Saturday, October 3, 2009

Việt Nam 54-63

Chiến Tranh Việt Nam 1954 -1963: Độc Lập Quốc Gia và Lý Tưởng Tự Do Hạnh-phúc

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn
Tháng I0.2008
Khi có độc lập và chủ quyền quốc gia, tức là khi đã có được giang sơn và chính quyền rồi, các nhà lãnh đạo sẽ phải làm gì?
Câu trả lời thật đơn giản: Bảo vệ độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển dân sinh để làm cho dân giầu n­ước mạnh. Khi còn chống thực dân Pháp, cả phe Cộng Sản lẫn người quốc gia đều đưa ra khẩu hiệu “Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc”. Việt Nam đã có độc lập từ 1954, nhưng tại sao xã hội Việt Nam ngày nay vẫn chưa có “Tự Do và Hạnh phúc”?
Tục ngữ dân gian Việt Nam dạy rằng muốn làm việc gì cho kết quả mỹ mãn cần ba yếu tố quan-trọng. Đó là “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Có thể xã hội Việt Nam còn thiếu một yếu tố nào đó cho nên vẫn chư­a có “tự do hạnh phúc”? Bài viết này lấy các gia trị văn hóa Việt Nam và Chủ nghĩa Nhân Vị làm tiêu chuẩn phân tích vấn đề. Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được dùng làm đối tượng phân tích. Và kết luận sẽ đ­ược rút ra từ phần so sánh các sự kiện lịch sử:
Sự hữu hiệu của một định chế chính trị hoặc kinh tế đều tùy thuộc vào con người trong cơ cấu. Sở dĩ xã hội Việt Nam chưa có được tự do và hạnh phúc vì chưa có được yếu tố “nhân hòa”, hay nói theo Nhân Vị là vì trong xã hội Việt Nam “Con người chưa được tôn trọng và quan niệm về thiện ích chung vẫn chưa phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp dân chúng và viên chức trong các cơ quan công quyền.[1] Nên dù có được thiên thời, địa lợi mà không có được lòng người thì tất cả những gì đã đạt được đều vô nghĩa và cũng sớm tan biến đi.
Thiên Thời
“Lý tưởng độc lập quốc gia” nếu nhìn từ trong chính trị nội bộ (domestic politics), là một thực tại lịch sử luôn được mọi người dân trong một nước trân quý và họ sẵn sàng đem xương máu để bảo vệ nó. Đây cũng là ngọn cờ chính nghĩa mà những nhà làm cách mạng luôn mang theo bên mình để qui tụ lòng người trên con đường chống đế quốc xâm lược, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng khi đứng ở lập trường bang giao quốc tế (chính trị của sức mạnh [power politics]), “lý t­ưởng độc lập quốc gia” dù đã được đề cao trong Hiến Ch­ương của Liên-hiệp-Quốc bằng các cụm từ “quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia” và đựợc Công Pháp Quốc Tế bảo vệ, vẫn bị chà đạp dễ dàng. Ví dụ, trong Chiến Tranh Việt Nam (CTVN), giai đoạn từ 1963 đến 1975, chính người Mỹ đã chủ động xen vào chính trị nội bộ để đưa Miền Nam Việt Nam vào vòng lệ thuộc Hoa Kỳ.
Tóm lại quan hệ giữa một tiểu quốc gia độc lập và các siêu cường là quan hệ một chiều dựa trên căn bản quyền lợi và sức mạnh. Trong bang giao quốc tế chẳng hạn, một vị đại sứ chính là biểu tượng của sức mạnh và quyền lợi quốc gia trong quan hệ một chiều này. Họ được trả lương và được quyền miễn nhiễm (luật pháp quốc gia) chỉ để lo bảo vệ quyền lợi và uy quyền quốc gia chứ không phải để đại diện cho công lý hay lương tâm của nhân loại. Cho nên trong cộng đồng các quốc gia, sự thành công hay thuận lợi của chính trị nội bộ đều phải nương theo chính trị thế giới mà đổi thay. Nói cách khác mọi toan tính đại sự đều phải dựa vào thời vận mà định đoạt.
            Phải Chăng VNCH Còn Thiếu Một Chữ Thời? Và thời vận của đất nước Việt Nam là gì? Trong tờ báo Nam Phong, ông Phạm Quỳnh (1931) viết:
            “Xét về địa lý lịch sử chính trị, n­ước ta ở sát nách nước Tầu giống như một cây nhỏ mọc bên cái cây lớn bị nó “cớm” không thể nào nẩy nở lên được. Chỉ có thể núp bóng mà thôi.”
Như vậy thời vận tốt của đất n­ước Việt Nam chỉ có thể xuất hiện khi cây đại thụ Tầu bị rụng lá sâu mọt. Chẳng hạn như vào cuối Thế Kỷ thứ 10, Tống Nho đã làm nước Tầu suy yếu hủ bại. Việt Nam đã lợi dụng thời cơ này dành lại độc lập vào năm 939. Ngoài ra, trong bối cảnh chiến tranh lạnh (1945-1989) cái thời của VNCH còn bị chi phối nặng nề bởi những cây đại thụ khác như siêu-c­ường Hoa Kỳ và Nga Sô. Nói một cách đơn giản, thời vận của Việt Nam tốt hay xấu phải tùy thuộc vào sự sắp xếp chia chác quyền lực giữa các siêu c­ường, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ, Nga Sô và Trung Cộng. Để thấy được vận của VNCH lúc đó tốt hay xấu, mời quý độc giả tìm hiểu lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ Nga Sô và Trung Cộng trong việc hình thành hai hiệp định quốc tế về Việt Nam: Genève 1954 và Paris 1973.
       Hiệp Định Genève 1954 và Paris 1973
Hiệp Định Quốc Tế Đình Chiến 1954 được ký kết giữa Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Minh Cộng Sản). Để chấm dứt cuộc chiến giữa Pháp và Việt Minh, các cường quốc Anh, Pháp, Nga và Trung Cộng họp tai Genève quyết định: Kể từ 21-7-1954, Việt Nam được chia ra làm hai Miền tại Vĩ Tuyến 17, lực lượng quân sự của Pháp và chính phủ Bảo Đại lãnh đạo phe Việt Nam không Cộng Sản sẽ tập họp lại ở phía Nam vĩ tuyến và chính phủ của Hồ Chí Minh cùng lực lượng Việt Minh chiếm đóng phía Bắc vĩ tuyến. Một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956 để tái thống nhất Việt Nam.
Một số sự kiện cần được ghi nhận để có thể thẩm định xem vận tốt hay xấu đã đến với dân tộc và đất nước qua ảnh hưởng mạnh mẽ của các siêu cường và sự bất lực của Việt Nam trong việc hình thành hiệp định đình chiến chia đôi đất n­ước này. Trư­ớc thềm hội nghị, Ngoại Tr­ưởng Nga Molotov đã ngỏ ý với Ngoại Trưởng Pháp George Bidault là “Nga sẽ nhờ Tầu làm áp lực Việt Minh để Pháp có thể an toàn rút ra khỏi Việt Nam nếu Pháp chịu đứng ra ngăn chặn việc hình thành khối European Defence Community (tiền thân của khối NATO). Trong khi đó Mao Trạch Đông ngỏ ý với Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles rằng “Để có thể duy trì nền hòa bình thế giới lâu dài, Trung Quốc muốn có một vùng trái độn ở dưới phía Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của Tầu.” Khi nói “duy trì nền hòa bình thế giới”, Mao Trạch Đông muốn nói gì? Đó chính là sự lo lắng của Tây Âu và Hoa Kỳ về “Thế Chiến thứ Ba”, một cuộc chiến tranh nóng, một cuộc chiến tranh nguyên tử.[2]
Tại sao Mao Trạch Đông lại đưa ra yêu cầu với Hoa Kỳ về một giải pháp chính trị cho Việt Nam, Căm Bốt và Lào trước thềm hội nghị khi mà Hoa Kỳ lại không phải là thành viên chính thức của Hiệp Nghị Genève về vùng đất này? Ngoài ra, Hoa Kỳ là siêu cường mạnh hàng đầu thế giới lúc ấy, tại sao lại không muốn can dự vào việc sắp xếp lại ảnh hưởng của các cường quốc tại khu vực này sau Thế Chiến II? Sử gia Stanley Karnow kể lại :
Vào buổi chiều ngày 20 tháng 7, Molotov triệu tập một buổi họp tại biệt thự riêng, Le Bocage, với sự hiện diện của Mendes-France (Pháp), Châu Ân Lai (Tầu), Anthony Eden (Anh), và TT Phạm Văn Đồng (Việt Nam). Molotov cố ý không mời phái đoàn đại diện của Bảo Đại và Bedell Smith. Họ bắt đầu ‘mặc cả’ (bargain). Vì bị các cường quốc bao vây, Phạm Văn Đồng toát mồ-hôi và đành phải đưa đề nghị ranh giới chia đôi tại vĩ tuyến 16 thay vì tại vĩ tuyến 13 như đã dự tính trước. Mendes-France vẫn giữ lập trường của Pháp là vĩ tuyến 18. Nhưng Molotov lên tiếng “Thôi chúng ta hãy đồng ý với nhau ở vĩ tuyến 17.”[3]
Bằng chứng cho thấy Mỹ không đóng một vai trò gì trong cuộc th­ương thuyết này mà chỉ đặt một quan sát viên tại bàn hội nghị là Phụ Tá của Ngoại Trưởng Foster Dulles, ông Bedell Smith; Hoa Kỳ chỉ đưa ra lời tuyên bố chung cuộc chấp nhận hiệp định là “Hoa Kỳ sẽ tôn trọng nguyên trạng (status-quo) của Hiệp Định Ngưng Bắn Genève”. Tuy nhiên sau hậu trường chính trị (behind the scene), Hoa Kỳ lại chính là siêu c­ường quyết định mọi điều khoản chính yếu trong hiệp định. Ví dụ ranh giới chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17 đã được quyết định tại Washington ba tuần lễ tr­ước đó. Molotov chỉ lập lại những gì đã được Hoa Kỳ quyết định trước. Ngoại Trưởng Anh Anthony Eden viết hồi ký kể lại như sau:
Khi hòa đàm bế tắc, ngày 29 tháng 6, 1954 Thủ Tư­ớng Churchill và tôi đã đến Washington để tham khảo ý kiến Ngoại Trưởng Foster Dulles. Và ông Dulles đã chỉ thị rằng Mỹ chỉ chấp nhận ranh giới chia đôi Việt Nam tại Vĩ Tuyến 17.[4]
Là một siêu c­ường mạnh nhất mà lại không phải là một thành viên ký kết, nên khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ “tôn trọng nguyên trạng của Hiệp Định”, họ sẽ làm gì để giúp việc thực thi hiệp định này? Thật ra, người Mỹ đã kiên trì thực hiện lời tuyên bố này suốt từ 1954 và đã đạt được ý nguyện vào ngày 29 tháng 7 năm 1971. Dưới đây là nội dung cuộc điều đình bí mật giữa Ngoại Tr­ưởng Henry A. Kissinger và Thủ Tướng Châu Ân Lai:
“Dr Kissinger nói “Chúng tôi tin tưởng rằng vì lợi ích của dân chúng ở Đông Dương và nền hòa bình thế giới, đã đến lúc phải vãn hồi hòa bình. Hà Nội tưởng rằng họ đã bị lừa hồi năm 1954. Nhưng tôi muốn thưa với ngài rằng chúng tôi là những con người theo chủ nghĩa hiện thực (realists). Chúng tôi biết rất rõ là một khi hòa bình đã được vãn hồi, lúc đó chúng tôi đã cách xa Việt Nam đến 10.000 dặm rồi, trong khi quân đội chính qui Bắc Việt sẽ vẫn còn hiện diện trong lãnh thổ Nam Việt Nam... Tôi cũng đã bí mật gặp Lê Đức Thọ tại Paris hôm 31 tháng 5 và hứa với ông ấy rằng Mỹ sẽ đưa ra ngày tháng cụ thể về một lịch trình rút toàn bộ quân lực Mỹ ra khỏi Việt Nam và thực hiện đầy đủ các điều khoản của Hiệp Định Genève..[5]
Như vậy Hiệp Định Paris 1973 chính là “tác phẩm” của Ngoại Trưởng Mỹ H. Kissinger nhằm thực-hiện việc tái thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN theo tinh thần Hiệp Định Genève 1954[6] mà không cần phải tổ chức tổng tuyển cử. Đồng thời nhân danh nền hòa bình thế giới, TS H. Kissinger đã thỏa mãn lời yêu cầu của Mao Trạch Đông thực hiện một vùng trái độn dưới phía Nam của Tầu và nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Cộng. Giải pháp chính trị này có nghĩa là không chấp nhận sự hiện hữu của bất cứ một chính phủ quốc gia nào theo Mỹ ở trong “vùng trái độn”. Quốc gia mang tên là VNCH vì vậy không hiện hữu trong giải pháp chính trị quốc tế này. Để đổi lại Hoa Kỳ muốn gì ở Trung Quốc? Người Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ đứng về phía Hoa Kỳ để làm cho cán cân lực lượng trong Chiến Tranh Lạnh với kẻ thù Nga Sô sẽ nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ.[7] Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Tầu năm 1972 đã tháo gỡ lo lắng của Tây Âu về một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể do Nga Sô gây ra;[8] đồng thời cán cân quân bình lực lượng trong chiến tranh lạnh cũng nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ, báo hiệu sự sụp đổ của khối Sô Viết vào năm 1989.
Tới đây, có hai sự kiện lịch sử mà từ trước đến nay người Việt chúng ta hoặc không chú ý đến hoặc hiểu lầm về CTVN. Thứ nhất, một quốc gia có tên là Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không có trong dự liệu của Hiệp Định Genève và cũng không hiện hữu trong chính sách duy trì nền hòa bình thế giới của Mỹ (mặc dù lúc chào đời VNCH đã được hơn 80 quốc gia trên thế giới công nhận). Thứ hai là các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ không có ý định bảo vệ VNCH và cũng không có ý định tìm một chiến thắng về quân sự ở Việt Nam.[9]
Theo Giáo S­ư Sử Học Phạm Cao Dương, để lãnh hội những gì có thể giải thích về thái độ khó hiểu của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam từ 1954 đến 1973, chúng ta phải hiểu rõ về cơ cấu của nền chính trị Hoa Kỳ: (a) Trung tâm quyền lực cai trị Hoa Kỳ không phải là Tổng Thống Hoa kỳ[10] và (b) bản chất chồng chéo giữa hai chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ. Ví dụ như chính sách đối với phong trào phản chiến hay việc gởi quân sang Việt Nam, lúc nào là đối nội và lúc nào là đối ngoại?
            Phạm vi bài viết này không cho phép khai triển thêm các vấn đề này. Nhưng tôi có thể đặt ra đây hai câu hỏi để chúng ta cùng suy gẫm về thái độ khó hiểu của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam:
(a) Tại sao người Mỹ lại không đóng quân dọc theo biên giới tại Vĩ Tuyến 17 giống nh­ư họ đã làm tại Đại Hàn (VT 38) và Đức (Bá Linh) để bảo vệ Miền Nam và ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản?
(b) Cán cân quân bình lực lượng của chiến tranh Việt Nam đang ngang ngửa nhưng vào năm 1965 đã nghiêng hẳn về phe Miền Nam vì sự hiện diện của một lực luợng khổng lồ 500 ngàn quân Mỹ với vũ khi tối tân nhất thế giới. Tại sao VNCH và đồng-minh không đánh bại được đối phương?
            Tóm lại, đối với “cái vận xấu” của dân tộc và đất nước Việt Nam, ngoài cây đại thụ Tầu, vận xấu còn liên tục ám ảnh kể từ hạ bán Thế Kỷ 19 khi Pháp bước vào Việt Nam cho đến nay. Đặc biệt đối với phe người quốc gia và chế độ Cộng Hòa mà họ dựng lên đã không gặp thời vì sự hiện hữu của nó lại nằm ngoài dự tính của các nhà làm chính sách Hoa Kỳ. Chủ trương độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa giống như một hòn đá nằm cản lối trên con đường đi tìm lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Vì thế họ mới tuyên bố “Diệm phải ra đi”.[11]
Nhưng ông Ngô Đình Diệm cương quyết chống lại định mệnh: “Tôi quyết tâm chọn con đư­ờng hy sinh để bảo vệ phẩm giá con người.” Ông đã hành sử đúng như một “Chí Sỹ Nho Giáo”: “Chí Sỹ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân”[12] và Còn biết bao nhiêu anh hùng vô danh, quân dân cán chính của Miền Nam Việt Nam vì độc lập tự do đã can dự vào một cuộc chiến vô vọng, để lật ngược lại một quyết định đã được Hoa Kỳ và Tầu đề ra từ 1954.
VNCH gặp phải vận xấu nên phần lớn tiềm lực quốc gia đã phải tập trung vào việc bảo toàn nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, mục tiêu phát triển dân sinh vì vậy khó lòng mà thực hiện. Giả sử gặp thời vận xấu nhưng nếu có được hai yếu tố địa lợi và nhân hòa và một hệ thống lãnh đạo hữu hiệu tạo được thời thế, liệu mục tiêu phát trển dân sinh có thể nào thực hiện được không?
      Địa Lợi - Nhân Hòa
Người Việt Nam thường nói “Anh hùng tạo thời thế.” Và Việt Nam không thiếu anh hùng. Ngay trong hậu bán thế kỷ vừa qua đã có rất nhiều anh hùng nư­ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tướng Lê Văn Hưng, Tướng Trần Văn Hai và còn nhiều anh hùng vô danh khác. Họ đã tạo ra “thời” nhưng cái “thời” ấy đã không tụ phát mà lại sớm qua đi.
Ông Ngô Đình Diệm đã tạo ra “thời, địa lợi và nhân hòa”. Năm 1954, Hiệp Định Genève đã dành cho phe người quốc gia giải giang san từ mũi Cà Mâu đến Vĩ-tuyến 17. Nhưng tình hình chính trị hoàn toàn không thuận lợi để bảo toàn độc lập và thực hiện công cuộc cách mạng dân sinh. T.S. Mark Moyar viết:
“Ở trong Nam, những phe nhóm không-cộng-sản rất hung mạnh nhưng không chịu thuần phục chính phủ trung ương vừa mới được thành lập, trong khi đó ở ngoài Bắc những phe nhóm chính trị chống đối chính quyền trung ương lại tương đối yếu. Vì thế Miền Bắc chỉ cần thời gian để phục hồi và củng cố sức mạnh, trong khi ở Miền Nam lại cần phải có thì giờ để xây dựng một quốc gia đoàn kết với những điều kiện không lấy gì làm lý tưởng cho lắm”.[13]
Mặc dù gặp phải “những điều kiện không lấy gì làm lý tưởng”, nhưng ông Ngô Đình Diệm đã vận dụng và hành xử hữu hiệu quyền lực, dẹp tan các lực lượng vũ trang chống đối chính phủ và bình định lãnh thổ đặt toàn bộ Miền Nam Việt Nam dưới quyền cai trị của chính quyền trung ương. Đồng thời tuyên bố hủy bỏ tổng tuyển cử tái thống nhất đất nước, truất phế Vua Bảo Đại qua một cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố Nam Việt Nam là một chế độ Cộng Hòa không bị ràng buộc pháp lý bởi Hiệp Định Genève. Có đ­ược hai yếu tố “thời và địa lợi”, ông Ngô Đình Diệm tạo ra yếu tố “nhân hòa” khi đứng ra lãnh đạo một chính phủ “phúc lợi” để hướng dẫn chính sách phát trển dân sinh. Ông long trọng tuyên bố: “chính phủ do tôi lãnh đạo có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ nền độc lập quốc gia và nâng cao đời sống và hạnh phúc cho toàn dân.[14] Để thấy được tầm quan trọng của yếu tố nhân hòa trong công cuộc dựng nước giữ nước và thực hiện mục tiêu tự do và hạnh phúc của Chính Phủ Ngô Đình Diệm, cần tìm hiểu một cách chi tiết guồng máy lãnh đạo, tổ chức chính quyền và chính sách phát triển của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Trước hết là thành phần lãnh đạo. Tinh thần ái quốc và đạo đức của ông Ngô Đình Diệm, người lãnh đạo nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, không những được người ủng hộ ca ngợi mà ngay cả kẻ thù cũng phải thừa nhận. Cựu đảng viên Cộng Sản Bùi Tín kể lại lời bình phẩm của Hồ Chí Minh về lòng yêu nước của ông Ngô Đình Diệm nh­ư sau:
“Mặc dù chúng tôi vẫn thường công khai chỉ trích Ngô Đình Diệm là bù nhìn tay sai của Mỹ, nhưng ông Hồ Chí Minh lại cho rằng tinh thần ái quốc của ông Diệm chẳng thua gì mình, nhưng được thể hiện bằng những phương cách khác nhau. Sau này có rất nhiều người đã nhận biết và đánh giá ông Diệm là một nhà lãnh đạo chính trị đầy lòng ái quốc và sống một cuộc sống thanh bạch và ngay thẳng. Ông Diệm cũng giống như ông Hồ Chí Minh, không có vợ. Riêng tôi (Bùi-tín) cho rằng ông Diệm là một nhân vật chính trị rất độc đáo, với một tinh thần yêu nước thật sâu đậm, đầy lòng can đảm và chính trực, lại có một lối sống đơn giản và vị tha. Nếu phải so sánh lãnh tụ của hai miền Nam-Bắc, tôi cho là ông Hồ Chí Minh thua xa, không thể nào sánh bằng ông Ngô Đình Diệm đ­ược.”[15]
Ông Ngô Đình diệm không phải bù nhìn hay tay sai của Mỹ như luận điệu tuyên truyền của Việt Minh Cộng Sản. Tổng Thống Mỹ và những nhân vật cao cấp Hoa Kỳ đã từng tiếp xúc và làm việc với ông Diệm đều thừa nhận cái lập trường độc lập sắt đá của ông Diệm. Ông Diệm thường nhắc nhở các viên chức Mỹ rằng “Chúng tôi không muốn trở thành một nước bảo hộ của ng­ười Mỹ.” Khi biến cố chính-trị 1-11-1963 xảy ra, Đại Sứ Mỹ Cabot Lodge đã điện thoại và yêu cầu TT Ngô Đình Diệm hãy rời bỏ Dinh Gia Long để đến tị nạn tại Tòa Đại Sứ Mỹ vì các tướng lãnh phản loạn có thể sẽ giết anh em ông. TT Ngô Đình Diệm đã trả lời ông Đại Sứ Lodge như sau:
“Thưa ông Đại Sứ, ông có biết ông đang nói chuyện với ai không? Tôi muốn báo cho ông biết rằng ông đang nói chuyện với một Tổng Thống của một quốc gia độc lập có chủ quyền. Tôi chỉ rời khỏi đất nước này nếu đó là nguyện vọng của dân tộc tôi. Tôi sẽ không bao giờ ra di theo yêu cầu của một số tướng lãnh phản loạn hay của ông Đại Sứ Mỹ.”[16]
Sau này TS Kissinger xác nhận tính khả tín của cuộc đối thoại lịch sử này. ông viết: “Cả hai ông Diệm và Thiệu đều là những nhà ái quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ khi đến lúc quyết liệt thì ông Thiệu bỏ đi còn ông Diệm ở lại chịu trận.”[17]
Tinh thần Độc Lập trong t­ư tưởng chỉ đạo công cuộc Cách Mạng của nền Đệ Nhứt Cộng Hòa.
Phản ứng của ông Ngô Đình Diệm với ĐS Cabot Lodge không những là một bằng chứng lịch sử về lòng dạ sắt son của ông đối với đất nước mà còn là nền tảng vững chắc cho một chủ thuyết chính trị phát triển quốc gia. Chủ Thuyết Nhân Vị do hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu hình thành được các sử gia đánh giá là “con đường thứ ba”[18] vì nó không rập khuôn theo hai chủ nghĩa Tư­ Bản và Cộng Sản. Tinh thần độc lập trong quan niệm nhân vị phát xuất từ những giá trị văn hóa cổ truyền Việt Nam: Đức Nhân của Nho Giáo chính thống và lý tưởng Thái Hòa của văn minh Việt-Nho, một xã hội nông-nghiệp với một hệ thống luân lý đạo đức rất hữu hiệu và một đời sống phong lưu nhàn tản, đã hiện hữu nhiều ngàn năm trước khi Hán Tộc bành trướng ở lục địa Trung Hoa. Vì thế Chủ Nghĩa Nhân Vị là một chủ nghĩa dân tộc, phù hợp với tâm tình người Việt Nam.[19] Chủ Nghĩa Nhân Vị được chọn làm kim chỉ nam hướng dẫn công cuộc phát triển quốc gia:
“Nay độc lập quốc gia đã được thực sự vãn hồi. Tuy nhiên nếu đất n­ước được giải phóng mà ng­ười dân trong xã hội Việt Nam vẫn còn sống trong nô lệ thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì hết. Trên thế giới ngày nay, chủ nghĩa duy vật đang gây tác hại lớn lao đến di sản tinh thần của nhiều quốc gia và đe dọa nền văn minh tự do của nhân loại. Trái ngược lại chủ nghĩa Cộng Sản, thay vì lấy con ng­ười làm cứu cánh để phục vụ, lại chủ trương chà đạp nhân phẩm con người, coi con ng­ười chỉ là công cụ của tập thể thì chúng ta quyết tâm xây dựng một quốc gia đặt trên một nền tảng mới: lấy nhân bản làm căn bản, lấy tự do và độc lập làm kim chỉ nam và lấy công bằng xã hội làm tiêu chuẩn.”[20]
Chính Sách phát triển của Chính Quyền Ngô Đình Diệm
Quan niệm “Lấy con ngư­ời làm căn bản và tự do độc lập làm kim chỉ nam và công bằng xã hội làm tiêu chuẩn” đã được áp dụng và biến thành hiện thực qua chính sách “Tài sản Căn bản” của nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam. Các chương trình liên quan đến việc khai thác mở rộng đất đai của Chính Phủ Ngô Đình Diệm đều nhằm thực thi lý tưởng bảo vệ phẩm giá con người của Chủ Nghĩa Nhân Vị: Mỗi người phải có một tài sản căn bản (basic property). Có nghĩa là để phẩm giá của con người được tôn trọng và phát triển, Chính phủ Nhân Vị sẽ tạo cơ hội để mỗi người dân đều có thể làm chủ một tài sản tối thiểu, một mảnh đất, một căn nhà, là những bảo đảm vững chắc của một cuộc sống độc lập tự do thực sự. Trong Thông Điệp Tết 1955, TT Ngô Đình Diệm tái xác nhận nguyên tắc này:
“Mỗi người nông dân không có ruộng cầy, mỗi người dân sống ở thành phố, đều phải được hưởng quyền 'tài sản căn bản'.”[21]
Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã giải thích chính sách “Tài sản căn bản” một cách chi tiết hơn và vai trò tối cần thiết của nó đối với “quan niệm mới về quyền tư hữu”. Quyền tư hữu sẽ cung ứng một căn bản vật chất cần thiết để mọi người có cơ hội hoàn thành sứ mệnh tinh thần (tâm linh) đã được cổ võ trong Chủ Nghĩa Nhân Vị. Quyền sở hữu một căn nhà nằm trên một mảnh đất rộng từ hai sào rưỡi đến bảy sào rưỡi (2.5 - 7.5 acres) có thể sản xuất đủ gạo ăn và hoa mầu cho một gia đình. Đây chính là một bảo đảm chắc chắn về kinh tế cho việc xây dựng tinh thần độc lập của mỗi công dân; ngoài ra nó còn cung ứng đầy đủ nhu yếu cho mỗi công nhân thành phố trong trường hợp họ bị thất nghiệp. Quan niệm này không những nhằm nâng cao năng xuất của từng gia đình mà còn giúp dân chúng dễ dàng thi hành nhiệm vụ đóng thuế đầy đủ và quỹ đầu tư tư­ nhân sẽ được hướng vào chương trình kỹ-nghệ-hóa xứ sở. Ông nói:
“Nếu mỗi người công dân, ngoài công việc làm chính bất cứ trong khu vực công hay tư, mà gia đình họ lại có thêm một lợi tức phụ trội từ “miếng tài sản căn bản đó”, họ có thể nhập chung 2 lợi tức với nhau. Trong trường hợp đó họ sẽ có đủ khả năng để đóng thuế và còn có thể dùng số tiền còn lại tham gia với chính phủ để xây dựng khu vực kỹ nghệ nữa.”[22]
Xin kể ra một vài con số cụ thể làm bằng chứng. Nói chung, sau 4 năm thực hiện chính sách Nhân Vị “tài sản căn bản”, quan niệm về việc xây dựng một xã hội tự túc tự cường tại Miền Nam Việt Nam đã trở thành hiện thực. Vào năm 1956, vẫn còn 6.000 điền chủ làm chủ hơn 45 phần trăm đất ruộng tại Nam Việt Nam và trong số đó có 430 người Pháp và 1603 người Việt mỗi người làm chủ hơn 100 mẩu ruộng (hectares). Nhưng báo cáo trong ngày Song Thất 7-7-1957 cho thấy hơn 26,120 mẫu đã được cấp phát cho nông dân theo nguyên tắc tài sản căn bản”. Ngoài ra còn có 600 trăm ngàn khế ước đã được ký kết giữa điền chủ và tá điền. Để thúc đẩy việc canh tác, chính phủ còn cho nông dân hoặc qua hợp tác xã nông nghiệp mượn một tổng số tiền lên đến 250 chục triệu đồng. Kết quả diện tích canh tác đã tăng lên 2,625,369 mẫu tức 58% so với năm 1954 là 1,659,000 mẫu. Và đến cuối năm 1959 chính phủ đã truất hữu 454,874 mẫu ruộng của 1980 điền chủ để cấp bán cho 128,719 nông dân. Ngoài ra có 228,620 mẫu đất do người Pháp làm chủ đã bị truất hữu trong đó có hơn 50 ngàn mẫu đã được cấp và bán lại cho dân chúng. Chính phủ đã thực hiện khẩu hiệu “Cơm no áo ấm” qua việc nâng cao mức sống của nông dân và gia đình đồng thời gia tăng tổng sản lượng lúa gạo để mau chóng tiến đến tự túc tự cường đã được thực thi khắp miền Nam từ thành thị đến thôn quê. Năm 1959, miền Nam Việt Nam đã thực sự trở thành một xã hội no ấm và số lượng nông phẩm xuất cảng đã đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á. Nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã đạt được thành quả tốt đẹp này vì khi có được “thời và địa lợi”. Ông Ngô Đình Diệm đã tạo yếu tố “nhân hòa”, từ lãnh đạo đến cơ cấu chính quyền và chính sách phát triển đều lấy “con ngư­ời” làm cứu cánh tối hậu. Lịch sử ghi nhận đây là một chính phủ hợp lòng dân.
Nhưng chính sách “tài sản căn bản” Đệ I Cộng Hoà, đưa con người và xã hội hậu-thuộc-địa Việt Nam tiến đến tự túc tự cường về mọi mặt lại không được các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đón nhận. Báo chí và các cơ quan truyền thông Mỹ đã được lệnh mở một chiến dịch đánh phá việc xây dựng quốc sách Ấp Chiến Lược. Họ nhất định phá hỏng nỗ lực tiến đến độc lập tự chủ của các nhà lãnh-đạo nền Đệ Nhất Cộng Hòa vì Ấp Chiến Lược là một hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội hoàn toàn tự túc.[23] Lý do của họ không phải là vô căn cứ. Nếu quốc sách Ấp Chiến Lược được hoàn thành trên toàn lãnh thổ miền Nam, hệ thống thôn ấp này sẽ là một bảo đảm chắc chắn cho Độc Lập và Tự Do căn bản của dân chúng. Người Mỹ sẽ gặp khó khăn khi muốn xen vào nội bộ của Nam Việt Nam.
Ngoài ra, khi cho rằng hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã sai lầm đề cao vai trò của hệ thống làng xã tự trị của Việt Nam trong chính sách bảo vệ độc lập và phát triển dân sinh, chúng ta vô tình đã phủ nhận giá trị văn hóa và lịch sử của sự chọn lựa sáng suốt đầy tự tin này. Trên thế giới này có dân tộc nào bị ngoại bang đô hộ một ngàn năm dài mà vẫn còn tồn tại? Việt Nam đã bị Tầu cai trị cả ngàn năm mà vẫn có khả năng dành lại độc lập cho dân tộc. Tại sao? Vào lúc đó người Tầu sang Việt Nam chỉ có hai mục đích: Một là sang để cai trị và hai là để buôn bán. Hai loại người này đều qui tụ vào những nơi triều đình, thành đô thị trấn. Họ không đá động gì đến hệ thống làng xã tự trị “Phép Vua thua lệ làng” của Việt Nam.
Vào năm 939, khi ông cha ta đánh đuổi Tầu về nước, dành lại được độc lập dân tộc thì dấu vết ngàn năm đô hộ của Tầu chỉ còn sót lại ở triều đình và các nơi thị tứ. Phong tục tập quán truyền thống Việt Nam nằm sau lũy tre xanh của làng xã tự trị vẫn còn y nguyên sau một ngàn năm đô hộ. Tháng Năm 1963,
 Đại Tá Ted Serong, chuyên viên về chiến tranh du kích và là trưởng đoàn huấn luyện của Úc tại Việt Nam đã đánh giá hệ thống ACL như sau: “Câu chuyện thành công lớn trong Chiến Tranh Việt Nam chính là câu chuyện về quốc sách Ấp Chiến Lược và câu chuyện này, vẫn Giáo S­ư sử học Phạm Cao Dương, để lãnh hội những gì Giáo Sư­ chưa nhắc đến một cách đầy đủ[24] và kẻ thù Cộng Sản cũng công khai thừa nhận là việc xây dựng quốc sách Ấp-Chiến-Lược của VNCH trong giai đoạn 1955-1959 là “giai đoạn đen tối nhất của công cuộc chống Mỹ cứu nước và làm cho mục tiêu cách mạng càng lúc càng xa vời”, Tóm lại mục tiêu “nhân bản” của Quốc Sách ACL đã đem lại tự do hạnh phúc cho dân chúng và là cơ cấu nền tảng đưa xã hội miền Nam tiến mạnh và vững chắc đến độc lập tự cường thực sự.
Như vậy, khi lấy con người làm căn bản cho chính sách xây dựng độc lập và chủ quyền quốc gia, Chính Phủ Ngô Đình Diệm của nền Đệ I Cộng Hoà 1955-1963 đã thực hiện được mục tiêu bảo vệ độc lập và chủ quyền thực sự, và làm cho người dân từ thành thị đến thôn quê đ­ược hưởng một cuộc sống ấm no hạnh-phúc và những quyền tự-do căn bản cũng đã được tôn trọng đúng mức. Tinh thần độc lập quốc gia của nền Đệ Nhất Cộng Hòa từ chính trị đến kinh tế xã hội là một điều không thể chối cãi. Nhưng tại sao vẫn không thể giúp cho miền Nam sau này tránh được con đường đi vào lệ thuộc ngoại bang?
Tục ngữ Việt Nam có câu “Bôn ba chẳng qua thời vận”. Thời của miền Nam Việt Nam lúc ấy (1954-1963) là do người tạo ra, là do ông Ngô Đình Diệm tạo ra. Cho nên khi ông Ngô Đình Diệm chết đi, thời của nền Đệ I Cộng Hòa cũng qua đi. Một xã hội độc lập tự do và hạnh phúc cũng biến mất. Miền Nam lại một lần nữa rơi vào vòng lệ thuộc Hoa Kỳ mở đường cho thảm kịch 30 tháng 4 năm 1975.[25]  Cựu Giám Đốc CIA William Colby khi nhìn lại CTVN đã tin rằng lịch sử có thể được viết lại: “Nếu để ông Diệm sống, ông Diệm sẽ có khả năng củng cố và cải tổ quyền lực, sẽ tăng triển chiến lược thôn ấp cùng với những cán bộ từng cộng tác với chế độ của ông.”[26]
Kết-luận
Bây giờ đã có đầy-đủ dữ-kiện để làm một cuộc so sánh giữa hai chế độ, Đệ I Cộng Hòa ở miền Nam và chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc nhằm chứng nghiệm giả thuyết “Có thiên thời, địa lợi nhưng thiếu nhân hòa thì độc lập và chủ quyền quốc gia và các lý tưởng, tự do, hạnh phúc cũng chỉ là những quan niệm vô nghĩa”.
Năm 1954, Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh cũng được Hiệp Định Genève trao cho giải giang sơn từ phía Bắc Vỹ-tuyến 17 đến ải Nam Quan. Họ có được thiên thời và địa lợi giống như­ phe người quốc gia dưới sự lãnh đạo của Ông Ngô Đình Diệm. Khi có được một giang sơn độc lập rồi, ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN đã làm gì để bảo vệ giang sơn và phát triển dân sinh? Đầu tiên, họ lập ra một chính phủ và một hiến pháp qui định ĐCSVN được độc quyền cai trị (điều 4). Như vậy mục tiêu tối hậu của ĐCSVN đánh đuổi thực dân Pháp, lấy lại độc lập quốc gia là để nắm chính quyền và thực hiện giấc mơ độc quyền cai trị. Chính quyền độc đảng này đã sử dụng một guồng máy công an cảnh sát và khủng bố để kiểm soát dân chúng và thi hành các chính sách do ĐCSVN đ­ề ra. Tóm lại quyền lực của ĐCSVN mới là mục tiêu tối hậu của cách mạng giành độc lập. Ngược lại trong miền Nam, người quốc gia lấy tự do dân chủ và hạnh phúc của người dân làm nền tảng cho cuộc đấu tranh giành độc lập. Đặc biệt họ thiết lập nên một chính phủ phúc lợi nhằm “hữu sản hóa” để chăm lo hạnh phúc của toàn dân.
Còn chính sách phát triển dân sinh của chính phủ Hồ Chí Minh ra sao? ĐCSVN chủ tr­ương xây dựng một Xã Hội Chủ Nghĩa dựa trên hai giáo điều cơ bản, “Giai cấp đấu tranh” và “Chuyên chính vô sản”. Xin lấy hai định chế kinh tế tiêu biểu trong cuộc cách mạng vô sản làm ví dụ: Cải cách ruộng đất và hợp tác xã sản xuất. Trong cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc sau năm 1954, để xóa bỏ giai cấp địa chủ và tư­ sản và thiết lập một xã hội chuyên chính vô sản, ĐCSVN đã phải tiêu diệt 5% trên tổng số 14 triệu dân và cướp đoạt tất cả tài sản của họ cũng như của những người giầu có ở thành thị.[27] Sau đó tập họp những người vô sản thành đội ngũ, nằm trong hợp-tác-xã sản-xuất. Những người vô sản này sống dưới chế độ bao cấp và làm việc theo chỉ tiêu và hưởng theo nhu cầu. Đây là một lối sống hoàn toàn đi ngược lại văn hóa và tâm tình của ng­ười Việt Nam. Vì thế dưới chế độ độc tài chuyên chế của miền Bắc, ĐCSVN phải dùng guồng máy công an cảnh sát để kiểm soát dân chúng về mặt chính trị và hợp tác xã sản xuất kiểm soát bao tử của người dân vô sản.
Tuy các chính sách của ĐCSVN tập trung vào con người, nhưng con người trong XHCN lại không phải là cứu cánh tối hậu mà chỉ là công cụ sản xuất, phục vụ cho mục tiêu độc quyền cai trị của ĐCSVN. Cho nên chế độ Cộng Sản được mô tả là một chế độ chính trị chủ trương tập thể trên hết, đàn áp tối đa cá nhân để thực hiện ý muốn của “tập thể” và các mục tiêu của Đảng. Nhưng “tập thể” ở đây không phải để ám chỉ đại đa số người dân vô sản mà là thiểu số những đảng viên Cộng Sản. Do đó khi người Cộng Sản gọi chế độ của họ là chế độ “Dân-Chủ', phải hiểu là “Dân Chủ tập trung” (Centralized Democracy), nghĩa là quyền tự do dân chủ chỉ tập trung vào những đảng viên Cộng Sản trong bộ chinh trị trung ương. Trong một chế độ như vậy “tự do và hạnh phúc” là đặc quyền của ĐCS và nói cho chính xác là chỉ có một thiểu số rất nhỏ nằm trong Bộ Chính-trị của ĐCSVN được hưởng trọn vẹn. Đây là lý do tại sao gián điệp CS Phạm Xuân Ẩn đã di chúc “đừng chôn tôi bên cạnh mộ người CS”.
Cái “pia-fraus” hay “mưu-gian đạo-đức” này của người Cộng Sản Việt Nam được GS Nguyễn Văn Canh diễn giải như sau:
“Hai giáo điều cơ bản “giai cấp đấu tranh” và “vô sản chuyên chính” cho phép người Cộng Sản sử dụng bất luận phương tiện xấu xa nào để đạt tới mục đích của họ, nhất là sự dối trá và sự khủng bố: “Cộng-sản chỉ sống được là nhờ nói dối và khủng bố.[28]
Tóm lại, “Tại sao xã hội Việt Nam đến bây giờ vẫn chưa có tự do hạnh phúc?” Bởi vì những chính sách giáo điều của CSVN dều coi con người là phương tiện nên không hợp lòng dân. Xã Hội Việt Nam hiện nay đã có hai yếu tố “thiên thời và địa lợi” nhưng vì còn thiếu yếu tố “nhân hòa” nên khẩu hiệu của ĐCSVN “không gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn chỉ là những quan niệm trống rỗng. Và những thành quả “thần thánh” mà họ đã đạt được trong sự nghiệp “đánh Pháp và chống Mỹ cứu nước” xem ra chỉ dành cho “thánh-thần” chứ chưa giúp gì cho dân tộc Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua? Ngược lại, nền Đệ I Cộng Hòa với chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam chủ trương tôn trọng phẩm giá con người và tạo mọi điều kiện để con người phát triển đến mức độ cao và rộng nhất. Nên đó là một chế độ hợp lòng dân. Chín năm dưới chế độ Ngô Đình Diệm, đại đa số dân chúng được hưởng độc lập tự do và hạnh phúc thực sự. Cho nên nền Đệ I Cộng Hòa đã qua đi nhưng nó vẫn còn được người dân hoài niệm.[29]
Ngoài ra sự khác biệt căn bản về đời-sống của dân chúng trong hai xã hội miền Nam và miền Bắc còn biện minh cho giả thuyết “Sự hữu hiệu của một cơ cấu phần lớn là tùy thuộc vào con người nằm trong cơ cấu đó.” Con người ở đây là con người “động”, công phu “tu thân” càng cao, mức độ hữu hiệu của cơ cấu sẽ càng nhiều và ngược lại. Đặc biệt con người nằm trong cơ cấu lãnh đạo của nền Đệ I Cộng Hòa là một ví dụ cụ thể. Khi nước ta còn là một thuộc địa của Pháp, Cụ Phan Chu Trinh đã sớm nhận ra đây mới là “chính-đề” của xã-hội-hậu-thuộc-địa Việt Nam:
“Người nước ta thư­ờng tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản, thấy họ tiến thì nức nở khen, chứ không khi nào chịu xét vì sao họ được tiến tới như­ thế. Họ chỉ đóng tầu đúc súng mà được giầu mạnh hay họ còn trau dồi đạo đức, sửa đổi luân lý mới được như ngày nay?”[30]
Vai trò của “đạo đức và luân lý” trong công cuộc phát triển quốc gia mà Cụ Phan Chu Trinh đặc biệt nhắc nhở các nhà lãnh đạo Việt Nam giúp chúng ta hiểu thêm tại sao ông Ngô Đình Diệm chủ trương tái trang bị cho con người Việt Nam một tinh thần đạo đức nhằm xây dựng một chế độ dân chủ đạo đức mà theo ông đấy mới là dân chủ thực sự. Nhân ngày giỗ của hai nhân vật độc đáo trong lịch sử cận đại Việt Nam, tôi xin lập lại lời nhắc nhở của Thủ Tướng Đức, Ông Willy Brandt (1913 -1992) gởi đến thế hệ lãnh đạo tương lai như sau:
“Một quốc gia lúc nào cũng cần phải ôn lại lịch sử của mình một cách đứng đắn. Vì chỉ có những ai nhớ được những gì đã ảy ra hôm qua và hiểu những gì đang xây ra bây giờ thì mới có thể đoán biết được những gì sắp sửa xảy ra.”
TS Nguyễn Ngọc Tấn
26-10-2008



[1] Ngô Đình Diệm, 1957, Con Đường Chính nghĩa.Cuốn 3, tr.12.
[2] Năm 1953, Nga Sô đã chính thức trở thành một siêu c­ường nguyên tử lãnh đạo khối Cộng Sàn. Khrushchev đã lên tiếng đe dọa các nước tư bản, Hoa Kỳ và khối Tây âu rằng “we will bury you!” Robert Mcnamara, 1995, In Retrospect , pp.30-32.
[3] S. Karnow, 1984, Vietnam: A History USA: Penguin Books, p.202.
[4] Anthony Eden, 1960, Full Circle, London: Cassell, pp.313-337. Trong Hồi ký của Bảo Đại (tr. 519) ghi lại: “Ngày 12 tháng 7 Đại-sứ Heath (HK) cho tôi biết VN sẽ bị chia đôi. Đến đây tôi mới biết lời tuyên bố ủng hộ lập trường của VN chỉ là tượng trưng mà thôi. Tưởng là đồng minh thân tín vững vàng”. Thật ra Foster Dulles đã cho Mendes France biết kết quả ký kết trước vào ngày 17-6-1954.
[5] Memorandum for H.A. Kissinger, Washington, from Winston Lord. Subject: Memoir of your conversations with Zhou En lai, July 29, 1971. Declassified on Sept. 5, 2001, edited by Wìlliam Burr, May 26, 2006. Reproduced at the National Archive.
[6] Cũng giống như việc hình thành Hiệp Định Genève, VNCH không được bàn thảo gì trong việc thành lập Hiệp Định Paris, chỉ có Hoa Kỳ nói chuyện với Hà Nội mà thôi. Henry Kissinger đã cho Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam biết rằng bất cứ điều đình nào cũng phải là giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt, không phải giữa Sài Gòn và Hà Nội và phải diễn ra ở Paris.” ĐS Martin nói chuyện với TS Nguyễn Tiến Hưng trong Khi Đồng Minh Tháo Chạy, 2005.
[7] Peter Rodman and William Shawcross, the Defeated's Killing Fields”, New York tim.v, June 7, 20o7. Peter Rodman là Phụ Tá Bí Thư­ Quốc Phòng về các vấn đề an ninh quốc tế từ 2001 đến tháng Ba 2007, là một học giả tại Brookings lnstitution. William Shawcross là tác giả cuốn sách Why the West Had to Remove Saddam? Sol W. Sanders' comment on Obama's “Nixon Reprise” by Bret Stephens in Global View. July 8, 2008, p. A 19: He is a little gullible about what Nixon/Kissinger intended, there is Kissinger's famous “Decent lnterval”. They had brought in to the Harriman line on how abandonment of Saigon would improve the “Soviet - US détente” Just as Kissinger & Nixon had sold themselves the too-clever by half idea that the could use China against the Soviet Union. The cutofflogistics for RVN began with the Nixon/Kissinger years with their tacit approval or at least their refusal to use their influence with the congress. Hồi Ký của CLA Andrew Truly cho biết HK rất bực bội về ảnh hưởng của Nga tại Cuba và Guatemala nên khi Harriman thất bại với giải-pháp chung sống hòa bình của Krushchev” vì Kennedy bị ám sát, phe Cộng Hòa đà tiếp nối chiến lược tái lập bang giao với Trung Cộng. Sau trận Triều Tiên, ngày 24-4-1951 McArthur bị tước hết quyền chỉ huy vì có ý định tấn công Trung Cộng bằng hải và không quân. Sau này HK cũng không giúp Pháp đánh Tầu tại Điện Biên Phủ. (A. Truly, tr.235)
[8] Chính vì thế Bộ-tr­ưởng Quốc-phòng Hoa Kỳ thời TT Kennedy gọi chiến tranh Việt Nam là một “surrogate”. Nó có nghĩa là dùng CTVN để thay vào cuộc chiến tranh có thể xảy ra ở Tây Âu: Đó là chính sách của A. Harnman, “Bỏ Nam Việt Nam sẽ làm cho quan hệ Nga Mỹ tốt đẹp hơn.”
[9] Hồi-ký của G. Bidault ghi lại lời tuyên bố của TT Eisenhower rằng “ông không muốn Hoa Kỳ bị lôi cuốn vào Đông Dương và không đụng độ với Trung Cộng.” Eisenhower đã hứa giúp Pháp 3 trái bom nguyên tử để giải quyết trận Điện Biên Phủ (Kế Hoạch Ó Đen: Dùng không lực và Đệ Thất Hạm Đội Tấn Công VMCS của tướng Radford) nhưng khi Cộng Sản xuất hiện thì Bidault được thông báo là Mỹ chỉ can thiệp khi được Quốc Hội và đồng minh (Anh) chấp thuận. R. McNamara, sđd, tr.39. Chính Tổng Thống Kennedy đã từng công khai tuyên bố trước báo chí vào ngày 15-11-1963: “Hoa Kỳ không muốn gởi quân đến đó (Nam Việt Nam). Ngày 2-10-1963, ông tuyên bố quyết định rút các cố vấn huấn luyện ra khỏi Việt Nam bắt đầu từ 31 tháng 12 năm 1963 và công việc huấn luyện sẽ chấm dứt vào năm 1965.
[10] Trần Đại Hải, “Ai là chủ nhân của nước Mỹ”, Việt Luận, Giai Phẩm Xuân Mậu Tý 2008, tr. 153-155. Trong bài nghiên cứu rất súc tích về hệ thống quyền lực, ông Hải đã so sánh giai cấp cai trị Mỹ giống như­ một Board of Directors và Tổng Thống Mỹ chỉ là một CEO do họ chọn ra để đứng mũi chịu sào. Khi cần thì giữ, khi không cần thì sa thải hoặc trừ khử. Giai cấp thống trị nằm trong các đại công ty, với 2 mục tiêu duy nhất: lợi nhuận và quyền lực. Để phục vụ cho hai mục tiêu này, họ giao phó vấn đề an sinh xã hội cho các tổ chức từ thiện, tuyển dụng nhân tài từ tiếu đến đại học, điều khiển cơ quan truyền thông để tác động chính sách và cử tri, chọn ng­ười điều hành (các chức vụ từ tổng thống trở xuống). Những cơ chế họ dựng lên như Council of Foreign Relations (CFR) thành lập từ 1919 chuyên lo về đối ngoại như kế-hoạch Marshal, NATO, WB, LMF (James Baker, PTT Cheney); “Trilateral Commission” do David Rockfeller dựng lên (1973), nhóm này khởi xướng quan điểm hợp tác giữa 3 giai cấp thống trị thuộc Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản; Committee for Economic Development và các Foundations. Các viện nghiên cứu như Brooking lnstitution, Urban lnstitute, National Bureau of Economic Research, Resources for the Future, các Think Tank như RAND, Corporation, Đại Học Havard, MLT, và Georgetown . . .
[11] (“Diem must go”). Sau này khi VNCH bắt đầu di tản khỏi Đà Nẵng, Kissinger đã bực bội nguyền rủa “Sao chúng (VNCH) không chết phứt đi cho rồi”. ông ngụ ý tại sao VNCH không chịu đầu hàng, để giải pháp chính trị của ông về CTVN sớm được thực thi.
[12] Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, tr.32.
[13] M. Moyar, 2006, Opcit., p.31. Powerful non-communist groups in South Vietnam were not prepared to take orders from the newly formed central government, whereas in the North the central government's political rivals were relatively weak. The North Vietnamese needed time merely to recuperate and consolidate, while the South Vietnamese needed time to build a cohesỉve state with materials and tools that were far from ideal. Possessing a massive head start against a staggering opponent, the North Vietnamese had good reason to hope for a quick and easy victory in the looming confrontation with the Vietnamese anti-communists.
[14] Ngô Đình Diệm, 1955, Con đ­ường Chính-nghĩa, Q. 2, tr. 157.
[15] Bùi-Tín, “Một Cái Nhìn Từ Hà-Nội”, bài viết này được chính ông Bùi Tín đọc trong buổi hội thảo “Về Ngô Đình Diệm”, được tổ chức tại Đại Học Texas Tech University, ngày 24 tháng 10 năm 2003.
[16] Phỏng vấn Cụ Cao Xuân Vỹ, người hiện diện bên cạnh ông Diệm lúc ông C. Lodge điện thoại. Tháng 4, 1996 tại Long Beach California.
[17] Dr H. A. Kissinger, 2005. Ending the War.
[18] Chuyên-viên nghiên-cứu về Đông Nam Á thuộc Đại-học University of Califorma gọi Chủ Nghĩa Nhân Vị là “the middle hay between totalitananism anh excessively individualistic liberalism.” “Personalism in Vietnam”, Pacịfic ạffairs, Vol.32, no l,March 1959.
[19] Trong thời chiến tranh Việt-nam, Chủ-nghĩa Nhân-vị đã bị xuyên tạc là của Mounier với những giá-trị của Công-giáo ở Pháp. Thật ra các gía-trị nhân-bản và lý-tưởng tâm-linh Thái-Hòa nền tảng của Nhân-vị là từ Việt- Nho đã được Khổng-Tử đem ra giảng-dạy khoảng 500 năm trước khi Đức Chúa Giê-Su sinh ra và rao giảng các giá-trị nhân bản Công-giáo. Không ai bắt chước ai cả! J. Donnell cũng đã vạch rõ sự khác biệt giữa Personalism của Pháp và của Việt-nam cả về chủ-thuyết lẫn ứng dụng: Nhân-vị của Mounier chỉ là một nhận-định một quan-điểm về một cuộc-sống mà ông cho là thích hợp hơn. Trong khi Nhân-vị của anh em ông Diệm lại là một hệ-thống các giải-pháp cho các vấn-đề xã-hội. [Mounier's personalỉsm is a perspective and a challenged view oflife. Whereas Nhu’s­ personalism is a set of specific answers to social questions. (Pacific Affair, 1959)
[20] Ngô-Đình-Diệm, 1955, Con-Đường Chính-Nghĩa, q. 1, tr.32.
[21] Thông Điệp Tổng Thống: Tết 1955, Việt-Tấn-Xã, Weekly English Series (WES), Số 71, 15-2-1959, tr2-3 .
[22] Ngô-Đình-Nhu, “Tại sao chúng ta phải bảo-vệ chế-độ hiện nay.” Nói chuyện tại Bộ-thông-tin ở Sài-gòn ngày 15-11-1957.
[23] Cụ Cao Xuân Vỹ nói, “Ông Diệm rất quan tâm đến một ngày nào đó Mỹ sẽ bỏ Việt Nam, lúc đó ta chỉ còn biết trông cậy vào cái hệ thống tự túc tự cường này mà thôi. Đó chính là Ấp Chiến Lược.” Mạn đàm với cụ Cao Xuân Vỹ.
[24] Ted Serong in M. Moyar 2006, Opcit., p.207.
[25] TS Nguyễn Tiến Hưng, 2005, sđd.
[26] Wilham Colby trả lời cuộc phỏng vấn tại Phi Trường Seatac (Seattle) vào hôm Chủ Nhật cuối tháng 11, 1995. Đăng lại trong Việt-Luận,(Sydney) số 1049, 12-12-1995 .
[27] TS Nguyễn Văn Canh, 2002. Cộng-sản Trên Đất Việt, Q. 1, CA., Kiến Quốc, tr. 315
[28] TS Nguyễn Văn Canh, 2002, sđd., tr.5.
[29] Trần Viết Đại Hưng, “Bao Giờ Cho Đến . . . Ngàn Xưa”. Việt-Luận. Sydney, số 2107, 29-9-2006, tr.54 và 90. ông viết: “Có sống trong thời cộng-sản cai-trị khắt khe độc-đoán, người dân mới thấy thời xa xưa tiền cộng-sản là một thời dễ thở, sung túc, cho dù là thời Pháp đô-hộ thì vẫn còn hơn xa cái chế-độ sắt máu Cộng-sản. Thời tiền cộng sản hơn xa thời cộng sản cả về mặt tinh thần lẫn vật-chất.”
[30] Phan Chu Trinh, 1925, Đạo-Đức và Luân Lý Đông Tây.

No comments: