Sunday, March 25, 2012

F J W Z


(Trích thư riêng của HĐ)

Châu con,

Hôm qua con có nhắc đến việc nên hay không nên đưa các mẫu tự “F, J, W, Z” vào bảng chữ cái tiếng Việt. Giờ bác nói rõ hơn cho con hiểu.

Như bác đã kể, hồi thấy các bloggers VN phản đối rần rần bác đã không tham gia ý kiến gì. Có cái lạ là trong số những người phản đối đó có cả những người đã “đọc” bài viết của bác về bảng chữ cái tiếng Việt và tán đồng nhiệt liệt. Mà trong bài bác viết đó, cái bảng phụ âm Việt của bác có đủ những chữ cái đó. Điều này nói lên một việc là nhiều người khi nghe nói phải thì gật đầu khen phải, nhưng cái sự gật đầu đó không thắng nổi tính thành kiến, tính bảo thủ của họ. Không phải hễ cứ ai nói phải thì họ thay đổi suy nghĩ sai lầm của họ. Cái thành kiến cố hữu của đại đa số dân ta là cái gì ta đang có thì chính là của ta, không phải do ta đi mượn hay đi lấy từ đâu về. Và ta không muốn thay đổi nó.

Đa số chúng ta quên mất là bảng chữ cái Việt chẳng qua chỉ là bảng chữ cái Latin thời thế kỷ 17 (những năm 1600). Vì các vị thừa sai “chế” ra chữ Việt vào thời gian đó, họ dùng những gì họ có vào thời gian đó, mà thời đó Latin là thứ chữ họ dùng như một quốc tế ngữ.

Bác  thì mãi đến khi học tiếng Anh (lớp 6) mới biết rằng có một cái gọi là bảng chữ cái (The Alphabets) và trong bảng đó có 26 ký tự. Lúc đó bác nghĩ rằng đó là bảng chữ cái tiếng Anh. Chứ trước đó chẳng thầy cô sách vở nào nói rằng có một cái “bảng chữ cái tiếng Việt”. Chỉ biết cắm đầu viết a b c d đ… Rồi khi học tiếng Pháp, bác lại thấy lại bảng chữ cái đó. Và bác nghĩ rằng đó là bảng chữ cái tiếng Pháp. Vì học cái gì thì chỉ tập trung vào cái đó, bác đã không nhận ra rằng 2 bảng chữ cái đó là một, và cũng đã chẳng đặt câu hỏi xem nguyên thủy 2 bảng chữ cái đó là của ngôn ngữ nào.

Đến khi bắt đầu đặt một số vấn đề về chữ và âm tiếng Việt thì bác mới khám phá ra rằng chúng ta dùng hệ thống chữ viết Latin. Cả chữ Anh hay chữ Pháp, và đa số chữ Âu Châu khác đều dùng chung hệ thống chữ viết Latin. VÀ BẢNG CHỮ CÁI CHUNG LÀ BẢNG CHỮ CÁI LATIN.

Bảng chữ cái Latin thì đã có một quá trình phát triển thay đổi từ số lượng mẫu tự từ 21 lên 26, coi trang này http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Latin_alphabet

Con biết chữ Đ (đ) vốn có trong chữ Latin. Tên nó là eth trong tiếng Anh cổ. Nhưng nó không có trong bảng là vì nó chỉ là một chữ D có gạch. (http://en.wikipedia.org/wiki/Eth)

Thế thì chuyện thêm những chữ cái FJWZ vào bảng chữ cái Việt nó giống chuyện của Caesar thì trả lại cho Caesar thôi. Và nhân tiện trả rồi thì cũng nên cho học sinh Việt biết luôn rằng chữ Việt cũng như đa số chữ trên thế giới đều dùng bảng chữ cái Latin.

Thế còn các chữ Ă, Â, Ư…?

Giống trường hợp chữ Eth (chữ D có gạch) chỉ là một chữ D có thêm một dấu gì đó biểu thị sự biến âm. Các chữ cái Latin dùng trong chữ Việt đã được gắn thêm những dấu nhỏ cũng để biểu thị sự biến âm. Con đọc lại bài “chữ và âm” (http://hongdwc.blogspot.com/2017/11/tieng-viet-vo-long-chu-va-am.html) của bác để thấy qui ước về dấu trăng và dấu mũ trên chữ a. 

Con học nhạc thì biết dấu “chấm dôi” đặt sau một hình nốt nào đó để bảo rằng hình nốt đó sẽ có trường độ tăng lên gấp rưỡi. Và bảng các hình nốt không cần phải có nốt đen chấm, nốt móc chấm, nốt trắng chấm vân vân. Nếu làm thế thì bảng các hình nốt sẽ lên đến 21 đơn vị thay vì 7, vì đã thế ta phải tính cả dấu chấm dôi kép. Đó là không nói đến việc phải liệt kê tất cả những nốt liên ba, liên năm vv. Sẽ là một bảng khổng lồ.
Bảng chữ cái cũng vậy, chỉ cần kê ra các chữ và dấu sẽ dùng trong hệ thống chữ viết chứ không cần phải kê cụ thể từng tổ hợp một. Nếu kể Ă như một chữ cái thì sẽ có câu hỏi tại sao không kể Ắ cũng là một chữ cái.
Có thể câu trả lời sẽ là vì dấu sắc là một dấu giọng. Nó gắn với chữ cái làm thay đổi giọng của âm.

Sở dĩ có người bị đặt câu hỏi và phải trả lời như thế là vì họ quên mất rằng các dấu trăng, mũ, râu trong chữ Việt chẳng qua là các dấu âm (dấu giọng làm thay đổi giọng (tone), và dấu âm làm thay đổi âm: từ âm u biến thành âm ư, từ o biến thành ơ, ô, v.v.)

Vì chữ Việt dùng một bộ các dấu giọng và một bộ các dấu âm, nên ta có thể nói chữ Việt dùng bảng chữ cái Latin y hệt như các thứ chữ Tây Âu. Khác chăng là chữ Việt có thêm dấu âm râu và hệ thống dấu giọng. Những dấu âm trăng và mũ thì nhiều thứ chữ khác cũng có.

Còn tên của các mẫu tự thì con đọc bài “tên mẫu tự” (http://hongdwc.blogspot.com/2017/11/tieng-viet-vo-long-ten-mau-tu.html) của bác. Tra cứu thêm thì hóa ra thời của bác, tên mẫu tự được gọi theo kiểu Latin (và gần giống với Pháp, ta gọi u chứ không phải “uy”, e chứ không phải ơ và cu chứ không phải qui.) Thiết nghĩ các cụ làm giáo dục thời đó đã từng bỏ công sức suy nghĩ và đề ra một cách gọi tên mẫu tự mang tính quốc tế đến như vậy thì ngày nay ta không có cớ gì để thay đổi trong cách gọi tên chúng (dân tộc tính chỉ để tự tách mình ra khỏi “cộng đồng của mình” là dân tộc tính ăn cháo đái bát.)

Kết luận: con cứ lấy bảng chữ cái Anh, Pháp hay Tây Ban Nha gì đó và bảo đó là bảng chữ cái của chữ Việt chúng ta: 26 chữ cái. 

Cái gì người ta làm đúng thì hãy để cho người ta làm, dù cái ý đồ của người ta có thế nào đi nữa. Trước mắt thì xã hội được lợi từ cái việc làm đúng đó. Còn ý đồ của người ta thì chưa chắc người ta đã thực hiện được sau đó.

Thế nên chống lại việc đưa các ký tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái Việt là một việc làm thiếu căn cứ.

7 comments:

Cả mò said...

Hồ thiếu gia đồng ý với bác hongdwc mà còn đề nghị thêm cách ráp vần ở các từ cuối như il, al, as để phân biệt các âm ngữ giới hạn ở in, an, át..dad, das không là đát khi phiên âm lúc dạy phát âm bằng sách giáo khoa . Bởi chỉ cần vận động thêm chút trí não thì chữ nghĩa VN giàu thêm chứ không nghèo đi, mất đi điều gì. Ai nói nó ngoại lai thì họ chưa từng biết trên đời nầy sau khi xây tháp trí tuệ Babel - Alfabeta tự phụ, chữ nghĩa mới bắt đầu đâm ra khó khắn rồi tự khó khăn nầy mà thiên hạ ôm khư khư thành truyền thống, thành dân tộc tính.

Hồng Đức said...

Ý này của bác Cả chí lý về mặt luận lý, vì thúc đẩy sự phát triển.

Hồng Đức said...

Cũng như ý đưa FJWZ vào bảng chữ cái cho con nít học là điều hợp với đạo đức (phải biết nguồn cội của những thứ ta đang dùng) và chân lý (công bố sự thật là chữ Việt dùng chữ Latin của Tây Phương, qua đó dân Việt biết đến những ích lợi to lớn của giao tiếp quốc tế).

Về mặt thực tế, trong tình hình "toàn cầu hóa" và "vi tính hóa" đời sống, tất cả những gì dính dáng đến chữ viết và tính toán đều đã được tiêu chuẩn hóa và quốc tế hóa, không thể thay đổi được nữa. Trong đó, bảng chữ cái Latin đã thậm chí trở thành công cụ để đếm (trong hệ thập lục phân -- số 11 được ghi bằng B, hay số 15 được ghi bằng F). Thế thì người Việt không thể nào không biết đến chữ F.

Cũng trên thực tế, chỉ có từ sau năm 1975 và chỉ có thanh niên ngoài Bắc vào miền Nam mới không biết những chữ J, W, Z. Còn dân miền Nam thì thường xuyên đọc địa chỉ cho nhau với những chữ cái "ngoại lai" này, đứa con nít nào cũng có thể phát âm chính xác "địa chỉ nhà cháu là J8 Cư Xá Hỗn Hợp Phú Thọ". Và như đã trình bày, chẳng ai CẦN BIẾT cái bảng chữ cái tiếng Việt nó ra làm sao.

Thế thì chỉ vì cái ta tưởng rằng không có trên đời, ta hủy đi những cái mọi người đang dùng, để rồi bây giờ, ta kẹt, phải dùng đến những thứ đã bị hủy đi đó, ta lại bảo rằng ta "sáng tạo" ra nó, ra cái vốn đã có. Chỉ có "Văn hóa bị chỉ huy" bởi những kẻ ngu ngốc mà kiêu ngạo nó mới ra như thế. Văn hóa "Lùn mà Lối"!!!

Hồng Đức said...

Các phụ âm "ngoại lai"

Con nít Nam Bộ thời 1960 chẳng đứa nào không đọc được những chữ như "hydro, natri, Euclid, v.v...", -- những chữ có phụ âm ngoại lai -- một cách chính xác, y như Tây. Khi những kẻ chỉ huy văn hóa xông vào, họ ngu đến nỗi không biết mở mồm ra hỏi "tại sao tụi mày đọc được chính xác như thế?" mà họ chỉ biết cắm đầu cắm cổ xóa tất cả những chữ đó trong sách vở báo chí.

Hồng Đức said...

"Chữ Việt" và "Tiếng Việt" là 2 vấn đề.

Tiếng Việt chỉ có thể viết bằng chữ Việt.

Nhưng Chữ Việt ngoài việc dùng để viết Tiếng Việt, nó còn có thể viết được tất cả những thứ Tiếng thuộc hệ Latin khác. Chữ Việt có thể viết được Tiếng Pháp, Tiếng Anh, Tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức... Nhưng những Chữ Anh, Pháp, Ý, Đức... không thể viết được Tiếng Việt.

Đó là một ưu điểm độc đáo. Nhưng sau 1975 dân ta hoàn toàn đánh mất ưu điểm này (cũng như đánh mất các ưu điểm về văn hóa, văn minh, kinh tế, chính trị khác) chỉ vì sự đóng khung Chữ Việt vào trong vòng Tiếng Việt. Sự hạn hẹp Chữ vào trong vòng Tiếng là một sự tự hủy hoại.

"Ta" đã bỏ hẳn những chữ cái "ngoại lai" và bảo rằng có một Bảng Chữ Cái Tiếng Việt (lạ! Bảng "chữ cái" của "tiếng", sao không gọi là Bảng Chữ Cái Việt) gồm đầy đủ các âm (không phải chữ cái) chỉ dùng trong tiếng Việt, bảng này chỉ thiếu âm mang thanh (à, á, ả...) mà thôi. Những chữ cái "ngoại lai" vốn đã tồn tại trong văn bản Việt từ thế kỷ 17, đến thế kỷ 20 thì bỏ đi. Hành động này chỉ có thể giải thích bằng mục đích "tự tách mình ra khỏi cộng đồng của mình để nói lên dân tộc tính của mình", hóa ra là dân tộc tính "cận thị".

"Ta" cũng bỏ hẳn "cách dùng chữ ngoại lai", bảo rằng đó là "phụ âm ngoại lai" như trường hợp các chữ L đứng sau nguyên âm. "Ta" thay L bằng N: Albany bị viết thành An-ba-ni. Chung số phận với L là B, F, PH, V (bị thay bằng P), D (bị thay bằng T) , G, K, Q (bị thay bằng C), những chữ H ngay sau nguyên âm của người ta thì bị "ta" bỏ hẳn.

Lạ lùng là những chữ S, bị cưỡng hiếp thành nhiều quái thai, như có khi thành X, khi khác lại thành SỜ, lại có khi thành XÌ, mà bị đổi thành T mới quái đản hơn nữa.

Còn các tổ hợp phụ âm thì bị "ghép hộ", cứ giữa 2 vợ chồng người ta thì "ta" nhét ngay một đứa lại cái vào giữa. dr thành đờ-r, tr thành tờ-r, bl thành bờ-l (hi-đờ-rô, ni-tờ-rô, bờ-lóc, bờ-lao...).

Đọc các văn bản của những kẻ chỉ đạo văn hóa, từ ông Hồ Chí Minh đến nay và từ chủ tịch nước đến vị giáo sư dạy mẫu giáo, thì hóa ra là viết như thế cho nó thuần Việt, và (theo họ) nhờ thuần Việt thì BẤT CỨ người Việt nào cũng đọc được.

Tất cả, vâng tất cả từ ông Hồ danh nhân văn hóa thế giới đến cô giáo mẫu giáo vừa dạy học vừa ăn vụng kia, kể cả các tu sĩ Công Giáo đã in ra cuốn Thánh Kinh theo đúng tiêu chuẩn "bỏ chữ và cách dùng chữ ngoại lai", đều quên một điều. Họ quên tự hỏi câu: "Những con chữ đã viết ra là viết CHO AI?"

Viết cho người mù chữ chăng, điên! Viết tên hóa chất cho trẻ lên tám lên chín đọc chăng, cũng điên! Hay viết để anh dân chài nào đó đọc "được" tên của một nhà bác học hay tên của một thành phố xa lắc nào đó ở Pháp, Mỹ gì chăng, để làm gì! Vì có đọc to lên được hay là chỉ thấy mấy cái tên đó như một đống lằng ngoằng các ký hiệu thì đối với anh dân chài đó cả 2 đều như nhau. Anh chỉ biết đó là một chữ đã được viết ra.

Kể ra cũng có một số người tuy không đủ sức, nhưng cũng thích bàn chuyện này nọ, đôi khi họ muốn khoe rằng họ rành chuyện thế sự, thì cái cách "viết phiên âm" tiếng "ngoại quốc" cũng giúp họ có thể "phát ngôn" lại những gì họ đọc được. (Đây chính là biện pháp Việt Cộng dùng để tuyên truyền.) Thế nhưng ta có chắc không, rằng một khi ai đó đã không mù chữ, lại có chút quan tâm mà lại không thể phát âm được gần đúng cái chữ lạ mà anh ta đang đọc. Còn nếu muốn họ phát âm đúng thì dù có phiên âm cách nào đi nữa họ cũng không thể. Thí dụ chữ Wylson phiên thành "Uyn-sơn" thì ai có chút học vấn dám bảo rằng sẽ có người phát âm đúng tên vị tổng thống Mỹ đó. Muốn nói trúng, phải nghe đã.

Ngay như tôi, giỏi Anh, Pháp, vậy mà có mỗi cái tên của nhạc sĩ Bach mà tôi phải nói đến lần thứ 3 thì ông bạn người Mỹ mới biết tôi đang nói về ai.

Cả mò said...

Bác nói về phát âm tiếng nước ngoài tôi mới nhắc điều nầy.
Tiếng Việt chỉ có thể viết bằng chữ Việt. Nếu chịu tận dụng cho hết các chữ cái Latin và thêm các dấu thanh thì chữ Việt lại thêm khả năng Ký thanh ký âm tiếng nước khác rất tốt, dù nói cho thật đúng thì trên đời nầy rất hiếm người phát âm tiếng nước khác mà không bị ngọng đó bác. Tên hay nói ngọng nhứt chính là Cả đây chứ ai.

Cả mò said...

Nhật Bản Đại Hàn là 2 quốc gia có nền khoa học kỹ thuật và văn hoá tiến bộ hơn đất nước VN hiện nay gấp nhiều lần. Vậy mà chữ nghĩa của 2 quốc gia văn minh hạng nhứt trong nhóm các quốc gia văn minh Châu Á nầy lại có đến gần 60% chữ vay mượn từ tiếng Trung Quốc, nhưng họ vẫn tự hào dân tộc họ có bản sắc riêng không phải Tàu cũng chẳng phải Tây. Quan trọng hơn hết có lẽ là từ cái đầu của các nhà nghiên cứu văn hoá nghĩ gì và lương tri, kiến thức, trình độ hiểu biết sự thành hình văn hoá thế giới của loại trí thức nầy đến đâu.