Chỉ vì một cái nghiên mực cổ
Ngoài cái thú chơi máy ảnh mà nhiều người đã được nghe nói, ông Diệm còn một cái thú chơi đồ sứ cổ Trung Hoa ngay từ hồi còn trẻ. Năm 1917, lúc mới 17 tuổi ông đã viết một bài nguyên văn Pháp ngữ, nhan đề:
“L'Encrier de S. M Tu Duc: Traduction des Inscripstions, Ngo Dinh Diem – Chiếc nghiên mực của vua Tự Đức, Ngô Đình Diệm dịch phần ghi khắc trên Nghiên mực.”
- Trước hết, nội dung bài viết gồm hai phần:
Phần chính yếu nói về nguồn gốc nghiên mực và tìm hiểu so sánh các loại nghiên mực quý trong thế giới cổ vật. Đây là phần chứng tỏ sự uyên bác của tác giả.
Phần sau đơn giản hơn. Vì nghiên mực này là đồ gia bảo của vua dùng nên có khắc ghi ngày tháng ở dưới đáy nghiên mực bằng chữ Hán nên muốn quảng bá cho người đương thời, ông Diệm bắt buộc phải dịch ra tiếng Pháp.
- Thứ đến là làm thế nào ông Diệm có trong tay nghiên mực để có thể quan sát kỹ càng và viết thành bài. Ai đã có thể lấy cho ông mượn? Có hai giả thuyết: Hoặc ông được người quản thủ cho mượn coi tại chỗ. Hoặc đơn giản hơn. Nghiên mực cổ cũng như các đồ gia bảo đều được vẽ lại. Và chính nhờ được coi bản vẽ này mà ông Ngô Đình Diệm có thể nghiên cứu viết thành bài về nghiên mực của vua Tự Đức.
Câu chuyện tưởng đã rõ để có thể chấm dứt ở đây.
Thế nhưng, trong một bài viết ở chương 25, trong cuốn sách: Hơn nửa đời hư, ông Vương Hồng Sển có viết một bài nhan đề “Nghiên mực Tức mặc hầu của Đức Dực Tôn Hoàng Đế”. Trong đó tác giả dành hai trang quy kết cho ông Ngô Đình Diệm là người ăn cắp nghiên mực quý (!)
Bài viết của cụ Vương Hồng Sển bắt tôi liên hệ đến các sách vở tài liệu bôi bác chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa như của Mặc Thu, Lê Trọng Văn, Hồ Sĩ Khuê, và sau này với Chính Đạo, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Văn Giàu, Hoành Linh Đỗ Mậu, Nguyễn Mạnh Quang và Trần Chung Ngọc v.v…
Trong bài viết về Nghiên Mực Tức Mặc Hầu, giọng điệu và lối văn của ông vừa mỉa mai, vừa diễu cợt, vừa xỏ lá, rất “Bắc Kỳ” và nửa hư nửa thực, nhưng chất chứa nhiều bịa đặt, hư cấu cũng có, khoác lác, khoe khoang cũng có... như:
“Trọn đời, ông làm như không màng đến của cải (nội bộ hạ ông vơ vét cũng đủ chết cha dân). Thế mà ông đam mê chi cái nghiên mực đá, nghĩ cũng lạ thật. Sau tôi nghiệm ra đó là “nghiệp chướng.”
“Người đó đã đem Nghiên mực về Sài Gòn, làm chủ riêng một mình. Thấy gương này, tôi ngụ ý trên đời, không nên sớm khoe mình trong sạch quá mức thì hết thanh liêm…”
“Một ông bấy lâu tôi nghe tiếng đồn là thanh liêm “tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, nhưng nay thấy tận mắt vì ông có xương sống gắn bản lề khá dẻo cho nên người ta mới còn dùng đến nay.”
“…tôi không khỏi suy nghĩ bâng quơ: Hỡi trời. Đã tột bực đỉnh chung, lên ngồi trên cả thiên hạ, thế mà tìm không được chỗ thờ cha cho xứng đáng. Nếu ông là người Công giáo thuần túy, không nhìn nhận sự thờ phượng ông bà, không muốn bắt chước bọn bên lương lập bàn thờ cúng “tổ tiên” thì cứ việc làm theo Tây, tốn một cái đinh đóng lên vách như treo hình Đức Chúa hay hình ký kiểu La Joconde chẳng hạn, bằng không nữa thì thà đừng thờ, và chỉ “tâm thờ”, thờ trong lòng, trong tư tâm cũng được đi, chứ thờ làm chi trên đầu tủ, bọn tiểu công chức, nhà như ổ chuột, trong nhà chỉ cái tủ áo là cao, cũng không đành thờ cha mẹ ông bà như thế.”
“Độ chừng ông Tổng Thống là một thầy tu lỡ mùa, thuở nay quen sống độc thân, cho nên y phục tế nhuyễn vật cần thiết của người đều dồn hết vào đấy, là một văn phòng mà cũng là một tư phòng bất khả xâm phạm...”
Nói chung, đọc một vài trích dẫn cho thấy cụ VHS có tâm địa nhỏ nhen, ác ý và đôi chút xỏ lá. Nó không xứng đáng một người cầm bút nghiêm chỉnh.
Bài viết này được cụ Sển viết sau khi ông Diệm đã nằm xuống gần trọn ba thập niên, tưởng đâu chẳng ai có thể phản bác lại (Tháng Năm, 1992).
Đã thế, sau này Nguyễn Đắc Xuân, tự nhận là học trò Vương Hồng Sển trên Giao Điểm, số tháng 3-2003, dựa theo bài viết của ông Vương Hồng Sển đã tô hồng, cũng hư cấu bịa đặt như thầy của ông.
Có thể nói, thầy nào trò đó. Ba hoa khoác lác đến không còn biết tự sỉ là gì.
Bài viết của Nguyễn Đắc Xuân bầy tỏ tâm sự của tác giả, lòng khao khát muốn đi tìm lại chiếc nghiên mực vô giá ấy. Tuy nhiên, đọc toàn bài, người viết có ý nhằm đến một nhân vật chính trị, đặc biệt là ông Ngô Đình Diệm mà trong đoạn chót của bài viết, ông Xuân có ý ám chỉ ông Diệm là nguyên nhân của sự mất mát này:
“Ông Diệm hiểu câu này hơn ai hết. Thế mà cuối cùng lại chính ông đã để mất cái của báu vô giá ấy. Ngoài thầy Vương Hồng Sển, tôi chưa nghe ai nói đến trách nhiệm của “cụ Ngô” về sự thất lạc của chiếc nghiên lịch sử tức Mặc Hầu…”
Bài viết của ông Nguyễn Đắc Xuân, ngoài tính cách muốn truy nguyên một cổ vật đã bị mất, còn muốn ám chỉ gián tiếp ông Diệm ăn cắp báu vật đó, đồng thời chịu trách nhiệm về sự mất mát này. Người viết xin trình bầy theo những tài liệu có được với hy vọng làm sáng tỏ thêm những nghi án do cụ Vương Hồng Sển và ông Nguyễn Đắc Xuân đặt ra.
Để cho độc giả thấu hiểu rõ ràng câu truyện từ đầu tới cuối về chiếc nghiên mực này, xin bắt đầu trình bày từng đề mục một.
Về nguồn gốc nghiên mực.
Trong bài viết của ông Ngô Đình Diệm đăng trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ, Bulletin des amis du vieux Huế (BDADVH), tập 4, năm 1917, từ trang 209 đến trang 212), trong đó, ông Diệm có ghi rõ “Traduction des Inscriptions”.
(Trong một bài viết khác của ông Diệm, lúc còn là học sinh trường Hậu Bổ, ông cũng đã dịch một bài về sứ bộ Phan Thanh Giản gồm ba quyển với nhan đề “Như Tây Sử Trình Nhật Ký” vào năm 1863.)
Trong toàn cảnh bản văn, ông thường dùng đại danh từ “Nous” thay vì “Je”. Do đó hiểu theo văn tiếng Pháp, chữ Nous đó chỉ có thể hiểu là Trẫm, nghĩa là do chính tay vua Tự Đức viết. Cho đến bây giờ, người viết vẫn rơi vào tình trạng ngờ vực, không biết chỗ nào là ông Diệm viết, chỗ nào ông Diệm nói thay vua Tự Đức?
Chẳng hạn, trong nội dung bản văn khi mô tả về nguồn gốc nghiên mực có viết “Đột nhiên, từ phía vừng đông đỏ thắm, giữa những áng mây bay tiến về hướng chúng ta, một sứ giả khoác áo vân cầm. Đó là niềm hân hoan của chúng ta khi được thưởng thức và nhận lãnh bảo vật ấy”. Qua câu trên, người đọc không thể không nghĩ vua Tự Đức mới là người trực tiếp nhận báu vật chứ không thể là ông Diệm được. Đã thế, khi chấm dứt bài văn lại có lời ghi thêm: “Niên hiệu Tự Đức, thế thứ Mậu Thìn Cát Nhật.”
Đọc bản văn cho thấy được sự say mê đồ cổ, sự sành điệu, biết từng loại nghiên mực xưa, đánh giá được cái tốt cái xấu, cái hay cái dở. Để so sánh nghiên mực này với những nghiên mực cổ xưa từng nổi tiếng, ông Diệm viết:
“Nghiên Mực Hồng Tỉ và Thanh Thiết thuở xưa nổi tiếng biết là mấy xem ra cũng chỉ là hạng tầm thường và cũng vậy loại nghiên mực Đồng Ngõa hay Phần Nê cũng không thể đem ra so sanh với nghiên mực này. Nó là loại độc nhất vô nhị trên đời này. Thật là quý hiếm biết bao và cũng vinh dự biết bao!”
Về nguồn gốc nghiên mực, nội dung bài viết của ông Diệm được diễn tả một cách văn chương, bóng bảy đầy tính chất lãng mạn gần như huyễn hoặc như một báu vật trời cho.
“Bỗng chốc, mặt trời lúc rạng đông đỏ tía, một đám mây đang bay về phía chúng tôi với một vị sứ giả, mặc áo mây, bao quanh bởi những đám mây mù, vị sử giả trông đẹp một cách rực rỡ và đã trao cho chúng tôi một viên đá La-Văn, điều đó khuyến khích chúng tôi phát triển thiên tài văn chương của mình. Thật là một niềm sung sướng cho chúng tôi được ngắm mảnh đá này và mang về nhà”.
Đoạn văn trên đẩy người viết đến những câu hỏi khó có câu trả lời. Phải chăng ông Diệm muốn thi vị hóa, muốn dùng lối văn ẩn dụ để nói về người đã mang đến cho nhà vua nghiên mực này. Lối viết đó, hay thì có hay, nhưng ngày nay gây khó khăn không ít cho người muốn truy tìm gốc tích chiếc nghiên mực.
Vì vậy, ngày nay khó mà biết được ai là người đã dâng hiến nghiên mực đó cho vua Tự Đức. Lại nữa, trong trường hợp nào và bao giờ nghiên mực của Tự Đức đã được đưa ra Bảo Tàng Viện? Có vẻ như nó có một số phận mơ hồ như thế trong suốt mấy chục năm sau khi Tự Đức đã mất. Kể từ lúc vua Tự Đức băng hà đến năm 1917, năm ông Diệm viết bài này đã mấy chục năm có lẻ, mấy chục năm đầy những biến cố xảy ra trong chốn cung đình.
Chủ của chiếc nghiên mực không còn nữa, số phận chiếc nghiên mực theo đó trôi nổi không biết đã vào tay ai? Nhìn lại, từ khi Tự Đức lên ngôi 1848-1883, sau đó tiếp nối ngôi vị với Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân rồi Khải Định. Ròng rã 34 năm trải qua nhiều biến động, ai còn nghĩ tới số phận của chiếc nghiên đó nữa? Và như nội dung đoạn văn vừa nêu trên, một sứ giả từ đâu đó đã trao vào tay vua Tự Đức. Ông chiêm ngắm nó rồi đem về nhà. Sau đó, có nghiên mực trong tay, ông xem xét, đo đạc, tìm hiểu nó thuộc loại nghiên nào, sự cao quý của nó rồi chính tay vua ghi vào thành Nghiên Mực.
Nhưng tất cả câu hỏi trên chưa có câu trả lời về cái nguồn gốc lênh đênh trôi nổi của nghiên mực trước khi rơi vào tay Tự Đức và sau khi Tự Đức đã mất? Lúc nào và tại sao nghiên mực được trao trả cho Tàng cổ viện để cụ Sển có dịp nói về nó.
Cụ Nguyễn Thiệu Lâu, một trí thức khoa bảng xuất thân trường Sorbonne cũng đã có dịp được xem cái nghiên này và cụ đã dựa vào một tài liệu sử viết bài: Sự tích một cái Nghiên xưa, cho rằng vào năm thứ hai thời Thiệu Trị, năm 1842, tháng 10 có người dâng cái nghiên xưa lên Thiệu Trị. Cũng theo cụ Lâu, đầu nghiên có khắc một bài minh (Theo cụ, “minh” là một bài thơ theo cổ văn). Người viết tự hỏi, nếu cái nghiên là của vua Thiệu Trị, tại sao người đời cứ gán cho nghiên của Tự Đức? Phải chăng có hai nghiên và có thể có nhiều nghiên, nghiên của vua Thiệu Trị và nghiên của vua Tự Đức? Điểm thứ hai, người viết đếm bài minh đến 32 chữ, trong khi đó, chữ viết trên nghiên mực được vẽ lại bởi cụ Tôn Thất Sa không có đủ số chữ như thế. Vả lại dù cho đủ số chữ thì đã chắc gì nội dung của các chữ trong bài Minh của cụ Nguyễn Thiệu Lâu có cùng nội dung với chữ khắc trên mặt nghiên mực của vua Tự Đức.
Thêm một bằng chứng rõ rệt nghiên mực thời Thiệu Trị không phải là nghiên mực của Tự Đức, vì trên bản khắc nghiên của Tự Đức có ghi rõ: “Fait un jour faste de l’an Mậu Thìn (1868) de la période de Tự Đức.” (Làm vào một ngày tốt năm Mậu Thìn (1868) Riêng cụ Vương Hồng Sển đã không nhắc gì đến nguồc gốc chiếc nghiên này. Bài của ông Nguyễn Đắc Xuân phần lớn nội dung lại dựa vào ý của cụ Vương Hồng Sển, nhưng ông đã đưa ra một chi tiết khá ngạc nhiên.
“Với sự giúp đỡ của cụ Thượng Nguyễn Đình Hòe, Ngô Đình Diệm mượn được cái nghiên Tức Mặc Hầu (mượn ở đâu ông không nói đến) đem về nhà nghiên cứu và dịch sang tiếng Pháp bài văn ngự chế của vua Tự Đức chạm nổi trên mặt bề đáy cái nghiên.”
Có thể đồng ý một phần với ông Nguyễn Đắc Xuân ở một điểm là khi ông Diệm là học sinh trường Hậu Bổ thì ông Hòe là hiệu trưởng trường đó. Cho dù như vậy, đã chắc gì ông Hòe đã lấy nghiên mực cho ông Diệm mượn? Theo văn từ của cụ Sển và của ông Nguyễn Đắc Xuân thì hình như vì có cơ may được trực tiếp với nghiên mực, rồi đem nghiên về nhà nghiên cứu nên ông Diệm mới có bài viết trên BDADVH.
Xin ghi lại ý của cụ Sển:
“Lúc nhỏ, ông học trường Hậu Bổ ở Huế, và để cho người biết danh, ông viết bài văn Tây này, ông dịch lại những bài thi chạm trên hộp đựng và trên nghiên mực, và kê khai rành rọt những loại đá quý mà người Trung Hoa dùng... Đối với những ai có tánh hiếu kỳ, muốn biết thêm về nghiên mực này, tôi xin khuyên nên đọc bài khảo cứu công phu của ông…”
Ông Nguyễn Đắc Xuân thì dựa trên bằng cớ nào để quyết đoán ông Diệm đã mượn về nhà, rồi xem xét, nghiên cứu viết ra bài khảo cứu? Ông là người nghiên cứu sử, nhất là được coi như nhà Huế học lại quyết đoán một điều thiếu cơ sở như thế?
Trở lại việc cứ cho rằng cụ Hoè cho ông Diệm mượn nghiên mực về nhà coi, tôi chỉ xin trích dẫn một số luật lệ về các đồ của vua dùng để thấy rằng đồ dùng trong cung không phải ai cũng có quyền mang ra mang vào như trò đùa đâu. Trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ đã quy định như sau:
“Phàm các đồ vật của vua dùng (người có trách nhiệm coi giữ) mà chứa cất, sửa chữa không đúng phép, phải phạt 60 trượng. Dâng lên vua dùng sai lầm (dâng thứ không đúng dâng), phải phạt suy 40 roi… Nếu người chủ thủ lấy những đồ vật của vua dùng về nhà dùng hoặc cho người khác mượn, cùng là những người mượn những đồ vật ấy, đều phải phạt 100 trượng, đồ 3 năm.”
Xin ghi nhận một điều: Nếu cái nghiên để trong điện Càn Thành hay Cẩn Chánh để các vua kế vị dùng thì ngay cụ Thượng cũng không dám lấy cho ông Diệm mang về nhà nghiên cứu. Như thế, chỉ có thể là cái nghiên chắc đã được chuyển ra Bảo Tàng Viện Huế. Ngay cả trường hợp này, vị tất ông Diệm đã có thể mang về nhà như của riêng? Như vậy, về nguồn gốc nghiên này vẫn còn có những điểm tồn nghi, chưa rõ ràng. Xét văn bản tiếng Pháp, từ cách xử dụng chữ Nous, từ văn mạch cho thấy ông có đoạn tự mình viết, đoạn dựa theo Tự Đức để viết chăng?
Nhưng căn cứ vào phần trao đổi giữa ông Diệm và Ông Sển lúc ông vào dinh xem xét đồ cổ cho ông Diệm như sau:
“Thưa Tổng Thống, tôi đã từng đọc bài nghiên cứu của Tổng Thống viết về chiếc nghiên mực ‘Tức Mặc Hầu’ đăng năm xưa trong Tập san đô thành hiếu cổ.
- Ờ phải đấy, bài ấy tôi viết đã lâu lắm rồi. Có đọc hỉ?’
Ông Diệm đã quyết chắc như thế rồi thì nghi vấn về tác giả không cần đặt ra nữa.
Về tước Tức Mặc Hầu của nghiên mực.
Đây là chỗ cần bàn cãi thêm, vì còn có những điểm tồn nghi. Trong bài viết của ông Ngô Đình Diệm có ghi như sau:
“Trong sự quý trọng chiếc nghiên mực, chúng tôi vinh danh tước Tức Mặc hầu cho nghiên mực. Nghiên mực Thạch Hư Trung là một nghiên mực mà mặt
Câu đó có nghĩa cho thấy Vua Tự Đức đã đặt tên Tức Mặc Hầu cho nghiên mực, chứ không thể là ông Diệm. Ông Diệm không có tư cách và thế giá gì để đặt tước hiệu cho nghiên mực. Hơn nữa, trong một chú thích về nghiên mực đọc được trong BDADVH có ghi rõ Vua Tự Đức đặt tên Tức Mặc Hầu cho nghiên mực, đồng thời chính tay ghi khắc chữ vàng vào nghiên mực.
Cho dầu vậy, việc đặt tên cũng chỉ dựa trên một thói quen, dựa trên điển cố của Tầu đã có sẵn, không phải là điều gì mới mẻ. Thấy cái nghiên quý thì theo thói quen dùng một điển cố có sẵn để gọi. Tức Mặc Hầu như thế rất có thể chỉ là một tước hiệu theo thói quen đã được nhiều người quen dùng đăt cho một nghiên mực quý. Trong bài viết của ông Nguyễn Thiệu Lâu cũng cho rằng Tức Mặc Hầu có sẵn trong điển tích “Có một điển tích, ấy là thời xưa phong cái nghiên là tức mặc hầu. Nghiên tức là Tức Mặc Hầu”.
Lối viết tán rộng không có cơ sở của cụ VHS
Theo vua Tự Đức và theo cụ Nguyễn Thiệu Lâu, cái nghiên được gọi là Tức mặc Hầu chỉ là dựa trên một điển cố đã có sẵn của Tầu để chỉ một cái nghiên quý. Nhưng trong bài viết của cụ Vương Hồng Sển, mặc dầu cụ là bậc cao vọng, nhưng theo thói quen của cụ ưa tán rộng bàn thêm, đôi lúc viết cương nên có thể đi xa sự thực? Đọc thì vui lấy làm thích thú, nhưng xét lại thấy thiếu sự chính xác, sự chín chắn của một người viết khảo cổ mà từng chi tiết cần được cân nhắc, so sánh, suy nghĩ cẩn thận. Xin bắt buộc có đôi lời nhận xét có phần nào thiếu tôn kính đối với một vị tiền bối, một học giả mà dưới mắt ông Nguyễn Đắc Xuân là bậc thầy khả kính.
Theo dõi cách trình bầy của cụ Vương, bạn đọc sẽ thấy điều nhận xét của người viết không phải là ngoa ngôn, cuồng vọng. Theo cụ Sển, cái nghiên có nhiều đặc điểm quí hóa quá đôi lúc ông gọi là “nghiên mực tiên”, lạ lùng quá sức tưởng tượng nên mới được vua Tự Đức nhân cách hóa phong tước Tức mặc Hầu. Xin trích dẫn bài của cụ Vương Hồng Sển với những câu văn viết mâu thuẫn.
“Tôi cầm nghiên mực mà suy nghĩ mông lung, ban đầu tôi lật bề trái xem trước, và đây cũng là méo mó nghề nghiệp, thuở nay nghề chơi đĩa xưa dạy hễ gặp thứ gì hay thì lật đít xem trước, đọc ký hiệu nếu là đồ cổ, hoặc tìm gì nếu đó là thiên kim giai nhân. Dưới đáy nghiên là một bài văn ngự chế của đức Dực Tôn, đề cao đặc tính của nghiên tức mặc hầu. Chữ khắc nổi, mạ vàng lên mặt chữ, sắc sảo không thể tả, tiếc vì tôi chỉ biết mò bằng tay và khen tấm tắc, chớ không biết khen bằng mắt vì mắt không đọc được chữ nào. Lúc đó, có thâu vào máy ảnh, chữ tế vi quá nên không đọc được chữ nào, vả lại ngày nay ảnh cũng mất, khen cũng như không.”
Bạn đọc câu trích dẫn trên hẳn sẽ nhận ra có nhiều sự mâu thuẫn, hư cấu và tưởng tượng của cụ Sển. Khen thay cho cái tài dí dỏm và lối phóng bút viết xạo của cụ.
Cụ không đọc được vì chữ nhỏ quá, chỉ mò bằng tay, chụp ảnh cũng không đọc được vì chữ tế vi quá. Nhưng cụ lại biết được nội dung bài ngự chế ở đáy nghiên. Nội dung bài chế ngự là đề cao đặc tính của nghiên. Vậy là cụ đã biết trước đáy nghiên viết gì rồi? Chỉ có điều đặc tính của nghiên mực lại khắc ở mặt ngang nghiên mực như ông Diệm đã dịch chứ không phải đáy nghiên.
Cho nên lời phát biểu chữ khắc sắc sảo không thể tả được của cụ Sển cuối cùng chỉ là hoa từ, tán rộng. Một bằng cớ hiển nhiên là trước đó vài trang, chính cụ thú nhận không biết chữ Nho, vì ông cụ thân sinh không cho học.
“Dạ thưa Tổng Thống, đó là tôi thuộc lòng vì quá quen mặt với tô này, chớ về chữ Nho, tôi vẫn dốt, vì cha tôi không cho tôi học chữ ấy từ lúc nhỏ.”
Vì thế cụ mù tịt chữ Nho. Dù có sáng mắt, cụ cũng không hiểu bài ngự chế viết gì? Do đó tất cả đoạn văn đã được viết phóng mà thôi. Không đọc được chữ Hán mà nghiên cứu các cổ vật phần lớn gốc gác bên Tàu thì chỉ là thứ người mù sờ chân voi. Nói cho cùng, cụ chỉ là một người chơi đồ cổ sành điệu. Nhưng đi vào nghiên cứu có tính hàn lâm, có hệ thống thì chắc cụ không đạt tới. Cái danh hiệu học giả được người ta gán cho cụ đúng chỉ là “học giả” mà thôi!
Thêm nữa, người ta không thể không nghĩ cụ là người tắc trách. Đi xem một cổ vật mà một tay nhà nghề như cụ ít ra cũng phải mang theo dụng cụ tối thiểu như thước đo cự ly, cân tiểu ly, kính lúp, máy ảnh v.v.. Ấy là chưa kể dụng cụ tinh vi đo được tuổi của viên đá.
Một điều khó hiểu là cụ không có kính lúp, không đọc được, nhưng cụ lại biết nội dung bài chế ngự.
Thật ra nội dung đặc tính nghiên mực không nằm ở đáy như cụ xác nhận, nhưng khắc nổi ở mặt ngang. Xin trích dẫn đoạn tả chữ khắc của vua Tự Đức:
“Trên mặt ngang của Nghiên Mực đã được khắc bằng chữ vàng hai câu sau đây: Chiếc nghiên không bị sứt mẻ hư hỏng, làm xấu đi hoặc làm biến chất để có thể làm hư hại đến Nghiên Mực.”
Mặt đáy và mặt ngang khác hẳn nhau. Làm sao cụ có thể nhầm lẫn như thế được? Riêng bài ngự chế, khắc dưới đít nghiên mực trong đó nhà vua tiên đoán nghiên mực là đem lại sự tiến bộ cho văn chương, tiên đoán sự lớn mạnh của xã tắc, sự thịnh vượng của chính quyền.. Nó sẽ đem lại một sự nâng đỡ hữu hiệu cho việc giáo dục dân chúng. Nó là di sản mà thế hệ sau chúng ta có bổn phận phải bảo tồn mãi mãi. Trước khi kết luận tại sao nghiên mực được phong tước hầu, cụ Sển còn tiếp tục phô trương đặc tính của nó đến độ dù có dễ tính lắm cũng khó mà chấp nhận được.
Cụ viết:
“Vua Tự đức là ông vua hay chữ nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo, ông hết sức tâng tiu… Ông có nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông rất ưng ý đến nỗi phong nghiên mực chức là Tức Mặc Hầu. Một cục đá mài mực, vì biết dâng mực cho ông cấp kỳ theo ý ông muốn…”
Cụ Sển theo hứng phóng bút viết tiếp:
“Tôi vừa định hoàn lại ông Đào (Cụ Tôn Thất Đào), nhưng ông biết ý nói nhỏ vào tai tôi “Đâu cụ thổi mạnh một hơi vào, coi nào.” Tôi vâng lời, nâng nghiên mực lên gần sát mặt, và thổi một hơi dài lên chỗ mài mực. Thổi rồi, tôi giật mình, hết sức ngạc nhiên, vì dưới ánh sáng mặt trời rọi vào chỗ tôi đứng, tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên xuống trên mặt nghiên, rồi vụt biến mất. Ông Đào cười, bảo tôi lấy ngón tay quệt thử trên nghiên, quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác tôi đã nhúng tay vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay.. Đằng này, trước khi tôi hà hơi vào thì rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà tại sao khi có chút hơi “cầm thực” thổi vào để mượn sức thì tức khắc bảy tám chỗ cù dục nhãn kia bèn thi hành phận sự và nương đà hơi thở của tôi mà tiết ra đủ số nước cần thiết để làm cho có mực.
Ô, sướng quá, thần bí quá, và quí hóa quá.
Phong tức mặc hầu thật đáng.”
Trong bài viết của vua Tự Đức cũng nêu lên đặc tính ẩm của nghiên mực, nhưng trong một chừng mực có thể chấp nhận được như sau:
“Mỗi khi cần làm thơ văn, chỉ cần một chút hơi thở trên mặt Nghiên đủ làm cho mặt Nghiên bị ẩm.”
Từ humecter trong tự điển dịch là mouiller légèrement như humecter ses doights, chỉ nghiên mực tạo ra hơi ẩm. Tuy nhiên, qua ngôn ngữ: Nhưng từ chỗ đó cung cấp mực cấp kỳ theo ý muốn, làm ướt đẫm tay. Đã thế các chỗ túi mực được thể theo đà hơi của ông tiết ra đủ số mực cần thiết.
Xin độc giả ghi nhớ một điều, nghiên mực lúc vua Tự Đức hà hơi vào có thể vẫn được dùng mỗi ngày. Còn nghiên mực lúc cụ Sển hà hơi có thể năm này qua năm khác chưa được xử dụng một lần nào Như vậy nước ở đâu ra mà có thể đẫm cả tay!!!. Khoác lác quá! Thật khó tin!
Chính cụ cầm nghiên mực thấy khô queo. Một chi tiết nữa là những chỗ túi mực, ông Diệm nêu ra có 5 điểm trông giống mắt chim cù dục. Trên bản vẽ của cụ Tôn thất Sa, người viết đếm được 4 điểm, có thể một điểm không thấy rõ. Theo cụ Vương Hồng Sển, có đến 7, 8 điểm túi mực, nước theo đà cứ thế chảy ra. Chả thế mà cụ phải kêu lên: Ô sướng quá, thần bí quá và quí hóa quá. Chẳng hiểu bằng cách nào cụ đếm dư ra như thế?
Phóng bút viết bừa phứa như thế thì làm sao tin được?
Trong bài viết của ông Nguyễn Đắc Xuân, dựa theo ý thầy của ông, thầy nào trò đó, ông còn tưởng tượng đi đâu nghiên mực này cũng được Tự Đức mang theo. Làm sao ông biết được điều này? Rồi khi thi hứng đến, vội vã đến không kịp sai thị nữ mài mực, ngài chỉ việc hà hơi vào nghiên mực thì mớ mực cũ còn lại ướt lên và ươm ra óng mướt đủ cho ngài dùng để ghi chép ý thơ và tạo ra những sáng tác đủ loại.
Cuối cùng, ông Nguyễn Đắc Xuân kết luận: chiếc nghiên đã gắn liền với hơi thở của con người văn nhân Dực Tôn, với lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ 19.
Giọng điệu khoác loác của ông Xuân ở đây coi bộ còn có phần còn hơn thầy một bực. Chẳng hiểu một chiếc nghiên mực đã gắn liền với lịch sử đất nước về điểm nào, lúc nào, gắn với cái gì. Ông viết tiếp: Nó biết dâng mực cấp kỳ theo ý muốn của vua nên được vua Dực Tôn phong quan với tước Hầu. Tất cả ý kiến của hai người, theo người viết chỉ là câu chuyện tán dông dài, không chuẩn mực, không cân nhắc và thiếu hẳn ý thức trách nhiệm về điều mình viết.
Và nếu dựa theo cụ Sển thì phải đánh giá cái được gọi là sưu tầm đồ cổ của cụ ở tầm mức nào? Có vẻ, cụ chỉ là tay chơi đồ cổ rất tài tử, rất phóng khoáng, soi mói tìm tòi kể lại, huyễn hoặc câu truyện cho thêm đậm đà. Vì thế, đọc cụ cần tỉnh táo để phân biệt cái nào là thực, cái nào là giả, là hư cấu?
Về bức tranh mầu nước Aquarelle của cụ Tôn thất Sa
Bài viết của vua về nghiên mực đã được ông Diệm dịch ra vào năm 1917 đã kèm theo như một bổ túc là bài của E. Gras tựa đề: Sur un encrier de Tự Đức.
Bài viết của E. Gras khác nội dung bài của ông Ngô Đình Diệm. Bài của ông Diệm tìm hiểu đặc tính của nghiên mực. Bài của E. Gras chỉ nhằm mô tả cái bề ngoài, hình dáng cũng như mầu sắc của nghiên mực và nhất là hộp đựng mực. Phần quan trọng nhất là E. Gras đã cho in lại bức hình vẽ mầu nước của cụ Tôn Thất Sa. Nhờ hình vẽ nầy và rất nhiều hình vẽ khác đã giúp người sau này tìm hiểu cổ vật có thể có một số ý niệm căn bản về một số cổ vật của Triều Đình Huế.
Cụ Sa cũng chính là người vẽ các bức trướng, các cửa cung điện, các vạc, đỉnh, các súc vật như sư tử ngồi chầu, các bộ mũ áo dùng trong cung đình. Công của cụ rất lớn với nhà Nguyễn, nhất là đối với văn hóa và việc bảo tồn cổ vật trong triều đình. Công của cụ TTS không phải là nhỏ. Phần cụ Sển đã để thất lạc bức vẽ này nên lúng túng không ít trong việc viết bài về nghiên mực của Tự Đức.
Riêng ông Nguyễn Đắc Xuân đã ra công, truy cứu, để tâm sức gần như hai chục năm trời mới kiếm ra được cuốn sách của Thái Văn Kiểm cũng như bức hình vẽ của cụ Tôn Thất Sa. Công kiếm tìm của ông đáng là vất vả. Hãy đọc đoạn văn kể cái sung sướng của ông Nguyễn Đắc Xuân:
“Cũng có nhiều lúc tôi cầu nguyện hương hồn thầy tôi: ‘Bây giờ thầy đã về cõi vĩnh hằng, thầy có thể gặp được hương hồn vua Dực Tông, thầy biết được ai đang giữ viên ngọc Tức Mặc, thầy hãy báo mộng để con đi tìm’. Tôi cầu hoài mà chưa thấy mộng. Rồi không hiểu sao, có một anh bạn họ Lê (dân An Cựu chính cống) ở Paris gửi cho tôi một cái đĩa CD-ROM tài liệu lịch sử Việt Nam, trong ấy có một tấm tranh mầu nước, của cụ Tôn Thất Sa về cái nghiên Tức Mặc Hầu vào năm 1917. Tấm tranh hiện ra trước mặt tôi kỳ diệu làm sao. Những gì thầy Vương kể cho tôi nghe bấy lâu về chiếc Tức Mặc Hầu gần giống với hiện thực bức tranh. Trí nhớ của ông cụ trên dưới chín mươi tuổi thật quá tuyệt vời…
Đọc đoạn văn trên, người ta có cảm tưởng đây là niềm linh ứng giữa thế giới bên này bên kia, tạo ra những cơ duyên hãn hữu để một lúc nào đó, những gì ông ao ước, cầu mong trong suốt mấy chục năm trời thì nó sẽ đến, đến một cách quá đẹp, đến như huyễn hoặc. Sau bao năm trông chờ, mong đợi đi tìm một báu vật đã mất vào tay một kẻ vô trách nhiệm, nay ít ra thấy được dung nhan cái nghiên mực ông không thể không thốt lên hai tiếng: Kỳ diệu!
Ông Nguyễn Đắc Xuân đã viết tán láo, mặc vào câu chuyện cái vẻ huyền bí, linh thiêng theo lời khấn nguyện của ông…
Trớ trêu thay, bức ảnh chụp tấm tranh của cụ Tôn Thất Sa nay có những người không trông chờ cũng có thể có được. Bởi vì tòa đại sứ Pháp đã tài trợ để in ấn lại toàn bộ B.A.V.H đưa vào DVD. Chính bản thân tôi đã in đi in lại bức ảnh đó và gửi cho bạn bè tứ tung. Tôi cũng chẳng phải cầu mong, khấn vái vong linh ai cả. Sự đời ít thì quí hóa lắm, trân trọng nâng niu, nay ai cũng có thể có, muốn đọc có ngay. Hiểu biết về Huế nay ở tầm tay mọi người, chẳng cần phải là học giả nữa. Bức ảnh chụp tranh của cụ Tôn Thất Sa đối với ông như thứ hạnh phúc bắt được của trời, còn đối với nhiều người nay chỉ là truyện thường. Theo người viết, nay có hàng ngàn người có hình bức tranh đó của cụ Tôn Thất Sa. Bạn đọc nào muốn có, tôi xin gửi biếu, chỉ xin tiền cước phí bưu điện.
Bức ảnh đó chẳng thêm được gì, chẳng nói được gì.
Trớ trêu là người ở hải ngoại đã nhận được từ Viện đại học Huế, ngay cạnh ông mà ông không biết để công truy cứu, rồi từ Huế, bức vẽ ra hải ngoại quay trở về trở thành tài liệu quý giá cho ông Nguyễn Đắc Xuân!! Sự bưng bít thông tin của nhà nước CSVN và thiếu phương tiện truy cập thông tin của người viết ảnh hưởng nhiều đến giá trị tài liệu và tác phẩm viết trong nước. Trường hợp ông Nguyễn Đắc Xuân và nghiên mực là một ví dụ.
Vấn đề trở thành chuyện khôi hài, chuyện tào lao hơn nữa là chỉ được nhìn cái ảnh vẽ, ông Nguyễn Đắc Xuân đã tưởng tượng ra cái hộp đựng nghiên mực như sau:
“Nghiên lại được đặt trong chiếc hộp bằng đồi mồi Hà Tiên vàng rực, được chế tác cực kỳ tinh xảo. Trên nắp hộp và mặt dưới hộp cũng có thêm hai bài văn.”
Bạn đọc nghĩ xem, chỉ coi bức ảnh vẽ nhoè nhoẹt mà ông Xuân dám viết phóng đại như trên.
Xin trích dẫn đoạn văn mô tả chiếc hộp của E. Gras viết vào năm 1917 để so sánh hai đoạn văn:
“Bảo vật từ đó bắt ta phải chú ý. Chữ khắc khảm xà cừ được khắc rất cẩn thận óng ánh ngũ sắc như những mảnh trong một hộp lăng kính (prisme) trên nền sơn mài màu đen bóng. Vàng được cẩn ở các góc giống như những bông hoa nhỏ thêm vào nạm với nền đỏ đục ở thành Nghiên Mực. – Còn có thể nói gì hơn về cái nền màu đỏ đục lý tưởng này? Nền đỏ được tráng rất nhẹ nhàng một lớp mỏng màu xanh tạo ra sự tương phản (effet) tuyệt hảo. Và chiếc hộp đựng nghiên mực nặng nề, quý giá xem ra đứng vững chắc trên 4 chiếc chân hộp bằng ngà đã được hoàn thành phẩm.”
Bản văn của E. Gras được tả rất chi tiết với những mầu sắc hoàn toàn trái ngược với những gì ông Nguyễn Đắc Xuân viết ra theo lối hư cấu. Chỉ căn cứ vào việc nhìn những hình vẽ và chụp của cụ Tôn Thất Sa và cụ Thái Văn Kiểm, ông Nguyễn Đắc Xuân đã viết hoàn toàn do trí tưởng tượng mà thôi. Được chế tác cực kỳ tinh xảo, cực kỳ tinh xảo ở chỗ nào, như thế nào, ông không nói, không mô tả kỹ càng. Làm sao mô tả được, vì chỉ là một hình vẽ?
Về nghi án ông Diệm là người trực tiếp trách nhiệm về sự mất tích bức nghiên mực của vua Tự Đức.
Ông Diệm là người có thú say mê đồ cổ, trong đó có nghiên mực cổ. Điều đó không thể phủ nhận. Hơn nửa thế kỷ trước đây, lúc còn là thư sinh chưa quá tuổi 18 đã có bài nghiên cứu về cái nghiên của Tự Đức. Phải chăng cái say mê đó là cái cớ quấy rầy ông và vì đó thêm một cái cớ để cuộc đời chính trị của ông bị người ta vấy bẩn?!
Theo ông Nguyễn Đắc Xuân thì chỉ có hai người là ông và cụ Sển lên án ông Diệm đã chiếm công vi tư, đã tham lam nhận cái nghiên mực về làm của riêng cho mình.
Theo sự giải thích của cụ Sển:
“Khi ông lên tột phẩm nấc thang danh vọng, thì có người ở Huế biết chỗ nhược của ông và để củng cố địa vị cho mình, bèn ôm nghiên mực vào Sài Gòn tấn cống. Tôi biết chắc việc ấy vì từ năm 1959 đến năm 1962 mấy lần ra Huế, tôi hỏi thăm thì ngoài ấy nói với tôi Tức Mặc Hầu đã vào Nam.”
Người đó là người nào ông không nói.
Biết chắc là đã vào Nam, người đọc phải hiểu ngầm là chiếc nghiên phải tìm đường đến đường Gia Long, qua lính gác, vào trong dinh, vào phòng ông Diệm.
Bài viết của cụ, nhất là sách in lại sau 75, có lý do gì cụ không xác định rõ tên người biếu nghiên mực? Cụ lại là người từng được ông Diệm mời vào dinh Gia Long kiểm tra chất lượng, giá trị thực hư của những món đồ cổ, lẽ nào cụ lại không có dịp được biết đến món báu vật đó có thực nằm trong dinh Gia Long hay không?
Sau đoạn văn đó, cụ Sển còn tỏ ý trách ông Diệm tham lam:
“Đến đây tôi trở lại chuyện một người mê cái nghiên Tức Mặc Hầu hơn tôi bá bội. Mê đến bất chấp lương tâm. Người đó khi đã chết, người ta lập biên bản thống kê tài sản mới biết y muốn lưu di 50 kí lô vàng (theo công báo của chính phủ Sài Gòn trước) thế mà thuở sanh tiền, ông có tiếng là thanh liêm số dách. Đã ham hai chữ thanh liêm, lại ham chi cái Nghiên Tức Mặc Hầu. Người đó đã đem nghiên mực về Sài Gòn làm chủ riêng một mình”.
Hiểu sát nghĩa câu này thì ông Diệm đã mò ra Huế ôm cái nghiên mang về Sài Gòn chứ không phải có người ôm nghiên vào tiến cống như cụ Sển nói đến ở đoạn trên? Ông Nguyễn Đắc Xuân cũng lập lại ý của cụ Sển như sau:
“Khoảng trước năm 1958, (Trước năm 1958 có nghĩa là năm 1957, sao không nói là 1957 cho rồi chuyện) anh cửu phẩm tân thơ Viện ngày xưa đã bước lên tột đỉnh danh vọng là TT. VNCH, một vị tai mắt của ngành Văn Hóa ở Huế, muốn củng cố địa vị của mình bèn dùng cách khai thác cái nhược của ông Diệm là thích dùng đồ của vua Chúa, đã ôm cái nghiên mực Tức Mặc Hầu vào Sài Gòn tấn cống cho TT. Ông TT. thường ngụy trang cho cái nhân cách của mình bằng hai chữ “thanh liêm”, bỗng trong phút chốc tạm dẹp lớp ngụy trang qua một bên để nhận cái nghiên lịch sử vô giá đã thu hút tâm trí ông từ lúc mới vào đời. Từ đó, cái nghiên Tức Mặc Hầu trở thành tài sản vô giá của người đứng đầu Ngô Triều tại dinh Độc Lập, rồi dinh Gia Long.”
Ông cũng không quên đưa ra luật nhân quả khi viết: Người Huế tin rằng, những ai ăn cắp vật dụng của nhà vua đem về nhà làm của riêng, nếu không bị bắt xử theo luật nhà Nguyễn thì gia đình đó cũng tàn mạt, không chết thì cũng không ngóc đầu lên nổi. Phải chăng, theo lối suy nghĩ đầy tà ý của Nguyễn Đắc Xuân, TT. Ngô Đình Diệm vì nhận cái nghiên mực “ăn cắp” của vua Tự Đức đã là điềm báo trước dinh Gia Long sẽ bị tấn công, anh em nhà họ Ngô sẽ bị giết sau chính biến tháng 11-63?
Qua điều này, người viết muốn chỉ ra rằng lối suy diễn của Nguyễn Đắc Xuân thuộc loại người thâm độc và tàn ác, bởi vì chính NĐX là người có trách nhiệm trong vai trò chỉ điểm khiến cho hàng mấy ngàn dân Huế bị chết thảm trong biến cố Mậu Thân!
Đọc những đoạn văn trích dẫn trên đây, phải đánh giá NĐX và thầy ông ta là những hạng người nào? Dù sao lời kết án của cụ Sển cũng như lời phụ họa của ông Xuân về việc ông Diệm nhận cái nghiên mực ăn cắp của vua Tự Đức là một nghi án quan trọng.
Nếu lời kết án của cụ Sển không có sơ hở, mà lại còn hàm ý chụp mũ vô bằng thì tiếng tăm của cụ còn gì nữa? Nhân cách “học giả” của cụ còn hay mất? Chức giám đốc Viện Khảo Cổ ai ban cho cụ? Ngoài Trương Bửu Lâm còn có Nguyễn Thiệu Lâu, sau này có Đặng Phương Nghi (học école de Chartes về) hẳn xứng đáng hơn cụ, một người chỉ có ngạch thư ký thời Pháp!
Nay cụ đã quá vãng, chỉ còn môn sinh là ông Nguyễn Đắc Xuân được coi như kẻ kế thừa sự nghiệp với những lời trối trăn của người chết là phải truy tầm cho ra cái nghiên mực đó ở đâu? Như lời của cụ Sển phát biểu nghe đến lạ “ai lo mất nước, mất nhà, tôi lo mất nghiên”. Nhưng trước khi có thể truy lùng ra được ai là người giữ nghiên mực, xin ông Nguyễn Đắc Xuân một lần nữa làm sáng tỏ thêm về nghi án Ngô Đình Diệm. Cả cụ Sển và ông Xuân đều nói úp mở là có một người ở Huế đã mang nghiên vào Sài Gòn biếu ông Diệm. Riêng ông Xuân còn nói rõ hơn là một vị tai mắt của ngành văn hóa ở Huế.
Hài danh kẻ nhận của ăn cắp mà không dám hài danh kẻ ăn cắp là hèn? Có cái gì khuất tất bắt ông phải che giấu tên kẻ ăn trộm mà kẻ đó lại là chứng nhân quan trọng hàng đầu của lời kết án này. Bao lâu ông chưa đưa tên kẻ ăn trộm với bằng chứng cụ thể thì việc kết án của ông chỉ là quy chụp bôi bẩn? Kẻ viết mong là khi đọc được chương sách này, ông Xuân sẽ thỏa mãn nguyện vọng bình thường của một người đọc ông.
Ai ăn cắp, ai nhận của ăn cắp cũng vậy thôi. Kẻ đó là tổng thống hay thứ dân thì cũng cùng một tội.
Mời độc giả đọc đoạn văn chót sau đây của cụ Sển:
“Trước năm 1975, có một người trẻ, xưng là học trò cũ của tôi, nói nửa úp nửa mở rằng nghiên mực Tức Mặc Hầu chưa ra ngoại quốc, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây hoặc vùng Sài Gòn, hoặc còn trong nước không xa, và ở trong tay một người nọ, và nghèo lắm, túng lắm, chức vị nhỏ lắm, nhưng và không khứng lìa ngọc Tức Mặc Hầu. Tôi đã ráng hết sức hỏi, hỏi thêm gì người ấy cũng không nói nữa, nên hôm nay đành nói tách bạch ra đây.”
Đành nói tách bạch ra đây mà thực sự chẳng nói được gì. Làm sao trước 75, chiếc nghiên mực lại có cánh bay ra khỏi dinh Gia Long, rơi vào tay một kẻ nhọ đít, khố rách áo ôm? Đã thế chức vị nhỏ lắm, tầm kiến thức hiểu biết đuợc bao nhiêu để có thể đánh giá được sự vô giá của một viên đá mài mực? Vì thế chắc là trả giá bao nhiêu y cũng không chịu bán. Hỏi người học trò rán hết sức y cũng không chịu nói?
Đoạn văn trên cho người đọc thấy tính cách hoang đường của nó. Còn cái anh học trò không nói, chỉ vì một lý do dễ hiểu; câu chuyện anh kể chỉ là chuyện hoang đường, hoặc tệ hơn nữa là cả anh ta và cái anh chàng nghèo xác được cho biết là người đang giữ nghiên mực đều chỉ là sản phẩm của hư cấu, bịa đặt với hàm ý ngậm máu phun người! Cụ Vương Hồng Sển vẫn có cái tài kể những câu chuyện hoang đường như thế, đọc thì thấy có vẻ hấp dẫn, đưa người đọc đến chỗ ngỡ ngàng, nuối tiếc, nhưng thật sự chỉ là chuyện tầm phào!
Cụ lại còn viết khơi khơi thế này:
“Hỏi mãi có người đưa ra thuyết hay là nghiên mực có cánh, đã bay tuốt qua La Mã, qua paris, hoặc mụ em dâu đã ôm bán quách cho người nước ngoài rồi.”
Đọc hết vài giòng ngắn ngủi trên đây, tôi thấy nếu có còn đôi chút kính trọng đối với tác giả nó cũng bay đi theo nốt với cái nghiên mực!
Một cái nghiên mực, dù cho là vật gia bảo, quý giá đến đâu đã bị thất tán, để rồi bịa chuyện người học trò tiết lộ, sau đó lại mơ hồ nói bóng gió nó được đưa ra ngoại quốc bằng những giả thuyết vô bằng như bà Nhu bí mật mang sang Vatican thì quả thật, người đọc chỉ còn biết cúi đầu ngao ngán!
Trong một thư gửi cho người viết, ông Nguyễn Cúc, chủ bút Tiếng Sông Hương, trong phần ghi chú đã đưa ra một chi tiết tối quan trọng về tư cách của ông Diệm như sau. Cụ Tùng Chi Võ Như Nguyện, nguyên Viện trưởng Viện Hán Học Huế, vào những năm 61-62 có mở một cuộc triển lãm tài liệu, sách sử Viện Hán học. Ông Diệm ra dự cuộc triển lảm nên nhân đó cụ Nguyện đã trình lên một nghiên mực cổ tên Vệ Ương Cung. Ông Diệm rất vui thích, ngỏ ý muốn xem và mua lại tặng Viện Hán Học.
Bằng vào những điều kể lại của cụ Võ Như Nguyện mà người viết trân trọng tin là cụ Nguyện đã nói thật thì câu chuyện, tự nó đã mang giá trị tuyệt đối có khả năng phản bác, đánh đổ tất cả những lời vu cáo của cụ Sển và ông Nguyễn Đắc Xuân.
Thích đồ cổ là một chuyện, nhưng không giữ làm của riêng, mua là để cho hậu thế, cho Viện Hán Học. Cái thích đó vượt lên trên những tham lam, nhỏ nhen tầm thường mà cụ Sển đã gán cho một người như cố TT Diệm.
Ông Nguyễn Đắc Xuân, người kế thừa cụ Sển cần minh định lại rõ ràng những lời kết tội của ông đối với ông Diệm. Ông mong tìm ra cái nghiên mực thế nào thì phần người viết mong ông công bố bằng giấy trắng mực đen rõ ràng và minh bạch về những lời kết tội ông Diệm của thầy trò ông cũng không kém, và còn hơn thế.
Mong thì mong vậy thôi, vì tôi biết chắc, không bao giờ ông NĐX làm được điều đó.
Xin đưa thêm ý kiến của anh Vĩnh Phúc, qua chứng từ của BS Trần Kim Tuyến:
“Có những người như Quách Tòng Đức, Cao Xuân Vỹ và nhất là Hoàng Bá Vinh đều quả quyết chẳng bao giờ nhìn thấy nghiên mực nào cả. Trong dinh lại có ba nguời ra vào thường xuyên phòng ông Diệm là bí thư Võ Văn Hải, Đại úy Bằng hầu cận và người bõ già tên Ân. Trừ ông Hải, hai người kia thường có dịp trò truyện, kể cho ông Tuyến nghe. Nhưng tuyệt nhiên, không có ai nói về nghiên mực đó cả”.
Chính cụ Sển cũng đã dò hỏi ông Giá là người chịu trách nhiệm bảo quản các vật dụng trong Dinh, nhưng ông bảo không bao giờ trông thấy nghiên mực.
Đôi lời của người viết với ông Nguyễn Đắc Xuân
Người viết xin đưa ra một chút tư liệu về tài sản của triều đình nhà Nguyễn để nếu có xót thương, nếu có tiếc thì tiếc những gì đã mất, đã bị ăn cắp, đã bị chiếm công vi tư gấp trăm, gấp ngàn viên đá nghiên mực. Chẳng hiểu, ông Nguyễn Đắc Xuân, một người nghiên cứu, sưu tập sách cổ, đồ cổ có biết không, hay biết mà không nói?
* Về tài liệu sách vở của triều đình: Ngoài những sách như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí, Việt sử Thông Giám Cương Mục, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ ... chúng ta còn vô số các tài liệu tại điện Đông Các, Càn Thành. Ai có bảo đảm cho biết hiện nay tại điện Đông Các, các hiệp ước, các văn kiện trao đổi với ngoại quốc, các văn sách ngự chế, các địa đồ, các sách quý thời Minh Mạng, các châu bản tức là các tấu chương được bút son của vua ngự phê… Cái nào còn, cái nào mất?
* Rồi còn các ấn tỷ của vua bằng vàng bằng ngọc, có bao nhiêu cái? Theo ông Laborde, các quyển kim sách là những văn kiện tấn phong của các vua, sắc phong hoàng hậu và đông cung. Các sách này toàn bằng vàng mà chiều cao là 24 cm, ngang 13cm, khoen đóng bằng vàng, cân nặng 37 lạng vàng ròng (nặng khoảng một kí lô 400). Mỗi quyển Kim Sách nặng hơn một kílô vàng, có bao nhiêu vua chúa, có bao nhiêu hoàng hậu, đông cung thì có bấy nhiêu quyển. Nay có còn không và ở đâu?
* Rồi những quyển ngân sách, tức những văn kiện tấn phong hoàng thân quốc thích, hay cho các cung phi, cung nữ bằng bạc được khắc trên lá bạc nay cũng ở đâu? Trong bài Văn Khố Triều Đình Huế của cụ Nguyễn Hùng Cường đăng trên Tiếng Sông Hương, trang 67 cụ viết:
Không có người coi sóc, không có người chuyên môn trông coi, chung quanh không có cửa, phần thì bị mưa dột, các châu bản tàng trữ bị hư hỏng nên đã đồng ý với ông Ngô Đình Nhu tìm cách cứu vãn các châu bản. Nỗi lo sợ khí hậu Huế ẩm ướt đã đi đến quyết định vào năm 1961 di chuyển một phần lớn lên Đà Lạt. Vào những năm 1959, Viện Đại học Huế giao cho giáo sư Trần Kinh Hòa tổng kết, đóng bìa, phân loại các châu bản đó cho đến 1963. Ngoài ra Uỷ Ban này nhờ cơ quan Văn Hóa A Châu đã xuất bản Mục Lục Châu Bản Triều Nguyễn… Rồi được thành vi phim hiện đang được tàng trữ tại thư viện Harvard-Yenching và thư viện đại học Cornel ở Ithaca. Newyork.
Cụ đi đến kết luận:
Vì vậy một phần lớn châu bản đã mất tích, hiện giờ không có cách nào tìm lại hoặc bổ túc được..
Năm 1950, phúc trình của Ferrréol de Ferry, nguyên Giám đốc sở Văn khố và thư viện Phủ Cao Ủy Pháp tai Đông Dương, cho biết chứng tích cuối cùng còn lại của văn khố triều đình Huế tức văn khố Hoàng Triều, chính là cuốn Les Archives des Empereurs d’Annam et l’histoire Annamite của Paul Boudet. Thứ hai, những mất mát về tài sản triều đình Huế kể sao cho xuể. Hãy kể một trường hợp thôi, khi vua Bảo Đại thoái vị, chính quyền Cách Mạng mà ông Nguyễn Đắc Xuân đi theo đã tiếp thu tài sản triều đình Huế. Phải mất ba tháng mới kiểm kê xong. Có bao nhiêu tài sản đã lọt vào tay chính quyền kháng chiến thời đó, nay ở đâu? lọt vào tay ai? cất dấu hay bảo quản ở đâu? Có lẽ, đây là vấn đề đáng quan tâm nếu ông Nguyễn Đắc Xuân thực sự có lòng, thực sự muốn thu hồi lại những gia sản đó.
Xin trích dẫn lại về bản kiểm kê của chính quyền nhân dân cách mạng qua cuốn sách của Phạm Khắc Hòe: Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Ông Hòe là ngự tiền văn phòng cho Bảo Đại, theo Việt Minh phản chủ:
Chiều ngày 27 và buổi sáng 28, tôi (tức Phạm khắc Hoè) cho kiểm điểm lại các thứ tài sản trong Đại nội để trao cho chính quyền Cách mạng. Nói đến của công trong Đại Nội lúc bấy giờ th́ quí giá nhất là các đồ vật bằng vàng bạc, ngọc ngà, các châu báu có tính chất lịch sử của các đời vua nhà Nguyễn, cất trong một cái hầm lớn dưới mái sau của điện Cần Chánh. Sở Tài chánh trong Ủy ban Nhân dân Trung bộ của ông Trần Hữu Dục đã phụ trách tiếp thu những món báu vật của Triều đình Huế. Sở tài chánh trước ngày 19-12-1946 đã chuyển tất cả di sản quý báu này ra Vinh, chứa cất tại nhà lầu của ông Hoàng Cao Khải và con là Hoàng Mạnh Trí.
(Tài liệu trích lại của Lê văn Lân trong cuốn Chiếc bảo ấn cuối cùng, trang 49-50).
Trong Chuyện Cung đình nghe kể lại của Võ Hương An, con cụ Võ văn Lang có viết như sau:
Khi nghe kể việc bàn giao cho Việt Minh tất cả kim sách (Sách bằng vàng), ngân sách (Sách bằng bạc) và các loại ấn, tôi ngạc nhiên hỏi: Theo con thì vua bàn giao ấn kiếm, tượng trưng vương quyền cho chính phủ Việt Minh như vậy là đủ rồi, còn kim sách, ngân sách và các thứ ấn khác thì coi như của riêng của vua, việc chi phải giao cho họ. Thầy tôi trả lời: Khi nói tới bàn giao những gì, thầy cũng đem ý đó ra tâu với Ngài, nhưng Ngài dạy rằng: nếu những thứ đó bằng sắt hay bằng đồng thì không nói làm gì, ở đây nó bằng vàng. Nếu giữ làm kỷ niệm, người ta sẽ nghĩ rằng ta còn tham. Cả cái ngai vàng ta còn chưa tiếc, tiếc chi mấy thứ đó?
(Trích lại của Lê văn Lân, Chiếc Bảo ấn, trang 51).
Xét như vậy, ông Nguyễn Đắc Xuân cần đặt vấn đề với chính quyền đương đại của ông về tài sản mất còn của triều đình Huế mà họ đã tiếp quản…
Người viết còn nhớ câu nói của Trần Huy Liệu xác nhận đã nhận đầy đủ tài sản và có làm giấy tờ hẳn hoi do hai bên cùng ký nhận. Giấy tờ đó bây giờ ở đâu?
Tưởng rằng bài viết đến đây đã tạm đủ. Nếu có cần nói thêm chỉ xin nói một câu như cựu hoàng Bảo đại đã từng nói: tiếc chi nữa, cái ngai vàng còn chả tiếc, tiếc chi ba thứ lặt vặt khác. Ông Nguyễn Đắc Xuân nay vẫn ngồi ôm mộng thu hồi lại di sản chiếc nghiên mực của Tự Đức do lời trối trăng của cụ Sển, thầy ông. Đó là việc của ông, nhưng trước sau nghiên mực cũng chỉ là một viên đá, dù là đá quý, còn mất có nghĩa gì so với mất mát của triều đình Huế và mất mát của cả miền Nam. Quên đi có lẽ là hay nhất để ít ra cũng khỏi làm phiền lòng nhiều người. Phải không ông?Người viết xin đưa ra một chút tư liệu về tài sản của triều đình nhà Nguyễn để nếu có xót thương, nếu có tiếc thì tiếc những gì đã mất, đã bị ăn cắp, đã bị chiếm công vi tư gấp trăm, gấp ngàn viên đá nghiên mực. Chẳng hiểu, ông Nguyễn Đắc Xuân, một người nghiên cứu, sưu tập sách cổ, đồ cổ có biết không, hay biết mà không nói?
* Về tài liệu sách vở của triều đình: Ngoài những sách như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí, Việt sử Thông Giám Cương Mục, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ... chúng ta còn vô số các tài liệu tại điện Đông Các, Càn Thành. Ai có bảo đảm cho biết hiện nay tại điện Đông Các, các hiệp ước, các văn kiện trao đổi với ngoại quốc, các văn sách ngự chế, các địa đồ, các sách quý thời Minh Mạng, các châu bản tức là các tấu chương được bút son của vua ngự phê… Cái nào còn, cái nào mất?
* Rồi còn các ấn tỷ của vua bằng vàng bằng ngọc, có bao nhiêu cái? Theo ông Laborde, các quyển kim sách là những văn kiện tấn phong của các vua, sắc phong hoàng hậu và đông cung. Các sách này toàn bằng vàng mà chiều cao là 24 cm, ngang 13cm, khoen đóng bằng vàng, cân nặng 37 lạng vàng ròng (nặng khoảng một kí lô 400). Mỗi quyển Kim Sách nặng hơn một kílô vàng, có bao nhiêu vua chúa, có bao nhiêu hoàng hậu, đông cung thì có bấy nhiêu quyển. Nay có còn không và ở đâu?
* Rồi những quyển ngân sách, tức những văn kiện tấn phong hoàng thân quốc thích, hay cho các cung phi, cung nữ bằng bạc được khắc trên lá bạc nay cũng ở đâu? Trong bài Văn Khố Triều Đình Huế của cụ Nguyễn Hùng Cường đăng trên Tiếng Sông Hương, trang 67 cụ viết:
Không có người coi sóc, không có người chuyên môn trông coi, chung quanh không có cửa, phần thì bị mưa dột, các châu bản tàng trữ bị hư hỏng nên đã đồng ý với ông Ngô Đình Nhu tìm cách cứu vãn các châu bản. Nỗi lo sợ khí hậu Huế ẩm ướt đã đi đến quyết định vào năm 1961 di chuyển một phần lớn lên Đà Lạt. Vào những năm 1959, Viện Đại học Huế giao cho giáo sư Trần Kinh Hòa tổng kết, đóng bìa, phân loại các châu bản đó cho đến 1963. Ngoài ra Ủy Ban này nhờ cơ quan Văn Hóa Á Châu đã xuất bản Mục Lục Châu Bản Triều Nguyễn… Rồi được thành vi phim hiện đang được tàng trữ tại thư viện Harvard-Yenching và thư viện đại học Cornel ở Ithaca, New York..
Cụ đi đến kết luận:
Vì vậy một phần lớn châu bản đã mất tích, hiện giờ không có cách nào tìm lại hoặc bổ túc được..
Năm 1950, phúc trình của Ferréol de Ferry, nguyên Giám đốc sở Văn khố và thư viện Phủ Cao Ủy Pháp tại Đông Dương, cho biết chứng tích cuối cùng còn lại của văn khố triều đình Huế tức văn khố Hoàng Triều, chính là cuốn Les Archives des Empereurs d’Annam et l’histoire Annamite của Paul Boudet. Thứ hai, những mất mát về tài sản triều đình Huế kể sao cho xuể. Hãy kể một trường hợp thôi, khi vua Bảo Đại thoái vị, chính quyền Cách Mạng mà ông Nguyễn Đắc Xuân đi theo đã tiếp thu tài sản triều đình Huế. Phải mất ba tháng mới kiểm kê xong. Có bao nhiêu tài sản đã lọt vào tay chính quyền kháng chiến thời đó, nay ở đâu? lọt vào tay ai? cất giấu hay bảo quản ở đâu? Có lẽ, đây là vấn đề đáng quan tâm nếu ông Nguyễn Đắc Xuân thực sự có lòng, thực sự muốn thu hồi lại những gia sản đó.
Xin trích dẫn lại về bản kiểm kê của chính quyền nhân dân cách mạng qua cuốn sách của Phạm Khắc Hòe: Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Ông Hòe là ngự tiền văn phòng cho Bảo Đại, theo Việt Minh phản chủ:
Chiều ngày 27 và buổi sáng 28, tôi (tức Phạm khắc Hoè) cho kiểm điểm lại các thứ tài sản trong Đại nội để trao cho chính quyền Cách mạng. Nói đến của công trong Đại Nội lúc bấy giờ thì quí giá nhất là các đồ vật bằng vàng bạc, ngọc ngà, các châu báu có tính chất lịch sử của các đời vua nhà Nguyễn, cất trong một cái hầm lớn dưới mái sau của điện Cần Chánh. Sở Tài chánh trong Ủy ban Nhân dân Trung bộ của ông Trần Hữu Dục đã phụ trách tiếp thu những món báu vật của Triều đình Huế. Sở tài chánh trước ngày 19-12-1946 đã chuyển tất cả di sản quý báu này ra Vinh, chứa cất tại nhà lầu của ông Hoàng Cao Khải và con là Hoàng Mạnh Trí.
(Tài liệu trích lại của Lê Văn Lân trong cuốn Chiếc bảo ấn cuối cùng, trang 49-50).
Trong Chuyện Cung đình nghe kể lại của Võ Hương An, con cụ Võ Văn Lang có viết như sau:
Khi nghe kể việc bàn giao cho Việt Minh tất cả kim sách (Sách bằng vàng), ngân sách (Sách bằng bạc) và các loại ấn, tôi ngạc nhiên hỏi: Theo con thì vua bàn giao ấn kiếm, tượng trưng vương quyền cho chính phủ Việt Minh như vậy là đủ rồi, còn kim sách, ngân sách và các thứ ấn khác thì coi như của riêng của vua, việc chi phải giao cho họ. Thầy tôi trả lời: Khi nói tới bàn giao những gì, thầy cũng đem ý đó ra tâu với Ngài, nhưng Ngài dạy rằng: nếu những thứ đó bằng sắt hay bằng đồng thì không nói làm gì, ở đây nó bằng vàng. Nếu giữ làm kỷ niệm, người ta sẽ nghĩ rằng ta còn tham. Cả cái ngai vàng ta còn chưa tiếc, tiếc chi mấy thứ đó?
(Trích lại của Lê Văn Lân, Chiếc Bảo Ấn, trang 51.)
Xét như vậy, ông Nguyễn Đắc Xuân cần đặt vấn đề với chính quyền đương đại của ông về tài sản mất còn của triều đình Huế mà họ đã tiếp quản…
Người viết còn nhớ câu nói của Trần Huy Liệu xác nhận đã nhận đầy đủ tài sản và có làm giấy tờ hẳn hoi do hai bên cùng ký nhận. Giấy tờ đó bây giờ ở đâu?
Tưởng rằng bài viết đến đây đã tạm đủ. Nếu có cần nói thêm chỉ xin nói một câu như cựu hoàng Bảo Đại đã từng nói: tiếc chi nữa, cái ngai vàng còn chả tiếc, tiếc chi ba thứ lặt vặt khác. Ông Nguyễn Đắc Xuân nay vẫn ngồi ôm mộng thu hồi lại di sản chiếc nghiên mực của Tự Đức do lời trối trăng của cụ Sển, thầy ông. Đó là việc của ông, nhưng trước sau nghiên mực cũng chỉ là một viên đá, dù là đá quý, còn mất có nghĩa gì so với mất mát của triều đình Huế và mất mát của cả miền Nam. Quên đi có lẽ là hay nhất để ít ra cũng khỏi làm phiền lòng nhiều người. Phải không ông?
No comments:
Post a Comment