Saturday, September 5, 2009

Chính Đề Việt Nam (Phần III - d)

Thái độ

Chúng ta vừa phân tích xong các nguyên nhân của sự phân chia lãnh thổ ngày nay, và vừa duyệt lại các sự kiện dẫn dắt đến sự phận chia thật sự. Như thế, các yếu tố đã có, để chúng ta có thể loại bỏ bên ngoài tất cả mọi lý do tâm lý, và mọi ý định sử dụng tình trạng phân chia lãnh thổ vào một cuộc vận động chính trị, hầu khách quan ấn định một thái độ lợi nhất cho dân tộc trước sự phân chia hiện tại.

Như chúng ta đã biết, vấn đề thiết yếu mà dân tộc chúng ta cần phải giải quyết trong giai đoạn này là công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa.

Dĩ nhiên để thực hiện công cuộc đó, trường hợp thích đáng nhất là thống nhất lãnh thổ, và trên vị trí toàn quốc, khai thác mâu thuẫn giữa các khối để mang vào Việt Nam tư bản và kỹ thuật cần thiết cho nỗ lực phát triển. Nhưng vì những lý do đã xét, trong các đoạn trên, chúng ta không ở vào trường hợp trên.

Vậy thì, chúng ta phải nỗ lực thống nhất hai phần trước, rồi thực hiện công cuộc phát triển toàn quốc sau, hay thực hiện trước cuộc phát triển riêng cho hai phần và thống nhất sau?

Thái độ thứ nhất

Giả sử, chúng ta chọn thái độ trước.

Sự phân chia lãnh thổ Việt Nam như chúng ta đã biết, là hậu quả của một hiện tượng địa phương và quân sự của cuộc tranh chấp giữa Tây phương và Cộng Sản. Đã như thế thì, chúng ta đã không chủ động được sự phân chia, cũng như chúng ta sẽ không chủ động được sự thống nhất, ngày nào chúng ta chưa loại trừ được hiện tượng nói trên ra khỏi Việt Nam. Nhưng, nếu, trước khi hiện tượng đó thành hình, một sự lãnh đạo sáng suốt có thể chủ động được sự ngăn cấm hiện tượng phát sinh, bởi vì các yếu tố tạo ra hiện tượng chưa trực tiếp chi phối chính sự của chúng ta. Sau khi hiện tượng đã cụ thể hóa, chúng ta không còn chủ động được sự loại trừ hiện tượng nữa, bởi vì các yếu tố nuôi dưỡng hiện tượng đã trực tiếp chi phối chính sự của chúng ta.

Nhưng giả sử mà, mặc dầu hoàn cảnh nghiêm khắc nói trên, chúng ta vì vận dụng hết nỗ lực trong một thời gian, cố nhiên là phải lâu dài, có thể thực hiện được thống nhất, thì chẳng những sẽ tiêu hao sinh lực của dân tộc, đáng lẽ phải được dùng vào công cuộc phát triển, mà lại là cơ hội phát triển có thể không còn nữa. Nghĩa là chúng ta sẽ thống nhất mà không phát triển. Chúng ta đã biết sự lỡ cơ hội phát triển lần này sẽ di hại cho các thế hệ tương lai đến mức độ nào.

Hơn nữa, vì những lý do mà chúng ta đã biết, sự tồn tại của dân tộc cũng sẽ bị đe dọa. Và trong hiện tình chính trị, một sự thống nhất sẽ đương nhiên làm mất cơ hội phát triển.

Giả sử, sự thống nhất do Bắc Việt thực hiện, thì với sự chị phối nặng nề của Trung Cộng đối với Bắc Việt, sự phát triển dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ không thực hiện được vì hai lý do.

Công cuộc phát triển của nước Tàu, mục đích trên hết và trước hết của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, như chúng ta đã biết, là một công cuộc vô cùng khó khăn. Nếu Việt Nam dính liền vận mạng của dân tộc với Trung Cộng, thì công cuộc phát triển của chúng ta cũng trở thành vô cùng khó khăn. Hơn nữa, nhu cầu của Việt Nam trong công cuộc phát triển sẽ đương nhiên ở vào hàng thứ yếu đối với nhu cầu phát triển của Trung Cộng. Và trên phương diện Tây phương hóa, chúng ta sẽ là một thứ học trò hạng ba, sẽ dẫm chân vào những lỗi lầm không tránh được của người học trò hạng nhì.

Đó là trong trường hợp mà Trung Cộng chỉ có thiện chí đối với Việt Nam. Căn cứ trên một ngàn năm lịch sử bang giao giữa hai quốc gia, chúng ta có thể quả quyết rằng trường hợp này không bao giờ phát triển được, mà lại chúng ta sẽ tròng vào cổ dân tộc cái ách nô lệ mà tổ tiên chúng ta, trong một ngàn năm đã đổ nhiều xương máu để loại trừ.

Giả sử sự thống nhất do Nam Việt thực hiện, Việt Nam sẽ rơi vào sự chi phối của Tây phương. Các quốc gia Tây phương không có những nhu cầu phát triển. Tây phương lại đang theo đuổi một chính sách biến các cựu thuộc địa thành những đồng minh trong cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương. Những phương tiện dồi dào được Tây phương sử dụng vào các chương trình viện trợ mà chúng ta đều biết.

Nhưng, mặc dù như vậy, chúng ta cũng phải ý thức rằng, nếu chúng ta lọt vào sự chi phối hoàn toàn của Tây phương, cơ hội phát triển cũng có thể mất, bởi vì những mâu thuẫn phát sinh ra cơ hội sẽ mất đối với chúng ta.

Như thế thì, vì công cuộc phát triển của dân tộc bằng cách Tây phương hóa, mà chúng ta phải thực hiện cho kỳ được, thái độ thứ nhất nói trên đây không thể chấp nhận được

Thái độ thứ hai

Giả sử chúng ta chọn thái độ thứ hai.

Sau khi đã thừa nhận một tình trạng thực tế mà chúng ta không chủ động được, hai phần sẽ dốc hết nỗ lực của mình để thực hiện riêng công cuộc phát triển cho phần, và bằng đường lối của mình chủ trương. Cơ hội phát triển hiện nay vẫn còn vì cuộc tranh chấp Tây phương và Nga Sô chưa chấm dút, thêm vào đó cuộc tranh chấp, Tây phương, Nga Sô và Trung Cộng vừa phát sinh.

Hơn nữa, vì hai bên Tây phương và Cộng Sản đều muốn chứng minh tính cách hiệu quả của phương pháp phát triển của mình, hai phần Việt Nam sẽ đương nhiên được hưởng nhiều viện trợ kỹ thuật và tư bản.

Tuy nhiên, thái độ này sẽ không tránh được hai khuyết điểm. Hai công cuộc phát triển kinh tế và kỹ thuật, quan niệm riêng cho hai miền, cho thích nghi với nhau trên lĩnh vực toàn quốc không? Công cuộc phát triển dân tộc gồm sự thâu nhận những giá trị tiêu chuẩn mới. Nếu hai phần phát triển theo hai phương pháp khác, cô nhiên các giá trị tiêu chuẩn cũng khác nhau. Như thế, sự phát triển thành công có là một trở lực cho sự thống nhất trong tương lai không?

Khuyết điểm thứ nhất không quan hệ bởi vì một chương trình phát triển kinh tế có thể quan niệm vừa rộng cho nhiều xứ và vừa hẹp cho từng xứ. Và kinh tế và kỹ thuật mà hai phần đều thâu thập, cùng là kinh tế và kỹ thuật của Tây phương.

Khuyết điểm thứ hai, liên quan đến lĩnh vực tinh thần của công cuộc phát triển, quan hệ hơn nhiều. Và có cơ biến thành một trở lực cho sự thống nhất dân tộc sau này hơn.

Tuy nhiên, chúng ta đã chứng minh rằng một công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa không làm mất bản chất dân tộc. Như thế, mặc dầu miền Nam phát triển theo kiểu Tây phương, và miền Bắc theo kiểu Cộng Sản, hai miền vẫn không mất bản chất dân tộc.

Bài học của Nga Sô lại cho chúng ta thấy rằng, mặc dầu các giá trị tiêu chuẩn của Cộng Sản đối chọi với các giá trị tiêu chuẩn của Tây phương, nhưng các giá trị tiêu chuẩn của Cộng Sản là những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn có mục đích huy động quần chúng, hậu thuẫn cho chế độ độc tài của Đảng Cộng Sản, để thực hiện công cuộc phát triển.

Một khi mục đích phát triển đã đạt, Nga Sô, chính vì sự tồn tại của xã hội, đã bắt buộc phải thay thế những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn bằng những giá trị tiêu chuẩn thích nghi với di sản tinh thần của văn minh nhân loại.

Đã như thế thì, một khi mục đích phát triển đã đạt, một điều chắc chắn là miền Bắc sẽ thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn và các giá trị tiêu chuẩn của hai miền sẽ không khác nhau. Chỉ có một điều là, sự thống nhất chỉ có thể thực hiện được khi nào mục đích phát triển đã đạt.

Như thế thì vấn đề đã sáng tỏ. Vì sự sống còn của dân tộc, thế hệ của chúng ta phải nắm cho được cơ hội hiện tại phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa. Trong hoàn cảnh chính trị hiện tại của quốc gia, chúng ta có thể nắm được cơ hội, nếu chúng ta loại bỏ mọi xúc động tâm lý và mọi toan tính lợi dụng chính trị ngắn hạn, can đảm nhìn thẳng vấn đề phân chia lãnh thổ và nhìn nhận rằng phải tạm thời giữ nguyên tình trạng đến khi mục đích phát triển đã đạt riêng cho hai miền Nam và Bắc.

Vai trò của Miền Nam

Các đoạn phân tích trên đây còn giúp cho chúng ta nhận thức vai trò trọng yếu của Nam Việt trong giai đoạn hiện tại của lịch sử dân tộc.

Vì lệ thuộc đối với một chủ nghĩa, mà cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều sử dụng như là một phương tiện chiến đấu khả dĩ làm cho dân tộc họ, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã tạo thời cơ cho thực dân Pháp thực hiện được những thủ đoạn chính trị của họ, mà hậu quả đã đưa đến sự chia đôi lãnh thổ ngày nay.

Sự lệ thuộc nói trên và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt. Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của thân thể chúng ta.

Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.

Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trưng Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.

Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa.

Những cái vốn khác: Vốn nhân lực.

Trong một công cuộc phát triển dân tộc số lượng và phẩm lượng của nhân công đóng một vai trò quan trọng tương đương với tài nguyên của xứ sở. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu giá trị hiện hữu của vốn về nhân lực và vốn về tài nguyên của chúng ta. Chúng ta sẽ tự ý để một bên mọi chương trình tài chính và kỹ thuật để sử dụng tài nguyên và nhân lực một cách hữu hiệu đến mức tối đa trong công cuộc phát triển. Các chương trình như thế thuộc thẩm quyền các kinh tế gia.

Khuôn khổ chính trị.

Ngoài giá trị hiện hữu của vốn nhân lực và vốn tài nguyên, chúng ta cũng đề cập đến khuôn khổ chính trị, trong đó hai cái vốn trên sẽ được sử dụng một cách có lợi nhất cho dân tộc trong giai đoạn này. Khuôn khổ chính trị, như chúng ta sẽ thấy dưới đây, sẽ quy định cách thức sử dụng hai cái vốn trên và ấn định giới hạn khai thác vốn nhân lực. Trong các nước chưa phát triển như chúng ta, ngoài cái vốn tài nguyên là một thứ vốn thụ động, nghĩa là tự nó không sinh lợi được cái vốn hoạt động duy nhất mà chúng ta có thể sử dụng được hết sức rộng rãi là vốn nhân lực.

Do đó, các kinh tế gia chỉ nhìn nhận vào mục đích trước mắt là khai thác đến tận cùng cái vốn duy nhất của chúng ta có thể sử dụng được trong công cuộc phát triển dân tộc, dễ bị cám dỗ bởi những phương pháp lãnh đạo khả dĩ giúp cho họ huy động được mà không gặp trở lực cái vốn nhân lực đến mức tối đa. Phương pháp lãnh đạo thích nghi với quan niệm trên đây là phương pháp độc tài đảng trị, ví dụ như của Cộng Sản hay của Đức Quốc Xã. Sự thành công của Nga Sô, và sự có thể thành công của Trung Cộng tăng nhiều uy tín cho phương pháp trên và nhiều nhà lãnh đạo bị những phương pháp đó cám dỗ.

Phương pháp độc tài đảng trị.

Phương pháp độc tài Đảng trị dựa trên căn bản chặt hết các dây liên hệ của từng cá nhân bất cứ dưới hình thức gia đình, xã hội, tôn giáo, và văn hóa, và thay thế vào đó bằng những dây liên hệ duy nhất với một đảng chính trị duy nhất, nắm chính quyền. Từ trên căn bản đó các biện pháp được quan niệm cho mọi lĩnh vực. Cái lợi của phương pháp trên là biến mỗi cá nhân thành ra một bộ phận rất dễ sai khiến, dễ uốn nắn của một bộ máy khổng lồ nhiều khả năng nhưng cũng dễ sử dụng trong tay người lãnh đạo. Vì vậy, nhiều người lãnh đạo, khi có một chương trình vĩ đại cần phải thực hiện trong một thời gian ngắn, dễ bị cám dỗ bởi một phương pháp hấp dẫn như thế, và dễ quên rằng những phương tiện mà họ muốn sử dụng như vậy không phải là những phương tiện vô tri, nhưng là những người mà trách nhiệm của người lãnh đạo là mưu hạnh phúc cho.

Nhưng hiệu lực của phương pháp trên như thề nào, đối với công cuộc phát triển toàn diện bằng cách Tây phương hóa, mục đích mà, vì sự sống còn của dân tộc, chúng ta phải đạt cho kỳ được.

Một công cuộc phát triển bằng cách Tây phương hóa, như chúng ta đã biết, không phải chỉ giới hạn trong sự thâu thập kỹ thuật Tây phương, nhưng còn bao gồm sự thâu nhận nhiều tiêu chuẩn giá trị mới. Như thế thì, công cuộc phát triển bằng cách Tây phương hóa sẽ đương nhiên dẫn dắt đến sự cần thiết phải tìm cho xã hội được phát triển một trạng thái điều hòa mà trong đó các giá trị tiêu chuẩn mới sống chung với nhiều giá trị tiêu chuẩn cũ.

Như thế thì, tiêu chuẩn thành công hay thất bại của một công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa là sự kiện xã hội được phát triển có tìm được hay không một trạng thái điều hòa mới để bảo đảm cho sự tiến bộ của xã hội trong tương lai.

Một xã hội điển hình, đã phát triển bằng cách Tây phương hóa theo phương pháp độc tài Đảng trị Cộng Sản, là xã hội Nga Sô. Vậy xã hội Nga Sô đã thành công trong công cuộc phát triển dân tộc chưa? Nghĩa là xã hội Nga Sô đã tìm được trạng thái điều hòa mới, khả dĩ bảo đảm sự tiến hóa trong tương lai chưa? Về vấn đề vô cùng quan trọng này, trong các đoạn trên, chúng ta nhận thấy hai sự kiện.

Trước hết các giá trị tiêu chuẩn của Nga Sô, trong phạm vi lãnh đạo, bất lực trong vấn đề bảo đảm một sự lãnh đạo quốc gia liên tục, vì không thực hiện được một sự chuyển quyền điều hòa, mỗi khi phải thay đổi người lãnh đạo.

Sự kiện thứ hai là sự kiện Nga Sô, sau khi mục đích kỹ thuật của công cuộc phát triển đã đạt, đã phải thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của thuyết Các-Mác, bằng những giá trị tiêu chuẩn có tính cách di sản của văn minh nhân loại, như chúng ta đã thấy trong một đoạn ở trên. Chúng ta phải ý thức rằng một sự thay thế những giá trị tiêu chuẩn như vậy, đương nhiên, đả phá đến tận nền tảng chủ nghĩa Các-mác Lê-nin.

Đã như thế thì, chắc chắn rằng không bao giờ các nhà lãnh đạo Nga Sô chấp nhận một sự thay đổi giá trị tiêu chuẩn như trên, nếu đã không bị thực tế lịch sử dồn vào cái thế không làm sao không thay đổi được. Thực tế lịch sử đó là các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của thuyết Cộng Sản không thực hiện được một trạng thái điều hòa mới khả dĩ bảo đảm sự tiến hóa của cộng đồng.

Các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn đó, ví dụ, như chúng ta đã thấy, đề cao ái tình tự do, đả phá gia đình, phủ nhận quyền tư hữu, bài trừ tôn giáo, vân vân..., đã nhân danh quyền lợi của cộng đồng mà bóp chết cá nhân, do đó đương nhiên tiêu diệt trạng thái thăng bằng động tiền căn bản trong một cộng đồng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi cộng đồng. Trạng thái thăng bằng động tiến mất, vì hai lực lượng tương phản không còn để tạo ra một cuộc phối hợp sáng suốt. Sinh lực sáng tạo không có thì sự tiến hóa trong tương lai của cộng đồng không được bảo đảm.

Như thê thì, chính là một đe dọa đến sự tồn tại của xã hội Nga Sô, đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nga Sô phải thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của thuyết Cộng Sản.

Và như thế thì vần đề đã rõ, bài học của Nga Sô chứng minh rằng, phương pháp độc tài Đảng trị Cộng Sản không thệ bảo đảm được sự thành công của một công cuộc phát triển dân tộc toàn diện, bằng cách Tây phương hóa, như chúng ta đã định nghĩa.

Nếu bây giờ, chúng ta lại giới hạn mục đích công cuộc phát triển, chỉ trong phạm vi một sự thâu thập kỹ thuật Tây phương, thì phương pháp độc tài Đảng trị Cộng Sản, thật sự, có nhiều hiệu lực như các nhà lãnh đạo đã bị phương pháp đó cám dỗ mong tưởng không?

Tiêu chuẩn thành công hay thất bại của một công cuộc thâu thập kỹ thuật Tây phương là, như chúng ta đã biết, sự thâu thập có hay không lên được đến mức độ chế ngự được khả năng sáng tạo kỹ thuật Tây phương.

Theo tiêu chuẩn đó, các kiến thức hiện tại chưa cho phép chúng ta trả lởi đích xác câu hỏi trên, vì kỹ thuật Tây phương vẫn còn đang ở trong thời kỳ phát triển hùng mạnh và các quốc gia ngoài Tây phương vẫn còn đang nỗ lực chế ngự các kỹ thuật đó cho kỳ được.

Chúng ta chỉ có thể có hai nhận xét.

Từ khi nước Anh mở màn cho công cuộc phát triển dân tộc đến nay, trong xã hội Tây phương nhiều quốc gia đã thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật của mình. Sau Anh, nước Đức, nước Pháp, nước Mỹ, nước Ý và nhiều quốc gia nhỏ ở Bắc Âu, Tây Âu và Đông Âu đều lần lượt thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật. Các thuộc địa di dân của Tây phương như Úc châu, Tây Tây Lan và Nam Phi cũng có thể kể vào số các quốc gia trên. Trong tất cả các quốc gia trên, không có một quốc gia nào đã cần đến phương pháp độc tài đảng trị để thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật của mình.

Ngoài Tây phương, nước Nhật, nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật. Ấn Độ và Trung Hoa đang dồn nỗ lực vào công cuộc phát triển. Nghĩa là, ngoài Tây phương, nếu có quốc gia đã thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật bằng phương pháp độc tài đảng trị như Nga, thì cũng có những quốc gia như Nhật đã thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật đến một trình độ không kém, bằng một phương pháp không phải là phương pháp độc tài đảng trị.

Như thế thì, trong xã hội Tây phương, không có một công cuộc phát triển kỹ thuật nào đã được thực hiện bằng phương pháp độc tài đảng trị. Ngoài xã hội tây phương, phương pháp độc tài đảng trị không giữ độc quyền thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật.

Riêng đối với Việt Nam chúng ta, ngoài những sự kiện phân tích trên đây, chúng ta đã thấy rằng hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa dư của chúng ta không cho phép chúng ta áp dung một phương pháp độc tài đảng trị trong công cuộc phát triển của chúng ta.

Thăng bằng động tiến.

Trong căn bản, chấp nhận áp dụng phương pháp độc tài đảng trị là đã lựa chọn con đường dễ nhất, giữa hai con đường. Việc lãnh đạo một tập thể cũng phức tạp như là đời sống. Nếu đời sống nào cũng là một thăng bằng động tiến giữa lực lượng phá hoại và lực lượng kiến thiết, hay là một sự hòa hợp giữa hai khí âm và dương, thì vũ trụ cũng là một thăng bằng động tiến giữa những lực lượng có những ảnh hưởng trái ngược và chống đối nhau. Luật thăng bằng động tiến là một luật thiên nhiên của vũ trụ, áp dụng cho các hiện tượng trong thế giới minh mông và bao la của các tinh tú, cũng như cho các hiện tượng thiếu cực, và vô hình của các nguyên tử. Đời sống của nhân loại, trong mọi lĩnh vực và  trong mọi giới hạn, đều do luật thăng bằng động tiên chi phối. Vì thế cho nên, sống hợp với vũ trụ là sống theo luật thăng bằng động tiến, nghĩa là trong mọi trường hợp, trước tiên, tìm cho được hai đối tượng nào phải chịu luật thăng bằng động tiến và sau đó con đường sống là nuôi dưỡng và phát triển sự thăng bằng đã tìm thấy. Ngược lại, con đường chết, không hợp với vũ trụ là phá hủy sự thăng bằng đó.

Việc lãnh đạo một tập thể là việc giữ thăng bằng giữa những khối của tập thể, bởi vì quyền lợi của mỗi khối khác nhau, là việc giữ thăng bằng giữa nhu cầu dài hạn của tập thể và nhu cầu ngắn hạn của đời sống của các phần tử trong tập thể. Là việc giữ thăng bằng giữa sinh lực bành trướng của nội bộ và áp lực bên ngoài đưa vào. Nếu chúng ta lại nhớ rằng các thăng bằng nói trên không phải là thứ thăng bằng chết, thăng bằng tỉnh chỉ, mà là một thứ thăng bằng sống, thăng bằng động tiến, thì chúng ta nhận thức rằng lúc nào người lãnh đạo cũng phải hết sức linh động, để mỗi lúc, thay thế một trạng thái thăng bằng đã bị phá vỡ, bằng một trạng thái thăng bằng mới thích nghi với sự biến chuyển của tình thế. Và tất cả công tác trên lại phải được thi hành trong khuôn khổ một chương trình đã hoạch định, và với một mục đích bất biến.

Chúng ta có thể hình dung được một cách cụ thể công việc của người lãnh đạo bằng hình ảnh rất thông thường của người cỡi xe đạp. Người cỡi xe đạp lúc nào cũng phải dời đổi vị trí của trọng tâm của toàn bộ hệ thống người và xe đạp, để duy trì một thăng bằng luôn luôn thay đổi tùy theo tình trạng của con đường. Sự thăng bằng của người cỡi xe đạp giữ được dễ dàng khi nào xe đạp tiến tơi. Người cỡi xe đạp là hình ảnh cụ thể rất trung thành của một trạng thái thăng bằng động tiến. Lúc nào xe đạp tiến là thăng bằng còn giữ được. Xe đạp ngừng, thăng bằng mất. Có tiến tới mới có thăng bằng, có thăng bằng mới có tiến. Đó là căn bản của một trạng thái thăng bằng động tiến.

Vì những lý do trên mà chọn phương pháp độc tài đảng trị để lãnh đạo, là đương nhiên không thừa nhận sự cần thiết phải duy trì trạng thái thăng bằng động tiến, giữa nhu cầu dài hạn của tập thể và nhu cầu ngắn hạn của đời sống của những phần tử của tập thể. Chọn như thế có nghĩa là, thay vì cố gắng giữ thăng bằng giữa hai lực lượng tương phản, đã ngã hẳn về một lực lượng. Sự giữ thăng bằng động tiến bao giờ cũng khó hơn sự tự buông cho ngã về với một lực lượng.

Cũng như giữ cho xe đạp vững và tiến tới bao giờ cũng khó hơn để cho xe đạp ngã hẳn về một bên và đứng lại. Vì vậy mà chọn phương pháp lãnh đạo độc tài đảng trị với hy vọng thỏa mãn nhu cầu dài hạn của tập thể bằng cách bóp nghẹt nhu cầu ngắn hạn của nhân dân là chọn một con đường dễ, sánh với con đường, trong đó lúc nào cũng phải giữ một thăng bằng động tiến giữa hai nhu cầu nói trên.

Và đương nhiên con đường dễ không phải lúc nào cũng là con đường sống. Riêng hoàn cảnh của Việt Nam, như chúng ta đã thấy, con đường sống không phải là con đường dễ.

Lý luận trên đây lại cho chúng ta thấy rõ rằng khuôn khổ chính trị trong đó việc sử dụng cái vốn nhân lực và tài nguyên rất đỗi quan trọng. Vì vậy sau này chúng ta sẽ trở lại vấn đề này một lần nữa một cách chi tiết hơn.

Nhược điểm một: dân số ít.

Cái vốn nhân lực của chúng ta cũng là đáng kể. Theo các con số đáng tin cậy nhất, miền Bắc hiện nay có 17 triệu dân và miền Nam 14 triệu. Hơn ba chục triệu dân là xấp sỉ dân số của Nhật lúc bắt đầu Tây phương hóa. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 19, khi Nhật Bản mở cửa đón tiếp văn minh Tây phương, các lực lượng kinh tế trên thế giới, ví dụ, Anh, Pháp hay Đức đều có một dân số tương đương. Ngày nay tình thế đã khác. Sự nghiên cứu những phương pháp sản xuất kỹ thuật khả dĩ sinh lợi nhiều nhất, đồng thời với những kỹ thuật sản xuất càng ngày càng tinh vi, đã dẫn dắt đến việc tập trung các cơ sở kỹ nghệ lại thành những phương tiện sản xuất vĩ đại. Đồng thời, những khối kinh tế thích nghi với những phương tiện trên cũng bành trướng theo cùng một nhịp. Ngày nay những khối kinh tế kỹ nghệ sống mạnh được nhờ sản xuất nhiều và tiêu thụ nhiều phải là những khối to lớn như Mỹ, khối Nga hay khối Trung Cộng đang hình thành. Sự thật này hiển nhiên cho đến đỗi, ngay các khối kinh tế kỹ nghệ Tây Âu khác, đều đến một trình độ phát triển đáng kính, muốn tồn tại cũng đang phải nỗ lực hợp nhất lại thành một khối một để đương đầu với các khối kinh tế khác trên thế giới.

Trên đây lại là một sự kiện chỉ cho chúng ta thấy một lần nữa, tai hại của sự lỡ cơ hội của chúng ta, bởi vì điều kiện phát triển lúc bấy giờ ít khắc nghiệt hơn này nay. Và nếu chúng ta lại lỡ cơ hội lần thứ hai này nữa thì không cần phải nói, điều kiện phát triển sau này lại còn khắc nghiệt hơn nữa.

Nhất là nếu Trung Cộng thực hiện được công cuộc phát triển dân tộc của họ ngay trong cơ hội này, điều mà phần đông đều cho là rất có thể.

Nhược điếm hai: thiếu tính khí

Bản tính của người Việt Nam lại cần cù và chịu khó, và bẩm chất rất là thông minh. Sự khiếm khuyết về tính khí không phải là một trở lực bởi vì đó là một đức tính mà giáo dục có thể đào tạo được, trong khi khiếu thông minh là một thiên tính. Sự khiếm khuyết về tính khí do nhiều nguyên nhân lịch sử gây ra, trong số đó có những yếu tố mà chúng ta đã nhắc đến trong đoạn trên đây về vấn đề Nam tiến của dân tộc.

Ngoài ra, tình hình rối loạn ở nội bộ trong mấy thế kỷ liền là một trở lực vô cùng to tát cho sự phát triển của tính khí. Tiếp theo đó sự thống trị của Pháp, làm tan rã xã hội Việt Nam, càng thúc đẩy sự tiêu diệt tính khí của người Việt Nam. Bởi vì tính khí xây dựng, trước hết, trên căn bản của một sự tin tưởng mãnh liệt vào các giá trị tiêu chuẩn của xã hội. Các giá trị tiêu chuẩn bị mất, thì tính khí cũng không còn.

Trong đời sống của một tập thế, tính khí của mỗi cá nhân cần thiết cho tập thể hơn là các đức tính khác về lý trí kể cả bẩm chất thông minh. Nhưng chỉ có lối sống tập thể mới phát huy được tính khí, vì thế cho nên, các môn thể thao tập thể đóng góp rất nhiều vào công cuộc đào tạo tính khí.

Chúng ta càng nhận thấy sự cần thiết của tính khí đối với tập thể hơn cả các đức tính khác, khi chúng ta biết rằng các sử gia đều công nhận sự thành công của người Anh trong lịch sử là nhờ tính khí mà nền giáo dục đã hun đúc cho họ được đến một cao độ hiếm có, và được phổ cập rộng rãi trong đại chúng.

Vì thế cho nên, vấn để đào tạo tính khí là một nhiệm vụ vô cùng khẩn yếu cho công cuộc giáo dục của chúng ta lúc này. Trong công cuộc Tây phương hóa, sự thâu thập các kiến thức của văn minh Tây phương là một điểm quan trọng như thế nào chúng ta đã biết. Nếu phải cần một mức để so sánh, chúng ta có thể nói rằng nhiệm vụ đào tạo tính khí cho nhân dân lại còn quan trọng hơn nhiệm vụ truyền bá những kiến thức mới của Tây phương.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng một nhược điểm chính của cái vốn nhân lực chúng ta là sự thiếu kỹ thuật trong mọi lĩnh vực. Sở dĩ vấn đề trang bị về kỹ thuật không được đặc biệt đề cập đến trong đoạn này, là vì công cuộc Tây phương hóa đương nhiên gồm sự trang bị về kỹ thuật đối với cái vốn nhân lực của chúng ta.

Nhược điểm ba: vô tổ chức

Nhược điểm thứ ba của cái vốn nhân lực của chúng ta là sự vô tổ chức.

Như chúng ta đã thấy, ở trên, trong đoạn nói về hậu quả của cuộc Nam tiến của chúng ta, nhân dân Việt Nam, nhất là ở Nam miền Trung và miền Nam, thiếu tinh thần sống tập thể, bởi vì tổ chức hạ tầng của chúng ta không có. Đó là một nhược điểm vô cùng tai hại bởi vì tập thể quốc gia cần đòi hỏi ở người dân một tinh thần tập thể mà không ai hun đúc cho họ trong mấy thế kỷ.

Chúng ta không bàn đến sự tổ chức quần chúng chặt chẽ, như một tổ chức quân đội, theo lối Cộng Sản. Mục đích của Cộng Sản vượt xa sự đưa quần chúng vào khuôn khổ một lối sống tập thể, bởi vì Cộng Sản nhắm trước tiên mục tiêu chặt đứt hết dây liên hệ của người dân, trên các lĩnh vực gia đình, xã hội và tôn giáo, thay thế vào đó bằng những dây liên hệ duy nhất của đảng, để biến người dân thành một bộ phận hoàn toàn dễ điều khiển của một bộ máy chung mà họ là những người sử dụng.

Không nói chi đến hình thức tổ chức cực đoan đó, ngay đến hình thức tổ chức tôn trọng tự do cá nhân đến đỗi, nhiều người quen gọi nó là tự do phóng túng, của nhiều quốc gia Tây phương, chúng ta cũng không có. Ngoài một hệ thống hành chánh, thời kỳ thống trị của đế quốc Pháp đã để lại cho chúng ta một xã hội hoàn toàn vô tổ chức. Chính cái tổ chức, có vẻ chặt chẽ, của các làng mạc của chúng ta ở miền Bắc cũng bị lung lay đến tận gốc rễ. Ngoài tổ chức gia đình ra, người dân Việt Nam, lúc bấy giờ, không còn biết một tổ chức xã hội hay chức nghiệp nào nữa. Song song với một xã hội vô tổ chức và rời rạc, một hệ thống hành chánh chuyên phục vụ quyền lợi của kẻ thống trị. Đó là một phác họa thô sơ nhưng xác đáng của xã hội chúng ta.

Trong hoàn cảnh vô tổ chức như vậy, không có một công tác gì của tập thể có thể thực hiện được. Nếu ngày nay, chúng ta bắt tay vào một công cuộc vĩ đại, như công cuộc Tây phương hóa để phát triển dân tộc, chắc chắn chúng ta không thể làm gì được với tình trạng vô tổ chức đó. Và công việc đầu tiên mà chúng ta phải làm trước khi bắt tay vào công cuộc Tây phương hóa là tổ chức cái vốn nhân lực của chúng ta.

1 comment:

THUAN ANH said...

ko còn từ nào để khen.