chuẩn bị bắn, bác Hồ can thiệp và nói đại ý: Chẳng lẽ CCRĐ không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao? Nhưng cán bộ thừa hành bá cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời là: ‘Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả.’ Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm.”
Theo Thành Tín, luận điệu của đội CCRĐ là:
 “Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối, nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ Cách Mạng để phá hoại. Hồ Chí Minh sau khi nghe Hoàng Quốc Việt chạy về bá cáo vụ bà Nguyễn Thị Năm, nói: Không ổn, không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính ủy trung đoàn quân đội nhân dân đang tại chức.”
Thế nhưng sau đó, không có gì động đậy cả, ông Hồ giữ im lặng, không can thiệp.[19]
Hồ Chí Minh biết việc đấu tố và tử hình bà Năm, nhưng ông đã không can thiệp gì cả. Nhà văn Vũ Thư Hiên khi được hỏi về trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong chính sách này, ông trả lời:
 Hồ Chí Minh phải là người trách nhiệm chính vì ông đã ký sắc lệnh Cải cách ruộng đất, dù người thực hiện là ông Trường Chinh.”
Theo ông Hoàng Tùng xác nhận, vụ án Bà Nguyễn Thị Năm đã được bộ Chính trị họp và quyết định. Riêng ông Nguyễn Minh Cần, Phó chủ tịch Hà Nội than:
 “Những người đứng đầu chính phủ đã từng được bà che giấu, nuôi ăn, tặng vàng, nay đang làm chủ tịch nước, tổng bí thư, ủy viên ban chấp hành, thủ tướng, phó thủ tướng, đã lạnh lùng chuẩn y một bản án tử hình như vậy. Phát súng đầu tiên của CCRĐ đó tự nói lên nhiều điều về các lãnh tụ cộng sản. Nó báo trước những tai họa không lường cho dân tộc.[20]

Tổng kết các đợt CCRĐ theo Hồ Việt Thắng

Hồ Việt Thắng là cánh tay mặt của Trường Chinh, được cho đi học ở Trung Cộng về CCRĐ, về phương pháp đấu tố để đem về áp dụng tại Việt Nam. Có tất cả 5 đợt cải cách và một đợt thí điểm lúc ban đầu ở Thái Nguyên:
·        Đợt thí điểm tiến hành trong 6 xã và 10.792 nhân khẩu
·        Đợt 1: 53 xã và 109.675 nhân khẩu
·        Đợt 2: 210 xã và 480.563 nhân khẩu
·        Đợt 3: 466 xã và 1.207.294 nhân khẩu
·        Đợt 4: 859 xã và 2.564.105 nhân khẩu
·        Đợt 5: 1732 xã và 6.140.127 nhân khẩu[21]
Theo bảng tổng kết trên, các đợt CCRĐ đã thực hiện trên 3267 xã trên toàn miền Bắc và ảnh hưởng tới 9.512.556 người. Tức 2/3 dân số miền Bắc. Và theo Hồ Việt Thắng, có hơn 6 triệu nông dân lao động miền Bắc đã thoát khỏi cảnh lầm than, giành lại được ruộng, để vươn mình và đã thật sự làm chủ nông thôn (?).
Từ nay, quyền chiếm hữu ruộng đất phong kiến bị xóa bỏ vĩnh viễn.
Cũng kể từ nay, mỗi cố nông có 4 sào ruộng, mỗi bần nông có 4 sào 2 thước và mỗi trung nông có 4 sào 12 thước.
Ở miền Nam, mỗi đồng bào di cư ở vùng Cái Sắn được cấp 3000 mét vuông, tương đương 0,3 mẫu tây.
Và cũng theo Hồ Việt Thắng: “Những bần cố nông trước đây không tấc đất cắm dùi hoặc thiếu ruộng, quanh năm lĩnh canh, cày thuê cuốc mướn, sống lam lũ tối tăm, luôn luôn bị đói rét, nợ nần, roi vọt và chết chóc đe dọa, ngày nay đã nghiễm nhiên trở thành chủ nhân chính đáng của đồng ruộng.”
Kể từ nay, họ bước vào cuộc đời mới.

Những sai lầm trong CCRĐ

Chúng ta không thể căn cứ trên tài liệu chính thức của cộng sản để nêu ra được những sai lầm trong CCRĐ. Chẳng hạn tài liệu của Trường Chinh với nhan đề “Sửa sai và tiến lên”, hay là những bài tham luận viết trên báo Quân Đội Nhân Dân như “Chính trong sai lầm mà nhân dân ta càng vĩ đại, đảng ta càng thêm vĩ đại”.[22]
Phải chịu khó lọc để tìm ra được đôi chút sự thật như các bài viết của Trần Huy Liệu: “Xét lại Hồ sơ của giai cấp địa chủ”. Hay “Thư của Đặng Thái Mai gửi Trường Chinh ngày 19-6-1953”.

Sai lầm thứ nhất: Về diện tích đất đai.

Miền Bắc rộng có 63.000 dặm vuông mà đến 2/3 là núi rừng, phần còn lại là miền trung du và châu thổ sông Hồng Hà mà trên 90% làm nông nghiệp. Có nghĩa là khoảng 13,5 triệu dân làm nghề nông.
Diện tích đất đai miền Bắc là quá hẹp, thế mà trong đó phân nửa thuộc ruộng công thổ và ruộng của giai cấp trung nông {trung nông không là đối tượng truy sát của Cải cách ruộng đất}. Phân nửa diện tích còn lại, địa chủ chiếm bao nhiêu diện tích đất? Và trung bình mỗi địa chủ có bao nhiêu mẫu ruộng để bị đưa ra đấu tố?
Tính số ruộng ở miền Bắc được chính người cộng sản phân phối theo tỉ lệ như sau: Thực dân chiếm 1%, tôn giáo chiếm 1,5%, công điền, công thổ chiếm 25%, địa chủ chiếm 24.5%, phú nông 7.1%, trung nông chiếm 29%, bần nông 10%, cố nông 1%, những người khác 0,8%.[23]
Như thế, cố nông {nghèo, không ruộng, không nhà cửa, đi làm thuê, bị địa chủ bóc lột} và bần nông {khá hơn, có thể có nhà cửa, có vài sào ruộng, nghèo, phải đi cấy rẽ hoặc cấy thuê cho địa chủ} chiếm 61% dân số, nhưng tỉ lệ chiếm hữu đất đai chỉ là 11.1% trong khi đó 5% phú nông {có vài ba mẫu ruộng, có trâu cầy, nhưng mỗi mùa có thể phải thuê mướn vài người đến giúp cấy, gặt}, và địa chủ {có nhiều ruộng hơn phú nông, không tự làm lấy được, phải thuê người, hay cho thuê ruộng, cho vay tiền hay thóc, sống bằng sức lao động của người khác} thì chiếm 24.5%.
Số ruộng của phú nông và địa chủ cộng lại mới đạt 31%. Số ruộng còn lại hơn 50% là thuộc đất công điền và trung nông. {Trung nông là những người có từ 3 mẫu ta trở xuống, tự canh tác lấy và không thuê mướn người nên không không bóc lột ai cả.} Số ruộng hơn phân nửa là ruộng công điền và trung nông, có nghĩa diện tích ruộng này không do địa chủ bóc lột.
Số ruộng còn lại do địa chủ nắm gìữ là 24%. Nhưng nếu căn cứ vào việc thành phần địa chủ ác ôn mới là đối tượng bị đấu tố thì số ruộng lấy lại từ địa chủ loại ác ôn là bao nhiêu?
Căn cứ theo bảng thống kê của Hồ Việt Thắng thì mỗi bần cố nông nay được làm chủ vỏn vẹn có 4 sào ruộng. 4 sào ruộng này có đủ để nuôi sống một gia đình nông dân không? Có đáng làm cuộc CCRĐ với đấu tố không?

Sai lầm thứ hai: Quá tả khuynh trong việc đánh địa chủ.

Ngay từ tháng 3-1954, Trần Huy Liệu đã viết một bài “Xét lại ‘Hồ sơ’ của giai cấp địa chủ” gửi cho Hoàng Quốc Việt, một nhân vật chủ chốt trong CCRĐ sau Trường Chinh. Trần Huy Liệu cho rằng khác với Trung Quốc, địa chủ của ta đa số là bậc trung và bậc tiểu mà phần đông lại là thành phần yêu nước, vì vậy cần có sách lược đối xử đúng mức.
Thật vậy, ruộng ít mà đa số ruộng thuộc đất công điền và thuộc trung nông. Tự nhiên, ruộng ít thì địa chủ phải ít.
Trong khi đó, các đội cải cách được lệnh truy lùng bọn địa chủ trong các làng phải đạt chỉ tiêu là 5% địa chủ. Không có thì phảì đi “bắt rễ”, phải tự “đi tìm nghèo, hỏi khổ” cho bằng được, phải đôn, phải kích cả những thành phần phú nông đến trung nông và họ trở thành nạn nhân. Ngay cả trường hợp họ đã chết thì vợ con vẫn bị đưa ra xét xử trước tòa án nhân dân và tịch thu tài sản.
Trong Hồi ký, Nguyễn Đăng Mạnh đưa ra cùng nhận xét: “Bắt oan, giết oan hàng vạn người. Mà thật ngu xuẩn. Làm sao địa chủ lại nhiều thế?”, “5%? Làm sao mà Quốc Dân Đảng lại có ở khắp mọi nơi. Đúng là rập khuôn theo Trung Quốc một cách cực kỳ ngu xuẩn.”[24]
Đó là trường hợp xã Sơn Trung, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, một xã có chừng 1500 hộ gia đình với 7000 dân. Xã này có 20 gia đình bị quy vào thành phần địa chủ, cường hào, gian ác {tử hình} và 30 gia đình khác bị tù, năm 1955. 20 gia đình trong số 1500 gia đình thì chưa đủ tiêu chuẩn 5%. Vì thế, sang 1956, các đội được lệnh phải kích một số gia đình phú nông lên thành địa chủ để đạt được 5% địa chủ.[25]
Cũng lại theo Hồi Ký của Nguyễn Đăng Mạnh:
Nhưng riêng xã tôi thì tìm mãi không ra thằng nào gian ác đáng xử bắn. Đoàn ủy liền cử người về chấn chỉnh. Tôi nhớ anh cán bộ đoàn tập hợp toàn đội lại ở một chái nhà dân quanh một cáí cối giã gạo. Anh ta xỉ vả chúng tôi một trận thậm tệ: “Không bắn thằng nào thì quần chúng còn bị nó khống chế, đến bao giờ mới ngóc đầu lên được. Lập trường giai cấp để đâu? Hữu khuynh nghiêm trọng. Đảng nuôi cho các anh ăn để ngồi chơi à? Phải kiểm điểm nghiêm khắc, rồi đi sâu, đi sát, tìm thằng đầu sỏ để bắn.” Thế là lãnh đạo đội đêm ngày tìm cho ra thằng đầu sỏ phản động. Họ nghĩ đến một người tên là Cớt, bí thư chi bộ đảng, và gợi ý mớm lời cho cốt cán phát hiện ra những hoạt động của bọn Quốc Dân Đảng đội lốt cộng sản. Lập tức hồ sơ tội trạng của Cớt ngày càng dầy lên, và bí thư chi bộ Cộng Sản thành bí thư chi bộ Quốc Dân Đảng. Dĩ nhiên là Cớt bị bắt giam và không tránh khỏi sẽ bị xử bắn. Nhưng phúc đời cho Cớt, cuối đợt cải cách có lệnh sửa sai. Các đội được lệnh triệu tập để nghe ông Hoàng Quốc Việt về nói chuyện. Tất cả các tù nhân ở các trại giam được thả ra hết[26]
Đây là sự bắt chước Trung Cộng một cách thô bạo và thiển cận. Các địa chủ ở Trung Quốc không phải chỉ có vài chục mẫu ruộng mà có từ vài trăm lên đến vài ngàn mẫu ruộng. Dưới tay họ, có hàng ngàn nông dân làm quần quật, bị bóc lột, bị đối xử như người nô lệ. Đó là một chế độ phong kiến, địa chủ đủ tầm cỡ, đã “chín mùi” để đáng làm một cuộc cách mạng cải cách ruộng đất.
Ông Nguyễn Đăng Mạnh cũng cùng nhận xét như sau: “Cải cách ruộng đất đúng là một trường hợp điển hình thô bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tầu đối với Việt Nam về chính trị và văn hóa.”[27]
Còn ở Việt Nam, một gia đình trung lưu có từ 10 đến 2, 3 chục mẫu ruộng thường tự canh tác, hoặc thuê mướn người quen, người cùng làng hay họ hàng. Họ tương trợ, đùm bọc nhau mà làm, có ơn nghĩa, có tình xóm làng hoặc tình nghĩa họ hàng.
Cái tương quan thuê mướn đó không thể máy móc xếp vào loại tương quan bóc lột được. Đôi khi còn mang ân nghĩa suốt đời không trả được.
Cho nên không thể mang áp đặt chế độ phong kiến, địa chủ bóc lột bên Trung Quốc áp dụng vào Việt Nam được. Chính vì thế, các đội cải cách chẳng những gặp khó khăn trong việc truy lùng địa chủ, nó còn gặp trở ngại là làm thế nào thuyết phục những nạn nhân chịu đứng ra “đấu tố” những người mà họ coi là ân nhân của mình.
Việc đấu tố trở thành màn kịch giả dối, oan uổng, ép buộc vì nhiều người “chưa đủ tiêu chuẩn” là địa chủ, hay chưa xứng đáng là địa chủ. Đấu tố như thế thì phải bịa đặt, khai gian, bịa ra nhiều điều không có thật nên phải chuẩn bị trước, phải học thuộc lòng, phải tập dượt trước.
Những người được cử ra đấu tố nạn nhân, chính họ lại trở thành nạn nhân của một màn lừa bịp trong đó con nuôi, con dâu, chú cháu, vợ lẽ muối mặt tố cáo người thân thuộc bằng những lời chứng bịa đặt.
Và trích dẫn một số nhận định sau đây đủ thấy tính tàn ác của Hồ Chí Minh như thế nào, ông Hồ tuyên bố: “Phương châm của Cải cách ruộng đất là: phóng tay phát động quần chúng nông dân.[28]
Ông Nguyễn Văn Trấn, đại biểu Quốc Hội khóa 1 giải thích “phóng tay” của Hồ Chí Minh là cứ làm mạnh thả cửa. Ông Nguyễn Minh Cần giải thích “phóng tay” là làm hết sức mãnh liệt, thẳng tay, không khoan nhượng, không thương xót, cho dù quá trớn, quá tả cũng không đáng sợ.”
Một nhận xét nữa của Hồ Chí Minh về CCRĐ như sau: Như con giun không biết nhảy, khi ta giẫm lên nó, nó cũng giẫy lên trước khi chết. Giai cấp địa chủ cũng thế.[29]
Hay ông Hồ so sánh như thế này: Khi uốn thanh tre cong cho nó thẳng ra, phải uốn quá đi một tí và giữ lâu lâu, rồi thả tay ra thì nó mới thẳng được.” Ông Nguyễn Văn Trấn than rằng: “Trời ơi, Đảng của tôi đã nghe lời người ngoài, kéo khúc cây cong quá trớn. Nó bật lại giết chết bao nhiêu vạn sinh linh.”[30]
Trong phim Chúng tôi muốn sống, sau 1954, được chiếu ở miền Nam, đã gây nên những xúc động mạnh mẽ trong dân chúng về cảnh dã man của việc đấu tố ở miền Bắc. Cuốn phim diễn lại cái cảnh tượng gia đình địa chủ Nguyễn Văn Long đã có công ủng hộ kháng chiến, con trai là đại đội trưởng Vinh lập nhiều thành tích chống Pháp. Họ vẫn bị lôi ra đấu tố. Những kẻ bị ép buộc ra đấu tố ông bà Long là anh Cu Tý, chăn trâu, anh con nuôi, chị láng giềng. Ngay cả Lan, người yêu của Vinh cũng buộc ra đấu tố bố mẹ chồng. Kết quả là ông bà Nguyễn Văn Long bị kết án tử hình. Chính sách này gây ra những hậu quả tai hại là phá vỡ toàn bộ tương quan xã hội và gia đình. Tình nghĩa máu mù, ruột thịt, bà con họ hàng, tình nghĩa xóm làng không còn nữa. Mỗi người trở thành kẻ thù của mọi người. Đó là một xã hội băng hoại và tan rã, bật gốc rễ và mất hết các giá trị cổ truyền, truyền thống trong nếp sống, nếp nghĩ ở đời.
Cuối cùng thì người nông dân vẫn là kẻ chịu thiệt thòi nhất như nhận xét của ông giáo sư tương lai: “Nông dân Việt Nam là người chịu trên vai gánh nặng nhất của đất nước. Nhưng về sau, bản thân người nông dân lại phải chịu đựng rất nhiều thiệt thòi,” và ông đúc kết ra những cái thiệt thòi nhất của người nông dân là: “Cống hiến nhiều nhất, hy sinh lớn nhất là thứ hai. Hưởng thụ ít nhất là thứ ba. Thứ tư là họ được giúp kém nhất. Thứ năm là họ bị đè nén thảm nhất. Thứ sáu là họ bị tước đoạt nặng nhất. Thứ bảy, họ cũng là người cam chịu nhất lâu dài nhất. Nhưng thứ tám, họ là người tha thứ cao cả nhất.”
Sau hơn 60 năm, sau Cải cách ruộng đất và Người cày có ruộng, xem ra Việt Nam vẫn cần tìm ra câu trả lời cho những vấn đề công bằng xã hội ở nông thôn mà quan trọng vẫn là vấn đề ruộng đất. Đất nông nghiệp nay được chuyển thành đất xây cất đô thị và công nghiệp. Người ta lấy hằng trăm hecta ruộng của nông dân và không có đền bù xứng đáng.
Bất công vẫn hoàn bất công. Người cộng sản có thể tự hào về nhiều thứ lắm. Nhưng chỉ có một điều họ không thể tự hào được là người nông dân từ hơn nửa thế kỷ này, chưa có một ngày mà họ cảm thấy mình hạnh phúc. Đến năm 1860, còn ăn độn 20%. Nhưng sang đến năm 1966, đã phải ăn độn tới 60%.
Sau những sai lầm về cải cách ruộng đất đi vào đợt 4 thì đảng quyết định sửa sai xem ra đã trễ, vì đã có một số nạn nhân chết qua các các đợt cải cách. Đảng cho lệnh ngưng lại.
Nhưng chỉ không hiểu sao thời ấy cả nước từ trên xuống dưới lại ngu xuẩn đến thế?

Số nạn nhân bị giết trong cải cách ruộng đất

Thật ra không có cách nào để tìm ra con số nạn nhân đã chết trong CCRĐ. Tôi không tìm ra được số liệu đích xác về số người chết là bao nhiêu? Nhưng điều chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ tìm ra được.
Cùng lắm, nếu chúng ta căn cứ trên tỉ lệ 5% mà chính quyền cộng sản yêu cầu, rồi căn cứ vào số xã đã được các đội cải cách đến bắt rễ và phát hiện các địa chủ. Con số khiêm tốn nhất theo thống kê nội bộ mà ông Bùi Tín tiết lộ cho biết thì có:
* Số địa chủ thường: 82.777, số bị quy sai là 51.480 người. Tỉ lệ sai là: 62%
* Số địa chủ kháng chiến: 586. Số quy sai là: 290, tỉ lệ sai là: 49%
* Số địa chủ cường hào ác bá là: 26.453. Số bị quy sai là: 20.493, tỷ lệ sai: 77%.
Như vậy là có hơn 80 ngàn gia đình địa chủ bị bắt bớ hành hạ. Mỗi gia đình lại có trung bình 4, 5 người liên quan nên số bị nạn lên đến trên 400 ngàn người. Họ mất nhà, mất tiền của… một số tự sát… Nếu còn sống cũng đói khổ, ốm đau, suy kiệt. Nhiều gia đình bị tan vỡ, con cái thất học, bơ vơ. Chưa kể 84.000 đảng viên bị xử trí, bị tù, bị tra tấn.[31]
Món nợ này đảng cộng sản trả bao giờ cho hết?
Và còn phải nói tới mối liên hệ gia đình như vợ con, anh em bà con, dòng họ. Tất cả những người còn sống có mối liên hệ huyết thống với tên địa chủ bị loại trừ khỏi làng xã. Họ không được học hành, bi khinh miệt, tẩy chay trong việc lấy vợ, lấy chồng. Biết bao nỗi khổ và nỗi nhục chồng chất đến đời con cháu. Như lời nhận định của Hồ Việt Thắng: “Đối với các chính sách của Đảng và chính phủ, vì không phổ biến sâu rộng trong nhân dân và địch cố xuyên tạc phá hoại, nên quần chúng cũng có nhiều thắc mắc. Đồng bào Công giáo thì lo mất cha, mất đạo. Người trước đi làm ngụy quân, nguỵ quyền hoặc có tên trong các tổ chức khác của địch, thì sợ bị trừng trị. Nhà có người đi Nam sợ “bị liên lụy”. Rất nhiều người sợ bị liên quan với địa chủ, đế quốc và phản động”.[32]

Nạn nhân “bất đắc dĩ” của CCRĐ.

Anh “Nhân”, hay anh “Thận”, bí danh của Trường Chinh, là người mông muội, sùng bái “Mặt trời Phương Đông”, đọc thuộc lòng tư tưởng Trì Cửu Chiến hay Tân Dân Chủ Luận của Tầu đến mê muội quá mức. Ông là người đã đứng ra phát động chiến dịch cải cách ruộng đất vào tháng 11/1953 với phụ tá là Hồ Việt Thắng, Thắng là người được đưa sang Trung cộng học về cải cách ruộng đất, học phương pháp đấu tố rồi về áp dụng ở Việt Nam. Họ chỉ biết học thuộc lòng, cưỡng hiếp oan uổng thực tế Việt Nam bằng bạo lực duy ý chí sao cho phù hợp với sách vở giáo điều. Trường Chinh trước sau cũng chỉ là con vật tế thần của Hồ Chí Minh. Do những sai lầm quá lớn của CCRĐ cũng như số nạn nhân bị giết trong cải cách đã dẫn đến việc Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư trong kỳ hội thứ 10 của ban chấp hành trung ương đảng Lao Động Việt Nam.
Phần Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương bị loại ra khỏi bộ Chính Trị. Hồ Viết Thắng ra khỏi ban chấp hành trung ương.
Tội của bọn họ như thế mà chi bị mất chức thì kể là quá nhẹ.
Một người không phải địa chủ, không ruộng nương, không bóc lột ai, nhưng trở thành nạn nhân cuối cùng của CCRĐ là một trí thức. Người dám đứng ra sửa sai đảng là luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong bài tham luận đọc tại Hội nghị Mặt Trận Trung Ương ngày 30-10-1956, tại Hà Nội. Bài chỉ đúng 4 trang rưỡi giấy ấy đòi phải đặt pháp lý hóa trong những vụ xử án. Kết quả ông đã không đòi được những điều ông không thể đòi: 40 năm còn lại, ông bị trù dập và “ngồi chơi xơi nước”. Ông bị trù ếm lâu nhất so với bất cứ loại địa chủ nào chỉ vì muốn đứng về phía lẽ phải, pháp luật. Ông chỉ quên một điều: Đảng vĩ đại nhất ngay cả trong những sai lầm của họ.
Người miền Nam có thể không biết, hoặc biết mà không nhớ là vào thời điểm 1955-56, bên bờ phía Nam của sông Bến Hải, chính quyền ông Diệm có căng một tấm biểu ngữ lớn ghi mấy câu cho người phía bên kia, phía Cửa Tùng, Vĩnh Linh đọc: “Ở đâu con tố cha, vợ tố chồng?”.

Chính sách Hợp tác hóa nông nghiệp
và những hậu quả của nó.

Người nông dân như bần cố nông vừa mới được hưởng ân huệ 4 sào ruộng vì người cầy có ruộng thì nay nhà nước đưa ra chính sách Hợp tác hóa nông nghiệp. Việc sửa sai CCRĐ chưa xong, nhà nước đã ép nông dân đi vào đường tập thể hóa nông nghiệp theo đường hướng của Staline và Mao Trạch Đông. Nông dân từ nay phải làm việc tập thể. Theo nguyên tắc: có làm mới có ăn, dưới sự lãnh đạo và theo kế hoạch của nhà nước. Nông dân sẽ bị tập thể hóa từ bậc thấp lên trên, từ xã lên toàn xã theo kiểu công xã nhân dân Trung Quốc.
95% diện tích đất đai từ nay trở thành của hợp tác xã, 5% còn lại để cho nông dân tự canh tác lấy.
Từ nay, người dân phải làm đơn để hiến số ruộng mình có, hiến nông cụ, trâu bò của mình cho HTX. Sự bồi hoàn tính ra thành những phần hùn, những ngày công được giảm. Nhưng giả dụ có đi ra khỏi HTX thì không được quyền lấy lại.
Việc làm của xã viên được tính theo công điểm. Thóc của hợp tác xã làm ra được quy định là nghĩa vụ lương thực đối với nhà nước.
Mãi cho đến năm 1986, HTX mới bị giải thể. Từ đó nông dân được tự do sản xuất trên ruộng đất của mình. Ngay đó năng suất gạo tăng vọt đến có thể dư thừa, sau đó, xuất cảng gạo trên thị trường thế giới.

Thực tế trước mặt.

Tư lợi vẫn là yếu tố thúc đẩy một quá trình sản xuất. Khì không còn tư lợi, sản xuất sẽ bị trì trệ, ít còn trách nhiệm. Làm cho mình thì người ta có thể sẵn sàng hy sinh công sức, ngày giờ, tiền. Nhưng không ai dại gì bỏ công sức ra làm việc cho HTX, vì chẳng được thêm bổng ra ngoài. Người ấy nhất định nhảy xuống ruộng vá bờ ruộng vỡ làm thoát nước. Nhưng nếu đấy là ruộng HTX thì người ấy có chịu làm như vậy không? Chắc là không?
Điều đó cắt nghĩa được HTX tại sao ít năng suất, tại sao thu hoạch kém, tại sao không bao giờ đạt được đúng chỉ tiêu? Và tại sao thất thu, tại sao cả nước vẫn chưa khá lên được?
Đất nước vẫn chưa ra khỏi cảnh nghèo túng, lạc hậu, vẫn chưa xóa được đói, giảm được nghèo suốt từ 1954 đến 1985.
Khi có nạn thiếu hụt lương thực thì người nông dân có thói quen dự trữ gạo cho họ. Một thứ Self-protection đồng thời họ còn hy vọng kiếm lợi nhuận qua số lúa gạo dự trữ thặng dư. Phần chính quyền mới, không tận thu được, chỉ thu đạt được 82.2% mục tiêu mà họ đề ra. Nhiều tỉnh còn tệ hơn nữa, chỉ thu được 60% như các tỉnh Kiến An, Quảng Bình, hoặc thu chưa được một nửa như các tỉnh Hải Phòng.
Chính quyền mới nghĩ đến việc ép dân vào các tổ hợp lao động {collective labour} với các hợp tác xã mà mục tiêu nhằm tới là giới nông dân. Nhưng đã hẳn công việc hợp tác hóa đã không đạt được yêu cầu như mong đợi của chính quyền Cộng Sản. Trường Chinh chủ trương phải làm thế nào đưa được 70 đến 75% nông dân vào các hợp tác xã, nhất là tầng lớp nông dân trung lưu. Theo như nhận xét của Ken Post như sau: The last point strongly indicates that peasants were not settling easily in to the new organizations. This was bound to become worse as the officially estimated 30 percent of “ordinary” and “upper, middle” were enrolled.[33]
Phần những người sống ở thành thị như công chức, bộ đội, công an, cán bộ, nhất là cấp cán bộ lãnh đạo cao cấp vốn không sản xuất ra lúa gạo thì cần tổ chức sổ gạo, chế độ tem phiếu để có thể phân phối thực phẩm đến tay họ. Xã hội từ nay bị phân hóa ra nhiều thành phần, nhiều cấp bậc như thời phong kiến, mặc dầu không còn có vua. Chênh lệch xã hội ngày càng lớn. Kẻ có vây cánh và thần thế chiếm giữ đặc quyền. Nhiều tầng lớp nhân dân bất mãn với chế độ như trong Ký 54-55 của Trần Dần đã ghi lại.
Chế độ sổ gạo và tem phiếu đã gây ra không biết bao nhiêu bất công, phiền nhiễu, mất thì giờ và cảnh khổ chờ đợi cũng như phẩm chất yếu kém của các món hàng do Hợp Tác Xã bán ra. Dân gian có thói quen gọi XHCN là “xếp hàng cả ngày” chắc hẳn là đúng.
Tiêu chuẩn gạo cho quân đội là 18 kí lô/một tháng, người lớn là 13 kí lô/tháng. Học sinh 14 kí lô/tháng. Gạo như thế trở thành món ăn chính. Với số lượng gạo trên, ăn dè mới đủ. Nhiều nhà, đến ngày 20 mỗi tháng là trong nhà không còn gạo mà ăn nữa. Tiêu chuẩn gạo phân phối như thế đối với một thiếu niên mới lớn thật không cách nào đủ được. Ai cũng phải ăn cả. Không lẽ quân đội thì được ăn nhiều và đầy đủ hơn một người dân thường?
Chưa kể là mua về phải gạo xấu, gạo mốc, gạo mọt, gạo xen cám, xen tấm, xen trấu. Mua về phải sàng lại, phải đãi lọc. Ai trách nhiệm về phẩm chất gạo đây? Kêu ai đây? Trong khi đó, muốn ăn gạo ngon thì cỡ nào cũng có, giá nào cũng có với điều kiện phải mua chợ đen.
Chưa kể là phải chen chúc, cãi cọ, phải chờ đợi, xếp hàng từ 3, 4 giờ sáng để khi cửa hàng mở thì được mua trước. Con cái, vợ chồng phải dậy sớm, thức đêm thức hôm, chầu chực.
Tình cảnh ấy, không thiếu người đã trải qua và cảm nhận được cái vô lý đến phẫn hận của đời sống trong xã hội chủ nghĩa.
Xin dẫn một chứng từ của ông Nguyễn Đăng Mạnh: “Ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là những ngày rất vui. Tuy nhiên về đời sống vật chất thì vẫn khổ, có khi còn khổ hơn cả thời kỳ chiến tranh. Vẫn cơm độn mì hay bo bo. Vẫn xếp hàng chầu chực từ rất sớm để mua gạo mậu dịch. Mì để lâu bị mọt, sinh ra dòi bọ. Tôi đã thấy một lần như thế trong bát cơm của mình. Sợ quá… Làm gì cũng phải xếp hàng, phải chầu chực. Quyền thế nhất lúc bấy giờ là bà chủ kho gạo, là cô hàng mậu dịch... Đây là lúc Hoàng Ngọc Hiến từng phát biểu một câu rất tội: Đi đường thấy một xu ai đánh rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu bây giờ”.[34]
Gần đây nhất, tôi có trong tay tờ Công An thành phố Hồ Chí Minh, bộ mới, số 164, ra ngày 21/5/2005, ngay trang nhất, tờ báo cho in một câu: Hộ Khẩu. Chưa thể bỏ.
Đã nửa thế kỷ, người dân Việt Nam vẫn còn chịu cảnh sống dưới chế độ Hộ Khẩu.
Có lẽ nhà báo Bùi Tín là người hiểu rõ tất cả guồng máy chính trị cũng như những lắt léo, lạm dụng của cán bộ lãnh đạo cộng sản. Những tiết lộ sau đây của ông Bùi Tín là những tiết lộ “động trời” mà người dân thường không bao giờ biết được.
Gạo cho các vị đã có cửa hàng gạo riêng ở đường Ngô Quyền, cùng đường với tòa nhà Bắc bộ phủ cũ cung cấp. Gạo ở đây là gạo hảo hạng. Thành ủy Hà Nội đã giao cho hai hợp tác xã ở hai huyện Quốc Oai và huyện Từ Liêm dành riêng ra 100 hec-ta cấy lúa dự và tám thơm cho các “cụ”. Các thửa ruộng đặc biệt này được chăm sóc và quản lý đặc biệt, cứ như ruộng để lấy gạo tế trời và để vua “ngự” thời trước vậy. Các thửa ruộng ấy đều được giữ giống lúa thuần chủng, không xen lẫn với các thứ lúa khác, được chăm sóc đặc biệt, không dùng thuốc trừ sâu.[35]
Đời sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa là như thế. Người ta nói về nó quá nhiều rồi. Vậy mà nó vẫn tồn tại. Cho nên, muốn giữ cho xã hội khỏi bất mãn, khỏi nổi loạn, nhà nước đã xây dựng một bộ máy công an, một nhà nước chuyên chế và cứ thế, một chính quyền độc đoán đã hình thành. Cho mãi đến bây giờ, bộ máy chính quyền quan liêu phong kiến của chính quyền Hà Nội vẫn lội bì bõm trong ảo tưởng một thứ chủ nghĩa xã hội mà thực tế, họ chưa bao giờ thực hiện được lấy một lần. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ năm 1954, họ vẫn không ngừng hô to tiến lên, tiến lên chủ nghĩa xã hội bất kể bảng chỉ đường của thế giới nói chung tiến về đâu? Và hơn nữa, bất kể phần lớn các nước cộng sản đã khước từ nhãn hiệu thế giới đại đồng? Nhưng họ vẫn phải giả dối coi đó như một khúc quanh tạm thời và vẫn không ngừng đem chủ nghĩa Mác ra tuyên truyền và nay cộng thêm tư tưởng Hồ Chí Minh mà trong thực tế, không một ai trong bọn họ, từ cấp trung ương đến địa phương hiểu được tư tưởng đó là tư tưởng gì?

Thay một lời kết

Trung Cộng đã đi trước chính quyền cộng sản miền Bắc trong vấn đề cải cách ruộng đất. Họ đã trả giá. Cộng sản VN máy móc, mù quáng làm theo và vẫn chưa một lời xin lỗi các nạn nhân trong vụ CCRĐ.
Cho đến nay, 750 triệu người nông dân ở bên Tầu: Ruộng vẫn chưa về tay người cày. Hiện nay, bài toán của Trung Cộng vẫn là vấn đề: ĐẤT. Phải triệt để giải quyết theo công bằng và theo pháp lý để quyền lợi đất đai của người nông dân được bảo đảm. Bảo đảm theo nghĩa có quyền sở hữu được canh tác, được cho thuê và được phép bán.
Bài toán nan giải của Việt Nam bây giờ là giải quyết vấn đề đất đai cho người nông dân khỏi bị thiệt thòi và không còn có cảnh đi khiếu kkiện nữa.
Nhìn lại hơn 50 năm miền Bắc dưới chế độ cộng sản, người viết chỉ có thể thở dài và nghĩ mình còn may mắn: May mắn vì đã không phải sống dưới chế độ bạo tàn đó.
Vâng, phải nói là may mắn.


[1] Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 37.
[2] Mặt Thật, Thành Tín, trang 84.
[3] Trích Trần Dần, Ghi 1954-1960, Phạm Thị Hoài biên tập, Văn Nghệ phát hành
[4] Báo cáo của đại sứ Pietka, Hà Nội, ngày 2/5/1955.
[5] Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam, Volume 1, Ken Post, trang 262-263.
[6] Xem thêm Nông dân Bắc Việt, Nguyễn Văn Canh, trang 134.
[7] Trích bài viết “Access to Natural Resources for whom? Aquaculture in Nam Dinh, Viet Nam”, John Kleinen.
[8] Trích tóm lược Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam. Vol 1, Ken Post, trang 262.
[9] Trích VNA reports, 18 and 21 June 1956, BBC 572, 26 June 1956, trang 25.
[10] Trích Việt Nam 1920-1945, Cách Mạng và phản cách mạng thời đô hộ thuộc địa, tác giả Ngô Văn, trang 367.
[11] Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam, volume 1, Kent Post, trang 262. Tạm dịch:
     Đến giữa năm 1954, do ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của cuộc chiến, nền kinh tế Bắc Bộ Bắc Trung Bộ đã bị suy giảm nghiêm trọng về lực lượng sản xuất. Một diện tích đất ruộng từ 138,800 đến 143,000 héc ta, tức khoảng 7 phần trăm tổng số, đã bỏ canh tác, hầu hết ở những vùng gọi là "vùng trắng", nơi trước đó quân đội Pháp đã áp dụng chính sách “thấy là bắn”. Thoạt nghe thì đây không phải là một tỷ lệ lớn, nhưng ta phải nhớ rằng những gì bây giờ là "vùng tập kết phía Bắc" (miền Bắc) của Việt Nam-mới đã luôn luôn là một vùng thiếu lúa trong thời kỳ thuộc địa, cần phải nhập khẩu hàng năm từ Nam Kỳ. Do đó, trong khi “vùng tập kết phía nam” (miền Nam) vẫn còn chịu những bất ổn chính trị và còn đang trong ảnh hưởng lâu dài của Pháp và ảnh hưởng tăng dần của Mỹ thì bất kỳ sự sút giảm sản lượng nào (ở miền Bắc) xảy ra đều là mối đe dọa nghiêm trọng.
[12] Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam, Volume 2, Viet Nam Divided, Ken Post, trang 52-55.
[13] Xem thêm Mặt Thật, Thành Tín, trang 15.
[14] Trích Võ Nhân Trị, Croissance économique, 1967, trang 262.
[15] Cuộc Cách mạng bị phản bội. L. Trôt-ski, tủ sách Nghiên Cứu 1993, trang 12.
[16] Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 53.
[17] Trích Mặt Thật, Thành Tín, trang 274-276
[18] Trích Nông dân Bắc Việt những năm 1945-1970, Nguyễn Văn Canh, trang 19
[19] Trích Mặt Thật, Thành Tín, trang 38-39.
[20] Trích Nguyễn Minh Cần, Xin đừng quên tội ác.. nửa thế kỷ trước..
[21] Trích Nhận xét về CCRĐ, đợt 5, Hồ Việt Thắng, Talawas, 30/9/2005.
[22] Hay bài viết của Trung Anh “Suy nghĩ về vấn đề viết về những sai lầm trong cải cách ruộng đất”, báo Văn Nghệ số 147, ngày 16-11-1956, Lại Nguyên Ân biên soạn.
[23] Trích Nông dân miền Bắc, Nguyễn Văn Canh, trang 19.
[24] Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 41.
[25] Trích Nông Dân Bắc Việt những năm 1945-1970, Nguyễn Văn Canh, trang 44.
[26] Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 41.
[27] Nguyễn Đăng Mạnh, Ibid, trang 42.
[28] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 509
[29] Trích Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang, 358, Trích lại trong Nguyễn Quang Duy trong bài “Vai trò của Hồ Chí Minh trong cải cách ruộng đất”, Talawas 25.1.2007.
[30] Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và Quốc Hội, Văn Nghệ, USA, 1997
[31] Trích Bùi Tín, Nhìn lại cuộc cải cách ruộng đất, Talawas 1.11.2006.
[32] Trích Hồ Việt Thắng, Nhận xét về cải cách ruộng đất, đợt 5, trích Talawas, 30.9.2005.
[33] Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam. Volume 2, Ken Post, trang 258. Tạm dịch: Điểm cuối cùng chỉ rõ ra rằng nông dân đã không dễ dàng ổn định trong các tổ chức mới. Khi con số ước tính chính thức 30 phần trăm những "nông dân bình thường" và "phú nông, trung nông" được thêm vào danh sách thì càng tồi tệ thêm.
[34] Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 55
[35] Trích Mặt Thật, Thành Tín, trang 265

No comments: